Cải lương là gì? Và những điều dễ nhầm lẫn về loại hình nghệ thuật Cải lương ở Nam Bộ

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi MTrang1102, 25 Tháng bảy 2023.

  1. MTrang1102 Ờm …

    Bài viết:
    394
    Loại hình nghệ thuật cải lươngNam Bộ đang dần thoái trào, nhiều bạn trẻ cũng không còn mặn mà gì để tìm hiểu loại hình này. Thậm chí, sau sự kiện ra đi của nghệ sĩ được mệnh danh là "Ông hoàng cải lương" Vũ Linh, thì nhiều nhận định cũng cho rằng cải lương đang dần khép lại và không còn con đường hy vọng nào cho cải lương trở về thời hưng thịnh nữa. Hiện nay, loại hình nghệ thuật này vẫn chỉ còn được cầm cự bởi những nghệ sĩ gạo cội xưa mà chưa thấy một dấu hiệu kế thừa triển vọng nào từ nghệ sĩ trẻ. Tuy nhiên, đối với một người trẻ mê nghe cải lương như mình thì vẫn cứ tiếp mong mỏi nghệ thuật cải lương sẽ tiếp tục sống, vẫn hy vọng một ngày nghệ thuật này được đón nhận nhiều hơn trở lại.

    Sau đây là bài viết tìm hiểu về nghệ thuật cải lương ở Nam Bộ, và những điều dễ nhầm lẫn về hai tiếng cải lương. Bài tìm hiểu dưới đây được đặt dưới góc nhìn của một người trẻ tuổi đọc và nghiên cứu về cải lương, đặc biệt là tìm hiểu từ sách nghiên cứu của thầy Nguyễn Phúc An với tựa đề "Tuồng hát cải lương: Khảo và Luận". Nếu bạn muốn hiểu sâu và cận kẽ về loại hình nghệ thuật cải lương hơn, thì cuốn sách của thầy Nguyễn Phúc An là lựa chọn mình khuyến khích nên đọc, cách thầy viết và truyền đạt đậm chất Nam Bộ và giải nghĩa tất tần tật những thuật ngữ có trong nghệ thuật cải lương.

    1. "Cải lương" là gì?

    Hai tiếng "Cải lương" ban đầu là một động từ Hán Việt. Trong đó, từ "Cải" nghĩa là biến cải, và "Lương" nghĩa là lương tâm, lương thiện. Trong Hán-Việt tự điển dần giải thích hai từ "Cải lương" có nghĩa là sửa đổi cho tốt hơn. Đây là động từ mang nghĩa thay đổi, cải cách cho tốt hơn, chuyển biến từ cái không tốt thành tốt hơn chứ chưa có nghĩa là loại hình hát xướng mang tính nghệ thuật như bây giờ.

    Năm 1917, khi loại hình hát cải lương lần đầu xuất hiện ở Nam Bộ, người ta nhận thấy điệu hát này có vẻ tân tiến hơn điệu hát bội, cho thấy nó là việc cải thiện điệu hát xưa cho đẹp hơn. Vì vậy, người mình dùng hai tiếng "Cải lương" để đặt cho điệu hát mới mẻ này.

    Sau này, hai từ "Cải lương" chính thức được xác định là một từ vựng được hiểu bằng ba từ loại:

    - Động từ: Là cải cách, đổi mới

    - Tính từ: Được thay đổi, được đổi mới tốt hơn.

    - Danh từ: Một loại hình sân khấu ca diễn được sinh ra ở Nam Bộ.

    2. "Cải lương hát bội" là gì?

    Năm 1916, ở tờ báo "Nông cổ mín đàm" đã đăng một loạt bài viết về "Hát bội Annam" của Lương Khắc Ninh yêu cầu sửa đổi hát bội vì muốn cải cách lại nghệ thuật hát bội xưa, nên Lương Khắc Ninh lập ra gánh hát riêng để chấn chỉnh lại lối hát bội cổ truyền, bên cạnh đó ông còn nhận thấy lối diễn xuất của bộ môn kịch phương Tây dễ hiểu hơn. Vì vậy, vào năm 1017, Lương Khắc Ninh đã diễn thuyết tại Hội khuyến học Sài Gòn về "cải lương hát bội" – tức là cải tiến hình thức hát bội. Thay đổi nghệ thuật hát bội truyền thống trở nên hợp thời và mới mẻ với lối hát cách tân và bỏ qua lớp vẽ mặt hay trang phục sặc sở của hát bội.

    [​IMG]

    (Ảnh minh họa)​

    Tuồng "Pháp Việt nhứt gia" do Đặng Thúc Liêng và Nguyễn Viên Kiều sáng tác, là vở "cải lương hát bội" nổi bật nhất trong giai đoạn đó. Tuồng đã thay đổi rất nhiều so với hát bội truyền thống trước đây, khi lược bỏ nhiều câu có chữ Hán, bỏ bớt đi điệu khách nhưng vẫn giữ lại điệu hát nam và nói lối của hát bội. Đây là một vở tuồng hát bội đã được "cải lương" để cho người xem dễ hiểu và dễ nghe hơn.

    Nhưng sau này, Nguyễn Tuấn Khanh nhận định, tuy Tuồng Pháp Việt nhứt gia đã có sự cách tân về hát bội cho hợp thời nhưng âm nhạc và bài ca vẫn là bài bản của hát tuồng cổ, không có bài nào thuộc nhạc tài tử hoặc những bài bản ngắn như trong những vở cải lương đã xuất hiện sau này. Nhận định này cho thấy, Tuồng "Pháp Việt nhứt gia" không phải là cải lương sau này, mà chỉ là tuồng hát bội theo cách mới, và vẫn được gọi với cái tên là "Hát bội Annam".

    Để tránh nhầm lẫn thì Cải lương hát bội không phải là loại hình nghệ thuật cải lương sau này kết hợp hát bội, mà cụm từ "cải lương" lúc này chỉ có nghĩa là "cải cách". Và "Cải lương hát bội" ở đây là cụm từ chỉ tinh thần chấn hưng, cải cách lại bộ môn hát bội như Lương Khắc Ninh đã kêu gọi trước đây. Và cuộc "cải lương" hát bội chỉ phát triển đến đây rồi ngưng, cho đến khi loại hình nghệ thuật Cải lương chính thức ra đời thì vẫn không có ai nhắc về "Cải lương hát bội" nữa.

    3. Nguồn gốc của loại hình nghệ thuật Cải lương.

    [​IMG]

    Thời điểm ra đời của bộ môn nghệ thuật sân khấu này rất phức tạp và còn bỏ ngỏ, vì hầu như không ai biết rõ chính xác thời điểm ra đời và ra đời chính thức như thế nào. Nhưng theo phần đông các nhà nghiên cứu học thuật và nghệ sĩ, thì cải lương chính thức ra đời vào khoảng năm 1917 - 1918. Và tiền thân của cải lương là Đờn ca tài tử chứ không phải hát bội, như nhiều nơi nhầm tưởng.

    Cải lương và hát bội đều cùng là loại hình nghệ thuật sân khấu, mang nhiều điểm giống nhau, và cải lương ra sau hát bội, điều này dễ khiến ta nhầm lẫn, việc nghệ thuật hát bội đã "cải lương" (cải cách) để biến thành nghệ thuật sân khấu Cải lương sau này. Nhưng Cải lương không được sinh ra từ hát bội. Nói đúng hơn, cải lương được sanh ra từ Đờn ca tài tử. Và được nuôi lớn, ảnh hưởng bởi nghệ thuật hát bội.

    Nghệ thuật đờn ca tài tử đã vô tình là cơ sở để hình thành nên loại hình nghệ thuật Cải lương, sự ra đời của cải lương là vô cùng âm thầm và tự phát, nhưng các bài nghiên cứu ở khắp nơi đã chỉ ra những yếu tố tiền đề để hình thành nên cải lương.

    - Ca ra bộ (Nguồn gốc ra đời của Cải lương)

    Nghệ thuật Ca ra bộ bắt đầu từ những bài ca tài tử được trình diễn trên sân khấu. Toàn ban nhạc lúc đầu chỉ ngồi trên chiếu, ghế hoặc bộ ván để ca, càng ngày trong phong cảnh nhỏ hẹp của buổi biểu diễn, ban nhạc chuyển sang ca thay phiên, tức mỗi người luân phiên ca một lớp, người này ca xong một đoạn sẽ đến người khác. Việc ngồi yên ca thay phiên nhau biểu diễn dưới cặp mắt của khán giả bên dưới dần dần khiến người biểu diễn có phần ngại ngùng và làm sân khấu bị đơ, trống vắng. Bởi lối ca tài tử vốn là việc đờn ca tự phát, những người đờn ca tài tử thường chỉ biểu diễn với người thân tình cho nhau nghe. Nay được đưa lên sân khấu, việc chỉ ngồi một chỗ hát đã làm cho người biểu diễn đơ cứng, nên ban nhạc đã nghĩ ra lối bỏ bộ (tạo ra những động tác cho có bộ tịch), để người ca tài tử không phải đứng yên ngượng nghịu trên sân khấu nữa, từ đó lối ca tài tử (ngồi yên đờn ca) chuyển sang ca ra bộ (vừa diễn vừa đờn ca).

    Loại hình ca ra bộ mới mẻ này là lối trình diễn trên sân khấu đòi hỏi điệu bộ phải có duyên, ăn nói dễ nghe, không nói Nho, không la hét, dùng lời nói thường ngày phù hợp với lời ca chứ không như hát bội. Tuy nhiên hát vẫn là chánh, ra bộ là phụ. Diễn viên cần giọng hát cho thật mùi để diễn đạt tình cảm của bài ca, còn bộ tịch là để minh họa cho lời ca. Dần dần, lối kết hợp này góp phần xây dựng thành loại hình nghệ thuật cải lương sau này.

    Đờn ca tài tử sanh ra cải lương vì vậy cải lương mang một nét đặc trưng của đờn ca tài tử, đó là phần âm nhạc, những bài bản tinh túy của miền Nam lúc này là những bài oán và rất được ưa chuộng trong giới đờn ca tài tử. Và bài ca Tứ đại oán với nhan đề Bùi Kiệm Nguyệt Nga được trình diễn trên sân khấu, vừa ca vừa ra bộ, đã đi vào lịch sử của cải lương.

    [​IMG]

    (Đờn ca tài tử)​

    - Hát chặp (Nguồn gốc phát triển nên Cải lương)

    Là một loại hình nghệ thuật biểu diễn của hát bội. Trong từ điển tiếng Việt Huỳnh Tinh Paulus Của cho biết từ "chập" là một hồi lâu, hát "chặp" là hát riêng một hai lối. Tức là hát riêng một hai lối hát bội, nghĩa là trong cả một bài chỉ rút ra một lớp, một hồi, một đoạn yêu thích ra để hát, giống như hiện tại người ta gọi là "trích đoạn" vậy. Sau này trong Nghệ thuật sân khấu hát bội Việt Nam của Lê Văn Chiêu có định nghĩa từ "hát chặp" như sau.

    Hát chặp: Là khi nhà ai có dịp vui, kêu 1, 2 kép hát chơi, không cần mặc đồ, không vẽ mặt, cũng không cứ thứ lớp nào, khúc nào hay thì hát khúc ấy.

    Kết: Thu Phương khẳng định cải lương chính thức ra đời ở Mỹ Tho và do Thầy Năm Tú khởi xướng trên cơ sở của hình thức ca ra bộ. Và hát chặp là bước chuyển tiếp đến hình thức sân khấu cải lương.

    Ca ra bộ và hát chặp chính là hai loại hình chính góp phần phát triển ra loại hình nghệ thuật biểu diễn Cải lương để phân biệt với phong cách Đờn ca tài tử và hát bội.

    Tên gọi chính thức:

    Ban đầu, để chỉ loại hình nghệ thuật mới mẻ này, người ta chỉ gọi tên là "Gánh hát kim thời" hay "Gánh hát tân thời". Vì năm 1917 – 1918, Gánh hát của ông Châu Văn Tú (Thầy Năm Tú) ở Mỹ Tho đã xây dựng nên một rạp hát vững chắc ở phía sau chợ Mỹ Tho, sân khấu được bày trí kì công và chu đáo hơn. Bối cảnh là bức tranh vẽ phỏng theo cách trang trí sân khấu của Tây Sài Gòn, y phục được lựa chọn chu đáo cho đào kép, nhờ nhà văn Trương Duy Toản biên soạn tuồng. Điệu hát cải lương cũng chính thức dần được hoàn chỉnh độc lập từ đây

    [​IMG]

    (Ảnh minh họa)​

    Đến năm 1920, ở Sài Gòn tiếp tục có đoàn hát Tân Thịnh của Trương Văn Thông, đã dùng từ "cải lương" để chỉ tên gọi cho lối diễn xuất này, dựa trên bản hiệu của đoàn.

    CẢI cách hát ca theo tiến bộ;

    LƯƠNG truyền tuồng tích sánh văn minh.​

    Nội dung của câu trên đã trùng với ý tưởng cải cách hát bội của Lương Khắc Ninh trên tờ báo "Nông cổ mín đàm" năm xưa, và cũng mang tinh thần cải lương (cải tiến) nghệ thuật hát, nên từ "Cải lương" được chính thức sử dụng cho loại hình nghệ thuật này mãi cho đến tận ngày nay.

    4. Tuồng hát cải lương là gì?

    - Tuồng là gì?

    Trong Tự điển nghệ thuật hát bội của Nguyễn Lộc có giải thích: "Tuồng là danh từ chung chỉ một vở diễn trong nghệ thuật hát bội và cải lương. Cách dùng từ này phổ biến ở miền Nam."

    Từ năm 1975 trở đi, ở miền Bắc lại dùng từ "Tuồng" để chỉ loại hình hát bội. Cho đến nay, cách gọi này vẫn chưa hoàn toàn thống nhất. Khi miền Bắc và Trung gọi là "Tuồng" thì miền Nam gọi vẫn đó là "hát bội" thôi. Sau này, loại từ "Tuồng" xuất hiện ở miền Nam nhưng có nghĩa khác với cách gọi của miền Bắc, nên được miền Bắc gọi là "Vở" để phân biệt cách gọi danh từ "Tuồng" là loại hình hát bội ở miền Bắc. Nghe có vẻ hơi rối, nên mời bạn nhìn vào ví dụ của thầy Nguyễn Phúc An, để dễ hiểu hơn.

    Ví dụ:

    Tuồng hát bội (miền Nam) : vở tuồng (miền Bắc)

    Tuồng cải lương (miền Nam) : vở cải lương (miền Bắc)

    - Hát cải lương là gì?

    Nhiều người vẫn nhầm tưởng hai từ "ca" và "hát' là giống nhau. Tuy nhiên, theo giới nghiên cứu đây là hai từ loại mang nghĩa khác nhau.

    " Ca "tức là động từ chỉ hoạt động miệng cất lên thành tiếng theo một khúc nhạc, không có diễn xuất hay múa may theo khúc nhạc. Đó là lý do người ta hay gọi là" ca tài tử "chứ không ai gọi là" hát tài tử ", vì người tài tử chỉ ngồi ca suôn, không có biểu lộ hoạt động gì ngoài giọng ca.

    " Hát "tức là từ chỉ hoạt động diễn xuất của ai đó trên một khúc nhạc, miệng có thể ca hoặc không ca.

    Sau khi cải lương xuất hiện, người ta sử dụng thuật ngữ" hát cải lương "vì những đào chính, kép chính phải biểu diễn trên sân khấu. Người ta dùng từ 'hát' để chỉ cho việc vừa ca vừa diễn xuất ấy.

    - Các thể loại" Tuồng cải lương "

    Ban đầu có 4 tên gọi chính: Tuồng tích, Tuồng Tàu, Tuồng vở, Tuồng Tây.

    Các thuật ngữ thể loại mới xuất hiện nhiều hơn sau này như: Cải lương tuồng cổ, cải lương Hồ Quảng, cải lương xã hội. Lý giải cho điều Phạm Duy nêu, vì sân khấu cải lương có hai loại chính tuồng: Là tuồng Tàu và tuồng Tây, cho nên các yếu tố của hát bội cũng được thu dụng trên sân khấu mới trong loại tuồng Tàu, lại pha trộn thêm yếu tố âm nhạc của tuồng Quảng Đông, khiến nó bị lai căng rất nhiều.

    Thuật ngữ Cải lương Hồ Quảng xuất hiện hai đại ban hát bội là Tấn Thành ban và Vĩnh Xuân ban, cả hai đã xây dựng thương hiệu cho dạng nghệ thuật cải lương mới là" Cải lương Hồ Quảng ". Đó khi giai đoạn này, các bộ phim Đài Loan ồ ạt vào Việt Nam, các nhà soạn nhạc đã pha thêm nhạc Đài Loan, các yếu tố của hát bội cũng được thu dụng trên sân khấu mới trong loại tuồng Tàu, lại pha trộn thêm yếu tố âm nhạc của tuồng Quảng Đông, khiến nó bị lai căng rất nhiều. Tuy nhiên Cải lương Hồ Quảng lại dễ nghe hơn nhiều so với Tuồng Tàu, tuy các truyện và tích được biên soạn từ của tích của Trung Quốc, nhưng lại sử dụng từ ngữ dễ hiểu, lối kể mang đậm bản sắc Việt Nam, kết hợp múa, múa võ và có cả vũ đạo để thu hút khán giả. Sau vì nhận thấy loại hình này khá giống kịch Quảng Đông và mặc định rằng đây là cải lương Hồ Quảng.

    [​IMG]

    (Ảnh minh họa)​

    Trong quyển Ngũ Đại Gia, cải lương tuồng Tây là sự đón nhận theo trào lưu đương thời, theo sự phát triển nền văn học nghệ thuật phù hợp với cảm quan khán giả. Tuồng Tây chính là thuật ngữ tuồng xã hội mà ta hay gọi sau này. Các vở tuồng đều lấy khung cảnh xã hội và pha chút những bản ca của phim ảnh, đĩa hát ở phương Tây. Ví dụ: Marseille (Mạt Xây Dê).

    5. Kết:

    Cho đến nay, dễ nhận thấy loại hình nghệ thuật Cải lương đang dần thoái trào, vì đây là loại hình nghệ thuật ra đời từ loại hình khác có sẵn, và tiếp tục phát triển dựa trên nhiều loại hình nghệ thuật khác từng chút một, nên không khỏi tránh được việc Cải lương vẫn tiếp tục lai căng từ nhiều nghệ thuật mới khác, tạo ra một nghệ thuật Cải lương ngày càng thay đổi và khác xa với thời hưng thịnh. Nhiều người quay lưng vì không còn thấy" cái chất "cải lương như xưa, người trẻ lại càng khó tiếp cận vì loại hình truyền thống này không còn phù hợp trong giới trẻ hiện đại.

    Nếu ngày xưa, ở Nam Bộ các gánh hát" mọc"lên như nấm thì giờ đây các rạp hát Cải lương dần dần phải đóng cửa vì thiếu khán giả. Người yêu cải lương cũng chỉ coi lại những tuồng tích cũ. Người nghệ sĩ theo đuổi loại hình nghệ thuật cũng thưa dần, thậm chí là han hiếm vì chỉ còn những nghệ sĩ gạo cội vẫn còn tận tâm với nghệ thuật này.

    -Hết-​
     
    Chỉnh sửa cuối: 25 Tháng bảy 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...