Cảm nhận khổ thơ năm và sáu trong Sóng - Xuân Quỳnh

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Whiskey, 27 Tháng mười 2021.

  1. Whiskey Whiskey

    Bài viết:
    45
    ĐỀ BÀI: Cảm nhận khổ 5 và 6 trong Sóng của Xuân Quỳnh.

    "Con sóng dưới lòng sâu

    Con sóng trên mặt nước

    Ôi con sóng nhớ bờ

    Ngày đêm không ngủ được

    Lòng em nhớ đến anh

    Cả trong mơ còn thức

    Dẫu xuôi về phương bắc

    Dẫu ngược về phương nam

    Nơi nào em cũng nghĩ

    Hướng về anh – một phương"

    BÀI LÀM:

    Cách mở bài 1. Trái tim sinh học của Xuân Quỳnh đã ngừng đập từ rất lâu, nhưng những bồi hồi và thổn thức trong tình yêu thì còn mãi trong lòng người yêu thơ ca cả nước. Thuộc vào thế hệ những nhà thơ của thời kì kháng chiến chống Mỹ, cùng thời với những tên tuổi như Trần Mạnh Hảo, Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Khoa Điềm. Nói đến tên tuổi Xuân Quỳnh là sẽ nhớ đến những âu lo, những băn khoăn, trăn trở của người con gái khi đứng trước tình yêu, trước những hạnh phúc đời thường. Thời kì kháng chiến chống Mỹ là khi bà đến lại rất nhiều bài thơ hay trên dòng chảy văn chương như bài thơ Tự hát, Sân ga chiều em đi, Hoa cỏ may, Hoa dọc chiến hào, Gió lào cát trắng.. Một trong những bài thơ làm nên tên tuổi của nữ sĩ Xuân Quỳnh phải kể đến Sóng. Đây là bông hoa đẹp nhất của tập Hoa dọc chiến hào, là tượng trưng cho nỗi lòng của người em mang khát vọng xô đến bờ anh. Đó cũng là những tình cảm đẹp đẽ nhằm trao tặng cho người mình yêu. Điều đó được thể hiện rõ ràng nhất trong hai khổ thơ năm và sáu của bài thơ:

    "Con sóng dưới lòng sâu

    * * *

    Hướng về anh – một phương"

    Cách mở bài 2. Đại văn hào Mác-két đã từng nói rất hay về tình yêu: "Con bướm phải mất 180 triệu năm mới cất cánh bay lên được. Con người phải mất bằng ấy năm mới biết khóc, biết cười và biết chết cho tình yêu". Tình yêu là món quà vô giá mà tạo hóa ban tặng cho loài người. Đó cũng là nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn đối với các văn nghệ sĩ. Nói đến thơ tình Việt Nam hiện đại, người đọc không thể không nhắc đến nữ hoàng tình yêu Xuân Quỳnh – người đã đem đến cho làng thơ Việt Nam một tình yêu nồng nhiệt, táo bạo mà thiết tha, dịu dàng, hồn nhiên, giàu tự cảm mà lắng sâu những trải nghiệm suy tư. "Sóng" là một trong áng tình ca hay nhất của Xuân Quỳnh, là tiếng lòng yêu thương nồng cháy cất lên từ sâu thẳm đại dương của trái tim yêu. Đặc biệt, trong bài thơ, hai khổ thơ 5 và 6 nói về nỗi nhớ và sự thủy chung trong tình yêu để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc.

    "Con sóng dưới lòng sâu

    * * *

    Hướng về anh – một phương"

    Cách mở bài3. Tình yêu là đề tài đầy ma lực với bao ngòi bút thơ ca, là cung đàn muôn điệu làm rung động bao trái tim yêu để từ đó ngân lên thành lời thơ nhân loại. Mỗi một nhà thơ đều có những cảm nhận khác nhau về tình yêu: Một Tago đầy triết lý ngụ ngôn, một Puskin nồng nàn và cao thượng, một Xuân Diệu rạo rực, đắm say, vồ vập, một Hàn Mặc Tử say đắm mà bơ vơ.. Và đến với bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh ta lại bắt gặp một cảm xúc tình yêu đầy trăn trở khát khao của một tâm hồn người phụ nữ luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường. Đặc biệt, trong bài thơ, hai khổ thơ 5 và 6 nói về nỗi nhớ và sự thủy chung trong tình yêu để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc.

    "Con sóng dưới lòng sâu

    ..

    Hướng về anh – một phương"

    (Thân bài) Bài thơ "Sóng" được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình). Trước khi Sóng ra đời, Xuân Quỳnh đã phải nếm trải những đổ vỡ trong tình yêu và thật bất ngờ khi ta lại gặp nữ sĩ với tâm hồn dạt dào và say đắm trong tình yêu ở Sóng. Đây là bài thơ đặc sắc viết rất hay về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ vừa hồn nhiên chân thành đằm thắm, vừa da diết khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường của Xuân Quỳnh. Bài thơ in trong tập thơ "Hoa dọc chiến hào" (1968).

    Sóng là hình tượng đã xuất hiện khá nhiều trong thơ. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du từng viết "Sóng tình dường đã xiêu xiêu". Xuân Diệu trong Biển có viết "Anh xin làm sóng biếc". Và Hữu Thỉnh cũng có những vần thơ đặc biệt về Sóng "Sóng có nghĩa gì đâu nếu không đưa em đến. Vì sóng đã làm anh nghiêng ngả vì em.". Vậy Sóng của Xuân Quỳnh có điều gì đặc sắc? Chắc chắn không phải ở cách lấy sóng để nói chuyện tình yêu vì điều này vốn đã có từ trước. Cái khác biệt đáng kể nhất là con sóng của Xuân Quỳnh được nhìn bằng nhãn quan của người phụ nữ, một con sóng mang tính nữ. Hơn thế nữa, Sóng được viết vào một thời điểm nhạy cảm, đó là cuộc chiến tranh chống Mĩ đang diễn ra ác liệt, trên thi đàn có không ít những bài thơ cổ động, ca ngợi tinh thần đấu tranh và căm thù giặc. Vì vậy Sóng xuất hiện như một bông hoa lạ, có sức sống tự nhiên trong lòng người đọc.

    Trong bài thơ có hai hình tượng là sóng và em. Sóng là hình ảnh mang nghĩa ẩn dụ - là sự phân thân của em, ẩn dụ cho cái tôi trữ tình của tác giả. Sóng và em sóng đôi trong bài thơ, có lúc phân tách để soi chiếu vào nhau, có lúc hòa nhập để âm vang cộng hưởng. Tâm hồn người phụ nữ đang yêu soi vào sóng để thấy rõ lòng mình, nhờ sóng để biểu hiện những trạng thái của lòng mình. Với hình tượng sóng, có thể nói Xuân Quỳnh đã tìm được một cách thể hiện thật xác đáng tâm trạng của người phụ nữ trong tình yêu. Nhịp sóng đó cũng chính là nhịp lòng của tác giả, một tâm trạng đang xao động, trào dâng, miên man và chất chứa những khát khao, rạo rực.

    Mỗi phát hiện về sóng là một phát hiện về tình yêu. Nếu như trong những khổ thơ đầu, Xuân Diệu đã dùng những đối cực của sóng "dữ dội – dịu êm, ồn ào – lặng lẽ" để khắc họa lại những cung bậc cảm xúc rất khó định hình, khó diễn tả trong tình yêu của người con gái và những bí ẩn của tình yêu muôn đời khó thể giải đáp thì ở khổ thơ 5 và 6 nhà thơ lại đi sâu vào nỗi nhớ không thể cắt nghĩa, không thể lý giải cùng với đó tấm lòng thủy chung, son sắt, một lòng một dạ bền bỉ, trường tồn, vĩnh hằng theo thời gian dù có bị thách thức qua bao nhiêu khó khăn thử thách đi chăng nữa.

    Nỗi nhớ là cung bậc cảm xúc muôn thuở trong tình yêu, nhưng nỗi nhớ ấy qua màng lọc tâm hồn của mỗi nhà thơ lại được tái hiện một cách riêng, độc đáo và mang đậm phong cách của người nghệ sĩ ấy. Ca dao mang nỗi nhớ vào bằng cách diễn đạt giản dị, giống như tâm hồn mộc mạc của người dân xưa "Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ/ Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai"? Cái ngẩn ngơ ấy, đến thơ trung đại được diễn đạt bằng những hình ảnh hàm súc, cô đọng hơn, nỗi nhớ làm hao huyết cả thời gian, mà cũng như đang giằng xé con người trong niềm cô đơn đợi chờ mòn mỏi "ba thu dọn lại một ngày dài ghê". Đến thơ mới, Nguyễn Bính mang nỗi niềm tương tư ấy của mình giăng mắc khắp các miền không gian, nỗi nhớ của con người chuyển dịch thành không gian nhớ nhau, cái nhớ trong thơ Nguyễn mới thật đậm chất của một nhà thơ chân quê. Đến Xuân Quỳnh nỗi nhớ vẫn là cảm xúc da diết, bồi hồi trong tình yêu, nhưng được biểu đạt qua hình tượng sóng nên càng mang sức gợi mới mẻ, hấp dẫn, hiện đại. ( P/S có thể bổ sung: Đoạn từ "Ca dao mang nỗi nhớ.. hiện đại" có thể trích dẫn cả câu thơ của các nhà thơ nếu có thể nhớ được: Ca dao từng có câu: Nhớ ai bổi hổi bồi hồi. Như đứng đống lửa như ngồi đống than. Thơ Nguyễn Du: Sầu đong càng lắc càng đầy. Ba thu dọn lại một ngày dài ghê. Thơ Nguyễn Bính: Trời còn có lúc sao quên mọc/ Tôi chẳng đêm nào thôi nhớ em. Thơ Hàn Mặc Tử: Người đi một nửa hồn tôi mất/ Một nửa hồn tôi hóa dại khờ. " )


    " Con sóng dưới lòng sâu

    Con sóng trên mặt nước

    Ôi con sóng nhớ bờ

    Ngày đêm không ngủ được

    Lòng em nhớ đến anh

    Cả trong mơ còn thức "

    Khổ thơ thứ năm là khổ thơ đặc biệt nhất trong bài thơ Sóng – bởi nó có sáu câu. Nếu coi cả bài thơ là con sóng lớn thì khổ thơ này sẽ là đỉnh sóng và cũng là đỉnh điểm của cảm xúc. Dường như nỗi nhớ không thể đong đầy trong bốn dòng thơ ngắn ngủi nên Xuân Quỳnh đã chắp bút thêm hai câu thơ nữa để cân bằng nỗi nhớ cháy bỏng mãnh liệt của trái tim người phụ nữ khi yêu. Như một đợt sóng lòng cồn lên cao nhất từ tâm điểm của bào thơ. Bốn câu đầu cái tôi trữ tình nhập vào sóng để giãi bày tâm sự. Hai câu sau cái tôi trữ tình tách ra để bày tỏ lòng mình, nhập vào rồi tách ra như vậy tuy hai mà vẫn là một trong một dòng cảm xúc tuôn chảy.

    Bằng việc lặp lại hai lần từ" con sóng "và đi kèm với nó là những vị trí khác nhau. Dù ở không gian nào" dưới lòng sâu "– những con sóng ngầm dưới mặt nước ta khó lòng có thể biết được hay" trên mặt nước "- con sóng ở bề nổi bên trên mà người ta có thể dễ dàng thấy được, nhưng chúng mang mang một nỗi nhớ đó là" nhớ bờ ". Tương quan đối lập được nói ở trên khiến người đọc cảm nhận nỗi nhớ ấy như mạnh mẽ, da diết hơn, nỗi nhớ ấy không chỉ hiện hữu trên mặt nước mà còn ở chiều sâu từng mét nước. Dường như con sóng mang nỗi nhớ tràn ngập trong suốt bản thân mình. Nỗi nhớ như thấm đẫm trên từng ngọn sóng tới chân sóng. Bởi vì sóng là hiện thân của người con gái, là hiện thân của tình yêu mãnh liệt nên ở đây ta có thể hiểu nỗi nhớ cũng đang tràn ngập trong lòng người con gái, nó hiện hữu qua khuôn mặt buồn nhớ, qua tâm trạng sầu nhớ. Lấy không gian và thời gian để" đo "nỗi nhớ của em, tác giả đã thể hiện một cách sâu sắc một tâm hồn luôn luôn trăn trở, khao khát được yêu thương. Sóng đã được nhân hóa mang hồn em và tình em.

    Câu thơ thứ ba cất lên như một tiếng thốt của tâm trạng:" Ôi con sóng nhớ bờ ". Từ cảm thán" ôi "xuất hiện trong đoạn thơ như một tiếng lòng chấn động rung lên, cất lên nghe thật tha thiết, nỗi nhớ trào dâng nơi sâu thẳm trái tim người con gái. Phải nhớ thương nhiều lắm, nỗi nhớ phải da diết, nồng nàn lắm thì mới có thể thốt lên, mới có thể gọi thành tên như vậy.

    Xuân Quỳnh đã nhân hóa hình ảnh sóng khiến sóng như một con người cụ thể với những diễn biến tâm trạng sinh động. Chính vì vậy, nỗi nhớ của người phụ nữ qua hình ảnh" sóng nhớ bờ "càng đậm nét. Vẫn với cách nhân hóa hình tượng" sóng "ở câu thơ thứ tư, Xuân Quỳnh đã đem tới một ý thơ mới mẻ" Ngày đêm không ngủ được ". Trạng từ chỉ thời gian" ngày đêm "cùng với đại từ phủ định" không "đã góp phần miêu tả một nỗi nhớ dai dẳng, khôn nguôi luôn luôn thường trực cả trong ngày và đêm. Và dù ở thời gian nào" ngày "cũng như" đêm ", sóng vẫn" nhớ ", sóng vẫn bồn chồn, thao thức" không ngủ được ". Có lẽ khi tình yêu đến, khi nỗi nhớ trong tình yêu ngập tràn trong lòng, thì đó lại là điều không khó hiểu như những gì Xuân Quỳnh diễn tả ở hai câu cuối của khổ thơ:


    " Lòng em nhớ đến anh

    Cả trong mơ còn thức "

    Từ" sóng "với" bờ "đã chuyển sang thành anh với em. Anh với em giống với con sóng và bờ kia, cũng chứa đựng những cung bậc cảm xúc như vậy đó là nỗi nhớ trong em cũng không thua kém gì với sóng. Xuân Quỳnh xao xuyến nhận ra sự tương đồng kỳ diệu giữa một hiện tượng thiên nhiên vĩnh hằng của trời đất với những trạng thái cảm xúc của tình yêu luôn dào dạt trong lòng mình. Nếu sóng nhớ bờ thì em nhớ anh – đó là quy luật của tình yêu muôn thuở. Nếu như" sóng "ngày đêm không ngủ, thao thức thì em cũng đã không kìm được cảm xúc rất chân thành thú nhận nỗi nhớ của em còn ở một cấp độ cao hơn" cả trong mơ "và cả khi" còn thức ". Ý nói rằng dù thức hay ngủ thì nỗi nhớ vẫn xâm chiếm. Nỗi nhớ khôn nguôi ấy luôn thường trực trong tâm trí, khiến" em "không khỏi thao thức, trăn trở" không ngủ được ", ngay cả trong giấc mơ vẫn là bóng hình của người thương trong đó. Yêu là sự hòa nhập hai tâm hồn. Sóng trên đại dương là biểu tượng cho sự sống muôn đời, cũng như tình yêu của" em "đối với" anh "mãi mãi là nỗi khao khát nhớ thương, mong đợi, trong không gian, trong thời gian, và" cả trong mơ còn thức ". Tình cảm nơi tâm hồn Xuân Quỳnh thật chân thành, thắm thiết, sâu sắc và mãnh liệt biết bao.

    Hình ảnh con sóng được điệp lại ba lần trong bốn dòng thơ giống nhau như những đợt sóng gối lên nhau, hối hả vươn tới bờ, như đoạn điệp khúc da diết của một bản tình ca. Nghệ thuật đối đã đặt sóng vào những không gian, thời gian khác nhau. Dù trên mặt nước hay dưới lòng sâu, dù ngày hay đêm, con sóng luôn mang trong mình nỗi nhớ bờ da diết. Đó cũng là ẩn dụ về những đợt sóng lòng đang trào dâng trong trái tim người phụ nữ đang yêu, sóng nhớ bờ như em nhớ anh" ngày đêm không ngủ được ", một nỗi nhớ bao trùm cả không gian, đầy ắp theo thời gian, một nỗi nhớ cồn cào da diết, không thể nào yên, không thể nào nguôi, cứ cuồn cuộn, dạt dào như những con sóng triền miên vô hồi vô hạn. Tưởng chừng như phi lí. Nhưng chính sự phi lý đã chứa đựng một chân lý, thể hiện cái cảm tình vẫn còn vẹn nguyên và muốn được tồn tại mãi mãi, không muốn mất đi. Tuy nhiên với một trái tim yêu mạnh liệt, một hồn thơ khao khát yêu đương nhưng đồng thời cũng tồn tại rất nhiều dự cảm và lo âu. Vì vậy, cái tâm thế" Cả trong mơ còn thức "không chỉ để nhớ mà còn để trấn giữ tình yêu. Bên cạnh niềm yêu còn bao nỗi băn khoăn, trăn trở" Lời yêu mỏng mảnh như làn khói/ Ai biết tình anh có đổi thay? ". (Hoa cỏ may – Xuân Quỳnh)

    Như ta đã biết sóng là biểu trưng cho tình yêu, cho nỗi nhớ. Trong tình yêu, khi người ta xa cách nhau thường đem lại sự nhớ nhung tha thiết. Có những người đem nỗi nhớ nhung đó giấu trong lòng, không thổ lộ với ai và cũng có những người họ bày tỏ, biểu hiện nỗi nhớ đó ra bên ngoài. Chúng ta có thể dễ dàng thấy được sóng là một hình ảnh hàm súc, gợi tả, gợi cảm và cũng là nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật của Xuân Quỳnh.

    Ở khổ thơ thứ năm này, Xuân Quỳnh dùng chữ" Lòng "thật chính xác để diễn tả tình cảm của người phụ nữ với tình yêu." Lòng "là chốn sâu kín nhất của tâm hồn con người, nhất lại là tâm hồn người phụ nữ. Lòng là kết tinh của tình cảm được chưng cất trong một thời gian dài qua biết bao thử thách. Vì vậy mà tấm lòng ấy không chút hời hợt mà đã là gan, là ruột của người phụ nữ rồi. Cho nên khi nói" Lòng em nhớ đến anh "dường như Xuân Quỳnh đã dốc hết cả nỗi lòng mình để nghiêng hết về phương anh. Cô gái trong Xuân Quỳnh là thế, cô gái trong ca dao cũng thế" Đêm nằm lưng chẳng tới giường / Cứ mong trời sáng ra đường gặp anh ". Những câu thơ đã bày tỏ một cách táo bạo, mới mẻ trong tư duy và suy nghĩ của người con gái trong tình yêu, phá tan tất cả những định kiến, phong tục cổ hủ tồn tại trước đây.

    Nếu nỗi nhớ là chất men say đánh thức tình yêu thì sự thuỷ chung lại là thước đo của tình yêu, của lòng người:


    " Dẫu xuôi về phương Bắc

    Dẫu ngược về phương Nam

    Nơi nào em cũng nghĩ

    Hướng về anh một phương "

    Tình yêu luôn luôn phải đối diện với bao thử thách, trong đó có sự cách trở về thời gian và không gian. Sự cách trở ấy đã làm cho tâm hồn thiếu nữ, tâm hồn" em "thêm đẹp, đinh ninh hơn về lời thề nguyền" trăm năm tạc một chữ đồng đến xương "trong" Truyện Kiều ". Đây chính là biểu hiện của phẩm chất thủy chung trong tình yêu mà trong thơ ca truyền thống rất nhiều lần nhắc đến. Lứa đôi ngày xưa với sức mạnh của tình yêu, họ quyết tâm vượt qua mọi thử thách" tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua "để được sống dưới một mái ấm hạnh phúc đời đời bên nhau. Với" em "thì dù đi đâu, dù có lên thác xuống ghềnh," dẫu xuôi về phương Bắc – dẫu ngược phương Nam "trong bom đạn thời chiến tranh chống Mĩ (1967), lòng em vẫn" hướng về anh một phương "- người mà" em "thương nhớ, đợi chờ. Đến đây trong lời thơ không còn em và sóng, chỉ còn em và anh – với tình yêu:

    " Chỉ còn em và anh

    Cùng tình yêu ở lại "

    (Thơ tình cuối mùa thu)

    Đầu mỗi câu thơ, Xuân Quỳnh đã đóng vào đó những từ chỉ sự đối lập" dẫu xuôi – dẫu ngược ". Cách nói" xuôi Bắc, ngược Nam "lại trái với quy luật thông thường. Từ" xuôi – ngược "vốn lại là những động từ chỉ sự vất vả, truân chuyên" xuôi Nam ngược Bắc ", đi Nam về Bắc, xuôi ngược bôn ba.. Lại thêm" dẫu xuôi, dẫu ngược "nữa thì lại càng nhân lên gấp bội phần những gian nan vất vả. Phải chăng đó là sự vất vả của con người trong cuộc hành trình nhọc nhằn tìm kiếm hạnh phúc. Tình yêu thật nồng cháy, dẫu cho có khoảng cách xa xôi, có mỗi người mỗi hướng thì lòng thủy chung, son sắt vẫn luôn cháy mãi nơi đáy lòng. Dù người tình có ở nơi đâu, có ở chốn phương Bắc lạnh giá hay chốn trời Nam xa xôi thì cũng không làm em nản lòng mà thôi nhớ, thôi nghĩ về anh. Khoảng cách có sá gì đâu khi tim luôn nhìn về một hướng- hướng anh- phương hướng tình yêu chúng mình. Khoảng cách địa lý không thắng nổi sự yêu thương của tình yêu mãnh liệt, khi trái tim hai con người đã gắn kết như sợi tơ hồng đã se duyên, khi người kia đã đặt trọn vẹn niềm tin cho đối phương của mình.

    " Dẫu "là một từ có tính chất phủ định dù có xa xôi cách trở, dù cách xa với những miền đất" nơi nào "xa tắp như" phương Bắc "hay" phương Nam "thì trong lòng" Em cũng nghĩ "," hướng về "chỉ có một phương hướng tới đó chính là tình yêu của mình, đó chính là người yêu, làm cho niềm tin đợi chờ trong tình yêu được khẳng định môt cách mạnh mẽ. Ý thơ gợi một quyết tâm lớn của người phụ nữ: Cuộc đời dẫu có thế nào đi chăng nữa thì em vẫn mãi mãi yêu anh. Lời nguyện thề nơi nào em cũng hướng về anh thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao. Là một người con gái, nhưng Xuân Quỳnh không hề đứng đó là đợi chờ tình yêu, nhà thơ luôn thể hiện sự chủ động của mình, với nhà thơ, tình yêu luôn phải rõ ràng và bình đẳng, đã yêu là phải sống thật trọn vẹn, hết lòng với tình yêu, bởi thế mà những vần thơ không chỉ mang nét dễ thương, đáng yêu mà còn đầy rắn rỏi, quyết liệt và dứt khoát.

    Đoạn thơ giống như một lời thề. Thề rằng dù em phải ngược xuôi vất vả gian truân, lên thác xuống ghềnh cũng chỉ có anh là người duy nhất. Anh đã dành" hệ qui chiếu "của đời em. Câu thơ giản dị mà sâu sắc hơn tất cả mọi lời vàng đá. Không gian thì có bốn phương tám hướng, nhưng tình yêu chỉ chấp nhận một phương. Có lẽ đây cũng là quan niệm về tình yêu của nữ sĩ Xuân Quỳnh: Tình yêu phải gắn với lòng chung thủy. Tình yêu không đơn thuần là tình yêu mà tình yêu đi liền với cái tốt, cái đẹp, cái cao cả là nỗi nhớ mãnh liệt, lòng thủy chung tuyệt đối. Khổ thơ toát lên vẻ đẹp của tình yêu đầy nữ tính kín đáo, dịu dàng, táo bạo, mãnh liệt bởi nhiều khát khao và đam mê nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của người phụ nữ phương Đông và người phụ nữ Việt Nam yêu tha thiết, chân thành và luôn hướng tới hôn nhân. Những câu thơ như được vắt ra từ chính cuộc đời Xuân Quỳnh đầy đau thương, mất mát, hụt hẫng về tình cảm. Cảm thông cho cuộc đời Xuân Quỳnh, ta càng hiểu thêm tình cảm của nữ

    Qua đây, Xuân Quỳnh đưa đến chúng ta một chân lí trong tình yêu: Dù có bao nhiêu khó khăn, chỉ cần con người giữ vững trái tim yêu thương, nhất định có ngày sẽ đoàn tụ, đến đích cuối cùng của bến bờ hạnh phúc. Những câu thơ làm ấm lòng biết bao con người phải chịu nỗi đau chia lìa. Tình yêu của Xuân Quỳnh đã vượt qua mọi giới hạn, luôn cháy bỏng và đầy nữ tính. Vì thế, nó vượt lên tình cảm cá nhân cá thể mà trở nên thánh thiện, thuần khiết hơn.

    Sóng hòa mình trong thể thơ năm chữ giàu nhịp điệu, nhịp sóng và nhịp lòng với bao thổn thức yêu thương. Cấu trúc song hành và các điệp ngữ đã tạo nên âm điệu triền miên, liên hồi như tiếng sóng vỗ xôn xao, bồi hồi trong lòng" em ". Những ẩn dụ, nhân hóa, tương phản, điệp cấu trúc.. hòa kết thành một đại dương tình yêu với nhiều cung bậc khác nhau." Yêu là chết ở trong lòng một ít "? Không! Với Xuân Quỳnh, thì tình yêu là" khát vọng, đã làm cho thiếu nữ hồn hậu hơn, cao quý hơn. Bởi lẽ:


    "Tình yêu là thế, em ơi!

    Hai người mà hóa một người trăm năm.."

    (Lạ chưa? – Tố Hữu)

    Khép lại hai khổ thơ nhưng lại mở ra trong lòng người đọc bao suy ngẫm. Đoạn thơ trên nói riêng và bài thơ "Sóng" nói chung thể hiện khát vọng nồng nàn, sâu sắc thủy chung của người con gái khi yêu, một tình yêu vừa mang tính dân tộc vừa mang tính nhân văn sâu sắc. Đồng thời tác giả cũng thể hiện được vẻ đẹp của người phụ nữ đang yêu qua hình tượng sóng. Sống là để yêu thương vậy nên hãy sống hết mình, cháy hết mình trong tình yêu để cuộc sống này không vô nghĩa.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...