Cảm nhận nhân vật thị trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi khangtrang, 7 Tháng năm 2022.

  1. khangtrang

    Bài viết:
    22
    Viết về người phụ nữ, văn học Việt Nam đã khắc họa rất nhiều hình ảnh chân thực, từ bậc hồng nhan bạc mệnh như Thúy Kiều đến người vợ phải gồng gánh "năm con với một chồng" như bà Tú; đó cũng có thể là người phụ nữ có cá tính mạnh mẽ nhưng không thoát khỏi cảnh phận hẩm duyên ôi như Hồ Xuân Hương, hay người cung nữ bị nhốt trong chiếc lồng son hoa lệ nơi cung vua phủ chúa. Tất cả những người phụ nữ ấy dẫu khác nhau về tính cách, số phận nhưng lại giống nhau ở chỗ khiến cho người đọc phải thương cảm vì những vất vả, tủi hổ của phận đàn bà. Và nhà văn Kim Lân cũng mang đến cho chúng ta một bức chân dung về người phụ nữ trong cảnh xác xơ của nạn đói lịch sử trước cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân vật thị.

    Thị - nạn nhân của hoàn cảnh

    Kim Lân đã không gọi nhân vật của mình bằng một cái tên cụ thể, chỉ đơn giản là "thị" – một cách gọi quê mùa thường dùng để gọi chung cho tất cả những người đàn bà ở nông thôn ngày trước. Vì sao như vậy? Đến Nam Cao còn đặt cho nhân vật người đàn bà xấu xí ngẩn ngơ trong truyện ngắn "Chí Phèo" là Thị Nở cơ mà? Thực ra, việc gọi nhân vật bằng một danh từ chung như thế mới có thể phản ánh được một hiện thực mà ở đó giá trị con người trở nên rẻ mạt đến mức ngay cả một cái tên cũng không có, hơn nữa thị không phải là nạn nhân duy nhất của hoàn cảnh đói kém năm ấy. Có biết bao con người giống như thị, đứng trước khốn cảnh phải bán rẻ sĩ diện và lòng tự trọng miễn sao có thể tồn tại. Không có tên, thị còn không có gia đình, là một kẻ tứ cố vô thân đúng nghĩa. Thị xuất hiện lẫn trong những cô gái đang ngồi vêu ra đấy chờ người ta thuê mình làm việc hoặc nhặt hạt rơi hạt vãi gì đấy. Nếu không phải vì cái "nết" chua ngoa, liều lĩnh, ăn vạ bám víu lấy Tràng thì có lẽ người ta cũng chẳng biết thị là ai. Kim Lân đã tạo cho nhân vật một bối cảnh không tên tuổi, gia đình, nghề nghiệp để có thể lý giải hành động táo tợn của thị - theo không Tràng về làm vợ, trở thành một người vợ nhặt đúng nghĩa.

    Cái đói đi đến đâu gieo rắc cái chết đến đấy, nó khiến con người thay đổi một cách chóng mặt. Lần đầu gặp thị, Tràng thấy thị tít mắt cười duyên ra đẩy xe với mình. Lần thứ hai gặp thị, Tràng không nhận ra vì thị trông "rách quá", "áo quần tả tơi như tổ đỉa", "gầy sọp hẳn đi", "khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt". Rõ ràng thị không còn vẻ tươi cười như mấy ngày trước, cái đói bào mòn sinh mệnh của thị, lúc này thị chỉ còn da bọc xương mà nói như tác giả là xanh xám như những bóng ma. Ở một nơi mà nạn đói đã tràn tới, không khí bốc lên mùi tử khí và tử thần thì lảng vảng khắp nơi ấy thì người sống cũng như ngọn đèn lay lắt mà thôi, thị cũng vậy. Nhưng không chỉ khiến thị thay đổi về ngoại hình, cái đói còn khiến thị trở nên đanh đá và kém duyên. Thị "sầm sập" chạy đến trước mặt Tràng, "sưng sỉa" trách móc rồi lại nguầy nguậy lắc đầu chả chịu ăn giầu. Được mời ăn thì làm một mạch bốn bát bánh đúc rồi lấy đũa quệt mồm thở dài thỏa mãn. Nhìn thị ăn vội vàng để nhét đầy cái dạ dày kháng nghị đã lâu ấy có lẽ nhiều người sẽ thấy thị vô duyên, vô ý vô tứ. Thế nhưng mấy ai giữ được khuôn phép khi bị cái đói tra tấn nhiều ngày. Thị là người mà người thì cần phải ăn để sống, đứng trước lằn ranh của sự sống ai lại để ý đến dáng vẻ đẹp xấu bao giờ. Không dừng lại ở đó, nhà văn Kim Lân còn tạo ra một tình huống để làm tăng sức tố cáo hiện thực, đó là việc thị vin vào câu nói đùa của Tràng để bám lấy anh ta như một cái phao cứu sinh. Thị chẳng biết gì nhiều về Tràng, chỉ thấy anh ta hào phóng mời mình ăn vậy mà lại theo anh ta về thật. Đặt trong một hoàn cảnh bình thường, hành động của thị thật khó lí giải thậm chí sẽ có người phê phán gay gắt cái sự trơ trẽn của thị. Nhưng đây là bối cảnh nạn đói, nếu không có người cưu mang thị sẽ chết, thị không muốn một lúc nào đó mình sẽ trở thành "cái thây nằm còng queo bên đường", chính khát vọng cầu sinh đã thôi thúc thị bám lấy Tràng như một cái cọc gỗ giữa dòng nước lũ. Hành động của thị là đáng thương hay đáng trách? Nếu không phải vì bị hoàn cảnh sống đe dọa nào ai cam tâm biến mình thành con người không có liêm sỉ lễ nghĩa như thế. Những người chưa từng biết đến cảm giác đói khát tích tụ thì không có tư cách để phán xét thị. Dù sao trong lúc cùng đường thị cũng không cướp bóc của ai, không làm ổn hại đến ai, thị đơn giản chỉ là tìm lấy một con đường sống cho mình. Thị sai ở đâu? Thị không sai, thị chỉ là muốn được sống nên chấp nhận bán rẻ danh dự và lòng tự trọng – thứ vốn chẳng thể làm no bụng. Như vậy chính hiện thực tàn khốc đã làm thay đổi ngoại hình, làm biến đổi nhân cách của thị. Đây là một điều tất yếu, vật chất quyết định ý thức vẫn luôn là quy tắc sinh tồn, đói thì đầu gối phải bò, dù sao thị cũng chưa từng bước qua lằn ranh của đạo đức, thị chỉ vứt bỏ lòng tự trọng và danh dự mà thôi. Những người như thị đáng thương hơn là đáng trách.


    Thị - vẻ nữ tính đằng sau bề ngoài đanh đá, đáo để

    Nhà văn Kim Lân được mệnh danh là cây bút "một lòng đi về với đất, với người, với cái thuần hậu nguyên thủy", bởi lẽ ông viết về người nông dân với sự am hiểu sâu sắc, dẫu họ có một vài tật xấu nhưng bản chất vẫn là một con người thuần phác, nhân hậu. Nhân vật thị cũng thế, sau khi theo Tràng về, dường như thị biến thành một con người khác hẳn, không còn vẻ chao chát, chỏng lỏn như khi gặp ở chợ mà thị trở nên nữ tính hơn, tinh tế hơn. Thị bây giờ không còn tứ cố vô thân nữa, thị đã trở thành vợ của Tràng, một người đàn ông tuy xa lạ nhưng hàm hậu tốt bụng, thị không thể cứ vênh mặt lên mà trách móc người ta, thị phải giữ đúng bổn phận của người vợ bởi người đàn ông này đã cưu mang thị lúc "thóc cao gạo kém", đến thân mình không biết có nuôi nổi hay không mà còn đèo bòng. Sự thay đổi của thị bắt đầu từ con đường dẫn về nhà Tràng, trước sự trêu chọc của hàng xóm và lũ trẻ con, thị cứ thấy ngượng nghịu, thẹn thùng, chân nọ bước díu vào chân kia, cố ý kéo cái nón rách che khuất mặt giống hệt một cô dâu mới. Vào đến nhà thị chỉ dám ngồi mớm ở mép giường, tay ôm khư khư cái thúng Tràng mua cho, rồi lại mân mê tà áo đã rách bợt. Tất cả đều thể hiện nội tâm lo lắng lẫn lúng túng của cô con dâu chờ ra mắt mẹ chồng. Nếu thật sự là một người đàn bà đanh đá, chua ngoa có lẽ thị sẽ không thấy vừa ngượng ngùng vừa hoang mang đến vậy, rõ ràng đây cũng là một người phụ nữ với những phản ứng tâm lý hết sức bình thường khi ý thức được thân phận mới của mình – một người vợ, một người con dâu. Rồi khi gặp bà cụ Tứ, thị nhỏ giọng chào, nghe lời bà dặn dò hai vợ chồng. Sáng hôm sau, thị cùng mẹ chồng quét dọn nhà cửa, chuẩn bị bữa sáng, làm đúng bổn phận của mình.

    Sự tinh tế của thị thể hiện ở những chi tiết nhỏ nhưng đủ sức làm bật lên bản chất của người phụ nữ này. Đó là khi về đến nhà Tràng, nhìn thấy ngôi nhà xiêu vẹo, rúm ró, vườn thì đầy cỏ hoang, thị đã "nén một tiếng thở dài". Nhìn thấy gia cảnh của Tràng ai nấy cũng phải than thở vì là dân ngụ cư, nhà nghèo lại neo đơn, thấy Tràng mời thị ăn một cách hào phóng cứ ngỡ Tràng cũng có của ăn của để, ai ngờ.. Vậy mà thị lại "nén" tiếng thở ấy trong lồng ngực để không làm tổn thương đến Tràng. Thị có thể cảm khái vì gia cảnh của Tràng nhưng thị biết rằng người đàn ông này đã tử tế chìa tay ra giúp đỡ mình lúc khốn khó nhất vậy thì thị nỡ lòng nào buông một tiếng thở dài. Thị không thể làm như thế. Đó là cái tinh tế của một người phụ nữ lương thiện và nhân hậu. Trong bữa cơm sáng ngày đói, bà cụ Tứ đã đãi các con món "chè khoán" mà thực ra là cháo cám. Trong lúc Tràng nếm thử rồi chun mặt, "miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ", còn thị thì "hai mắt thị tối lại" nhưng "thị điềm nhiên và vào miệng". Một lần nữa, thị cho người đọc thấy được sự tế nhị và săn sóc khi nghĩ đến tấm lòng của người mẹ nghèo. Bà cụ Tứ vừa mừng vừa tủi cho các con, không có điều kiện làm dăm ba mâm nhưng vẫn muốn thể hiện tâm ý của mình đón chào nàng dâu mới. Những con người nghèo khổ nhưng nhân hậu và vị tha ấy khiến cho bối cảnh nạn đói vốn ảm đạm nay lại sáng bừng bởi sự ấm áp của tình người.

    Nhân vật thị trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân là một người phụ nữ đáng thương, thị bị dòng đời xô đẩy nhưng không bị tha hóa đến triệt để. Bản chất của thị vẫn là một người phụ nữ, có sự thẹn thùng của nàng dâu mới lẫn sự tế nhị, tinh ý để tránh làm tổn thương lòng tốt của người khác, nhất là đối với người đã cưu mang mình. Người đọc tin rằng thị sẽ là vợ hiền dâu thảo, bởi lẽ từ nay thị đã có một gia đình, một bờ vai để nương tựa, rồi cuộc sống sẽ thắp lên hy vọng ở tương lai, một tương lai giản dị, ấm áp như bà cụ Tứ đã mường tượng để động viên vợ chồng Tràng.
     
    ngphtrnam0987 thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...