Cảm nhận 12 câu thơ đầu Trao duyên - Tiểu Thiên

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi TiểuThiênTH, 15 Tháng mười 2021.

  1. TiểuThiênTH

    Bài viết:
    24
    Trong cuộc sống có biết bao nhiêu thứ ta thương yêu, quý trọng. Ai đó rung động trước nét điêu tạc chân dung của một vị thần công lý; người khác lại chìm đắm trong giai điệu ngọt ngào của bản sô- panh; người tiếp theo thì bồi hồi, man mác, nghẹn ngào chạm vào bức tranh họa cảnh rừng thu xào xạc như hiện ra trước mắt của levitan. Còn với riêng tôi, thứ đưa tôi trải qua muôn cung bậc của cảm xúc, in đậm, khắc tạc thật rõ nét vào trái tim tôi mãi mãi thì có lẽ là Thiên "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du.. với nỗi đau đoạn trường, day dứt trong đoạn trích "Trao duyên", đặc biệt từ câu thơ 723 đến câu 724: Kiều trao duyên cho em gái!

    Trước hết, Truyện Kiều được ví như "tập đại thành" của nhân loại với đỉnh cao mọi nghệ thuật văn học. Ngòi bút Nguyễn Du đã lấy nguồn cảm hứng từ "Kim Vân Kiều truyện" để khéo léo họa ra "Đoạn trường tân thanh" bằng thể thơ đặc trưng của dân tộc. Trước khi Kiều ra đời, cuốn tiểu thuyết Trung Hoa kia khó có ai có thể cảm nhận nổi, nhưng với tài hoa và lòng tự tôn sâu sắc, nhà thơ đã biến nó thày một nỗi đau chung của muôn kiếp người. Đọc Kiều, chúng ta đau nỗi đau của thời đại, xót thương cho số phận "cái hồng nhan", cũng trong Kiều, ta ca một bản ca với những nốt trầm dai dẳng, sần não. Đoạn trích "Trao duyên" với mười hai câu thơ đầu tiên nằm ở phần hai "Giai biến và lưu lạc" chính là ví dụ nổi bật cho khúc ca sầu bi ấy. Mười hai câu thơ tái hiện lại cuộc trao duyên rợn ngợp sự bó buộc, trói chặt giữa con tim và lý trí.

    "Cậy em em có chịu lời..

    * * *

    Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây"

    Than ôi! Trao duyên vẫn là trao duyên, nhưng cái trao duyên này sao lại bi thương, thống khổ tới như vậy. Người ta yêu nhau, người ta trao duyên cho nhau, trao duyên xưa vốn là lời tỏ tình yêu đương, trao duyên ấy vẫn luôn nhẹ nhàng, lãng mạn:

    "Cô kia cắt cỏ bên sông

    Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây

    Sang đây anh nắm cổ tay

    Anh hỏi câu này có lấy anh chăng?"

    Hay:

    "Thương nhau cởi áo cho nhau

    Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay"

    Thế nhưng.. hỡi ôi, trao duyên trong Truyện Kiều thì lại ngột ngạt, đớn đau đến mức bi phẫn, khiến con người muốn thét lên trong thống khổ. Trao duyên trong đây lại là bất đắc dĩ rũ đi một tấm chân tình, cố dặn chính bản thân mình "phận con chữ hiếu đặt đầu", còn chữ duyên, chữ nợ đành nhường người phía sau. Cái xót xa, tiếc nuối ấy như bóp nghẹt người đọc trong không khí trang nghiêm của hai câu thơ đầu:

    "Cậy em em có chịu lời

    Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa"

    Hai câu thơ ấy được ví như là then chốt mở lời của Thúy Kiều. Các từ "cậy", "chịu" vốn là những từ ngữ mà một người dùng khi đã bị đẩy tới tận cùng của sự tuyệt vọng. "Cậy" đâu chỉ là nhờ vả thông thường? "Cậy" mang theo một thái độ van nài, khẩn thiết, nó mong ngóng, tin tưởng, chờ đợi ở mức độ vô đối. Còn "chịu", so với nhận lời thông thường lại mang sắc thái khác biệt vô cùng lớn. Nếu hỏi Vân rằng "em có nhận lời" thì Vẫn sẵn sàng có thể từ chối, nhưng "chịu" - tức không còn đường nào để đi, ép buộc Vân phải nhận lời dù cho chị mình có nhờ vả việc lớn tới như nào. Thúy Kiều vừa "cậy" vừa ép Vân phải "chịu" một cách đầy tinh tế, khéo léo, và có lẽ đây cũng chính là nét "thông minh vốn sẵn tính trời" mà nhà thơ ưu ái tặng cho nàng, nhưng.. việc càng quan trọng, càng khẩn thiết, càng ép người mình tin tưởng nhận lời thì càng khắc họa lên sự day dứt trong Kiều. Phải tuyệt vọng tới nhường nào mà một người con gái danh môn khuê các như nàng lại làm một loạt hành động trái với lễ giáo phong kiến: "Lạy", "thưa"! Hai từ này vốn là người dưới đáp lại bề trên, nhưng, tại đây, Kiều thân là chị mà lại đi quỳ lại em mình. Lý nào lại ngang ngược tới như vậy! Chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra.. và có xảy ra chỉ xảy ra khi con người ta không còn bước đường nào để đi nữa. Kiều không thể giữ trọn tình với hiếu, nàng chỉ có thể quỳ xuống lạy em mình, van xin Vân- nguồn sáng duy nhất còn xót lại giữa mảnh đời tăm tối: Hãy chấp nhận nối tiếp mối duyên dang dở của chị, chị cũng không hề muốn mọi thứ trở nên như vậy, nhưng hoàn cảnh o ép, cuộc đời đẩy xô khiến chị không còn lựa chọn nào khác, Vân à:

    "Giữa đường đứt gánh tương tư

    Kéo loan chắp mối tơ thừa mặc em"

    Đến đây, ta chợt hiểu ra, lời của Kiều mở đầu không đơn giản là nhờ cậy nữa, mà chính là phó thác! Con người ta chỉ đưa ra lời phó thác này khi đã nhắm mắt xuôi tay, khi chẳng thể làm gì hơn được nữa. Dường như, Kiều nhìn thấy cuộc đời bế tắc, mờ mịt của mình ở phía trước, nàng cảm nhận chính bản thân mình rồi mai nay cũng ca kĩ Đạm Tiên. Với thân phận là một người con, Kiều sẵn sàng hi sinh tất thảy để báo đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ, là một người chị, Kiều bất chấp đứng ra đầu ngọn sóng, gánh tất cả phong ba, bão bùng về chính mình. Tuy nhiên.. là một người tình, thì người con gái ấy đành "đứt gánh tương tư". Người ta hay nói, hoa rơi hữu ý, nước chảy vô tình, nàng với chàng Kim dù chẳng phải đơn phương mà chia cắt nhưng đến cuối cùng vẫn phải cắt chia, thứ vô tình không còn là tình yêu, mà lòng người.. là số phận.. là sự thối nát, đê hèn, bẩn thỉu của chế độ phong kiến với những con người kinh tởm chạy theo sức mạnh đổi trắng thay đen của đồng tiền nhơ nhuốc. Nàng không nỡ làm chàng Kim đau lòng khi quay lại phải nhận được tin người mình yêu chẳng còn ở đây nữa, càng không nỡ để cha và em trai chịu cảnh tù đày, tra tấn man rợ. Cái tình của nàng chỉ đành giấu đi, chôn thật sâu trong đáy lòng, còn cái duyên hờ hững kia, nàng trao lại cho Thúy Vân: Keo loan chắp nối tơ thừa mặc em. Kiều buộc quay lưng đi, nàng dường như rất vô tình, vô nghĩa "mặc kệ" Thúy Vân tiếp tục thứ "thừa". Nhưng.. càng phủ nhận cái gì, người ta càng khao khát có thứ đó, nàng càng thờ ơ, càng chứng tỏ trái tim nàng có nó, thậm chí nó đã ăn thật sâu, thật hằn vào trong tâm khảm của nàng. "Có rất nhiều chuyện không thể giữ trong tim nhưng không thể nói ra, mà đã là chuyện không thể nói ra lời thì vĩnh viễn sẽ không quân đi được". Xót xa, đau đớn, tủi thẹn ê chề đồng loạt dâng, thân tâm nàng bắt đầu mường tượng lại khung cảnh ân ái nay đã hóa chia li:

    "Kể từ khi gặp chàng Kim

    Khi ngày hẹn ước khi đêm chén thề"

    Cái ngày "kể từ khi gặp" là một ngày xuân tươi đẹp, trong khung tươi đẹp lại có trai tài gái sắc, hai người "Tình trong như đã mặt ngoài còn e". Kiều yêu từ lần đầu, Kim nhớ từ khoảnh khắc hai ánh mắt chạm nhau- một tình yêu sét đánh, cũng là tình yêu xứng đôi vừa lứa, vô cùng hoàn hảo của "người quốc sắc, kẻ thiên tài". Trong "Lưng chừng cô đơn" có một câu mà tôi nhớ mãi tới bây giờ: Tình đầu dễ có mấy ai quên! Quả thực là như vậy, cái gì đầu cũng vô cùng mới lạ, cũng vô cùng đặc sắc, những kí ức lần đầu một khi đã đọng lại sẽ đọng lại mãi mãi, tình của cảm xúc mới chớm môi bồi hồi da diết, tình của kỉ niệm đã in sâu: Khi ngày hẹn ước, khi đêm chén thề. Đến đây, ta bỗng nhớ lại cảnh Kim Kiều thề bồi đêm nao:

    "Vầng trăng vằng vặc giữa trời

    Đinh ninh hai miệng một lời song song"

    Vẫn là vầng trăng ấy, bây giờ đã mờ đi, và tận sau này, nát tan vĩnh viễn:

    "Vầng trăng ai xẻ làm đôi

    Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường"

    Tai ương ập đến, không báo trước bất cứ thứ gì, dường như cuộc đời đang trêu đùa con người, chẳng có mảnh đời, kiếp người nhân nghĩa nào là được an yên:

    "Sự đâu sóng gió bất kì

    Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai"

    Tuy đau đớn, xót xa nhưng Kiều vẫn rất mực tỉnh táo để phân tích hoàn cảnh của chính mình: Vẹn chữ hiếu không thể trọn chữ tình. Chính điều này đã như một đòn đánh tâm lí giáng vào Thúy Vân: Về lí, chị đã hi sinh hạnh phúc của bản thân để báo hiếu, còn em, chị không bắt em phải đương đầu mọi thứ, chị chỉ mong em giúp chị vẹn bề chữ tình. Còn tình:

    "Ngày xuân em hãy còn dài

    Xót tình máu mủ thay lời nước non"

    Thúy Kiều với Thúy Vân đều đang tuổi cập kê, Kiều lấy cớ đó là cớ đầu để Vân phải chấp nhận. Hơn tất thảy, giữa Kiều và Vân còn là tình máu mủ. Kiều đã chấp nhận tương lai tối tăm, sóng gió, hỏi chăng chỉ là nối duyên mà Vân lại nỡ từ chối ư? Nếu ngẫm tình chị em, ắt chính Vân sẽ nảy lên sự chua xót, đồng cảm với chị, còn không, nói trắng ra, Vân không hơn không kém một người bạc tình bạc nghĩa. Và nếu như thế, sau này, sẽ chẳng còn một ai có thể tiếc thương cho Thúy Vân mười lăm năm thờ phụng kẻ không yêu mình. Chỉ khi chấp nhận, bức tranh số phận hoàn thành một cách tổng thể nhất. Hồng nhan thì bạc phận, Kiều lưu lạc mười lăm năm chịu mọi đắng cay, ngang trái, Vân mất cả thanh xuân đi theo sắp đặt của cuộc đời, số phận.

    "Chị dù thịt nát xương mòn

    Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây"

    Một cụm những từ "thịt nát xương mòn", "ngậm cười chín suối" được viết ra để ám chỉ cái chết. Dường như Kiều biết rằng một khi bước khỏi trướng ấm sẽ là cuộc đời trắng đen lẫn lộn, sẽ là sóng gió đổ ùa ập, bấp bênh. Nàng biết, nhưng nàng chấp nhận bước ra nàng coi việc nhờ vả Thúy Vân là di nguyện cuối cùng. Xưa nay mấy ai là kẻ nỡ lòng từ chối tâm nguyện của người sắp ra đi, Vân cũng không ngoại lệ. Những điều Kiều nói quá mức hợp tình hợp lí khiến nàng chẳng thể từ chối, mà một khi Vân chấp nhận thực hiện, đối với Kiều, nàng chết cũng yên tâm!

    Lời nói không chỉ thể hiện nỗi đớn đau da diết mà con khắc họa nét thông minh, sắc sảo vốn có của nàng Kiều. Đoạn trích "Trao duyên" là lời thổn thức tận đáy lòng, là lời của con tim cũng là sự phát biểu của lí trí. Qua "Trao duyên" Nguyễn Du gửi gắm sự trân trọng, nâng niu những kiếp hồng nhan đa truân, bất hạnh, bị xã hội, số phận đưa đẩy chẳng thể vẹn chữ "duyên". Ra-xum Ga- đa- bốp đã từng nói: Nền tảng của bất kì tác phẩm nào phải là chân lí được khắc họa bằng tất cả tài nghệ của nhà văn. Cần phải hát đúng giai điệu của thời đại mình và phải miêu tả nó một cách trung thực, không một chút giả tạo. "Đoạn trường tân thanh" đã làm được điều đó, đã khóc đúng trong xã hội bẩn tưởi, mục nát, khóc cho muôn kiếp người ngập trong đầy rẫy thương đau, khóc cho những kẻ tài hoa nhưng mệnh bạc. Dù đã qua hơn ba thế kỉ, Truyện Kiều vẫn luôn được in trong từng trang sách mới, mọi thứ có thể đổi thay, nhưng trong cuộc đời học sinh chưa bao giờ thiếu đi những trang Kiều với những đỉnh cao nghệ thuật văn học. Thậm chí các mẹ, các bà vẫn luôn gói ghém quyển Kiều để trong cơi trầu mà đọc lại cho con cháu. "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta con, nước ta còn" - Phạm Quỳnh.

    [​IMG]

    Tiểu Thiên
     
    Chỉnh sửa cuối: 16 Tháng mười 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...