Cảm nhận tám câu đầu trong bài thơ Việt Bắc - Tố Hữu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Whiskey, 10 Tháng mười 2021.

  1. Whiskey Whiskey

    Bài viết:
    45
    ĐỀ BÀI: Cảm nhận khổ thơ sau trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Từ đó nhận xét về tính chất thơ trữ tình chính trị của đoạn thơ:

    "- Mình về mình có nhớ ta

    Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

    Mình về mình có nhớ không

    Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

    - Tiếng ai tha thiết bên cồn

    Buâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

    Áo chàm đưa buổi phân li

    Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.."

    BÀI LÀM:

    Vào những năm 1932 - 1945 trước Cách mạng tháng Tám, trên cánh đồng thơ ca Việt Nam liên tục nhận những làn gió của thơ mới thổi qua với những tên tuổi nổi tiếng như Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, họ loay hoay thể hiện cái tôi trong thơ lãng mạn của mình, họ đi tìm cấu tứ mới, chất liệu mới, thi liệu mới và ta gọi họ là "những nhà thơ mới". Mặc dù trưởng thành ở giai đoạn này nhưng nhà thơ Tố Hữu ông lại không viết thơ mới, mà trái lại lại hướng đến vẻ đẹp của thơ ca truyền thống. Người thì gọi ông là nhà thơ mang hồn thơ của dân tộc, người thì gọi ông là nhà thơ mang lẽ sống lớn, tư tưởng lớn, còn có những người lại gọi ông là cánh chim đầu đàn của thơ ca Cách mạng Việt Nam. Ông đem văn chương như một thứ vũ khí trên mặt trận văn hóa văn nghệ. Trong đó "Việt Bắc" được coi là đỉnh cao trong sự nghiệp thơ Tố Hữu. Là tác phẩm nổi bật cho văn học giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Đoạn trích trên nằm ở tám câu đầu của văn bản, đã khắc họa rõ nét khunng cảnh chia tay thân tình, đầy nuối tiếc của người cán bộ kháng chiến với những người dân Việt Bắc. Có thể nói rằng, đoạn thơ mang tiêu biểu cho tính chất thơ trữ tình, chính trị của Tố Hữu.

    "Mình về mình có nhớ ta

    * * *

    Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.."

    Ông khẳng định tài năng của mình ở phong cách sáng tác trữ tình, chính trị sâu sắc. Ông bày tỏ cảm xúc, lưu giữ những tình cảm của mình qua những sự kiện lớn lao, trọng đại của dân tộc. Đồng thời lồng ghép trong các tác phẩm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn nhưng lại không hề khô khan, mà lại mang giọng điệu tâm tình, ngột ngào và mang tính dân tộc đậm đà. Vào tháng 7 năm 1954 khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc. Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng. Tháng 10 năm 1954, người cán bộ từ "thủ đô gió ngàn" Việt Bắc trở về tiếp quản "thủ đô ánh sáng" Hà Nội, chia tay nhân dân Việt Bằc. Nhân sự kiện lịch sử có tính thời sự này, Tố Hữu viết bài thơ Việt Bắc trong tập thơ cùng tên được nhớ đến như một bản tổng kết kháng chiến chống Pháp trường kì gian khổ. Nhưng lại vừa là lời gợi nhắc về những kỉ niệm, ân tình cách mạng cùng với sự chia tay đầy nuối tiếc của những người cán bộ kháng chiến với nhân dân Việt Bắc.

    Tám câu thơ đầu hay dòng tâm trạng bâng khuâng, bịn rịn khi giờ chia ly đã điểm, đậm tô ân tình cách mạng của người đồng bào miền núi với cán bộ, chiến sĩ. Thể thơ lục bát khiến câu thơ mềm mại, điệu thơ trầm bổng, kết hợp với vần phong phú, nhịp đều đặn gợi trạng thái muôn vàn trong tâm hồn người ở, kẻ đi. Kết cấu đối đáp, cách xưng hô "mình, ta" quen thuộc xuất hiện trong ca dao giao duyên buổi tự tình, hò hẹn của chàng- nàng, mận- đào, mở ra bầu không khí tâm tình, giọng tình thương mến, ngọt ngào. Đoạn thơ nói tình cảm chính trị mà không hề khô khan, thể hiện một mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa người cán bộ cách mạng và người dân Việt Bắc.

    Tố Hữu đã khéo léo mang sắc thái tình cảm đôi lứa vào tình nghĩa quân dân. Chính điều đó đã mang lại cho người đọc cảm nhận bốn câu đầu bài thơ Việt Bắc với một tâm trạng xúc động và quyến luyến như đang hòa nhập vào chính nhân vật "mình", là lời của người ở lại hay nhân dân Việt Bắc nói với người ra đi hay người cán bộ kháng chiến.


    "Mình về mình có nhớ ta

    Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

    Mình về mình có nhớ không

    Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?"

    Tác giả mở đầu bằng một câu hỏi mang âm hưởng ca dao, tình yêu: "Mình về mình có nhớ ta". "Mình về" là hoàn cảnh để người ở lại bộc lộ nỗi niềm. "Về" gợi đến sự chia li, đó là sự chia li của người ra đi và người ở lại. Về mặt kết cấu câu thơ thì "mình" đứng ở đầu câu, còn "ta" đứng ở cuối câu thơ. Nó gợi lên cái khoảng cách giữa "ta" và "mình". Nỗi niềm gợi lên qua câu hỏi ấy của người ở lại là nỗi nhớ, tình cảm của người ở lại hướng tới người ra đi. Đứng giữa câu thơ là một từ "nhớ", nó làm cho "mình" và "ta" dường như được xích lại gần nhau hơn. Cơ sở tạo nên nỗi nhớ ấy là: "Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng". Câu thơ phảng phất âm hưởng của thơ Kiều, nhưng từ âm hưởng đó lại vang lên nỗi niềm tình cảm của những con người trong một thời kháng chiến. "Mười lăm năm ấy" gợi đến một quãng thời gian khó khăn, một thời đau thương, mất mát. Tuy vậy, dường như tất cả mất mát đau thương ấy chìm đi, đọng lại trong câu thơ chỉ còn là tình cảm "thiết tha mặn nồng". Đó chính là sự gắn bó thân thiết, tình cảm chia bùi sẻ ngọt trong "mười lăm năm ấy" giữa "ta" và "mình". Bởi vậy, hỏi nhưng cũng chính là để bộc lộ tình cảm và hỏi chính là thể hiện mong muốn người ra đi cũng có tình cảm như chính mình. Nỗi nhớ, niềm thương da diết trong lòng người ở lại không chỉ ở bên trong những câu hỏi mà còn kín đáo thể hiện nghệ thuật điệp. Hàng loạt điệp từ, điệp cấu trúc đan kết vào nhau khiến điệu thơ da diết, quyến luyến, hằn sâu một nỗi nhớ thương. Đặc biệt là từ nhớ điệp lại bốn lần. Có phải chăng nhớ thương như lớp sóng biển dào dạt, vô hồi, vô hạn?

    Đến câu thơ thứ ba cũng là một câu hỏi. Câu hỏi: "Mình về mình có nhớ không" cũng có sự lặp lại gần giống câu thơ đầu. Tuy vậy, đối tượng hỏi không chỉ còn bó hẹp trong mối quan hệ giữa "ta - mình" và nỗi nhớ dường như không còn chỉ hướng tới "ta", mà nỗi nhớ đó đã hướng vào đối tượng rộng lớn hơn rất nhiều, đó chính là không gian "núi rừng" và "sông nguồn". Câu hỏi gợi về không gian có "núi", có "nguồn" ở núi rừng Việt Bắc. Đây chính là không gian quen thuộc gắn với người ở lại và cũng gắn bó với cả người ra đi. Không gian đó với người ra đi và người ở lại không còn là không gian vô hồn, vô cảm mà là không gian chứa đầy kỉ niệm, nó góp phần tạo nên tình cảm cho người ra đi. Ở trong câu thơ xuất hiện nhiều lần hai động từ chỉ hành động "nhìn" và "nhớ". Một hành động tác động vào thị giác, một hành động tác động vào tâm tưởng; một hành động hướng tới hiện tại, một hành động hướng về quá khứ. Sự đan xen giữa các hành động đó mà người ở lại đưa ra là để muốn nhắc nhở người ra đi sống ở hiện tại đừng quên về quá khứ, sống ở miền xuôi đừng quên miền ngược, đừng quên về những kỉ niệm của một thời đã qua. Đó chính là mong muốn của người ở lại nhắn nhủ tới người ra đi. Trước khi mong muốn người ra đi để nhớ thì người ở lại đã thể hiện nỗi nhớ của mình. Nỗi nhớ đó biểu đạt trực tiếp qua động từ "nhớ" xuất hiện nhiều lần ở khổ thơ, càng về cuối thì từ "nhớ" xuất hiện càng nhiều đã thể hiện cường độ nhớ ngày một tăng và nó đã tạo nên âm hưởng chủ đạo cho bài thơ. Đó là âm hưởng nhớ thương, ân tình tha thiết.

    Bốn câu thơ đầu chỉ với hai câu hỏi, nhưng chủ yếu là để giãi bày tình cảm và để mong muốn người ra đi cũng có tình cảm như chính mình, bởi giữa hai đối tượng đó có sự gắn bó khăng khít trong một thời kháng chiến và một vùng kháng chiến. Để rồi từ đó, người ra đi đáp lại người ở lại bằng bốn câu thơ:


    "- Tiếng ai tha thiết bên cồn

    Buâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

    Áo chàm đưa buổi phân li

    Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.."

    Người ở lại đặt ra câu hỏi nhưng người ra đi không trực tiếp trả lời câu hỏi đó mà thay vào đó người ra đi thể hiện tình cảm lưu luyến, bịn rịn trong buổi chia tay. Ấn tượng ban đầu đã tác động đến người ra đi: "Tiếng ai tha thiết bên cồn". "Ai" là đại từ không xác định. "Ai" có thể là nhân vật đang xuất hiện trước mắt người ra đi, quen thuộc với người ra đi - một con người cụ thể xuất hiện "bên cồn" trong buổi chia li. "Ai" có thể là bất cứ người dân Việt Bắc đã cùng sống, cùng làm việc, cùng sinh hoạt với người ra đi. Dù hiểu theo cách nào thì ấn tượng tác động đến người ra đi là âm thanh tiếng nói tha thiết - đó chính là âm thanh rất đỗi ngọt ngào, thiết tha, sâu lắng. Và âm thanh đó dường như gọi về biết bao kỉ niệm, biết bao buổi trò chuyện tâm tình và âm thanh đó gọi về mối tình keo sơn gắn bó thân thiết giữa người ở lại với người ra đi. Chính âm thanh đó đã khiến cho người ra đi "Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi". Từ láy "bâng khuâng" diễn tả tâm trạng lưu luyến, có chút buồn, hụt hẫng, trống trải của người cách mạng. Từ láy "bồn chồn" vừa diễn tả được những cung bậc tình cảm xúc động bịn rịn, vừa diễn tả được hành động thấp thỏm, đứng ngồi không yên của người cán bộ cách mạng. Dường như người cán bộ cách mạng chân bước ra đi mà lòng thì vẫn muốn còn ở lại. Phải những ai đã từng sống trong cuộc chia tay mới có thể thấu hiểu, cảm nhận được hết những cung bậc tình cảm của người cán bộ cách mạng khi phải rời xa Việt Bắc. Câu thơ ngắt nhịp 4/4 với hai vế tiểu đối trong tương quan đối lập giữa bên trong và bên ngoài. "Trong dạ" thì "bâng khuâng" còn hành động bên ngoài biểu hiện sự "bồn chồn" thấp thỏm của người ra đi, nhưng lại có sự tương đồng trong cảm xúc và hành động. Chính vì cảm xúc "bâng khuâng" thì mới có hành động "bồn chồn" đó được. Câu thơ mang ý nghĩa rất tiêu biểu cho tình cảm của con người lúc chia tay

    Cặp thơ lục bát được tác giả góp thêm một chút nhịp điệu, như một đảo phách trong âm nhạc. Trong cảm nhận của người ra đi, một hình ảnh bình dị, quen thuộc thường xuất hiện trong cuộc sống đời thường đó là hình ảnh "áo chàm". Hơn thế nữa chiếc "áo chàm" gợi đến sắc màu bền bỉ khó phai. Tác giả sử dụng hình ảnh hoán dụ "áo chàm" để chỉ người dân Việt Bắc và bởi vậy nói "áo chàm đưa buổi phân li" là nói về cuộc chia tay đầy lưu luyến giữa người Việt Bắc với người cách mạng. Mượn hình ảnh "áo chàm" dường như tác giả muốn nói đến tình cảm thủy chung sắt son khó phai mờ của người dân Việt Bắc với người chiến sĩ cách mạng. Và ấn tượng đậm nét nhất với người ra đi chính là hành động "Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay..". Trước tiên là hành động "cầm tay nhau" là hành động quen thuộc và rất đẹp của những ai khi chia li, nó thể hiện tình cảm gắn bó thân thiết và đồng thời thể hiện sự lưu luyến giữa kẻ ở người đi. Đôi bàn tay của những con người cầm súng ấm ấp, nâng niu đôi tay của những người lao động. Những đôi tay vất vả, sờn lên vì những khó khăn khác nhau, nhưng giờ phút ấy, đôi ta đều chung một nỗi tâm tình. Họ cầm tay nhau trong tâm trạng nghẹn ngào, vì thế không nói lên lời. Dấu ba chấm xuất hiện cuối dòng thơ như nốt nặng không lời, nhưng chính nó lại quý giá hơn rất nhiều những lời nói thường ngày bởi cái cầm tay đã nói lên tất cả những lưu luyến, bịn rịn. Câu thơ kết lại đoạn thơ có nhịp thơ thay đổi khác thường. Hình ảnh giàu tính gợi hình, gợi cảm xúc, chẳng cần phải giãi bày nhiều vì có quá nhiều điều muốn nói, nhưng lại chẳng biết bắt đầu từ đâu. Nỗi lòng ấy, xin người để "ta" chôn chặt trong tim nhưng tình cảm sẽ sống mãi trong khoảnh khắc "cầm tay" ấy.

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem


    Đoạn thơ trên tiêu biểu cho tính chất thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu. Không chỉ vẽ nên những cung bậc cảm xúc hết sức đa dạng, sâu lắng của người đi kẻ ở. Mà kết hợp với nhịp thơ nhẹ nhàng, du dương lại vừa sáng tạo ý mới, hình ảnh mới, diễn đạt tình cảm, sự kiện thời đại phản ánh quy luật kế thừa, cách tân nghệ thuật để diễn tả một cách trọn vẹn, khéo léo những tình cảm chân thành ấy đã cho thấy tài năng nổi bật của Tố Hữu trong số những thi sỹ tài hoa của Việt Nam.
     
    hajuv, ngoc anh 8899, TQHUY17 người khác thích bài này.
    Last edited by a moderator: 1 Tháng mười một 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...