Cảm nhận nhân vật bé Hồng trong tác phẩm Trong lòng mẹ của tác giả Nguyên Hồng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi thư minh yên, 19 Tháng hai 2023.

  1. thư minh yên

    Bài viết:
    3
    Cảm nhận nhân vật bé Hồng

    Nguyên Hồng là một trong số những nhà văn tiêu biểu của nền văn học hiện thực phê phán. Trang văn của ông thấm đẫm tinh thần nhân đạo. Ông được mệnh danh là nhà văn của phụ nữ và trẻ em. Đoạn trích 'Trong lòng mẹ' thuộc chương 4 trong tập hồi kí 9 chương viết về tuổi thơ cay đắng của chú bé Hồng đã làm xúc động bao tâm hồn người đọc. Vì nó là những rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại.

    Bé Hồng là một cậu bé có hoàn cảnh đáng thương và éo le. Bé Hồng là kết quả của một cuộc hôn nhân không tình yêu. Cha mất, mẹ vì túng quẫn nên phải đi tha hương cầu thực, để lại bé sống bơ vơ giữa sự mỉa mai, khinh miệt của họ hàng bên nội. Hồng sống thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ, côi cút và không được che chở từ chính người thân ruột thịt.

    Sống trong hoàn cảnh cay nghiệt đó, ta thấy bé Hồng là một cậu bé có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, thông minh và có phần già dặn trước tuổi. Khi nghe bà cô hỏi, Hồng đã nhận ra được những rắp tâm tanh bẩn của bà cô. Biết che dấu cảm xúc của mình: Khi bà cô hỏi có muốn vào chơi với mẹ không, Hồng đã cúi đầu không đáp rồi sau đó trả lời là: "Không, cháu không muốn vào". Câu trả lời là sự che dấu cảm xúc tình yêu mẹ dâng trào. Che dấu để bà cô buông tha cho mẹ con bé.

    Bé Hồng còn là một cậu bé yêu mẹ vô cùng. Cậu luôn nhớ thương mẹ và mong về mẹ. Luôn tin tưởng, yêu mẹ và có ý thức bảo vệ mẹ: Cậu biết che dấu cảm xúc trước câu hỏi của bà cô. Khi nghe bà cô kể về hoàn cảnh của mẹ, nước mắt cậu tuôn rơi ròng ròng. Nghe bà cô ngân dài 2 tiếng em bé, Hồng cười dài trong tiếng khóc. Giọt nước mắt, tiếng khóc đó là nỗi đau lên đến tột cùng, không thể kìm nén, vỡ òa, dào dạt. Tác giả sử dụng những câu văn, hình ảnh thấm đậm cảm xúc diễn tả một cách thiết tha tình yêu thương mẹ của bé. Tình yêu mẹ còn được thể hiện ở sự uất ức trước những định kiến, hủ tục đã đày đọa mẹ bé: "Giá những cổ tục.. nát vụn mới thôi". Phép so sánh và động từ mạnh được sử dụng đã khắc họa tâm trạng căm giận tột cùng của bé Hồng. Đó chính là sự thấu hiểu dành cho mẹ và ý thức bảo vệ mẹ khỏi sự xâm phạm trước những kẻ có tâm địa độc ác. Tình yêu mẹ còn được thể hiện ở giây phút gặp và ngồi trong lòng mẹ. Khi thoáng thấy bóng mẹ, bé Hồng gọi "mợ ơi". Tiếng gọi bất ngờ, thảng thốt bật ra từ sự dồn nén của những khát khao cháy bỏng mong chờ. Gặp mẹ, em òa khóc nức nở. Tiếng khóc mừng yuir, sung sướng, hạnh phúc. Khi ngồi trong lòng mẹ, Hồng cảm nhận được những cảm giác ấm áp mơn man khắp da thịt, cảm thấy hơi quần áo, hơi thở.. ở khuôn miệng mẹ thơm tho lạ thường. Đó là niềm hạnh phúc ngập tràn vô biên, là giây phút hiếm hoi đẹp đẽ nhất của con người. Lời của bà cô thoáng hiện về nhưng rồi vụt qua. Những rắp tâm tanh bẩn bị chìm lấp bởi tình yêu thương, tình mẫu tử thiêng liêng.

    Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng chính là hạt trai long lanh kết tụ từ nước mắt rơi xuống của chính cuộc đời nhà văn. Trang hồi kí của ông thực sự là tiếng lòng của ông vọng về từ một thời thơ ấu, chính vì thế mới là những rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại, về một tuổi thơ bất hạnh luôn khao khát tình mẹ. Ta càng cảm thông, xót xa hơn cho những tuổi thơ xa vắng mẹ. Tất cả có thể mất đi, có thể nhạt phai, nhưng có một điều không thể nào chia rẽ được, đó là tình mẫu tử. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc ấy, đoạn trích sẽ còn lay động mãi với tất cả những trái tim biết yêu mẹ, hiếu dễ với đấng nhân sinh.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...