Cảm nhận khổ thứ 1 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử: Hoài niệm và day dứt

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi khangtrang, 3 Tháng năm 2022.

  1. khangtrang

    Bài viết:
    22
    Hàn Mặc Tử là cái tên không hề xa lạ đối với người yêu thơ, thậm chí nhà thơ Chế Lan Viên còn nhận định: "Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình". Phong trào Thơ mới ở những năm đầu thế kỉ XX đã khẳng định vị thế với rất nhiều tên tuổi sáng chói như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, trong vô vàn cái tên đầy tài năng và sức hút ấy, Hàn Mặc Tử vẫn tạo được một chỗ đứng rất riêng, truyền tải được cái linh hồn của Thơ mới vào các tác phẩm của mình. Nhà thơ Chế Lan Viên gọi Hàn Mặc Tử là một "ngôi sao chổi" có lẽ vì sức nóng mãnh liệt và sự xuất hiện ngắn ngủi của chàng thi sĩ tài hoa mà yểu mệnh. Chúng ta vẫn thường tiếc cho những gì đẹp đẽ mà chóng tàn. Vì thế mà những vần thơ còn lại của Hàn Mặc Tử vẫn đủ sức làm say mê bao thế hệ người đọc. Hàn Mặc Tử rất nổi tiếng với trường phái thơ điên. Người ta nói rằng vì bị bệnh tật giày vò, vì thế giới quan tôn giáo mà thơ Hàn mới đầy những máu, hồn và trăng như thế. Nhưng đó không phải là tất cả của Hàn Mặc Tử, người đọc vẫn nhớ mãi những vần thơ trong trẻo, tinh khôi, đầy ánh sáng, màu sắc lẫn tình quê của chàng, Đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ như thế. Khổ thơ thứ nhất của bài thơ là hình ảnh của một không gian tràn ngập hoài niệm của một thời thơ mộng nhưng ẩn chứa trong đó vẫn có một nỗi niềm day dứt về phận mình.

    Bài thơ đã bắt đầu bằng một câu hỏi tu từ: "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?". Hàn Mặc Tử làm bài thơ này khi đang điều trị ở trại phong Quy Hòa năm 1939, một năm sau đó nhà thơ mất. Điều đó có nghĩa là lúc này đây, nhà thơ đang phải sống tách biệt với mọi người, bị hành hạ bởi căn bệnh nan y mà ngày ấy không có thuốc chữa. Vậy mà khổ thơ thứ nhất vẫn mang vẻ đẹp trong trẻo đến thế. Bài thơ được gợi cảm hứng từ tấm bưu thiếp của cô Hoàng Thị Kim Cúc – người thiếu nữ mà Hàn từng thầm thương trộm nhớ. Chính lời thăm hỏi chân tình ấy đã khơi dậy bao hoài niệm của Hàn Mặc Tử về khoảng thời gian chàng còn học ở Huế. Vì vậy ở câu thơ thứ nhất nghe như là lời mời xen lẫn trách móc vì đã lâu anh không ghé Huế chơi. Cũng có thể nó chỉ là một câu chào hỏi thông thường theo phép lịch sự như cái cách mà người Việt vẫn làm. Thế nhưng câu hỏi này lại không hề có chủ thể mà chỉ có đối tượng (anh) nên chúng ta cũng có thể hiểu một cách khác, câu hỏi cũng là tiếng lòng của chính Hàn Mặc Tử, một lời tự vấn. Trong câu hỏi ấy chất chứa cả một niềm day dứt khôn nguôi: Vì sao anh không về thăm lại thôn Vĩ Dạ? Không phải là không muốn về mà là không thể về. Một linh hồn khao khát tự do và hơi ấm tình người lại bị giam cầm bởi căn bệnh quái ác, có nỗi đau nào hơn thế? Vậy mà Hàn Mặc Tử phải chôn vùi thân mình nơi bốn bức tường, thả vào thơ mảnh tâm hồn bị đè nén. Chàng cảm nhận được lòng mình khát khao hướng đến thế giới bên ngoài, thế nhưng bản thân chỉ như một người khách đi ngang qua cuộc đời. Cánh chim tự do ấy đã bị bẻ gãy bởi thực tại phũ phàng vậy nên chàng chỉ có thể phả nỗi nhớ vào những vần thơ. Vì vậy mà ở ba câu thơ tiếp theo cảnh vật thôn Vĩ hiện lên tuy chỉ là vài nét chấm phá nhưng thật sắc nét.

    "Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

    Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

    Lá trúc che ngang mặt chữ điền"

    Trong nắng ban mai những hàng cau đứng thẳng vươn mình đón bình minh. Cau chẳng phải là loại cây xa lạ gì, nó rất gần gũi với đời sống người Việt. Ánh nắng lướt trên tàu lá, ánh nắng tinh khôi mạ vàng những tán cau xanh. Sự hòa phối màu sắc xanh và vàng luôn mang đến vẻ tươi trẻ cho cảnh vật. Không chỉ là nắng mà còn là nắng mới, cái nắng ban sơ dìu dịu, ánh nắng nhẹ nhàng ve vuốt lá cau. Có lẽ ở mảnh đất miền Trung như xứ Huế thì nắng là một thứ đặc sản của thiên nhiên nên nó xuất hiện đến hai lần trong một câu thơ. Khung cảnh xứ Huế đã được mở ra với không gian khoáng đạt và thời gian mang tính bắt đầu, đó có lẽ là những gì mà Hàn Mặc Tử ao ước. Khi điểm nhìn chuyển xuống thấp hơn, nhà thơ đưa người đọc vào những khu vườn đặc trưng của thôn Vĩ. Đại từ phiếm chỉ "ai" tăng thêm một tầng mông lung cho cảnh vật, chỉ là một khu vườn nào đó mà nhà thơ ngẫu nhiên bắt gặp. Nhưng vẻ xanh mướt của cây lá trong vườn được nhà thơ liên tưởng, so sánh với màu xanh của ngọc bích, từ đó là bật lên độ căng mướt mỡ màng, tràn trề sức sống của khu vườn. Phù sa của sông Hương đã bồi đắp cho những khu vườn thôn Vĩ một sức sống đang bừng bừng trỗi dậy, cây lá xanh tươi được thể hiện qua cụm từ "mướt quá" có thể làm dịu đi cái nắng của ban ngày, cũng có thể làm xoa dịu lòng người. Ta chợt muốn hít một hơi thật sâu căng đầy lồng ngực không khí mới mẻ, mát lành nơi đây. Và để khép lại bức tranh thôn Vĩ trong buổi bình minh, Hàn Mặc Tử đã đi một nét bút nhẹ nhàng: "Lá trúc che ngang mặt chữ điền". Thật là một nét vẽ duyên dáng. Trước đây câu thơ này đã thu hút sự tranh luận của giới nghiên cứu. Mặt chữ điền là khuôn mặt của ai? Của cô gái? Của người thôn Vĩ? Hay của chính Hàn Mặc Tử? Nhưng nếu truy đến tận cùng như phải tìm đáp án của một phép toán thì còn gì là thơ nữa. Thơ hay là phải gợi cho người đọc liên tưởng, là tạo một khoảng trống cho người đọc đồng sáng tạo chứ không phải là cái gì đấy quá rạch ròi hay rõ ràng. Vậy thì trong câu thơ này ta cần gì biết mặt chữ điền là khuôn mặt của ai, chỉ biết rằng nhờ có gương mặt ấy mà cảnh sắc thêm phần ấm áp, sinh động hơi thở của sự sống con người. Gương mặt chữ điền đầy phúc hậu trong quan niệm của người xưa lại thấp thoáng sau những chiếc lá trúc. Cái hay của Hàn Mặc Tử là khiến người đọc phải mơ màng muốn đưa tay vén chiếc lá ấy đề ngắm nhìn gương mặt lấp ló đằng sau cảnh vật. Một nét dọc của hàng cau thẳng đứng ở câu đầu nay được làm dịu bởi một nét ngang của nhánh trúc, cách nhà thơ dựng cảnh hài hòa mà không hề khiên cưỡng để thôn Vĩ buổi bình minh đọng lại những cái xúc vừa mới mẻ vừa dịu dàng trong lòng độc giả.

    Khổ thơ thứ nhất tràn đầy hoài niệm của Hàn Mặc Tử, khơi dậy giấc mơ thuở mới vừa đôi mươi. Lẫn trong những hình ảnh tươi đẹp ấy là bóng dáng của một hồn thơ cô đơn với nỗi day dứt về phận mình. Hoài niệm càng đẹp chỉ càng khiến người đọc thương cảm xót xa cho hoàn cảnh của Hàn Mặc Tử. Và kết thúc khổ một cũng là bắt đầu cho những linh cảm mông lung đến mờ mịt của khổ hai và ba, đồng thời dẫn dắt người đọc vào thế giới tâm hồn phức tạp của Hàn Mặc Tử.
     
    Mình là Chi thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...