Nay rảnh nên chuyển sang văn học lớp 12, tập trung trong việc phân tích, cảm nhận các tác phẩm văn học dưới góc nhìn từng là một học sinh của Ân thôi! Một bài gồm đầy đủ mở bài, thân bài, kết bài và mong là bài viết của mình sẽ có ích cho các bạn tham khảo cũng như ôn thi hiệu quả, dễ thở hơn trong việc học văn. Khi viết cảm nhận một tác phẩm thì mình sẽ phân ra từng phần vì một tác phẩm sẽ cần cảm nhận từ 1 đến 2 nhân vật, hoàn cảnh.. và không phải tác phẩm nào mình cũng sẽ cảm nhận. Trước khi phân tích nhân vật, mình sẽ tóm tắt sơ lược tác phẩm, bố cục và những ý chính mà một người học văn thay vì nhồi cả đống chữ thì việc nhớ và chú ý cũng sẽ dễ triển khai hơn nhé! Cuối cùng mình sẽ tập trung cảm nhận trước những tác phẩm văn học chưa thi trong kì thi thpt Quốc gia (2021-2022) 1. Truyện ngắn Vợ Nhặt - Kim Lân * Tác giả Kim Lân (1920-2007) - Là cây bút chuyên viết truyện ngắn - Những tác phẩm truyện ngắn của ông thường viết về nông thôn và người nông dân - Những trang viết của ông vô cùng đặc sắc về những phong tục và đời sống làng quê được gọi là "thú đồng quê", "phong lưu đồng ruộng".. *Tác phẩm - In trong tập "Con chó xấu xí" được xuất bản năm 1962 *Nhan đề - Nói lên cái tình cảnh khốn cùng, thân phận rẻ rúng của con người trong nạn đói năm 1945 - Lên án tố cáo Xã hội thực dân phong kiến đã đẩy con người vào tình cảnh thê thảm ấy Đó là những ý mình tóm tắt và bản thân mình thường sẽ nhớ kĩ phần tác giả, thật kĩ (2 ý đầu trong phần tác giả ý). Để khi mà không biết triển khai bài như thế nào thì còn mở bài biết ý mà làm. Cái thứ 2, mình sẽ làm là đọc tác phẩm. Nhiều bạn rất "ngán đọc, không thèm đọc luôn ý" nhưng mình chỉ khuyên các bạn hãy đọc một lần, một lần thôi để biết trong mấy các tác phẩm văn xuôi này có những nhân vậ t nào cần tập trung phân tích, cảm nhận. Không là nhầm lẫn: "Ơ! A Sử với A Phủ ai là người bắt Mị! Ai trói Mị!", "Xuân Quỳnh là nam nhà thơ" trong khi là nữ.. viết lẫn lộn. Hehe thế là hết! Mới mở bài thôi là tạch sông rùi! Với tác phẩm "VỢ NHẶT" sẽ tập trung vào 3 nhân vật Nhân vật Tràng Nhân vật Vợ Nhặt (Người đàn bà không tên) Nhân vật Bà Cụ Tứ 1/ Nhân vật Tràng Chú ý nhân vật này thường tập trung về 2 vấn đề: * Ngoại hình, hoàn cảnh sống và con người anh Cu Tràng - Ngoại hình: Thô kệch, xấu xí - Hoàn cảnh sống: Thiếu thốn, là dân ngụ cư, làm nghề kéo xe bò thuê - Con người: Nhân hậu, thương người . * Tâm trạng của Tràng khi có vợ - Khi Tràng quyết định đưa người đàn bà về + Tràng cảm thấy "chợn" => lo lắng, sợ cho tương lai. + Nhưng rồi Tràng cũng "Chậc, kệ" => liều lĩnh nhưng đó là cái khao khát mãnh liệt về một hạnh phúc gia đình + Trên đường về nhà: "phớn phở khác thường" => hạnh phúc, mọi người trong xóm Ngụ Cư cảm thấy khác thường + Giới thiệu vợ với bà Cụ Tứ=> Tràng bày tỏ thái độ trân trọng, nâng niu với người vợ Tràng "nhặt" được. - Sáng sớm hôm sau, Tràng thay đổi trong nhận thức và hành động + Thay đổi trong nhận thức, tình cảm: Tràng nhận thấy những đổi thay trong lòng mình "trong người êm ái", "lửng lơ như người từ trong giấc mơ đi ra". + Thay đổi trong hành động: " Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì đó góp phần tu sửa lại căn nhà ". Nói theo suy nghĩ của mình thì với nhân vật này thì bộ sẽ ra 3 kiểu đề: Cảm nhận nhân vật Tràng qua 1 đoạn trích, qua tác phẩm (dạng đề này phổ biến, thường sẽ không phải nhớ dẫn chứng nhiều vì nó có trên đề đa phần rồi nhưng cái chú ý là các bạn phân biệt đoạn trích này nằm ở phần nào tác phẩm, tập trung thể hiện phẩm chất nào của nhân vật, bám sát hoàn cảnh thôi) Tâm trạng của Tràng khi có vợ hoặc tâm trạng của Tràng buổi sáng hôm sau khi có vợ Cảm nhận sự thay đổi của Tràng trước khi có vợ và sau khi có vợ (đề này không ra, bộ mà làm khó là tạch nhiều à! Nhưng liệt kê vô cho đủ thường thì so sánh giữa tâm trạng thay đổi của nhân vật trong hoàn cảnh) Làm đề đầu tiên thôi nhé! Hiểu và làm cái dạng đề bộ hay ra nhất thì mình nắm chắc ý là dù nó ra đoạn nào mình cũng không sợ. Nói vậy thôi, chứ lúc tui thi rung lắm, sợ quên ý! HeHe! Tui cảm nhận, phân tích 1 nhân vật trong một tác phẩm và như đã nói bộ ít khi ra một bài cho học sinh phân tích hết từ đầu tới cuối lắm. Thường là trích đoạn.. Đề bài: Cảm nhận nhân vật Tràng qua truyện ngắn "Vợ Nhặt" của Kim Lân Bài làm Mở bài: Kim Lân là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn về nông thôn và người nông dân. Ông đã để lại cho nền văn học nước nhà nhiều tác phẩm đặc sắc. Tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Kim Lân là "Vợ Nhặt", phản ánh tình cảnh nghèo đói của nhân dân ta, những kiếp người khốn khổ bần cùng trong nạn đói năm 1945. Trong "Vợ Nhặt" Kim lân đã xây dựng thành công nhân vật Tràng nhân hậu - một người đàn ông nghèo khổ tiêu biểu cho những người nghèo khổ khác luôn khao khát mãnh liệt được hạnh phúc và một mái ấm gia đình. Truyện ngắn "Vợ Nhặt" lấy bối cảnh là nạn đói năm 1945 và cụ thể là ở một xóm ngụ cư tiêu điều xác xơ. Tình huống truyện ở đây là việc anh Cu Tràng có vợ nhưng không phải là được hỏi cưới, sính lễ đàng hoàng mà là vô tình Tràng "nhặt" được về. Qua tình huống đặc biệt này, nhà văn đã đi sâu vào tâm lí nhân vật từ đó làm nổi bật những phẩm chất tốt đẹp của những phận người thấp cổ bé họng, túng quẩn trong cái nghèo, cái đói. Thân bài: A/Ngoại hình, hoàn cảnh sống, con người Tràng Để làm nổi bật cái tư tưởng ấy, nhà văn Kim lân đã lựa chọn khắc họa nhân vật Tràng xuyên suốt trong tác phẩm. Mở đầu với những đường nét miêu tả nhà văn khiến người đọc hình dung được hình ảnh của một người đàn ông có ngoại hình to lớn với những nét thô kệch như một sự đẽo gọt sơ sài của hóa công: "Hai con mắt nhỏ tí", "hai bên quai hàm bạch ra", "vừa đi vừa nói lảm nhảm những điều mình nghĩ", "tủm tỉm cười một mình..". Lời nói thì lại thô kệch: "Rích bố cu", "làm đếch gì có vợ". Còn hoàn cảnh sống của Tràng thì lại nghèo khổ, thiếu thốn. Tràng làm nghề kéo xe bò thuê, cuộc sống bấp bênh không ổn định và Tràng còn là dân ngụ cư, sống cảnh mẹ góa con côi, đơn lẻ tội nghiệp. Chính vì những điều này đã ngăn cản anh đến với hạnh phúc trong hoàn cảnh của một xã hội bình thường. Thế nhưng ẩn đằng sau những nét thô kệch của ngoại hình, cái nghèo khổ của hoàn cảnh sống là một tấm lòng nhân hậu, tốt bụng, tính cách thật thà hiền lành của một con người luôn khao khát yêu thương và hạnh phúc gia đình. Tấm lòng nhân hậu của Tràng được thể hiện khi tính cách anh chẳng khác gì được lũ trẻ con. Mỗi lần Tràng đi làm về, trẻ con trong xóm lúc nào cũng "ùa ra vây lấy hắn, reo cười". Không những thế, Tràng không tính toán, suy nghĩ cũng đơn giản khi nhìn thấy người phụ nữ tội nghiệp, anh thấy thương "nhìn thị hôm nay rách quá..". Trong cảnh đói khát, mình cũng chẳng dư dật gì, nhưng Tràng vẫn sẵn lòng đãi người đàn bà mới quen biết bốn bát bánh đúc. Không xua đuổi, coi khinh khi người đàn bà đi theo về. Anh đã chấp nhận, đùm bọc, cưu mang người đàn bà mà không so đo, tính toán. Tất cả chưa dừng lại khi tấm lòng nhân hậu của Tràng lại được thể hiện qua ba việc trước khi anh đưa người đàn bà về nhà: Đưa người đàn bà vào chợ mua cái thúng và vài thứ lặt vặt, ăn một bữa cơm và mua chai dầu về thắp sáng. Những hành động từ một Cu Tràng tuy thô kệch bên ngoài nhưng lại luôn ẩn chứa một tấm lòng, một nổ lực vượt lên hoàn cảnh để vun vén cho hạnh phúc bất ngờ tình cờ anh có. b/Tâm trạng và hành động của Tràng khi có được vợ Lời văn miêu tả tinh tế, mộc mạc không kém phần sinh động nhà văn Kim Lân đã khắc họa sâu sắc tâm trạng của Tràng từ khi quyết định đưa người đàn bà về làm vợ. Chỉ với bốn bát bánh đúc, vài câu nói đùa, hai bận "gặp tầm phơ tầm phào", thế mà Tràng quyết định để người đàn bà kia theo mình về làm vợ. Lúc đầu Tràng cũng "chợn", lo lắng cho hiện tại và tương lai khi cái đói đang tràn tới "Thóc gạo này đến cái thân mình chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bồng". Đó là tâm trạng của một người khi bị đẩy vào thế khốn khó, bế tắc nhưng rồi Tràng cũng tặc lưỡi "chậc, kệ". Mới nhìn có vẻ đó là một quyết định liều lĩnh với sự kiện trọng đại của cả một đời người, nhưng điều đó đả thể hiện niềm khao khát mái ấm gia đình đến cháy bỏng trong lòng người đàn ông nghèo khổ thô ráp này. Cái tặc lưỡi đó chính là sự đánh cược của Tràng với cái đói, cái chết để được hạnh phúc, yêu thương. Chính câu nói có vẻ phớt đời "Làm đếch gì có vợ" lại thể hiện tận sâu thẳm trong trái tim Tràng một sự thật với niềm khao khát cháy bỏng ấy. Dù đó là người vợ Tràng nhặt về, cho chị ta miếng ăn nhưng Tràng không coi khinh, xua đuổi. Trái lại, Tràng đưa vợ về trong tâm trạng phấn chấn, hân hoan của một người tìm thấy hạnh phúc. Sự hạnh phúc của Tràng còn được nhìn thấy "Mặt hắn có một vẻ gì phớn phở, khác thường. Hắn tủm tỉm cười một mình, hai mắt thì sáng lên lấp lánh". Hàng loạt từ ngữ gợi tà những niềm vui hạnh phúc đang dâng trào trong lòng Tràng. Nụ cười được miêu tả ở nhiều cung bậc: Miệng cười, mắt cười, cả gương mặt ẩn dấu nụ cười hạnh phúc. Hắn hạnh phúc, đang hạnh phúc và những cảm xúc ấy tràn ra ngoài không thể nào che dấu và bản thân hắn cũng không muốn dấu. Hắn khoe khoang hạnh phúc ấy cho mọi người rằng hắn có vợ, có hạnh phúc và mái ấm gia đình. Nhưng cảm động nhất, đáng quý nhất là cách Tràng giới thiệu người đàn bà ấy với bà cụ Tứ "kìa nhà tôi nó chào u", "Nhà tôi mới về làm bạn với tôi.. phải duyên phải kiếp với nhau..". Tràng thể hiện thái độ trân trọng yêu thương, nâng niu, thấu hiểu đã xóa tan những cái tủi hờn, thấp bé trong thân phận của người vợ nhặt. Hạnh phúc đã biến người đàn ông thô vụn thành một người tinh tế, sâu sắc nhiều cảm thông. c/Tâm trạng của Tràng buổi sáng hôm sau Tâm trạng của Tràng trong buổi sáng đầu tiên thật tinh tế, sâu sắc, nhiều cảm thông. Đó là thời điểm ở anh đã có những sự thay đổi lớn về nhận thức và tình cảm. Tràng đã nhận thấy những đổi thay của lòng mình: "Trong người êm ái, lửng lơ như người từ trong giấc mơ đi ra". Và dường như chính Tràng cũng chưa tin được những điều đang đến với mình là sự thật. Nó như là một giấc mơ mà có lẽ anh chưa từng dám mơ trong cuộc đời nghèo khó của mình. Tràng nhận thấy ngôi nhà có bao điều "thay đổi mới lạ" mà rất đổi bình dị. Niềm vui của anh đến từ tấm lòng khao khát có tổ ấm gia đình, những cảnh tượng thay đổi đơn giản cũng làm anh cảm động. Cảnh gia đình bình yên thân thuộc đã làm anh xúc động "Bỗng nhiên hắn thấy hắn yêu thương gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng", "Hắn thấy hắn nên người", "Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì đó góp phần tu sửa lại căn nhà". Niềm hạnh phúc ngập tràng đã dấy lên trong anh ý thức trách nhiệm với gia đình, ý thức về vai trò trụ cột trong gia đình. Sự tinh tế của nhà văn Kim Lân còn cho người đọc chúng ta thấy một chuỗi thay đổi của nhân vật Tràng: Từ cảm giác, nhận thức về xung quanh, cho đến suy nghĩ và hành động. Hơn hết là trong đói khát, Tràng đã biết vượt lên hoàn cảnh tìm đến hạnh phúc bằng tình cảm chân thực và tấm lòng nhân hậu. Giá trị nhân văn của tác phẩm thể hiện qua nhân vật Tràng là ca ngợi tình người và niềm tin họ vào tương lai. Hình ảnh đám người đói và lá cờ phấp phới trên đê Sộp cuối tác phẩm đã gieo vào lòng người một niềm tin mãnh liệt: Rồi Tràng và những người nghèo khổ kia sẽ đi theo ngọn cờ ấy để tìm cho mình bát cơm manh áo và lẽ sống. Đó là hạt giống của niềm tin và hi vọng. Đánh giá nội dung và nghệ thuật: Qua tác phẩm, người đọc ấn tượng trong lời văn đặc sắc của truyện không chỉ thể hiện qua cách dựng truyện tài tình, tự nhiên đơn giản nhưng vô cùng chặt chẽ ; giọng văn mộc mạc, ngôn ngữ gần gũi của nhà văn Kim Lân mà qua tình huống truyện Tràng "nhặt" được vợ trong lúc đói khát nhất, khi cận kề với cái chết, tác giả đã lên án sâu sắc tội ác của phát xít Nhật, thực dân Pháp và bọn tay sai đã đẩy nhân dân ta vào nạn đói khủng khiếp. Từ đó nhà văn càng khẳng định rằng con người trong bất kì hoàn cảnh nào con người luôn khao khát tình thương yêu và hạnh phúc gia đình. Kết bài: Truyện "Vợ nhặt" không chỉ phản ánh tình cảnh thê thảm của người nông dân trong nạn đói năm 1945, qua đó tố cáo tội ác của bọn thực dân đã đẩy dân ta vào nạm đói khủng khiếp mà còn khẳng định bản chất tốt đẹp và khát vọng sống mãnh liệt của con người: Ngay trên bờ vực của cái chết, con người vẫn hướng về sự sống, đặt niềm tin ở tương lai, vẫn khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Mong là bài cảm nhận văn học có ích cho việc tham khảo, ôn tập thi cử lớp 12 Nhân vật người vợ nhặt và bà cụ Tứ mình để phần khác cho các bạn tham khảo Tìm kiếm: Amalife