Cái chết thương tâm và nhân cách cao đẹp của lão Hạc

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 8 Tháng mười một 2021.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    192
    Viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận về cái chết thương tâm và nhân cách cao đẹp của lão Hạc. (Văn bản Lão Hạc - Ngữ Văn 8)

    [​IMG]

    Chuyện có lẽ bắt đầu từ khi lão Hạc bán cậu Vàng đi, khi lão đọc ra sự oán giận trong mắt chú chó, rồi tự trách cứ, dằn vặt mình. Lão coi mình là một phạm nhân vô ơn phản bội, dối gạt người bạn trung thành. Bán cậu Vàng đi, lão coi như đã giải quyết một gánh nặng kinh tế lớn. Vậy nhưng cuộc sống vẫn khó khăn bế tắc, gạo kém, tăng giá vùn vụt, mà sức lão thì yếu ớt mỏng manh dần, khó kiếm kế sinh nhai. Bấy giờ, lão bỗng nhận ra, chính sự tồn tại của lão cũng là một điều thừa thãi, phi lí, trớ trêu, chỉ mang lại rắc rối, thiệt thòi cho người con trai và hàng xóm láng giềng. Ý nghĩ đầu tiên nhen nhóm lên ý định tự tử trong lòng lão chính là bắt nguồn từ những suy nghĩ tiêu cực đó. Lão thấy mình vô dụng, không làm ra tiền, còn tiêu lẹm vào vốn liếng của con trai. Có lẽ vậy mà lão tìm đến cái chết như một sự giải thoát khỏi tình cảnh tối tăm khốn cùng. Nhưng lão không cự tuyệt sự sống nhanh chóng và dễ dàng như vậy, lão Hạc ham sống, muốn sống. Sau khi bàn giao mọi việc cho ông giáo, nhượng lại mảnh vườn, gửi chút tiền chăm lo hậu sự, lão chưa tự tử ngay. Lão vẫn ăn sung luộc, rau má, củ ráy, cua ốc.. qua ngày, cố suy trì sự sống. Lão yêu sống, khát sống và thèm sống, lão không tuyệt vọng chán đời. Vậy nên, cái chết của lão, không phải cái chết do không còn đường sống, mà là cái chết nuôi thêm hy vọng, là sự tự ý thức về nhân phẩm của mình. Giá trị nhân đạo của tác phẩm sâu sắc mới mẻ ở chỗ đó. Nam Cao luôn chỉ ra cho nhân vật của mình những sự lựa chọn, để thử thách phẩm chất của con người. Lão Hạc trước đó khi quyết định bán đi con Vàng cũng đứng trước hai sự lựa chọn. Và người cha vĩ đại ấy đã chọn bán chó, chọn cái chết đau đớn day dứt về măt tinh thần, chọn hy sinh niềm vui, danh dự, nhân phẩm của bản thân. Còn giờ đây, lão cũng tiếp tục đứng trước những sự lựa chọn nghiệt ngã. Lão vẫn còn đường sống, mà tiếp tục sống, lão có thể tiêu vào tiền bán chó, bán vườn, tiền dành dụm cho con trai. Lão có thể bám víu vào sự sống, kéo dài tuổi thọ, nhưng lúc ấy, lão đã mất đi nhân cách của một người làm cha rồi. Lão cũng có thể trở thành Binh Tư thứ hai, đi lừa gạt những cậu Vàng thứ hai, thứ ba, làm kẻ bất lương, phường trộm cắp, đầu trộm đuôi cướp phá làng phá xóm. Có lẽ lão thừa biết, cách đó có thể khiến lão đánh mất đi phẩm cách của một người cả đời thiện lương trong sạch. Vì vậy, lão Hạc quyết định lựa chọn cái chết, chấm dứt sự sống của mình, để bảo toàn nhân cách. Cuộc sống quý giá vô cùng, nhưng con người ta lại không thể sống bằng mọi giá, bởi có những cái giá quá đắt, không thể trả được. Điều đó đã phần nào thể hiện được lão có một tình thương con vô hạn, có phẩm chất cao quý, có lòng trung hậu, trung thực, vị tha. Có thể thấy, ngọn nguồn của những sự việc bi thảm này đều xuất phát từ miếng ăn – những cái giá đắt đỏ, ám ảnh, chua xót. Nam Cao đã tinh tế thể hiện điều đó. Tác phẩm phủ một vẻ ngoài tối tăm gai góc, nhưng ẩn sâu trong đó là ánh sáng le lói của khát vọng làm người vĩnh cửu. Câu chuyện càng trở nên ý nghĩa hơn khi va vào thực tại tối đen của lịch sử, nơi ấy có những con người nghèo khổ bần hàn, bị đồng tiền dìm xuống đáy bùn địa ngục, chật vật mà sống. Như đến với truyện Một bữa no, một bà lão cả đời đói ăn, để rồi có một bữa no thì ăn bán sống bán chết, cho đã cho sướng, đến mức no quá bục bụng mà chết. Người ta thấm thía, xót xa, không phải do bà chết vì bữa no cuối cùng, mà chết vì những bữa đói trước đó. Thảm cảnh khủng khiếp ấy cũng xảy đến với Chí Phèo. Một anh Khoai hiền lành chất phác lại phải bán cả nhân tính, nhân hình để có được miếng ăn, để tiếp tục sống trong kiếp người-vật, chỉ đáng một tên quỷ trong con mắt của dân làng Vũ Đại. Hay có những người bị hủy hoại cả sơ tâm, chết ngay khi đang sống, chỉ còn tồn tại dưới một lớp vỏ héo khô, thối rữa, băng hoại tình thương, chứa đầy rắp tâm tanh bẩn và định kiến xã hội. "Tương quan với Binh Tư để tạo ra một đối chọi gay gắt: Một người lương thiện đến thánh thiện, một người bất lương đã thành lưu manh; người này muốn trọn đạo làm người thì phải chết, kẻ kia cố bám lấy cái sống thì đã phải lỗi đạo làm người." Cảm hứng bi kịch thấm đẫm trong từng trang viết của nhà văn. Cuộc đời của lão Hạc cũng là một tấn những bi kịch, từ bi kịch của một người chồng góa vợ, gà trống nuôi con, bi kịch của một người cha bất lực nhìn con mình bán mạng cho đồn điền cao su, "Tôi chỉ còn biết khóc chứ còn biết làm sao được nữa.. Nó là người của người ta rồi, chứ đâu có còn là con của tôi?", đến bi kịch phải tự tay kết liễu mạng sống của người bạn trung thành, không thể giữ con Vàng ở bên, không thể duy trì thân xác già nua yếu bệnh, hay bị đẩy vào tình cảnh gươm kề ngay cổ, con dao đẽo gọt, đâm chọt nhân tính đang nhảy nhót, chơi đùa trên nhân cách, mạng sống, để khi chết rồi mà vẫn bị nghi oan, hiểu lầm.. Đã từng có nhà văn nhận định người nông dân như "những con lợn không tư tưởng", ngu xi đần độn, không có tư duy về cuộc sống, được đến đâu hay đến đó.. Nhưng Nam Cao không vậy, ông từ đầu đến cuối đều nhìn nhận bao dung và tin tưởng tuyệt đối vào phẩm giá người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Là một nhà văn luôn khao khát đến cháy bỏng là làm sao để con người được sống thiện lương, được phát huy khả năng của loài người, sống xứng đáng với hai chữ "con người", Nam Cao đã thương cảm, thấu hiểu số phận của người nông dân, nâng niu những con người bị xúc phạm về nhân phẩm, thậm chí bị hủy hoại nhân tính, bị bóp chết cả ước mơ, lí tưởng sống, hay bị dồn đẩy vào bước đường cùng, không lối thoát.. "Trong cái bi đát của con người trong xã hội hỗn mang ấy, Nam Cao đã tìm ra một ý nghĩ cho cuộc sống: Tình thương yêu (Nhân) và lẽ sống cao đẹp (Nghĩa). Ý nghĩa đó là ngôi sao Bắc Đẩu lấp lánh rọi đường cho những nhân vật trong truyện của ông mò mẫm đi giữa bối cảnh mờ mịt của chế độ phong kiến thực dân đương thời, nhờ đó họ có thể ngẩng mặt sống trườn qua cơn trốt xoáy ác liệt của hư vô." "Khả năng truyền cảm kì lạ của văn xuôi Nam Cao là thế. Nó không phải là văn nữa, nó là đời." Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo không chắp vá mà lồng ghép, đan cài vào nhau, nhân văn khéo léo. Tất cả những tình cảm ngợi ca và sự trân trọng của nhà văn đều được gửi gắm qua hình tượng lão Hạc, đặc biệt kết tinh ở chi tiết cái chết thê thảm bi thương của lão. Cái chết ấy cũng có thể do xã hội bức tử lão Hạc, là nguyên nhân khách quan, đại diện cho những người nông dân Việt Nam có ý thức giữ gìn phẩm giá và giàu lòng tự trọng. Bên trong cái chết tội nghiệp đến rùng mình ấy còn tàng trữ một hòn ngọc vô giá lấp lánh rạng ngời niềm vui tiết hạnh. Nhưng nếu đem cái chết đó so sánh với cái chết của con Vàng, ta lại nhận ra một ý nghĩa nữa. Lão Hạc lựa chọn mọt cái chết đau đớn dữ dội, lựa chọn tử tự bằng lời nói dối và bằng bả chó. Nếu cậu Vàng rên lên ư ủ thì lão tru tréo, sùi bọt mép; nếu cậu Vàng có hai người đến bắt thì lão cũng bị hai người đè lên khống chế. Hai cái chết đều xuất phát từ một người, gây ra những đớn đau và sự thanh thản trong thể xác và tâm hồn một cách trái ngược, nhưng lại được miêu tả giống nhau, song trùng đến ám ảnh lạ kỳ. "Một tương quan thật tàn nhẫn, thật cay đắng! Con chó không chỉ giúp Nam Cao làm hiện lên nguyên vẹn tính người tự nhiên sâu thẳm trong lão Hạc. Đằng sau đó, Nam Cao còn kín đáo kí thác một triết lí đau buồn về thân phận trớ trêu của con người trên mặt đất này." Quay trở lại với nhân cách, có thể thấy, lão Hạc lựa chọn cái chết khốc liệt ấy, lựa chọn chết trong cô độc, trong sự hiểu nhầm của láng giềng, không chỉ do hoàn cảnh, mà còn bởi lão muốn chuộc lỗi với con Vàng. Nguyên nhân của cái chết còn sáng rõ bởi tình yêu thương, sự hy sinh từ chính lão Hạc. Nam Cao không phác họa hình hài, bộ mặt của giai cấp thống trị tàn nhẫn bất lương, mà qua những tiểu tiết, qua hành trình tìm đến cái chết của lão Hạc, nhà văn đã tố cáo đanh thép, phản ánh chân thực xã hội thực dân nửa phong kiến thối nát nhầy nhụa, dồn ép con người vào bước đường cùng. Xã hội ấy vô cảm, chai sạn, nhạt nhẽo, kiệt quệ niềm vui, đến nỗi "hạnh phúc chỉ là một tấm chăn hẹp, người này kéo thì người kia sẽ hở". Vậy nhưng, giữa hiện thực tàn khốc, giữa khung cảnh tối trời ấy, lão Hạc vẫn hiện lên đẹp đẽ sáng ngời, như một viên ngọc tâm hồn lấp lánh giữa đêm đen của lịch sử. Cái chết cao thượng nhưng đầy thống khổ đó đã phần nào khắc họa được khát vọng sống của ng nông dân xưa trước Cách mạng tháng Tám. Lão Hạc tuy có số phận tăm tối bi thảm nhưng lão kết tinh đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc ta: Vị tha nhân ái, giàu lòng tự trọng, đức hy sinh, sống có tình nghĩa, xứng đáng là một tượng đài rực rỡ, cảm động về tình phụ tử thiêng liêng, về sự trường tồn của một nhân cách cao đẹp.

    Đây là một đoạn văn mình viết năm lớp 8. Hy vọng giúp ích cho các bạn.

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    Vài hình ảnh về lão Hạc. Công nhận trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy nhà văn Kim Lân vào vai lão Hạc cảm động thật.
     
    Jenny QwQVấn Thiên thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...