Chào mọi người! Hôm nay chúng ta sẽ cùng thử sức với đề phân tích, cảm nhận sau nhé: Cảm nhận bài thơ Thương Vợ - Tú Xương "Thơ ca là tiếng hát của trái tim, là nơi dừng chân của tinh thần, do đó không đơn giản mà cũng không thần bí, thiêng liêng.. Thơ ca chân chính phải là nguồn thức ăn tinh thần nuôi tâm hồn phát triển, nó không được là thứ thuốc phiện tinh thần êm ái, nhỏ nhen mà độc hại". Thơ văn Tú Xương là một trong những tác phẩm như vậy. Thể xác của ông hơn 100 năm nay đã hòa tan làm một cùng với đất mẹ dấu yêu nhưng sự nghiệp văn chương của người con Nam Định tài hoa ấy chưa bao giờ ngừng sống và làm lay chuyển lòng người, bất chấp mọi thử thách của thời gian. Nhắc đến Tú Xương ta không thể không nhắc đến bài thơ "Thương vợ" - bài thơ trữ tình thấp thoáng nụ cười hóm hỉnh, trào phúng bản thân và bày tỏ tấm lòng yêu thương, kính trọng của ông đối với người vợ tần tảo hy sinh suốt một đời vì chồng, vì con, vì gia đình. Bà Tú được sinh ra trong một gia đình nhà Nho, vốn được chính Tú Xương đánh giá là: "Con gái nhà ròng lấy chồng kẻ chợ Tiếng có miếng không được hay chăng chớ." Bà từ một cô gái quê trở thành bà Tú tần tảo sớm khuya nuôi chồng nuôi con, chờ chồng đỗ đạt. Thời buổi Tây Tàu nhố nhăng, bà Tú bị ném ra khỏi gia đình yên ấm mà vất vả mưu sinh. Bà hiện lên như một bức chân dung cuộc đời: "Quanh năm buôn bán ở mom sông" Ngay từ những dòng đầu tiên, Tú Xương đã bộc lộ rõ về người vợ của mình. Nghệ thuật đảo ngữ cùng các động từ, trạng từ đã được sắp xếp một cách khéo léo để vẽ lên dáng hình người phụ nữ ấy. Bà Tú buôn bán, đấy là công việc chính để bà nuôi chồng, nuôi con. "Quanh năm" chứ đâu phải ngày một ngày hai, nghĩa là liên tục, là không ngừng nghỉ. Nỗi vất vả mà Bà Tú phải gồng gánh cứ kéo dài suốt năm này qua tháng khác. Gánh ăn cứ nặng dần lên mà thời gian như chậm lại như từng cơn mưa trĩu hạt không ngừng thấm ướt áo quần, khiến bà Tú khó đi từng bước. Đâu chỉ bị đè nặng bởi thời gian, bà Tú còn bị áp lực giữa không gian buôn bán: Mom sông – một nơi chênh vênh, hiểm trở mà đầy bất trắc. Để nuôi sống gia đình, bà Tú không quản mưa nắng, không sợ nguy hiểm tới tính mạng mà lựa chọn nơi mom sông trắc trở ấy. Một mình bà phải xông pha nơi đầu sông, ngọn nguồn. Cả không gian và thời gian như hùa vào nhau để tăng thêm sự nhọc nhằn của Bà Tú. Cuộc sống vất vả gian truân càng làm ngời lên phẩm chất cao đẹp của Bà Tú, hình ảnh người phụ nữ ấy cứ hiện dần lên, càng thêm trân trọng và tự hào: "Nuôi đủ năm con với một chồng" Nói vậy, bà Tú phải nuôi sáu người. Chúng ta thấy trong câu thơ thấp thoáng nụ cười tự hào, tự diễu của nhà thơ. Bởi con thì có thể tính, nhưng chồng chỉ có một, sao lại đi cân, đo, đong, đếm. Khi hạ chữ "một" trước chữ chồng, ông Tú đã tự hạ mình xuống hàng con, đã tự nhận mình chỉ là một đứa trẻ, là gánh nặng trên đôi vai gầy của bà Tú. Tuy có sự chênh lệch rõ rệt về số lượng: Năm con – một chồng nhưng thanh bằng trong tiếng "chồng" như khiến câu thơ bị gằn xuống. Quang gánh của bà Tú bị nghiêng hẳng về phía ông chồng. Nếu ta biết những khó khắn sa sút của một gia đình đông con, bản thân ông tú lại lận đận thi cử thì ta sẽ còn thấm thía hơn ý nghĩa hai tiếng "nuôi đủ" này. "Nuôi đủ" là phải lo ăn, lo mặc, không thừa mà cũng không được thiếu. Nuôi con có vẻ dễ còn nuôi một người chồng có vẻ còn khó hơn nhiều lần. Hình ảnh bà Tú tựa như một người lữ khách đang leo dốc, con dốc này chưa qua mà đã thấy thấp thoáng đằng xa những con dốc cao hơn, dài hơn nữa. Đằng sau hai dòng thơ ấy, ta thấy đâu đó tình yêu thương và đề cao người vợ của ông Tú, rất bình thường mà ý vị đến bất ngờ. Nếu người vợ trong thơ Nguyễn Khuyến là người phụ nữ "hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, chân lam đá chân chiêu" thì bà Tú trong thơ Tú Xương lại vất vả trong công việc buôn bán. Chẳng hay là tài hoa đã tạo nên chữ nghĩa hay tình thương đã tự tìm ra tiếng nói của nó mà chữ nào chữ nấy đề sắc nét đượm tình: "Lặn lội thân cò khi quãng vắng Eo sèo nước mặt buổi đò đông" Hình ảnh bà Tú được ông Tú khắc họa đậm nét bươn chải. Nếu như ở hai câu trên là không gian và thời gian heo hút, rợn ngợp thì bên dưới lại là sự chen lấn, xô đẩy và cũng ẩn chứa những nguy hiểm không kém. Câu thơ gợi cho ta nhớ đến hình ảnh quen thuộc trong ca dao: "Con cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non". Hình ảnh ấy gắn liền với thân phận người phụ nữ Việt Nam tần tảo sớm hôm lo cho gia đình, là hóa thân cho mọi nỗi vất vả, gian truân, hẩm hiu của những con người bé nhỏ. Chắc hẳn bà Tú cũng không quên lời dặn của cổ nhân "Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua" nhưng vì miếng cơm manh áo gia đình, bà phải liều lĩnh đối mặt với chốn hiểm nguy ấy. Động từ "lặn lội" và "eo sèo" được đảo lên đầu đã phần nào nhấn mạnh thêm một lớp gian nan cơ cực. Mỗi một bước đi, đôi chân gầy của bà Tú lại như lún sâu thêm một chút nữa. Nhưng bà Tú vẫn cố đi, đi mới kiếm được những con diếc, con trê mang về cho con cho chồng nơi tổ nhỏ thiếu thốn, đìu hiu. Mặc cho ngày mưa hay ngày nắng, đò vắng hay đò đông, buổi chợ phiên hay ngày vắng khách, bà vẫn phải xù lông xù cánh, tranh mua tranh bán, tranh xuống cho kịp đò, tranh lên cho kịp chợ, chỗ đông người thì vã mồ hôi còn khi quãng vắng lại trào nước mắt. Đâu đó trong câu thơ, ta còn thấy được nỗi uất nghẹn của một người chồng thương vợ mà lực bất tòng tâm. Nếu như ở bốn câu thơ đầu tác giả giữ vị trí là người chồng đứng ở bên ngoài "khách quan" để quan sát, nhận xét và cảm thông cho bà Tú thì bốn câu thơ sau Tú Xương nhập thân vào trong tâm tư, nỗi niềm của người vợ để cất lên tiếng than "chủ quan" và chân thực hơn. Hai câu luận đã bộc rõ những sự hi sinh của bà Tú: "Một duyên hai nợ âu đành phận Năm nắng mười mưa dám quản công" Phật giáo quan niệm về duyên rằng: "Tu trăm năm mới thành bạn đồng hành, tu ngàn năm mới được chung chăn gối", còn dân gian lại tạo thành một cặp duyên và nợ. Dưới cái nhìn của Tú Xương, duyên thì chỉ có một mà nợ thì hai, duyên ít nợ nhiều. Ngẫm cho kĩ thì bà Tú lấy được ông Tú cũng là một cái duyên nhưng với người chồng "hờ hững" ấy thì nợ lại nhiều hơn. Chính vì điều đó đã khiến cho sự vất vả cực nhọc của một thân phận được nâng lên thành định mệnh của cả một kiếp người. Vì là duyên là nợ nên "âu đành phận", là cam chịu, đành là chấp nhận. Vì là cam chịu và chấp nhận điều đó nên "năm nắng mười mưa dám quản công". Các số từ theo thứ tự: Một, hai, năm, mười được sắp xếp theo sự tăng tiến cho thấy khó khăn chồng chất khó khăn trên đôi vai của bà Tú. "Âu đành phận" và "dám quản công" được đặt ở cuối mỗi câu thơ cho thấy cách ứng xử của người làm vợ luôn nhẫn nhục, chịu đựng tất cả vì chồng con. Nó không giống như cái tặc lưỡi của một kẻ kệ đời, cũng không phải tiếng thở dài ngao ngán mà là sự nhìn nhận chín chắn về bổn phận và ý thức trách nhiệm của bóng hồng phong kiến. Khép lại bài thơ, Tú Xương đã nâng hai câu kết lên thành tiếng chửi. Thay cho giọng bà Tú, Tú Xương đã cất lên những tiếng chửi rủa, oán trách não lòng: "Cha mẹ thói đời ăn ở bạc Có chồng hờ hững cũng như không" Tú Xương đã thay mặt vợ mình để chửi thẳng mặt những bất công, bạc bẽo ở đời. Tiếng chửi này có ý nghĩa tương tự như tiếng chửi của Chí Phèo, là sự giao thiệp đầy đau đớn của một con thú hoang đang hứng chịu vết đau chồng chất mà không ai chăm, cũng chẳng ai ngó. Bà Tú cũng rất may mắn vì có ông Tú biết quan tâm và thấu hiểu, nhưng xét cho cùng, xã hội chỉ là nguyên nhân gián tiếp, còn nguyên nhân trực tiếp đem thói đời ấy vận vào bà Tú chính là ông Tú và chính trong câu thơ trên nhà thơ đã mượn lời vợ mình để chửi chính bản thân mình. Bản thân ông Tú tự coi mình là một người chồng "hờ hững", vô tích sự không gánh đỡ gì được cho vợ mà ngược lại còn làm nặng trĩu thêm cái gánh nợ đời trên đôi vai của bậc hiền phụ. Nhà thơ coi mình là kẻ chẳng ra gì cũng là một cách để ca ngợi, đề cao vợ theo cái cách chưa từng thấy trong thơ văn trung đại: "Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó Quắc mắt khinh đời cái bộ anh". Cái đặc sắc của hai câu kết tuy là tiếng chửi nhưng vẫn mang hàm ý đùa vui, tự cười, tự trách mình nhưng vẫn là để bày tỏ sự cảm thông với vợ. Đó là tài hoa và sự tinh tế đáng ghi nhận nơi ông Tú. "Thương vợ" là một bài thơ hay có sự kết hợp tài tình giữa ngôn ngữ dân gian với ngôn ngữ bác học một cách tinh xảo, phong phú khắc họa được chân dung bà Tú và bộ lộ được tâm trạng, tình cảm của Tú xương dành cho vợ của mình. Cùng với đó là cách ngắt nhịp truyền thống trong thơ Đường luật là 4/3 và 2/2/3 càng làm cho bài thơ trở nên mềm mại, uyển chuyển, xứng đáng là một áng thơ tuyệt sắc trong nền trời văn học nước nhà. Bài thơ "Thương vợ" của Trần Tế Xương thể hiện được ân tình sâu nặng và tình cảm chân thành của nhà thơ đối với hiền phụ của mình. Trước Tú Xương hiếm có thi nhân nào mà có những bài thơ viết về vợ hay và lắng đọng, sâu sắc như ông. Bài thơ không chỉ cho thấy một tâm hồn cởi mở, đôn hậu của nhà thơ đối với vợ mà còn chứng tỏ tài năng, thi bút của một thi sĩ biết vận dụng và sáng tạo ngôn ngữ dân gian. Chính điều đó đã nâng đỡ và chắp cánh để "Thương vợ" và cả Tú Xương còn lưu danh mãi với những vì tinh tú trên nền trời văn chương đất Việt. Để bài văn của bạn được phong phú, sâu sắc hơn, các bạn có thể tham khảo một vài nhận định về Tú Xương trong bài viết sau: Cảm Nhận Bài Thơ Thương Vợ - Tú Xương
Các nhận định về Tú Xương để mở rộng, liên hệ: - Nguyễn Công Hoan suy tôn Tú Xương là bậc thần thơ thánh chữ. - Xuân Diệu xếp hạng Tú Xương thứ 5 sau Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và Đoàn Thị Điểm. - Tản Đà khi còn sống "trong những thi sĩ tiền bối, phục nhất Tú Xương" (Xuân Diệu kể vậy). Tản Đà tự nhận trong đời thơ của mình mới địch nổi Tú Xương một lần thôi bằng chữ "vèo" trong bài thơ Cảm thu, Tiễn thu của ông: Vèo trông lá rụng đầy sân. Nguyễn Công Hoan cũng kể vậy. - Nguyễn Tuân biểu dương Tú Xương là: Một người thơ, một nhà thơ vốn nhiều công đức trong cuộc trường kỳ xây dựng tiếng nói văn học của dân tộc Việt Nam. Tiểu sử: Trần Tế Xương tên thật là Trần Duy Uyên, quen gọi là Tú Xương, tự là Mặc Trai, hiệu là Mộng Tích, đến khi thi Hương mới lấy tên là Trần Tế Xương. Ông sinh ngày 10-8-1871 tại làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, Nam Ðịnh và mất ngày 20-1-1907 ở làng Ðịa Tứ cùng huyện. Tú Xương là một người rất thông minh, tính tình thích trào lộng. Có nhiều giai thoại kể về cá tính của ông. Cuộc đời Tú Xương lận đận về thi cử. Tám khoa đều hỏng nên dấu ấn thi rớt in đậm nét trong tiềm thức Tú Xương. Vậy nên có thể nói, việc hỏng thi và cảnh nghèo của gia đình là nguồn đề tài phong phú trong sáng tác của Tú Xương. Tác phẩm: Tú Xương thi tập do nhà sách Phúc Chí - 95 Hàng Bồ, Hà Nội Văn thơ Trần Tế Xương - nhà xuất bản Giáo dục Hà Nội Tú Xương con người và nhà thơ của Trần Thanh Mại, Trần Tuấn Lộ - nhà xuất bản Văn hóa Thơ văn Trần Tế Xương - nhà xuất bản Văn học (1970) Vị Xuyên thi văn tập của Sở Cuồng (tức Lê Dư), Nam Kỳ thư quán (1931 - sau có tái bản) Trông dòng sông Vị (Văn chương và thân thế Trần Tế Xương)