Cái Bóng Hình Chim Bồ Câu - Diệp Vi

Thảo luận trong 'Truyện Hay' bắt đầu bởi Diepvi2709, 8 Tháng mười hai 2019.

  1. Diepvi2709 "I found myself in my stories"

    Bài viết:
    55
    Tác phẩm: Cái Bóng Hình Chim Bồ Câu

    Tác giả: Diệp Vi

    Thể loại: Truyện ngắn, tâm lí, kịch tính

    * * *


    Nội dung: Những mảnh tâm trạng và kí đoạn số phận của một cô gái đáng thương tưởng chừng như rời rạc và chắp vá vào nhau trong truyện ngắn, khi những lòng dạ xấu xa dơ bẩn đã đẩy cô đến tận cùng của đau khổ. Liệu cô gái có thoát ra được khỏi cuộc sống địa ngục phải chịu giày vò về thể xác và tinh thần ấy, để thực sự làm một chú chim bồ câu tự do như cái bóng nến ở trên tường cô hằng khắc họa trong đêm?

    Link góp ý: [Thảo Luận - Góp Ý] - Các Tác Phẩm Của Diệp Vi

    * * *​

    [​IMG]

    ***​

    Lạnh lẽo. Ẩm ướt. Và đáng sợ.

    Trước mắt Tâm là khoảng không tối đen kìn kịt như ai vừa đưa tay cất đi ánh trăng suông vốn dĩ đã le lói.

    Màn đêm đặc quánh, càng xoáy sâu càng mịt mùng như muốn làm ngộp chết con người ta trong cái sự u ám của nó.

    Cơn mưa lách tách rỉ rê đầu tháng mười một vừa ngừng hạt. Mùi hơi đất bốc lên hừng hực trộn lẫn với mùi dầu hỏa đốt đèn càng lúc càng thêm ngột ngạt khó thở.

    Ngọn đèn dầu leo lét hằn trên bức tường nhà những hình thù quái lạ và những mảng sáng tối luân phiên nhảy nhót như vui đùa khi có cơn gió mát mẻ nào rờn rợn thổi qua gian nhà.

    Ngày đó Tâm còn thích chơi đổ bóng, những đêm cúp điện như thế này, nó vẫn hay cùng đám bạn trong xóm tụm ba tụm năm lại quanh chiếc đèn dầu, chụm tay lại cho khéo để làm thành cái bóng con chim, con chó hắt lên tường nhà. Thằng An có bàn tay to nhất, nó co hai tay lại thành một nắm, không hiểu sao có thể làm ra bóng một con cóc bà mập mạp đẹp thế, không đứa nào bắt chước được, còn con Lan có bàn tay dẻo nhất, nó làm thành bóng con chim đẹp lắm, vỗ cánh mềm mại lắm, nó bảo đó là chim bồ câu. Thuở ấy Tâm chưa nhìn thấy chim bồ câu bao giờ, nhưng thầm nghĩ chắc loài chim đó đẹp lắm, vì điệu vỗ cánh của nó sao mà uyển chuyển quá, nó muốn học đòi Lan làm chim bồ câu và hứa sẽ dạy trả lại cách để làm bóng một con chó đang sủa. Lúc đó bà ngoại Tâm hay mắng vốn, dọa dẫm mấy đứa chơi đổ bóng, tối ngủ sẽ gặp ác mộng, nhưng chơi vui là thế, có đứa nào biết sợ là cái gì.

    Còn bây giờ, Tâm chỉ muốn ngọn đèn dầu trơ trọi trên sập tủ kia tắt ngúm đi và mấy cái bóng quái đản trên bốn bức tường hãy thôi vật vờ, để bóng đêm nuốt chửng lẫn nó và căn phòng, để nó khỏi phải nhìn thấy thân thể trần trụi bầm dập của mình nữa.

    Tiếng ngáy ư ử vang lên, nó liếc nhìn, kẻ đàn ông say khướt nằm trên giường vừa trở mình một cái đánh "oạch", nó tưởng hắn ta tỉnh, nhưng không, hắn vẫn còn ngủ.

    Tiếng gầm gừ điên dại, mùi men rượu nồng nặc và bộ mặt tởm lợm của gã quẩn quanh trong đầu óc làm Tâm run rẩy, nó sợ hãi, nén nhịn cơn đau ê ẩm khắp mình mẩy, nó lết ra ngoài hiên cửa, nhìn vào bóng tối mù mịt như lòng dạ của nó bây giờ. Nó thấy những vết máu chảy dài loang lổ trên đùi nó, thấm xuống cả nền nhà.

    Đau đớn. Tủi hổ. Nhục nhã.

    Nó không dám chạy, vì nó biết chạy đi đâu.

    Nó cũng không dám khóc, vì sợ hắn ta sẽ thức giấc.

    Nó càng không dám mặc quần áo vào, vì sợ rồi sẽ bị xé đi, hai bộ đồ đẹp nhất bà ngoại may cho nó đã bị xé rách bươm.

    Nó nhớ bà ngoại lắm, ngày xưa bà còn sống, bà sẽ ôm nó vào lòng hằng đêm và kể chuyện Tấm Cám cho nó nghe, nó nghe đến thuộc lòng cả từng dấu chấm dấu phẩy rồi nhưng vẫn luôn vòi vĩnh nghe bà nó kể lại. Giọng bà ấm áp lắm, hiền từ lắm. Bà là người thương nó nhất trên đời, bà tội nghiệp nó chịu nhiều thiệt thòi vì sinh ra không có cha, mẹ cũng không thường xuyên ở bên cạnh. Bà từng hứa sẽ không bao giờ để ai ăn hiếp cháu gái của bà nhưng ông trời chẳng cho phép bà thực hiện lời hứa đó quá lâu.

    Bà mất rồi, không còn ai thương yêu săn sóc từng li từng tí cho nó nữa.

    Bầu trời đen tuyền chẳng có lấy một vì sao, nó buồn lắm, bởi nó rất thích ngắm sao, mẹ nó bảo ngôi sao sáng nhất trên trời chính là bà ngoại, nên đêm nào nó cũng ra tìm kiếm những vì tinh tú. Nó ước mình biến thành một con chim, chim bồ câu càng tốt, vì nó sẽ có được đôi cánh tự do khoáng đạt để bay đến chạm vào những vì sao lấp lánh xa xôi kia mà không bị ai ngăn cản.

    Nhưng khốn thay, tối hôm nay nó chẳng nhìn thấy gì.

    Nó cứ ngồi ở bệ cửa như vậy cho đến khi gà gáy eo óc, nó tự nhủ, sáng rồi, thoát rồi. Nó cảm thấy hạnh phúc biết bao mỗi khi trời hửng sáng. Nó yêu bình minh lắm. Vì khi trời sáng tỏ và người này có thể nhìn rõ mặt người kia thì người ta sẽ không dám làm những chuyện xấu xa nữa.

    Nó mặc áo quần vào, gã ta vẫn còn ngủ, vẫn thở phì phò ra cái mùi hôi hám, nó xách cái giỏ, cho nắm tiền vào túi áo khoác rồi đi chợ. Ra đến ngõ, nó bỗng sực nhớ lại cái trán của mình vẫn còn sưng tím nên lại lật đật chạy vào nhà lấy cái mũ rộng vành của mẹ nó đội lên, kéo sụp xuống che đi cục u.

    Ra chợ, nó cũng không buồn quanh quẩn hàng quán như mọi khi. Nó chỉ muốn mua nhanh rồi đi về và đừng có ai trông thấy dáng đi khác thường của nó hay hỏi han về mấy vết sẹo trên tay. Cô Thu bán cháo lòng hỏi sao nay đi chợ sớm vậy, nó cũng ậm ừ không trả lời. Nó ghét phải nói chuyện với bất cứ ai ngay bây giờ.

    Về đến nhà, trời đã hửng nắng, rõ là cơn mưa tối qua đã gột rửa cây cối trong vườn một trận đã đời, cái sân xi măng lỗ chỗ vết lồi vết lõm trước nhà cũng đã sạch tưng, nó chợt ngửi thấy mùi đu đủ chín thoang thoảng đâu đây, nó thở dài, giá như cơn mưa đó cũng gột rửa luôn đầu óc của nó khỏi những thứ nhơ nhớp và hương thơm của đồng nội có thể làm đầu óc nó êm dịu đi vài phần thì tốt quá.

    Hắn ta đã thức dậy, ngồi trên ghế, thân trên cởi trần, bộ lông xoăn tít gớm ghiếc giữa ngực, cái vẻ mặt dữ tợn trên đôi mắt sừng sộ và cái miệng lởm chởm râu ria xung quanh lúc nào cũng làu bàu thứ tiếng gì đó nghe không rõ trong cổ họng. Bất chợt nó ớn lạnh nhớ lại cảm giác đau rát khi bộ râu thô thiển đó chà xát trên tấm ngực non nớt của nó vào đêm qua và nỗi kinh tởm thì còn nhiều hơn sự đau đớn. Nó rợn cả da gà lên. Nó không dám nhìn thẳng vào gã, đi thẳng xuống bếp.

    - Con Tâm đâu? Đồ ăn của tao đâu?

    Cái giọng kề cà cáu bẳn như chính bản thân hắn lúc nào cũng khiến Tâm sợ sệt. Nó khúm núm đặt lên bàn tô cháo lòng còn nóng hổi lên bàn:

    - Đây.. thưa dượng..

    - Mẹ kiếp chúng mày, rặt một lũ ăn bám vô dụng.. cả hai mẹ con chúng mày.. có đứa nào nên hồn sất..

    Tâm không để lời nào lọt vào tai, hoặc là chính nó cũng không còn hơi sức để căm phẫn, nó chỉ muốn biến ngay khỏi tầm mắt của hắn ta và biến hắn ta ra khỏi đầu óc của nó.

    Nó sửa soạn mặc đồ tây vào, nó mặc áo tay dài để che đi mấy vết trầy trên khuỷu tay, cái áo mẹ mua cho nó đầu năm học mừng nó đỗ cấp ba, còn mới tinh. Mẹ ít khi mua đồ cho nó lắm, nên nó phải giữ gìn cẩn thận. Nó biết không phải mẹ nó không có tiền, nó nghĩ mẹ phải cung phụng cho lão chồng của mẹ nhiều hơn là chu cấp cho nó. Nó cũng không bao giờ đòi hỏi gì nhiều, bà ngoại đã bảo mẹ có nỗi khổ riêng, nó phải thương mẹ nhiều.

    Ừ thì nó thương mẹ nó lắm, bà Hạnh đi buôn vải trên tỉnh, hai ba tuần mới về có mấy ngày, rồi lại tất tả đi tiếp. Lần nào về mẹ cũng đi chợ với nó, nó không đòi mẹ nó sắm gì, mẹ bảo mua cho nó cái kẹp tóc, đôi giày vải, nó lắc đầu, nó chỉ đi theo để được ở bên mẹ mà thôi. Đó là những lúc nó cảm thấy bình yên nhất, từ khi bà ngoại mất.

    - Thưa dượng, con đi học..

    Hắn ta không thèm để ý đến Tâm, miệng vẫn phì phèo điếu thuốc, mắt lim dim như kẻ hút cần, ngồi trên chiếc ghế gỗ, chân vắt chéo trên mặt bàn. "Thế càng tốt..", Tâm tự nhủ và nó mang cặp sách rảo bước thẳng đến trường. Trường cấp ba cũng không xa nhà nó lắm, khoảng mười phút đi bộ, nó vừa đi vừa suy nghĩ lí do để bao biện cho cục sưng trên trán nếu bạn bè nó có hỏi và còn phải ráng nghĩ ra một cái lí do mới mẻ để bạn nó khỏi nghi ngờ rằng ngày nào nó cũng bị vấp té. Nó quyết định thôi thì cứ trùm chiếc mũ chuông lên đầu vậy.

    Ngày nào Tâm cũng đến lớp trễ nhưng thầy giáo An không bao giờ mắng nó, vì anh biết nó còn phải đi chợ từ sáng sớm trước khi đến trường. Gia cảnh của con bé không đến nỗi túng thiếu nhưng anh luôn cảm thấy ái ngại cho nó hơn bất kì đứa nào trong lớp. Đôi khi nỗi khổ về vật chất còn có mặt dễ giải quyết của nó hơn là nỗi khổ về tinh thần. Những lời biện hộ nửa vời của nó không bao giờ làm nguôi sự nghi ngờ của anh về những vết bầm dập liên tục trên người con bé. Ngót nghét hai năm được thuyên chuyển về trường huyện này, đây là lớp chủ nhiệm đầu tiên anh được giao phó. Có nghe phong thanh chút ít về hoàn cảnh nhà Tâm, nhưng anh cũng chỉ biết được những chuyện mà người khác đều biết.

    Tâm lại càng kiệm lời, nó chỉ chơi với Lan, ít ra là chỉ nói chuyện với con bé đó. Và hết. Con bé hoàn toàn không tiếp xúc với đứa con trai nào. Anh có hỏi chuyện nó vài lần nhưng nó im thin thít như phỗng, lại còn tránh né anh ra mặt, còn khi anh lần dò hỏi Lan thì con bé chỉ bảo bạn Tâm không thích nói chuyện nhiều. Rõ đã lực bất tòng tâm.

    Nhưng hôm nay thấy nó đến lớp với đôi mắt trũng sâu, vẻ mặt buồn rười rượi, lại còn trùm mũ kín đầu, anh đủ tinh ý để đoán được nó đang cố che đi một vết sẹo mới. Ray rứt khôn tả, người thầy trẻ chưa bao giờ thấy bản thân cần phải làm một điều gì đó cho học trò của mình đến như thế.

    - Hôm nay ba mẹ em có nhà không Tâm?

    Đôi mắt sâu hoắm đầy suy tư lẫn một chút nghi ngờ của nó ngước lên nhìn anh:

    - Em.. em làm gì sai ạ?

    - Không. Thầy muốn đến thăm gia đình của em thôi. Thầy đã đến nhà các bạn trong lớp hết rồi, chỉ còn em.

    - Không.. không cần đâu ạ.. – con bé thoáng bối rối.

    - Cần chứ em, thầy muốn gặp bố mẹ em trao đổi một chút.. Đầu năm họ cũng đã không đến họp phụ huynh. Nào, dẫn đường cho thầy.

    Tâm không biết từ chối làm sao nhưng rồi nó nghĩ thầy chủ nhiệm chỉ là ghé qua nhà nó một chút thôi. Lão dượng của nó sẽ biết đường hành xử, ít nhất sao cho giống ba của nó, lão ta không bao giờ dám thô lỗ trước mặt người lạ, lão ta là loại người có da mặt mỏng dí.

    Nhưng rốt cuộc nó vẫn bị bẽ mặt. Hai thầy trò vừa bước đến ngõ nhà nó đã nghe thấy tiếng ly tách vỡ choang và tiếng la lối um sùm. Tâm vừa nghe thấy tiếng mẹ nó là chạy ù vào nhà, mẹ nó đã về. Bà Hạnh đang lúi cúi quỳ trên nền nhà nhặt mấy mảnh ly vỡ vương vãi, nó gọi mẹ, bà ngẩng đầu lên nhìn nó, rồi nhỏ nhẹ bảo nó không có chuyện gì đâu. Gã đàn ông thì vẫn lớn tiếng xối xả trên đầu họ:

    - A, lại được cả con gái nữa à, con gái mày cũng giống như mày thôi, toàn một lũ ăn hại rẻ rách.. ả đàn bà lăng loàn không ra gì như mày làm gì biết nuôi con nuôi cái..

    Nó tức lắm, chửi nó thì được, còn chửi mẹ nó, nó thù. Nó đứng trân trân nhìn lão ta, lão ta thấy nó nhìn chằm chằm mình liền sừng sộ chĩa tay vào mặt nó, nghiến răng "Thứ mất dạy!" rồi toan đánh nó, nhưng ông ta đột nhiên bị giằng ra, kéo bật ngửa về sau mấy bước.

    - Ông không được ra tay đánh trẻ em! - Thầy An dõng dạc lên tiếng, giọng nói của thầy vừa ấm áp vừa mạnh mẽ khác hẳn với cái giọng dữ dằn, hung tợn của lão ta.

    - Mày là ai? Tao đang dạy vợ con tao, mày xen vào làm gì?

    - Tôi là giáo viên chủ nhiệm của em Tâm, ông có chuyện gì cứ bình tĩnh nói, không nên thượng cẳng tay hạ cẳng chân như vậy.

    Nghe đến chữ "giáo viên", lão ta đổi giọng điệu nhượng bộ ra mặt, nhưng vẫn còn hằm hè:

    - Việc nhà tôi không khiến thầy xen vào.

    Thầy An quả quyết:

    - Tâm là học trò của tôi, tôi bắt buộc phải xen vào, huống chi sử dụng bạo lực với trẻ em là vi phạm pháp luật, ông còn tiếp diễn hành vi này tôi sẽ đi báo chính quyền.

    Nhắc tới "chính quyền", lão ta lại còn sợ hơn, mặt tái mét, quay lại lườm mẹ con Tâm một cái rồi bỏ đi, không quên phun ra một câu chửi thề.

    Bà Hạnh bất ngờ trước tình huống trớ trêu này, chỉ kịp vuốt tóc tai mấy cái rồi mời thầy giáo ngồi uống nước nói chuyện. Tâm bảo mẹ nó tiếp thầy, rồi thay mẹ nhặt nhạnh mảnh chai trên sàn nhà đem vứt đi và bày biện lại đồ đạc lộn xộn trong phòng khách.

    - Thầy đừng để ý chuyện lúc nãy, lúc nào ông ấy say là lại quá trớn như vậy.. Để thầy thấy cảnh tượng thế này thật là xấu hổ quá..

    - Không, không có gì, chị ạ.. Tôi vẫn thường đến tìm hiểu gia đình của từng học sinh như vầy.

    - Vâng ạ, thầy đến đường đột, nhà chẳng có gì tiếp đãi đàng hoàng, thật ngại quá, chả hay nay thầy ghé thăm nhà tôi..

    - À, vâng, thưa chị hôm nay tôi ghé sang nhà, trước là để gặp anh chị, sau là để nói chuyện một chút về em Tâm..

    - Cháu Tâm nó làm ra lỗi phải gì hả thầy?

    - Không, em Tâm rất ngoan ạ, thực ra tôi chỉ muốn tìm hiểu vài vấn đề liên quan đến thắc mắc của mình về em Tâm.. nhưng bây giờ, thì tôi tìm ra lí do rồi thưa chị.. - giọng anh bỗng chùng đi vài phần.

    - Lí.. lí do của chuyện gì thưa thầy? – bà Hạnh sốt ruột hỏi han.

    - Thưa chị, tôi biết lâu nay người ta vẫn hay quan niệm "thương cho roi cho vọt", nhưng mà dạy dỗ con cái nghiêm khắc ở đây nó khác hoàn toàn với bạo lực chị ạ, em Tâm cũng đã lớn, tôi e..

    - Thưa thầy.. thầy nói gì tôi không hiểu ạ?

    - Vâng, thưa chị, tôi biết rất khó để thay đổi phương pháp dạy con cái nhưng gia đình nên suy xét ngay lại từ hôm nay đi ạ, không thể để ngày nào em ấy cũng đi học với vết bầm tím đầy trên người, ngày nào cũng kiếm cớ nói dối bạn bè rằng mình bị vấp ngã hoài mãi như thế này được chị ạ! Cái đó không phải là dạy con mà là bạo hành thưa chị!

    - Bầm.. bầm tím? Bạo hành? – Bà ấy lắp bắp, đuôi mắt đầy những vết chân chim của người phụ nữ hơn tứ tuần khẽ run run.

    Thầy An như thoáng nghi ngại:

    - Chị.. chị không biết ạ?

    - À không.. vâng.. vâng tôi xin thành thật nhận lỗi với thầy ạ! Chúng tôi sẽ lưu tâm đến những lời thầy căn dặn ạ! - giọng điệu bà Hạnh bỗng đổi khác, thoáng sững sờ của bà đã bị vẻ mặt trải đời che giấu. Thầy An vừa kịp để ý thấy sự biến chuyển phút chốc đó.

    - Vâng, tôi không mong gì hơn! Em Tâm là một học sinh ngoan ngoãn, thưa chị. Gia đình hãy hài lòng về em ấy ạ!

    - Vâng, thưa thầy.

    - Vậy tôi xin phép.

    Thầy An đứng dậy, kéo ghế trở lại bàn, tay xách chiếc cặp da và lòng dạ đầy những trăn trở. Anh đội chiếc mũ nồi xám lên, rồi như chợt quên điều gì, anh dỡ nó xuống lại hỏi thêm một câu:

    - Em Tâm từ trước đến nay vẫn luôn là người ít nói và khép kín như vậy ạ?

    Bà Hạnh thoáng chột dạ nhưng vẫn trả lời điềm nhiên: "Vâng thưa thầy". Lúc này anh mới ra về, không quên chào Tâm một câu.

    Cả bầu trời như tối sầm trước mặt bà Hạnh, bà cảm thấy khó thở như ai lấy đá mà chèn lên lồng ngực. Tâm đứng từ ngoài cửa đã nghe hết câu chuyện của mẹ nó với thầy chủ nhiệm, nó chẳng biết phải làm sao bây giờ, nhưng mẹ nó đã kêu nó vào ngồi bên cạnh bà.

    Bà đưa tay xoa lên cục u trên trán và vết bầm ở cánh tay của nó, bây giờ bà mới kịp thấy chúng:

    - Đau không con?

    - Hết đau rồi mẹ ạ!

    Nó luôn tự bảo bản thân đừng khóc nhưng cuối cùng thì nó cũng sụt sịt, và sau cùng thì nó òa lên như một đứa trẻ, vì vốn dĩ chính nó vẫn còn là một đứa trẻ. Mẹ nó ôm nó vào lòng, nức nở:

    - Mẹ xin lỗi.. mẹ xin lỗi con, Tâm ơi, mẹ thực sự không biết ông ta đối xử với con như vậy..

    - Không sao đâu mẹ, ông ấy, ông ấy chỉ khi say mới đánh con thôi, chắc ông ấy thấy con ngứa mắt.. nhưng con bỏ chạy nhanh lắm.. – Tâm quệt nước mắt, lấy lại bình tĩnh an ủi mẹ.

    Bà Hạnh đau đớn như ai xát muối mặn chát lên trái tim đầy vết sẹo của bà, bà chua xót nhìn đứa con gái mười mấy tuổi đầu của bà, trong mắt bà, nó chưa bao giờ là đứa ít nói cả, ngày xưa nó là đứa hòa đồng nhất trong lũ con nít xóm này, con trai con gái gì cũng ưa chơi với nó, lúc nào nó cũng hay nói chuyện tầm phào để mua vui cho bà, vậy mà.. Chao ôi, không ngờ tên chồng cay nghiệt của bà ghét bỏ bà bao nhiêu lại trút hết lên con gái của bà bấy nhiêu như vậy sao?

    - Tại sao con không kể cho mẹ nghe?

    Tâm ngước lên nhìn mẹ, nước mắt bà lăn dài trên khuôn mặt đầy rẫy những vết đồi mồi và rơi xuống mái tóc của nó thành những giọt long lanh, nó sợ nhất là thấy mẹ nó khóc, nỗi sợ này mới là thứ khiến nó im lặng đến ngày hôm nay, vượt trên những nỗi đau đớn khác.

    - Không có gì đâu mẹ, lũ bạn con cũng bị ba mẹ đánh hoài mà..

    - Nhưng ông ta không có quyền đó, lão già độc ác đó, hành hạ mình mẹ chưa đủ hay sao bây giờ còn dám đánh con. Ông ta vì ghét mẹ nên mới đánh con đó, mẹ đã vạ lây sang con. Tội nghiệp con quá! - bà hít một hơi sâu, chính trong hơi thở cũng mang nỗi cay đắng - Giá như.. giá như ngày đó mẹ đừng đi bước nữa.. - giọng bà lại run rẩy.

    "Giá như ngày đó mẹ con đừng đi bước nữa. Con sau này đừng bao giờ giống như mẹ con. Khổ lắm! Con có hiểu không?", bà ngoại nó cũng đã nói như vậy trước lúc ra đi. Nó ước gì mẹ nó đã nghe lời bà, nó đoán có lẽ bây giờ mẹ cũng đang tiếc rẻ như vậy.

    Chỉ là trên đời này không có hai chữ "giá như", bà Hạnh chính là người hiểu rõ nhất. Trong lòng bà đang rối như tơ vò và ngổn ngang những suy tính.

    * * *

    Tối hôm đó gã ta không về, chắc đã chết dí ở quán nhậu nào, thế lại càng tốt, không biết đã bao lâu rồi Tâm mới cảm thấy tự do và thoải mái trong chính căn nhà của mình. Ngày nào nó cũng phải đối diện với cặp mắt như diều hâu chết đói dính chặt trên người mình khiến nó sắp phát điên. Hôm nay nó chỉ có việc nằm dài trên đùi mẹ nó để mẹ chải tóc cho. Nó cảm thấy sung sướng và hạnh phúc biết bao!

    - Con ước gì mẹ con mình như thế này mãi..

    - Ừ.. – bà Hạnh hiền từ xoa đầu nó.

    - Nhưng mai mẹ lại phải đi tỉnh rồi.. - giọng nó buồn buồn.

    - Không, mẹ sẽ không đi buôn nữa.

    - Dạ? Thật ạ?

    - Ừ..

    Nó sướng rơn như mò thấy được vàng, thế là nó sẽ không phải xa mẹ nó nữa. Nó sẽ được ở bên mẹ và nó sẽ không còn phải sợ điều gì.

    Nhưng nó không biết rằng, cầu được ước thấy, chỉ có trong truyện cổ tích Tấm Cám.

    Sáng hôm sau, gà chưa gáy, nó đã dậy lon ton theo mẹ ra chợ, mẹ nó mua cho nó một cái mũ rộng vành màu be, có đính chùm nơ to bằng vải voan và một đôi giày bằng da mềm màu trắng, đế xuồng đi rất êm chân, nó tự hỏi sao mẹ mua nhiều đồ cho nó thế, mẹ nó chỉ bảo lâu rồi không mua quà cho con gái, nó thích quá cứ cười tủm tỉm mãi.

    Không biết bao lâu rồi nó mới lại được mẹ sửa soạn áo quần cho thế này. Bà Hạnh còn tết cho con gái cái đuôi sam dài đến nửa lưng, bà nhẹ nhàng cài lên tóc nó cái kẹp xinh xắn, bà bỗng thấy trong đôi mắt con gái bóng dáng chính mình hồi còn xuân xanh, bà ngoại Tâm hay bảo hai mẹ con giống nhau như đúc, nhưng bà không thích điều đó, bà thầm ước con bé đừng khổ như mình.

    - Thưa mẹ, con đi học!

    Bà nhìn nó chầm chậm bước ra cửa, hiền từ bảo nó:

    - Ừ, đi cẩn thận nha con, nhớ học hành cho chăm ngoan vào sau này mới sướng cái thân được con ạ.

    - Vâng ạ, con biết rồi!

    - Còn nữa, con gái lớn rồi phải biết tự chăm sóc bản thân, con gầy lắm rồi đó.. mình phải biết tự thương mình trước thì người ta mới thương mình con ạ!

    - Vâng, thưa mẹ, con biết rồi mà!

    Nó cười thật tươi rồi quay lưng bước đi, tay ôm chiếc cặp đung đưa trước ngực. Nụ cười con bé đẹp thật, trong sáng ngây thơ biết bao. Giây phút đó, bà ước gì con bé sẽ có thể tươi cười mãi như thế, nhưng rồi ngay tắp lự bà tự chua xót cho suy nghĩ của chính mình, khốn nạn thay vì con bé sẽ còn phải rơi nhiều nước mắt, vì chính như lời bà nói, bà sẽ phải thương bản thân mình hơn thương nó.

    * * *

    - Tâm, hôm nay trông em vui vẻ lên nhỉ?

    - Vâng.. – nó ngại ngùng đáp. Thầy An ngồi bên kia ghế đá, đối diện với nó. Nó biết thầy là người rất tốt, nhưng nó vẫn cảm thấy ái ngại hơn cả.

    - Có thể kể thầy nghe không? – nhà giáo trẻ cảm thấy nhẹ nhõm khi cuối cùng con bé cũng chịu nói chuyện với anh sau nửa năm học anh làm chủ nhiệm lớp nó, mặc dù anh biết giữa hai thầy trò vẫn còn một khoảng cách xa xôi.

    - Dạ? À.. mẹ em vừa về.. nên em cảm thấy vui.. – nó lúng túng trả lời, cúi gằm mặt xuống đất, lâu rồi nó không nói chuyện với ai, nhất là nó chẳng bao giờ đả động đến chuyện gia đình nó.

    - Mẹ em có thường xuyên về không?

    - Không ạ, mươi ngày mới về một lần ạ.

    - Nhà em ngoài ba mẹ ra còn ai nữa không?

    - Dạ em có bà ngoại, nhưng bà mất được gần một năm rồi ạ. – Nó thở dài, giọng điệu đã được tự nhiên, chân nó di di xuống sân xi măng những hình thù không rõ.

    - Vậy tức là thường ngày em sống với ba dượng? Ông ấy là người thế nào?

    Đột nhiên nghe đến tiếng "ba dượng" làm nó giật nảy mình, nó nhìn vội lên anh rồi lại nhìn xuống mũi chân. Nó không dám nhìn vào mắt anh. Nó sợ bị người khác thấu hết tâm tư, bà nó bảo đôi mắt người ta không biết nói dối.

    - Bình thường ạ..

    Anh duỗi chân mình ra đặt bên cạnh mũi chân nó, giọng anh như càng lúc càng trầm:

    - Ông ấy hay đánh em lắm à?

    Lần này thì nó cảm thấy chộn rộn thực sự, ngước nhìn anh thêm lần nữa, đôi mắt trước mặt nó đây đầy ắp sự hiền hòa bao dung, cho nó niềm tin tưởng đáng xúc động, nó cất tiếng nhỏ xíu:

    - Lâu lâu ạ..

    - Lâu lâu là bao lâu? Mẹ em biết hay là không biết về chuyện này? – anh cảm thấy tưng tức trong lòng, nhưng cố gắng làm cho giọng nói không bị nghiêm trọng, anh bỗng chợt cảm thấy thắc mắc nhiều điều.

    - Dạ.. không ạ. – nó trả lời lí nhí như đang thú tội, hai bàn tay đan vào nhau để trên đùi và những ngón tay cử động không ngừng, rõ con bé đang bối rối.

    - Chuyện này không thể tiếp diễn được, em có hiểu không, Tâm? Dùng bạo lực với trẻ vị thành niên là đã sai, huống chi là ba dượng với con gái.. - anh ngừng lại một chút như để suy nghĩ điều gì, rồi nói tiếp - Em đã lớn rồi, em không thể sống như vậy? Em hoàn toàn xứng đáng có một cuộc sống tốt hơn. Thay vì..

    Nhưng anh không nói tiếp và nó cũng không trả lời. Anh không đoán được nó đang nghĩ gì.

    - Em phải biết tự bảo vệ mình, bất cứ khi nào ông ta định ra tay đánh em, hãy bỏ chạy, và đến tìm thầy, hoặc bất cứ ai cũng được. Em hiểu không? Em vẫn còn có thầy, thầy sẵn sàng giúp em. Mọi người cũng vậy.

    Vai con bé run lên từng hồi, anh tưởng nó khóc, nhưng không, nó vẫn đăm chiêu nhìn xuống mặt đất, nét mặt yên tĩnh đến khó tin. Rồi nó ngẩng lên nhìn anh, ánh mắt ngập tràn bi đát khiến anh thoáng sững sờ, anh tưởng mình nói sai điều gì, nhưng anh tự ngẫm lại và đã thấy những điều mình vừa thốt ra là đúng đắn. Nhưng anh vẫn cảm thấy xúc động mạnh mẽ khi nhìn vào đôi mắt trũng sâu của Tâm.

    - Em không thể, thầy ạ.

    Tâm lắc đầu đáp, anh tưởng mình hoa mắt nhưng quả thật trong phút chốc, anh đã thấy con bé già dặn đi gần mấy năm tuổi qua một cái cười buồn, lòng bàn tay anh toát đầy mồ hôi, miệng lưỡi anh đắng nghét.

    - Tại sao? Tại sao vậy Tâm? Thầy vẫn không hiểu em đang cam chịu vì điều gì, Tâm à? Thậm chí ông ta còn chẳng phải cha ruột của em..

    - Vâng, em biết rồi, thưa thầy.

    Con bé cắt ngang lời anh, nói một câu như lạc đề, quả quyết đứng dậy, người nó như sắp đổ xuống nhưng rồi nó vẫn đứng vững:

    - Em cám ơn thầy vì đã quan tâm đến em. Em xin phép.

    Anh bất lực nhìn nó, định gọi lại nhưng mọi lời muốn nói như đã trượt vào lại cổ họng, bối rối và sững sờ, anh nhìn nó bước đi, trong cô độc và lặng lẽ.

    Về đến nhà đã là giữa trưa, nó cảm thấy mệt mỏi vô cùng, nhưng nghĩ sắp được ở bên mẹ, nó phấn chấn hẳn lên. Nó không muốn để mẹ thấy nó đang buồn.

    Nhưng căn nhà trống trơn hoàn toàn không có một ai, nó chạy từ dưới bếp ra đến trước sân cũng không thấy mẹ nó đâu. Nó tự nhủ lòng rằng chắc mẹ nó đã đi quanh quanh đâu đây thôi nhưng lòng dạ nó lại hét toáng lên vì nó thấy túi xách và đồ đạc của mẹ nó đã không còn thấy ở trong nhà. Bất an, hoảng loạn, nó chạy ra trước ngõ đứng ngóng, nhưng chỉ thấy lão dượng xiêu vẹo nhếch nhác bước vào, thân thể lão đầy rẫy mùi men rượu nồng nặc. Thường ngày, thấy lão ta Tâm chỉ muốn cút mắt cho xa, nhưng bây giờ nỗi lo lắng đang trương phình trong đầu làm nó quên đi nỗi sợ hằng thường trực, nó đánh bạo hỏi ông ta:

    - Mẹ con đâu?

    Hắn trừng mắt lên với Tâm, nhưng Tâm đã như không còn biết sợ. Nó gần như hét lên với hắn ta:

    - Mẹ đâu?

    Hắn ta nghiến răng gầm gừ:

    - Con mẹ mày bỏ đi rồi, mẹ kiếp cái con chó cái đó, nó dám bỏ đi thật..

    - Ông nói láo, mẹ đã bảo ở nhà với tôi rồi!

    - Có điên mới tin lời con điếm đó, tao bảo mẹ mày bỏ đi rồi, nó bỏ mày, bỏ tao đi theo trai rồi, đi luôn rồi, mày có nghe không? Nghe không hử?

    Không, không thể nào, mẹ đã bảo ở nhà với nó rồi cơ mà. Nó mặc kệ lão ta đứng đó, chạy thẳng ra bến xe đò mẹ vẫn hay bắt xe lên tỉnh. Nó dò hỏi ông phu xe về mẹ nó, ông ta đã gật đầu xác nhận mẹ nó đã lên chuyến xe cách đây ba tiếng đồng hồ, xách theo rất nhiều đồ đạc.

    * * *

    Trời giữa trưa, một trưa tháng mười một và bầu trời như cao thêm mấy tầng, con đường đất đỏ không có lấy một bóng người, chỉ có tiếng chim chóc kêu lanh lảnh trong lùm cây cao chót vót, bầu trời đầy mây xám ngòm và gió nam khẽ thổi qua da thịt nhồn nhột.

    Con bé cứ thẩn thờ ngồi đó nhìn về phía con đường lên tỉnh lị, chốc chốc có người đi qua đi lại thầm hỏi con bé đang đợi trông ai. Và có lẽ chính Tâm cũng không biết mình đang trông đợi điều gì.

    Chờ mẹ của nó ư? Nó cũng không biết có phải nó đang chờ đợi người đàn bà đó không.

    Bà ấy đã bỏ nó mà đi, vậy nó còn mong ngóng điều gì?

    Nó cảm giác như đứa trẻ con vừa được cho một cây kẹo ngon, chưa kịp ăn thì đã bị giựt lấy rồi quăng xuống đất.

    Nó cảm thấy mất mát, hơn là đau đớn. Vì nó đã không khóc, nó nghĩ không khóc tức là không đau lòng.

    Nó cảm thấy thất vọng hơn là giận dỗi. Nó mừng vì như vậy. Ngày trước bà nó qua đời, nó giận bà nó lắm, vì bà bỏ nó mà đi, nhưng ngày nào nó cũng nhớ bà nó khắc khoải. Còn lần này, nó còn chẳng cảm thấy tức giận mẹ nó một chút nào, nó đoán nó sẽ quên mẹ nó mau thôi.

    "Tách.. tách..", mưa rơi, buồn bã và u ám. Những hạt mưa nặng nề rơi xuống trên tóc nó, trên má và trên áo quần. Nó nghĩ nó sẽ tìm một chỗ để trú mưa, nhưng rồi nó vẫn ngồi đó. Nó còn chẳng cảm thấy lạnh. Nó thấy khoan khoái là đằng khác. Nước tuôn xuống trên đầu, trên mặt, trên thân thể nó, chưa bao giờ nó muốn tắm mưa như thế.

    Nó bỗng nghe thấy tiếng bà nó trong làn mưa mù mịt:

    - Đừng ham chơi mà tắm mưa, ốm hết cả lũ bây giờ.

    Và nó cũng nghe thấy tiếng của chính mình:

    - Cho cháu chơi một chút thôi, bà ơi, nước mưa mát lắm!

    - Ốm chết đấy Tâm ạ!

    - Để cháu lấy xô ra hứng nước mưa cho bà nhé! Mai khỏi đi gánh bà ạ.

    - Con bé này được mỗi cái khôn lỏi.. - và bà cười khà khà, giọng bà cười nghe phúc hậu lắm, nó yêu giọng cười của bà nó làm sao.

    Và nó ước gì mình hòa vào cơn mưa làm một, trở thành những hạt mưa bé li ti, rơi xuống đất rồi hóa thành hư không, chấm hết.

    * * *​

    [​IMG]

    * * *​

    Tối muộn, trời đã đen thui không nhìn rõ mặt người, nhưng mưa vẫn chưa ngớt. Nó cứ rả rích rả rích, cứ ồ ồ trên mái tôn, cứ rào rào ngoài sân cửa, như góp vui một cách không ăn nhập vào điệu nhạc buồn thảm của lòng người. Lâu lâu sấm lại đánh âm ỉ, trời lại chớp nháy một phát sáng rực cả không gian vốn dĩ không cần sáng tỏ làm gì.

    Lết thết về đến cửa nhà như kẻ không hồn, nó đã ướt như chuột lột, tóc tai bết dính lên cả mặt, bộ đồ trắng mỏng tanh dính chặt vào thân thể gầy gò của nó, bộ dạng đó lại khiến cho những tâm địa xấu xa dơ bẩn rạo rực.

    Nào có phải lỗi của nó cho cam? Lỗi tại con ma men? Lỗi tại cái bản ngã mê muội dục vọng của một tên đàn ông vũ phu bị vợ bỏ quá lớn? Hay lỗi tại cái lương tâm thối nát mục rữa của gã cha dượng đang đứng trước con gái riêng của vợ mình?

    Con bé giãy giụa, bỏ chạy, kêu la nhưng chính trời cao cũng nhắm tịt mắt, mưa càng ngày càng to, nuốt chửng tiếng kêu la thảm thiết của một mảnh đời khốn nạn vào màn đêm hỗn loạn.

    Hắn ta hung ác như một con thú dữ, cặp mắt long lên sòng sọc, vằn những tia máu đỏ hoe, bộ mặt gớm guốc và bàn tay thô lỗ nhớm nháp của hắn khiến nó sợ quắp người. Nó cào cấu chừng nào thì cũng nhận lại ngần ấy cái tát nổ đom đóm mắt, tay chân nó đầy những vết trầy và bầm tím, máu dính ra cả chiếc chiếu và bộ đồ tây đã của nó đã rách nát tự bao giờ.

    Nó muốn chết quách đi.

    Nó nghĩ tại sao nó không chết đi từ lâu rồi?

    Nó nhớ lại những lần trước nó đã nghe thấy tiếng gã gào lên trong cơn cuồng dã:

    - Mày dám mở miệng ra với bất cứ ai? Tao sẽ giết cả mày và con mẹ mày. Tao sẽ không để cho mẹ con mày sống yên.

    Nó chết thì khỏe quá, nhưng còn mẹ nó. Nó sợ hắn ta làm hại mẹ nó.

    Nó đã thấy hắn ta đánh mẹ, mẹ van xin lạy lục dưới chân hắn, tóc tai rũ rượi, áo quần rách rưới, mặt mũi sưng húp. Vẻ khổ sở đó của mẹ nó có lẽ cả đời này nó không bao giờ quên được.

    Nó sợ mẹ nó bị đánh đập, bị hành hạ.

    Và nó cũng sợ nhục nhã.

    Nó sợ hàng xóm láng giềng sẽ xì xào bàn tán, thậm chỉ sỉ nhục sau lưng nó.

    Nó sợ bạn bè sẽ xa lánh, hắt hủi nó.

    Nó sợ thầy giáo sẽ nhìn nó với một con mắt khác.

    Nó sợ cả mẹ nó và nó sẽ thành tâm điểm cho người ta sỉ vả, chỉ trỏ.

    Cho nên nó đã im lặng, cam chịu. Nó nghĩ thế sẽ tốt hơn, nhưng tốt hơn cho ai? Đến cả cái chết cũng xa vời với nó.

    Nhưng lần này thì tâm hồn nó đã hoàn toàn kiệt sức, thân thể rũ rượi, đau đớn, nó thầm nghĩ bây giờ thì nó chết được rồi.

    Bởi vì nó không còn mẹ, không còn người thân, không còn phải suy nghĩ cho bất cứ ai. Lần đầu tiên trong đời, nó biết được cảm giác không vướng bận là gì.

    Nó thầm mừng rỡ trong chính bể đau khổ.

    * * *

    Mưa vẫn rơi tí tách ngoài trời, những giọt mưa thi nhau va lộp độp xuống mái tôn tạo thành tiếng nhạc rộn rã đơn điệu bất đắc dĩ, không đoán nổi đó là tiếng ca thán sầu não hay tiếng cười giễu cợt chua cay.

    Gian nhà tối om như mực, lâu lâu lại sáng rực lên nhờ ánh chớp từ bên ngoài đổ xuống.

    Tâm lết thân xác rã rời của nó mò mẫm trong bóng tối một hồi cũng thắp được ngọn đèn dầu hắt hiu. Nó ngồi bên mạn cửa, tựa vào một góc bản lề, nó đặt cây đèn bên cạnh nó, nó đậy ngọn lửa bằng cái chụp đèn kẻo gió thổi tắt đi, vệt sáng rọi lên khuôn mặt u buồn và thân thể thảm thương của nó.

    Nó nhìn ra bầu trời, chỉ toàn một màu đen kịt, nhưng nó vẫn nhìn rõ cảnh vật, bởi vì khi ta đã quen với bóng tối, ta có thể thấy được hết những sự vật xuyên qua nó.

    Nó tự hỏi nó đã gây ra tội tình gì để phải khổ sở như thế này.

    Nhiều lúc nó rất muốn trời đất hãy cứ tối sầm như vậy và chôn vùi nó vào cái hố vĩnh cửu nào đó đi. Cuộc đời đừng sáng bừng làm gì nữa khi mà rốt cuộc cũng vẫn tối thui như bưng thế này. Nó sẽ không cần phải che giấu sự đau khổ của mình trước mặt ai và không cần phải nói dối để giấu giếm cái thân tàn ma dại này để làm gì vì ngày nào nó cũng sẽ vẫn bầm dập như thế.

    Hoặc có một ngày nó sẽ đủ can đảm để bóp chết bản thân hoặc nó sẽ chới với trong cái bể này mãi mãi như vậy.

    Nghĩ đến đó làm nó đủ đau đớn

    Nó không muốn nghĩ nữa, bóng đêm đặc xịt làm nó ngộp thở.

    Nó quay mặt vào trong, ánh lửa bập bùng mời mọc lòng dạ đang rối bời của nó.

    Nó đưa bàn tay khẳng khiu của nó ra trước ngọn đèn, cái bóng to lớn in trên vách, nó ngọ nguậy khẽ những ngón tay, cái bóng cũng rung rinh theo.

    Nó như thấy lòng nó mềm nhũn, nó chụm hai cổ tay trái và phải của nó lại, kề hai ngón cái sát vào nhau, xòe những ngón còn lại ra. Và nó thấy con chim bồ câu trên tường.

    Lớn lên nó đã nhìn thấy chim bồ câu trông như thế nào, và dù là hồi còn ấu thơ hay đã lúc đã lớn, nó vẫn nhận định khăng khăng chim bồ câu là loài chim đẹp nhất. Nó không thấy loài nào tự do tự tại hơn chim bồ câu, chúng không cần bầy đàn, chúng bay đi khắp mọi nơi và sà xuống bất cứ đâu chúng muốn, người ta sẽ sẵn sàng cho chúng ăn và chúng sẽ cảm ơn bằng cách gõ mỏ vào bàn tay hoặc mũi giày họ.

    Cái bóng lại chuyển động trên tường, nó tưởng như đang thấy cái bóng con cóc bà to mập và con chó đang sủa hăng say bên cạnh nó nữa, nó thấy thật ấu trĩ nhưng nó nhớ con Lan, nhớ thằng An, nhớ đám bạn của nó. Bao lâu rồi chúng nó không nói chuyện với nhau, không sang nhà nhau chơi, tự Tâm đã xa lánh chúng. Nào Tâm có muốn như vậy, nhưng nó sợ càng gần gũi chúng sẽ càng dễ phát hiện bí mật nhơ nhớp của nó, chính nó đã khiến bản thân cô đơn.

    Con chim lại vỗ cánh và những khoảng đen trắng trên tường lại dịch chuyển, Tâm chợt nhớ đến bà ngoại, nếu bà có ở đây bà sẽ mắng nó không được chơi cái trò dở hơi ấy nữa, thay vào đó bà sẽ lại kể chuyện Tấm Cám cho nó nghe.

    "Thị ơi, thị ơi, thị rơi bị bà

    Bà để bà ngửi chứ bà không ăn."

    Nó chợt thoáng nghe thấy giọng bà nó, ngày xưa lúc nào nó cũng hỏi tại sao Tấm lại gặp được toàn người tốt bụng cứu giúp, nó cũng hay khóc nhưng sao nó chẳng gặp được Bụt. Bà nó mới bảo, cuộc đời thật sự thì không có ông Bụt và nếu nó là một đứa trẻ mạnh mẽ thì nó cũng không cần đến ông Bụt làm gì, nó sẽ phải tự cứu giúp lấy bản thân mình như Tấm đã tự hóa thân thành quả thị mới gặp được bà lão tốt bụng vậy.

    Cái bóng chim lại vỗ mềm mại qua những kẽ ánh sáng tay nó, và nó ước gì mình thật sự sẽ bay đi.

    Tiếng thở phì phò làm nó giật nảy mình, nhưng nó tự trấn an rằng hắn đã chết giấc.

    Bỗng nhiên nó cảm thấy sợ, chưa bao giờ nó cảm thấy sợ hãi đến thế.

    Nó sợ hắn ta tỉnh dậy, nó sợ nhìn vào khuôn mặt gớm ghiếc đó.

    Nó sợ ngày mai, ngày mốt và ngày kia nữa cũng sẽ giống hôm nay.

    Nó tưởng nó đã không còn sợ sệt nhưng hóa ra nó vẫn cảm thấy kinh hãi.

    Ngọn lửa sặc mùi dầu vẫn cháy leo lét, đổ bên này ngả bên kia, như đang thầm thì với nó điều gì.

    Nó bất giác ghé tai lại. Và nó nghe thấy tiếng bà nó:

    - Con sau này đừng bao giờ giống như mẹ con. Khổ lắm! Con có hiểu không?

    Nó gật đầu, nó hiểu, nhưng nó không biết phải làm sao cả. Nó muốn trả lời bà nó nhưng chưa kịp thì đã nghe thấy tiếng mẹ nó âm trầm phát ra từ ngọn lửa vàng vọt đang nhảy múa:

    - Mình phải biết tự thương mình trước thì người ta mới thương mình con ạ!

    Nó sững sờ, nó chột dạ, nó thương bản thân nó lắm chứ, nó đâu có muốn bị hành hạ, bị dày vò như thế này. Và nó nghe thấy giọng nói ôn tồn của thầy An, nhiều lúc nó ước thầy là cha nó, vì theo lý, cha nó sẽ là người phải hiền từ điềm đạm như thầy:

    - Em đã lớn rồi, em không thể sống như vậy? Em hoàn toàn xứng đáng có một cuộc sống tốt hơn..

    Đúng vậy, nó rất muốn hưởng một cuộc sống tốt hơn thế này.

    Nó không thể sống như thế này được nữa.

    Nó sẽ là một cánh chim bồ câu thực sự.

    * * *

    Khẽ khàng, lặng lẽ và dứt khoát.

    Nó bước chân qua khỏi ngưỡng cửa thân thuộc, ngọn đèn dầu đã tắt lịm trả lại cảnh tối om cho gian nhà vốn dĩ đã không có ánh sáng, không còn cái bóng nào trên tường.

    Ngoài trời rõ như ban ngày.

    Mưa đã nhẹ hạt nhưng vẫn còn lác đác, có thể nghe thấy rõ mồn một tiếng róc rách của nước chảy trên mái nhà, nó sẽ che giấu bước chân khập khiễng và vội vã của Tâm. Gió đêm làm da thịt nó ớn lạnh.

    Nó không cần ngoái lại, nó sẽ đi thẳng. Chớp nháy đánh rực trong không gian làm sáng rọi khuôn mặt đang tái xanh đi của nó, có thể vì căng thẳng, cũng có thể vì sợ hãi.

    Nó tự thấy tim mình đang run lên từng hồi, nhưng bước chân của nó thì càng lúc càng nhanh dần, và rồi nó chạy, chạy trối chết, những giọt mưa tạt thẳng vào mắt, vào mũi nó choáng váng, những vết thương bị ngấm nước lạnh buốt và đau rát, chân tay rệu rã như sắp rụng ra, nhưng nó mặc kệ, nó cứ đâm đầu chạy thẳng, chạy mãi.

    Vì nó biết mình sẽ chạy đi đâu.

    Và rồi nó đã chợt thấy bóng dáng ai đó đang xuất hiện.

    Và nó đã nhận ra cái bóng hình chim bồ câu.

    Nó mỉm cười. Nó sẽ được cứu.

    ***

    Hết​
     
    Last edited by a moderator: 5 Tháng ba 2021
  2. Đăng ký Binance
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...