Truyện Ngắn Cái Lý Của Kẻ Khùng - Vân Hạ - Báo Văn Nghệ Số 49 Năm 2018

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi TungThanhTran897939, 21 Tháng ba 2019.

  1. TungThanhTran897939 Tự do ngôn luận , Văn Hóa - Lịch Sự

    Bài viết:
    62
    Cái Lý Của Kẻ Khùng



    Tác giả: Vân Hạ

    * * *

    Một buổi tối tôi đang mở đèn ngoài sân rửa chân tay sau một buổi chiều phát dọn cỏ gai quanh nhà phòng rắn rít, chợt nghe ngoài cổng có tiếng đàn ông gọi:

    - Chị, chị ơi. Qua đây ngồi chơi cho mát chị.

    Tôi nhìn qua cổng thấy căn nhà tôn trên lô đất bên cạnh đang sáng đèn. Ồ vậy mà có người tới thuê thật kìa.

    Họ là hai vợ chồng son. Anh chồng 50, chị vợ 45. Là họ tự giới thiệu để tiện xưng hô. Khi tôi sang thấy anh chồng đang ngồi trên chiếc chiếu trải trên đám cỏ trước nhà với một lon bia. Anh nói:

    - Chị qua nói chuyện cho vui chị, làm quen xóm giềng.

    Rồi anh gọi vợ: "Em em. Xong chưa. Mang trái cây ra đây mời chị ăn cho vui".

    [​IMG]

    Chị vợ bưng ra chiếc khay nhựa đặt xuống chiếu. Trên khay có một chùm chôm chôm, mấy củ khoai lang, mấy khúc mía. Đồ cúng cô hồn. "Ăn đi, ăn cho vui chị". Anh hàng xóm nói và vặt một trái chôm chôm đưa mời tôi, một trái khác cho vợ. Anh lột vỏ trái thứ ba phần mình và uống một hớp bia. Tôi hỏi giá thuê nhà và bất ngờ vì không rẻ như tôi nghĩ. Có lẽ đoán được tôi nghĩ gì, chị vợ giải thích giọng nhỏ nhẹ nhưng hơi buồn bực:

    - Cũng tại ổng. Đang ở nhờ nhà anh chị, người ta cho ở không không lấy tiền, khó chịu một chút cũng không nhín được, đòi ra ngoài thuê. Hỏi là thuê cái rụp, dọn đi liền.

    Anh chồng nói lảng sang chuyện khác:

    - Chỗ này trước là rẫy của tôi mà. Toàn bộ khu này trước kia toàn là rẫy khoai mì xoài mít không. Sau này mấy người ở thành phố biết trước có qui hoạch mới đổ lên đây mua người một mảnh, đợi có giá bán đi bán lại. Mảnh này bà Bê mua bốn trăm mét tính đủ xây một biệt thự. Mảnh bên đó ông Tú mua gần một nghìn mét. Lúc đầu ý ông Tú cũng muốn bán gọn cả lô cho ai mua xây biệt thự. Nhưng không ngờ dự án dừng, đường không mở nữa, ai vô đây mà xây, sau nó mới phải xắn nhỏ ra bán lẻ cho người ta mua ở.

    Anh cầm lon bia lên hớp một hụm, nói tiếp: "Hai vợ chồng Tú còn trẻ, mới ba mươi mấy mà giỏi. Nó đã có mấy cái nhà trong thành phố, lớp ở lớp cho thuê. Nó mới xây một cái ngoài đường kia nữa. Nó cất cái nhà giống như mình luộc nồi khoai". Rồi như chợt nhớ, anh hỏi: "Chị cất nhà có bị khó dễ gì không?"

    - Có chứ sao không- Chị vợ nói như đã rành hết mọi chuyện- Cả khu này làm gì đã có nhà ai có sổ.

    - Không biết "người ta" nghĩ sao – Anh hàng xóm nói -chứ tôi thấy ai người ta có được cái nhà để ở tôi mừng cho người ta ghê lắm. Người ta làm ăn, chắt bóp dành dụm để ra được chút ít tiền, người ta ráng mua miếng đất rẫy vài chục mét, cất được cái nhà để ở là phải mừng cho người ta. Ai không muốn mua đất thổ cư có bìa có sổ để xin giấy phép xây dựng đàng hoàng. Nhưng đất đó phải tiền tỷ, còn người ta chỉ có một, hai trăm triệu, có người chưa có nổi trăm triệu, thử hỏi làm sao mua?

    - Nhà thằng Út em tôi bị đập hai lần – Chị vợ nói giọng bình thản và vẫn nhỏ nhẹ- Bị đập lần đầu nó không tởn vẫn cứ xây. Nó nghĩ người ta đã đập rồi sẽ không kiểm tra nữa. Lần thứ hai đã lợp mái lên rồi, tưởng thoát, vẫn bị đập nữa. Rồi xong! Tiền đâu nữa xây? Rồi bây giờ phải bỏ đó đi thuê nhà ở.

    - Tại nó ngu. Tôi đã nói rồi. Ở đây bất cứ việc gì liên quan tới nhà đất xây cất hay điện nước, cứ phải "nhờ" bà Hai Bí. Nhưng nó không nghe đi nhờ người khác, mới bị bả quậy.

    Anh hàng xóm nhìn xuống chiếc khay định vặt một trái chôm chôm, nhưng lại thôi. Anh nhón một khúc mía đưa lên miệng cạp vỏ, bẻ nhai qua quýt rồi rướn người liệng nắm bã ra xa chỗ đám cỏ. Giống mía màu xanh lợt, cây nhỏ như cây mía lau, mềm èo lạt phèo, chuyên để cúng cô hồn. Chắc anh có ý muốn nhường chùm chôm chôm cho phụ nữ.

    - Còn không thì phải chơi kiểu tôi -Anh ta chợt sôi nổi- Tôi cất nhà hay lắm. Đầu tiên mình xin cất cái lều coi rẫy thôi. Vì đất rẫy là đất vườn không phải đất ở, không cho cất nhà. Nhưng xin cất cái lều tôn thì được. Tôi bỏ móng đá thật chắc. Đá tôi tự chẻ lấy trên núi, viên nào cũng lớn chứ không như đồ quỉ đá chẻ bây giờ. Có cái lều rồi cứ ở vậy đã. Vài ba năm sau, để dành được tiền rồi, vay mượn thêm nữa, tôi mới làm đơn xin sửa. Lí do lều làm bằng tôn gỗ phế thải qua thời gian đã hư hại thủng dột. Bên ngoài vẫn để vách tôn nhưng bên trong mình lén xây tường gạch áp vô. Đang xây bị bà Hai Bí phát hiện bả hăm sẽ báo lên xã cho người xuống đập. Bả đã phát hiện, chồng bả đã đưa ra chính quyền thì xã có muốn không đập cũng không được.

    Rồi sao biết không? Tôi "đặt vấn đề" thẳng với bà Hai Bí, nhờ bả lo giùm cho. Vậy người ta mới làm lơ để cho mình xây. Nhờ cách này tôi cất lụi được cái nhà ngon lành. Ở trong cái nhà xây cao ráo sướng lắm, khỏi lo mưa gió. Cũng hên là đất đây hồi trước mình tự khai phá để trồng trỉa, không phải mua, chứ giờ một miếng ba chục mét như vầy cũng không mua nổi.

    "Vậy mà tới hồi vợ tôi bả bịnh, bán hết nhà đất chạy chữa mà bả vẫn đi . Cũng bán cho bà Hai Bí chớ ai, sau bả mới bán lại cho ông Tú với bà Bê đây. Trúng lúc mình kẹt tiền, mà bán nhà bán rẫy đâu phải nói là bán được liền.. Nghĩ lúc cất nhà chỉ có hai vợ chồng, tôi với bà vợ tôi đẩy xe ba gác chở đá chở gạch về chứ có ai đâu. Hồi đó làm gì đã có đường cho xe vô đây. Không tin lúc nào chị thử vẹt đám cỏ mắc cỡ chỗ gốc cây bồ ngay kia, vẫn còn một đoạn móng đá cũ của tôi ở đó đó.

    Chị vợ- giờ tôi đã biết chị là vợ sau- không nói gì. Tôi bẻ một củ khoai đưa chị một nửa, hỏi khoai chị tự luộc hay mua. Chị nói mua của người ta luộc sẵn, chứ đã kịp có bếp có lửa gì đâu.

    Ngồi một lúc tôi đứng lên đi về" để anh chị thu dọn còn nghỉ ngơi ". Nhưng cả hai vợ chồng họ cùng nói chưa đâu, ngủ sao được chị, nóng lắm.

    **

    Tôi mở cổng đi về nhà. Cái cổng dài 24m không phải cổng nhà tôi, nó là cổng của cả lô đất một nghìn mét vuông của cậu Tú. Phần tôi chỉ mua một góc 50m trong đó. Cậu Tú giao chìa khóa cổng cho tôi và cho tôi toàn quyền hái trái cây lâu năm có sẵn trong vườn đất vốn là cái rẫy cũ.

    Lô đất bên cạnh của một người tên bà Bê, 60 tuổi. Một lần bà Bê lên thăm ngó, thấy cậu Tú bên này đã bán được một mảnh cho tôi, bà nảy ý cũng dựng một căn trên lô đất của bà, cho có cảm giác đất có nhà có chủ cho bớt hoang, dễ bán. Nói và làm liền. Vài ngày sau bà dẫn một nhóm thợ tới chặt cây dọn cỏ" cất nhà ". Thợ làm 3 ngày xong một căn 30 mét vuông bằng tôn tấm cũ toàn phần. Vách tôn, mái tôn, cửa ra vào đóng mở bằng một tấm tôn. Cửa sổ cũng cắt một ô vuông trên tấm tôn vách, chống lên sập xuống bằng một khúc cành cây.

    Bà Bê ngắm nghía căn nhà và lại nảy ý định cho thuê." Kệ nó, biết đâu. Rẻ có khi mấy đứa sinh viên nó cũng thuê. Chứ bỏ không trộm nó tháo mấy hồi ". Rồi bà đưa số điện thoại cho tôi, nhờ tôi nếu có ai tới hỏi thuê gọi cho bà. Bà đưa thì cầm, nhưng tôi không nghĩ sẽ có ai tới hỏi. Ai mà thuê cái lò xông hơi này chứ. Vậy mà nay có người tới thuê thật.

    Hai vợ chồng người hàng xóm đi làm cả ngày. Chị vợ đi từ sáng, tối mới về. Anh chồng có lẽ làm theo ca, giờ giấc không cố định. Một buổi trưa tôi vừa mở cửa xách xô nước lau nhà đổ ra sân thì nghe tiếng gọi cổng. Ra đến nơi thấy anh hàng xóm đang đứng bên ngoài tay ôm sẵn chiếc võng vải tôi hiểu ngay. Trưa nắng hầm hập này ở trong cái nhà tôn đó chịu sao thấu." Chị cho tôi vô vườn nằm nhờ chút ", anh hàng xóm nói. Và vẫn điệp khúc" nóng quá chị ơi, nóng chịu không nổi ".

    Tôi mở cổng. Anh hàng xóm vào treo võng dưới gốc cây xoài lớn gần lối đi. Tôi nhắc anh trong vườn có nhiều rắn rít bò cạp núp trong cỏ, có cả rắn lục xanh trên cây. Tiện tay tôi với hái ba trái xoài đã chín vàng sắp rụng đưa cho anh." Khi nào anh đi làm kêu tôi ra khóa cổng ", tôi nói thêm rồi vội đi nhanh vào nhà thay chiếc áo ngủ rộng, nằm lăn xuống nền nhà vừa lau xong, mở quạt. Nhà tôi ở giữa vườn cây, có trần nhựa hẳn hoi mà giường chiếu bàn ghế đụng chỗ nào cũng nóng dẫy. Huống gì bên đó trước kia là rẫy trồng rau trồng khoai mì không có cây ăn trái, chỉ có những cây dại mọc hoang như keo gai, bồ ngay và cỏ. Nhưng khi cất cái nhà tôn, bà Bê đã cho thợ chặt phát hết phơi làm củi luôn cho sạch, cái nhà tôn thành cục pin thu lấy năng lượng mặt trời, tha hồ hấp nắng.

    Đúng một rưỡi chiều anh hàng xóm kêu tôi ra khóa cổng. Tôi ra thấy anh đã cuốn võng, dưới gốc cây vẫn còn hai trái xoài để trên một hòn đá. Cây xoài này giống cũ trồng đã lâu năm, thương lái không mua vì bây giờ có nhiều giống xoài lai tạo mới. Nghĩ anh hàng xóm chê, tôi nói:

    - Anh không ăn xoài à?

    - Ăn chớ. Ăn một trái rồi, còn đó để dành mang về cho con vợ.

    Ra vậy. Tôi nói vậy anh hái thêm mang về cho chị ấy, nhiều mà, tôi ăn sao hết. Nhưng anh không hái, chỉ xin lượm mấy trái chín vừa rụng còn tươi.

    Liên tiếp mấy ngày sau trưa nào anh hàng xóm cũng gọi cổng xin vào treo võng nằm nhờ. Tôi thông cảm nhưng vì cái cổng dài quá, mỗi lần ra mở cổng khóa cổng lại phải thay đồ. Đến một trưa anh hàng xóm không gọi nữa, tự leo cổng vào. Khi nghe có tiếng người ngoài vườn, tôi ngó ra đã thấy chiếc võng đang đung đưa dưới gốc xoài từ lúc nào, anh ta đang nằm đó thản nhiên nói điện thoại. Tôi chẳng biết nói gì. Dù sao cũng không phải vườn đất của tôi. Nhìn cánh cổng sắt cao, tôi cảm giác người đàn ông này chắc đã quen leo trèo. Anh ta có gì đó giống với bọn trẻ hoang dại ở đâu vẫn hay tới đây vượt tường rào vào phá phách hái trái bẻ cây la ó. Chỉ khác anh ta thuộc thế hệ cha chú đã thành người lớn, đang muốn trở thành người tân tiến lịch lãm theo thời cuộc. Còn bọn trẻ là thế hệ con cháu vẫn còn trẻ con.

    Từ hôm đó anh hàng xóm cứ tự nhiên leo cổng vào, rồi lại tự leo ra như vậy. Không hẳn hợp pháp nhưng vẫn công khai. Tôi không thể giả như không biết vì anh ta thường nói điện thoại rất to, có khi còn mở nhạc nghe cải lương nữa. Để tránh khó xử tôi chọn cách đóng cửa ở yên trong nhà, chỉ khi nào biết chắc anh ta đã đi khỏi tôi mới mở cửa đi ra. Phải thừa nhận từ khi có anh ta hiện diện trong vườn bọn trẻ bớt phá hẳn.

    Cách mấy ngày sau, một hôm tôi đang ngủ chợt nghe như có tiếng gọi cổng. Tôi mở mắt nhưng không nghe gì nữa ngoài tiếng quạt quay rù rù. Nhìn đồng hồ mới hơn 12 giờ, tôi nghĩ mình bị ám ảnh tiếng anh hàng xóm gọi ra khóa cổng mấy ngày trước. Tôi nhắm mắt nhưng lại nghe có tiếng nói. Tiếng người nói chuyện với nhau, không phải tiếng anh hàng xóm nói điện thoại một mình. Rồi đột ngột tiếng nói chuyện bỗng to lên thành tiếng quát nạt. Tôi nhỏm dậy nhón chân nhìn qua cửa sổ thấy một chiếc ô tô 4 chỗ đậu bên ngoài, xe cậu Tú.

    Tôi bật dậy thay đồ cầm chìa khóa ra. Trong lúc tôi đi hết chiều dài của cái ngõ, cậu Tú và anh hàng xóm vẫn tiếp tục đấu khẩu. Tôi nghe và hình dung thế này: Cậu Tú đến nhưng gọi tôi không được (tôi nhớ ra điện thoại tôi đang tắt máy sạc pin). Nhìn qua cánh cổng thấy anh hàng xóm đang nằm võng dưới gốc xoài, cậu kêu anh ta mở cổng, nhưng anh hàng xóm nói cổng khóa không mở được." Cổng khóa sao chú vô được? ". Hỏi và không nghe anh hàng xóm đáp, cậu Tú tự hiểu không hỏi nữa. Cậu nhờ anh ta vào kêu tôi ra mở cổng giùm. Nhưng anh hàng xóm không đi. Anh ta vẫn ngồi trên võng gọi to:" Chị ơi chị. Ra mở cổng chị ơi ". Chính là tiếng gọi tôi đã nghe. Không thấy tôi ra cậu Tú giục anh ta vào kêu cửa nhưng anh ta không đi. Nhất định không chịu đi. Cậu Tú hỏi tại sao, anh ta chỉ nói:" Kì lắm, người ta đang nghỉ, vô kêu cửa kì lắm "." Tôi nhờ chú mà ". Sau câu nói của cậu Tú anh hàng xóm vẫn ngồi im như bị dán chặt xuống võng. Thế là cậu Tú nổi nóng:

    - Chú kia. Ai cho chú leo cổng vào vườn tôi. Tôi đã không nói gì..

    - Nói gì? Tôi tưởng cậu phải biết một thằng đàn ông bận tà lỏn ở trần, giữa trưa vô kêu cửa nhà người ta..

    - Không nói nữa. Chú ra khỏi vườn tôi ngay. Chú vào được chú leo ra được.

    Cậu Tú làm khó người ta rồi. Có những chuyện người ta làm rất dễ khi chỉ có một mình, nhưng không thể làm được khi có người khác quan sát- tôi nghĩ và xoay ổ khóa. Cánh cổng vừa mở cậu Tú mặt đỏ gay đi vào. Cậu chỉ mạnh tay ra sau lưng nói:" Chú ra khỏi đây ngay. Đi ra! ".

    Anh hàng xóm đứng phắt dậy. Tôi hơi bất ngờ, trên người anh ta vận độc chiếc quần cộc ngắn tới đùi, cởi trần. Những lần trước, mỗi khi gọi tôi mở cổng anh ta đều mặc áo thun ba lỗ, quần soọc tới đầu gối. Ồ, có lẽ việc phải mặc quần áo giữ ý làm anh ta thấy nóng nực khó chịu, chứ không chỉ vì ngại phiền tôi mà anh ta không gọi tôi mở cổng nữa.

    - Tôi không ra anh làm gì tôi? Tôi thấy anh ăn bận cũng sang trọng lịch sự..

    Từ ngoài đường một nhóm 4 người phóng xe máy ào tới. Họ phóng thẳng xe qua cửa cổng đang mở, lục tục dựng xe dưới một gốc cây. Thấy vậy anh hàng xóm đứng dậy giật phắt hai đầu dây võng, cuốn chiếc võng lại đi ra. Đã ra đến chỗ giữa hai cánh cổng nghĩ sao anh ta bỗng đột ngột dừng phắt lại:

    - Mấy người tính mua đất hả. Cứ mua đi. Mua đi. Giỏi cứ mua đi.

    Nói xong anh ta mới quay lưng đi về. Nhưng mới được vài bước anh ta lại quay ngoắt lại. Cái võng cuốn cẩu thả treo trên cánh tay trước bụng, những sợi dây võng sa xuống quét đất.

    - Nói trước cho mấy người biết, mấy người đừng hòng xây nhà với tôi.

    - Tôi nói ông ra khỏi vườn tôi ngay- Cậu Tú ngắt lời anh ta, chỉ tay ra cổng.

    - Tôi không ra anh làm gì tôi? Tôi thấy anh ăn bận cũng sang trọng lịch sự, tôi tưởng đâu..

    Anh ta bỏ lửng câu nói nhưng vẫn đứng đó. Cậu Tú quay sang nói tôi cho cậu mượn chiếc bàn nhựa và mấy chiếc ghế nhựa mang ra đây, như không thèm chấp anh hàng xóm nữa. Anh hàng xóm đứng nhìn rồi ôm võng đi về nhà.

    Bà Hai Bí hỏi cậu Tú:

    - Thằng té giếng đó nó vô đây làm chi vậy?

    Bà ta hỏi, như một cách nói cho mọi người biết anh hàng xóm là loại" té giếng "khùng khùng chập chập.

    Trong nhóm 4 người mới tới tôi chỉ biết một người là bà Hai Bí, giờ tôi biết thêm ngoài nghề cò đất bà còn cò sổ đỏ và nhiều cả điện nước nữa. Một người đàn bà đẹp, tướng sang và có uy. Cái uy tỏa ra từ giọng nói áp đảo, tiếng cười chủ động và vẻ kẻ cả kiêu hãnh. Người kia nhìn là biết cán bộ công chức nhà nước, được thuê tới xem xét tư vấn giấy tờ. Hai người mua đất nhìn đần nhất, hai khuôn mặt đều thụ động, rụt dè.

    Mọi người vừa giở giấy tờ ra bắt đầu cuộc mua bán thì anh hàng xóm bất thần xuất hiện.

    - Mấy người mua đất hả. Cứ mua đi. Mua đi. Giỏi cứ mua đi.

    Tôi bất ngờ vì anh hàng xóm vẫn còn hậm hực cay cú. Hay cái nhà tôn nóng quá làm anh ta phát điên.

    - Mấy người cứ hỏi mấy cái nhà bị đập trên kia kìa, coi có xây được không thì biết.

    - Ông kia! - Cậu Tú đứng phắt lên – Ông nghĩ ông là ai hả? Ông muốn gì?

    Ông muốn gì? What do you want , một câu hỏi mang tính đe dọa. Nhưng người hỏi, cậu Tú, lại kính trắng nhỏ nhắn thư sinh. Còn người bị hỏi, anh hàng xóm nhìn thật áp đảo với thân hình cao, đen, khô chắc lừng lững của dân lao động cơ bắp.

    - Muốn gì? Anh hỏi tôi muốn gì hả?

    Rồi anh ta đột ngột chuyển hướng vào nhóm người mới tới đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì:

    - Chị là chị Hai Bí phải không? Mảnh rẫy này chị ăn mấy lượt cò rồi chị biết không. Chồng chị làm lớn phải không. Em chị đi tù phải không. Chị là thứ dữ số một vùng này phải không. Chị muốn nghe nữa không?

    Những lời anh hàng xóm vừa tuôn ra làm tôi bị bất ngờ. Hai người mua đất chắc cũng vậy, họ bất giác nhìn nhau rồi vội nhìn lảng đi nơi khác. Bà Hai Bí bỗng trở nên gượng gạo. Bà giả lả phân bua:" Chứ tôi có nói gì đâu a? ".

    - Tôi nói cho mấy người biết. Mấy người đừng hòng xây nhà với tôi. Kia cà. Bà chị kia bả xây nhà cả năm rồi chưa cho bắt điện nước kìa. Đó, bả đứng đó. Hỏi bả coi xây nhà không phép ra sao thì biết.

    Lần này anh ta lại lôi cả tôi vào. Tôi lúng túng nhìn cậu Tú, sợ cậu nghĩ tôi lại than vãn gì đây. Nhưng cậu Tú đang cúi xuống xấp giấy trên tay. Cả người cậu như bất động chỉ có mấy ngón tay đang bật bật mép xấp giấy là cử động.

    Độc diễn một lúc, chắc cũng đã mệt, anh ta mới chịu quay ra đi về" nhà ".

    Nhưng mọi người vừa kịp trút xong một hơi thở anh ta đã lại lập tức quay lại. Cứ vậy. Anh ta quay quắt xông sang rồi về, về rồi sang. Có lẽ anh ta không ở yên được trong cái nhà tôn, hoặc cơn khùng vẫn chưa đã. Như món đồ đã lỡ lên dây cót, như tổ máy đã khởi động. Tôi không nhớ được hết anh ta nói gì, chỉ nghe đi nghe lại:" Tôi nói cho mấy người biết.. Bà là bà Hai Bí phải không. Chồng bà.. em bà.. phải không.. Tôi thấy anh ăn vận cũng.. tôi tưởng đâu.. ". Có lẽ anh ta cũng không nghĩ ra được câu gì khác. Mà sao không ai nghĩ tới chuyện đóng cổng lại, kể cả cậu Tú? Bây giờ danh xưng chính thức đổi thành" mày "với" tao "và" chúng mày ". Áp thấp đã mạnh lên thành bão.

    - Mày hỏi tao muốn gì? Tao hỏi mày muốn gì? Chúng mày đừng ỷ chúng mày ngon. Cạ.. c! Tao nói cho chúng mày biết. Chúng mày đừng có ỷ. Ngon kêu công an đi. Kêu giang hồ tới đi. Tao đứng đây này. Một mình tao đây này. Tụi mày làm c. Gì tao. Cứ.. t!

    Người đàn ông gào lên. Vẫn chiếc quần đùi nguyên trạng từ trưa. Những câu cạ.. c và cứt có lẽ đã bị phần người lịch sự trong anh ta cố ém lại giờ thoát bung ra, thêm động tác dậm dậm chân xuống đất. Nếu không nghe tiếng, nếu có một video chỉ quay cặp chân khô khỏng từ đầu gối xuống tới bàn chân anh ta, người ta sẽ nghĩ người này đang reo hò cổ vũ cho một trận đấu gì đó.

    Sau hai tiếng đồng hồ giọng người đàn ông lạc đi. Đến gần 2 giờ chiều anh ta mới chịu lui về thay đồ đi làm, trả yên tĩnh lại cho thiên hạ. Nhóm người cũng giải tán luôn, có lẽ vì đã tới giờ làm việc buổi chiều. Tôi giữ cậu Tú lại hỏi thêm nguyên do. Tôi vẫn nghĩ cậu không phải người nghiệt, cậu cũng rộng rãi, biết cảm thông, tuy cậu còn trẻ và nóng nảy. Nhưng cậu Tú kể đầu đuôi cũng y như tôi đã nghe đã thấy từ đầu, không có thêm tình tiết nào khác.

    Chiều tối hôm đó chị vợ về. Chị sang nói với tôi chủ nhật này cho chị sang chặt ít tàu dừa về dựng quanh vách nhà cho đỡ nóng." Mệt với ổng quá. Cứ có rượu bia vô là quậy ". Tôi hiểu chị muốn nói hồi trưa do chồng chị uống rượu nên quậy. Nhưng lúc đó chị không có nhà, còn tôi mới là người chứng kiến. Nhưng thôi, cứ cho như vậy cũng được.

    Hôm sau tôi có việc đi vắng nên không biết buổi trưa anh hàng xóm có leo cổng sang nữa không. Chiều tối về, lúc đi ngang qua tôi thấy hai vợ chồng họ đang ngồi bệt trên đám cỏ không có chiếu trước" sân ". Anh chồng nói với tôi:

    - Chị thấy nhà tôi bữa nay rộng rãi thoáng đãng sướng chưa?

    Tôi nhìn và.. chuyện gì vậy? Mất trộm hả? Trong nhà trống trơn không đồ đạc, chỉ còn mấy bộ đồ lao động phơi trên sợi dây căng sát vách, đôi dép và mấy thứ lặt vặt. Tấm tôn cửa bị tháo hẳn ra dựng một bên vẫn còn treo lủng lẳng ổ khóa. Cái ổ khóa làm tôi bỗng thấy tức cười và không nín được tiếng cười vô duyên. Chị vợ thấy tôi cười cũng.. cười. Chị nói:" Chó cắn áo rách. Đã nghèo gặp cái eo".

    Người bán quán ngoài đầu đường kể khoảng ba rưỡi chiều bà thấy một xe tải loại nhỏ đậu trước căn nhà. Có mấy người dọn đồ trong nhà bỏ lên xe. Bà tưởng hai người họ chuyển nhà không thuê nữa, vì có nghe vụ ồn ào trưa hôm qua. Và bà cũng nghĩ chuyển đi là phải, nhà đó ở sao được. Ai biết đó là trộm. Ở đây vẫn có tiếng trộm cắp hỗn lắm chứ không hiền gì, nhưng trộm đánh xe tới dọn đồ giữa ban ngày thì.. Cũng may tài sản có giá nhất là chiếc xe máy không mất, vẫn còn, vì nó là phương tiện để họ mang đi làm.

    - Tôi nói tất cả những chuyện này đều một tay bà Hai Bí hết- Anh hàng xóm nói.

    - Nói gì vậy? – Chị vợ nhìn chồng, gắt khẽ.

    - Tôi nói vậy á. Bả cò không được vụ này, mất ăn bả quậy chứ không ai vô đây.

    - Thôi đi. Một mất mười ngờ, một ngờ mười tội. Chưa biết chắc đừng có nói tào lao- Chị vợ nói.

    Chúng tôi cùng im lặng. Một lúc anh hàng xóm bỗng cao giọng:

    - Ngày hôm nay trộm cho xe tới dọn nhà tôi. Không giường không tủ không bếp, không sao hết. Có hai bộ đồ với hai hộp cơm một ngày được rồi. Cần chi cho nhiều. Nói có bóng đèn. Tôi sợ cái ngày tụi nó chở đồ mang trả lại, nếu tôi chịu nhận tôi không phải là tôi. Tụi nó mới sợ chết chứ tôi có gì đâu để sợ. Sống tới từng tuổi này rồi..

    - End -
     
    Last edited by a moderator: 26 Tháng ba 2019
Trả lời qua Facebook
Đang tải...