Cảm hứng Thiền Phật trong thơ Huyền Quang

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ma tà, 2 Tháng tám 2022.

  1. ma tà

    Bài viết:
    14
    Phật giáo du nhập vào nước ta khá sớm, chủ yếu theo đường biển từ phương Nam (Ấn Độ) và theo đường bộ từ phương Bắc (Trung Quốc) truyền vào Giao Châu. Sự phát triển của Phật giáo đã hình thành nên một bộ phận văn học Phật giáo, đặc biệt văn học Phật giáo thời Lý – Trần đã có sự phát triển vượt bậc trở thành tinh hoa của văn học Phật giáo Việt Nam. Tư tưởng Thiền Phật hướng đến cái tâm, những cảm xúc tâm linh của con người. Văn học Phật giáo bàn về Phật về Thiền qua những phạm trù như tâm, Phật, sinh tử, niết bàn, chân như, sắc không, hữu vô.. những cảnh vật thiên nhiên qua lăng kính Thiền là những gì rất tĩnh lặng, hư vô, ảo diệu, những điều tự do tự tại mà cuộc sống nơi trần thế vốn nhiều trói buộc không thể nào có được. Người đưa được những cảm xúc Thiền Phật này vào trong văn chương tức là đã ngộ ra chân lý và đến gần hơn với Đức Phật. Cảm hứng Thiền Phật là một trong những cảm hứng chủ đạo của văn học Phật giáo, mà Huyền Quang vị Thiền sư tài ba của nhà Trần, vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đã thể hiện rõ nét trong những sáng tác về Phật về Thiền. Ở đây, chúng tôi chỉ giới thiệu về thơ Huyền Quang dưới góc nhìn Thiền Phật.

    Đời người là hữu hạn, vạn vật đều tuôn theo lẽ tự nhiên có bắt đầu ắt hẳn có kết thúc, nhưng sự kết thúc của từng sự vật lại khác nhau. Có người cả đời chạy theo danh vọng, tiền bạc, đam mê khoái lạc, nhưng cũng có những người chỉ cầu an vui, nghĩ cuộc đời là vô thường, mọi thứ đều là ảo mộng, họ muốn tìm về cõi Thiền, đạt được tính không, để cái tâm được tĩnh lặng, không còn tồn tại sự phân biệt trong cách nhìn, so sánh giữa hai sự vật. Đó cũng là những điều mà Huyền Quang muốn thể hiện qua bài thơ Diên Hựu tự

    (延祐寺 Chùa Diên Hựu) :

    萬緣不撓成遮俗,

    半點無憂眼放寬.

    參透是非平等相,

    魔宮佛國好生觀.

    Vạn duyên bất nhiễu thành già tục,

    Bán điểm vô ưu nhãn phóng khoan.

    Tham thấu thị phi bình đẳng tướng,

    Ma cung Phật quốc hảo sinh quan .

    (Muôn vàn nhân duyên không vương vấn là bức thành che niềm tục,

    Không lo lắng chút gì nên tầm mắt mở rộng.

    Hiểu thấu ý nghĩa của thuyết phải trái đều như nhau,

    Thì xem ma cung chẳng khác gì nước Phật)

    Bài thơ diễn tả rõ nét cái tâm không, sự siêu việt hữu vô, và cả sự bình đẳng. Con người nếu không vương vấn chuyện nhân duyên, thế tục, luôn sống thuận theo lẽ tự nhiên mà quên đi những lo lắng buồn phiền thì ở một nơi nào đó họ có thể thông suốt hơn, nhìn được đến những nơi cao, xa hơn, mà những con người vướng bận chuyện thế tục không nhìn thấy được. Ma cung và nước Phật là hai nơi khác nhau, tượng trưng cho hai hình tượng khác biệt nhau. Một nơi là ác, một nơi là thiện, nhưng khi con người thấu hiểu được thuyết phải trái đều như nhau, tức không có sự phân biệt nhị nguyên đối đãi thì 'ma cung' hay 'Phật quốc' cũng chỉ là một, chẳng khác gì nhau. Đỉnh cao của Phật tính là cảnh giới tâm bình đẳng nhất như, nghĩa là con người nhìn mọi vật đều như nhau, xóa bỏ mọi ranh giới phân biệt như sắc tộc, màu da, tôn giáo, giàu nghèo.. muốn làm được điều đó con người phải học tập tinh thần của Phật giáo là 'vô ngã, 'vô tâm', 'vô ý', 'lãng quên'. Tinh thần này không phải khuyên con người xóa bỏ mọi tồn tại cá nhân mà hãy giải phóng cái tôi cá nhân, giải phóng mọi ràng buộc của tự nhiên, xã hội, và hơn hết là sự ràng buộc do chính mỗi con người tạo ra. Khai phóng để đạt được sự tự do đích thực, để được giải thoát hướng con người đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Cuộc sống như thế chính là sự minh chứng rõ nhất triết lý 'phá chấp', 'chấp ngã' của Đức Phật, mà Thiền sư đã khéo léo bộc lộ trong bài Cúc hoa kỳ tam (菊花其三: Hoa cúc số ba) :

    忘身忘世已都忘,

    坐久蕭然一榻涼.

    歲晚山中無曆日,

    菊花開處即重陽.

    Vong thân vong thế dĩ đô vong,

    Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương.

    Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật,

    Cúc hoa khai sứ tức Trùng dương .

    (Quên mình, quên đời, quên tất cả,

    Ngồi lâu trong hiu hắt, mát lạnh cả giường.

    Cuối năm ở trong núi không có lịch,

    Thấy hoa cúc nở mới biết đã tiết Trùng dương)

    Hòa mình vào thiên nhiên quên hết thẩy mọi thứ, quên đi bản thân, quên cuộc đời, quên mọi ràng buộc của lễ giáo, quên thời gian mình đang sống mà chỉ dựa vào đặc điểm của thiên nhiên để biết được thời điểm chuyển giao mùa. Bài thơ đã thể hiện được cái cốt lõi của triết lý Phật giáo, đạt đến cái tâm nhất như, sự vô ngã và tinh thần lãng quên.

    Khi còn đảm nhận vị trí trụ trì ở chùa Vân Yên, Thiền sư đã gửi gắm cuộc sống và sự thanh nhàn của mình vào trong văn chương, nhân đó mà viết Yên Tử sơn am cư (安子山庵居: Ở am núi Yên Tử) :

    庵逼青霄冷,

    門開雲上層.

    已竿龍洞日,

    猶尺虎溪冰.

    抱拙無餘策,

    扶衰有瘦藤.

    竹林多宿鳥,

    過半伴閒僧

    Am bức thanh tiêu lãnh,

    Môn khai vân thượng tằng.

    Dĩ lan Long Động nhật,

    Do xích Hổ Khê băng.

    Bão chuyết vô dư sách,

    Phù suy hữu sấu đằng.

    Trúc lâm đa túc điểu,

    Quá bạn bán nhàn tăng.

    (Cao sát trời xanh, am thiền mát lạnh,

    Cửa mở trên tầng mây.

    Trước Long Động, mặt trời đã một cây sào,

    Dưới Hổ Khê, băng còn dày một thước.

    Giữ thói vụng về không có mưu chước gì,

    Đỡ tấm thân già yếu đã có chiếc gậy mây khẳng kheo.

    Rừng trúc nhiều chim đậu,

    Quá nửa làm bạn với nhà sư thanh nhàn)

    Bài thơ ghi lại cuộc sống thanh nhàn, ung dung, tự tại của Thiền sư trước cảnh vật ở núi Yên Tử. Thiền sư thật sự giải thoát mình trước thiên nhiên rộng lớn. Ngày ngày sống tự do, nhàn tản, làm bạn với chim muôn, để tâm hồn mình hòa làm một với thiên nhiên, sáng mở cửa ngắm mây, cảm nhận sự ấm áp của thiên nhiên, sống chân thật, thật tâm không có mưu chước gì cần suy tính và lảng tránh. Đây là cuộc sống lý tưởng mà con người luôn muốn hướng đến.

    Huyền Quang bên cạnh hình ảnh con người ung dung, nhàn nhãn, còn có con người trễ mãng, lãng quên mọi việc, như bài Thạch thất (石室: Nhà đá) đã đề cập đến:

    半間石室和雲住,

    一領毳衣經歲寒.

    僧在禪床經在案,

    爐殘榾柮日三竿.

    Bán gian thạch thất hòa vân trụ,

    Nhất lĩnh xối (thuế) y kinh tuế hàn.

    Tăng tại thiền sàng, kinh tại án,

    Lô tàn cốt đột nhật tam can.

    (Nửa gian nhà đá, ở lẫn cùng mây,

    Một tấm áo long, trải hết mùa đông rét buốt.

    Sư ở trên giường thiền, kinh ở trên án,

    Lò tàn, củi lụi, mặt trời lên đã ba cây sào)

    Nhà sư sống trong một gian nhà đá, lãng quên hết mọi việc, quên rằng mình đang sống trong trần thế, mà không bận tâm đến những việc xung quanh, mặc kệ mây chiếm chỗ, mặc cái lạnh của mùa đông chỉ trải một tấm áo lông ung dung nằm trên giường, kinh để trên án, củi đã cháy hết, lò đã tàn, mặt trời đã lên cao, mà nhà sư cũng chẳng buồn bận tâm. Đây là tinh thần 'lãng quên'của Phật giáo.

    Hay trong bài Địa lô tức sự (地爐即事: Trước bếp lò tức cảnh) :

    煨餘榾柮絕焚香,

    口答山童問短章.

    手把吹商和采蘀,

    徒教人笑老僧忙.

    Ối dư cốt đột tuyệt phần hương,

    Khẩu đáp nhi đồng vấn đoản chương.

    Thủ bả suy thương hòa thái thác,

    Đồ giao nhân tiếu lão tăng mang .

    (Củi đã tàn, cũng chẳng thắp thêm hương,

    Miệng trả lời chú bé hỏi về những chương sách ngắn.

    Tay cầm ống thổi, tay nhặt mo nang,

    Luống để người ta cười vị sư già này bận bịu)

    Bài thơ này cũng giống như bài thơ Thạch thất ở trên cũng thể hiện tinh thần 'lãng quên' của nhà Phật. Quên mọi chuyện xung quanh, tĩnh tâm, sống theo giáo lý nhà Phật để sống cuộc sống an nhàn, tự do, hòa hiếu.

    Thiên nhiên mang lại cho Thiền sư nhiều cảm xúc khác nhau, ray rứt, ngậm ngùi, rạo rực, hạnh phúc. Thiên nhiên mang nhiều dáng vẻ khác nhau, dưới ánh nhìn từ góc độ Thiền Phật thiên nhiên hiện nên thật sinh động. Đêm thu thanh vắng, Thiền sư sống trong nhà cỏ với tấm lòng thanh tịnh, êm ả, lắng nghe tiếng côn trùng kêu, ôi sao rầu rĩ, thê lương thế này, như trong bài Sơn vũ (山宇: Nhà trong núi) có câu:

    已矣成禪心一片,

    蛩聲唧唧為誰多.

    Dĩ hĩ thành thiền tâm nhất phiến,

    Cùng thanh tức tức vị thùy đa.

    (Thôi rồi, lòng ta đã hoàn toàn yên tĩnh,

    Tiếng dế vì ai vẫn rầu rĩ mãi)

    Tiếng kêu rầu rĩ vì ai gợi lên trong lòng thi sĩ một sự xúc cảm ray rứt, dù đã giữ lòng yên tĩnh nhưng nghe tiếng dế kêu vẫn phản phất đâu đây một nỗi buồn man mác. Đây chính là sự tinh tế của thi nhân, hơn hết đây là tấm lòng yêu thiên nhiên và thấu đáo triết lý Phật gia để lòng được an nhiên, tự tại, đồng cảm được với cảnh vật. Hay trong bài Mai hoa (梅花: Hoa mai) có câu:

    願借春思慰病翁

    Nguyện tá xuân tư ủy bệnh ông

    (Chỉ muốn mượn tứ xuân để an ủi ông già ốm yếu)

    Mai là hình ảnh tượng trưng cho người quân tử, nên người ta luôn cố tỏ ra là người biết hoa, thưởng thức hoa như thể hiện một sự thanh cao giả tạo che mắt người đời. Nhưng ở đây bằng sự yêu hoa đích thực, tiếc từng cánh hoa mai đang khoe sắc dưới tiết trời se se lạnh của mùa xuân, nên Thiền sư muốn bẻ nhành hoa mang về ngắm nhìn an ủi người già ốm yếu. Mùa xuân luôn mang lại cảm hứng cho người thi sĩ, nhưng Thiền sư lại tiếc nuối vì xuân không có chủ, thơ không có nguồn, không có cảm hứng đề thơ nên những cây hoa cũng biết buồn bã trước cảnh xuân:

    春無主惜詩無料,

    愁絕東風幾樹花.

    Xuân vô chủ tích, thi vô liệu,

    Sầu nguyệt Đông phong kỷ thụ hoa .

    (Tiếc thay cảnh xuân không có chủ, thơ không có nguồn thơ,

    Mấy cây hoa buồn bã trước gió xuân)

    Hai câu cuối trong bài Thứ Bảo Khánh tự bích gian đề (次寶慶寺壁間題: Họa bài thơ đề trên vách chùa Bảo Khánh) là sự bộc lộ cảm xúc của Thiền sư trước sự buồn bã, cô quạnh của thiên nhiên khi bị lãng quên. Ngoại cảnh cũng chính là tâm cảnh của Thiền sư lúc này. Khi đạt đến tâm không, dường như Tâm và Pháp đều không cần có sự phân biệt rạch ròi nữa mà nó có thể hòa làm một, tạo thành một bản thể mới. Nhưng đó là sự thấu hiểu của những bậc thấu hiểu chân lý và có ngộ tính hay một cơ duyên nào đó, còn người đời có mấy ai nhận biết được điều này, nên đã vu oan ông có dan díu với nàng Điểm Bích, chỉ vì ông là người tu hành nhưng có tấm lòng rạo rực, xúc động trước cuộc sống nơi trần thế. Tuy rằng sau này oan tình của ngài đã được lịch sử chứng minh, nhưng không vì thế mà trong lòng Thiền sư không có tâm sự, Nhân sự đề Cứu Lan tự (因事題究蘭寺: Nhân có việc, đề ở chùa Cứu Lan) có nói rằng:

    德薄常慚繼祖燈,

    空教寒拾起冤憎.

    爭如逐伴歸山去,

    疊嶂重山萬萬層.

    Đức bạc thường tàm kế tổ đăng,

    Không giao Hàn, Thập khởi oan tăng.

    Tranh như trục bạn quy sơn khứ,

    Điệp chướng trùng san vạn vạn tằng.

    (Thường thẹn mình đức mỏng mà được nối ngọn đèn tổ,

    Luống để cho Hàn San và Thập Đắc phải sinh niềm oán giận.

    Chi bằng theo bạn về núi,

    [Sống giữa] muôn vàn tầng núi non trùng điệp)

    Việc ngài trở thành ông tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã gây ra sự oán hận của người mà hại ông, khơi gợi nên trong lòng Huyền Quang ý nghĩ muốn quy ẩn sơn lâm, sống giữa sự bao la của thiên nhiên, được thưởng thức thiên nhiên một cách tự do.

    Đôi lúc Thiền sư nhìn cảnh vật dưới ánh nhìn của mỹ học Thiền, làm những vần thơ không đơn thuần là các tác phẩm văn chương nữa mà nó giống như một kiệt tác của nghệ thuật, giống như cảnh vật trong bài Phiếm chu (泛舟: Chơi thuyền) :

    小艇乘風泛眇茫,

    山青水綠又秋光.

    數聲漁笛蘆花外,

    月落波心江滿霜.

    Tiểu đĩnh thừa phong phiếm dĩ mang,

    Sơn thanh thủy lục hựu thu quang.

    Sổ thanh ngư địch lô hoa ngoại,

    Nguyệt lạc ba tâm giang mãn sương.

    (Chiếc thuyền con lướt gió lênh đênh trên dòng song bát ngát,

    Non xanh, nước biếc, lại thêm ánh sáng mùa thu.

    Vài tiếng sáo làng chài ngoài khóm hoa lau,

    Trăng rơi đáy sóng, mặt sông đầy sương)

    Mùa thu non xanh nước biếc, ánh nắng chiếu lấp lánh trên mặt nước xanh rờn, con thuyền nhỏ cứ lướt gió mà trôi trên dòng sông bao la rộng lớn, thoang thoảng đâu đó vài ba tiếng sáo làm từ làng chài nhỏ làm thành điệu nhạc nhè nhẹ, thêm đó là ánh trăng phản chiếu nằm gọn trong lòng sông cùng với đó là làn sương phủ kín mặt sông, tạo nên khung cảnh lung linh huyền ảo, nhưng cũng thật thơ mộng và lãng mạn.

    Cũng là ánh trăng mùa thu nhưng vào những thời điểm khác nhau thì trăng cũng được tái hiện lại với dáng vẻ khác đi, như ánh trăng trong bài Tảo thu (早秋: Thu sớm) :

    夜氣分涼入畫屏,

    蕭蕭庭樹報秋聲.

    竹堂忘適香初盡,

    一一叢枝網月明.

    Dạ khí phân lương nhập họa bình,

    Tiêu tiêu đình thụ báo thu thanh.

    Trúc đường vong thích hương sơ tận,

    Nhất nhất tùng chi võng nguyệt minh.

    (Khí đêm chia hơi mát vào bức rèm vẽ,

    Cây trước sân xào xạc báo tiếng thu.

    Dưới mái tranh quên bẵng hương vừa tắt,

    Mấy khóm cây cành giăng lưới vần trăng sáng)

    Trăng vẫn tỏa sáng với hơi mát của mùa thu, nhưng lại nhìn trăng sau những cành cây, trăng như giăng lưới dưới là gió xào xạc.

    Huyền Quang không chỉ xiu lòng trước thiên nhiên rộng lớn, trăng sáng thơ mộng, lung ling tựa cảnh tiên, mà Thiền sư còn trải lòng, xót thương cho nỗi nhớ nhà của người lính bị bắt làm tù binh qua Ai phù lỗ (哀俘虜: Thương tên giặc bị bắt làm tù binh) :

    胯血書成欲寄音,

    孤飛寒雁塞雲深.

    幾家愁對今宵月,

    兩處茫然一種心.

    Khóa huyết thư thành dục ký âm,

    Cô phi hàn nhạn tái vân thâm.

    Kỷ gia sầu đối kim tiêu nguyệt,

    Lưỡng xứ mang nhiên nhất chủng tâm.

    (Chích máu viết thư muốn gởi lời,

    Cánh nhạn lạnh lùng bay xuyên vào đám mây ngoài quan ải.

    Bao nhiêu nhà buồn ngắm bóng trăng đêm nay,

    Đôi nơi xa cách nhưng tấm lòng nhớ thương vẫn chỉ là một)

    Chủ nghĩa nhân văn luôn là một trong những cảm hứng chủ đạo của văn học Việt Nam. Trong bài thơ trên Thiền sư đã thể hiện được sự nhân văn cao quý, tình người cao cả của bao thế hệ con người Việt. Nhưng nỗi lòng của Thiền sư ở đây mới lạ hơn không chỉ đơn thuần là thương những mảnh đời bất hạnh, mà nỗi niềm của Thiền sư là lòng thương dành cho những tên giặc bị bắt làm tù binh. Thi sĩ hiểu được tâm trạng nhớ quê, nhớ người thân của tù nhân, nhưng đồng thời ở một nơi xa đó bao nhiêu nhà cũng ngóng chông người về.

    Trong một bài thơ khác, cũng là cảm hứng nhân văn nhưng Thiền sư lại phá cách nó đi làm nên điều mới mẻ độc đáo. Đó là sự duyên dáng, đáng yêu trước tình xuân của con người tưởng chừng như đã thoát khỏi những vướng bận phàm tục, cảm hứng đó qua Xuân nhật tức sự (春日即事: Tức cảnh ngày xuân) :

    二八佳人刺繡遲,

    紫荊花下囀黃鸝.

    可憐無限傷春意,

    盡在停針不語時.

    Nhị bát giai nhân thích tú trì,

    Tử kinh hoa hạ chuyển hoàn ly.

    Khả liên vô hạn thương xuân ý,

    Tận tại đình châm bất ngữ thì.

    (Người đẹp mười sáu xuân xanh đang ngồi thêu gấm chậm rãi,

    Dưới lùm hoa tử kinh, tiếng chim hoành oanh hót líu lo.

    Cô thấy lòng mình thương biết bao cái ý thương xuân vô hạn,

    Cùng dồn lại ở giây phút dừng kim và chẳng nói nên lời)

    Nếu hiểu theo cách thông thường, thì bài thơ là sự rung cảm của nhà thơ trước thiếu nữ đang ngồi chậm rãi thêu gấm dưới tiết trời mùa xuân thơ mộng hòa cùng tiếng chim oanh hót líu lo. Đây là khung cảnh thật thơ mộng, tình xuân tràn trề, cũng chính vì điều này mà Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục đã từng bình rằng: "Thi tuy giai, phi tăng gia ngữ dã." (詩雖佳, 非僧家語也. Thơ tuy hay nhưng không phải khấu khí của nhà tu hành) . Nếu theo cách hiểu trên thì Thiền sư vẫn chưa thật sự đắc đạo vì tâm vẫn còn bị dao động bởi ngoại cảnh. Nhưng điều đó chỉ đúng khi ta hiểu nó trên ý nghĩa của mặt chữ, nên khi ta đặt bài thơ trong cảm hứng Thiền Phật dưới góc nhìn của cảm quan mỹ học Thiền, thì mới nhận ra được cảm xúc chân thật của thi nhân. Hình ảnh cô thiếu nữ mười sáu đang ngồi thêu gấm như là hình ảnh biểu tượng ám chỉ mùa xuân đã quay lại tràn trề sức sống, một mùa xuân quá đỗi đặc biệt như vậy không thể dùng ngôn từ hay hình ảnh nào có thể diễn tả được mà phải dùng cái tâm để cảm nhận sâu sắc nó, điều này trong Phật gia gọi là cảm nhận sự vật bằng 'trực cảm tâm linh'. Dù hiểu như thế nào đi chăng nữa thì đây cũng là sự rung cảm của Thiền gia trước cảnh xuân. Như đã giới thiệu từ trước Huyền Quang là một Thiền sư đắc đạo, vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nên từ lâu tâm đã bình đẳng nhất như, đạt đến cảnh giới niết bàn nhưng lòng của vị thiền sư vẫn hướng về con người, rạo rực với thiên nhiên cảnh đẹp nơi trần thế. Phải chăng đây chính là sự tùy duyên, tùy tâm, tùy tục, hòa quang đồng trần, cư trần lạc đạo mang tính chất nhập thế của Phật giáo Việt Nam nói chung, cũng như tôn chỉ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng.

    Suy cho cùng, Huyền Quang vị tam tổ của Trúc Lâm Yên Tử cũng đã đạt cảnh giới niết bàn, hiểu được chuyện được mất, tâm không, vô ngã, vô ngã, lãng quên. Càng thể hiện được cái thần của tinh thần nhập thế của Phật giáo, nên thơ của Thiền sư luôn mang hàm ẩn sâu ý tại ngôn ngoại, nhưng lại rất tinh tế, bay bổng, đôi chút lãng mạn và ảo diệu.

    Kết luận

    Cảm hứng Thiền Phật trong thơ Huyền Quang là một cảm hứng hết sức độc đáo, mang cốt cách vừa là của một vị thi sĩ nhìn đời bằng những rung cảm rạo rực, nhưng cũng là cái nhìn của một vị thiền sư nhìn đời bằng tâm không, tâm bình đẳng nhất như, vô ngã, vô tâm, phá chấp, chấp ngã của Phật giáo, tinh thần tùy duyên, tùy tục, hòa quang đồng trần, cư trần lạc đạo, mang tính nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Vị tam tổ Huyền Quang người đã đắc đạo, hiểu được hư vô, đạt tới niết bàn, ngài hiểu và tái hiện lối sống Phật pháp. Thiền sư muốn thông qua sáng tác của mình mà lồng vào đó những triết lý nhà Phật để giáo hóa con người, con người luôn mong muốn sống trả ai muốn mình chết đi cả, các bậc đế vương thời xưa vì muốn được trường sinh bất lão mà cuối cùng gặp cảnh tai ương, nên Thiền sư muốn chúng ta hiểu rằng sống chết là chuyện bình thường, là quy luật của tự nhiên, hãy sống và giải thoát chính mình, để có thể sống tự do thoải mái, tâm bình khí hòa, coi cuộc đời là một điều hạnh phúc, đừng buồn lo vì cuộc sống tấp lập, ràng buộc bởi nề lối, mà hãy mỉm cười để tâm thanh thản. Những điều Thiền sư ghi chép vào tác phẩm là những điều mà ngài đã ngộ ra và gặp phải trong cuộc sống. Chính vì thế, hãy mang những điều mà sư Huyền Quang đã gửi gắm mà áp dụng vào trong chính cuộc sống để không ngừng học tập, tìm hiểu Phật pháp để cuộc sống luôn hạnh phúc. Đồng thời, đây cũng là những những minh chứng lịch sử sống động nhất về triết lý Phật giáo và nguồn gốc tín ngưỡng của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cho học thế và đặc biệt là những người yêu mến và nghiên cứu về Phật giáo.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    · Văn học Phật giáo thời Lý-Trần, PGS. TS. Nguyễn Công Lý, nhà xuất bản: Đại học quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh, xuất bản năm 2016.

    · Bài viết Huyền Quang (1254-1334) : Vị thi tăng tài hoa nhà Trần, Nguyễn Công Lý, 15 tháng 11 năm 2014.

    · Thơ văn Lý-Trần tập 2, nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội – 1988.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...