Cảm nhận hình tượng người lái đò qua 2 đoạn trích

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Diệp Lam Lạc, 3 Tháng sáu 2023.

  1. Diệp Lam Lạc

    Bài viết:
    111
    Đề bài: Cảm nhận về hình tượng người lái đò qua 2 đoạn trích:

    "Thạch trận dàn bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới[..] Vậy là phá xong cái trùng vi thạch trận vòng thứ nhất." và "Thế là hết thác[..] Họ nghĩ thế, lúc ngừng chèo..'.

    Từ đó nhận xét về phong cách nghệ thuật của nhà thơ, về cái nhìn về con người của nhà thơ.

    Bài làm

    " Dù ong phải bay ngàn cánh bay mới giọt mật

    Hay tằm giam mình tại chỗ nhả ra tơ

    Trong sáng tạo, chúng ở đầu hai cực

    Nào con nào đã được nhởn nhơ.. "

    (" Thơ bình phương- Đời lập phương "- Chế Lan Viên)

    Thật vậy, bản chất của lao động nghệ thuật là sáng tạo. Và lao động nghệ thuật chưa bao giờ dễ dàng: Thầm lặng. Chán nản. Đơn độc. Vất vả. Giằng xé. Mỗi một tác phẩm chân chính ra đời là sự lao động miệt mài không ngừng nghỉ, là kết quả của quá trình dấn thân, nhập cuộc, tích lũy, một tiến trình cọ xát dữ dội của người nghệ sĩ. Và Nguyễn Tuân cũng không nằm ngoài điều đó. Ông đã viết nên tập" Sông Đà "mà linh hồn của nó chính là tùy bút" Người lái đò Sông Đà ". Thưởng thức bài ký, độc giả không khỏi ấn tượng với vẻ đẹp của một chiến binh sông nước đã vượt qua bao trùng vi thạch trận như một người nghệ sĩ tài hoa trên mặt trận vượt thác boghềnh. Mà tiêu biểu là hai đoạn văn.

    " Thạch trận dàn bày vừa xong [..] thạch trận vòng thứ nhất "và" Thế là hết thác [..] Họ nghĩ thế, lúc ngừng chèo ".

    Là cây đại cổ thụ của rừng đầu nguồn văn học Việt Nam, Nguyễn Tuân được mệnh danh là" nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp ". Chính vì vậy ông luôn say mê những cái phi thường, tuyệt đỉnh, tuyệt đối, thích cảm xúc mạnh. Ưa khám phá sự vật, hiện tượng đến tận chân tơ kẽ tóc, Nguyễn tuân đã vận dụng kiến thức của nhiều ngành: Lịch sử, địa lý, âm nhạc, văn chương, quân sự. Và tùy bút" Người lái đò Sông Đà "in trong tập" Sông Đà "(1960) là một tiêu biểu. Tác phẩm là kết quả của một chuyến đi thực tế gian khổ và đầy hào hứng của tác giả đến vùng Tây Bắc xa xôi hòngkiếm tìm" chất vàng mười "trong thiên nhiên và con người Tây Bắc. Sông Đà trong cái nhìn của Nguyễn tuân như một thực thể sống động vừa mang vẻ đẹp hùng vĩ của thác nước, đá vừa mang một vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình, đắm say. Ở đó, nổi bật hình tượng người lái đò với vẻ đẹp tài ba trí dũng và tài hoa nghệ sĩ.. Tiêu biểu là hai đoạn văn trên.

    Như chúng ta đã biết, văn học nói bằng hình tượng, hình tượng nghệ thuật là khối pha lê lấp lánh làm lên giá trị tác phẩm văn học. Nếu cái thần của âm nhạc là giai điệu, của hội họa là đường nét và màu sắc thì cái thần của văn chương là ở hình tượng nhân vật. Nhìn lại chặng đường của nền văn học Việt Nam, ta bắt gặp hình tượng chí phèo vừa điên vừa chửi" ngật ngưỡng bước ra từ trong sách "của Nam Cao, là điển hìnhcho nỗi thống khổ của người nông dân trước cách mạng tháng Tám. Sau Cách mạng, ta ấn tượng trước hình tượng nhân vật Mị (trong" Vợ chồng A Phủ "của nhà văn Tô Hoài) là điển hình cho người lao động miền núi từ trong đau thương đã nhận thức, đấu tranh, giải phóng chính mình. Và đến thời kì xây dựng xã hội chủ nghĩa, Nguyễn Tuân cũng gây dựng cho mình một công trình nghệ thuật riêng, đó là hình tượng người lái đò sông Đà đầy anh dũng, đầy tài hoa nghệ sĩ.

    Vũ Ngọc Phan đã từng có nhận xét thế này:" Chỉ người ưa suy xét đọc Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, vì Văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức ". Tại sao vậy? Bởi trong các tác phẩm của mình, ta luôn thấy chất tài hoa nghệ sĩ, đầy uyên bác của nhà thơ, nếu không thật sự muốn tìm hiểu, khám phá, Động và khó có thể hiểu hết những đề nhà văn viết. Ông luôn xây dựng hình ảnh các nhân vật trong hiện thân của người nghệ sĩ trong chính lĩnh vực và nghề nghiệp của nhân vật ấy. Đôi khi họ chỉ là những người sống một cuộc đời bình thường trong tấm áo của bác lái xe, anh dân quân, chú bộ đội.. Nhưng khi bước vào trong văn của Nguyễn Tuân họ trở thành người nghệ sĩ thực thụ. Và ông lái đò trên dòng sông Tây Bắc là một điển hình như vậy.

    Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Tuân đặt tên tùy bút là" Người lái đò Sông Đà "trong khi lại đi vẽ một bức tranh hùng vĩ về Sông Đà. Phải chăng là do khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc chỉ là cái cớ để tôn vinh vẻ đẹp con người nơi đây? Quả đúng vậy, vẻ đẹp của ông lái đò trước hết được thể hiện ở nghề nghiệp của mình:

    " Ông ngồi đó cắm sào chờ khách gọi

    Đôi mắt buồn vời vợi thà dòng trôi

    Ba phần tư thế kỷ của kiếp người

    Sống lặng lẽ buồn vui cùng con nước ".

    (" Ông lái đò "- Nguyễn Thái)

    Trên thác đá đầy đủ tướng dữ quân tợn, những hút nước chết người, nhưng yết hầu chật hẹp, lạnh lẽo và" sóng xô đá "," đá xô gió "bỗng hiên ngang một người lái đò đầy khỏe khoắn, tráng kiệt, oai phong như khắc như chạm. Bước vào cái tuổi 70 đầu tóc bạc trắng, thân hình ông" vẫn đẹp như một pho tượng tạc bằng đá cẩm thạch ". Cánh tay" lêu nghêu như cái sào, chân lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh như đang kẹp lấy một cuống lái ". Cặp mắt tinh anh, nhãn lực nhìn xa vời vợi. Trên ngực của ông nổi lên một" củ nâu "thương tích trên" chiến trường sông Đà "mà Nguyễn Tuân ngưỡng mộ gọi là" thứ huân chương lao động siêu hạng ". Ông lái đò Lai Châu này có" tay lái ra hoa "đã vượt qua bao trùng vi thạch trận, giao phong sinh tử với lũ đá nơi của nước. Sau hơn mười năm chèo đò và chỉ huy một con thuyền có sáu mái chèo đã ngược xuôi sông Đà trăm chuyến, trở da châu, xương hổ, chè, cánh kiến về xuôi, ông nắm vững từng con thác, cái ghềnh, nắm chắc binh pháp thần sông, thần đá. Có thể thấy, ông lái đò là một người lao động lành nghề, gắn bó với công việc và đặc biệt là vô cùng yêu công việc của mình.

    Nguyễn Tuân đã có nhận xét ban đầu như thế này" Cuộc sống của mỗi người lái đò sông Đà quả là một cuộc chiến đấu hằng ngày với thiên nhiên, một thứ thiên nhiên Tây Bắc có nhiều lúc trông nó thành ra diện mạo và tâm địa của một kẻ thù số một ". Để chiến đấu chống lại kẻ thù số một ấy, đòi hỏi ở người lái đò một vẻ đẹp tài hoa trí dũng. Điều đó được thấy rõ nét ở đoạn văn:" Thạch trận dàn bày vừa xong [..] vòng thứ nhất "nằm ở giữa tác phẩm.

    Thác đá sông Đà được nhân hóa như những kẻ rất nham hiểm và khôn ngoan. Chúng không chỉ đánh trên mặt trận giáp lá cà mà còn đánh bằng cả nghệ thuật tâm lí chiến. Trước đó, chúng đã dùng âm thanh của thác khiêu khích" giọng gằn mà chế nhạo "còn giờ đây chúng lại nhờ" nước thác làm thanh viện cho đá ". Với bản tínhhung hãn như một loài thuỷ quái, sông Đà đã đánh phủ đầu người lái đò với những đòn thế vô cùng hiểm hóc. Sông Đà cậy thế quân đông tướng mạnh," sóng phóng thẳng vào thuyền "," nước hò la vang dậy và bẻ gãy cán chèo "," liều mạng vào sát nát mà đá trái "," thúc gối vào bụng và hông thuyền "; có lúc chúng" đội cả thuyền lên "," túm thắt lưng để lật ngửa bụng thuyền "; đánh cả miếng đò hiểm độc nhất. Một loạt các động từ mạnh được sử dụng đặc tả không khí, chiến trận đầy cam go, ác liệt, dữ dội. Sông Đà như ở tư thế chủ động, lấn át, uy hiếp đối phương.

    Bị tấn công bất ngờ và đầy hiểm độc nhưng đối với ông lái đò Lai Châu thì có hề gì? Ông bình tĩnh mà đối đầu với nó, bởi:

    " Tôi đi với sông Đà

    Bao lần rồi vẫn lạ

    Tôi thuộc ngầm, thuộc đá

    Tôi thuộc lũ, thuộc dòng "

    (" Với sông Đà "- Vũ Quần Phương)

    Ông lái đò đã nằm lòng những đường đi, lối đánh của sông Đà. Với chiến thuật phòng ngự để dưỡng sức cho những trùng vi sắp tới," ông lái đò hai tay giữ mái chèo khỏi bị hất lên khỏi sóng ". Qua đó, ta thấy được sự dũng cảm, bản lĩnh, dám đương đầu của ông đò. Nguyễn Tuân miêu tả hình ảnh ông lái đò điều khiển chiếc thuyền cứ như nghệ sĩ đang kéo đàn viôlông. Mặc dù bị đánh miếng đòn hiểm nhất" bóp lấy hạ bộ, đánh đòn tỉa đánh đòn âm, đánh vào chỗ hiểm "đau điếng nhưng" hai chân ông vẫn kẹp lấy cuống lái "và mặt méo bệch đi vì đau đớn, ông vẫn sắc lạnh, tỉnh táo, đưa con thuyền thoát khỏi nguy hiểm. Nhà văn không viết là" méo xệch "mà dùng từ" méo bệch "phải chăng cái đau đớn tàn bạo của dòng nước nó làm cho bột bạt cả sắc mặt người chứ không đơn thuần chỉ là đau:

    Cảnh vượt thác quả là cảnh tượng xưa nay chưa từng có. Ông đò đã lật ngược tình thế từ bị động sang thế chủ động. Qua đó, nhà văn" vang bóng một thời "đã khẳng định sự tài ba cũng như vẻ đẹp trí dũng trong cuộc chiến đấu đầy thử thách cam go. Đến đây, tài năng, phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân được bộc lộ trong cách sử dụng từ ngữ, kiến thức của nhiều ngành, từ đó tái hiện sinh động cuộc chiến đấu đầy khốc liệt của người lái đò sông Đà. Đồng thời, nhà văn ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp con người, luôn vượt qua khó khăn, nguy hiểm để chiến đấu, chiến thắng.

    Ông đò – người được nhà văn nhìn nhận:" Không chỉ là người lao động trí dũng tuyệt vời mà còn là một nghệ sĩ thực thụ trong công việc lao động sông nước của mình, trong nghệ thuật vượt thác, leo ghềnh "Thật vậy, không chỉ là một ông lái đò tài hoa trí dũng mà ở ông còn hội tụ vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ. Đặc biệt qua đoạn văn thứ hai:" Thế là hết thác [..] Họ nghĩ thế, lúc ngừng chèo ".

    Quy luật trên con sông Đà là thứ quy luật khắc nghiệt. Một chút thiếu bình tĩnh, thiếu chính xác, hay lỡ tay, quá đà đều phải trả giá bằng mạng sống. Mà ngay ở những khúc sông người có thác lại dễ dại tay dại chân mà buồn ngủ. Chung quy lại nơi nào cũng hiểm ngụy. Ông đò vừa thuộc dòng sông, thuộc quy luật của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này, vừa nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá. Vì thế, vào trận mạc, ông thật khôn khéo, bình tĩnh như vị chỉ huy cầm quân tài ba. Mỗi giác quan của ông đều hoạt động trong sự phối hợp nhịp nhàng, chính xác. Xong trận, lúc nào cũng ung dung, thanh thản như chưa từng vượt thác:" sóng thác xèo xèo tan ra trong trí nhớ ".

    Lái đò, phải chuyển hàng vốn dĩ đã trở thành công việc thân thuộc," cuộc sống của họ là ngày nào cũng chiến đấu với Sông Đà dữ dội, ngày nào cũng dành lấy cái sống từ tay những cái thác.. "Chẳng bao giờ, ông lái đò Lai Châu đi khoe khoang hay nói gì nhiều về những lần vượt thác chèo gành gian nan ấy, bởi" nó cũng không có gì hồi hộp đáng nhớ ". Vượt sông Đà xong, những người lái đò lại quay về với cuộc sống bình thường, giản dị," nướng ống cơm lam, bàn tán về cá anh vũ cá dầm xanh, về những cái hầm cá hang cá mùa khô nổ như min bọc phá cá túa ra tràn đầy ruộng.. ". Cuộc sống tiếp diễn suốt mấy chục năm trời như vậy, bởi suy cho cùng đều là người lao động, nghề lái đò cũng chẳng ghê gớm gì, cũng chẳng hơn bao nghề khác, cũng là kiếm kế sinh nhai cả. Nhưng trong trang văn của nhà thơ thì nó đẹp đến lạ lùng!

    Với giọng văn nhẹ nhàng, câu văn trần thuật giản dị, đời thường, Nguyễn Tuân Đã khắc họa đặc sắc vẻ đẹp của ông đò- người nghệ sĩ trong tư thế ung dung, nhàn tản. Ông không nghĩ về những cái gian khó thử thách mà luôn hướng về sự sống. Đây cũng chính là biểu hiện của tinh thần, tâm hồn lạc quan, yêu cuộc đời.

    Hai đoạn văn trên đều được Nguyễn tuân viết nên nhằm khẳng định về đẹp của người lái đò Sông Đà. Đồng thời, nó thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật, cũng như tài năng sử dụng từ ngữ của người cầm bút. Tuy nhiên, đoạn văn thứ nhất tập trung miêu tả vẻ đẹp tài hoa trí dũng của người ông đò với hàng loạt động từ mạnh, giọng văn dữ dội, dồn dập.. Còn ở đoạn thơ thứ hai, taấn tượng với vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của ông đò Lai Châu với nhịp văn nhẹ nhàng, câu văn uyển chuyển, đời thường.

    Có người từng nhận xét:" Viết về con người bình thường trong cuộc sống đời thường nhưng không hề tầm thường ". Thật vậy, con người trong trang văn của Nguyễn Tuân đều được khám phá ở phương diện tài hoa nghệ sĩ. Ông đò với công việc lái đò trên sông Đà đã trở thành một người nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật leo ghềnh vượt thác, vừa dũng cảm, ngoan cường, mưu trí trong công việc; vừa khiêm nhường ung dung trong cuộc sống đời thường. Không giống" Chữ người tử tù ", trong tuỳ bút" Người lái đò sông Đà ", Nguyễn Tuân không đi tìm cái đẹp của một thời đã qua nữa mà cái đẹp mà ông khám phá ở ngay trước mắt, trong chính cuộc sống đời thường nhất, đúng như cái nghệ danh mà người đời đặt cho ông-" Một nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp "

    Nhà văn Thạch Lam từng viết:" Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự việc, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức ". Có lẽ bởi vậy mà tuỳ bút" Người lái đò sông Đà "và tài năng của Nguyễn Tuân đã" vượt qua mọi băng hoại của thời gian "khắc tạc mãi trong tâm khảm độc giả một" bài học trông nhìn và "thưởng thức".
     
    olalala, THG NguyenLieuDuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...