Cảm nhận đoạn trích: Trên đầu núi... thổi sáo đi theo Mị - Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Diệp Lam Lạc, 24 Tháng hai 2023.

  1. Diệp Lam Lạc

    Bài viết:
    111
    "Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho [..] Có biết bao nhiêu người mê, cứ ngày đêm thổi sáo đi theo Mị."

    Cảm nhận của anh/ chị về vẻ đẹp bức tranh thiên thiên, cảnh sinh hoạt và nhân vật Mị ở đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét chất thơ trong sáng tác của nhà văn Tô Hoài.

    Dàn ý chi tiết:

    I. MỞ BÀI


    - Trong kháng chiến chống Pháp, Tô Hoài đã cùng bộ đội tham gia chiến dịch Tây Bắc. Kết quả của chuyến đi ấy tập truyện ngắn "Truyện Tây Bắc" (1952).

    - "Vợ chồng A Phủ" là truyện ngắn đặc sắc nhất trong tập "Truyện Tây Bắc", cũng là một trong những truyện ngắn Việt Nam xuất sắc trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Tác phẩm là bức tranh chân thực về cuộc sống và con người vùng Tây Bắc, tái hiện số phận đau khổ của những người nông dân nghèo miền núi;đồng thời ngợi ca sức sống và khát vọng tự do của người miền núi, là hình ảnh con đường giải phóng và cuộc đổi đời của họ trong cách mạng.

    - Nói về truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, có nhận định cho rằng: "Có một chất thơ ngọt ngào, dịu dàng lan tỏa trong cảnh sắc, trong dòng hồi ức của Mị và trong nhịp điệu câu văn, trong lời bài hát, trong những từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm". Đoạn văn miêu tả đêm tình mùa xuân trên núi cao tiêu biểu cho phong cách văn chương dạt dào chất thơ của Tô Hoài trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ".

    II. THÂN BÀI

    1. Giải thích khái niệm

    - "Chất thơ" trong tác phẩm văn xuôi có thể hiểu là vẻ đẹp lãng mạn được tạo ra từ sự hòa quyện giữa vẻ đẹp của cảm xúc, tâm trạng, tình cảm với vẻ đẹp của cách biểu hiện nó để có thể khơi gợi những rung động thẩm mĩ và tình cảm nhân văn. Nó là vẻ đẹp bay bổng thơ mộng thoát lên từ đời sống hiện thực. Nó tương phản với đời sống hiện thực nhưng lại trong một thể thống nhất. Nếu hiện thực là môi trường của những cái vốn có, hiện có thì vẻ đẹp lãng mạn là ước mơ, là lí tưởng để nâng đỡ con ngươi vượt qua đờ sống hiện thực vốn trần trụi.

    - Chất thơ trong truyện ngắn: Được tạo nên khi nhà văn chú ý khai thác và biểu hiện một cách tinh tế cái mạch cảm xúc, tâm trạng, tình cảm của nhân vật hoặc của chính mình trước thế giới bằng những chi tiết, hình ảnh đầy gợi cảm và một lối văn trong sáng, truyền cảm, phù hợp với nhịp điệu riêng của cảm xúc, tâm hồn.

    - Từ những hiểu biết trên, có thể tìm hiểu chất thơ trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài qua đoạn văn miêu tả đêm tình mùa xuân trên núi cao.

    2. Chứng minh nhận định

    2.1. Chất thơ ngọt ngào, dịu dàng lan tỏa trong cảnh sắc mùa xuân:

    - Tô Hoài đã vẽ nên bức tranh về quang cảnh Tết đầy khác biệt trên núi cao. Tết không về theo lời hẹn trước, không nhất nhất phải đồng hành cùng tháng ấy, ngày ấy trên tấm lịch.. Trái lại, người dân vùng núi miền Tây "cứ ăn Tết khi gặt hái vừa xong, không kể ngày tháng nào. Ăn Tết như thế cho kịp lúc mưa xuân xuống thì đi vỡ nương mới". Đó một phong tục rất đẹp, rất thơ của đồng bào vùng cao, cách tính ngày Tết rất độc đáo thể hiện thuần túy tư duy nông nghiệp. Họ ăn tết khi ngô lúa đã gặt xong, mùa xuân có niềm vui thu hoạch mùa màng. Nhịp sống của con người "hòa thuận" một cách hồn nhiên, tự nhiên cùng nhịp điệu của thiên nhiên, vũ trụ như thuở sơ khai.

    - Nhà văn đã có những câu văn thật hay nêu bật được hình ảnh đặc trưng về thiên nhiên Tây Bắc những ngày giáp Tết. Khi "các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho", người được an nhàn, thư thái thì vui chơi đón Tết. Có phải vì thế mà Tô Hoài tả cảnh Tết đến vào lúc "gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội", nhưng vẫn gợi được cái không khí náo nức, tươi tắn của mùa xuân? Và dù cái Tết năm ấy đến Hồng Ngài "giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội" cũng không ngăn được niềm vui đang trỗi dậy trong tâm hồn những người dân ở đây, đặc biệt là ở những đôi trai gái yêu nhau.

    - Hình ảnh những chiếc váy hoa "đem ra phơi trên mỏm đá xoè như con bướm sặc sỡ" trong các làng Mèo Đỏ và tiếng sáo gọi bạn đi chơi "lấp ló ngoài đầu núi" mang hương vị độc đáo của mùa xuân Tây Bắc.

    - Tết ở đây gắn liền với những đêm tình nồng nàn, mê đắm: "Trai gái đánh pao, đánh quay rồi đêm đêm rủ nhau đi chơi. Suốt đêm, con trai đến nhà người mình yêu, đứng thổi sáo xung quanh vách". Có cả bữa cơm Tết cúng ma, bữa rượu bên bếp lửa, rồi "người nhảy đồng, người hát"..

    =>Bằng lối "điểm xuyết" như thế, Tô Hoài dần xóa đi khoảng cách thời gian và không gian, đưa người đọc nhập vào nhịp sống riêng của miền đất này.

    2.2. Chất thơ ngọt ngào, dịu dàng trong dòng hồi ức của Mị:

    - Từ dòng hồi ức của Mị, có thể cảm nhận được cái chất thơ vút lên từ cuộc sống của những con người bị vùi dập trong đau khổ, bất hạnh nhưng chưa bao giờ lụi tắt khát vọng sống, khát vọng tình yêu và tự do.

    - Trong đêm hội mùa xuân ở Hồng Ngài, lúc đó, kiếp con dâu gạt nợ ở nhà thống lí đã biến Mị từ một cô gái trẻ trung, tài hoa, mạnh mẽ.. thành người đàn bà nhẫn nhục, chai sạn trước đau khổ.

    - Nhưng bất chấp số phận cay đắng, nghiệt ngã, trái tim Mị vẫn âm thầm gìn giữ niềm khao khát tình yêu, hạnh phúc. Khi đau khổ xóa mờ kí ức, Mị vẫn không quên giai điệu ngọt ngào, tha thiết của tiếng sáo gọi bạn tình. Nó quấn quýt, vương vấn, thức tỉnh, nâng đỡ, chắp cánh cho tâm hồn Mị: "Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi [..] Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng [..] Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường [..] Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo..". Tiếng vẫy gọi của tình yêu đã làm sống dậy những cảm xúc và kỉ niệm Mị từng chôn vùi, quên lãng. Người đàn bà câm lặng suốt bao năm tháng giờ đây đang ngồi "nhẩm thầm bài hát" của người thổi sáo. Từng câu hát nồng nàn, tình tứ gọi về trong tâm tưởng những tháng ngày hạnh phúc, tươi sáng nhất: "Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lácũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị". Trong khoảnh khắc, Mị vượt qua mọi khoảng cách của thời gian, không gian, băng qua ranh giới của quá khứ và hiện tại để trở về sống trọn với tuổi thanh xuân tươi đẹp.

    =>Chất thơ tỏa sáng từ tâm hồn Mị - người con gái dẫu đi qua chốn địa ngục trần gian vẫn ấp ủ trong lòng bao xúc cảm đẹp đẽ và nồng ấm tình người. Mị dù qua bao bị đày đọa đến chết đi sống lại nhưng luôn tiềm tàng sức sống và khát khao hạnh phúc mãnh liệt.

    2.3. Chất thơ ngọt ngào, dịu dàng lan tỏa trong nhịp điệu câu văn, trong lời bài hát, trong những từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm:

    - Tô Hoài cũng sáng tạo nhiều kiểu câu văn giàu nhịp điệu "như biết co duỗi nhịp nhàng" (Nguyễn Tuân). Có kiểu câu với cấu trúc tầng lớp, trùng điệp các vế, thường được dùng để miêu tả các sự kiện kéo dài, lặp lại, triền miên, nặng nề; có kiểu câu ngắn, dồn dập, diễn tả những biến động bất ngờ. Những cấu trúc mới lạ, phong phú đan xen, phối hợp với nhau một cách linh hoạt mang dến cho lời vãn tính đa thanh, phức điệu.

    - Làm nên chất thơ của "Vợ chồng A Phủ" không thể không nhắc đến ngôn ngữ nghệ thuật của nhà văn với hàng loạt các âm thanh, các hình ảnh gợi hình, gợi cảm rất nên thơ và đậm màu sắc. Ngôn ngữ văn xuôi của Tô Hoài ngoài cái ý nghĩa cụ thể trong từng câu chữ còn có một cái vô hình khó chỉ ra nhưng hoàn toàn có thể cảm thấy, đó chính là giọng điệu, là âm điệu câu văn cùng tiết tấu nhịp nhàng của nó. Tiết tấu đó chính là sự thể hiện những điệu tâm hồn, những cung bậc khác nhau trong tình cảm của nhà văn.

    - Khi viết về những ngày tết ở Hồng Ngài, nhà văn Tô Hoài cũng rất chú ý miêu tả tiếng sáo. Sáo H'Mông có khả năng diễn tả ngôn ngữ của người H'Mông, thay họ nói lên tình cảm trong lòng: "Mày có con trai con gái rồi, Mày đi là nương. Ta chưa có con trai con gái, Ta đi tìm người yêu". Đó là phương tiện giao duyên hữu hiệu của các chàng trai đối với con gái trong bản làng.

    - Ngôn ngữ văn xuôi của Tô Hoài giàu chất thơ, chất họa. Không thiếu những đoạn văn, đọc lên, ngỡ như mình đang đứng trước một bức tranh hay đang xem một trường đoạn phim với góc quay thật rộng: "Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho. Trẻ em đi hái bí đỏ, tinh nghịch, đã đốt những lều canh nương để sưởi lửa.. Hồng Ngài năm ấy ăn Tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội". Gần rồi xa, cao và thấp, đậm xen nhạt, khi thì sắc nét như ở ngay trước mặt, lúc lại thấp thoáng mơ hồ như ở ngoài tầm mắt; vừa trải rộng với những nét vẽ sông, suối mềm mại, đã lại sừng sững thu về trong dáng núi gân guốc, hùng vĩ.. của núi rừng Tây Bắc.

    3. Đánh giá

    Khi nói về truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ", Tô Hoài từng tâm sự: "Thiên nhiên và con người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều quá, tôi không bao giờ quên". Chính những năm tháng không bao giờ quên ấy đã cho Tô Hoài chất liệu thấm đẫm chất thơ khi miêu tả thiên nhiên và con người Tây Bắc. Với sự gắn bó sâu nặng của mình với mảnh đất này, Tô Hoài đã truyền cho người đọc những rung cảm sâu xa với cảnh, với người bằng lối văn xuôi thấm đẫm chất thơ ngọt ngào, dịu dàng lan tỏa trong cảnh sắc, trong dòng hồi ức của Mị và trong nhịp điệu câu văn, trong lời bài hát, trong những từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm. Đoạn văn miêu tả đêm tình mùa xuân trên núi cao tiêu biểu cho ngôn ngữ văn chương thấm đẫm chất thơ của Tô Hoài trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ".

    Bài tham khảo:

    Mở đầu bài thơ "Tiếng hát con tàu", nhà thơ Chế Lan Viên hạ bút:

    "Tây Bắc ư, có riêng gì Tây Bắc

    Khi lòng ta đã hóa những con tàu

    Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát

    Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu?"

    Tây Bắc – mảnh hồn thiêng của núi sông, miền đất hứa nâng giấc cho biết bao câu bút gạo cội. Nếu Nguyễn Tuân đến đây vì "thứ vàng mười đã qua thử lửa" qua tuỳ bút "Người lái đò sông Đà" thì Tô Hoài lại thăng hoa trên mảnh đất này với tập "Truyện Tây Bắc" mà linh hồn của nó là truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ". Thưởng thức từng trang văn, độc giả không khỏi ấn tượng với "nàng dâu gạt nợ" của nhà thống lí Pá Tra – Mị. Đặc biệt, đoạn trích trên đã làm nổi bật vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên, miêu tả cảnh sinh hoạt và nhân vật Mị. Qua đó thể hiện rõ chất thơ trong sáng tác của Tô Hoài: "Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho [..] Có biết bao nhiêu người mê, cứ ngày đêm thổi sáo đi theo Mị".

    Người yêu văn chương hẳn không còn xa lạ với tên tuổi nhà văn Tô Hoài - cây đại thụ tỏa bóng xuống cánh rừng văn học Việt Nam hiện đại. Đó là cuộc đời sáng tạo và bền bỉ không ngừng với số lượng tác phẩm đạt tới mức kỉ lục: Gần 200 đầu sách. Với vốn hiểu biết phong phú, ngôn ngữ trong sáng, gần gũi, tác phẩm của Tô Hoài đã thu hút được nhiều thế hệ độc giả.

    "Vợ chồng A Phủ" được sáng tác năm 1952, in trong tập "Truyện Tây Bắc" cùng "Mường Giơn" và "Cứu đất cứu Mường". Tác phẩm là kết quả chuyến đi thực tế dài tám tháng cùng bộ đội vào giải phóng miền Tây Bắc của nhà văn. Tác phẩm gồm hai phần: Phần đầu kể về cuộc sống tủi nhục của Mị và A Phủ ở Hồng Ngài, là nô lệ trong nhà thống lí Pá Tra. Kết thúc phần đầu là cảnh Mị cắt dây trói cứu A Phủ và cùng A Phủ trốn khỏi nhà Pá Tra. Phần sau kể Mị và A Phủ ở Phiềng Sa, họ thành vợ chồng, được cán bộ A Châu giác ngộ cách mạng. A Phủ trở thành đội trưởng du kích đánh Pháp bảo vệ làng.

    Đoạn trích trên nằm ở phần đầu tác phẩm, khắc họa vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên, miêu tả cảnh sinh hoạt và nhân vật Mị. Qua đó thể hiện rõ chất thơ trong sáng tác của Tô Hoài.

    Tô Hoài đã từng quan niệm rằng: "Nhân vật là linh hồn và là trụ cột của tác phẩm" . Đặc biệt trong văn xuôi với thể loại truyện ngắn, một tác phẩm có thành công hay không phụ thuộc hoàn toàn vào nhân vật tham gia bởi nhân vật là trung tâm của câu truyện, có nhân vật mới có thể xây dựng được cốt truyện, diễn biến truyện, việc xây dựng nhân vật chính là dụng ý của nhà văn để thể hiện rõ được nội dung và tình cảm.

    Trong tác phẩm "Vợ Chồng A Phủ" Mị là nhân vật chính của câu chuyện. Trước khi về làm dâu nhà thống lí, Mị vốn là một cô gái vùng cao trẻ trung, xinh đẹp, hồn nhiên, có tài "thổi lá cũng hay như thổi sáo, có biết bao nhiêu người mê", nhưng vì món nợ truyền kiếp, Mị bị bắt về làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Cuộc sống làm dâu của Mị không hề dễ dàng: Bị bóc lột sức lao động, làm việc quần quật suốt ngày đêm; bị chà đạp về quyền sống "không bằng con trâu con ngựa"; và bị hủy diệt về tinh thần "mỗi ngày, Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa". Nhưng trong con người tưởng như đã chết của Mị vẫn âm ỉ một sức sống tiềm tàng chỉ chờ cơ hội là bùng cháy. Cơ hội ấy đã đến vào một đêm mùa xuân, ngọn gió xuân đã thổi bùng ngọn lửa chưa bao giờ nguội lạnh trong tâm hồn Mị. Và chính khung cảnh thiên nhiên, cuộc sống sinh hoạt, đặc biệt là tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân đã thức tỉnh Mị.

    Tác động đến sức sống mãnh liệt của Mị, đầu tiên phải kể đến phong cảnh thiên nhiên đầy thơ mộng, tràn đầy thanh sắc của Tây Bắc, không khí ngày xuân rộn rã, tươi vui được miêu tả từ xa đến gần:

    Hình ảnh "nương ngô, nương lúa", "ngô lúa đã xếp.." dự báo thời gian ngơi hiếm hoi, là khoảng thời gian ăn Tết khi gặt hái vừa xog. Đó là khoảng thời gian ít ỏi, được chờ đợi trong suốt cả một năm dài, là báo hiệu Tết đến xuân về, làm thức tỉnh lòng người đón Xuân. Cả không hiện lên với màu của "cỏ gianh vàng ửng", sắc vàng như lan tỏa, đang bao phủ khắp bản làng, sắc vàng ấm áp như xưa tan đi cái giá lạnh, cái "gió và rét rất dữ dội". Những làn gió cũng "thổi vào" như mang sắc vàng ửng tươi tắn rạng rỡ đẩy lùi sắc xám của núi đá. Tiết xuân không chỉ hiện lên với sắc vàng mà còn là màu sắc sinh động, tươi tắn của những chiếc váy hoa "xoè như con bướm rực rỡ", gợi lên không khí hội xuân vô cùng náo nhiệt sắp sửa bắt đầu. Cái rạng rỡ ấy còn in đậm trên những gương mặt cô gái đang độ xuân thì háo hức đợi chờ được đi chơi xuân.

    Tô Hoài không chỉ kích thích người đọc qua thị giác mà còn qua cả thính giác, những âm thanh rộn rã, náo nhiệt "đám trẻ đợi Tết, chơi quay, cười ầm trên sân chơi trước nhà". Có thể nói trong đoạn văn này ngòi bút Tô Hoài có dịp bộc lộ vẻ đẹp chất thơ, cái mảng trời tươi sáng của thiên nhiên và con người Tây Bắc. Tất cả là yếu tố bên ngoài tác động đến Mị, làm tiền đề cho sự thức tỉnh.

    Không chỉ qua khung cảnh thiên nhiên, vẻ đẹp của bức tranh cuộc sống sinh hoạt, phong tục miền núi, đặc biệt là cảnh ngày Tết của người Mèo, qua ngòi bút của Tô Hoài, thực sự có sức say lòng người, tác động mạnh mẽ đến sức sống tiềm tàng của Mị:

    Đoạn trích giúp chúng ta ít nhiều có thể hình dung về phong tục đón Tết của người Mèo (H'Mông). Người Mèo không ăn Tết theo lịch mà đón Tết khi vụ mùa gặt hái đã xong nên Tết là sự cộng hưởng của vẻ đẹp đất trời và niềm vui thu hoạch mùa màng "Ở Hồng Ngài, người ta thành lệ cứ ăn Tết thì gặt hái vừa xong, không kể ngày, tháng nào". Họ ăn Tết khi "Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho". Phong tục ấy thể hiện rõ nhịp sống của con người "hòa thuận" một cách hồn nhiên, tự nhiên cùng nhịp điệu của thiên nhiên, vũ trụ như thuở sơ khai.

    Vào dịp Tết người ta thường tập trung ở một không gian thoáng, rộng, thường là mỏm đất phẳng ở đầu làng để thổi khèn, thổi sáo, đánh quay, ném còn và nhảy. Vẻ đẹp của bức tranh sinh hoạt, phong tục miền núi trong ngày Tết của người Mèo, qua ngòi bút của Tô Hoài, thực sự có sức say lòng người. Trẻ con đầy vui sướng với những trò chơi ngày Tết "Đám trẻ đợi Tết, chơi quay, cười ầm trên sân chơi trước nhà". Trai gái thì thổi khèn, thổi sáo tìm bạn yêu "Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi".. Sự am hiểu về phong tục tập quán của người miền núi còn được Tô Hoài thể hiện rõ khi nhà văn miêu tả cảnh ăn Tết trong gia đình thống lí Pá tra. "Cả nhà thống lí Pá Tra vừa ăn xong bữa cơm Tết cúng ma. Xung quanh, chiêng đánh ầm ĩ, người ốp đồng vẫn còn nhảy lên xuống, run bần bật. Vừa hết bữa cơm lại tiếp ngay bữa rượu bên bếp lửa" . Nhìn ở góc độ phong tục, bên cạnh vui chơi thì người miền núi còn có tục thờ cúng, ốp đồng và ăn cơm, uống rượu bên bếp lửa.

    Nhà văn Tô Hoài đã từng tâm sự "Những điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sự sống của con người. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng, mãnh liệt". Vậy điều gì đã làm cho Mị hồi sinh? Điều gì đã khiến cho con người trong hoàn cảnh lay lắt đói khổ nhục nhã mà vẫn tiềm tàng, mãnh liệt cái sức sống diệu kì đến vậy? Phải chăng, chỉ cần nhìn vào khung cảnh thiên nhiên, bức tranh cuộc sống ấy thôi cũng đủ để ta cảm nhận được sức sống của Mị đang dần "ươm mầm nảy lộc".

    Nếu như nói không khí rạo rực, náo nức của mùa xuân giống như là cơn gió mát lành đã thổi vào mặt hồ yên tình của xtâm hồn Mị, làm cho cái mặt hồ đó khẽ xao động thì "tiếng sáo" trong đêm tình mùa xuân là tác nhân mạnh mẽ nhất đã hơi dậy những cảm xúc của Mị .

    Và có thể hình dung tiếng sáo chính là cơn gió mạnh đã thổi vào tâm hồn của Mị, đã thổi vào trái tim và đã làm vỡ đi cái lớp băng vô cảm trại sạn, làm thức dậy một cô Mị giàu sức sống. Tác giả Tô Hoài miêu tả tiếng sáo song hành với tâm trạng của Mị. Lúc ở xa thì nó lấp ló ngoài đầu núi, còn khi ở gần thì nó lửng lơ bay ngoài đường, gần hơn nữa là lúc nó dập dờn trong đầu Mị. Tiếng sáo là một ẩn dụ nghệ thuật được Tô Hoài khắc họa như một hình tượng độc đáo. Pauxtopxki đã từng nói "Chi tiết làm nên hạt bụi vàng của tác phẩm". Bụi vốn nhỏ bé, dễ lẫn, nhạt nhòa, phổ biến. Còn hạt bụi vàng, nhỏ bé những không dễ lẫn, bụi vàng nhỏ bé nhưng quý giá. Và có thể xem "tiếng sáo" chính là hạt bụi vàng lấp lánh đó, đã làm hiện lên tâm trạng và cảm xúc của Mị. Tiếng sáo là hiện thân của Mị, hiện thân của tuổi trẻ, của khát vọng tự do, hiện thân của kí ức tươi đẹp của những ngày xuân khi chưa bị bắt vào nhà Thống Lí Pá Tra. Và tiếng sáo bay xa vang vọng làm sống lại kí ức thời tuổi trẻ lắm mộng nhiều mơ giàu khát vọng. Có lẽ chính vì vậy, khi tiếng sáo vọng về, Mị không chỉ cảm nhận tiếng sáo bằng thính giác, mà Mị còn cảm nhận nó bằng tâm hồn. Mị cảm nhận được sự bồi hồi thiết tha trong từng âm vang tiếng sáo và cũng như cảm nhận được tấm lòng, tâm hồn của người đang thổi. Hay đó chính là nhịp đập trải tim của Mị, trái tim đang thổn thức đang rung động, đang bồi hồi theo từng giai âm của tiếng sáo. Chính tiếng sáo đã thức tỉnh Mị, đôi môi từng thổi sáo, người đàn bà âm thầm câm lặng ấy đã nhẩm thầm bài hát của những người đang thổi:

    "Mày có con trai con gái rồi

    Mày đi làm nương

    Ta không có con trai con gái

    Ta đi tìm người yêu."

    Mùa xuân là mùa của hò hẹn, mùa của tình yêu, của hạnh phúc và tiếng sáo ấy chính là tín hiệu báo hiệu rằng "Những đêm tình mùa xuân đã tới". Mùa xuân mới, đất trời, vạn vật bùng trỗi dậy của sức sống mới và con người cũng bùng dậy những khát vọng yêu đương.

    Tiếng sáo gọi bạn thiết tha, bổi hổi khi Tết đến xuân về ấy như một cơn gió thổi tung đám tàn tro đang vây quanh cuộc đời Mị. Đặc biệt qua nghệ thuật trần thuật và miêu tả tiếng sáo đặc sắc, Tô Hoài đã mang đến cho người đọc một linh hồn đang cựa quậy hồi sinh đằng sau lớp xác giá băng. Tâm hồn Mị tha thiết bổi hổi khi nghe tiếng sáo từ đầu núi vọng lại. Thanh âm ngân nga như kéo dài nỗi nhớ, như đưa Mị ngược trở về quá khứ với những cảm xúc ngọt ngào làm thức tỉnh những kỉ niệm:

    "Nhớ ai bổi hổi bồi hồi,

    Như đứng đổng lửa, như ngồi đống than."

    Mị đã ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi sáo. Sau bao nhiêu ngày câm lặng, có lẽ đây là lần đầu tiên người con dâu gạt nợ này đã khẽ hát, dù chỉ là nhẩm thầm. Mị nhẩm thầm (không phải là "hát thầm"), tức là khẽ khàng nhắc lại theo sự hồi tưởng, thậm chí không liền mạch, lúc nhớ lúc quên lời bài hát của người đang thổi. Có lẽ trước đây Mị cũng đã từng thổi sáo hoặc hát bài này rồi. Giờ nghe tiếng sáo ngoài đầu núi vọng lại, lúc ẩn lúc hiện, trong Mị đã thức dậy điều gì đó quen thuộc, lâu nay bị lãng quên.

    Tiếng sáo ấy đã thức dậy cả mùa xuân trong Mị, tiếng sáo thức dậy cả kí ức xa xôi của những ngày xuân trước và điều ấy nó khiến ta chợt nhớ đến một anh Chí Phèo bâng khuâng tỉnh dậy sau một cơn say dài, bởi tiếng chim hót, tiếng anh chài thuyền gõ mái đuổi cá, tiếng của người đi chợ thì việc đầu tiên Chí nhớ đến là quá khứ "Hình như đã có một thời hắn ao ước có một gia đình nho nhỏ chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải". Có thể nói ngay sau khi tỉnh rượu, như cùng một lúc, giấc mơ lương thiện sống lại trong lòng Chí, một giấc mơ lương thiện lụi tắt trong lòng Chí.

    Không chỉ có "tiếng sáo" thể hiện sự trỗi dậy trong tâm hồn Mị mà hành động "uống rượu" cũng khắc họa rõ nét điều đó:

    Như chúng ta đã biết, "uống rượu" là phong tục ngày Tết nơi vùng cao thể hiện không khí ngày Tết. Và Mị cũng uống rượu. Mị "lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát". Đó là cách uống của người thưởng xuân? Chắc chắn không phải vậy. Uống rượu thưởng xuân phải uống từ từ từng bát một, nhấm nhá, nhấm nháp để tận hưởng và đón nhận hương vị xuân. Đó là cách uống của người khát rượu, thèm rượu? Không đúng, bởi từ lâu Mị chẳng thèm khát gì. Tô Hoài viết: "Ngày Tết, Mị cũng uống rượu", mọi người uống, Mị cũng uống. Mị uống theo thói quen ngày xuân của người Mèo. Từ "lén" được tác giả sử dụng đầy tinh tế, thể hiện sức sống trong Mị đang dần trở về một cách thầm kín. Mị "uống ực từng bát" như để uống cho say, cho quên đi tất cả những đau khổ tột cùng nhưng càng uống càng tỉnh, càng tỉnh càng nhớ, càng nhớ lại càng đau đớn xót xa. Cái cách uống rượu ấy là sự dồn nén của những uất ức, phẫn uất nên uống rượu mà cứ như nuốt cay nuốt hận vào trong lòng.

    Trong văn học thì việc các nhân vật uống rượu không phải là ít, chúng ta đã từng bắt gặp một Hồ Xuân Hương:

    "Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

    Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn"

    Hay một Chí Phèo càng uống càng tỉnh. Có một triết lí "Rượu một khi không làm đủ sức lu mờ lí trí con người thì nó sẽ quay ngược trở lại thức tỉnh lí trí của người."

    Có thể nói rượu và tiếng sáo chính là chất men say đánh thức phần đời đã mất, khơi dậy sức sống tiềm tàng vốn bị vùi chôn ở nơi sâu kín nhất trong tâm hồn của Mị . Giờ đây Mị không còn lặng câm nữa. Mị đã hồi sinh! Sự hồi sinh trong tâm hồn đã dẫn đến hàng chuỗi các hành động cả vô thức lẫn ý thức nhưng chứa đựng đầy sức sống của nhân vật. Khi ngập mình trong hơi men nồng nàn, tha thiết, với tiếng sáo đang đang «văng vẳng gọi bạn đầu làng », lòng Mị đang sống về ngày trước, hồi tưởng lại mùa xuân tươi đẹp thời con gái. Ngày ấy, Mị là người con gái xinh đẹp, tài hoa, yêu đời, chỉ cần một chiếc lá là "Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo". Ngày ấy, Mị có "biết bao nhiêu người mê, cứ ngày đêm thổi sáo đi theo Mị" . Những hồi ức thanh xuân tươi đẹp ấy sống dậy cho thấy Mị đã bắt đầu thức tỉnh, Mị đã ý thức được về sự tồn tại, về cuộc đời của mình. Mị không còn sống một cách bất động, vô hồn ở nhà thống lí, sức sống mãnh liệt đang trỗi dậy trong tâm hồn Mị và khát vọng sống như ngọn lửa đã làm bừng sáng lại tâm hồn Mị. Nhà văn Tô Hoài ở đây thực sự đã chứng tỏ sự am hiểu về tâm lí, tính cách của người dân vùng cao Tây Bắc. Tâm lí của Mị không chỉ có lí trí của một người tỉnh táo mà còn phải có sự chếnh choáng trong hơi men nồng nàn của rượu, trong kí ức của tiếng sáo năm xưa.

    Cũng như tâm lí của nhân vật Chí Phèo đang chơi vơi giữa hai bờ say, tỉnh của Nam Cao khi xách dao đến nhà Bá Kiến để đòi lương thiện. Tâm trạng lưỡng cực đầy tinh tế ấy của nhân vật «không phải người viết mà là thần viết».

    Như vậy có thể thấy, sức sống tiềm tàng luôn ẩn dấu trong tâm hồn Mị. Nhập thẳng vào ngòi bút và nội tâm nhân vật, hòa nhập vào tiếng lòng của nhân vật. Tô Hoài đã diễn biến tâm trạng và bước phát triển hành động của Mị rất tinh tế. Đây là một đoạn văn giàu chất hiện thực song cũng đậm đà chất thơ, Tô Hoài đã giúp người đọc nhận ra được những bản chất tốt đẹp, tiềm tàng trong nhân vật Mị. Dù phải sống và chịu vùi dập trong cảnh đời bất hạnh nhưng khát vọng sống, khát vọng về hạnh phúc luôn âm thầm cháy trong Mị và khi ngọn gió mát lành của cuộc sống thổi tới nó sẽ bùng lên một cách mãnh liệt.

    Bằng giọng văn nhẹ nhàng cùng tài năng của nhà văn Tô Hoài trong nghệ thuật trần thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật và vốn hiểu biết về phong tục tập quán của dân tộc miền núi, đoạn trích trên góp phần thể hiện vẻ đẹp của nhân vật, góp phần thể hiện chủ đề tư tưởng. Đồng thời, nhấn mạnh ý nghĩa của ngoại cảnh tác động đến sức sống tiềm tang của Mị.

    Còn gì đẹp hơn khi nhà văn viết về cuộc sống để ca ngợi con người? Văn học luôn lấy con người làm đối tượng phản anh ra và mỗi giải đoạn, ta lại thấy những nhân vật điển hình. Nhìn lại chặng đường của nền văn học Việt Nam, ta bắt gặp hình tượng Chí Phèo vừa đi vừa chửi "ngật ngưỡng bước ra từ trang sách" của Nam Cao, điển hình cho nỗi thống khổ của người nông dân trước cách mạng tháng Tám. Ta xót thương cho thân phận bị cái đói cái nghèo thì sát đất của người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn: Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu, tiêu biểu cho người lao động miền biển. Ta day dứt trước số phận của Mị trong thân phận "nàng dâu gạt nợ" nhà thống lí Pá Tra qua ngòi bút tài hoa của nhà văn Tô Hoài, là đại diện cho người lao động nghèo miền núi từ trong đau thương đã nhận thức, đấu tranh tự đứng lên giải phóng chính mình.

    Chất thơ trong sáng tác của Tô Hoài hiện lên trước hết qua hình ảnh thiên nhiên vời vợi với những núi non, nương rẫy, sương giăng.. không thể lẫn được với một nơi nào trên đất nước ta. Những chi tiết miêu tả thiên nhiên đan xen, hòa quyện trong lời kể của câu chuyện. Đoạn trích cũng miêu tả rất tinh tế một phong tục rất đẹp, rất thơ của đồng bào vùng cao là lễ hội mùa xuân tràn ngập màu sắc và âm thanh, ấn tượng nhất về màu sắc là vẻ đẹp của váy hoa, của âm thanh là tiếng sáo. Nét đặc sắc nhất của chất thơ biểu hiện ở tâm hồn nhân vật Mị. Ẩn sâu trong tâm hồn Mị, một cô gái tưởng chừng như héo hắt, sống một cuộc đời lầm lũi "đến bao giờ chết thì thôi" ấy, có ai ngờ, vẫn le lói những đốm lửa của khát vọng tự do, của tình yêu cuộc sống. Tô Hoài còn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc bởi khả năng diễn đạt tài tình những rung động sâu xa, tinh tế trong thế giới đa cung bậc và muôn vàn sắc thái của tình cảm của con người. Chất thơ còn thể hiện qua ngôn ngữ nghệ thuật: Hàng loạt từ ngữ chỉ âm thanh, hình ảnh gợi hình, gợi cảm rất nên thơ . Các từ ngữ địa phương gợi những hình ảnh gần gũi đặc trưng cho miền núi Tây Bắc: Nương ngô, nương lúa, vỡ nương, lều canh nương, cùng những sinh hoạt độc đáo: Hái bí đỏ chơi quay, thổi sáo. Từ ngữ miêu tả chi tiết đẹp và giàu sức sống: Cỏ gianh vàng ửng, những chiếc váy đem ra phơi trên mỏm đá.. Chất thơ trong văn xuôi của Tô Hoài còn được tạo nên bởi sự kết hợp nhuần nhuyễn cái khí sắc lãng mạn với bút pháp trữ tình cùng cái duyên mượt mà của một văn phong điêu luyện. Đoạn miêu tả giàu tính nhạc thơ, trữ tình gợi cảm. Âm điệu câu văn êm ả, ngắn và đậm phong vị Tây Bắc. Nhip kể chậm, giọng kể trầm lắng chứa đầy cảm thông, xót xa. Giọng trần thuật nhiều khi đã hòa vào tiếng nói bên trong nhân vật.

    "Nghệ thuật nằm ngoài quy luật của sự băng hoại, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết" - Schedrin. Để làm được điều đó, nghệ thuật phải hướng đến con người với một tinh thần nhân đạo sâu sắc. Và như thế, tôi tin rằng "Vợ chồng A Phủ" là một tuyệt tác trường tồn. Áng văn ấy, cùng tên tuổi nhà văn Tô Hoài – một nhà văn, nhà nhân đạo chủ nghĩa sẽ còn sống mãi, ghi một dấu ấn không phải trong nền văn học nước nhà.

    "Ta bây giờ như chồi non mọc lại

    Rón rén xanh, khe khẽ tự vươn mình

    Đã bao lần tưởng úa tàn hoang dại

    Nhưng rồi lại cựa quậy đón bình minh."
     
    Ahihi33, chiqudoll, Admin1 người nữa thích bài này.
    Last edited by a moderator: 9 Tháng ba 2024
Trả lời qua Facebook
Đang tải...