Người viết: Moon Sen Theo tôi một nhà quản lí tốt, một nhà lãnh đạo tài ba hay một doanh nhân thành đạt thì đều có những điểm chung đó là có tâm huyết trong công việc, những con người ấy họ hy sinh không chỉ cho riêng bản thân mà là cho cả tập thể. Phải là một người có đầu óc sáng suốt biết mình cần làm gì và nên làm gì. Mọi quyết định hay hành động của bản thân không chỉ ảnh hưởng tới riêng mình mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến bất cứ một ai khác, bất cứ một tập thể nào. Chắc hẳn chúng ta ai cũng từng nghe qua cái tên như Jack Ma, Bill Gates.. họ đều là những doanh nhân thành đạt có tiếng trên Thế Giới. Họ chỉ là những người công dân bình thường, bước vào kiếm sống khi tuổi đời còn rất trẻ, chân ướt chân ráo họ đi lên chỉ bằng hai bàn tay trắng. Để có được như ngày hôm này thì đó là cả một quá trình dài gian khổ không phải ai cũng làm được. Bởi, để trở thành một người lãnh đạo, một nhà quản lí là một quá trình làm việc đầy cực nhọc và gian lao, bạn cần phải có tri thức, kỹ năng và đặc biệt hơn là sự khéo léo trong giao tiếp, nhạy bén và tinh tế trong các mối quan hệ, khả năng nhanh nhạy để giải quyết các vấn đề trong công việc và đời sống. Thế nên để trở thành một nhà quản lí, một nhà lãnh đạo hay một nhà doanh nhân thì chúng ta cần và không cần những thứ gì: *Những hành trang cần thiết: 1. Đạo đức tốt: Khi bạn đã là người đứng đầu, bạn phải là người có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, bạn là người đi trước để làm gương cho những thế hệ đi sau. Bạn lịch sự, thân thiện, cởi mở với mọi người đó cũng là một lí do giúp cho mọi công việc thêm nhẹ nhàng, dễ dàng và giảm thiểu được bớt áp lực trong công việc. Điều đó cho thấy, khi bạn làm những điều cần thiết dựa trên những giá trị và niềm tin của bản thân và tập thể thì đấy cũng là điều cốt lõi khiến mọi người chấp nhận và nể phục. Hơn thế một người lãnh đạo hoạt động vì lợi ích của đất nước và sự no ấm của nhân dân chứ không để làm giàu cho cá nhân mình và cũng chẳng phải để tự hào. Với tôi là một người lãnh đạo không thích người khác đánh giá mình về tiền bạc mà bằng chính năng lực của bản thân tôi. 2. Chính trực: Đối với một người lãnh đạo lòng chính trực là đức tính thể hiện sự trung thực, luôn đi theo những tiêu chuẩn đạo đức. Sự chính trực thường là sự lựa chọn của cá nhân để giữ họ luôn bám chắc vào những quy chuẩn của đạo đức xã hội. Sự chính trực của một nhà lãnh đạo là một lý do khiến cho nhân viên cho rằng họ là người đáng tin. Sự chính trực của họ giống như là nền móng vững chắc của một tòa nhà. Họ không giấu diếm hay nói sai suy nghĩ cảm xúc của mình. Họ không làm quá, không dối trá và luôn tuân theo quy chuẩn của nhất định. Họ nói là làm. Một người đứng đầu là phải làm những điều đúng đắn, không đi tắt. Và cách họ thể hiện bản thân là thể hiện ở GIÁ TRỊ CON NGƯỜI. 3. Niềm say mê: Một nhà lãnh đạo họ khao khát kinh doanh, khao khát làm giàu. Với niềm đam mê công việc, họ luôn thích tìm tòi những cái mới hay những điều mới mẻ. Người kinh doanh cũng là một công dân của nhà nước, cũng mang trong mình tình cảm dạt dào với đất nước và mong muốn đất nước mình phát triển phồn vinh, mang trong mình sự nhiệt tình và ước vọng được đóng góp dù ở bất cứ lĩnh vực nào. 4. Ứng xử và giao tiếp: Các nhà lãnh đạo không chỉ giỏi trong việc tăng doanh thu cho công ty ngày một mạnh hơn, mà còn phải thành thạo và khéo léo trong những cuộc giao tiếp. Bạn nói và thuyết phục được người nghe. Thật vậy, một "thương hiệu" của một nhà lãnh đạo có thể được xây dựng dựa trên các mối quan hệ. Giao tiếp hiệu quả không chỉ có nói mà còn biết lắng nghe. Làm một người lãnh đạo bạn còn tạo nên tính kiên nhẫn, bạn lắng nghe chăm chú câu chuyện của người khác, đặt câu hỏi và khuyến khích trao đổi để hiểu sâu và cặn kẽ vấn đề. Một người lãnh đạo thực thụ họ luôn biết lắng nghe, lắng nghe từ cấp dưới của họ để tạo nên thành công chung của tập thể. Đây là một kỹ năng cực kì quan trọng mà không phải một nhà lãnh đạo nào cũng có được. 5. Quyết đoán: Là phẩm chất không thể thiếu của một người đứng đầu. Đó là sự tự tin của một người làm lãnh đạo, bạn đưa ra một quyết định nhanh chóng, dứt khoát, không do dự, phán đoán một cách quả quyết. Nếu bạn có ý kiến phản hồi và góp ý từ các nhân viên của mình, sau đó đưa ra quyết định dựa trên cơ sở suy xét và nắm chắc vấn đề, họ sẽ có niềm tin mạnh mẽ vào quyết định của bạn. Sự quyết đoán của một nhà quản lý cũng giúp nhân viên có định hướng đúng đắn về công việc và làm việc tập trung hơn. Quyết đoán cũng là dũng khí của người dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Người lãnh đạo sẽ biết được khi nào bản thân cần trở nên quyết đoán, và khi nào cần lùi lại một bước. 6. Trí tuệ cảm xúc: Bạn luôn biết điều chỉnh cảm xúc của bản thân trong công việc và trong cuộc sống cá nhân, bởi hành động của bạn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến những người xung quanh. Cái bạn cần là người biết ứng xử với sự khiêm tốn. Là người lãnh đạo thực thụ, bạn luôn quan tâm đến cảm xúc cá nhân và cảm xúc của người khác. Bạn là người lãnh đạo chứ không phải là một kẻ độc tài tự cho mình là đúng mà không biết đồng cảm với một ai khác. Ở đây bạn đặt mình vào vị trí của người khác, sẽ dễ dàng giải quyết vấn đề hơn khi nó trở thành vấn đề của bạn. Người lãnh đạo luôn hướng tới lợi ích của tập thể, để đưa tập thể ngày một đi lên chứ không phải chỉ cho riêng cho bản thân. 7. Không ngại thay đổi: Một nhà lãnh đạo sắc bén phải có khả năng nắm bắt thời cuộc, thích ứng, hành động tích cực và chủ động trước sự thay đổi của cuộc xã hội. Bạn thay đổi để bắt kịp thời đại, sẽ tìm cách thổi nhiệt huyết vào trong công việc để sáng tạo và biết được khách hàng của bạn đang muốn gì? Người đứng đầu sẽ không ngần ngại việc cầm lái tổ chức đồng bộ để thu hút thêm khách hàng, hay thu thập ý kiến của mọi người để đưa ra cách giải pháp tốt nhất cho công việc. 8. Mạo hiểm: A. Lincoln đã từng nói: "Điều tôi muốn biết trước tiên không phải là bạn đã thất bại ra sao mà là bạn đã chấp nhận nó như thế nào". Muốn thành công thì phải đương đầu, một người lãnh đạo tài năng sẽ biết vượt ra khỏi vòng an toàn để đối mặt với thử thách. Trong bất kì lĩnh vực nào cũng đều có những thử thách và đầy rủi ro. Một người lãnh đạo có tinh thần mạo hiểm sẽ tạo động lực rất lớn cho nhân viên của mình để đạt được thành tích tốt. Tuy nhiên việc mạo hiểm phải lường trước hậu quả của sự việc và không đem đến tổn thất cho tập thể. 9. Kiến thức chuyên môn: Là một người đứng đầu thì tầm hiểu biết là vô cùng quan trọng. Người lãnh đạo là người cầm lái đưa doanh nghiệp mình đi đúng hướng, theo đúng mục đích đề ra để đưa tập thể ngày một đi lên. Cùng với sự vận động và thay đổi không ngừng của thời đại, những người không đủ tài năng sẽ dần bị xã hội đào thải. Khi bạn đã thực sự dám đương đầu với những thử thách ở nhiều lĩnh vực khác nhau, rút ra kinh nghiệm sống cho bản thân và hơn hết biết được những điểm bản thân còn thiếu xót. Phải có khả năng vượt khó, dám đương đầu, ham hỏi hỏi và tìm ra những cái mới và không ngừng thể hiện bản thân mình. Người lãnh đạo luôn thấu hiểu tổ chức, biết rõ sự vận hành của tổ chức; biết liên kết chèo lái trong mọi hoàn cảnh khác nhau.. là những yếu tố thực sự cần thiết cho mọi cương vị lãnh đạo. 10. Truyền cảm hứng và trao quyền: Một trong những trách nhiệm quan trọng nhất của một nhà lãnh đạo là xây dựng và duy trì tinh thần làm việc cho tất cả thành viên trong công ty. Một nhà lãnh tốt phải dám nhận trách nhiệm đương đầu với những thử thách và chấp nhận thay đổi. Họ phải biết động viên nhân viên của mình bằng cách tạo ra một môi trường làm việc mới. Thường xuyên trao đổi thông tin, sự thay đổi và tin tức liên quan đến công ty để các nhân viện không thấy mình bị loại ra khỏi tổ chức. Khen và phê bình đúng lúc, đúng mức có tác dụng động viên rất cao. * Những điều mà những đứng đầu nên tránh: 1. Không làm gương: Bạn là người đúng đầu một doanh nghiệp, bạn có trách nhiệm làm gương cho đội ngũ của mình. Nếu bạn dùng thời gian của công ty để làm những việc riêng, hay thường xuyên đi muộn, không chấp hành theo nội quy của công ty, nói xấu giám đốc của mình.. vậy bán có dám chắc chắn nhân viên của bạn không làm những điều tương tự hay không? Nếu trong tổ chức của bạn có những quy luật cấm như không được thực hiện như mua đồ ăn đến công ty trong giờ làm việc, hay một vấn đề nào hay ho khác. Nếu một ngày với cương vị là người lãnh đạo, nhưng bạn lại mua đồ ăn đến công ty và ăn ở ngay bàn làm việc của mình. Và thêm một vài lần tương tự như vậy, thì bạn có nghĩ rằng nhân viên của bạn cũng sẽ làm những điều tương tự bạn ở một thời điểm nào khác không? 2. Nóng tính: Đôi khi không kìm nén được cảm xúc của cá nhân cũng là một điểm yếu mà người lãnh đạo thường xuyên mắc phải. Bạn đang bực dọc trong người về chuyện gia đình và khi đến công ty một thành viên nhóm bạn lại làm thiếu xót trong một dự án của công ty và kết quả là cả nhóm bạn nhận được phàn hồi tiêu cực từ giảm đốc. Với vai trò là người đứng đầu nhưng bạn chỉ biết la hét, chửi bới và nhiều hành động thô lỗ đối với nhân viên của mình mà không chịu bình tĩnh, xem xét lại vấn đề rằng đã sai hay thiếu xót ở đâu và cần khắc phục như thế nào. Giờ bạn là sếp, đồng thời bạn là người đại diện cho tập thể, mọi suy nghĩ hay hành động của bạn có thể ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của nhân viên. Vậy nên làm người đứng đầu điều khiển được cảm xúc của bản thân cũng là một yếu tố quan trọng trên con đường thành công. 3. Tham nhũng: Tham nhũng là hành vi tối kị đối với một người lãnh đạo không nên có, điều đó gây ảnh hưởng rất lớn đến cá nhân hay một tổ chức. Nhấn mạnh tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ngày càng tinh vi và được che đậy bằng nhiều thủ đoạn vô đạo đức. Với cương vị là một đứng đầu một tổ chức trong bất kì một lĩnh vực nào cũng đều không được lạm dụng. Sử dụng chức vụ, quyền hạn được giao để vụ lợi, đem lợi ích riêng về cho bản thân đều là vi phạm pháp luật, là trái với chuẩn mực đạo đức của một người lãnh đạo. 4. Hay đỗ lỗi, trốn tránh trách nhiệm: Một người lãnh đạo tốt luôn là chỗ dựa cho cả một tổ chức, vậy mà thói quen đỗ lỗi cho người khác thay vì tự chịu trách nhiệm về mình thì lại đi quy trách nhiệm cho cấp dưới đây là một tình trạng đáng chê trách. Thói quen này hiện hữu mọi lúc, mọi nơi ở mọi đối tượng và đặc biệt xuất hiện nhiều trong môi trường doanh nghiệp. Thay vì bạn chỉ biết đỗ lỗi cho người khác tại sao bạn không tự tìm ra lỗi sai ấy ở đâu mà khắc phục lại cho đúng. Đứng trên cương vị của một người lãnh đạo càng không nên mắc phải những sai lầm như vậy. 5. Không có sự tương tác giữa người lãnh đạo và nhân viên: Có thể lịch trình của một người lãnh đạo rất dày đặc, nhưng đặc biệt lưu ý dành thời gian cho nhân viên của mình. Bởi sự tương tác giữa nhân viên và người lãnh đạo là vô cùng quan trọng. Với vai trò là người quản lí nhưng bạn không thường xuyên liên lạc, giám sát, nắm bắt thông tin của nhân viên mình. Bạn quá thả lỏng và vô tâm với nhân viên, vắng mặt mỗi khi nhân viên cần hỗ trợ, hay cần sự đóng góp ý kiến của người lãnh đạo để thông qua một vấn đề quan trọng trong công việc. 6. Thiếu tin tưởng người khác: Một nhà lãnh đạo tài năng không chỉ là người có chuyên môn và năng lực quản lí. Mà một người lãnh đạo họ còn biết phát hiện ra những nhân tài và tin tưởng giao các nhiệm vụ cho họ. Một người sếp nếu không có lòng tin vào nhân viên của mình, thì rất khó để tạo nên một tập thể bền vững. Vì một khi nhà lãnh đạo thể hiện niềm tin cũng như thể hiện sự tôn trọng với các nhân viên trong công ty.