Cảm nhận 9 câu thơ đầu đoạn trích Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lagan, 19 Tháng năm 2023.

  1. Lagan

    Bài viết:
    635
    Đề bài: Cảm nhận của anh/ chị về 9 câu thơ đầu trong đoạn trích Đất Nước.

    Bài làm

    MẪU SỐ 1:

    Giống như một bản đàn ca sông núi vút lên giữa rừng đại ngàn, giống như những đòa quỳnh hương kiều diễm nở bung cho màu xanh tươi trẻ, những gì là nghệ thuật chân chính sẽ còn mãi với thời gian và tác phẩm "Đất Nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm mang trong mình giá trị ấy. Tác phẩm không chỉ là một sự giao cảm đầy tinh tế mà còn là sự hóa thân, sự dâng hiến đến quên mình của cả một thời đại. Đặc biệt, nhà thơ có cho mình những lí giải tinh tế về hai tiếng Đất Nước thiêng liêng, trước hết là qua chín câu thơ đầu:

    "Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi.

    [..]

    Đất Nước có từ ngày đó."

    Với phong cách thơ mới lạ, suy tư, sâu lắng, cảm xúc nồng nàn và giàu tính chính luận, trữ tình, Nguyễn Khoa Điềm bừng sáng lên như một vì sao sáng chói của nền văn học cách mạng, là đại diện tiêu biểu cho lớp nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ, đem đến cho thơ ca dân tộc một cái nhìn mới mẻ căng đầy. Nguyễn Khoa Điềm sáng tác tác phẩm "Trường ca Mặt đường khát vọng" vào năm 1971 tại chiến khu Bình Trị Thiên và được in lần đầu vào năm 1974. Trường ca đã đề cập đến những sự kiện trọng đại của nhân dân, đất nước qua đó thức tỉnh tuổi trẻ Việt Nam phải biết rõ trách nhiệm và bổn phận của bản thân đối với quê hương đất nước. Lần đầu tiên trong lịch sử thơ ca dân tộc Việt Nam, Đất Nước mới hiện lên đầy đủ và trọn vẹn ở chiều sâu văn hóa, chiều dài lịch sử và chiều rộng địa lý. Chương thơ chia làm hai phần để tìm rõ câu trả lời cho câu hỏi: "Đất Nước là gì?" và "Ai đã làm nên Đất Nước?"

    Như một lẽ tự nhiên, một điệu hồn mềm mại vút ngân từ trái tim nồng nàn yêu thương, Đất Nước thấm vào tâm hồn con người tự bao giờ. Trong bầu không khí văn hóa dân gian, trong âm hưởng Đất Nước của nhân dân nồng thắm ngọt ngào:


    "Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi."

    Hai chữ Đất Nước vang lên trong trang thơ đầy tha thiết, trìu mến bắt nguồn từ những gì gần gũi nhất, bình dị nhất trong đời sống vật chất và tâm hồn. Độc giả sẽ phát hiện một điều khác lạ đó là vùng đất vô tri, đất nước là nhân vật, là sinh thể có tâm hồn. Và với cách viết này cũng đồng thời bày tỏ sự trân trọng, những thành kính thiêng liêng của tác giả dành cho Đất Nước. Điệp từ "Đất Nước" vang vọng suốt cả trường ca như một khúc nhạc thiết tha, gợi cảm đưa ta về một miền không gian nối từ quá khứ, gắn liền với biết bao phong tục. Nhà thơ khẳng định sự hình thành của Đất Nước từ bao đời nay qua ba chữ "đã có rồi" khiến cho Đất Nước bỗng sừng sững hiện hữu trong lòng người đọc, một lời khẳng định chắc nịch, bộc lộ niềm tự hào về lịch sử hình thành và phát triển qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Với cách dẫn vào mạch thơ rất đỗi tự nhiên như một lời trò chuyện tâm tình, chân thành mà mộc mạc cất lên từ trái tim nhà thơ, tác giả khẳng định Đất Nước đã có từ rất lâu, có trước khi ta ra đời và vì thế khi ta lớn lên, ta đã thấy "Đất Nước". Vì thế, Đất Nước xứng đáng được tôn kính như một sinh thể, ta dành một tấm lòng nghiêng mình trước non sông. Ta sinh ra lớn lên trong dòng sữa ấm nóng của mẹ, trong tiếng quê hương tha thiết gọi về.

    Sự bình dị không chỉ được hiện lên qua cội nguồn Đất Nước mà còn phảng phất ở lời thơ như thủ thỉ tâm tình. Đất Nước chính là không gian sống nuôi dưỡng ta từ thủa ấu thơ trở về với cát bụi. Đất Nước như cái nôi chung ru đời ta xanh tươi mãi. Tiếp câu thơ trên, tác giả dần dần vén bức màn về nguồn dốc của Đất Nước một cách cụ thể hơn, chi tiết hơn:


    "Đất Nước có trong những cái" ngày xửa ngày xưa.. "mẹ thường hay kể."

    Ngay từ những câu đầu tiên, Nguyễn Khoa Điềm đã đưa cội nguồn Đất Nước về con người ngay từ thủa nằm nôi:

    "Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi

    Hồn thiêng Đất Nước cũng ngồi bên con."

    (Huy Cận)

    Cụm từ "ngày xửa ngày xưa" được nhà thơ sử dụng thật tinh tế và giàu mĩ cảm. Bởi cụm từ ấy đã đi sâu vào văn hóa của mỗi người Việt Nam như con thuyền nhỏ xinh dẫn ta về những miền xưa cũ, một miền êm ru, đưa ta về chiếc nôi bé bỏng, chiếc võng kẽo cà, nơi có chiếc quạt nan thoăn thoắt từ tay bà, nụ cười hiền hậu từ khóe môi của mẹ. Ngày xửa ngày xưa ấy đã đi cùng con người trong khoảng trời thơ ấu, khi câu chuyện cổ dân gian đưa những đứa trẻ vào ranh giới thiện-ác để hiểu được bài học "ở hiền gặp lành", nơi có cô Tấm, có Sọ Dừa, Thạch Sanh và tiếng lòng xót xa của người con đất Việt. Nó gợi cho ta một niềm thích thú như ùa về một khoảng trời xanh ngát cùng hình ảnh "mẹ thường hay kể". Thân thuộc biết mấy, yêu thương biết chừng nào. Một bài thơ nói về Đất Nước mà khi đọc lên ta rưng rưng nhớ về mẹ, nhớ thủa nhỏ nằm nôi bi bô tập nói, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục. Câu thơ như gợi cả chiều dài lịch sử của Đất Nước vọng về. Niềm thương niềm nhớ ấy đã được Lâm Thị Mỹ Dạ viết:

    "Tôi yêu truyện cổ nước tôi

    Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa

    Thương người rồi mới thương ta

    Yêu nhau dù mấy cách xa cũng gần."

    Rồi thì:

    "Đất Nước bắt đầu bằng miếng trầu bây giờ bà ăn."

    Bằng cách gắn liền miếng trầu với sự ra đời của sinh linh Đất Nước, nhà thơ đã bộc lộ tâm hồn thấm nhuần tính dân tộc. Ông không những trả lời và cụ thể hóa cội nguồn Đất Nước mà còn nhắc về truyền thống nhuộm răng, ăn trầu của các bà, các mẹ. Cụm từ chỉ thời gian "bắt đầu" như một dấu mốc thiêng liêng gợi về buổi bình minh lịch sử của cha ông thủa khai thiên lập địa thì hình ảnh "miếng trầu" lại gợi sự tích Trầu Cau trong kho tàng truyện cổ, một câu chuyện mang tính nhân văn đậm đà về nghĩa vợ chồng, tình anh em. Nó là nét văn hóa ứng xử của người Việt, một dân tộc luôn coi trọng nghĩa tình hơn vật chất "Miếng trầu là đầu câu chuyện". Nó còn gợi sự khéo léo, tinh tế của người phụ nữ Việt. Chỉ là một miếng trầu bình dị mà đã trở thành biểu tượng của truyền thống văn hóa.

    Sau ba câu thơ nói về sự ra đời của Đất Nước, câu thơ thứ tư đưa ta về những ngày tháng Đất Nước bắt đầu "lớn lên" như một con người. Quá trình phát triển của Đất Nước cũng trải qua những giai đoạn đặc biệt:


    "Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc"

    Câu thơ có sức gợi lớn đưa ta về với buổi bình minh của đất nước cùng huyền thoại chàng trai làng Gióng nhổ tre đánh giặc ra khỏi bờ cõi như Tố Hữu từng viết:

    "Ta như thủa xưa thần Phù Đổng

    Vụt đứng lên đánh đuổi giặc Ân

    Sức nhân dân khỏe như ngựa sắt

    Chí căm thù ta rèn thép làm roi

    Lửa chiến đâu ta phun vào mặt

    Lũ sát nhân cướp nước hại nòi."

    Tự bao giờ làng quê Việt Nam đã gắn với tre, với loài cây mộc mạc bình dị như tính cách của người Việt thật thà, chất phác, hiền hậu và kiên cường. Nói như nhà thơ Nguyễn Duy:

    "Tre xanh xanh tự bao giờ

    Chuyện ngày xưa.. đã có bờ tre xanh

    Thân gầy guộc lá mong manh

    Mà sao lên lũy lên thành tre ơi

    Ở đâu tre cũng xanh tươi

    Cho dù đất sỏi, đất vôi bạc màu".

    Cây tre trở thành người bạn kiên cố cho nhưng mái nhà bình dị mà ấm áp, trở thành chiếc cầu tre vắt vẻo. Tre đã đi cùng người Việt cả chặng đường dài đủ để chứng kiến từng lớp người tre già măng mọc, nối tiếp nhau trưởng thành và lớn mạnh.

    Ngân nga chỉ bốn câu thơ nhưng cả đất nước kì vĩ lớn lao đã được Nguyễn Khoa Điềm gói gọn trong từng câu chuyện, từng sự vật nhỏ bé, từng truyền thống văn hóa dân tộc. Đất Nước qua lời kể của tác giả là những gì gần gũi, bình dị ta hoàn toàn có thể bắt gặp ở mỗi gia đình, bữa cơm ấm cúng bà kể chuyện cháu nghe, khúc hát ru ầu ơ về truyền thống cha ông đánh giặc.. Và nhà thơ tiếp tục khai thác thêm nhiều yếu tố mang vẻ đẹp thuần phong mĩ tục của người dân Việt với vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng của mẹ nói riêng, của người phụ nữ Việt Nam nói chung qua câu thơ:


    "Tóc mẹ thì bới sau đầu"

    Câu thơ cất lên như vẽ ra trước mắt người đọc đoạn phim đem trắng ngắn ngủi: Bên hiên nhà mẹ đang ngồi búi tóc gọn gàng. Mái tóc đen tuyền, óng tả mượt như dòng thác đổ. Vẻ đẹp ấy được gợi nhắc trong những câu ca dao:

    "Tóc ngang lưng vừa chừng em búi

    Để chi dài bối rối lòng anh"

    Hình ảnh đó đã trở thành nét đặc trưng của văn học nước ta. Những cái búi ấy không có cài trâm đính ngọc nhưng vẫn sáng ngời vẻ đẹp của tình yêu, nét đẹp của người phụ nữ Việt.

    Bên cạnh truyền thống, ở đó còn có đạo lí ân tình ngàn đời của cha mẹ, những con người cùng cư trú, lao động, chiến đấu trên mảnh đất hình chữ S mà trong họ đạo lí ân nghĩa thủy chung đã trở thành truyền thống tốt đẹp:


    "Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn"

    Cha mẹ thương nhau – Câu thơ như một lời khẳng định nghe hạnh phúc tràn đầy trong lòng độc giả. Được chắt lọc từ văn hóa dân gian, câu thơ trầm tính nhưng ý tứ sâu xa. Dù cuộc sống có thiếu thốn, có gian nan nhưng cha mẹ vẫn thương nhau bằng cái cay của gừng, cái mặn của muối. Thành ngữ "gừng cay muối mặn" được sử dụng thật hữu ý. Đó là những gia vị đậm đà quen thuộc không thể thiếu trong ẩm thực Việt, nhưng nó cũng là ân nghĩa thủy chung của cha và mẹ. Câu thơ như một lời răn dạy về đạo lí trăm năm của vợ chồng, dạy con người ta sống có nghĩa có tình, bởi dẫu có hết tình thì vẫn còn chữ "nghĩa". Một ngày nên duyên thì cả đời ân nặng nghĩa bền:

    "Muối ba năm muối đương còn mặn

    Gừng chín tháng gừng hãy còn cay

    Đôi ta nghĩa nặng tình dày

    Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa."

    Tác giả đã cảm nhận Đất Nước trong tình nghĩa, trong gian nan, cay đắng, trong thuần phong mỹ tục Việt Nam.

    Trong những câu thơ đầu, nhà thư đã sử dụng những từ ngữ xưng hô quen thuộc trong đời sống mỗi người: Từ "mẹ", đến "bà" rồi "cha mẹ". Ta như được sống trong một sợi dây máu thịt gắn bó bởi huyết thống, bởi chúng ta đều là "con rồng cháu tiên" cùng đoàn kết, thủy chung yêu thương nhau thành truyền thống và bản sắc dân tộc.

    Nhưng ta gắn bó với Đất Nước không chỉ bởi những tình cảm thiêng liêng ấy mà còn ở quá trình cũng nhau phấn đấu từ thủa hàn vi đến khi đủ đầy:


    "Cái kèo, cái cột thành tên"

    Gợi nhắc một nét văn hóa của người Việt, ta nhớ về nhà tranh vách lá. Đó là truyền thống làm nhà – kèo, cột. Cái kèo có hình tam giác cân trong kiến trúc cổ Việt Nam là hệ thống gỗ nối các đầu cột để đỡ hai mái dốc. Cột đẩy mái nhà lên cao, kèo giữ cột lại để làm nên sự bền vững cho khung nhà. Chính biểu tượng ấy đã góp phần bồi đắp non sông từng ngày.

    Trải khắp bảy câu thơ, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã lồng ghép biết bao truyền thống lâu đời giàu ý nghĩa của dân tộc. Mỗi truyền thống lại gắn với một câu chuyện. Mỗi tập tục lại mang đến một cảm xúc riêng, thế nên không có lí gì mà nhà thơ lại bỏ quên truyền thống đã đi cùng cha ông từ những ngày đầu dựng nước và giữ nước, đã bồi đắp lên nền vững trãi để dân ta cắm lên ngọn cờ dân tộc phất phới tung bay:


    "Hạt gạo phải một nắng hai sương, xay, giã, giần, sàng"

    Khám phá đất nước ở phương diện văn hóa sinh hoạt, nhà thơ đã phát biểu nhận thức của mình như một lối định nghĩa độc đáo, một cách lí giải không hề mang tính áp đặt mà đầy sức gợi, thuyết phục độc giả bằng những điều giản dị, trân thành gần gũi. Câu thơ cuối của khổ thơ đã láy lại ý của câu thơ mở đầu, điệp từ "Đất Nước" xuất hiện với mật độ dày đặc trong kết cấu tăng tiến: "Đất Nước có rồi", "Đất Nước bắt đầu", "Đất Nước lớn lên" và chốt lại là một lời khẳng định có ý nghĩa như một chân lí.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Có thể nói, với chín câu thơ mở đầu này, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện cách nhìn mới mẻ về Đất Nước. Phải nói rằng Đất Nước đã trở thành đề tài quen thuộc trong dòng chảy văn học Việt Nam nhưng mỗi nhà thơ đến với Đất Nước lại có cách cảm nhận riêng. Xưa kia trong bài "Nam quốc sơn hà" mượn "thiên thư", "đế cư" để thiêng liêng hóa dáng hình đất nước, "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" mượn hình ảnh "hai vầng nhật nguyệt chói lòa" để trang trọng hóa đất nước, thì đến với Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, Đất Nước vô hình đã trở lên hữu hình. Đặc biệt nhà thơ có công đưa Đất Nước từ trời cao "thiên thư", từ ngai vàng phong kiến xuống miếng miếng trầu của bà, mái tóc của mẹ, tình nghĩa mẹ cha, nền văn minh lúa nước. Tất cả đã tạo nên một đoạn thơ đậm đà không gian văn hóa Việt Nam. Ngôn ngữ mộc mạc giản dị, lời thơ nhẹ nhàng lôi cuốn mang nồng hơi thở cuộc sống và hơn tính chính luận trữ tình đã làm sáng đẹp chất trí tuệ hài hòa trong thơ Nguyễn Khoa Điềm.

    Với thể thơ ngọt ngào, tâm tình, đằm thắm, trò chuyện giữa anh và em cùng vốn kiến thức phong phú sáng tạo đậm chất văn hóa dân gian. Nguyễn Khoa Điềm đã làm sáng tỏ câu hỏi: "Đất Nước có từ bao giờ?" Đoạn thơ đã đưa ta về cuộc sống quá khứ, cội nguồn của Đất Nước với không gian gần gũi, ngọt ngào để rồi ta nhận ra Đất Nước ở quanh ta, gần ta. Đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung đã góp một tiếng nói cổ vũ khích lệ tuổi trẻ thấy rõ sứ mệnh hiến dâng cho tổ quốc để làm nên Đất Nước muôn đời.

    THAM KHẢO: Mẫu số 2
     
    hajuv, Dương2301, chiqudoll3 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 14 Tháng tư 2024
  2. Đăng ký Binance
  3. Lagan

    Bài viết:
    635
    MẪU SỐ 2:

    Xuân Quỳnh trong cảm hứng về thơ và đời đã thổn thức: "Thơ ca đối với đời sống giống như người con gái trong gia đình, thứ để người ta làm quen là nhan sắc, nhưng thứ để sống với nhau lâu dài là đức hạnh" Quả thực! Không chỉ riêng thơ ca mà văn chương nghệ thuật muôn đời phải giữ trọn "nhan sắc" và "đức hạnh" của riêng mình. Tựa như thần long nhập công, đem đến cho chốn thâm sơn phong cảnh hữu tình, văn chương cũng nảy nở trong lòng người những hoa lộ bất tử với thời gian. Và trong thi đàn văn học Việt Nam, ta cũng bắt gặp rất nhiều thứ văn chương tuyệt phàm như thế, đặc biệt, ta không thể không kể tới tác phẩm Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm với đoạn trích lí giải về cội nguồn đất nước:

    "Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

    [..]

    Đất Nước có từ ngày đó"​

    Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ các nhà thơ tài năng của Đất Nước, tên tuổi của ông được khẳng định trong thời kì kháng chiến chống Mĩ và luôn sáng ngời cho đến ngày nay. Thơ ông hấp dẫn người đọc bởi sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn, suy tư, sâu lắng giữa chất trữ tình và chất chính luận với cảm xúc dồn nén, thể hiện tâm tư của người trí thức tham gia tích cực vào cuộc kháng chiến của Đất Nước và dân tộc. Tình yêu quê hương và gắn bó sâu nặng với Đất Nước mộ cách nồng nàn như thế đã trở thành một ngọn lửa cháy bỏng không bao giờ tắt trong hồn thơ muôn thuở: "Những chàng trai, cô gái ấy, nay đã không còn trẻ nữa, nhưng họ đã rắn rỏi lên về tinh thần với những vần thơ ngợi ca Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm" Chính vì vậy, trong hành trình sáng tác của mình, Nguyễn Khoa Điềm đã đánh dấu tên tuổi trên thi đàn Việt Nam bằng trường ca "Mặt đường khát vọng" – tập trừng ca hùng tráng được nhà văn hoàn thành tại chiến khu Trị - Thiên năm 1971. Bản trường ca đã khái quát quá trình thức tỉnh tuổi trẻ ở các đô thị vùng tạm chiếm miền Nam, ý thức về sứ mệnh, về thế hệ mình, đứng dậy xuống đường đấu tranh hòa nhịp với cuộc chiến chống quân xâm lược của dân tộc. Đoạn trích "Đất Nước" thuộc phần đầu chương V của trường ca, là một bài thơ đậm chất triết lý sâu sắc, thể hiện tư tưởng "Đất Nước của nhân dân" tha thiết đậm đà.

    Nếu như có một Nguyễn Trãi gắn bó cùng Đất Nước trong lịch sử hào hùng của cuộc đấu tranh chống ngoại xâm:

    "Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời xây nền độc lập

    Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương"

    (Bình Ngô đại Cáo)​

    Nếu như có một Nguyễn Thi trong ấn tượng về một Đất Nước linh thiêng đầy anh khí:

    "Người ra đi đầu không ngoảnh lại

    Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy"​

    Trong trời thu Hà Nội nhè nhẹ hương cốm, xao xuyến lòng người thì Nguyễn Khoa Điềm lại hình dung Đất Nước như một sinh thể có hồn, không kì vĩ lớn lao mà gần gũi lạ lùng:

    "Khi ta lớn lên, Đất Nước đã có rồi"​

    Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lại viết hơn hai từ Đất Nước. Bởi Đất Nước, trong cảm hứng của thi sĩ xứ Huế, không chỉ là một địa danh mà là một sinh thể sống động có hình thù và tính cách. Đồng thời, viết hoa "Đất Nước" cũng thể hiện sâu sắc sự tôn trọng ngợi ca, thành kính thiêng liêng mà nhà thơ dành cho Đất Nước. Cụm trạng ngữ: "Khi ta lớn lên" đã thể hiện cả một tiến trình lịch sử hào hùng của dân tộc. Bởi đời "tôi" thì ngắn ngủi mấy mươi năm mà đời "ta" thì dài lâu và bền vững. Bởi "ta" là tập thể, là cộng đồng, tựa như rừng tre, rừng nứa bám trụ cùng nhau mà xanh tươi trên mảnh đất cằn cỗi, "ta" của dân tộc cũng nghìn năm tươi tắn động lòng vì một bầu nhựa non xanh của vạn dân nghìn con. Chính vì thế, chẳng biết "ta" từ đâu mà sinh ra nhưng "khi ta lớn lên, Đất Nước đã có rồi" Đây không phải là một câu hỏi bâng quơ hay một lời đùa sáo rỗng mà là một lời trần thuật mang ý nghĩa khẳng định chắc nịch: Không phải "ta" sinh ra Đất Nước mà từ khi ta sinh ra, ta đã được ôm trọn trong lòng "Đất Nước" linh thiêng. Ta như đang cùng nhà thơ trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp ẩn sâu dưới lớp ngôn từ - một lòng thành kính, nâng niu và thấu hiểu:

    "Tôi yêu Đất Nước này chân thật

    Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi

    Như yêu em nụ hôn ngọt ngào trên môi

    Và yêu tôi đã biết làm người

    Cứ trông đất nước mình thống nhất"

    (Trần Vàng Sao)​

    Khi Đất Nước hóa thân trong "căn nhà có mẹ", em với "nụ hôn ngọt ngào" thì Đất Nước đâu chỉ của riêng ai, Đất Nước không thuộc về ai nhưng ai cũng là một phần Đất Nước bởi:

    "Đất Nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể"​

    Đời người với những xoay vần, biến đổi, với từng giọt mồ hôi, nước mắt luôn vần vũ cuốn xoáy đẩy con người đi thật xa và rồi lại khao khát được trở về những cái ngày xửa ngày xưa. Chẳng cần đi đâu xa bởi trong nhận thức của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, "Đất Nước" là một bộ phận trọng yếu của "những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể" Ngay khi còn chưa lọt lòng, ta được ấp ôm, vỗ về trong chiếc nôi bụng mẹ, lắng nghe nhịp đập trái tim mẹ để nâng giấc, tận hưởng dinh dưỡng của mẹ để trưởng thành. Khi cất tiếng khóc chào đời, ta được à ơi đưa ru bằng những lời ca dao bất tử:

    "À ơi

    Con ơi nhớ lấy câu này

    Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan

    Vạn niên là vạn niên nào

    Thành xây xương lính, hào đào máu dân"​

    Hay:

    "Cái cò cái vạc cái nông

    Ba con cùng béo vặt lông con nào

    Vặt lông con cốc cho tao

    Tao về tao nấu tao xào tao ăn"​

    Khi dần khôn lớn, ta tò mò với những sự vật hiện hữu xung quanh và giọng mẹ lại cất lên đưa ta về thủa Vua Hùng dựng nước với những sự tích, ngụ ngôn mà đứa trẻ con nào cũng biết: Thánh Gióng, Sơn Tinh Thủy Tinh, Sọ Dừa, Tấm Cám, Ếch ngồi đáy giếng.. Khi đến tuổi trưởng thành, mẹ lại dạy ta những bài học về kinh nghiệm và lẽ sống, về cách đối nhân xử thế.. Như vậy, hình bóng "Đất Nước" đã được chính người mẹ giữ gìn và truyền lại cho con. Đó là hình bóng Đất Nước trong sinh hoạt và văn hóa của người dân mà ta hết mực tự hào.

    Tô Đông Pha từng viết: "Ý hết mà lời dừng, ấy là cái lời rất mực trong thiên hạ. Song dừng lời mà ý không tả hết được, lại càng hay tuyệt" Ý và lời trong thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lại hòa cùng nhịp điệu, khi ý tuôn chảy nhẹ nhàng trong lời súc tích, khi người đọc vẫn cảm khái rất nhiều dư ba từ từng lời thơ chân thật ấy đã lay động hàng trăm phiến lá để cả cánh rừng xôn xao:

    "Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

    Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc"​

    Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, trong cảm hứng lí giải về cội nguồn Đất Nước không chỉ khẳng định sự tồn tại của Đất Nước: "Đã có rồi", không chỉ nói lên biểu hiện của Đất Nước: "Có trong.." mà còn nói lên quá trình hình thành Đất Nước: "Bắt đầu.. Lớn lên.." Hình ảnh miếng trầu gợi nét sống giản dị nhưng đậm đà tình nghĩa thủy chung của người bà, người mẹ Việt Nam. Dẫu Bắc hay Nam vẫn chung một lòng son sắt, dẫu miếng trầu tươi trộn vôi trắng gói lại mảnh cau nhỏ đã đi qua bao năm tháng vẫn đứng lại trong văn hóa, trong trái tim của dân tộc ta. Miếng trầu ấy còn gợi lại câu chuyện "Sự tích trầu cau" – một câu chuyện mang ý nghĩa nhân bản, nhân văn sâu sắc – khiến ta xót xa và trân trọng hơn về tình nghĩa vợ chồng, tình thân anh em ruột thịt. Tiếng gọi của Đất Nước không chỉ hợp vang trong dòng sông dài truyền thống mà còn vang dền trong những năm tháng giặc ngoại xâm gây nên bao đau khổ, lầm than. Đó là một Đất Nước:

    "Đang gọi ta từng hồi trống thúc

    Đất Nước xoáy nhào tim ta

    Kí ức

    Đất Nước muôn đời đang vặn mình, đang sôi.."

    (Nguyễn Khoa Điềm)​

    Câu chuyện Thánh Gióng nhổ bụi tre mà đánh giặc đã trở thành một biểu tượng to lớn cho sự lớn mạnh, phát triển của Đất Nước trong tinh thần quyết chiến của nhân dân. Cụm từ "dân mình" gợi lên tiếng gọi thân thương mà gắn bó. Bởi "Đất Nước" là của dân mình, truyền thống đầy tự hào của ta cũng là của dân mình, nên ta coi dân cũng như từng gốc tre kiêu dũng. Tre như nào thì dân ta cũng như vậy! Bởi dù trong chiến tranh bom lửa hay hòa bình ấm êm, tre vẫn hiên ngang sừng sững nơi mỗi làng quê nhu thế. Cây tre là sự đồng điệu, trùng lặp trong những phẩm chất và cốt cách con người Việt Nam: Thật thà, chất phác, đôn hậu, thủy chung, yêu chuộng hòa bình nhưng rất kiên cường trong chiến đấu. Đồng thời, hình ảnh câu tre còn tượng trưng cho sự đoàn kết, gắn bó bền chặt của dân tộc ta như nhà thơ Thép Mới từng tâm sự trong bài "Tre Việt Nam" :

    "Bão bùng thân bọc lấy thân

    Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm

    Tương nhau tre không ở riêng

    Lũy thành từ đó mà nên hỡi người"​

    Phải chăng, nhận thức "dân mình biết trồng tre mà đánh giặc" đã cho thấy ý thức độc lập dân tộc và đoàn kết toàn dân của tất thảy mọi người. Đây cũng là trang sử vàng mang cảm hứng sử thi và lãng mạn trong những năm tháng Đất Nước sục sôi chiến đấu mà ta mãi luôn tự hào.

    Cao Bá Quát từng nói "Xưa nay, nỗi khổ của người ta không gì bằng chữ tình, mà cái khó ở đời không gì bằng sự gặp gỡ" Năm tháng ngược xuôi nuôi dưỡng những giấc mơ êm êm gửi vào trang sách, và người nghệ sĩ, chỉ cần nhưng cuộc gặp gỡ chân thành, những cuộc hội ngộ tri âm để làm nên những tuyệt tác. Với ngòi bút Nguyễn Khoa Điềm, chắc hẳn đó phải là cuộc gặp gỡ giữa Đất Nước và nhân dân:

    "Tóc mẹ thì bới sau đầu

    Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

    Cái kèo cái cột thành tên

    Hạt gạo phải một nắng hai sương, xay, giã, giần, sàng"​

    Những kí ức xưa cũ cựa mình mà thức giấc trong từng câu chữ, vần thơ phác họa hình ảnh những con người Việt Nam và thứ hạt ngọc trời của riêng Đất Nước – hạt gạo. Những người phụ nữ Việt Nam gắn bó với mái tóc đượ "bới sau đầu" với nhiều tầng ý nghĩa: Từ việc để thuận lợi trong sinh hoạt (việc đồng áng, chăm sóc gia đình) đến nét duyên dáng, yêu kiều, mộng mơ của người con gái xuân thì:

    "Tóc ngang lưng vừa chừng em búi

    Để chi dài bối rối lòng anh"​

    Hay:

    "Chị kia (búi) bới tóc đuôi gà

    Nắm đuôi giật lại hỏi nhà chị đâu

    Nhà tôi ở trước đám dâu

    Ở sau đám bắp, đầu cầu ngó qua"

    (Ca dao)​

    Luyến thương nhau về chung một nhà, chung nhau thói quen, chung nhau con đường trước mắt, phải chăng tình nghĩa vợ chồng đã được vun đáp từ mùi hương bưởi thơm mát trên suối tóc dài mượt của người con gái. Để rồi khi đã trở thành lòng son sắt, nghĩa thủy chung, tình thương của cha mẹ lại một lần nữa chuyển hóa thành những vần thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Ấy chính là sự cô đọng và cảm hứng trong thành ngữ "gừng cay muối mặn". Gừng càng già càng cay, muối càng lâu càng mặn – hai gia vị thân thuộc trong mỗi bếp ăn ấy đã trở thành biểu tượng cho nghĩa tình son sắt ngày càng sâu đậm theo thời gian. Chính thứ tình cảm ấm nồng ấy đã trở thành nguồn sức mạnh hội tụ để mỗi thành viên trong gia đình ngày càng phát triển, để những đứa con còn đang e ngại phải tiến về phía trước, để những đứa con rời xa mái ấm có nơi để nhớ về. Bởi gia đình là hạt nhân của xã hội và cha mẹ là cội nguồn, là chỗ dựa cho con cái. Điều quan trọng hơn cả, nghĩa tính chính là chất keo gắn kết những người cha, người mẹ. Như vậy, tình nghĩa là cội nguồn của tổ ấm và cũng là một sự đóng góp tuy nhỏ bé mà không hề vô giá trị để cống hiến cho sự phát triển của Đất Nước.

    Dõi theo chặng hành trình dài rộng, trưởng thành trong thơ ca Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ Vũ Quần Phương từng nhận xét: "Đất Nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm là sự đồng điệu những gì gần gũi nhất, thân thương nhất của mỗi con người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai, trong thời gian và không gian, trong lịch sử và truyền thống văn học.." Quả thực, đến với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, ta như được chiêm ngưỡng lại chặng hành trình Đất Nước với những dấu mốc quan trọng trong đó có thủa "cái kèo cái cột thành tên" Từ lâu lắm rồi ông cha ta đã quan niệm những cái tên gần gũi, xấu xí thường sẽ giúp đứa trẻ được dễ nuôi, hay ăn chóng lớn và không bị ma trêu chọc, chính vì vậy những cái tên thường thấy nhất chính là: Kèo, Cột, Tí.. Những danh xưng đơn thuần, mộc mạc ấy đại diện cho sự yêu thương và cầu bình an cho con cháu và chính chúng cũng đã trở thành một dòng sông kỉ niệm những buổi xưa cũ của cả một lớp thế hệ cha ông. Những cái tên ấy còn nói lên hành trình ngôn ngữ và tiếng nói của dân tộc, bởi ngay cả khi trình độ dân trí của dân ta còn thấp, ngay cả khi chẳng biết đọc, biết viết, ta vẫn có thể gìn giữ và phát triển ngôn ngữ và bản sắc địa phương qua mọi tao đoạn.

    Đất Nước ta gắn liền với nền văn minh lúa nước, phảng phất đâu đó một nỗi nhớ đầy tự hào:

    "Quanh năm lam lũ cày bừa

    Đầu trần chân đất đã thừa nắng mưa

    Quê nghèo nước mặn đồng chua

    Bấy nhiêu đó.. ngấm vào thơ tôi rồi

    Thơ tôi mộc mạc thế thôi

    Cũng như cây lúa củ khoai ngoài đồng"

    (Thơ tôi)​

    Nghìn năm trôi qua, hạt gạo trắng ngần, tinh khiết ấy vẫn luôn có mặt trong bữa cơm gia đình thời bình và cả thời chiến. Hạt gạo nuôi sống con người, chứa đựng trong đó những câu chuyện đẹp đẽ, nhắc ta nhớ về đạo lí uống nước nhớ nguồn, bởi:

    "Nước như ai nấu

    Chết cả cá cờ

    Cua ngoi lên bờ

    Mẹ em xuống cấy"​

    Trên cánh đồng vàng ươm mùa gặt, người nông dân hăng say gặt hái để thu được thành quả của mình. Họ trân trọng và chi li từng hạt, bởi hạt gạo là mồ hôi, là những buổi cày đồng ban trưa túa như mưa, là những ngày dậy sớm thức khuya, hai sương một nắng tưới tiêu, chăm bón. Hạt gạo còn phải trải qua quá trình "xay, giã, giần, sàng" mới đến được với người thưởng thức. Kim cương đắt giá gấp nhiều lần than chì bởi khi còn ở dưới hầm mỏ, nó đã phải chịu áp lực gấp nhiều lần than chì. Câu nói "Áp lực tạo nên kim cương" chính là được lí giải từ đó. Cũng tương tự như vậy, hạt gạo muốn dẻo thơm không những phải chịu mưa nắng ngoài đồng mà còn phải tách vỏ, tách cám, phân loại.. để chọn ra những hạt gạo ngon nhất. Đây cũng là bài học về đạo lí làm người và cách làm người mà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm muốn gửi gắm: Con người muốn được phát triển và thành công buộc phải trải qua gian khổ, chính vì thế nên ta không được e dè, sợ hãi mà phải nỗ lực đấu tranh để vươn lên trong cuộc sống. Đó mới là một cuộc sống có giá trị.

    "Nghệ thuật như một dàn giao hưởng mà trong đó mỗi nhà văn chơi một nhạc cụ riêng, rung lên một âm thanh riêng để tạo thành bản nhạc" Dấu ấn và phong cách cá nhân của mỗi người nghệ sĩ đã, đang và sẽ luôn được ghi lại trong từng vần thơ, con chữ và cũng vì lí do đó, mỗi câu thơ dù đơn điệu hay rạo rực, dù tự do phóng khoáng hay gò bó trong niêm luật cũng đều mang một giá trị sâu sắc:

    "Đất Nước có từ ngày đó"​

    Câu thơ sáu chữ đi cùng dấu chấm lửng bỏ ngỏ như mở ra một khoảng trời kí ức đọng lại trong trái tim người đọc. Chẳng biết rõ "ngày đó" là khi nào, chỉ biết rằng kể từ "ngày đó", Đất Nước được sinh ra. Kể từ "ngày đó", Đất Nước đến với mỗi người bằng tiếng ru ầu ơ, bằng miếng trầu của bà, của mẹ. Đất Nước luôn ở ngay bên cạnh, trong cuộc sống hằng ngày, trong từng phong tục tập quán và nếp sống bình dị ta vẫn gìn giữ bao năm qua. Một lời khẳng định nhưng cũng thật mơ hồ, đưa ta về lối xưa với những báu vật của cha ông được nghìn đời gìn giữ.

    Bằng giọng thơ trữ tình, chính luận ngọt ngào da diết như những lời tâm sự thủ thỉ, kết hợp cùng tài năng vận dụng chất liệu văn hóa dân gian vô cùng đặc sắc, sống động, Nguyễn Khoa Điềm đã khắc ghi sâu vào lòng mỗi người một bản tình ca giữa "ta" và "Đất Nước" – thắm thiết, đậm đà và nặng sâu. Ông vô cùng khéo léo khi kết hợp rất nhiều bình diện văn hóa, yếu tố dân gian, vốn hiểu biết sâu rộng để khiến lời thơ thêm thân thương, gần gũi. Nhà thơ sáng tạo một cách nhuần nhuyễn thành ngữ dân gian, ca dao tục ngữ một cách hài hòa, sức gợi truyền cảm lớn từ chất trữ tình, chính luận, tạo nên nhịp thơ nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng vẫn giữ được nét hồn nhiên, phóng khoáng của thể tự do.

    Văn học chân chính khởi nguồ từ tiếng nói chân thành của trái tim, là những rung động tận đáy sâu tâm hồn của nhà văn khi soi chiếu lăng kính trong suốt vào cuộc đời. Vì thế, khi bắt nguồn từ hiện thực đời sống, Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm toát lên vẻ đẹp mộc mạc, dung dị và gần gũi hết mực trân trọng và tự hào. Vẻ đẹp và giá trị ấy của "Đất Nước" cũng như tên tuổi của cây bút Nguyễn Khoa Điềm sẽ luôn băng hoại với thời gian.
     
    thumai227, Nghiên Dichiqudoll thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...