CÁI ÁO DUYÊN Tác giả: VANVO55 Thể loại: Ngôn tình, nhẹ nhàng, HE, thôn quê Việt Nam Nguồn: Wattpad Tóm tắt: Gái Ế được Cậu Cả rước về làm lẽ, hết ế. Mấy nay tui bị bài Tát Nước Đầu Đình của Lynk Lee ám, nghe tới nghe lui ngày đêm làm em tui phát quạu. Nhưng mà quả thật tui có điểm yếu chí mạng với thể loại dân ca đương đại này. Bài này nghe version của Anh Đức và Hòa Minzy hát và diễn tự nhiên làm tui thấy vui vui, cứ như sắp đón Tết ý, hứng thú hơn, yêu đời hơn.. Nói chung cũng chả biết nó chạm trúng cọng dây nào nữa, haha.. :D Túm lại là, trước khi hứng thú lụi tàn, tui nhân cơ hội viết lun một truyện rất nhẹ nhàng, rất sến, mô tuýp rất cũ. Cơ mà hy vọng đọc xong ai cũng mỉm cười 1 mình giống bà tác giả khùng khùng. :D * * * Bối cảnh là thôn quê miền Bắc, mà tui hong phải người Bắc, nếu có gì sai sai thì nhớ hú để tui sửa nghen. P/s: Đây là một trong những truyện ngôn tình VN hiếm hoi mà mình cảm thấy hay không kém gì truyện TQ cả. Truyện 3s, hài hước, nhẹ nhàng tình cảm, và có phong cách rất VN nhưng vẫn bao hay nhé.. Quan trọng nhất là đây là truyện của VANVO55 (Faithrair) nên tất nhiên là phải đọc rồi, đáng tiếc là chị ấy toàn truyện siêu hay mà chưa hoàn thôi, với lại không cho re-up ở nơi khác.. mình xin re-up được mỗi bộ này cũng rất hay nhưng hơi ngắn.
Cái Áo Duyên - Thượng Câu chuyện của tôi cũng bắt đầu như biết bao đứa con gái làng này. Từ lúc ra đời cho đến khi chập chững bước đi, tôi vẫn là gái út ngoan hiền được thầy cưng, mẹ mến. Cuộc sống cứ êm ấm trải qua cho đến khi tôi lên năm, sáng ra đi tắm sông cùng thằng Lĩnh xóm trên, chiều về khóc nức nở báo người nhà nó đã chết đuối. Một tháng sau, thầy mẹ dắt tôi đi chùa, bị một thầy tu chỉ mặt bảo rằng, số tôi là số khắc phu, đàn ông không thuộc huyết thống mà dám đến gần đừng mong toàn mạng! Chuyện sau đó, cứ theo cái nếp có sẵn trước giờ mà thành. Đến lúc ba đứa con gái chớm tuổi cập kê, thầy mẹ tôi đêm nào cũng chống tay suy nghĩ. Một ngày, thầy tôi gặt lúa về nhà, ngang qua xóm dưới nghe trai gái chỗ này hát: “Hỡi cô gánh nước quang mây Cho anh gáo nước tưới cây ngô đồng…” Vậy là, chị cả nhà tôi sau đó được phân đi gánh nước. Mẹ tôi ra chợ lùa đám vịt về lại nghe câu: “Cô kia cắt cỏ một mình Cho anh cắt với chung tình làm đôi…” Chị ba nhà tôi sau đó liền bị bà lùa đi cắt cỏ. Đến tôi, ông bà liền phân cho việc chăn trâu. Mãi sau này khi tóc đã cháy vàng vì nắng, da đen nhẻm vì bùn, một ngày soi mình xuống ao sen, tôi mới nhận ra dụng ý của hai đấng sinh thành. Thầy mẹ muốn đào tạo tôi thành Gái Ế. Vậy là, Gái Ế tôi đây cứ im lìm mà sống. Con trai chị cả đã cao đến ngực, bụng chị ba đã đụng đến cằm, tôi vẫn còn chễm chệ trên lưng trâu. Đến lúc anh hai nhà tôi phải lên kinh thi cử, nhà phải bán cả con trâu, thức ăn trên bàn chỉ còn một đĩa dưa cà và bát mắm tôm, tôi mới thoát số cày bừa ngoài ruộng. Không còn phải ra đồng, tôi chuyển sang tự học khâu vá. Mẹ tôi cầm lấy cái quần rách tôi khâu lại cho bà bán cá đầu làng cùng vài phân bạc cắc, nước mắt bỗng chảy, bảo rằng bà thật có tội với tôi. Kể từ đó, cả nhà sống nhờ vào việc khâu vá của tôi. Tuy ngày nào cũng có người mang đồ sang nhờ vả, tiền thu về rủng rẻng vui tai, mỗi lần cô cả và cậu hai nhà ông bá đến thu tiền nhà, thầy tôi vẫn phải khoanh tay cúi đầu xin khất nợ. Từ hiên cửa nhìn ra dáng vẻ cao ngạo của những con người võng lọng cao sang kia, tôi căm lắm. Nhưng thầy tôi đã dạy sống ở trên đời phải biết sợ thế sợ quyền, kẻo không có ngày như con gà trống ở nhà, bị thiến lúc nào chẳng biết. Tôi nghe lời, đi đường cứ thấy người nằm võng là cúi đầu lùi sang một bên nhường lối, ăn cỗ hội đình cứ thấy kẻ chiếu trên vươn vai là phải biết tự động lui ra. Nhờ thế mà đến nay vẫn chưa động chạm tới ông cả bà lớn nào, dẫu rằng đám trai làng thường cười giễu tôi rằng: “Đi đường chớ có ngẩn đầu Gặp người sang cả tưởng đâu trâu nhà!” Ấy vậy mà từ nhỏ đến lớn, tôi đi đường gặp cậu hai nhà bá Phủ đã hơn ngàn lượt, đã có bao giờ bị cậu ấy nhầm là trâu mà dắt về nhà đâu? Chỉ có một lần vô tình thấy nước rỉ xuống đường từ võng của cậu, tôi mới trố mắt nhìn rồi buột miệng thốt lên hai chữ “tè, dầm.” Cậu hai liền cho người hầu tát tôi hai cái, đoạn tiếp tục để tôi tớ khênh võng đi. Ôm hai má sưng húp về nhà mách thầy, thầy mới thở dài nói tôi biết, là cậu hai nhảy suống ao cứu con gái của ông huyện mà ra, người ngợm mới ướt sũng như vậy, nào có phải là cái lý do tôi dại dột la làng. Ăn hai cái tát, âu cũng đáng. Mùa đông năm đó, anh hai thi rớt trở về nhà, thầy mẹ rầu lắm, song lại tiếp tục tích cóp để ba năm sau anh lại được lên kinh. Tôi trông anh mình nén đau để tiếp tục dùi mài, lòng thấy thương xót, bèn học thêm thêu thùa để làm yếm đem ra đình bán. Thầy thấy tôi đêm đến còn lục đục kim chỉ, bèn chong cho tôi cái đèn dầu bên hiên cửa. Tôi quý thầy tôi chuyện này lắm, vì tôi biết, nhà mình đến cả dầu cũng sắp không mua nổi nữa rồi. Thỉnh thoảng, nhìn thấy võng lọng của cậu hai Phủ và cô ba nhà huyện nha đi xem hát về ngang qua nhà, tôi tự nhiên thấy tủi thân cho cái phận cô lẻ của mình ghê gớm, bất giác thầm than, đến chiếc đũa cũng còn có đôi… Sau đó, nhắc đến đũa tự động thấy đói, liền vào bảo mẹ dọn cơm. No rồi, lại quay sang thở dài sườn sượt. Mẹ hỏi tôi làm sao, tôi thật thà kể cho bà nghe đầu đuôi sự việc. Vốn là, để bớt hao phí dầu chong đèn, những đêm trăng sáng tôi thường lẻn thầy mẹ ra ao sen, nương nhờ ánh trăng mà khâu vá. Có ngày vớt được cái áo cũ rách vướng vào lá sen. Thương tình, tôi đem về giặt sạch, tối đến chong đèn khâu lại chỗ sứt chỉ đường tà, mỗi ngày khâu một ít. Lâu dần, tôi sinh cảm tình với chiếc áo. Vai rộng thế này, tay dài thế kia. Người đàn ông này, dễ dàng có thể che chở tôi cả đời. Ôm mối tình si, tôi bắt đầu ra ao sen ngóng, chỉ mong bắt được cái bóng của người trong mộng. Thế rồi ngày nọ, một xác chết trôi lõa lồ trồi lên… Tôi vẫn không bỏ cuộc, tiếp tục noi gương trâu bò ra ao ngóng đợi. Cuối cùng, trời chẳng phụ lòng, đêm đó tôi ngủ quên bên ao, sáng ra trông thấy một tấm lưng rộng đang tát nước. Tôi dùng mắt ướm thử mấy lần, quả đúng là kích cỡ của cái áo nọ, không sai! Mẹ tôi nghe xong, thở dài, bảo thầy tôi từ đó cấm tôi sáng sớm mò ra ao nhìn đàn ông không mặc áo. Buồn bã mấy ngày, tôi lại vực dậy tinh thần, bắt chước các chị tôi ngày trước thêu một đôi bướm lên góc áo tình lang, chờ dịp đi ngang lén nhét áo vào cái nát của chàng trai nọ. Vài hôm sau, anh ta nhờ con nít trong nhà chạy sang hẹn tôi ra gốc đa đầu làng. Tôi thẹn thùng đến chỗ hẹn, nhìn thấy anh ta mặt đỏ như gấc im lặng cúi đầu mà lòng nhộn nhạo đủ điều. Đàn ông đàn ang mà hay xấu hổ như thế, mẹ tôi thường bảo rất dễ bén duyên…! Mãi cho đến chiều, cả hai cũng chẳng nói được câu gì, gật đầu chào nhau rồi ai về nhà nấy. Hôm sau mới biết, ra là chàng trai ấy bị câm. Gái Ế tôi đây cũng chẳng làm ra chuyện trời đánh thánh đâm mà bỏ rơi người ta. Tôi dẫu gì đã mang danh sao chổi, làm gì có tư cách chê bai người. Thế nên từ đó cũng nhờ đứa trẻ nhà bên thư từ qua lại cùng chàng câm đầu xóm, lòng thầm mong ước về một đám cưới linh đình đầu xuân năm sau… Cơ mà, mùa xuân năm đó trải qua, ngoài hai cái đám ma và ba cái đám giỗ, cũng chẳng có sự lạ gì xuất hiện. Tôi lẽ ra phải rầu rĩ vô cùng, song lại nghe tin cậu hai nhà bá Phủ bị thầy bói phán cho cái tội khắc thê, hôm lễ vấn danh suýt đã khiến con gái nhà quan huyện bệnh chết, tự nhiên mọi đau buồn đều bị cuốn sạch. Hà, xem chừng trời cao vì thương xót phận ế chồng là tôi đây, đã ban cho tôi khả năng lây nhiễm. Tôi rốt cục đã lây cái số ế sang cậu hai đáng ghét nhà đó rồi! Vui vẻ sung sướng vì người gặp nạn chưa được bao lâu, trời cao đã nhếch miệng cười đểu, khoan thai giáng tai họa xuống đầu. Nhà bá hộ Phủ cho người sang dạm hỏi tôi về làm vợ lẽ cho con trai quý hóa của họ. Sính lễ không có, chỉ duy nhất cái tráp gỗ chứa một thỏi vàng và ba quan lẻ. Nghĩ đến con trai phải lên kinh ứng thí, thầy tôi ngậm ngùi cúi đầu nhận lấy, mẹ tôi từ trong nhìn ra bịt miệng khóc òa. Mãi sau này tôi mới biết, lý do có ba quan lẻ là do người ta khinh rẻ tôi, muốn tôi dù bước vào nhà cũng phải suốt đời an phận làm lẽ. Đêm đó, mẹ gọi tôi đến bên giường, cho tôi một gối nhỏ màu đỏ ghim bảy cây kim, bảo rằng bà biết cả đời tôi sẽ không có cơ hội dùng đến vật này, nhưng bà vẫn cho tôi vì bà cũng chẳng còn gì đáng giá trên người để làm của hồi môn nữa… Hôm sau sự việc truyền ra, trai gái trong làng đều nhìn tôi rồi che miệng cười. Chúng hát nghêu ngao: “Số em ế chỏng ế chơ Khiến cho Nguyệt Lão chỉ tơ chẳng màng Trời thương cho tấm tình lang Ba quan phận lẽ đeo mang chồng hờ.” Nghe bọn chúng còn nói, cậu hai nhà bá Phủ khi nghe thầy bói phán phải lấy đứa con gái mang phận khắc phu mới có thể hóa giải số kiếp, đã tức giận đến nỗi té từ trên võng điều xuống. Vốn dĩ cả cái vùng này ai chẳng hay cậu hai và cô ba nhà quan huyện tâm đầu ý hợp, sớm đã tính chuyện trầu cau, chỉ còn chờ ngày rước dâu qua đình. Nào ngờ ngoảnh đi ngoảnh lại, cuối cùng lại phải rinh một con trâu về nhà. Cậu hai không tức giận mới lạ. Có lẽ thấy cậu hai như vậy, sợ con mình càng mất mặt hơn vì sắp phải lấy đứa con gái xui rủi nhất làng, bà bá Phủ mới lệnh bà mai làm cho đám cưới càng nhỏ càng tốt. Tốt nhất là hóa ra không! Không tam thư lục lễ, chẳng cỗ tiệc thết đãi dân làng đã đành; đến cả tiền cheo, tiền cưới cũng mặc cho nhà gái tự đem lên đình mà nộp. Tất cả đều nhằm mục đích nói cho thiên hạ hay, nhà bá Phủ chẳng qua là bất đắc dĩ mà thôi! Đêm đến, thằng bé nhà bên chạy đến đưa trả tôi cái áo cũ sờn có thêu hình đôi bướm. Tôi lại ngồi bên hiên cửa, chong đèn sáng trưng cả một gian mà khóc. Khóc vì tiếc thương, khóc vì tủi hổ. Tiếc thương cho mối tình chưa chớm đã tàn giữa tôi và chàng câm đầu làng, tủi hổ vì phận hèn nên chẳng thể bình thường mà xuất giá như con gái nhà người ta, khiến cho thầy mẹ sau này ra đường chỉ còn nước úp gầu lên mặt. Tôi buồn, buồn lắm, khóc đến váng đầu hoa mắt rồi ngủ lịm đi lúc nào chẳng hay. Sáng tỉnh dậy, đã thấy trước hiên có năm thúng xôi vò, ba con lợn béo, hai tráp trầu cao, hai mâm hoa quả, một vò rượu tăm, một đôi chiếu hoa, một cặp chăn gấm long phụng và cặp hoa tai bằng vàng ròng. Dân làng chỉ trỏ rồi đến chúc mừng nhà gái nhận được sính lễ hậu hĩnh, chứng tỏ con gái nuôi dạy ra rất được lòng nhà trai. Thầy mẹ tôi ra cửa cúi đầu đáp tạ, riêng tôi đứng lặng một góc ôm chặt lấy cái áo trong lòng. Chắc chắn, chắc chắn là chàng câm của tôi. Nhờ đó, vài hôm sau khi phải về nhà chồng, dù không võng lọng cao sang, chẳng tiệc tùng rình rang, người ta cũng không nhìn thầy mẹ tôi với cặp mắt rẻ khinh nữa. Là phận lẽ, tôi bước chân qua bậu cửa nhà bá Phủ mà không chậu nước quan tiền, chẳng trầu cau têm cánh phụng, chỉ có vài người hầu mặt khó đăm đăm vội vàng đưa tôi đến từ đường vái lạy bàn thờ tổ tiên coi như thành lễ, đoạn bị đẩy về một phòng nhỏ ở cách gian chính mấy cái hành lang. Đêm đến, tôi ngủ một mình, trong mộng mị dường như đã ngửi ra mùi sen thoang thoảng. Sáng tỉnh dậy, tôi sửa sang váy yếm chỉnh tề rồi đi vái chào thầy mẹ của chồng mình. Ông bá nhìn tôi rồi chỉ thở dài. Bà bá, mặt khác, lại cứ nhíu mày như có điều chẳng ưng ý. Tôi nghĩ mãi không hiểu, ngoài xấu xí và số xui đeo bám ra, tôi có cái gì đáng làm người ta chán ghét như vậy? Đến hôm thứ ba, cậu hai đột ngột xuất hiện ở phòng tôi. Cậu thảy cho tôi cái áo gấm rồi bảo mặc vào, cậu dẫn tôi về nhà lại mặt. Tôi vâng dạ nghe theo, không dám hỏi nhiều. Trước khi xuất giá ít nhiều mẹ tôi đã dạy: “Đàn ông giống chó ngoài đường, Chữ ‘vâng’ chữ ‘dạ’ như xương cho mừng.”
Cái Áo Duyên - Thượng ( TIẾP ) đấy, cũng đâu có gì gọi là quá đáng. Vốn tôi từ nhỏ đến lớn chỉ nghe kể, chứ chưa bao giờ thấy cảnh trai gái tình tự, lần này cũng muốn mở mang tầm mắt một chút… “Ta đã suy nghĩ kỹ rồi. Dù thầy mẹ ngươi đã nhiều lần giải thích, lấy vợ lẽ cho ngươi vốn chỉ là mua lá bùa về giải số. Khi số được giải sẽ cho ngươi đón ta về nhà làm cả. Nhưng… ngươi phải Nên tôi cứ theo đó mà làm, đường từ nhà chồng về nhà mẹ một vâng hai dạ, thăm hỏi thầy mẹ xong quay về nhà chồng cũng một dạ hai vâng. Chỉ có cái việc chồng nằm võng, vợ lẽ lỏng nhỏng theo sau kia ít nhiều cũng khiến tôi bực bội. Có thể trời cao còn chút thương xót, đã rủ lòng khiến lưới võng tự dưng bị rách, cậu hai thế là phải tiếp tục đi bộ cùng tôi. Đi giữa đường, gặp phải một nhân vật khiến tôi chỉ muốn than thôi rồi…! Cô ba nhà quan huyện mặt mũi tiều tụy, thân mặc y phục vải thô xin được nói chuyện riêng cùng cậu hai. Trông qua là biết thị vừa trốn khỏi nhà, vả lại cũng chưa khỏi bệnh, song cũng không tài nào giấu được sắc đẹp hơn người. Vẻ yếu mềm, có chăng, chỉ làm thị thêm phần rung động. Cậu hai dĩ nhiên đồng ý, cho đám tôi tớ về trước, riêng tôi lại lệnh cho đứng chờ. Tôi ngoan ngoãn khoanh tay đáp dạ trước cái nhìn khinh rẻ của thiếu nữ quyền quý. Cậu hai nhíu mày ngó tôi một lúc như chẳng vừa lòng, đoạn phất tà áo dài quay ngoắt đi cùng mỹ nhân yếu đuối. Đợi họ đi khuất sau lũy tre làng, tôi mới thở phào, cúi xuống tháo hài ra nhảy nhót đuổi theo sau. Cậu hai bảo tôi đứng chờ, đâu có nói đứng chờ ở đâu. Tôi cứ thích đứng dưới lũy tre làng mà chờhiểu, ta đây nhất định không chung chồng với người, cho dẫu người chỉ là lá bùa không hơn không kém.” Thấy cậu hai im lặng, cô ba nhà quan huyện lại sầu não tiếp lời. “Không giấu gì ngươi, lòng ngươi đối với ta, ta đã biết từ lâu. Nói thật, ta cũng có phần rung động. Nhưng cái ta cần, ta muốn, là một người đàn ông chỉ dành cho mình. Điều này… ngươi tuy có ăn học đàng hoàng, chung quy cũng là người thời cổ, mãi mãi chẳng thể nào cho ta được… Cho nên… cho nên, chúng ta đành dứt tình từ đây thôi!” Chọn ngay lúc kịch tính đó, thân cây mà tôi tựa vào lại lặng lẽ giã biệt cõi đời, gãy cái rắc. Tôi té nhào ra giữa đôi trai gái nọ. Thấy mắt cậu hai từ tối thui tự nhiên sáng rực, tôi tự bảo với mình thôi rồi thôi rồi, không biết lần này có bị chính tay cậu ấy bạt tai hay không, bèn vội vã phủi gối đứng lên, miệng lắp bắp giải thích. “Dạ… dạ… cậu bỏ em ở đường cái, chó hoang qua lại nhiều, nhìn thấy em liền sủa, em sợ quá chạy đến tận đây…” Không gian trầm xuống, mãi một lúc sau mới có người lên tiếng. Là giọng của cô ba nhà huyện. “Vậy con chó đâu?” “Nó…” tôi hoảng hốt, vội vã lấp liếm “…thấy cậu hai nên sợ quá, chạy mất rồi!” Lại im lìm. Cuối cùng, cậu hai thở mạnh ra một hơi, bước đến nắm tay tôi nhẹ nhàng kéo đi. “Thế để tôi dọa chó cho em về nhà.” “Nhưng…!” cả tôi và cô ba đều đột nhiên mở miệng. “À,” cậu hai khoan thai quay lại nhìn cô ba, mắt không gợn sóng. “Việc cô ba vừa nói, tôi đồng ý.” Sau đó, tôi như mộng du bị người kéo đi. Dọc đường tôi cứ liếc xuống chỗ tay bị nắm của mình mà nghĩ, hẳn là thằng nhóc này bị tổn thương quá sâu mà sinh hâm dở mất rồi… Đêm đó mở cửa sổ nhìn ra, tôi mới phát hiện sau gian mình ở là một ao sen lớn. Và cái kẻ hâm dở kia thì lại đang uống rượu trên bè trôi thả giữa ao. Thì ra, mùi hương đêm qua tôi ngửi xông vào từ đây. Hỏi quanh mới biết, ao sen này là do cậu hai trồng. Cậu hai từ nhỏ đã nho nhã hơn người ta, trong làng cũng thuộc số ít được học chữ và thơ từ thi phú, nói trắng ra là một bậc anh tài được nhiều nàng ngưỡng vọng. Ao sen này nghe nói cậu cho đào khi chỉ mới lên bảy, từ đó đến nay đã chăm chút hết lòng, hương sen tỏa ra thơm nức cả làng, đến cả các trà thương trên kinh đô cũng phải mò về tận đây để hỏi mua đem xao trà dâng lên ngài ngự. Tôi cau mày, sen vốn là loài tự mọc tự lớn, còn cần phải được vun tưới mới tỏa hương được sao? Cái thằng nhóc này hẳn đã quá rảnh rỗi, trồng hoa khéo thế, trồng người lại chả ra làm sao! Con gái nhà người ta bỏ nhà đến bịn rịn chia tay, hắn lại tự ái mà để thân gái bệnh hoạn đứng đó giữa đường hứng gió. Cưới tôi về rồi lại thảy đó nằm một góc. Cho dù chỉ lấy hờ để làm bùa giải số, ít nhất cũng nên ngó qua một cái chứ! Lát sau uống xong hớp trà sen thơm nức, tinh thần dịu lại, tôi trèo lên giường quấn chăn đi ngủ. Trong mơ, tôi thấy mình đứng giữa ao sen hét to: “Chồng hờ có cái tốt của chồng hờ, ngủ riêng như vậy, ít nhất đêm hôm sẽ chẳng có người bắt tôi hầu đi tiểu!” Tỉnh dậy, thấy cũng có lý, bèn gạt đi tủi thân mà không phiền lòng nữa. Ai ngờ, cái sự phiền lòng của tôi kéo không qua nổi một tuần. Con gái quan huyện nghe nói tự nhiên bệnh tình trở nặng, nhà đó mang người sang bắt bớ gia đình chồng tôi, hoạnh họe vì sao lấy bùa về rồi mà cái số vẫn chưa được giải, báo hại con gái họ vẫn còn bị khắc! Thầy mẹ chồng tôi khuyên mãi chẳng được, còn bị nhà quan huyện dọa bắt giam. Vậy là tối đó, cậu hai liền xuất hiện ở phòng tôi để “giải bùa.” Dưới ánh đèn dầu leo lét, tôi chỉ biết nằm im cho cậu hai cởi từng lớp áo trên người mình xuống. Đến khi lớp yếm cuối cùng cũng đã lột ra, bị toàn thân nóng hâm hấp của đàn ông đè lên thịt da, tôi mới không kiềm được mà rùng mình, nảy người né tránh. “Buồn quá!” Mặt cậu hai chuyển xám, lại nhích người ấn xuống. “Buồn… em buồn!” “Buồn…!” “Nằm yên!” cậu quát. Tôi hít sâu vào, cố gắng bật ra hai từ lí nhí. “Vâng ạ.” Loay hoay một lúc, mồ hôi rịn cả vầng trán rộng, cậu hai gấp rút hỏi tôi. “Giờ em thế nào rồi…?” Không nhịn được nữa, tôi mếu máo nói khẽ. “Đau lắm…” Không hiểu có phải là ảo giác của tôi không mà cậu hai lúc đó rất dịu dàng, còn cúi xuống hôn lên trán tôi, đoạn khẽ khàng nói. “Tôi cũng đau…” “Vậy… cậu ngừng đi…” “Không được!” “Đau như vậy làm tiếp làm gì?!” “Làm cho hết đau…!” Thế rồi, đêm tàn, trăng lặn, hoa rơi, nước chảy, tôi cũng hết đau thật. Còn cậu hai… chắc là đau quá hóa rồ, nên liều mạng làm mãi để sớm hết đau.
Cái Áo Duyên – Trung Cũng chẳng biết rồi bệnh tình của con gái ông huyện đã đỡ chưa, từ đó về sau ngày nào cậu hai cũng mò sang phòng tôi “hóa giải.” Nếu không phải tận mắt chứng kiến bà bá Phủ bắt ép con trai mình động phòng với tôi vào cái ngày ông huyện đến nhà, tôi đã nghĩ cậu hai nhà này thật sự thích việc chung chạ với người vợ xấu xí. Biết sao được, lần nào cậu cũng rất dịu dàng làm, mà làm thì cũng rất nhiều, khi xong lại hay ôm riết lấy tôi mà ngủ. Ông bà bá Phủ và cô cả nhìn tôi dường như cũng vừa mắt hơn, lắm lúc còn cho tôi ngồi cùng bàn dùng bữa. Thỉnh thoảng khi vui vẻ, ông bá còn hứng chí khen tôi vài câu, nói tôi số tốt, cứu được nhà này một bàn thua trông thấy. Mỗi lần như thế, cậu hai chỉ cúi đầu ăn cơm, khóe môi lộ ra một nụ cười thầm kín. À, có lẽ là do nhà giàu nên đốt quá nhiều đèn, mắt tôi bị lòa nên nhìn ra cảnh ấy. Vài tháng sau, không biết cậu hai nói gì với thầy mình, ông lại đột nhiên cho tôi theo chồng xuống làng dưới thu tiền tô. Tôi mừng lắm vì được ra ngoài, không cần phải suốt ngày đi bằng mũi chân bên cạnh mẹ và chị chồng nữa. Không biết có phải là tôi phấn khích nên tay chân tung tẩy quá lố hay không, dọc đường đi người ta cứ nhìn tôi chằm chằm, có gã trai làng ngó thấy tôi còn đánh rơi gầu nước, trượt chân rớt xuống ao một cách ngon lành. Cậu hai có lẽ xấu hổ vì nhan sắc vợ mình, mặt mày đanh lại kéo tôi ra sông đi đường thủy. Tôi vâng dạ đi theo, tuyệt đối không một câu phản đối. Tối đó sau một màn “hóa giải số kiếp” trên sông, cậu hai kẹp chặt tôi vào lòng, vuốt má tôi mà rằng. “Hóa ra tôi không những chăm hoa hay, chăm người còn giỏi hơn gấp bội.” “Em không hiểu cậu nói gì hết,” tôi rầu rầu đáp, mắt vẫn hướng về phía đất liền đầy mong đợi. Cậu kéo cằm tôi quay lại, vục mặt xuống hôn miệt mài chán chê. Hôn xong, cậu lại ngẩn đầu nhìn tôi. “Những lúc vợ chồng gần gũi thế này, em chỉ được nhìn tôi thôi. Đừng xao nhãng chứ!” “Vâng ạ,” tôi lại ngoan ngoãn đáp. Cậu hai thở dài, gục xuống tựa cằm lên trán tôi. “Vì sao em ngoan ngoãn như vậy, tôi lại nhìn ra em vô cùng bất an…?” Trong lòng tôi giật lên một cái, sống lưng lạnh đi. Biết rồi sao…? “Nói cho tôi nghe,” cậu hai ôn tồn tiếp lời, đầu dời ra nhìn sâu vào mắt tôi. “Em lo lắng điều gì?” Khoảng cách gần như vậy, da thịt áp kề, tóc mai quấn quyện, tôi làm sao mà có thể cầm lòng, bèn kể hết việc xảy ra năm xưa bị cậu cho người hầu đến tát, việc về nhà mách thầy lại bị thầy răn đe, khiến bản thân từ đó trở đi không còn dám ngẩn mặt nhìn người cao kẻ quý. “Lúc trước chẳng quen biết, cậu đánh em, em đã đau thế rồi. Bây giờ cậu mà đánh em, chắc là em buồn muốn chết…” Cậu hai nghe xong tự dưng im lặng. Sáng ra bị cậu vực dậy giúp mặc yếm vào, tôi còn nhìn thấy quầng thâm và gân đỏ nổi lên đầy mắt cậu. Lần đi thu tô này, tôi và cậu hai gặp lại cố nhân. Nói là cố nhân thì hơi quá đáng, dù gì tôi cũng vừa gặp thị vài tháng trước thôi. Nhưng quả thật có chìm đắm vào trò chơi chồng vợ với cậu hai như tôi, mọi người mới hiểu thế nào gọi là thời gian như con rùa bỏ vào nồi cháo, hầm mãi chẳng nhừ, ninh hoài chẳng rục. Cậu hai chắp tay chào thiếu nữ xinh đẹp, đoạn lại kéo tôi ngồi xuống một tấm đệm sạch sẽ tại góc miếu, khoan thai lôi nắm xôi trong tay nải ra, cẩn thận lột bỏ lá chuối rồi vừa ăn vừa đút cho tôi. Toàn cảnh này đều lọt vào mắt thiếu nữ ngồi bên kia miếu cùng người hầu của thị. Mưa kéo dai kéo dẳng, tôi và cậu hai đành ở lại qua đêm. Tối đó cậu lôi một cái áo sạch của mình ra lót trên sàn, nằm xuống quay lưng về phía hai người kia rồi chìa tay cho tôi chui vào lòng. Tôi răm rắp làm theo, sau đó còn vòng tay ôm riết lấy cậu chẳng chịu buông. Giữa đêm, cậu mỏi lưng toan trở mình, tôi lại cứ ôm chặt, cậu nhíu mày thay cho nghi vấn, tôi đành mếu máo rủ rỉ vào tai cậu. “Cậu đừng quay sang đó, cậu quay sang đó làm em lo…” Cậu hai dường như tỉnh ngủ, mở to mắt nhìn tôi. “Lo cái gì?” “Lo cậu cưới cô ba về làm cả…” Từng đường nét trên gương mặt tuấn tú bắt đầu giãn ra, cậu khẽ cười, cười đến gần tít mắt. “Quay người sang đó thôi cũng nói lên được tôi muốn cưới thị sao?” “Em làm sao biết. Em chỉ là vợ lẽ thôi. Làm lẽ ai lại chẳng lo chuyện đó…!” tôi thì thào, cố gắng nhỏ tiếng đến mức có thể. “Nếu tôi nói… tôi hứa với em cả đời không lấy vợ cả thì sao?” “Thì thầy mẹ cậu sẽ đuổi cổ em ra khỏi nhà chứ sao!” “Thầy mẹ sẽ không-” Nói được một nửa thì dừng, dường như chính cậu hai cũng nhận ra bản thân không thể phủ nhận khả năng đó. Thế là, cậu suy nghĩ sao đó, cuối cùng ôm theo tôi quay hẳn ra bên ngoài, đầu cậu nhích xuống chui vào ngực tôi, lời buông khẽ. “Giờ thì an tâm rồi chứ? Có em cản thế này, tôi có muốn nhìn cũng chẳng có cách.” Tôi mỉm cười hài lòng, ôm đầu cậu hai vùi sâu vào ngực. Sáng hôm đó trời vừa dứt mưa, cả bốn người đã vội lên đường. Ra đến chợ, cậu hai dặn tôi ngồi chờ, phần cậu đi mua lương thực. Tôi ngoan ngoãn vâng dạ, lúc ngó qua lại bị cô ba nhà quan nhìn chằm chằm, ả người hầu cũng không thấy đâu nữa. “Không gặp mấy tháng, ngươi khác hẳn đi,” thị lân la bắt chuyện. Tôi gật đầu cười, cúi xuống nhìn tay mình đang tự động khoanh lại. “Ngươi biết không, ta bỏ nhà ra đi.” Tôi lại gật đầu cười. Hình như con gái nhà giàu rất thịnh trò này, hở cái là bỏ nhà ra đi. “Ta cũng không biết vì sao mình muốn nói với ngươi những lời này. Có lẽ là vì trông thấy ngươi cùng lứa với ta, nhưng lại là mẫu phụ nữ chuẩn mực trong xã hội phong kiến, suốt đời phải chịu cảnh gò bó bất công, ta cảm thấy có phần xót thương. Nay ta đã sắp phải tha hương, ít nhiều cũng muốn sẻ chia cùng ngươi vài chuyện.” À, tôi chính thức không hiểu thị đang nói gì rồi. “Là phụ nữ với nhau, ta khuyên ngươi hãy mạnh mẽ lên, đừng cứ một vâng hai dạ với đàn ông hoài như thế, họ sẽ không ở mãi bên ngươi. Như cậu hai Phủ cũng vậy, nhìn từ ngoài vào rất hoàn mỹ vô khuyết, nhưng cậu hai cũng biết bao nam nhi chốn này, đều bị tư tưởng phong kiến làm cho tầm nhìn hạn hẹp, hủ bại… Ở nơi ta đến, nam nữ bình quyền, giàu nghèo không phân, một khi đã lấy vợ rồi thì phải thủy chung suốt kiếp. Đó mới là nền tảng của một xã hội văn minh, đó mới là cái gốc để nhân loại hướng về hạnh phúc. Đời này ta nhất định phải khiến một người đàn ông làm cho bằng được điều đó, cho dù đó có là vua chúa chí tôn.” Tôi câm lặng một lúc vì quá sợ hãi, mãi lâu sau mới lên tiếng hỏi. “Vậy sao cô ba lại bỏ cái chỗ hạnh phúc đó đến nơi này?” Đến đây thì thị im bặt. Hồi sau ra vẻ chóng mặt, níu lấy tay người hầu vừa quay lại đi mất. Cậu hai mua lương thực trở về, không thấy cô ba nhà quan huyện ở đâu cũng không hỏi, càng chẳng tỏ vẻ quan tâm, duy nhất khi thấy tôi vẫn còn giữ nguyên tư thế khoanh tay cúi đầu thì dường như rất khó chịu. Lúc tôi lân la thăm dò, cậu chỉ bực dọc lắc đầu bảo, con gái con đứa nhà quan mà cứ như ngựa hoang xổng chuồng, đúng là mất nết, dọa sau này tôi mà còn cúi đầu khép nép trước thị, về đến nhà cậu sẽ cho tôi quỳ trên chăn cả ngày. Tôi nhớ không lầm, chăn nhà cậu toàn khâu từ gấm lụa. Từ chợ về đến nhà, tôi cười không kịp khép răng. Yến lão trong làng năm đó, tôi cùng cậu hai ra đình ăn cỗ, vô tình nghe được bà bá Phủ xa gần cùng các già làng, rằng con dâu nhà bà là con gà mái mua về để trừ tà, chứ trứng thì chả ấp ra được một cái. Tôi biết ý bà muốn nhắc nhở các gia đình khác con bà vẫn cần một người vợ cả sinh con nối dõi. Lòng tôi chùn xuống, cảm thấy ăn không vào, nhân lúc hội hè huyên náo bèn lẻn ra gốc đa ngồi khóc. Có tiếng động truyền đến từ phía sau, tôi quay lại thì gặp ngay ánh mắt dịu dàng của chàng câm ngày nào, bao nhiêu ký ức liền ào ào quay lại, rõ ràng nhất là món sính lễ anh đã lén cho tôi để dẹp lời đàm tiếu. Bất chợt tôi nhớ ra, gốc đa này cũng chính là nơi đầu tiên chúng tôi hẹn gặp nhau. Đêm đó quay về, tôi lại lôi cái áo sờn cũ ra nhìn mà thở dài sườn sượt. Bây giờ có quá nhiều thứ trong tay, tôi mới nhận ra, tôi nợ anh, nợ nhiều quá. Nhét lại cái áo xuống chiếu, tôi quay sang cởi giày cho người chồng say khướt, miệng lầm bầm trách móc vì sao rõ là yến lão, trai tráng như cậu lại uống say dường này… Giữa đêm, cậu chẳng đòi hỏi như mọi lần, mà chỉ ra sức ôm chặt lấy tôi như người già sợ mất của. Hôm sau mở cửa sổ đón nắng, vô tình để tôi trông thấy cái áo dài the vắt trên đám hoa sen quý hóa của cậu hai nhà mình. Tôi hốt hoảng, vội vã nhoài người vớt lên, song cũng không cứu kịp một vài cành đã bị áo vướng lên làm gẫy. Cậu hai Phủ quý sen như ngọc, chắc chắn hôm qua vì quá say mà vô tình gây ra rồi! Tôi thở dài đem áo đi giặt, phơi khô lấy về lại phát hiện ra đường tà bị rách. Đêm đến, tôi chong đèn, lôi kim từ gối vải mẹ cho ra khâu, vừa khâu vừa nhịp nhàng ngâm nga: “Chồng tôi áo rách tôi thương, Chồng người áo chứa ễnh ương mặc người…” Cậu hai vừa về đến phòng nhìn thấy, lặng thinh đứng đó một lúc lâu rồi đột nhiên hỏi. “Cái gối kim đó…” “À? Cái này ạ? Là mẹ em cho trước khi xuất giá. Cũng không biết tại sao mẹ bảo sẽ không có cơ hội xài đến. Nhưng cậu nhìn xem, vẫn xài rồi đây! Tận bảy cây kim, không biết vá đến trăm cái áo đã mòn hết chưa…” Thấy cậu hai loạng choạng sắp ngã, tôi ném áo qua một bên chạy đến đỡ, miệng lo lắng hỏi han. Cậu hai vỗ nhẹ lên tay tôi, đoạn ôm tôi vào lòng ngồi xuống nói nhỏ. “Bảy cây kim đó… là để cho em dùng nhằm lúc phạm phòng.” “Phạm phòng là gì?” tôi bỡ ngỡ. “Là…” má cậu hai đột nhiên hồng hồng. “Là khi người chồng không kiềm chế nổi, ngất đi trên người vợ… dùng đến kim đó để châm vào huyệt…” Tôi vỡ lẽ, vỗ tay nói lớn. “Sao cậu không nói em biết trước! Biết thế em đã dùng nó từ lâu! Mỗi lần cậu xong chuyện mà cứ nằm ì trên người em không xuống, em nghĩ cậu ngất, lo lắng mãi không thôi…!” Nghe thấy tiếng thở gấp, tôi quay lại nhìn, đã thấy mặt cậu hai chín đỏ như đèn lồng đêm hội. “Đó… là tôi muốn gần em lâu hơn… không phải ngất!” “Cậu nói vậy thì vậy đi. Nhưng nói gì thì nói, cậu cũng nên chỉ cho em chỗ cần châm kim, phòng khi cậu ngất thật, em còn biết đường…” Nói chưa hết câu đã bị cậu hai quật ngã xuống giường. Một hồi lâu sau, thấy kẻ đè trên người mình dần dần im ắng, nhịp tim đã bình thường mà vẫn chưa chịu rút quân, tôi rón rén mò tay xuống chiếu. Tức thì, bị cậu hai phát lên tay một cái rõ kêu. Khiếp! Gục đầu vào cổ tôi mà vẫn thấy được, mắt cậu hai mọc sau gáy à? “Thôi được rồi, cậu chứng minh được rồi. Em tin cậu không có ngất, được chưa?” tôi cong môi quay sang chỗ khác khi thấy cậu hai ngẩn đầu. Tôi nghe tiếng cậu cười khẽ, đoạn có làn môi lành lạnh ấn xuống má tôi, hôn dần đến tai rồi khàn khàn nói. “Tôi cố gắng nhiều hơn một chút, để em thoát số gà mái trừ tà, ấp trứng tuyệt đối sẽ nở ra gà, chịu không?” Ý? Tôi quay ngoắt lại nhìn chồng mình. Ra là ban sáng cậu hai cũng đã nghe thấy rồi sao…? “Cậu nói thật ạ?” “Quân tử nhất ngôn.” Quân tử? Từ ngữ quay cuồng trong đầu, tôi chớp chớp mắt. “Ý là, cậu mà nói điêu thì vua sẽ chết? Sao cậu hứa khôn thế?” Cậu hai bỗng dưng khựng lại một hồi, sau đó đưa tay véo má tôi đau điếng. “Xem ra, từ mai em phải theo tôi học hành thôi…” Thế rồi, cậu hai nhà tôi quả là vua chết, nói được làm được, đúng thật đã vô cùng cố gắng… Hai tháng sau, trứng quả nhiên đã nở ra gà. Tin tôi có mang khiến cả nhà chồng trên dưới vui như trẩy hội. Ông bá vốn tính cần kiệm lại dám bỏ ra những ba mươi quan thết đãi cả làng. Cô cả thường ngày chẳng ngó tôi được hai lần, nay lại tò tò theo sát bên như trông chừng đồ dễ vỡ. Bà bá trìu mến nhìn tôi từ đầu đến chân, miệng nở nụ cười tươi như hoa súng, cũng thôi xét nét chuyện nhỏ chuyện to trong nhà. Chỉ có cậu hai là ngày càng kỳ cục. Cái áo sứt chỉ tôi khâu tuần trước vừa xong, tuần này cái quần lại bị rách ngay gấu. Dăm ba ngày nếu không rơi áo ngắn trên ao thì cũng vướng áo dài lên sào. Thời kỳ bầu bì của tôi thế là lấp đầy đồ rách. Tôi nghi ngờ cậu cố ý nên bèn hỏi dồn, cậu lại chỉ nhún vai bình thản đáp, là lúc trước thường đưa đầy tớ khâu nên tôi mới không biết, chứ tính cậu hay quên và bất cẩn như thế xưa nay rồi. Cậu bảo tôi, nếu phiền hà thì cứ để con hầu khâu như trước vậy. Tôi cật lực phản đối, bảo cậu áo chồng tôi há có thể vào tay mấy ả chẳng liên quan. Cậu lại cười, ôm riết tôi vào lòng.
TIẾP Mấy tháng sau, tôi chuyển dạ. Trong lúc thập tử nhất sinh, tôi siết chặt tay cậu hai bắt cậu hứa ở góa nuôi con cả đời. Cậu lại chẳng chịu chiều thai phụ sắp chết là tôi đây mà gật đầu lấy một cái, ngược lại còn thét lớn nếu tôi dám bỏ cậu mà đi, cậu sẽ lấy cả mười, cả trăm ả về làm mẹ kế cho con tôi… Nghe đến đó, tôi không biết lôi đâu ra sức mạnh trâu bò trở bại thành thắng, thành công lội ngược chín con sông quay lại dương gian. Thời khắc cậu ôm lấy đứa con gái của chúng tôi trong lòng nói khẽ với nó, con ơi, con nhất định phải khỏe mạnh, lớn lên rồi còn phải nối dòng nối dõi cho thầy; tôi đột nhiên hiểu ra tất cả. Nước mắt, theo đó cũng lã chã rơi. “Cậu hai ơi, hóa ra… cậu thương em lắm phải không?” Đúng vậy, cuối cùng tôi đã hiểu rồi. Chẳng yêu chẳng thương thì có người đàn ông nào trên cõi đời này lại thà để cho con gái nối dõi, chứ không mong vợ vì sinh thêm mà mạo hiểm? Cậu hai sững ra một lát, lại ôm con ngồi xuống cạnh tôi thở dài. “Cả cái vùng này, sợ chỉ còn mỗi em chưa hay chuyện đó.” Tôi lại càng òa ra nức nở, tựa như trẻ thơ mới chào đời. Mùng ba Tết, con gái tôi biết lật, tôi mừng rỡ vô cùng, lòng thấp thỏm chờ mong đến lúc chồng về để báo tin. Trong lúc chờ, tôi lại lôi áo chồng ra khâu vá. Lúc giũ áo cho phẳng, đột nhiên nhận ra một điều. Thật ra, vai của chồng tôi cũng rộng lắm. Kim rơi xuống ao, tôi nhìn theo rồi để mặc nó chìm. Thì ra, buông bỏ rồi mới biết thật chẳng nặng như lòng thường nghĩ. Chiều hôm đó, tôi cuốn lại cái áo sờn cũ, nhét vào một cái tráp rồi ném xuống ao sen. Tết vừa qua, nhà mẹ đẻ tôi lại có chuyện vui hiếm lạ. Anh hai cuối cùng cũng đã đỗ thám hoa, trước đó ở kinh lại có hùn hạp làm ăn cùng một vài người bạn, ngày áo gấm về làng vì thế không chỉ có quyền, mà còn tiền bạc rủng rỉnh. Thế là trong chớp mắt, tôi trở thành em gái của quan huyện mới nhậm, theo cách văn vẻ cậu hai nhà tôi thường dạy tôi là, bay lên cành cao hóa thành phượng hoàng. Thầy mẹ tôi vui lắm, ngày tôi theo anh trai về thăm nhà còn nước mắt rưng rưng bảo anh tôi phải dùng hết quyền lực ép nhà bá Phủ cho tôi lên làm cả. Thầy nói anh tôi được như ngày nay tất cả đều nhờ tôi, việc nhỏ nhặt này nhất định phải giúp tôi cho bằng được. Tôi không muốn làm khó nhà chồng, nhưng lại biết tính thầy nên cũng không dám cản, chỉ còn biết tìm anh mình nói chuyện riêng. Nào ngờ, anh tôi lại cho biết sẽ nghe lời thầy mẹ. Nghĩ đến cảnh cậu hai nhà mình nhà cửa lục đục, tôi lại ra sức khuyên lơn. Vậy mà người anh thường ngày mềm yếu của tôi nay bỗng dưng vô cùng quả quyết, nhất định đòi lấy lại công bằng cho em gái. Một tháng sau, tôi nghiễm nhiên đã trở thành vợ cả nhà bá Phủ. Đến cả bình vôi trong nhà mẹ chồng tôi cũng theo lệ mà đem sang gửi nhà hàng xóm để thể hiện sự chuyển giao quyền lực. Mang trên người cái danh vợ cả rồi, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Vì tôi biết, từ đây về sau sẽ không ai có thể mượn cớ tôi chỉ sinh con gái mà ép cậu hai lấy thêm vợ cả. Đừng nói là cả, mà đến lẽ và số dư cũng phải có sự đồng ý của tôi thì họa may mới thành. Nhận ra các điều lợi hại, tôi mới thấy thấm thía sự quyết tâm của anh mình, bèn chọn ra một ngày sang phủ để lạy tạ tỏ lòng biết ơn. Nào ngờ đến nơi, lại bắt gặp cảnh anh tôi đang quỳ xuống dập đầu trước cậu hai Phủ. Anh tôi nói. “Đời này, ngoài vì dân vì nước, tôi còn nguyện vì huynh lấp cạn biển Đông. Ba năm qua huynh không những dạy tôi thi từ ca phú, dạy tôi đạo lý triểu thần, còn dạy cho tôi cách làm ăn kiếm sống. Những vinh quang tôi có được hôm nay, hầu hết đều do huynh đem lại. Huynh có chắc bản thân chỉ có yêu cầu nhỏ nhoi kia? Thật ra vợ huynh cũng là em gái ruột của tôi, huynh không yêu cầu tôi cũng đã làm vậy. Hay là huynh cho tôi biết một nguyện vọng khác? Chuyện gì miễn không phạm đại nghĩa tôi đều có thể đáp ứng huynh.” Chồng tôi lắc đầu, nụ cười nở ra nhẹ nhàng như lông ngỗng. “Huynh có được hôm nay chính là nhờ nỗ lực quyết tâm của bản thân, tôi chỉ là giúp huynh vực lên nỗ lực quyết tâm đó. Còn về phần nguyện vọng, nếu huynh có thể đảm bảo cho em gái mình một hậu phương vững chắc, để cô ấy không phải cúi mặt trước kẻ giàu, gằm đầu trước kẻ sang, địa vị ở nhà chồng vững vàng không đổ, tôi đã vô cùng toại nguyện. Đời tôi không có gì mong muốn nhiều hơn được cùng vợ răng long đầu bạc, một đời an nhiên.” Nghe đến đây, tôi không kiềm được nước mắt, sợ hai người đàn ông nghe thấy bèn quay đầu bỏ chạy. Đêm đến tôi thắp nhang tạ tội với trời, xin ông trời hãy tha thứ cho mấy mươi năm phải ngồi nghe gái ế tôi đây oán than, trách móc. Tạ tội rồi, tôi lại cảm ơn. Cảm ơn ông trời vì đã ban cậu hai Phủ cho tôi. Ba năm sau, dẫu đã kỹ càng mọi bề, đến cuối cùng, trứng lại bị tôi ấp ra một con gà nữa. Con trai vừa ra đời, cậu hai đã vội ôm chầm lấy tôi mà rơi lệ. Thấy cảnh cậu khóc vô cùng dễ coi, hai năm tiếp tôi lại len lén ấp nở thêm một cặp gà con, cốt chỉ mong trông lại cảnh đấy. Năm tháng thoi đưa, gà nối đuôi gà cứ tiếp tục nở ra. Đến khi thấy con gái đầu lòng đã bắt đầu bụng mang dạ chửa, tôi chột dạ, bèn quyết tâm ngừng ấp. Quyết định này mang đến cho cậu hai – lúc bây giờ đã là ông bá nhà tôi – sự bình yên chân chính trong lòng. Thỉnh thoảng, nhớ lại những điều chồng mình nói với anh trai ngày đó, tôi giật mình vì nhận ra rất nhiều điểm tương đồng giữa cậu và người đàn ông hoàn hảo trong lời tự tình của cô ba năm nào, tự nhiên cảm thấy tò mò trước số phận của thị. Hỏi qua anh mình, tôi cuối cùng cũng đã được tỏ. Con gái của huyện nha cũ nơi này, mười mấy năm trước nghe đâu nhập cung, năm thứ nhất bị hoàng hậu đánh gãy chân vì dám xưng “ta, ngươi” với bà. Năm tiếp theo bị ngũ mã phanh thây vì cái tội bên gối ngài ngự lại rỉ tai những điều ngu xuẩn, hình như là cái gì đó bình đẳng nhân quyền. Tôi thở dài lắc đầu. Bởi mới nói, không đúng người, không đúng chỗ, có là chân lý thì cũng chỉ có nước xuống lỗ mà nằm. Đâu phải ông vua nào cũng được như cậu hai nhà tôi. Tôi vừa cười vừa phóng tầm mắt ra xa, nơi lão chồng già và đứa con trai trẻ đang gật gù đánh cờ. Cúi người đặt ấm trà sen và đĩa bánh dầy lên khay, tôi khoan thai bê ra cho cha con nhà nọ. Chân bước chưa đến ao, đã nghe ra giọng đứa con trai có phần ngượng ngịu, bèn tò mò nấp vào nghe lén. Thì ra, chuyện là cậu ba quý hóa nhà tôi nay đã biết yêu, phải lòng một thôn nữ làng dưới. Song lại e ngại môn không đăng, hộ chẳng đối, sẽ dọa chạy con nhà người ta, hết cách đành về hỏi ý ông già. “Cậu cứ giả vờ để quên cái áo rách, để cho thị khâu lại giúp cậu. Sau đó sang nhà mà đòi, thể nào chẳng ngỏ lòng được.” “Thầy nói sao dễ thế, có ai khâu áo mà nên duyên bao giờ?” Ông già nhà tôi vuốt râu cười lớn, đoạn ôn tồn bảo với con trai. “Thầy cậu có ngày bị ngã ao làm rơi mất áo, cả năm sau đi ngang nhà mẹ cậu, trông thấy mẹ cậu ngồi vá ngồi khâu mới phải cái lòng, tìm cách lấy về thì mới có cậu hôm nay đấy chứ. Giờ thì ai bảo khâu áo mà chẳng nên duyên?” Ừ, giờ thì ai bảo khâu áo mà chẳng nên duyên…? Tôi khẽ mỉm cười, toan bước ra từ sau bụi rậm. Khoan đã… Ngã ao làm rơi mất áo? Hình như, có cái gì đó rất không phải ở đây…?
Cái Áo Duyên – Hạ Trong những cuộc chè nước nơi hội đình, tôi nhớ ông huyện đã từng nhiều lần hỏi tôi, lần đầu tiên tôi chú ý đến em gái ông ta là khi nào. Những lúc ấy, tôi chỉ mỉm cười đáp lấy lệ. Song lần này, người hỏi tôi lại chính là em gái ông ta, bà bá hộ nhà tôi. Thôi thì đầu cũng đã hai thứ tóc, sống với nhau cũng có gần mười mặt con, tôi còn có bí mật gì chẳng thể lộ bày với vợ mình nữa. Nghĩ thế, tôi lấy trong tủ ra một tráp gỗ, trước đôi mắt mở to kinh ngạc của con trâu già nhà mình, lôi một cái áo dài sờn cũ trải lên mặt giường, góc áo có thêu hình đôi bướm đỏ đang vờn nhau. Câu chuyện, vốn là bắt đầu từ cái áo.. Hôm đó, tôi vâng lệnh thầy đi thu tiền thuê nhà, qua ngang ao sen giữa làng thấy người đông bèn sinh tò mò, xuống võng bước đến gần xem việc. Biết chẳng qua có người té xuống ao bèn toan quay về võng, chẳng ngờ bị bọn trai làng chen chúc đẩy luôn xuống nước. Đang bơi lên bờ thì bị kẻ té ao kia ghì lại. Bất đắc dĩ, đành phải cứu thị. Cứu lên bờ rồi mới nhận ra, lúc lôi kéo đã bị thị vuột mất luôn cái áo ngoài. Tâm trạng không thoải mái vì bị lạnh và ướt, tôi cay cú ra lệnh cho người hầu khênh võng về nhà, giữa đường còn gặp phải một thằng nhóc chăn trâu chẳng hiểu chuyện cứ hô hoán lên tôi tè dầm. Thẹn quá, tôi cho thằng hầu tát nó hai cái rồi tiếp tục lên đường. Lại nói đến đứa con gái tôi "cứu," hay ho thay lại là con gái thứ của ông huyện. Nhà đó mượn dịp này sang kết giao với nhà tôi. Mẹ tôi thấy có dịp bắt quàng với quan bèn mừng lắm, ra lệnh cho tôi phải làm thân với con gái nhà đó. Lệnh mẹ khó cãi, lại thấy thị cũng xinh xắn dễ nhìn, tôi nghĩ dẫu gì cũng chỉ cưới về sinh con và quán xuyến gia đình, thôi thì cứ chiều theo ý mẹ. Vậy là từ đó, đầu làng cuối xóm đều nghĩ tôi và thị là một đôi. Sự việc vốn có thể cứ theo nếp đó mà thành, nếu không có buổi tối sáng trăng nọ, tôi đi thu tiền về muộn, ngang qua ngõ nhà một nông dân, đột nhiên bắt gặp cái áo của mình. Dù đã cũ sờn bạc màu do ngâm nước, tôi vẫn nhận ra nó nhờ đường thêu bằng chỉ xuyến nơi cổ. Lần đó chính tay tôi đã nhận được từ bọn con buôn xứ ngoài, quanh vùng này tuyệt đối không có cái thứ hai. Nhìn ra vật xong, tôi mới trông đến người. Dưới ánh đèn hiu hắt trong không gian sẫm tối, sự chuyên chú miệt mài của thôn nữ kia bỗng bồi vào lòng tôi một nốt nhạc tình tang.. Vậy là từ đó trở đi, như một thói quen, đêm nào võng tôi ngang ngõ nhà em, tôi cũng cố liếc vào một cái. Giữa thời buổi loạn lạc, gian thần lộng quyền, dân chúng lầm than, sĩ tử chê chán này, em lại ngồi đó tẩn mẩn khâu áo cho tôi. Ánh mắt em, khi chạm đến cái áo, lại nhuộm chín một màu tình ý. Thì ra, trong biết bao bộn bề trái ngang của cuộc đời này, còn có một người thầm thương tôi như vậy. Bình an. Tôi chợt thấy thấm thía vô cùng. Tôi biết em nổi danh là gái lỡ thì mang số khắc phu, cũng không vội cho người sang dạm hỏi. Dẫu gì nhà tôi vốn theo nho giáo, chưa có cả mà đón lẽ về không hợp tình cho lắm. Tôi lại sợ thầy mẹ vì mê tín sẽ không vừa mắt em, chưa có giải pháp mà đón em về sẽ gây cho em thêm phần tủi hổ. Về nhan sắc mà nói, em không phải hơn người, tôi không hề lo có một ngày em bị người khác đón đi, vì vậy gắng chờ cho đến khi đã xong chuyện cùng con gái quan huyện trước. Nhưng rồi có một việc xảy ra đã làm đảo điên tất cả. Thằng hầu tôi cho theo dõi nhà em chạy về báo, em đem áo của tôi tặng cho một thằng câm! Hóa ra, em không yêu thầm tôi, cái áo mà hằng đêm em nâng niu ấp ủ, em lại cho rằng nó thuộc về thằng câm đầu xóm! Lúc ấy tôi vừa tức vừa vỡ lẽ, lại vừa lo ngay ngáy. Từ lúc sinh ra đến giờ, lần đầu tiên tôi mới cảm thấy như vậy. Tôi lờ mờ nhận ra, mình ghen tị với gã kia. Nhận thức làm tôi tỉnh ngộ, hoặc nói cách khác – khiến tôi phát rồ. Mà kẻ tỉnh ngộ một cách điên rồ thường có xu hướng làm ra những điều tầm bậy. Tôi ngấm ngầm lên một kế hoạch động trời. Một mặt hẹn cô ba nhà ông huyện ra hóng gió đêm khiến thị sinh bệnh, mặt khác lại bỏ tiền mướn thầy về phán số khắc thê cho mình. Quả nhiên kết nối lại với nhau, tôi có được một lý do cưới vợ hoàn hảo. Thầy mẹ tôi chẳng hề ưng lòng, tôi không muốn khiến họ nghi ngờ nên lại giả vờ bất mãn. Thời khắc mẹ tôi lệnh xuống cho tôi phải cưới đứa con gái khắc phu dù tôi muốn hay không, tôi mừng đến nỗi rơi từ võng xuống. Ban đêm, tôi kiềm không được nhớ nhung, lại âm thầm ghé ngang nhà em đứng ngoài ngõ nhìn vào. Trông em vừa khóc lóc vừa thì thầm tạ tội với thầy mẹ, tôi thấy như bị ai nhéo ngay chỗ da non. Nhói lắm. Đêm đó về, tôi ngầm cho thằng hầu đi chuẩn bị sính lễ khênh sang để trước cửa nhà em. Hôm đón em về nhà, tôi đứng ngồi không yên. Mẹ tôi thấy thế liền sinh nghi dò hỏi. Tôi không thể để bà biết được tình ý của mình, kẻo không với tính của bà, sẽ khiến cuộc sống của em ở nhà càng thêm khắc khổ. Để không làm mọi sự đổ vỡ, tôi vờ vịt tuyên bố sẽ không chạm đến em, sau đó bỏ về phòng ngủ sớm. Trăng lên làm nỗi nhớ dâng trào, tôi lên bè chèo ngang ao sen, thông qua cửa sổ chui vào phòng em. Dưới ánh trăng non chưa đủ tuổi, vẻ đẹp của em trong mắt tôi đột ngột giống như cây trái chín mùi, trĩu nặng tâm can. Thấy em khẽ run vì gió lùa vào cửa sổ, tôi chẳng vội đóng mà nằm xuống ôm em vào lòng. Để tôi thay cửa chắn gió đông cho em, cũng tốt. Hôm sau theo tục ông bà đặt ra, tôi đường đường chính chính đưa em về nhà lại mặt. Thấy em theo sau võng tôi toát cả mồ hôi, tôi ngầm làm rách võng để có cớ bước kề cận nhau. Dọc đường chẳng may lại đụng phải ngựa hoang xổng chuồng, tôi hơi phật ý. Song nghĩ lại đây chính là cơ hội trời cho, bèn dẫn con ngựa hoang đó đến chỗ lạnh lẽo để thị giãi bày tâm sự. Do vẫn còn khó chịu vì vợ chẳng tỏ ra ghen tuông khi thấy mình đi cùng cô gái khác, tôi cũng không có tâm trạng lắng nghe câu chuyện của cô ba nhà ông huyện, chỉ thỉnh thoảng lọt vào tai vài từ "ta, ngươi" vô cùng xấc xược, muốn nhắc nhở thị như mọi lần, song lại lười nên thôi, tâm trạng theo thời tiết càng lúc càng tồi tệ.. Lúc sau, thấy con trâu nhỏ nhà mình luống cuống vì bị bắt quả tang nghe lén, tôi đột nhiên thấy vui vẻ hẳn lên. Phải chăng em đã bắt đầu để ý đến tôi? Suốt dọc đường về, tôi nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của em mà trong tâm thấp thỏm, mồ hôi rịn ướt cả lưng, lòng thầm cảm ơn câu chuyện dở hơi về đám chó hoang nào đó.. Theo đúng như tôi dự tính, chuyện cô ba nhà ông huyện trốn nhà đi tìm tôi vừa đến tai thầy cô ta, ông ấy liền đùng đùng nổi giận kéo người sang nhà tôi hoạnh họe, khăng khăng cho rằng bệnh tình con gái ông nặng thêm là do tôi khắc. Ừ thì, dù tôi không khắc, cũng do tôi mà ra thật. Thấy thầy mẹ tôi sắp dỗ được ông ta, tôi liền ra sức nói vài câu ghét bỏ vợ lẽ của mình, khiến cho ông ta càng thêm nghi hoặc, cho rằng số khắc thê của tôi vẫn chưa được giải trừ triệt để, báo hại đến con gái cưng nhà mình. Mẹ tôi sợ bị họa quan quyền, cuối cùng cũng bắt ép con trai vào ngủ cùng con dâu. Bà đâu hề biết, tôi cũng chỉ chờ có thế. Đêm đó, tôi được hưởng thụ cái gọi là mật, là đường, dường như muốn ngất đi trong hạnh phúc. Thì ra, chung chạ với người mình thương, chính là loại cảm giác điên cuồng này. Em có một đôi mắt to, đen láy, lắm lúc nhìn lâu khiến cho tôi nhảy nhót trong lòng. Nhưng cũng bởi đôi mắt dễ dàng buồn thương đó ngày nào cũng nhìn chằm chằm tôi, trong khi môi lại ngọt ngào vâng dạ, khiến tim tôi bỗng nảy nở một khát khao lạ: Tôi muốn được gần gũi em hơn. Không thỏa được hết ước mong qua chuyện chăn chối, tôi bắt đầu quan tâm đến tâm tư của em. Lúc nào cũng muốn biết em nghĩ gì, cần gì, muốn gì. Vì đâu đã da thịt áp kề như một thể, em vẫn còn dựng lên bao phòng vệ vây quanh? Nó làm tôi cảm thấy bất an. Đến lúc biết được nguyên do, tôi lại càng đâm ra hoang mang vô hạn. Thì ra, đằng sau mỗi cái cúi đầu, em lại giấu nhiều cái đau như vậy. Tôi được sinh ra trong giàu sang phú quý, từ nhỏ đã thấm nhuần tư tưởng quý – bần, chưa hề quan tâm đến những kẻ dưới mình suy nghĩ cái gì. Song chuyện lại khác đi khi một trong những kẻ đó lại là người mà tôi má áp vai kề, đầu ấp tay gối. Em đần như vậy, nếu cứ mãi nằm dưới kẻ khác, chỉ có nước ôm phiền muộn vào lòng. Đóa hoa tôi tự tay nuôi trồng, há có thể để người dập vùi cho héo hon như vậy? Bây giờ còn tôi bảo bọc, em có thể bình an mà sống. Nhưng đến ngày tôi cưỡi hạc về trời, nếu thân phận của em vẫn chỉ làm lẽ cho người, em liệu có thể ngẩn đầu mà cười hay không? Biết bao lo lắng đột nhiên choáng ngợp đầu óc, tôi thấy bản thân sau một đêm đột nhiên già đi rất nhanh.. Âu cũng là chữ thương gây ra, chữ yêu cấu thành. Thế nhưng, mỗi lần nhớ đến ánh mắt chuyên chú của em khi khâu áo cho mình, tôi bất chấp. Giang sơn của quân vương là ở trên lưng ngựa. Thế giới của con hát là bên dưới tiếng đàn. Còn thiên hạ của tôi, là ở trong đôi mắt đó. Thầy mẹ là người sinh ta tôi, tôi không thể vì em mà ngỗ nghịch với họ, càng lại không vì họ mà rẻ rúng, bỏ rơi em. Xem chừng, tôi phải tìm ra một đường đi hòa chung hai lối. Điểm bắt đầu, có thể là gia cảnh bần hàn bên vợ.. Lo lắng này chưa qua, lo lắng kia đã tới. Thấy em buồn vì bị mẹ phê phán không thể sinh con, tôi đâm ra tự trách bản thân ngàn vạn lần, vì lòng ích kỷ muốn giữ em cho riêng mình lâu thêm một chút, tôi đã vô tình ép vợ vào tội danh lỗi đạo. Tệ hơn nữa, cũng vì lần đó khiến tôi nhận ra, em vẫn chưa dứt tình với gã câm ngày nào. Nhìn em vuốt ve áo của mình mà lòng lại hướng về kẻ khác, tim tôi cuồn cuộn dậy sóng. Đóa hoa mà tôi ấp ủ, nuôi trồng nay đã nở bung rực rỡ, kẻ nhìn vào kẻ thèm, người ngó lại người tiếc. Thằng câm đó hối hận vì ngày xưa đã chẳng thể vượt qua điều tiếng để dạm hỏi em về rồi sao? Nhưng vậy thì thế nào? Em nay đã là vợ tôi, nó còn có gan ngấp nghé? Ở ngay thời khắc đó, nếu không có bàn tay mềm mại cởi hài cho mình, hơi thở âm ấm phả nhẹ lên trán đầy chiều chuộng, tôi đã nảy ra ý muốn giết quách thằng câm nọ đi. Đêm đó tôi chỉ nhắm mắt mà không hề ngủ. Mấy mươi năm sống trên cõi đời, lần đầu tiên cậu hai Phủ giàu sang hiểu thế nào là hoang mang vì lo mất của. Để dìm xuống nỗi bất an cứ không màng ngày đêm quấy phá, tôi bèn tìm việc cho em làm, khiến em không có thời gian ngồi nhớ nhung kẻ chẳng liên quan. Lại vờ. Vờ rách áo. Nghe thì dễ thế, thực hiện lại là cả một vấn đề. Nhà tôi là hào phú một phương, đồ phải rách một cách kín đáo thì họa may mới có đường giữ lại. Mà sứt mãi đường tà vợ tôi lại sinh nghi, đâm ra đêm nào tôi cũng phải ngồi nghĩ ra một chỗ rách mới, vừa kín đáo, vừa mang tính ngẫu nhiên, vừa không quá dài hại em thức đêm khâu vá. Hằng đêm, tôi thích ngồi nhìn em ôm cái bụng tròn trịa chứa con mình, chăm chú tỉ mỉ khâu từng đường kim mũi chỉ vì thầy nó, lắm lúc ngủ gật mơ về mối tình đơn phương thuở đứng ngoài ngõ trông trộm vào nhà em mà giật mình thảng thốt. Hóa ra, cả quá trình chẳng khác nào lừa trâu về nhà. "Trâu ơi ta bảo trâu này, Trâu về trâu ở vui vầy với ta Cấy cày vốn nghiệp nông gia Ta cày trâu cấy nghé ra một đàn.." À, một đàn, có nàng, có ta, có ấm trà sen, an nhiên một kiếp. * * * Ngày con gái ra đời, ước nguyện "một đàn" của tôi lụi tàn như tro trấu. Mỗi lần sinh con là đẻ ra cái tình cảnh sinh tử ly biệt như vậy ư? Thế thì đừng bao giờ sinh nữa! Ôm con gái vào lòng, tôi rủ rỉ quyết tâm cho con lớn lên nối dõi. Có lẽ sẽ rất khó, rất bất công cho con. Nhưng hãy cố con nhé, vì đây chính là cái tội của thầy, tội thầy không muốn sống thiếu mẹ con.. Đến khi ngước lên, đã thấy trâu nhỏ nhà tôi òa ra nức nở. "Cậu hai ơi, hóa ra.. cậu thương em lắm phải không?" Câu hỏi khiến cho tôi dở khóc dở cười. "Cả cái vùng này, sợ chỉ còn mỗi em chưa hay chuyện đó." Vậy là, con trâu đần nhà tôi, thoắt cái đã biến thành trâu nước.. Hoa có người chăm mới nở bung tươi thắm Người có kẻ chiều mới khoe lắm mặn mà. Bây giờ ngẫm lại, mới thấy lời đó vô cùng chí lý. Em của hôm nay chẳng còn là con trâu lỡ thì của cái ngày xưa cũ. Thì ra, đàn bà chỉ có thể đẹp ra trong sự cưng yêu chiều chuộng của chồng. Nếu được, tôi nguyện cả đời này biến em trở thành người vợ lộng lẫy nhất, để em có thể tự do mà ngông, vô lo mà sống, an tâm mà hống hách với đời. Mùng ba Tết, tôi đi buôn từ làng trên về thì gặp em hớt hải bế con chạy ra, má hồng lên vì phấn khích. Em tíu tít gì đó tôi không còn nghe rõ, nhưng đôi mắt đen láy kia lại dường như có cơn bão ngầm. Vợ chồng gần gũi bấy lâu, lẽ nào tôi chẳng nhìn ra em vừa quyết định? Quả nhiên, đêm đó, tôi thấy em lặng thầm gói lại vật gì đó, bỏ vào tráp gỗ ném xuống ao sen ngoài cửa sổ. Ngày hôm sau tôi cùng thằng hầu lội xuống ao mò mãi mới thấy vật nọ. Lúc mở cái tráp ra, thằng hầu bỗng trố mắt nhìn tôi đầy hoảng hốt. "Cậu hai, cậu có bị gì không? Cô hai ném áo của cậu đi như vậy mà cậu còn cười đến tít mắt thế kia? Cậu đừng làm con sợ nhé!" À, thì ra tôi đang mừng. Không một ai trên đời này có thể hiểu được, tôi đã đợi ngày này từ lâu lắm, lâu lắm rồi.. Đã luôn là kẻ cầm cờ, tôi chỉ mơ có một ngày quay lại nhìn thấy con trâu kia đuổi kịp. Lúc đó, có lẽ, tôi sẽ đủ an tâm để kể em nghe về câu chuyện sính lễ đêm hôm tự nhiên xuất hiện, về tấm áo dài cũ rách để quên, về cái mệnh khắc thê đã cuốn chặt em vào cậu hai nhà bá Phủ. Lúc đó, có lẽ, tôi sẽ có thể kê gối cao mà ngủ, hằng đêm không phải lo lắng em sẽ đột ngột cắt đứt duyên nợ đôi ta, một khi đã phát hiện ra con người thủ đoạn đa đoan bên dưới lớp áo choàng thư sinh nho nhã. Lúc đó, có lẽ, tôi sẽ có thể cho em biết, em khâu áo, đã khâu cả máu thịt bản thân vào trái tim tôi. À, cơ mà, lúc đó, chắc cũng phải là mấy mươi năm nữa.. Hết. * * *–