Cảm nhận đoạn trích: Thuyền tôi trôi trên sông Đà... cổ điển trên dòng trên

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Diệp Lam Lạc, 3 Tháng mười hai 2022.

  1. Diệp Lam Lạc

    Bài viết:
    111
    Đề 5: "Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. [..] và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên."

    Phân tích vẻ đẹp của hình tượng con Sông Đà trong đoạn trích trên đây. Từ đó, nêu ngắn gọn phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân qua tuỳ bút "Người lái đò Sông Đà".

    Bài làm


    "Dù ong phải bay ngàn cánh bay mới giọt mật

    Hay tằm giam mình tại chỗ nhả ra tơ

    Trong sáng tạo, chúng ở đầu hai cực

    Nào con nào đã được nhởn nhơ.."

    ( "Thơ bình phương – Đời lập phương" – Chế Lan Viên)

    Thật vậy, bản chất của lao động nghệ thuật là sáng tạo. Và lao động nghệ thuật chưa bao giờ là dễ dàng: Thầm lặng. Chán nản. Đơn độc. Vất vả. Giằng xé. Mỗi một tác phẩm chân chính ra đời là sự lao động miệt mài không ngừng nghỉ, là kếtquả của quá trình dấn thân, nhập cuộc, tích lũy, một quá trình cọ xát dữ dội của người nghệ sĩ. Và Nguyễn Tuân cũng không nằm ngoài điều đó. Ông đã viết nên tập "Sông Đà" mà linh hồn của nó chính là tùy bút "Người lái đò sông Đà". Thưởng thức bài kí, độc giả không khỏi ấn tượng với vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của sông Đà và góp phần thể hiện rõ phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân:

    "Thuyền tôi trôi[..] dòng trên".

    Là cây đại thụ của rừng đầu nguồn Việt Nam, Nguyễn Tuân được mệnh danh là "nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp". Trước và sau cách mạng, câu bút ấy luôn thể hiện vẻ đẹp của lối viết tài hoa, uyên bác, độc đáo, phóng túng. Tùy bút "Người lái đò sông Đà" in trong tập "Sông Đà" (1960) là một tiêu biểu. Tác phẩm là kết quả của chuyến đi thực tế gian khổ và đầy hào hứng của tác giả đến vùng Tây Bắc xa xôi hòng kiếm tìm "chất vàng mười" trong thiên nhiên và con người nơi đây. Sông Đà trong cái nhìn của Nguyễn Tuân như một thực thể sống động vừa mang vẻ đẹp hùng vĩ của thác, nước, đá; vừa mang vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng. Đoạn trích trên khắc họa vẻ đẹp hung vĩ của dòng sông.

    Đoạn văn bản nằm ở phần cuối tác phẩm. Nếu như ở đoạn trước, vẻ đẹp sông Đà thơ mộng, trữ tình được thể hiện qua hình dáng, qua màu sắc nước đa dạng; qua vẻ đẹp tuyệt sắc của màu nắng tháng ba Đường thi "Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu", thì đến đoạn này, Nguyễn Tuân lại tập trung miêu tả cảnh sắc và sự sống của đôi bờ tiền sử, một vẻ đẹp tĩnh lặng, thanh bình và căng tràn sức sống. Qua đó, ta thấy được phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.

    Nguyễn Tuân – người nghệ sĩ ấy đã đóng vai trò của một nhà địa lí học, đi đến tận cùng để tìm hiểu, để đưa vào trang văn của mình những thông tin chính xác về hình tượng sông Đà. Qua những trang viết tài hoa, con sông thơ mộng và dữ dội đã trở thành dòng chảy huyền thoại, người lái đò vật lộn với thác lũ đã trở thành dũng sĩ. Nguyễn Tuân luôn là như vậy, đã cầm bút viết là phải đi đến tận cùng của cái đẹp, không ưa những gì bằng phẳng, phải chọn cho mình những tích cách phi thường và ông đã đến với sông Đà như một điều tất yếu. Qua những trang văn của người nghệ sĩ, bạn đọc biết đến khai sinh của dòng sông để biết sông Đà ở huyện Canh Đông – tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) lấy tên gọi ban đầu là Ly Tiên, khi đi qua một vùng núi Ác đến nửa đường thì xin nhập quốc tịch Việt Nam, trưởng thành mãi lên đến ngã ba Trung Hà thì nhập vào với sông Hồng. Có thể thấy rằng, tuy không phải là một nhà địa lí học, nhưng tất cả kiến thức Nguyễn Tuân đem đến cho ta qua trang văn của mình đều là những kiến thức bổ ích và có giá trị nghiên cứu cao. Bên cạnh đó, ông còn phát hiện ra một đặc điểm của con sông này và thể hiện nó đầy đủ trên trang viết qua lời đề từ: "Chúng thủy giai đông tẩu/ Đà giang độc bắc lưu" có ý nghĩa là mọi dòng sông đều đổ theo hướng Đông, duy chỉ có sông Đà chảy theo hướng Bắc. Chi tiết ấy cho ta thấy sự khác biệt của dòng sông này, nó rất phù hợp với tạng văn, tạng người của Nguyễn Tuân.

    Sông Đà có vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng đầu tiên được thể hiện qua điểm nhìn nghệ thuật:

    Mở đầu đoạn văn, Nguyễn Tuân viết: "Thuyền tôi trôi trên Sông Đà". Đây là một câu văn rất đặc biệt khi có sáu chữ đều là thanh bằng, nó gợi cảm giác êm đềm, thanh bình của một dòng sông quê hương xứ sở. Từ câu văn mở đầu ấy nó đã trở thành điệp khúc được lặp đi lặp lại ba lần trong một đoạn văn rất ngắn. Sự lặp lại này nói lên sự hiền hòa, thanh bình, yên ả của một dòng sông như cổ tích tuổi xưa. Có lúc tác giả dùng cụm từ "thuyền tôi trôi trên", khi thì là "thuyền tôi trôi qua", chính cái điệu trôi nhẹ nhàng ấy, Nguyễn Tuân đã có điều kiện để quan sát cận cảnh, kĩ lưỡng cảnh sắc và sự sống ven hai bên bờ Sông Đà. Thuyền trôi đến đâu là vẻ đẹp của sự tĩnh lặng, thanh bình, tươi mới, hoang sơ, cổ kính lại hiện ra trước mắt người đọc sống động. Đoạn văn như một thước phim tư liệu quay cận cảnh những gì đẹp nhất, thanh bình nhất của dòng Sông Đà. Chính ống kính ấy được cảm nhận qua con mắt của một nhà văn tài hoa, uyên bác độc đáo, cảnh sắc và sức sống bên sông như một lần được sống lại trên những trang văn đậm chất thơ của Nguyễn Tuân, để rồi nó trở thành trang văn "xanh mãi" cùng với thời gian.

    Ngay từ đầu đoạn trích, Nguyễn Tuân đã gieo vào tâm trí người đọc về vẻ đẹp ấn tượng của sông Đà ở dọc đôi bờ sông. Không dữ dội như quãng ở thượng nguồn, cảnh vật thiên nhiên sông Đà ở đây thật tĩnh lặng và hoang sơ. Sự tĩnh lặng của không gian cảnh vật sông Đà được nhà văn miêu tả "Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lý, đời Trần, đời Lê quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi". Ngồi trên khoang đò ở quãng ấy, nhà văn có cảm giác mình đang đi ngược về quá khứ xa xưa trở về thời Lí, thời Trần, thời Lê. Nhắc đến các triều đại ấy là tác giả muốn gợi lại lịch sử dựng nước, giữ nước và thể hiện lòng tự tôn dân tộc, cũng là một cách để nhà văn tô đậm vẻ đẹp nguyên sơ của dòng sông. Cảnh vật tĩnh lặng đến mức nhà văn chợt ao ước có một âm thanh của cuộc sống con người, khao khát được cảm nhận những thành tựu của con người trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, xây dựng cuộc sống mới trên Tây Bắc: "Chao ôi thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ - Yên Bái - Lai Châu' .

    Cảnh vật bờ bãi sông Đà không chỉ tĩnh lặng mà còn hoang sơ đến lạ kỳ. Sự tĩnh lặng, hoang sơ của dòng sông hiện lên rõ nét hơn qua các nét phác họa" tịnh không một bóng người "," bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử "," bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa ". Có thể nói, qua phép so sánh đầy sức gợi và các nét tả của Nguyễn Tuân, dòng sông Đà ở hạ lưu vẫn giữ nguyên vẻ đẹp nguyên sơ như thể hàng ngàn năm, vạn năm hay hàng tỷ năm nay nó vẫn nguyên sơ như thế. Với cách liên tưởng và ví von ấy, tác giả dường như muốn cho ta thấy sông Đà còn có vẻ đẹp của một con sông bền bỉ chạy qua tháng năm lịch sử, mang dấu tích văn hóa ngàn xưa của dân tộc. Đặc biệt, hai câu văn" bờ sông hoang dại.. bờ sông hồn nhiên.. "khiến ta tưởng đây là hai vế của một câu song quan trong bài phú lưu thủy. Nghệ thuật điệp cấu trúc đã kết dính hai câu thành một bè thơ gợi cảm, bồng bềnh, vấn vương cảm xúc hoài cổ mà ta đã bắt gặp ở người nghệ sĩ một thời vang bóng này. Nguyễn Tuân đã tìm về vẻ đẹp xưa trong cái ngày hôm nay để từ đó bộc lộ tình yêu quê hương xứ sở.

    Không bằng lòng với cái đẹp nhợt nhạt, Nguyễn Tuân đã vận dụng tối đa bút lực để phác họa bức tranh cảnh vật sông Đà, hệt như một người họa sĩ tài hoa. Thế giới thiên nhiên Sông Đà qua sự miêu tả của ông thật sinh động, kỳ ảo, lý thú nhưng cũng tràn đầy sức sống.

    Những hình ảnh về" một nương ngô mới nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa "," cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp ".. cho thấy cảnh vật được miêu tả qua vẻ đẹp của sự non tơ, tươi mới và tràn đầy sức sống, kéo dòng sông từ thuở hồng hoang trở về gần với thực tại. Giữa không gian thơ mộng, tĩnh lặng đó là hình ảnh một đàn hươu" cúi đầu ngốn búp cỏ tranh đẫm sương đêm ". Tác giả đã cảm nhận hết vẻ tinh khôi, thần thái tràn trề sức sống của cảnh vật và bắt trọn từng khoảnh khắc và mọi chuyển động:" Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên một mũi đò ", rồi" hươu vểnh tai ".. Cuộc đối thoại giữa ông khách sông khách sông Đà và con vật" lành "đích thực là một bài thơ trữ tình, nó chập chờn chơi vơi. Hươu hỏi người hay người tự hỏi một giả định vừa thực vừa ảo. Hình ảnh đầy chất thơ này gợi cho chúng ta nhớ đến chú nai vàng trong những câu thơ nổi tiếng của tác giả Lưu Trọng Lư:

    " Con nai vàng ngơ ngác

    Đạp trên lá vàng khô "

    Thiên nhiên sông Đà với sự sống nguyên sơ còn được miêu tả qua hình ảnh đàn cá dầm xanh trong sự ví von, so sánh tinh tế và độc đáo:" Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi "," Tiếng cá đập nước sông khiến đàn hươu vụt biến ". Câu văn" Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi "là một câu văn đẹp, có âm thanh, có màu sắc, có cái nghe thấy, có vật nhìn thấy, có điều cảm thấy. Hình ảnh so sánh" đàn cá bụng trắng như bạc rơi thoi "đầy chất thơ vừa gợi tả sắc trắng (như bạc), vừa chỉ rõ dáng hình thon dài (như thoi) của đàn cá dầm xanh. Biện pháp nghệ thuật so sánh cùng với nghệ thuật lấy động tả tĩnh gợi lên không gian tĩnh mịch đến độ người ta có thể nghe thấy cả tiếng cá quẫy đuôi làm đàn hươu phải giật mình và ông khách sông Đà cũng chợt tỉnh mộng để quay về thực tại.

    Để nhấn mạnh vẻ đẹp tĩnh lặng, thanh bình của Sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân đã có một hình ảnh rất sáng tạo đó chính là " tiếng còi sương ": " Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên một mũi đò. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng cái tiếng nói của một con vật lành: "Hỡi ông khách Sông Đà có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương". Hình ảnh còi sương không phải là mới lạ.

    Trong bài "Kinh Nam tình vọng" của Nguyễn Trung Ngạn viết: "Còi sương rúc sáng rạng hồng/Tranh ai dệt nổi giữa vùng nước mây" hay trong Truyện Kiều, Nguyễn Du có viết: "Lầu mai vừa rúc còi sương/Mã sinh giục giã vội vàng ra đi". Tiếng còi sương trong thơ xưa được hiểu là âm thanh của tiếng còi hay tiếng tù và thổi trong sáng sớm báo hiệu thời gian của một ngày mới bắt đầu. Vậy "tiếng còi sương" trong cách dùng từ của Nguyễn Tuân được hiểu như thế nào? Tiếng tù và thổi lên, một âm thanh quen thuộc? Như vậy câu chữ có quá cũ, có còn là Nguyễn Tuân? Tiếng còi của đoàn xe lửa? Chắc là không! Là âm thanh hoang vắng mơ hồ từ xa xăm dội về theo cách cảm của nhiều người? Thiết nghĩ, đây là âm thanh của những giọt sương đêm đọng trên lá cỏ tan chảy trong miệng con hươu vỡ ra thành tiếng còi sương. Thứ âm thanh trong suốt, tinh khiết và nhỏ đến vô cùng khó ai nghĩ đến, khó ai tưởng tượng ra. Thế mà, Nguyễn Tuân lại cảm nhận được điều đó thì quả là vi diệu! Vâng, cái vi diệu đó không phải tự nhiên có được mà đó là kết quả của quá trình đãi quặng tìm vàng giao thoa cùng tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống của nhà văn muốn điều khiển con chữ để tái tạo kì công của tạo hoá và kí tích của con người. Nếu hiểu như trên, có thể khẳng định, Nguyễn Tuân đã dùng thủ pháp quen thuộc của thơ Đường khi lấy động để tả tĩnh. Trong bài thơ Khe chim kêu (dẫn ở phần đầu của bài văn), Vương Duy đã sử dụng triệt để nghệ thuật lấy động tả tĩnh giúp người đọc nhận thấy không gian yên tĩnh của núi đồi mùa xuân khi về đêm và tâm hồn thanh tịnh của một người nhàn. Chỉ có người nhàn trong tâm thanh tịnh như vậy mới nghe được âm thanh tiếng hoa quế (rất nhỏ) rụng rơi. Và tuyệt diệu hơn là trong không gian tĩnh lặng ấy, đàn chim đã giật mình trước sự chuyển động của trăng đêm? Thì khi đọc những dòng thơ văn xuôi của Nguyễn, tôi cũng lại thấy được điều tuyệt diệu của nghệ thuật lấy động tả tĩnh. Không gian phải tĩnh lặng gần như đến tuyệt đối, thì ông khách sông Đà mới có thể nghe được tiếng còi sương vỡ ra trong miệng hươu. Trong không gian ấy, một tiếng động của đàn cá dầm xanh cũng đủ làm cho đàn hươu hốt hoảng và vụt biến mất. Không gian đẹp và thơ như một thế giới cổ tích tuổi xưa. Ngòi bút của Nguyễn Tuân đã thực sự thăng hoa. Ông đã cảm nhận được tất cả những gì tuyệt diệu nhất của thiên nhiên ban tặng và cảm nhận được độ trong trẻo và tinh tế của ngôn ngữ Tiếng Việt. Khi tình yêu đã thăng hoa cùng tinh thần trách nhiệm của người cầm bút, sứ mệnh của người đi kiếm tìm cái đẹp thì mọi điều trở thành sự kì diệu.

    Nói tóm lại, cảnh sắc và sự sống ven Sông Đà thật tuyệt mĩ mà có lẽ người đọc mãi mãi không bao giờ quên. Để diễn tả vẻ đẹp ấy, Nguyễn Tuân đã dùng hai câu thơ nổi tiếng của Tản Đà "Dải sông Đà bọt nước lênh bênh/Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình" của một người tình nhân chưa quen biết. Với hai câu thơ này, Nguyễn Tuân như đang muốn khẳng định tình yêu của mình dành cho một mĩ nhân Sông Đà, đó là cái nhìn đắm đuối trước một vẻ đẹp đến mê hoặc khó cưỡng lại của dòng sông quá đỗi thơ mộng trữ tình này. Và chắc chắn, trong tâm trí và trái tim của bạn đọc, Sông Đà mãi mãi là một tình nhân chưa quen biết bởi một vẻ đẹp dịu dàng, xuân sắc.

    Với việc sử dụng câu văn êm ái, kết hợp kiến thức của lịch sử, địa lí, văn chương, Nguyễn Tuân đã làm sống dậy vẻ đẹp thơ mộng tuyệt mĩ của Sông Đà. Điều này cho thấy sự tài hoa của nhà văn Nguyễn Tuân trong việc sử dụng từ ngữ, so sánh và liên tưởng tưởng tượng; vừa thể hiện tình yêu mến tha thiết của ông đối với thiên nhiên, đất nước. Với việc sử dụng điệp ngữ "thuyền tôi trôi" cộng với câu văn kết thúc bằng thanh bằng (13/15 câu), cùng phép nhân hóa và ngôn ngữ giàu chất thơ, Nguyễn Tuân đã gọi được hồn vía của Sông Đà bằng một đoạn văn quá đẹp. Đoạn văn đẹp như những trang hoa, tờ hoa. Vẻ đẹp đó được dệt lên từ tình yêu thiên nhiên đất nước say đắm muốn dùng văn chương để ca ngợi vẻ đẹp của quê hương đất nước, làm đẹp cho đời và làm giàu tâm hồn của bạn đọc. Với Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân xứng đáng được coi là bậc thầy của thể loại tùy bút và ngôn ngữ tiếng Việt. Với Người lái đò Sông Đà nói riêng và tùy bút Sông Đà nói chung thì dòng sông đặc biệt trên Tây Bắc này mãi mãi là địa hạt riêng của Nguyễn Tuân mà khó ai có thể xâm phạm được.

    Đoạn văn đã thể hiện rõ nét những nét chính trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân là nhà văn theo chủ nghĩa xê dịch và ưa cảm giác mạnh. Giống như các nhà văn theo chủ nghĩa xê dịch, Nguyễn Tuân thích đi nhiều để thay đổi cảm giác cho các giác quan. Ông không thích những gì bình thường và tầm thường nên đối tượng mà ông miêu tả đã đẹp thì phải đẹp đến mức tuyệt mĩ, dữ dội phải đến mức khủng khiếp và tài năng phải đến mức siêu phàm. Ông là người tài hoa, luôn nhìn nhận, đánh giá cảnh vật và con người ở phương diện cái đẹp và góc độ mĩ thuật. Sông Đà hiện lên với vẻ đẹp kì vĩ và là một công trình nghệ thuật tuyệt vời của tạo hóa. Khi miêu tả sông Đà, nhà văn đã vận dụng những tri thức ở nhiều lĩnh vực như lịch sử, địa lí, thi ca.. để viết về con Sông Đà trữ tình, thơ mộng. Hơn nữa, đoạn văn cũng thể hiện văn phong Nguyễn Tuân phóng túng, ngôn ngữ điêu luyện và phong phú, hình ảnh giàu liên tưởng bất ngờ, độc đáo. "Người lái đò Sông Đà" thể hiện sở trường ở thể loại tuỳ bút của ngòi bút Nguyễn Tuân. Đọc "Người lái đò Sông Đà" người đọc càng thêm quý trọng tài năng và tấm lòng của con người suốt đời đi tìm cái đẹp, làm giàu có đời sống tinh thần của tất cả độc giả chúng ta. Đoạn văn trích cho ta thấy được vẻ đẹp thơ mộng tiềm tàng sức sống của sông Đà, xúc cảm rất chân thành của người ngắm cảnh và một lần nữa, buộc ta phải khâm phục, ngưỡng mộ ngòi bút tài hoa tài tử của Nguyễn Tuân, những chữ nghĩa, ví von có hồn có mắt được nâng niu, cẩn thận góp nhặt qua "hàng trăm tuần trà, hàng ngàn lần dạo phố Hà Nội, đi Đông đi Tây chắt lọc lại, giữ lại cho chúng ta".

    "Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo". Những tác phẩm đạt đến chuẩn mực của cái hay cái đẹp sẽ "vượt qua mọi sự bang hoại của thời gian" để sống mãi trong lòng bạn đọc. Cũng như dù thời gian có chảy trôi nhưng giá trị tác phẩm "Người lái đò sông Đà" của nhà văn Nguyễn Tuân vẫn nguyên vẹn và tỏa sáng.

    "Riêng những câu thơ còn xanh

    Riêng những đôi mắt còn xanh

    Và đôi mắt em long lanh

    Như hai giếng nước".

    ( "Thời gian" – Văn Cao)
     
    Hạ Tiểu Anh thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...