Cách trồng sen đá khi mới mua về

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi taodi, 20 Tháng bảy 2021.

  1. taodi Tảo Di

    Bài viết:
    23
    Sen đá đã sớm không còn xa lạ với người dân Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ và dân văn phòng. Theo thống kê, hiện tại có khoảng 60 loại sen đá khác nhau, hầu hết chúng đều có kích thước nhỏ nhắn, đáng yêu, thích hợp với các không gian nhỏ hẹp có thể là một góc trong phòng, trên bàn làm việc hay nơi ban công. Hôm nay chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu cách trồng sen đá cũng như những lỗi hay mắc phải khi trồng chúng nhé các bạn!

    1. Nguồn gốc sen đá

    Sen đá có tên khoa học là Succulent plant, có nghĩa là thực vật mọng nước, chúng thuộc họ Crassulaceae (họ lá bỏng), chi Echeveria, thuộc loài sen đá xương rồng. Chúng phân bố chủ yếu ở Châu Mỹ, Châu Úc và Châu Phi với ước tính có đến 60 họ và 300 loài sen đá khác nhau.

    [​IMG]

    Với đặc tính dễ chăm sóc, hình dáng nhỏ nhắn có thể để trên bàn, kỹ thuật trồng đơn giản mà sen đá trở thành loại cây cảnh phổ biến và trị trường sen đá được ưa chuộng ở Việt Nam. Chúng ta có thể kết hợp sen đá với một số loài cây khác hay các vật liệu trang trí để làm cho góc nhà hay góc làm việc trở nên thật đẹp mắt.

    2. Ý nghĩa các loại sen đá

    Trong tình yêu, ý nghĩa của sen đá là đại diện cho một tình yêu bền vững vì với đặc trưng là loài cây có thể sống trong thời tiết, khí hậu khắc nghiệt nhưng vẫn mạnh mẽ vươn lên, mạnh mẽ tồn tại và rực rỡ, làm cho người ta liên tưởng đến một tình yêu đẹp, trường tồn theo năm tháng, dù trải qua bao nhiêu gian nan, thử thách thì cuối cùng cũng sẽ đơm hoa. Nét đẹp tình yêu của sen đá không kiêu sa như hoa hồng, không rực rỡ chói lóa mà nó chỉ mộc mạc, giản dị nhưng chân thành và thuần khiết.

    [​IMG]

    Trong cuộc sống, sen đá còn dạy cho chúng ta một bài học về sự kiên cường, dũng cảm. Dù có là chuyện gì cũng sẽ có cách giải quyết của nó, dù bạn có nhỏ bé thế nào, bạn phải luôn tin vào cuộc sống, tin vào chính mình và sẵn sàng chiến đấu như chính cây sen đá nơi sa mạc vậy. Hãy sống thật bản lĩnh, mạnh mẽ đón chào những thách thức ở phía trước, không tự ti, cũng không sợ vấp ngã, đó là sự khởi đầu cho những điều tốt đẹp đang chờ bạn ở tương lai.

    Trong phong thủy, ý nghĩa hoa sen đá thể hiện cho sự may mắn và vinh hoa phú quý. Người ta tin rằng chúng sẽ đem đến may mắn và tài lộc cho người sở hữu chúng bởi hình dạng của nó như một chiếc đài sen của Quan Thế Âm Bồ Tát.

    Nếu bạn đặt sen đá trong văn phòng làm việc, ý nghĩa phong thủy của sen đá giúp mang lại tài vận, sự gắn kết với đồng nghiệp, từ đó công việc của bạn sẽ được suôn sẻ và thuận lợi, sự nghiệp hanh thông.

    Ngoài ra, sen đá có đặc tính hút độc tố, lọc không khí, giúp bảo vệ sức khỏe của bạn khỏi các tia bức xạ gây hại của các thiết bị điện tử, vì vậy chúng rất thích hợp để trong nhà hoặc trên bàn làm việc của bạn đấy.


    [​IMG]

    Vậy có nhiều bạn sẽ hỏi: Sen đá hợp với tuổi nào?

    Sen đá hợp với tuổi Dậu và tuổi Hợi nhé. Chúng đặc biệt hợp với tuổi Dậu, trồng cây sen đá sẽ giúp tuổi Dậu ngăn chặn việc hao tốn tiền bạc cũng như mang đến những điều tốt lành, may mắn trong công việc. Còn với tuổi Hợi, chưng sen đá trong nhà hay trên bàn làm việc không những giúp họ có thêm tinh thần làm việc, khích lệ ý chí, tạo thêm niềm tin và phấn đấu hơn trong công việc, mà còn mang lại sự bình yên và an toàn cho tuổi Hợi nữa đấy.


    3. Các loại sen đá

    Thị trường sen đá ngày càng rộng mở khi các dân chơi bắt đầu nghiên cứu trồng và lai tạo ra nhiều loại sen đá khác nhau. Tùy theo từng vùng với thổ nhưỡng khác nhau mà dân chơi sen đá đã lai tạo ra hàng nghìn loại sen đá với những tên gọi khác nhau. Tùy theo sở thích, cá tính, gu thẩm mỹ cũng như ý nghĩa mà mỗi người sẽ lựa chọn cho mình những loại sen đá phù hợp

    Tên các loại sen đá phổ thông ở Việt Nam có thể kể đến như:

    - Sen đá nâu

    [​IMG]

    - Sen đá Phật Bà

    [​IMG]

    - Sen đá dù – Sen đá dù hồng

    [​IMG]

    - Sen thạch ngọc

    [​IMG]

    - Sen thạch bích (còn gọi là Sen ngọc bích)

    [​IMG]

    - Sen đá Thái (còn gọi là Sen đá Xanh)

    [​IMG]

    - Sen đá móng rồng

    [​IMG]

    - Sen đá Lá Thơm (hay còn gọi là Cây Nhất Mạt Hương)

    [​IMG]

    Những loại sen đá trên đây đều là những loại dễ trồng, thích hợp với thổ nhưỡng Việt Nam. Ngoài những loại trên còn có các loại sen đá khác như: Sen đá Bắp cải Tím, Sen đá Chuỗi Ngọc, Sen đá nhung viền đen, Sen đá thược dược, Sen đá bánh bao..


    4. Cách trồng sen đá

    Khi nói đến trồng cây, bất luận là cây gì thì khâu chọn đất trồng cũng vô cùng quan trọng và được nhắc đến đầu tiên. Đối với sen đá cũng vậy, khâu trộn đất quyết định cây sen đá của bạn có sống tốt hay không nhưng lại ít bạn quan tâm đến khâu này.

    Có thể các bạn chưa biết, hầu hết những chậu sen đá mà chúng ta mua ngoài tiệm đều được nhập từ Đà Lạt vào, mà Đà Lạt lại là nơi có khí hậu lạnh và khô. Chính vì lẽ đó, đất trồng có sẵn trong các chậu cây này đa phần đều là đất có độ giữ ẩm tốt, có xu hướng giữ khá nhiều nước trong đất. Tuy nhiên, khi vào miền Nam, khí hậu có sự khác biệt rõ rệt, thiên về nóng ẩm, do đó chúng ta cần phải trộn một hỗn hợp đất khác để giúp cây phát triển tốt hơn.


    • Trộn đất cho sen đá

    Trộn đất trồng sen đá đơn giản nhất bao gồm 3 thành phần có tỷ lệ tương ứng như sau:

    4 hỗn hợp tro trấu: 4 đá pumice: 2 đá perlite

    Những nguyên liệu này bạn có thể dễ dàng tìm mua ở các cửa hàng bán dụng cụ để trồng cây cảnh. Đây là hỗn hợp đất trồng sen đá thường được áp dụng ở nơi có khí hậu nóng ẩm nhé.

    Một công thức khác nữa là bạn có thể dùng hỗn hợp tro trấu và tro than tổ ong (đã đập nhỏ và rửa sạch) để trồng sen đá. Ưu điểm của công thức này là nó sẽ tạo ra một môi trường đất xốp và thoáng khí, khi bạn tưới nước thì hỗn hợp này sẽ nhanh khô hơn, cây cũng sẽ dễ ra rễ hơn.

    Sau khi đã trộn đều hỗn hợp đất, các bạn thử nắm chặt một nắm đất lại, nếu hỗn hợp đất không bị dính vào nhau thì đạt tiêu chuẩn.


    • Lựa chọn chậu

    Chậu trồng sen đá phải là loại chậu có lỗ thoát nước tốt, nên chọn chậu có kích thước phù hợp với cây, không quá to cũng không quá nhỏ. Nếu các bạn chọn chậu quá to, nghĩa là lượng đất trong chậu sẽ rất nhiều trong khi cây của bạn lại nhỏ, việc này làm cho chậu giữ nước quá nhiều dễ làm sen đá bị úng. Còn nếu bạn chọn chậu quá nhỏ sẽ cản trở sự phát triển bình thường của sen đá nhé.

    Loại chậu tốt nhất để trồng sen đá là chậu đất nung. Vì loại chậu này có khả năng thấm nước qua bề mặt chậu, thoát nước tốt và giúp cây mau khô hơn.


    • Thay chậu cho cây

    Sau khi bạn đã tìm được cho cây sen đá một cái chậu thích hợp thì tiến hành thay chậu cho cây nhé. Bạn nhẹ nhàng nhấc cây sen đá ra khỏi chậu cũ, dùng tay nhẹ nhàng loại bỏ phần đất cũ, hạn chế đụng mạnh đến phần rễ cây làm cây bị tổn thương. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên tỉa bớt rễ đâu nhé, chỉ loại bỏ những sợi rễ bị úng hoặc hư hỏng mà thôi, vì một khi cây đang khỏe mạnh mà bạn lại đi cắt bớt rễ sẽ làm nó bị tổn thương, cây cần một thời gian dài để cây hồi phục và mọc ra rễ mới đấy.

    Tiếp theo bạn cho đất mới vào cho cây. Lưu ý là trồng cây sen đá vừa nằm ở trên miệng chậu, không được trồng cây quá sâu xuống phía dưới hoặc quá cao so với miệng chậu.

    Cuối cùng, các bạn rải 1 lớp đá ở bề mặt chậu để tránh đất bị trôi ra ngoài khi tưới nước. Ở khâu này bạn cũng chỉ chọn các loại đá có khả năng thấm hút tốt để bề mặt đất được thông thoáng.


    [​IMG]

    • Tưới nước cho sen đá và đem cây đi phơi nắng

    Ngày đầu tiên thay chậu, không được tưới nước cũng không được đem cây ra phơi nắng. Đặt cây ở nơi mát mẻ, thoáng mát sau khoảng 1 ngày thì mới bắt đầu tưới nước cho cây.

    Khi tưới nước, chỉ cần tưới nước ở phần gốc cây, không được tưới lên lá. Chờ đến khoảng 2-3 ngày sau đất khô hoàn toàn thì mới bắt đầu tưới lần tiếp theo. Khoảng thời gian đất khô sẽ tùy thuộc vào việc bạn để cây ở nơi như thế nào, nếu đó là nơi thoáng gió và đủ nắng thì đất trồng sẽ nhanh khô hơn.

    Ngoài ra, như đã nói ở trên, việc lựa chọn đất trồng và chậu cây có khả năng thoát nước tốt cũng đã góp phần giúp đất nhanh khô hơn rồi. Nên các bạn không cần quá lo lắng về việc cây bị úng nhé. Cây sống thì cần phải có nước nên chúng ta đừng có quan điểm sai lần rằng cây sen đá thì không cần tưới nước nhe các bạn.

    Trong ngày tiếp theo sau khi tưới nước, các bạn cần đem cây đi phơi nắng khoảng 1-2 tiếng cho cây ổn định, rồi sau đó dần dần tăng thời gian phơi nắng của sen đá lên. Khoảng thời gian thích hợp để phơi nắng cho cây là khoảng trước 9 giờ sáng hoặc sau 3 giờ chiều. Khoảng 1 tuần sau thì cây sen đá sẽ ổn định, lúc này bạn cần cung cấp nắng cho cây từ 3-4 tiếng mỗi ngày để cây lên màu đẹp và phát triển tốt.


    Lưu ý:

    Trong tuần đầu tiên của khoảng thời gian mới thay đất, sen đá có thể xuất hiện một số hiện tượng như: Lá ở phần gốc bị vàng và rụng đi. Chuyện này là bình thường, vì mới thay đất thì cây cần thời gian thích nghi. Sau khi thích nghi rồi thì cây sẽ không còn tình trạng này nữa.

    Nhưng nếu tình trạng vẫn cứ kéo dài sang tuần khác thì các bạn cần xem lại việc chăm sóc của mình nhé, có thể bạn đã không chăm sóc cây đúng cách đấy.

    Nơi để sen đá thích hợp nhất là nơi thoáng gió và có thể đón được ánh nắng buổi sáng thì càng lý tưởng.


    • Nhân giống sen đá

    1. Cách thức nhân giống: Giâm cành
    2. Các bước nhân giống sen đá:

    Bước 1: Cắt lá và cành của cây gốc. Chọn những lá chắc khỏe, trưởng thành, không sâu bệnh.

    Bước 2: Sau khi đã thu gom xong lá và cành, để vết cắt khô trong 1 ngày.

    [​IMG]

    Bước 3: Tỉa bớt lá ở phần gốc chỉ để lộ khoảng 1 đến 2 cm giúp thuận tiện cho việc cắm vào chậu.

    Bước 4: Bạn hãy trộn một hỗn hợp đất như đã hướng dẫn ở trên và lần lượt cắm các nhánh đã cắt vào chậu.

    Bước 5: Một điều lưu ý nhỏ là đối với phần lá sen đá, bạn chỉ cần đặt nhẹ chúng lên bề mặt đất trồng chứ không cần vùi chúng xuống đất đâu nhé.

    [​IMG]

    Bước 6: Xong rồi thì các bạn tưới nước và để ở một nơi thoáng gió. Sau đó đem đặt chậu cây ở nơi có nắng nhẹ khoảng 2 tiếng/ngày. Khi thấy đất khô thì tưới lại nhé. Sau một tháng thì chúng ta sẽ thấy được thành quả.

    5. Những vấn đề thường gặp ở sen đá

    Bất cứ một loại cây nào thì khi trồng nó chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với một số trường hợp cây gặp phải vấn đề. Đối với sen đá thì trường hợp này cũng không tránh khỏi, chỉ là chúng sẽ ít có sâu bệnh hơn nhưng nếu các bạn chăm sóc không tốt cây sẽ gặp một số vấn đề sau:

    - Sen đá bị vàng lá: Lá sen đá sau một thời gian có thể bị già đi và trở nên vàng vọt, lúc này các bạn chỉ cần loại bỏ những lá này là được.

    - Sen đá bị úng nước: Có 2 nguyên nhân dẫn đến cây bị úng là tưới nước quá nhiều hoặc đất thoát nước không tốt. Dấu hiệu thường gặp là lá và thân ngả sang màu vàng thâm, trong suốt, cây yếu ớt, rễ bị đen. Khi thấy những dấu hiệu đầu tiên này, bạn phải nhanh chóng cứu chữa kịp thời nếu không một khi bị úng nặng thì cây sẽ không qua khỏi. Các bạn chỉ cần tách bỏ những phần bị thối, đem cây đi phơi khô trong khoảng 2 đến 3 ngày rồi đem đi trồng lại là được.


    [​IMG]

    - Sen đá bị cháy nắng: Đây là hiện tượng bạn để cho cây bị phơi nắng giữa trưa trong một thời gian dài. Dấu hiệu là rìa lá bị cháy khô, chuyển sang màu đen. Cách khắc phục: Đem cây vào nơi nắng nhẹ, để cây tự hồi phục trong một thời gian và ra lại lá mới.

    [​IMG]

    - Sen đá bị nấm, rệp tấn công: Đây là tình trạng bệnh vô cùng nguy hiểm, thường xảy ra vào thời điểm giao mùa. Dấu hiệu dễ nhận biết là lá phía dưới gốc cây rụng hết hoặc dễ bị tách khỏi phần thân, thân cây bị thối và xuất hiện các đốm trắng chính là nấm nhe các bạn. Bên cạnh đó, rệp sáp trắng cũng rất nguy hiểm nhe. Các bạn nên để cây ở khu vực không có kiến và phun thuốc chống nấm rệp cho cây.

    [​IMG]

    Trên đây là những góp nhặt của mình về cách trồng sen đá. Hi vọng với bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn nào đam mê cây cảnh nhé!
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...