Cảm nhận khổ 6,7,8,9 bài Sóng - Xuân Quỳnh, có liên hệ sáng tạo

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi sun and cloud, 25 Tháng bảy 2023.

  1. sun and cloud

    Bài viết:
    46
    Đề bài: Cảm nhận của anh/chị về 4 khổ thơ cuối của bài thơ Sóng - Xuân Quỳnh

    Dẫu xuôi về phương bắc

    Dẫu ngược về phương nam

    Nơi nào em cũng nghĩ

    Hướng về anh - một phương

    Ở ngoài kia đại dương

    Trăm nghìn con sóng đó

    Con nào chẳng tới bờ

    Dù muôn vời cách trở

    Cuộc đời tuy dài thế

    Năm tháng vẫn đi qua

    Như biển kia dẫu rộng

    Mây vẫn bay về xa

    Làm sao được tan ra

    Thành trăm con sóng nhỏ

    Giữa biển lớn tình yêu

    Để ngàn năm còn vỗ

    (Xuân Quỳnh)

    Bài làm

    Tình yêu, một thứ cảm xúc kỳ diệu, đã và đang luôn hiện hữu trên cuộc đời. Tình yêu có thể khiến cuộc sống con người đầy ắp những ngọt ngào nhưng cũng có thể khiến con người đau khổ, thậm chí chết vì yêu. Không biết từ bao giờ, con người vẫn luôn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi "Tình yêu là gì". Và nếu Xuân Diệu chọn cách trả lời "Hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo. Hãy để tuổi trẻ nói hộ tình yêu" thì Xuân Quỳnh - người được mệnh danh là nữ hoàng của thi ca và tình yêu đã dùng những con sóng để bộc bạch về khái niệm trừu tượng này qua thi phẩm bất hủ mang tên "Sóng". Đặc biệt trong bốn khổ thơ cuối, Xuân Quỳnh không chỉ nói về vẻ đẹp của tình yêu mà còn thể hiện khát vọng được hóa thân thành những con sóng như để tan ra giữa đại dương tình yêu mênh mang, như để ôm trọn và cảm nhận tình yêu trong cái hữu hạn của đời người:

    "Dẫu xuôi về phương Bắc

    * * *

    Để ngàn năm còn vỗ."

    Nhà phê bình Vương Trí Nhàn từng viết trong cuốn "Cây bút đời người" : "Nếu cần nêu lên một người hình như rất gần với thơ, sinh ra để làm thơ, thì người đó là Xuân Quỳnh." Chẳng phải ngẫu nhiên mà người con gái La Khê ấy được coi là nữ hoàng của thi ca và tình yêu, đó là hồn thơ pha trộn giữa sự dung dị hồn nhiên và cái lo lắng suy tư, vừa tươi tắn nồng nhiệt là giàu trực cảm và chân thành. Hồn thơ mang thiên tính nữ rất rõ ràng mở ra một mạch thơ hồn hậu với những vần thơ tuyệt đẹp, khiến ta không có cảm giác nhà thơ như "cố ý" viết. Xuân Quỳnh thật sự sinh ra để làm thơ, bà đã để lại cuộc đời mình trên những câu chữ dạt dào cảm xúc và đầy ắp khát khao yêu và được yêu khiến thế hệ độc giả đến ngày nay vẫn còn thổn thức khi đọc lại những tác phẩm của bà. Có lẽ trong số những bài thơ tình của nữ sĩ, "Sóng" là tác phẩm nổi tiếng nhất. Bài thơ được nữ sĩ viết trong một chuyến công tác ở biển Diêm Điềm, Thái Bình năm 1967. Lúc bấy giờ, lớp lớp thanh niên đều xuống đường đấu tranh chống đế quốc Mỹ, đặt một tác phẩm lãng mạn và thơ mộng vào trong hoàn cảnh khắc nghiệt như thế, ta mới thấy rõ được nỗi khát khao, vẻ đẹp dịu dàng, chung thủy trong tâm hồn tình yêu của người con gái giữa mưa bom đạn nổ, đó là một nét đẹp của thời chiến, đẹp như một "bông hoa dọc chiến hào". "Sóng" được in trong tập "Hoa dọc chiến hào" -1968 là một tác phẩm tiêu biểu cho hồn thơ và phong cách của nhà thơ.

    Từ thời ông cha, sự thủy chung son sắt trong tình yêu đã luôn được đề cao và nhấn mạnh, bởi đó là một trong những yếu tố quan trọng nhất cho một tình yêu đẹp và lâu dài, cũng là điều mà những chàng trai cô gái luôn hướng tới và hy vọng ở đối phương. Ở thi phẩm "Sóng", Xuân Quỳnh đã đưa nét đẹp ngàn đời ấy vào vần thơ của mình:


    "Dẫu xuôi về phương Bắc

    Dẫu ngược về phương Nam

    Nơi nào em cũng nghĩ

    Hướng về anh-một phương"

    Hai câu thơ đầu đều bắt đầu bằng chữ "Dẫu" nhưng mở ra hai con đường hoàn toàn trái ngược với động từ đối lập "xuôi"... "

    Ngược" và danh từ tương phản về mặt địa lý "Bắc"... "

    Nam". Nghệ thuật tương phản đã tạo ra sự vận động trái chiều, sự xa cách về không gian và cũng là ẩn dụ cho những khó khăn, trắc trở của người đang yêu. Nhưng dẫu có xuôi có ngược, có đi đâu về đâu thì em cũng chỉ có một nơi duy nhất để hướng về, đó là "phương anh". Tình yêu, lòng thủy chung của nhân vật trữ tình như xóa nhòa mọi khoảng cách về không gian, thời gian và cả những cách trở. Với thời gian, nó không có ngày, đêm vì khi biết yêu "Lòng em nhớ đến anh/Cả trong mơ còn thức". Với không gian, Đông, Tây, Nam, Bắc chỉ còn là phương hướng địa lý, người có tình yêu chỉ hướng đến một phương duy nhất giống nhân vật "em" trong "Sóng" một lòng hướng về "phương anh", đó là phương hướng của trái tim, của tình yêu cháy bỏng. Đối mặt với cuộc sống tần tảo khó khăn, phương hướng ấy một ngọn đuốc rực cháy trong trái tim "em", trở thành một tín ngưỡng một niềm hi vọng để cho dù cuộc đời có quay cuồng đảo lộn, xuôi ngược bộn bề đan xen, đất trời có bốn phương tám hướng, "em" chỉ cần vững vàng và bình tâm, nhìn về phương hướng duy nhất trong lòng thì khó khăn, cách trở sẽ đều hóa thành cát bụi và bay theo gió. Một khổ thơ có bốn câu nhưng có tới ba chữ "về" đã thể hiện sự hướng về, sự nhất quán đối với tình yêu của nhân vật trữ tình "em". Không chỉ vậy, số từ "một" cũng khẳng định nỗi nhớ tình yêu của em bao trùm cả thời gian, bất chấp cả không gian, thành lột tả được bản chất của tình yêu: Say đắm, thủy chung. Qua đó ta thấy được sự tinh tế của nhà thơ trong cách sử dụng ngôn từ để nói hộ tiếng lòng của người phụ nữ khi đang yêu. Đặc biệt, Xuân Quỳnh không trực tiếp nói về chiến tranh trong "Sóng" nhưng vẫn gián tiếp bộc lộ nỗi niềm của người phụ nữ trong thời chiến. Lời thơ ẩn tàng những dự cảm của một trái tim đa sầu đa cảm giữa thời kỳ binh lửa đau thương cũng chứa đựng sự khẳng định rằng người phụ nữ luôn sẽ luôn là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, cho những chiến sĩ đang chiến đấu ngày đêm vì Tổ quốc.

    Tuôn theo ý thơ nồng hậu, chân thành và tha thiết của Xuân Quỳnh, ta bắt gặp thêm một vẻ đẹp của tình yêu. Giống như sóng dù "muôn vời cách trở" cũng một lòng tìm về với bờ, người con gái trong tình yêu cũng thế, giữ trọn một niềm tin với tình yêu của đời mình:


    "Ở ngoài kia đại dương

    Trăm nghìn con sóng nhỏ

    Con nào chẳng tới bờ

    Dù muôn vời cách trở"

    Dưới lăng kính của nhà thơ, ta dõi về phía xa "Ở ngoài kia" có đại dương mênh mông rộng lớn, dung chứa và chở che "trăm ngàn" con sóng nhỏ và những con sóng ấy đều không biết mệt mỏi ngày đêm vượt qua giới hạn của chính mình để tìm đến và vỗ về bờ cát trắng. Không hề nhắc đến nhân vật "em" nhưng ta biết rằng "sóng" và "..."

    Giờ đây đã đan xen, quấn quýt lấy nhau vì "em" cũng muốn vượt qua mọi ngăn sông cách trở để được gần bên anh, được hòa nhịp trong tình yêu với anh. Em cũng như sóng, dù bao khó khăn thử thách của sẽ vượt qua để chạm tới tình yêu của đời mình, không có gì có thể ngăn cản em bởi trong em đã được tiếp thêm sức mạnh to lớn của tình yêu, như trong lời ca dao của ông cha:


    "Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo

    Ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu thập đèo cũng qua"

    Niềm tin tưởng trong tình yêu cũng quan trọng như lòng thủy chung vậy, có son sắt chung thủy, có tin tưởng mãnh liệt ta mới nhận lại được tình yêu và hạnh phúc xứng đáng. Thêm một lần, ta cảm nhận được sự điêu luyện trong cách sử dụng ngôn ngữ của Xuân Quỳnh, lượng từ "trăm ngàn" như tiếp thêm sức mạnh cho những trái tim biết yêu thương vì nó ngầm khẳng định rằng thế giới ngoài kia cũng có hàng trăm hàng nghìn những người đang yêu nhau với đủ mọi cung bậc, cũng như trăm ngàn con sóng nhỏ ngoài đại dương bao la, nhưng chỉ cần có lòng tin, cùng nhau nhìn về một hướng, đợi chờ và thủy chung thì ta sẽ gặt hái được hạnh phúc. Những câu thơ mang âm hưởng dập dềnh như sóng của nữ sĩ đã gẩy lên trong ta những rung cảm, những xúc động và niềm tin về tình yêu đẹp giữa cuộc đời đầy sóng gió này.

    Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Phương Mai từng nhận định: "Nếu định nghĩa" trọc phú "là kẻ có mà không hiểu giá trị của cái mình có, ai hẳn cũng có thể rơi vào cái bẫy này. Trọc phú kiến thức là khi ta biết con chữ mà chưa hẳn đã thấm hết ý nghĩa của con chữ ấy. Trọc phú tiền bạc là khi ta giàu mà không sang. Trọc phú bạn bè là khi ta nhiều bè mà ít bạn. Nhưng có một thứ mà không ai có thể làm trọc phú, ấy là" thời gian "." Thật vậy, cho dù người quyền năng nhất, giàu có nhất trên thế gian này cũng không thể thay đổi được quy luật thời gian. Thời gian không chờ đợi một ai, thời gian cuốn theo mọi thứ trên con đường nó đi qua, làm phai màu vạn vật kể cả những kỉ niệm. Với một tâm hồn nhạy cảm, Xuân Quỳnh cũng ý thức được cái lạnh lùng vô tâm của thời gian:


    "Cuộc đời tuy dài thế

    Năm tháng vẫn đi qua

    Như biển kia dẫu rộng

    Mây vẫn bay về xa"

    Dường như nữ sĩ muốn gửi gắm những âu lo, trăn trở của kiếp người vào những vần thơ. Bà ví những năm tháng, thời gian lướt qua cuộc đời hữu hạn của con người như biển rộng và mây trời cao xa của vũ trụ. Biển muôn đời vẫn cứ mênh mông bát ngát, mây trời vẫn đủng đỉnh bay về xa lặng lẽ, mặc kệ những đa đoan, khổ sở của thế gian. Điệp từ "vẫn" cùng phép liệt kê "năm, tháng, biển, mất" đã nhấn mạnh quy luật tự nhiên là vô hạn. Ta như nghe thấy tiếng thầm ghen thầm tiếc cho giới hạn đời người của nhà thơ. Cuộc đời của đất trời dài rộng như vậy mà cuộc đời của con người lại nhỏ bé hữu hạn, chẳng trách Xuân Diệu cũng từng muốn "tắt nắng đi", "buộc gió lại" cho "màu đừng nhạt bớt" hay "hương đừng bay đi" và cũng từng than tiếc:

    "Lòng tôi rộng, mà lượng trời cứ chật

    Không cho dài thời trẻ của nhân gian,

    * * *

    Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,

    Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời"

    Trước sự thật nghiệt ngã ấy, ta lại thấy một khát vọng mãnh liệt trong Xuân Quỳnh về một tình yêu vĩnh cửu, tình yêu không bị bào mòn bởi thời gian tàn nhẫn. Trên thế gian này, có lẽ chỉ có tình yêu mới có thể chiến thắng được thời gian, tồn tại mãi mãi tại vũ trụ vô tận này. Tất cả thiết tha, nỗi niềm, băn khoăn cùng tình yêu đang rực lửa ấy đổ dồn vào khổ thơ cuối cùng khiến sóng và em không còn song hành độc lập hay đan cài quấn quýt mà đã hòa vào làm một, qua đó khắc họa một cách rõ nét nhất khát khao, ước mơ vĩnh cửu hóa tình yêu của nhà thơ:

    "Làm sao để tan ra

    Thành trăm con sóng nhỏ

    Giữa biển lớn tình yêu

    Để ngàn năm còn vỗ"

    Từng đợt sóng nối tiếp nhau vỗ vào bờ không ngừng nghỉ như khát vọng bùng cháy của nhà thơ về tình yêu bất tử. Ta thấy được hình ảnh người con gái luôn mong muốn hòa bình vào bể đời rộng lớn, vượt qua mọi giới hạn, bứt ra khỏi mọi lo toan tính toán để ngập chìm trong bể lớn tình yêu. Câu hỏi tu từ bỏ ngỏ "Làm sao để tan ra" đã thể hiện sự hi sinh, sự cho đi trong tình yêu mà nữ thi sĩ luôn tâm niệm. Đối với bà, tình yêu không thể chỉ giữ khư khư bên mình mà phải hóa thân thành tình yêu đất nước, để tình yêu đôi lứa hòa trộn với tình yêu Tổ quốc, giống như "trăm con sóng nhỏ" được tổng hòa bởi nhiều vẻ đẹp khác nhau để tạo nên biển lớn. Đọc những vần thơ cuối cùng, ta bắt gặp một sự gặp gỡ kì diệu giữa hai hồn thơ tưởng chừng như không liên quan: Xuân Quỳnh và Nguyễn Khoa Điềm, bởi trong quan niệm của Nguyễn Khoa Điềm, Đất Nước cũng hình thành từ yêu đôi lứa "Trong anh và em hôm nay/ Đều có một phần Đất Nước/Khi hai đứa cầm tay/ Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm". Nhưng ở Xuân Quỳnh, đó không chỉ dừng lại là tinh thần con người thời đại chống Mỹ cứu nước mà còn là âm vang của một tấm lòng luôn thiết tha với sự sống và tình yêu.

    Nói về thơ của Xuân Quỳnh, Chu Văn Sơn từng nhận định: "Thơ Xuân Quỳnh là thơ của một cánh chuồn chuồn bay tìm chỗ nương thân trong nắng nôi dông bão của cuộc đời.. Thế giới thơ ca Xuân Quỳnh là sự tương tranh không ngừng giữa khắc nghiệt và yên lành với những biểu hiện sống động và biến hóa khôn cùng của chúng." Có lẽ trong bốn khổ thơ cuối bài nói riêng và bài thơ "Sóng" chung, nắng là vẻ đẹp của tình yêu, là sự thủy chung son sắt cùng tin tưởng và dông bão bất định của cuộc đời là những ngăn trở xa cách, là bom đạn chiến tranh và sự hữu hạn của đời người. Lời thơ của Xuân Quỳnh không hồn nhiên thiết tha đơn thuần hay chỉ có lo âu sầu muộn mà là sự hòa trộn giữa hai thái cực đối lập nhau. Bài thơ còn là cách lý giải tình yêu dựa trên sự nhận thức tương đồng, hòa hợp giữa hai hình tượng trữ tình "Sóng" và "Em". Hai hình tượng sóng đôi vừa tương phản, đối lập, vừa hài hòa đồng điệu, vừa được thể hiện trực tiếp vừa qua cách nói ẩn dụ. Nhân vật trữ tình "em" mang chiều sâu của tình cảm lại có sự nặng trĩu về trí lý đã được nhà thơ thể hiện một cách mộc mạc, dung dị và gần gũi. "Sóng" không chỉ diễn tả tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung thủy muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người mà còn như thôi thúc ta bước ra khỏi cái kén của bản thân đi tìm và gìn giữ tình yêu của đời mình và nhắc nhớ ta về những đức tính cao đẹp trong tình yêu, nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam: Thủy chung son sắt, một lòng tin tưởng. Tất cả những nỗi niềm, thông điệp ấy đều được gói gọn trong những vần thơ năm chữ cô đọng và hàm súc và giọng thơ nhẹ nhàng đằm thắm cuốn hút lòng người. Đọc từng câu thơ, ngẫm từng ý thơ ta còn thấy nét tự nhiên phóng khoáng qua cách ngắt nhịp và cái trẻ trung hiện đại của nữ sĩ qua cách gieo vần giàu liên tưởng. Bên cạnh đó, một loạt các biện pháp nghệ thuật như điệp từ, ẩn dụ, nhân hóa đều được nhà thơ sử dụng điêu luyện, khéo léo và thành thục góp phần bộc lộ tấm lòng, những khát khao đời thường mà vô cùng đẹp đẽ. Cùng với "Sóng", Xuân Quỳnh đã để lại một dấu ấn không thể phai mờ trong làng thơ Việt Nam.

    Năm tháng có thể bào mòn mọi thứ nhưng không thể phủ bụi những lời thơ thanh dịu và an nhiên, sâu lắng và trường tồn của Xuân Quỳnh. Với ngòi bút tài hoa và đầy cảm xúc, những vần thơ mang âm hưởng của sóng đã được cất lên như thế để bộc lộ nỗi lòng của nhà thơ về tình yêu. Thi phẩm "Sóng" ra đời, không chỉ khuấy động cõi lòng độc giả, mà còn cổ vũ bao trái tim biết yêu hãy cứ hết mình và chân thành để món quà cuối cùng ta nhận lại sẽ bình yên và hạnh phúc:


    "Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em

    Biết khao khát những điều anh mơ ước

    Biết xúc động qua nhiều nhận thức

    Biết yêu anh và biết được anh yêu"

    Tự Hát - Xuân Quỳnh
     
    Last edited by a moderator: 16 Tháng mười hai 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...