Review Sách Cách Sống Từ Bình Thường Trở Nên Phi Thường - Inamori Kazuo

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Cơn mưa đầu hạ, 29 Tháng mười 2021.

  1. Cơn mưa đầu hạ A Thụy

    Bài viết:
    8
    Điều gì khiến "cách sống – từ bình thường trở nên phi thường" được lòng độc giả?

    "Self help" là một loại sách rất thịnh hành giai đoạn 2014 – 2019. Thông thường, những quyển sách loại này mình sẽ không đọc nhiều bởi tính giáo điều, phi thực tế và trùng lặp của chúng. Tuy nhiên, khi duyên mang mình tới với "cách sống – từ bình thường trở nên phi thường" của Inamori Kazuo thì mình liền trầm trồ "ồ, self-help mà cũng có quyển sách chất lượng như thế này sao?".

    Vậy "cách sống – từ bình thường trở nên phi thường" đặc biệt như thế nào? Hãy cùng mình tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!

    [​IMG]

    Điều tạo nên sự khác biệt?

    Có thể nói điều khiến "cách sống – từ bình thường trở nên phi thường" khác biệt so với những quyển sách kỹ năng khác là do tác giả Inamori Kazuo đề cao tính nhân văn và đạo làm người trong nó.

    Cách sống, làm việc, cống hiến vẫn được đề cập nhưng xen kỹ với đạo đức sống và lòng vị tha. "Cách sống – từ bình thường trở nên phi thường" không dạy chúng ta nắm bắt suy nghĩ của người khác thông qua hành động của họ như "đọc vị bất kỳ ai", không dạy chúng ta cách lôi kéo người khác như "đắc nhân tâm" mà dạy ta cách nâng cao nhân cách và mài giũa tâm hồn.

    Nâng cao nhân cách và mài giũa tâm hồn bằng cách nào? Bằng cách xác lập nền tảng tư tưởng, quan điểm cho chính mình. Làm thế nào để xác lập được quan điểm tư tưởng và quan điểm riêng cho mình? Hãy sử dụng đạo đức và luân lý của loài người. Đạo đức và luân lý của loài người là gì? Đó là đạo làm người: Ngay thẳng, chính trực, không tham lam, không ích kỷ, không dối trá, không làm hại người khác, luôn luôn vị tha..

    Làm thế nào để thực hiện được đạo làm người đó? Hãy thực hiện nó mọi lúc mọi nơi, từ suy nghĩ cho tới hành động, từ làm việc cho tới học tập, nghỉ ngơi.

    Chúng ta sẽ chẳng phải đọc vị ai, chẳng cần phải lôi kéo người khác. Chúng ta hãy làm mọi việc ngay thẳng, suy tính lợi ích ở tầm vóc cộng đồng, nhân loại thì tự động những điều ta muốn sẽ tự đến với ta.

    Đây là điểm mình thích nhất ở cuốn sách này. Cuốn sách không chỉ dạy mình cách làm việc mà còn dạy mình cách làm người.

    Hạt sạn nào vẫn còn trong "cách sống"?

    Thích và không thích luôn song hành cùng nhau, mọi vật trên thế gian đều tồn tại một cách tương đối. Và "cách sống – từ bình thường trở nên phi thường" do Inamori Kazuo chắp bút cũng vậy. Có 2 điểm mình không thích ở cuốn sách này đó là sự rời rạc và sự dài dòng.

    Thứ nhất là về sự rời rạc:

    Quá trình chuyển tiếp giữa 2 chương: Từ lời mở đầu sang chương 1 và từ chương 3 sang chương 4 không có sự liên kết. Tính kết nối giữa các đoạn này lỏng lẻo, không nhất quán. Phần mở đầu của cuốn sách đề cao nhận thức cảm tính nhưng kết thúc phần mở đầu chuyển sang chương 1 thì nhận thức cảm tính không còn nữa ( "quay ngoắt" 360 độ sang nhận thức lý tính). Sự chuyển biến nhận thức đột ngột này này còn lặp lại ở "giao đoạn" chương 3 và chương 4 (từ nhận thức lý tính sang nhận thức cảm tính). Điều đó làm mình bị "sốc đọc", bị bối rối và bị hoang mang. Có thể đây là dụng ý riêng của tác giả. Nhưng theo mình nghĩ, nếu tác giả khéo léo hơn trong việc đan xen, cài cắm nhận thức cảm tính và lý tính trong các chương thì cuốn sách có thể thành công nhiều hơn nữa.

    Thứ hai là sự dài dòng trong đoạn văn:

    Có thể quyển sách này nó khá nhẹ "đô" với mình nên những giải thích bổ nghĩa của câu sau cho câu trước đó làm mình cảm thấy lê thê, rườm rà không cần thiết. Có thể đối với người khác, quyển sách này khá chi tiết, tỉ mỉ và dễ hiểu.

    Làm thế nào để Inamori Kazuo chạm sâu vào lòng độc giả?

    Để trả lời cho câu hỏi này, mình nghĩ không có cách lý giải nào khác phù hợp hơn khi nói rằng do hệ thống tư tưởng đồ sộ mà Inamori Kazuo chịu ảnh hưởng. Tác giả Inamori Kazuo chịu ảnh hưởng bởi các luồng tư tưởng lớn như Phật giáo, Nho giáo, tinh thần võ sĩ đạo, lý thuyết kịch xã hội, hiệu ứng lời tiên tri tự đúng.

    Đây là những tư tưởng, học thuyết lớn được xã hội thừa nhận và lựa chọn làm theo. Chẳng gì thành công hơn nếu có thể chạm vào tâm hồn lớn của nhau bằng những tư tưởng tương đồng.

    [​IMG]

    Triết lý Phật giáo

    Inamori Kazuo là người chịu ảnh hưởng lớn bởi hệ thống triết lý, tư tưởng của đạo Phật. Thứ nhất là do gia đình ông là một gia đình có truyền thống Phật giáo. Thứ 2, ông là một phật tử chân chính. Khi đến tuổi nghỉ hưu, Inamori Kazuo đã xuống tóc quy y cửa Phật tại một tu viện Phật giáo ở Nhật Bản. Ông đã từng nói rằng "tôi chia cuộc đời mình làm 3 giai đoạn. Giai đoạn trưởng thành từ khi sinh ra đến 20 tuổi. Giai đoạn thứ 2 là từ 20 tuổi đến 60 tuổi – quãng thời gian dấn thân vào xã hội, làm việc và cống hiến. Giai đoạn thứ 3 kể từ 60 tuổi, quãng thời gian chuẩn bị đi vào thế giới tâm linh" [97] .

    Quan điểm Phật giáo trong tác phẩm này của ông được thể hiện qua các nhận định về số mệnh và luật nhân quả, vòng luân hồi, nguồn gốc của sự thất bại, phương pháp để thoát ra khỏi sự thất bại đó.

    Theo Inamori Kazuo, số mệnh và luật nhân quả là 2 sức mạnh vô hình chi phối cuộc đời con người. Nếu xem số mệnh là sợi chỉ dọc thì luật nhân quả là sợi chỉ ngang. Hai sợi chỉ này đan xen nhau dệt nên "tấm vải cuộc đời" của chúng ta. Sợi chỉ số mệnh là sợi chỉ bất biến không thể thay đổi thì sợi chỉ nhân quả là sợi chỉ có thể điều chỉnh làm thay đổi định mệnh. Tuy nhiên, luật nhân quả đến sớm hay đến muộn sẽ tùy thuộc vào mệnh dày hay mỏng của mỗi người. Chúng ta cần soi chiếu luật nhân quả trong thời gian rộng với góc nhìn quán chiếu. Vậy nên, để cuộc sống hạnh phúc, suôn sẻ, may mắn và thành công cần phải sống đúng với đạo làm người và vị tha với nhân loại.

    Quan điểm Phật giáo trong "cách sống – từ bình thường trở nên phi thường" còn được thể hiện qua vòng luân hồi. Inamori Kuzuo đã viết trong tác phẩm: "Sau khi rời khỏi thể xác, linh hồn sẽ tồn tại ở một chỗ khác. Linh hồn sẽ luân hồi chuyển kiếp. Khi chúng ta sinh ra trên cõi đời này đã mang theo Nghiệp được tạo thành từ kiếp trước và chúng ta chồng tiếp lên đó Nghiệp của kiếp này rồi đến dần với cái chết" [101] . Vì thế mỗi ngày tồn tại, con người nên làm việc tuân theo trí huệ và lương tâm để phát sinh thiện nghiệp, diệt trừ nghiệp ác.

    Inamoria Kazuo đã vận dụng triệt để "khổ đế" và "đạo đế" (2 diệu đế trong tứ diệu đế – giáo lý của đạo Phật) để lý giải nguồn gốc của thất bại và đưa ra phương pháp hóa giải những thất bại đó. Khổ đế (nguyên nhân của sự khổ đau) trong tác phẩm này là nguyên nhân của thất bại. Thất bại là do không sống đúng với đạo làm người, vị kỷ, lợi ích nhóm (làm việc không đặt lợi ích của nhân loại lên trước hết), lười biếng, không có kế hoạch cụ thể.. Để thoát thất bại này, con người cần phải "đạo đế" – diệt thất bại để đi tới thành công. Để "đạo đế" thành công con người cần phải có quan điểm tư tưởng đúng đắn, đặt đạo đức làm kim chỉ nam, xây dựng ý nghĩa cuộc sống và định hướng tương lai rõ ràng.

    Tư tưởng Nho giáo

    Ngoài Phật giáo, tác giả Inamori Kazuo còn chịu ảnh hưởng tư tưởng đạo làm người của Nho giáo: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Tư tưởng này được tác giả thể hiện trong xuyên suốt tác phẩm. Đối với tác giả đây là đạo làm người đúng đắn dẫn lối sáng để chúng ta thoát khỏi u mê:

    • Nhân: Con người phải có tấm lòng vị tha, bao dung rộng mở. Đối nhân xử thế cần gắn mình vào sự liên kết của toàn nhân loại; chính trực, ngay thẳng, không tư lợi, tham lam, ích kỷ, dối trá, làm hại người khác.
    • Lễ: Mỗi người sinh ra trên thế giới này đều có vai trò, trách nhiệm nhất định. Chúng ta cần phải thể hiện trách nhiệm của mình đối với người, với đời, với xã hội, với nhân loại. Phàm những việc mang lại khổ đau cho người khác tuyệt đối không nên làm.
    • Nghĩa: Trong công việc, trong cuộc sống chúng ta phải biết cách nói lời cảm ơn và xin lỗi. Ứng xử với nhân viên, đồng nghiệp với đối tác hợp lễ nghi, trọn đạo làm người. Sống là phải rạch ròi, "chí công vô tư" không tư lợi cá nhân, không sử dụng quyền lực để hà hiếp người khác.
    • Trí: Phàm khi thực hiện một điều gì đó phải có sự hiểu biết nhất định. Chúng ta không được ngừng học hỏi, ngừng dấn thân, ngừng tìm tòi nghiên cứu. Chúng ta cần có một kế hoạch, chiến lược cụ thể chi tiết tỉ mỉ đến độ thuộc lòng và lường trước mọi hậu quả có thể xảy ra.
    • Tín: Chân thành, trung thực với bản thân, với đồng nghiệp, với đối tác là điều cần phải làm. Đức tính này giúp ta gây dựng được lòng tin và luôn luôn luôn được giúp đỡ. Người biết giữ tín là một người có thể bay cao bay xa đến đỉnh thành công danh vọng.

    Đây là đạo làm người đúng đắn mà Inamori Kuzuo quan niệm. Xuyên suốt tác phẩm, ông cũng đã chứng minh "nhân, nghĩa, lễ, trí, tín" đã giúp bản thân đạt thành công ngoài sức mong đợi.

    Không chỉ vậy, Inamoria Kazuo còn tiếp thu tinh thần "tam giáo đồng nguyên" của học giả tên tuổi dưới thời nhà Minh (Trung Quốc) – Viên Liễu Phàm – với ấn phẩm Âm chất lục (Liễu phàm tứ huấn). Đây là cuốn sách dung hòa các tư tưởng giữa Nho – Đạo và Phật, ghi chép những lời răn dạy về đạo làm người về cách cải biến số mệnh.

    Tinh thần võ sĩ đạo

    Võ sĩ đạo là tư tưởng bản lề của đạo đức Nhật Bản thời trung cổ và cận đại. Hiện nay, tinh thần võ sĩ đạo không còn sâu sắc như trước nữa nhưng vẫn còn tồn tại trong văn hóa Nhật Bản. Là một người Nhật sống trong thế kỷ XX – một thế kỷ với nhiều rối ren và bất ổn – Inamori Kazuo ắt hẳn vẫn ít nhiều tiếp thu tư tưởng này.

    Một người mang tinh thần võ sĩ đạo sẽ có 7 đức tính sau đây: Công bằng, nhân từ, can đảm, chân thành, trung thành, danh dự. Đức tính này đều có trong Inamori Kazuo. Ông không rời công ty cũ trong lúc khó khăn nhất cho đến khi tự thành lập công ty riêng. Đối với đối tác hay nhân viên ông đều đặt yếu tố vị tha, chân thành lên trên hết. Ông can đảm thực hiện những dự án khó, miễn là việc ông làm có thể giúp ích cho xã hội cho nhân loại. Và còn thêm nhiều ví dụ cụ thể khác nữa thể hiện dưới dạng câu chuyện trong tác phẩm.

    Lý thuyết kịch xã hội

    Ngoài tư tưởng Phật, Nho, Samurai, Inamori Kuzuo còn chịu ảnh hưởng tư tưởng của nhà kịch gia vĩ đại thời phục hưng William Shakespeare. Tư tưởng của W. Shakespeare đã được nhà xã hội học người Mỹ gốc Canada ở thế kỷ XX Erving Goffman phát triển thành lý thuyết kịch.

    Shakespeare đã quan niệm "cả thế giới là một sân khấu mà trên đó những người đàn ông và đàn bà là những diễn viên". Quan điểm này của nhà kịch gia vĩ đại đã được Erving Goffman phát triển thành lý thuyết kịch xã hội: "Xã hội giống như một sân khấu và khi con người thực hiện vai trò của mình thì đó cũng là lúc họ trở thành diễn viên và hóa thân thành từng vai diễn khác nhau. Chính vì vậy, có hai không gian mà ở đó, con người có sự thể hiện bản thân khác nhau".

    Inamori Kazuo đã thể hiện quan điểm này trong tác phẩm "cách sống – từ bình thường đến phi thường" như sau: "Cuộc đời là một màn kịch và chúng ta vừa là đạo diễn vừa là tác giả kịch bản, vừa thủ vai chính trong màn kịch ấy. Chúng ta chỉ có một cách duy nhất để sống trong cuộc đời đó là tự sáng tác và tự diễn" [43] .

    Hiệu ứng lời tiên tri tự đúng

    Hiệu ứng lời tiên tri tự đúng trong tâm lý học (Pygmalion self-fulfilling prophecy) cũng được Inamori Kazuo liên tục sử dụng trong tác phẩm của mình.

    Hiệu ứng lời tiên tri tự đúng nhận định rằng "khi bạn thật sự mong muốn và tập trung rất nhiều" năng lượng "cho một điều gì đó thì nó sẽ trở thành hiện thực". Và điều này được tác giả Inamori Kazuo thể hiện lại như sau: "Nếu ta cứ một mực suy nghĩ cuộc đời ta luôn trục trặc thì chắc chắn cuộc đời sẽ trục trặc theo đúng ý nghĩ của chúng ta" [15] hay "điều gì mà mình không mong muốn thì chắc chắn nó sẽ không đến với mình" [15] .

    Hiệu ứng lời tiên tri tự đúng này cũng được các tác giả khác – chủ nhân của cuốn sách nổi tiếng "Nhà giả kim" – Paulo Coelho áp dụng. Paulo Coelho đã nói rằng: "Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được điều đó".

    Qua qua trình đọc tác phẩm, mình nhận thấy Nho, Phật, võ sĩ đạo, lý thuyết kịch xã hội, hiệu ứng lời tiên tri tự đúng là 5 tư tưởng căn bản chi phối tinh thần triết học của tác giả Inamori Kazuo. Nếu bạn biết thêm một tư tưởng nào khác được thể hiện trong tác phẩm thì đừng ngần ngại chia sẻ với mình nhé!

    Trên đây là tất cả cảm nhận của mình về cuốn sách "cách sống – từ bình thường đến phi thường" của nhà kinh doanh vĩ đại Nhật Bản – Inamori Kazuo. Nếu bạn đang truy tìm lẽ sống, gặp khó khăn trong công việc hay muốn có một cuộc sống ý nghĩa hơn thì hãy đọc cuốn sách này. Bạn cũng có thể xem cuốn sách này là cẩm nang trong hành trình cuộc đời của mình. Mong bạn sớm tìm được điều đúng đắn, hướng đi tốt trong chuỗi ngày còn lại.

    Mến thương!
     
    BughamsDiệp Minh Châu thích bài này.
    Last edited by a moderator: 30 Tháng mười 2021
  2. Cơn mưa đầu hạ A Thụy

    Bài viết:
    8
    Ý nghĩa cuộc sống và định hướng tương lai

    Inamori Kazuo là người sáng lập công ty thiết bị điện tử Kyocera và là cựu CEO của hãng hàng không Japan Airline và là tác giả của cuốn sách "cách sống – từ bình thường trở nên phi thường". Cuốn sách này được ông viết vào năm 2004, là cuốn cẩm nang cuộc đời, truyền cảm hứng sống và làm việc cho:


    • những ai đang trăn trở đi tìm lẽ sống;
    • những ai đang gặp khó khăn trong công việc;
    • những ai muốn có cuộc sống trở nên ý nghĩa và hạnh phúc hơn;

    Cuốn sách bao gồm tất cả 5 chương, xoay quanh các câu hỏi lớn như sau:

    • Ý nghĩa sống của con người là gì?
    • Làm thế nào để khiến cuộc sống trở nên ý nghĩa?
    • Cuộc sống của con người có bị chi phối bởi thực thể nào không?

    Cả 3 câu hỏi lớn này đều được tác giả Inamori Kazuo giải đáp gần như xuyên suốt toàn bộ cuốn sách. Vậy câu trả lời của tác giả là gì? Hãy cùng đi tìm câu trả lời nhé:

    Ý nghĩa cuộc sống của con người là gì?

    Loài người nói chung đang sống trong một thời đại lo âu, đầy biến cố, tương lai bất định. Ngày nay, có rất nhiều công cụ phương tiện trợ giúp con người thành công nhưng họ vẫn bi quan chán chường, buông thả thậm chí còn gây nên những tội ác.

    Tại sao lại vậy? Bởi vì họ không tìm thấy giá trị và ý nghĩa của cuộc đời, họ đánh mất phương châm sống, thiếu vắng nhân sinh quan.

    Nhiều người hiện nay vẫn còn mơ hồ, loay hoay truy tìm lẽ sống, lẽ tồn tại của chính mình? Những câu hỏi "tôi tồn tại có mục đích gì", "ý nghĩa cuộc sống là ra sao" chắc hẳn vẫn là những câu hỏi thường trực trong mỗi chúng ta.

    Vậy ý nghĩa cuộc sống là gì và mục đích cuộc đời mỗi người là như thế nào?

    Theo Inamori Kazuo thì ý nghĩa cuộc sống của con người là nâng cao nhân cách và sống là quá trình mài giũa tâm hồn.

    Theo ông, mục tiêu sống đủ ăn, đủ mặc, sung túc, lắm tiền nhiều của không phải là sống mà chỉ là đang tồn tại. Nếu sống một cách đúng nghĩa là sống thì khi chết đi ta phải làm được gì cho đời cho xã hội cho tâm hồn mình.


    Làm thế nào để cuộc sống trở nên ý nghĩa?

    Hay nói cách khác là để nâng cao nhân cách và mài giũa tâm hồn thì phải làm như thế nào? Inamori Kazuo đã dành 5 chương sách để hướng dẫn bạn đọc thật chi tiết và tỉ mỉ.

    Xác lập lẽ sống cho chính mình

    Điều đầu tiên cần làm là phải có lẽ sống. Lẽ sống được xác lập lập dựa trên nền tảng tư tưởng, quan điểm hay còn gọi là nền tảng triết học đúng đắn. Nếu xem nền tảng tư tưởng là la bàn thì đạo đức chính là kim chỉ nam để con người chúng ta luôn đi đúng hướng.

    Làm sao để có đạo đức tốt? Chúng ta cần có tư tư duy đúng đắn. Tư duy này được tôi luyện qua quá trình con người học hỏi và trưởng thành. Học hỏi và trưởng thành từ gia đình, nhà trường và xã hội. 3 môi trường giáo dục này sẽ phải dạy cho chúng ta đạo làm người: Ngay thẳng, chính trực, không tham lam, không ích kỷ, không dối trá, không làm hại người khác, vị tha – bao dung..

    Khi nằm lòng đạo làm người này rồi, dù chúng ta có làm gì đi chăng nữa thì luôn có nó dẫn lối đi đến bến bờ sáng lạn và thành công.

    Luôn ấp ủ hoài bão ước mơ

    Hoài bão làm người ta luôn khát vọng. Những người có khát vọng, ước mơ mãnh liệt thì luôn có những ý tưởng sáng tạo đột phá. Qua những hoài bão, suy nghĩ, tìm tòi và nỗ lực không biết mệt mỏi, nhân cách con người càng được mài giũa và trưởng thành.

    Luôn luôn có niềm tin vào chính mình

    Trong Nhà giả kim đã nói "khi bạn mong muốn điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực trợ giúp bạn". Ở đây Inamori Kazuo cũng quan niệm như thế, "điều gì mà mình không mong muốn thì chắc chắn nó sẽ không đến với mình". Theo ông, người có thể hoàn tất công việc là người hoàn toàn tự tin vào khả năng của mình. Bản thân ta ở thời điểm hiện tại chưa làm được nhưng trong tương lai sẽ làm được. Vấn đề là bạn phải tin và cố gắng.

    Lập kế hoạch chi tiết và chuẩn bị chu đáo.

    Khi hình thành ý tưởng chúng ta có quyền mơ mộng, lạc quan và tưởng tượng mọi thứ đều màu hồng. Nhưng đến khi thật sự bắt tay vào xây dựng quá trình chúng ta cần phải có một kế hoạch chi tiết, cẩn thận và tỉ mỉ. Phải tính toán được độ rủi ro và những vấn đề xấu có thể xảy ra, từ đó chuẩn bị những phương án phòng để giải quyết. Một lộ trình càng cẩn thận, tỉ mỉ thì xác suất mong muốn trở thành hiện thực hoàn hảo càng cao.

    Luôn bắt đầu từ những điều nhỏ nhất

    Để thực hiện được ước mơ hãy nai lưng ra làm từ những điều nhỏ nhất. Chẳng có con đường nào chỉ bước 1 bước mà đã đi được ngàn dặm để tới đích. Cuộc đời là chuỗi ngày 1 ngày được xếp chồng lên nhau. Những việc nhỏ mỗi ngày sẽ xếp chồng lên nhau sẽ đưa ta đến đỉnh cao chót vót.

    Nỗ lực mỗi ngày, rèn luyện không biết mệt mỏi

    "Nỗi cơ cực là thử thách trong quá trình mài giũa tâm hồn. Sự vất vả là cơ hội tuyệt vời để rèn luyện nhân cách", Inamori Kazuo đã không ngừng khẳng định và chính minh những điều này trong 5 chương sách của mình. Theo ông "cách suy nghĩ là chất liệu chính dệt lên tấm vải cuộc đời mỗi người. Nếu nỗ lực tiếp nối nỗ lực điều bình thường sẽ trở nên phi thường.

    Cần phải bỏ ra thật nhiều công sức thì mới hy vọng hái được quả ngọt bùi. Khát vọng không thể trở thành hiện thực nếu chỉ dừng lại ở mức suy nghĩ. Suy nghĩ và luôn luôn suy nghĩ kể cả trong giấc ngủ. Chúng ta cần phải suy nghĩ mạnh mẽ, sâu sắc, thấu đáo và liên tục, suy nghĩ cho đến khi có thể nhìn thấy rõ mồn một từng bước sự việc hoàn tất như thế nào.

    Để đạt được ước nguyện chúng ta không được tiếc công tiếc sức, đặt ra những chuẩn mực cao hơn thông thường

    Luôn lao động cần cù, tập trung cao độ

    Đây là quá trình tự cày xới bản thân, mài giũa tâm hồn và rèn đúc nhân cách. Quá trình này sẽ đưa con người lên một tầm cao mới. Cùng với thành thật, chính trực, vị tha, cần cù là một yếu tố gốc rễ không thể lay chuyển để giữ gìn đạo đức làm người, nhân cách cao thượng.

    Thường xuyên để ý mọi hành động một cách có chủ đích

    Theo Inamori Kazuo, nếu không chủ đích để ý trong mọi hành động thì sẽ thật vô nghĩa. Để ý có chủ đích là tập trung ý thức, tinh thần vào đối tượng một cách nghiêm túc, có mục đích. Điều này sẽ giúp chúng ta nắm vững được bản chất vấn đề, trung tâm của sự việc, chuẩn bị được những khả năng xảy ra để đưa ra những quyết đoán kịp thời.

    Cần đơn giản hóa mọi việc

    Bản chất của sự vật vốn dĩ rất đơn giản nhưng con người thường thích phức tạp hóa nó lên. Đơn cử như gen di truyền của con người được cấu thành từ 3 tỷ nucleotide có trong chuỗi ADN. Nhưng để minh họa các chuỗi nucleotide người ta chỉ cần dùng vỏn vẹn 4 chữ cái A-C-G-T để minh họa. Những nguyên lý đơn giản tạo nên vô vàn hiện tượng, và sự việc được nhìn nhận càng đơn giản bao nhiêu thì càng gần chân lý bấy nhiêu.

    Sống nhiệt huyết hết mình cho ngày hôm nay

    Cuộc đời là những ngày hôm nay xếp chồng vậy nên hãy sống hết mình cho hiện tại. Khi con người sống hết mình cho ngày hôm nay thì sẽ nhìn thấy ngày mai. Mỗi người đến với thế giới này đều mang một nhiệm vụ lớn lao mà vũ trụ giao phó. Sẽ thật là uổng phí và đi ngược lại với ý chí của vũ trụ nếu chúng ta chỉ có ăn không ngồi rồi và không chịu làm gì cả. Hãy là người" tự bốc cháy "hoặc là người" bắt lửa ", đừng trở thành người dửng dưng, vô cảm, nghèo nhiệt huyết, lửa đến cũng" không bắt ".

    Phải biết thế nào là đủ

    Phải biết thế nào là đủ hay còn gọi là tri túc, đây là bản chất của thế giới tự nhiên để không phá vỡ mô hình sinh thái vốn dĩ đã cân bằng. Nếu chúng ta không biết như thế nào là đủ thì chuỗi mắt xích sinh tồn vốn có sẽ bị phá vỡ. Lúc đó chúng ta sẽ gặp nguy hiểm, hiệu ứng domino xảy ra và toàn nhân loại diệt vong. Cuộc sống của con người ổn định và hạnh phúc chính là nhờ biết đủ và biết dừng lại đúng lúc.

    Luôn quyết định và nhìn nhận vấn đề ở tầm cao, bao quát

    Vị tha là tinh thần xuyên suốt trong tư tưởng của Inamori Kazuo. Đối với ông, khi quyết định vấn đề cần đặt lợi ích của cộng đồng, của xã hội của nhân loại lên trước nhất. Có lòng bao dung với cả nhân loại sẽ giúp chúng ta có được những quyết sách đúng đắn và khách quan, tránh được sai sót và thất bại.

    Kiên trì với nguyên tắc, không phân vân dao động trước trào lưu thời đại

    Lúc này ta lại quay về với lẽ sống được xác lập ở đầu tiên: Dùng đạo đức là kim chỉ nam, dùng đạo làm người là ánh đèn soi sáng." Chỉ khi nào chúng ta gạt bỏ được những phần nhỏ mọn trong người mình như ích kỷ, tư lợi, tính toán tham lam và thay bằng tinh thần vị tha, quang minh chính đại thì ta sẽ đạt được thành công ".

    Sức mạnh vô hình nào đang chi phối cuộc sống con người?

    Inamori Kazuo là người chịu sự ảnh hưởng sâu sắc bởi đạo lý Phật giáo, vì vậy theo ông, cuộc đời con người có 2 bàn tay vô hình sắp đặt. Thứ nhất là số mệnh, thứ 2 là luật nhân quả báo ứng.

    Mỗi người sinh ra trên thế gian này đều mang một số mệnh khác nhau. Cuộc đời con người luôn xoay chuyển quanh số mệnh này mà không hề nhận thức được nó là gì.

    Tuy nhiên, số mệnh cũng không hoàn toàn quyết định được hết tất cả, bởi nó sẽ được thay đổi bằng luật nhân quả báo ứng. Theo luật nhân quả, nếu chúng ta làm điều tốt thì chúng ta sẽ được nhận những quả tốt.

    Số mệnh và luật nhân quả là hai sức mạnh chi phối cuộc đời của loài người. Inamori Kazuo cho rằng, nếu số mệnh là sợi chỉ dọc thì luật nhân quả sẽ là sợi chỉ ngang. Cả hai sợi chỉ dọc ngang này sẽ đan xen dệt thành tấm vải cuộc đời của mỗi chúng ta.

    Nếu số mệnh của chúng ta không tốt thì chúng ta có thể điều chỉnh nó bằng luật nhân quả. Luật nhân quả sẽ giúp chúng ta cân bằng sức mạnh áp chế của của số mệnh. Tuy nhiên, luật nhân quả tốt – xấu không đến nhanh và ngay như con người nghĩ. Nhân quả và vận mệnh có quan hệ tương hỗ, đan xen nhau như quá trình dệt vải nên chúng cần thời gian để chìm khuất và nổi lên dưới sức mạnh số phận.

    Làm sao để nhận về quả thiện? Vậy thì cần phải xem xét cách chúng ta gieo nhân thiện như thế nào." Niết bàn và địa ngục là hai cõi hoàn toàn giống nhau. Điểm khác nhau là cái tâm của những người sống ở 2 nơi đó. Những người sống ở địa ngục là những người ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mình. Còn ở niết bàn là những người vị tha, luôn sống vì người khác".

    Đây là 3 câu hỏi lớn được tác giả Inamori Kazuo dành 5 chương sách trả lời tỉ mẩn, cụ thể và minh chứng qua những trải nghiệm cá nhân của mình. Ông đã tìm ra câu trả lời cho cuộc đời của mình và dành nó để tặng lại độc giả. Con người sống là để nâng cao nhân cách và mài dũa tâm hồn.
     
    Dương2301Diệp Minh Châu thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...