Nhà thơ Y Phương tên khai sinh Hứa Vĩnh Sước, dân tộc Tày, sinh năm 1948, quê Trùng Khánh, Cao Bằng, hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Ông qua đời tối vào ngày 9 tháng 2 năm 2022. Những tác phẩm nổi tiếng của ông như: Người núi hoa, tiếng hát tháng giêng, lửa hồng một góc, lời chúc, đàn then, chín tháng, ngược gió, đò trăng.. Bài thơ: "Nói với con" được sáng tác năm 1980, khi đất nước mới hòa bình thống nhất nhưng gặp rất nhiều khó khăn thiếu thốn. Từ hiện thực ấy nhà thơ sáng tác bài thơ như lời tâm sự, động viên chính mình đồng thời nhắc nhở con cái sau này. Bố cục gồm: 2 phần Phần 1: Từ đầu đến "Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời" : Người cha nói với con cội nguồn sinh dưỡng: Con lớn lên trong tình yêu thương, sự nâng đỡ của cha mẹ, trong cuộc sống lao động nên thơ của quê hương. Phần 2: Còn lại: Nói về đức tính tốt đẹp của người quê hương mình. Người cha thể hiện lòng yêu thương, niềm tự hào về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ, truyền thống tốt đẹp của quê hương và mong ước con hãy tiếp nối, phát huy xứng đáng truyền thống ấy. Người đồng mình thương lắm con ơi Cao đo nỗi buồn Xa nuôi chí lớn Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn Sống trên đá không chê đá gập ghềnh Sống trong thung không chê thung nghèo đói Sống như sông như suối Lên thác xuống ghềnh Không lo cực nhọc Người đồng mình thô sơ da thịt Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương Còn quê hương thì làm phong tục Con ơi tuy thô sơ da thịt Lên đường Không bao giờ nhỏ bé được Nghe con. Đoạn thơ nói về sự cơ cực, vất vả của người đồng mình và tình nghĩa, yêu thương xóm làng in đậm trong lòng của tác giả. "Người đồng mình thương lắm con ơi Cao đo nỗi buồn Xa nuôi chí lớn" Dù khó khăn, gian nan vẫn quyết kiên trì, cố gắng, phấn đấu không nản lòng vì tình yêu lớn lao dành quê hương, đất nước. Câu nói biểu cảm: "Người đồng mình thương lắm con ơi" khiến ai đọc vào cũng dâng lên niềm xúc động khôn nguôi. Tác giả quyết tâm vượt qua tất cả khi nghĩ về người đồng mình. Tình yêu quê hương chính là động lực, nuôi dưỡng ước mơ, nhiệt huyết trong cuộc hành trình đầy thử thách. Nỗi buồn không đáng sợ, khoảng cách địa lý cũng chẳng là gì nếu như ta giữ vững niềm tin, hy vọng và phấn đấu vì ngày mai tươi sáng, tốt đẹp. "Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn Sống trên đá không chê đá gập ghềnh Sống trong thung không chê thung nghèo đói Sống như sông như suối Lên thác xuống ghềnh Không lo cực nhọc" Lời khuyên nhủ, giáo dục của người cha dành cho đứa con là hãy dành tình yêu, trân quý đối với quê hương, nơi dưỡng dục sinh thành, chôn nhau cắt rốn. Dù quê hương còn nghèo khó, cơ cực thì ta cũng không được phép chê bai, bởi vì quê hương là nơi ta sinh ra và lớn lên, là cội nguồn, là truyền thống vẻ vang của dân tộc đáng ca ngợi, tự hào: "Sống trên đá không chê đá gập ghềnh Sống trong thung không chê thung nghèo đói." Dù vất vả cũng không cho phép bản thân bỏ cuộc, từ bỏ tình yêu quê hương, dân tộc. Khó khăn, vất vả sẽ giúp ta lớn khôn từng ngày và thành công hay không do ta có đủ ý chí, nghị lực, kiên trì hay không: "Sống như sông như suối Lên thác xuống ghềnh Không lo cực nhọc" Người cha nhắc nhở đứa con hãy cống hiến cho quê hương, dân tộc, đất nước không quản ngại gian khó. Thích nghi với hoàn cảnh khắc nghiệt sẽ giúp ta trưởng thành hơn, mạnh mẽ và kiên cường hơn. Hãy sống đầy nhiệt huyết, bằng tất cả tình yêu thương trong từng hơi thở. "Người đồng mình thô sơ da thịt Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương" Người cha răn dạy con mình không được xem thường người đồng mình, bởi người đồng mình tuy thô sơ da thịt nhưng có ý chí, nghị lực phi thường. Sức mạnh đến từ nội tại giúp đồng mình làm được những việc như tự đục đá kê cao quê hương đáng khen ngợi và cần được tiếp tục phát huy đức tính cần cù, chăm chỉ, chịu thương chịu khó. "Còn quê hương thì làm phong tục Con ơi tuy thô sơ da thịt Lên đường Không bao giờ nhỏ bé được Nghe con." Những phong tục tập quán là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giúp người đồng mình lớn lên tiếp tục tiếp nối, giữ gìn và phát huy. Người cha khuyên nhủ đứa con hãy nghĩ đến người đồng mình, mang sức mạnh tình yêu thương quê hương, dân tộc mà cố gắng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn hòa bình cho đất nước. Người cha dạy đứa con lớn lên đầy hiên ngang, không được nhỏ bé, lùi lại phía sau. Người thành công là người biết vượt qua giới hạn của bản thân, không ngừng ước mơ và phấn đấu vì mục đích, lý tưởng cao đẹp. Tác giả sử dụng ngôn ngữ gần gũi, dễ hiểu giúp người đọc dễ cảm nhận và tiếp thu một cách trọn vẹn nhất. Giọng điệu trìu mến, thân thương, giàu tình cảm. Hình ảnh trong đoạn thơ được tác sử dụng như: Đá, sông, suối giàu sức gợi tả nói lên cảnh vật giản dị chốn quê hương. Đọc bài thơ, ta cảm nhận được tấm lòng của tác giả dành cho người đồng mình, quê hương. Tác giả gửi thông điệp ý nghĩa đến người đọc, dù bạn ở bất cứ đâu hãy luôn nhớ về quê hương, giữ gìn truyền thống, bản sắc tốt đẹp của dân tộc và biết ơn, trân quý những vất vả, nhọc nhằn của người nông dân nuôi ta lớn khôn từng ngày.