Cảm nhận nét trữ tình sông Đà trong Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thư Viện Ngôn Từ, 27 Tháng mười một 2023.

  1. [​IMG]

    Trong tác phẩm "Tờ hoa" Nguyễn Tuân đã viết như một sẻ chia: "Giữa rừng Tây Bắc đầy hoa, đầy bướm, đầy ong, cái tôi thấy say say trong chính mình là dầu không được một chuyến đi bằng một đời ong, mình cũng là một con sinh vật đang nung một thứ mật gì. Sự tích lũy ở mình cũng ngày ngày có giọt ra mà phần nào đem thơm thảo vào sự sống". Nhà văn nhà thơ vừa giống mấy loài sinh vật kia vừa hơn chúng ở chỗ có ý thức về việc mình làm "thấy say say trong chính mình" vì "đang nung 1 thứ mật gì" đâu phải ai cũng được. Và Nguyễn Tuân dường như đã nung nấu thành công thứ mật mà mỗi người nghệ sĩ đều say mê có được. Và tất cả những tình hoa tinh huyết của 1 đội văn đã giúp ông dồn trọn vẹn vào thiên tuỳ bút "Người lái đò Sông Đà". Qua đoạn trích về Sông Đà trữ tình "Thuyền tôi trôi.. Trên dòng trên" người đọc thấy được cách nhìn riêng độc đáo của nhà văn.

    Nếu như ở chặng trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân hoài niệm về những giá trị tinh hoa từng "vang bóng 1 thời" thì sau Cách mạng, Nguyễn Tuân đã đi đến cuộc đời rộng lớn của đất nước đang từng ngày biến đổi. Với quan niệm "chỉ có trường đời vô thường định mới dạy cho ta những câu đẹp đẽ", Nguyễn Tuân đã thỏa sức "xê dịch" để ngắm nhìn đất nước với bao cảnh đẹp hùng vĩ nên thơ cũng như để làm giàu vốn văn hóa của chính mình. Trên hành trình "xê dịch" tới Tây Bắc trong kháng chiến chống Pháp đặc biệt trong chuyến đi thực tế năm 1958 ông đã viết nên "Người lái đò Sông Đà". Chính thực tiễn xây dựng cuộc sống mới ở vùng cao đã cho tâm hồn ông chất sống riêng và giúp ông tạo nên những trang văn - là những "tờ hoa" thực sự.

    Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng cho rằng: "Mục đích đầu tiên và sau cùng của Nghệ thuật và Văn học theo tôi là mang đến cái hay, cái đẹp cho đời. Mầm mống của nó không có bất cứ một sự mưu toan nào cả. Hãy cho nó mãi mãi thanh thản tự do và mãi mãi là hiện thân của điều thiện, của cái đẹp." Cái đẹp trong văn của Nguyễn Tuân không chỉ thể hiện khi ông miêu tả Sông Đà như 1 thứ kẻ thù số một mà còn lúc Sông Đà yên bình, tĩnh mịch. Qua cảm nhận của nhân vật khách, Sông Đà quãng này thực sự êm ả: "Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Cảnh ven sống ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Trần, đời Lê, quãng sống cũng lặng tờ đến thế mà thôi" nếu như trong cảnh vượt thác, Nguyễn Tuân tung ra 1 kho chữ mới lạ để diễn tả cuộc chiến đấu giữa ông lái đò và con sông Đà hung bạo bằng 1 giọng văn mạnh mẽ, nhịp văn gấp như gầm sóng reo, thì đến đoạn văn này giọng văn, nhịp điệu thay đổi nhẹ nhàng lâng lâng, mơ mộng. Đó phải chăng là quãng từ thác Tiếu trở xuống như câu tục ngữ: "Qua thác Tiếu trải chiếu mà nằm." Mũi thuyền lừ đừ trôi đưa người đọc quay trở lại thời tiền sử với ảnh đôi bờ sông lặng tờ. Đó là cái tĩnh lặng gần như tuyệt đối của khúc sông mà cái vẻ đẹp riêng biệt ấy đã được lưu giữ từ bao đời trước. Khác xa với con sông Đuống tràn ngập bãi mía bờ dâu, con sông Hương "slow" chảy trôi trong thành phố Huế nên thơ trữ tình, Sông Đà nơi đây tĩnh mịch lặng tờ làm tê tái biết bao thi nhân. Đó là nỗi sầu của Vũ Hoàng Chương thuở trước:

    "Cảnh rượu thì dần vạn dặm khơi

    Nẻo say hư thực bóng muôn đời

    Ai đem xáo trộn sầu thiên cổ

    Tràng nước Đà giang mộng liễu trai"

    Theo dòng chảy của con thuyền, người đọc đi vào thế giới hoang sơ với dòng chảy tĩnh lặng hòa cùng cảnh yên ả xung quanh "Mà tĩnh không 1 bóng người.. Bờ sông hoang dại như 1 bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như 1 nỗi niềm cổ tích tuổi xưa". Có thể nói, qua phép so sánh đầy sức gợi và các nét tả của Nguyễn Tuân, dòng sông Đà ở hạ lưu vẫn giữ nguyên vẻ đẹp nguyên sơ như thể hàng ngàn năm, vạn năm hay hàng tỷ năm nay nó vẫn nguyên sơ như thế. Với cách liên tưởng và ví von ấy, tác giả dường như muốn cho ta thấy sông Đà còn có vẻ đẹp của một con sông bền bỉ chạy qua tháng năm lịch sử, mang dấu tích văn hóa ngàn xưa của dân tộc. Đặc biệt, hai câu văn "bờ sông hoang dại.. bờ sông hồn nhiên.." khiến ta tưởng đây là hai vế của một câu song quan trong bài phú lưu thủy. Nghệ thuật điệp cấu trúc đã kết dính hai câu thành một bè thơ gợi cảm, bồng bềnh, vấn vương cảm xúc hoài cổ mà ta đã bắt gặp ở người nghệ sĩ một thời vang bóng. Nguyễn Tuân đã tìm về vẻ đẹp xưa trong cái ngày hôm nay để từ đó bộc lộ tình yêu quê hương xứ sở.

    Không bằng lòng với cái đẹp nhợt nhạt, Nguyễn Tuân đã vận dụng tối đa bút lực để phác họa bức tranh cảnh vật sông Đà, hệt như một người họa sĩ tài hoa. Thế giới thiên nhiên Sông Đà qua sự miêu tả của ông thật sinh động, kỳ ảo, lý thú nhưng cũng tràn đầy sức sống. Những hình ảnh về "một nương ngô mới nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa", "cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp".. cho thấy cảnh vật được miêu tả qua vẻ đẹp của sự non tơ, tươi mới và tràn đầy sức sống, kéo dòng sông từ thuở hồng hoang trở về gần với thực tại. Giữa không gian thơ mộng, tĩnh lặng đó là hình ảnh một đàn hươu "cúi đầu ngốn búp cỏ tranh đẫm sương đêm". Tác giả đã cảm nhận hết vẻ tinh khôi, thần thái tràn trề sức sống của cảnh vật và bắt trọn từng khoảnh khắc và mọi chuyển động: "Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên một mũi đò", rồi "hươu vểnh tai".. Cuộc đối thoại giữa ông khách sông khách sông Đà và con vật "lành" đích thực là một bài thơ trữ tình, nó chập chờn chơi vơi. Hươu hỏi người hay người tự hỏi một giả định vừa thực vừa ảo. Chính điều đó đã làm nhoè đi thực tại khiến đoạn văn lưu giữ được ấn tượng về vẻ đẹp hồn nhiên cổ kính. Cuộc trò chuyện giữa hươu và chủ thể khách đã tạo nên sự hài hòa giữa những sinh thể trong mối quan hệ cộng sinh. Trong rất nhiều những tác phẩm của Nguyễn Tuân đều có sự hài hòa giữa đời sống người và trạng thái sống của tự nhiên, mối giao hòa vạn vật này được kết nối như tri kỉ. Ở đó những con người nồng hậu nâng niu sự sống cỏ hoa đất trời: Đánh đàn thập lục trước những giỏ lan nở, tưới rượu cho hoa. Trong "Hương cuội" cụ Kép sẵn sàng "nguyện đem cái quãng đời xế chiều của nhà Nho để phụng sự lũ hoa thơm cỏ quý". Hay trong "Vườn xuân lan tạ chủ" mở đầu bằng 1 câu văn nghe buồn thương da diết về phận hoa: "Từ khi lan vắng chủ, từ khi hoa không người nâng giấc, giống cỏ quý kia cũng quyết tạ theo tri kỷ, thề không ở lại với thế gian. Vả chăng người giai nhân đã đi, cái hào hoa cũng tận. Để thấy được quan hệ giữa con người và tự nhiên, trong những trang văn Nguyễn Tuân đẹp đẽ và thiêng liêng đến nhường nào. Cảm giác của chủ thể khách chắc chắn đó là cái nhìn trân quý, hòa hợp đối với mọi sinh thể sống mà Nguyễn Tuân đã viết khi xưa. Chủ thể khách còn bất ngờ bởi tiếng đàn cá dầm xanh đập nước:" Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bung trắng như bạc rơi thoi ". Biện pháp nghệ thuật so sánh cùng với nghệ thuật lấy động tả tĩnh tất cả gợi ra 1 không gian tĩnh mịch đến độ người ta có thể lắng mình lại mà cảm nhận được ngay kể cả tiếng cá quẫy nước. Trong cái âm thanh ngắn ngủi ấy đem đến cho người đọc biết bao chân cảm về sức sống tràn đầy, sự giàu có trong lòng Tây Bắc.

    Trong đoạn trích, Nguyễn Tuân đã đặc biệt khắc họa tư thế và tâm thế của nhân vật khách trên sông Đà. Say đắm trong cảnh đẹp thần tiên những vẫn thèm 1 âm vang của thời đại:" Ôi, thấy thèm được giật mình vì 1 tiếng còi xúp lê trong 1 chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ-Yên Bái-Lai Châu ". Đó là khát vọng ước mơ về 1 tương lai tối đẹp hơn cho vùng Tây Bắc đầy tiềm năng phát triển. Khát khao ấy hoàn toàn phù hợp với công cuộc miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Khi ấy Tố Hữu đã cho ra đời những vần thơ đẹp:

    " Yêu biết mấy những dòng sông bát ngát

    Giữa đôi bờ rào rạt lúa ngô non

    Yêu biết mấy những con đường ca hát

    Qua công trình mới dựng mái nhà son ".

    Tiếng còi sương là ảo, là âm thanh trong tâm tưởng nhưng lại nói lên được 1 ước vọng rất thực tế của nhà văn. Thèm được nghe 1 tiếng còi tàu xe lửa đã qua như Chế Lan Viên:" Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga "(Tiếng hát con tàu). Nhưng" thèm giật mình "thì lại càng quý hơn bởi Nguyễn Tuân khao khát cái cảm giác khi được nghe tiếng còi Tây Bắc mở mang. Ta đã từng trân trọng cái giật mình vì phẩm giá" thương mình xót xa "của Kiều, cảm thông cái giật mình hoài nhớ của Tú Xương khi nghe tiếng ếch thì nay ta lại nâng niu thêm cái giật mình của tác giả sông Đà. Và như thế đoạn văn sông Đà của Nguyễn Tuân đã mang âm hưởng mới của 1 thời đại mới. Từ trên con thuyền trôi chầm chậm, chủ thể khách không chỉ cảm thấy thèm tiếng còi tàu mà còn nhà văn phát hiện ra sông Đà mang vẻ đẹp tình tứ lãng mạn, đậm đà bản sắc văn hóa như nó được miêu tả trong câu thơ rất mực tài hoa của thi sĩ Tản Đà" Dải sông Đà bọt nước lênh đênh – Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình "của" một người tình nhân chưa quen biết ". Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Nói được điều ấy phải có cái nhìn thấu hiểu được cái hồn vía của dòng sông khi xuôi về hạ nguồn. Có lẽ vì thế mà cả đoạn viết về sông đà trữ tình, luôn ánh lên cái nhìn thân mật, trìu mến, đăm đắm chờ mong của nhân vật khách.

    Nguyễn Tuân từng chia sẻ:" Mỗi nhà văn phải có thế giới riêng, phong cách riêng, ngôn từ riêng. Muốn hiểu, giảng giải, phân tích về nv phải tìm cho ra cái riêng đó. "Và chính sự chiêm nghiệm ấy là nền tảng cho cách nhìn mới mẻ, độc đáo của trong những trang viết của ông. Ở đoạn nhân vật khách trên con đông đà trữ tình lững lờ chảy xoan thể thấy cái nhìn thẩm mĩ rất riêng của ông. Khám phá và mô tả sự vật theo phương diện cái đẹp, Nguyễn Tuân cũng rất tự nhiên phú cho nó 1 đời sống mới: Vừa có gì đó trong trẻo, ban sơ vừa rất cổ kính. Nguyễn Tuân cũng thể hiện cái nhìn văn hóa lịch sử trong khi phát hiện khung cảnh 2 bên bờ sông" hoang dại như bờ tiền sử "," như một nỗi niềm cổ tích xưa ". Ngoài ra đoạn trích còn toát lên cái nhìn trân trọng tin yêu đối với quê hương, đất nước trong công cuộc đổi mới. Qua cái nhìn đầy khám phá và phát hiện, ta có thể cảm nhận được tấm lòng của nhà văn đối với vẻ đẹp thiên nhiên đất trời.

    Bằng vốn kiến thức uyên bác, lối viết giàu tính liên tưởng tưởng tượng và cách sử dụng ngôn ngữ độc đáo, đoạn văn đã thể hiện thành công nét đẹp thơ mộng trữ tình của dòng sông Đà. Như nhà phê bình Phan Huy Dũng đã từng nhận xét:" Để có thể khách thể hóa được đối tượng và đóng đinh nó vào trí nhớ độc giả, Nguyễn Tuân đã tung ra nhiều độc chiêu ngôn ngữ tưởng chỉ một mình ông có. Khi miêu tả những con thác độc dữ nham hiểm câu văn của ông mang nhịp điệu dồn dập, kích thích. Nhưng khi ngợi ca "con sông Đà gợi cảm" câu văn lại thư duỗi hết sức êm ả nghe như tiếng hát ngân nga ". Ở đó có 1 Nguyễn Tuân như đang mở rộng lòng mình, tâm hồn mình với dòng sông, để cùng nó mà" lắng nghe "mà nhớ thương những âm vang những nhịp sống ấm áp của cuộc đời. Ta cảm thấy có 1 dòng sông đang êm trôi đang lững lờ trong tâm hồn mình, bát ngát mênh mông.. Văn Nguyễn Tuân không chỉ đem đến cho ta bài nhã thú mà còn để lại nhiều dư vị, dư ba là vậy!

    Đã mấy mươi năm kể từ khi" giao duyên "với nghề viết, Nguyễn Tuân thực sự trở thành" 1 định nghĩa về người nghệ sĩ tài hoa ". Hành trình cống hiến và góp mặt dường như đã kết thúc nhưng sự sống trong những" di sản tinh thần "của ông vẫn luôn chạy đua với sự nghiệt ngã của thời gian. Bởi mỗi khi lật giở những" tờ hoa ", ta lại thấy tài năng và tâm huyết qua cái nhìn thẩm mĩ, thấm đẫm văn hóa lịch sử của 1 đời cầm bút, ta càng yêu tin hơn vẻ đẹp sông Đà trữ tình thơ mộng trong ước vọng về đời sống tiềm năng đang ngày 1 đổi thay. Nguyễn Tuân sẽ mãi tồn tại trong cõi nhớ của độc giả bởi" ngoài thế giới của những người đang sống và cõi im lặng của những người đã chết còn có 1 cõi thứ ba, đó là cõi của những người sống trong trí nhớ của người khác, những người không bị lãng quên"(Lưu Quang Vũ)
     
    LieuDuong thích bài này.
    Last edited by a moderator: 27 Tháng mười một 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...