Cách xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết

Thảo luận trong 'Kiến Thức' bắt đầu bởi Zero, 27 Tháng mười hai 2020.

  1. Zero The Very Important Personal

    Bài viết:
    159
    Kỳ I. Các nhân vật - họ là ai?

    Nhân vật là những con người giống như chúng ta, chỉ khác họ sống ở trong trang sách.

    Làm thế nào để tạo nên những nhân vật mang dấu ấn khó phai trong lòng người đọc? Một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Muốn xây dựng nhân vật tốt, trước hết cần tìm hiểu những khái niệm chung nhất về nhân vật.

    I. Khái niệm chung về nhân vật và một số kiểu cấu trúc nhân vật

    1. Khái niệm


    Nhân vật văn học là khái niệm chỉ hình tượng cá thể người trong tác phẩm văn học – cái đã được nhà văn nhận thức, tái tạo, thể hiện bằng các phương diện riêng.

    2. Về mặt cấu trúc


    - Nhân vật văn học có tính chất hai mặt. Nhân vật vừa là một yếu tố phụ thuộc, nó là một loại kí hiệu đặc biệt: Là thành phần của cốt truyện, thúc đẩy cốt truyện phát triển, là chủ thể của hành động, mang ý nghĩa nhất định. Đồng thời, nhân vật cũng là một yếu tố độc lập, không phụ thuộc cốt truyện; xuất hiện như một nhân cách mang phẩm chất ổn định, vững bền.

    - Nhân vật văn học được nhận biết qua các "công thức" giới thiệu nhân vật. Công thức này bao gồm tên, tuổi, ngoại hình, lai lịch, tính cách; được giới thiệu ở đầu tác phẩm để người đọc hình dung về nhân vật.

    - Nhân vật văn học bộc lộ qua hành động: Hành động bao gồm hành vi và quá trình sống, cho biết về tâm lý, tính cách, phẩm chất nhân vật. Hành động khiến nhân vật biến đổi, tạo ra tính chất hồi cố (người đọc thường so sánh nhân vật với "công thức" giới thiệu ban đầu, để nhận ra sự biến đổi của nhân vật).

    - Nhân vật bộc lộ qua dòng ý thức: Miêu tả trực tiếp bằng dòng suy nghĩ, hồi tưởng, dòng tâm trạng; hoặc miêu tả gián tiếp qua nét mặt, cử chỉ, lời nói, hành động.

    3. Về mặt chức năng


    - Nhân vật phản ánh xã hội, thời đại, lịch sử;

    Ví dụ:

    Các nhân vật a hoàn làm nổi bật lên đời sống thượng lưu thời nhà Minh đang vào giai đoạn suy tàn trong "Hồng lâu mộng".

    - Nhân vật văn học thể hiện một triết lý sống;

    Ví dụ:

    Triết lý trong các tác phẩm của Nam Cao.

    - Nhân vật văn học thể hiện một trạng thái nhân sinh.

    Ví dụ:

    Trạng thái "chết mòn" trong truyện ngắn "Sống mòn" của Nam Cao; bản chất không ngừng vươn lên "con người chỉ có thể bị tiêu diệt chứ không thể bị đánh bại" trong "Ông già và biển cả".

    - Nhân vật văn học giúp định hướng giá trị: Mỗi nhân vật đều khái quát những tính cách có ý nghĩa, giá trị trong thời đại của nó. Những tính cách phổ biến sâu xa sẽ trở thành những "điển hình", "siêu điển hình".

    4. Về mặt loại hình


    A) Nhân vật chính, nhân vật trung tâm, nhân vật phụ

    + Nhân vật chính: Đóng vai trò chủ chốt, xuất hiện nhiều, then chốt trong cốt truyện, là cơ sở để tác giả triển khai đề tài. Nhân vật chính thường được xây dựng chi tiết, tỉ mỉ, thể hiện tập trung đề tài, chủ đề tác phẩm, đồng thời cần nằm trong xung đột tác phẩm, ở về một phe xung đột, bị ảnh hưởng, tác động khi xung đột giải quyết.

    + Nhân vật trung tâm: Nằm trong số nhân vật chính, là nơi hội tụ tất cả mối mâu thuẫn, thể hiện tập trung nhất tư tưởng chủ đề tác phẩm.

    + Nhân vật phụ: Vai trò không chủ chốt, xuất hiện ít, nhưng lại không thể xem nhẹ, vì đôi khi ở nhân vật phụ lại xuất hiện tư tưởng chủ đề quan trọng. Nhân vật phụ thường xuất hiện ở bình diện thứ hai sau nhóm nhân vật chính: Có tính cách, tình tiết nhưng không đặc sắc (Thúy Vân, Vương Quan) hoặc ở bình diện thứ ba: Chỉ được nhắc tới, mờ nhạt, không rõ ràng.

    B) Nhân vật chính diện và phản diện

    Trong quan hệ với lý tưởng thời đại nào, nhân vật chính diện mang lý tưởng, quan điểm đạo đức tốt đẹp của thời đại đó. Trong khi đấy, nhân vật phản diện sẽ chống lại những lý tưởng, những quan điểm đạo đức tốt đẹp của thời đại ấy.

    C) Một số kiểu cấu trúc nhân vật

    - Nhân vật chức năng (mặt nạ) : Thường không được khắc họa đời sống nội tâm, mang phẩm chất, đặc điểm cố định, không biến đổi, để thực hiện một số vai trò nhất định (ví dụ: Nhân vật ông Bụt trong cổ tích) ;

    - Nhân vật loại hình: Thể hiện tập trung phẩm chất xã hội, đạo đức của một loại người nhất định trong xã hội. Chẳng hạn như nhân vật quân tử và tiểu nhân trong văn chương chịu ảnh hưởng của Nho giáo.

    - Nhân vật tính cách: Được mô tả như một nhân cách, một cá nhân có cá tính nổi bật, cho thấy bộ mặt xã hội từng thời kì. Chẳng hạn như các nhân vật trong tác phẩm của Shakespeare, Balzac, Lev Tolstoy, v. V.

    - Nhân vật tư tưởng: Là nhân vật để qua đó, nhà văn khái quát một hiện tượng tư tưởng trong đời sống. Chẳng hạn, nhân vật Thứ trong "Sống mòn", Điền trong "Trăng sáng" là những nhân vật tư tưởng của Nam Cao.

    - Nhân vật ngụ ngôn: Là những nhân vật của thể loại truyện ngụ ngôn, truyền tải những bài học triết lý, nhân sinh muôn đời.

    II. Các bước xây dựng một nhân vật

    2. Chân dung nhân vật

    Nhân vật được tái hiện trong tác phẩm cũng giống như hình ảnh con người trong cuộc sống đời thực, luôn có những đặc điểm riêng về ngoại hình, gia cảnh để nhận diện. Nhà văn xây dựng nhân vật nên chú ý làm nổi bật chân dung của họ, bao gồm: Dung mạo, trang phục, hoàn cảnh xuất thân, nghề nghiệp, địa vị xã hội, v. V.

    A. Dung mạo:


    Nhân vật càng độc đáo thì ngoại hình cũng có những nét hết sức đặc trưng, thậm chí chẳng giống ai.

    Chắc các bạn vẫn còn nhớ cách miêu tả Thị Nở vô cùng ấn tượng của Nam Cao trong tác phẩm "Chí Phèo". Thị Nở trong "Chí Phèo" được miêu tả: "Cái mũi vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lẫn nhau với cái môi cũng cố to không thua cái mũi, có lẽ vì cố quá cho nên chúng nứt nở như rạn ra", "đã thế lại hay ăn trầu thuốc, hai môi dày được bồi cho dày thêm, cũng may quết trầu sánh lại, che được cái màu thịt trâu xám ngoách. Đã thế cái răng rất to lại chìa ra". Thế nhưng, chính nhờ những đặc điểm về dung mạo đó, nhân vật luôn sống mãi trong lòng độc giả bao thế hệ.

    B. Trang phục:


    Ngoài việc miêu tả dung nhan, nhà văn cũng hay chú ý đến việc miêu tả trang phục của nhân vật mỗi khi xuất hiện. Đôi khi, trang phục cũng sẽ làm nên dấu hiệu nhận diện nhân vật trong tác phẩm.

    Không liên quan lắm, nhưng chúng ta sẽ nhớ chàng Tuxedo là chàng trai luôn đeo mặt nạ trong "Thủy thủ Mặt trăng", nhớ đến bộ trang phục dành riêng cho "Người nhện" hay "Batman". Hoặc như nhân vật chính - Belikov trong truyện "Người trong bao" của Chekohv, hắn lúc nào cũng đi giày cao su, cầm ô và mặc áo bành tô ấm cốt bông. Mọi thứ vật dụng như ô, đồng hồ quả quýt, chiếc dao, đều để trong bao; cả bộ mặt hắn cũng giấu kín sau chiếc cổ áo bành tô cổ bẻ. Lỗ tai nhét bông. Lúc ngồi trên xe ngựa thì bao giờ hắn cũng cho kéo mui xe lên. Hắn thu mình trong một cái vỏ, tạo cho mình hắn một cái bao để hắn ngăn cách với bên ngoài.

    Dù không phải là bắt buộc nhưng việc tạo cho nhân vật một thứ trang phục riêng cũng sẽ làm tăng sức thu hút của nhân vật đối với đa số độc giả.

    C. Xuất thân:


    Mặc dù không phải tất cả nhưng hoàn cảnh xuất thân cũng ảnh hưởng khá nhiều đến tính cách và nội tâm của nhân vật. Thường thì trong tác phẩm, các tác giả sẽ chỉ miêu tả xuất thân của nhân vật khi nhằm một dụng ý nghệ thuật nào đó.

    Chẳng hạn, xuất thân của nhân vật trong tác phẩm của các nhà văn hiện thực thường là những người khốn khổ, ở dưới đáy cùng xã hội, như nhân vật trong các sáng tác của Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, v. V. Các nhân vật có xuất thân thuộc tầng lớp thấp này luôn hiền lành và mang tâm lý tự ti, sợ hãi trước các thế lực thuộc tầng lớp trên, và chỉ khi bị đè nén đến tận cùng, thì mới dám đứng lên để chống lại (Chí Phèo, chị Dậu).

    D. Nghề nghiệp:


    Nghề nghiệp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy và trình độ nhận thức, tính cách của các nhân vật trong tác phẩm.

    Trong văn học thời phong kiến, nghề nghiệp thường gắn liền với một kiểu người trong xã hội. Như trong "Truyện Kiều", những kẻ buôn bán thường gắn với tính chộp giật, không đứng đắn, như thằng bán tơ, tên buôn họ Mã đội lốt giám sinh.

    Trong khi đó, các nhân vật thuộc tầng lớp trí thức như giáo viên, thường được nhà văn giao nhiệm vụ phát biểu các luận đề, quan điểm chính của tác phẩm.

    E. Địa vị xã hội:


    Địa vị xã hội của nhân vật được đặc biệt quan tâm trong các tác phẩm thời kỳ có sự phân hóa giai cấp, sự phân biệt giàu – nghèo.

    Chẳng hạn, địa vị của nhân vật chính trong các tác phẩm văn học phương Tây thế kỷ XIII-XIX thường là các công tước, bá tước, hầu tước thuộc tầng lớp thượng lưu. Họ mang những trăn trở, những hoài bão về việc tìm ý nghĩa của cuộc sống, muốn vượt lên trên cuộc sống tầm thường, tẻ nhạt, chứ không phải kiểu người luôn lo lắng, quanh quẩn trong cơm áo gạo tiền như tầng lớp dưới. Điều này ta có thể thấy rõ trong hình ảnh của chàng công tước Andrei Bolconsky trong "Chiến tranh và hòa bình".

    Trên đây là những yếu tố chính trong phần xây dựng chân dung nhân vật mà các tác giả cần thể hiện rõ trong tác phẩm.

    Một lời khuyên là, muốn xây dựng tốt hình tượng nhân vật, trước khi viết, các tác giả cũng hãy hình thành thói quen xây dựng hồ sơ nhân vật, nhất là hồ sơ của các nhân vật chính, nhân vật trung tâm. Điều này sẽ có lợi vô cùng, đặc biệt là với những tiểu thuyết có dung lượng đồ sộ, số nhân vật lên tới hàng trăm, và các tác giả không thể kiểm soát được hết tất cả trong trí nhớ.

    Có một số câu chuyện vui kể về thói đãng trí của các nhà văn lớn, khi họ để nhân vật chết đi vào giữa truyện, và đến kết truyện thì lại sống lại một cách bất ngờ mà không có một lời giải thích nào mang tính hợp lý. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến tính logic của tác phẩm và khiến độc giả cảm thấy thắc mắc, thậm chí cười lăn cười bò.

    Các tác giả có thể tham khảo mẫu profile của nhân vật như sau:

    - Tên;

    - Ý nghĩa của tên;

    - Biệt danh;

    - Ngày sinh;

    - Tuổi;

    - Màu mắt;

    - Màu tóc;

    - Cỡ người;

    - Chiều cao;

    - Ấn tượng đặc biệt về ngoại hinh;

    - Trang phục thường mặc;

    - Thói quen;

    - Sở thích đặc biệt;

    - Xuất thân;

    - Các thông tin khác.

    ST.
     
    Admin, kimnanaP.T.N.T thích bài này.
    Last edited by a moderator: 9 Tháng hai 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...