Có một Tố Hữu đã từng tự hỏi mình: "Mình về mình có nhớ ta Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng" Khi ấy-khi đã rời xa chốn thân thuộc hơn chục năm cuộc đời, chàng trai Hà Thành đã đau lòng và nhung nhớ, để rồi nhấc bút lên viết xuống mấy dòng thơ "Việt Bắc", viết về chốn cũ, viết cho những niềm nhớ, viết cho những bồn chồn lúc chia xa, viết về hào hùng và nam kham thuở thiếu thời. Và ở tám dòng đầu của đoạn trích Việt Bắc, tôi thấy cái nỗi lòng ấy là tha thiết và chân thật nhất: Mình về mình có nhớ ta? Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng. Mình về mình có nhớ không? Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn. Tiếng ai tha thiết bên cồn Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi Áo chàm đưa buổi phân ly Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.. Trong tám dòng thơ này, có tới hai nhân vật xuất hiện – "mình" với "ta". "Mình" là ai? "Ta" lại là ai? Phải chăng "mình" là chàng trai Hà Thành-người cất bước ra đi, rời xa chốn Việt Bắc thương mến. Còn "ta" là người ở lại, người đứng đây mòn mỏi ngóng nhìn "mình"? Âu cũng đều là Tố Hữu cả, nhưng biết nói sao khi lòng ông đang dằn xé bởi nỗi đau phân ly và nỗi nhung nhớ khôn tả. Ông đành tự cho mình một thân phận khác, để nhắc nhớ bản thân về mười lăm năm tuổi trẻ đẹp nhất của cuộc đời. Cũng như Hàn Mặc Tử từng có câu "Sao anh không về chơi thôn Vỹ?", lời mời mọc chính là cái cớ cho tâm hồn về với "chốn cũ hoàn nguyên", thì ở đây, Tố Hữu cũng đang cho mình không thôi nhung nhớ về cái nơi cao xa thăm thẳm kia. Và ngay ở bốn câu mở đầu, lời người ở lại cất lên là hai câu hỏi đánh thẳng vào trái tim người ra đi "Mình về mình có nhớ", có nhớ hay không những "thiết tha mặn nồng", "nhìn cây" có "nhớ núi", "nhìn sông" có "nhớ nguồn"? Có những hay không những gắn bó thân thuộc, kề vai sát cánh, bên nhau từ hạ sang xuân? Hai câu hỏi trực tiếp với nhịp điệu vồn vã và giọng điệu tha thiết, người ở lại mở ra khung cảnh ỏ chiến khu Việt Bắc với mười lăm năm gắn bó mặn nồng, cùng gian lao, cùng hạnh phúc, cùng chí hướng, cùng chung mối thù, đồng thời cũng nhắc nhớ người ra đi về chính khung cảnh ấy. Vậy người ra đi có đáp lại không? Không. Nhưng người ra đi có nhớ không? Có. Không bằng lời nói, song cử chỉ và mọi hành động đều cho ta thấy nội tâm hẳn đang dằng xé ấy. Như lòng dạ "bâng khuâng", bước đi "bồn chồn". Nào có ai hững hờ, có ai quên lãng mà nhập nhằng chẳng nỡ chia xa đâu? Dù là người lạ ở cùng vài ba hôm, thì khi người ta đi ta còn thấy hẫng hụt, huống hồ là người đã cạnh bên hơn năm ngàn ngày đêm trường kỳ kháng chiến. Cơ mà, dẫu nghe "tiếng ai tha thiết bên cồn" thì vẫn phải "áo chàm đưa buổi phân ly". Phải lên đường rồi, phải chia xa sau những thiết tha, lúc ấy có lẽ người ra đi đã chua xót và ngậm ngùi lắm. Bởi khi ấy, "cầm tay nhau biết nói gì hôm nay". Có những nỗi buồn không nói nổi thành lời, có vài nỗi chua xót không được đặt thành tên. Chỉ có thể hóa hết thành nỗi nhớ, gửi vào thơ, vào con chữ, mong chờ rằng giấy trắng sẽ thay mình lưu giữ chút tình con con ấy mãi mãi. Với tôi, Việt Bắc có thể được xem là bài thơ mang đến cảm giác khác lạ nhất trong số các bài thơ của Tố Hữu. Vừa có chút "khô khan" của một nhà cách mạng, vừa có cái tình day dứt quấn quít của thi sĩ. Toàn bài thơ mang đến cảm giác chủ đạo là "nhẹ" nhưng "sắc". Tất cả đều hào hợp vừa đủ và trọn vẹn. Tất nhiên, tôi cực kỳ ấn tượng với tám dòng đầu của đoạn trích Việt Bắc mà tôi vừa nhắc đến. Lấy phương thức như lời đối đáp tâm tình và xưng hô "mình-ta" hay thấy trong lối hát đối đáp giao duyên, Tố Hữu đã khắc họa ra khung cảnh chia xa ngậm ngùi một cách chân thất, lắng đọng mà cũng dầy day dứt. Ngoài ra, một số biện pháp nghệ thuật khác trong bài mang đậm tính dân tộc cũng góp phần tạo nên sức hút cho đoạn thơ như thể thơ lục bát truyền thống và ngôn ngữ giản dị, gần gũi, mộc mạc.. Sau tất cả, đoạn thơ trên đã mang đến sự thỏa mãn trọn vẹn với tôi về cả nghệ thuật lẫn ý nghĩa. Lấp lửng nhưng day dứt khôn nguôi, cũng có tha thiết lẫn hào hùng khi nhắc nhớ về hàng chục năm chinh chiến. Mà nhắc đến những năm tháng ấy, tôi thấy bản thân mình còn phải cố gắng hơn nữa. Bởi vì, nhìn những khó khăn của ông cha ta về mặt vật chất, cho đến những mất mát, hi sinh nơi chiến trường cho đến nỗi đau tinh thần bởi những chia xa, thuyên chuyển, tôi đã nhân được những điều quý báu nhất từ những hi sinh ấy, vậy nên tôi cũng phải sống cho xứng với nó. Sống, học tập, nỗ lực từng ngày, để cho đất nước giàu đẹp, sống không uổng phí đời phải như thế thì mới thẳng lưng nhìn về xương máu cha ông đang chèo chống thế hệ mai sau được.