Khí hậu khắc nghiệt của mùa đông thường làm một số vấn đề về sức khoẻ như hen suyễn, đột quỵ, đau khớp và viêm loét dạ dày.. trở nên trầm trọng. Dưới đây là một số bệnh thường gặp và cách khắc phục khi trời lạnh. 1. Cảm lạnh, hen suyễn Mùa đông là thời điểm khí hậu biến đổi rất nhanh, nếu cơ thể không kịp thích nghi và chúng ta không chú ý giữ ấm, sẽ bị nhiễm lạnh, gây trúng gió hoặc cảm lạnh. Ngoài ra, khi người bệnh ho và hắt hơi virus cúm sẽ thông qua không khí lây nhiễm tới người sức đề kháng kém. Đây cũng là mùa cao điểm của bệnh cảm lạnh. Để phòng bệnh, cần học cách mặc quần áo cho phù hợp. Hãy học cách mặc quần áo "dễ thay đổi như bóc vỏ hành tây". Đó là đi ra ngoài cần mặc nhiều lớp áo ấm, nhưng thuận tiện để cởi khi vào trong nhà. Nếu không làm được khi vừa vào phòng sẽ ra nhiều mồ hôi, ra bên ngoài sẽ bị nhiễm lạnh từ đó dễ bị cảm. Điều quan trọng vào mùa này là chú ý đến thông gió định kỳ, nghĩa là để tránh lưu giữ khí xấu trong phòng. Cần định kỳ mở cửa sổ vài phút mỗi ngày cho không khí lưu thông. Ngoài ra, cần thường xuyên rửa tay, đặc biệt từ nơi công cộng về nhà điều này rất quan trọng. Ngoài ra, cố gắng tránh tới những nơi công cộng. Khi mới bị có thể uống trà gừng với đường đỏ hoặc ăn cháo hành. Đây là những bài thuốc có tác dụng loại khứ phong tán hàn hiệu quả, đặc biệt vào giai đoạn đầu. 2. Mẩn ngứa da mùa đông Thời tiết hanh khô, lạnh giá của mùa đông dễ làm cơ thể ngứa ngáy khó chịu. Nếu mắc chứng bệnh này, cố gắng kiềm chế không nên dùng tay gãi nếu không dễ làm trầy xước da và gây nhiễm trùng. Phương pháp phòng ngừa và điều trị là uống nhiều nước, ăn nhiều rau và trái cây tươi, ăn ít thực phẩm cay nóng có tính kích thích, và uống ít rượu. Ngoài ra, để giữ ẩm cho da cần chú ý đến phương pháp tắm: Nước không nên quá nóng, không nên chà xát nhiều và mạnh bởi sẽ làm hỏng lớp bã nhờn vốn có trên bề mặt da, làm da khô hơn, từ đó càng dễ bị ngứa, nứt nẻ. Mỗi tuần tắm từ 2 đến 3 lần là thích hợp. Để giữ ẩm và phòng ngừa bề mặt da bị khô, nứt nẻ sau khi tắm có thể bôi dầu dưỡng của em bé, kem chống ngứa, kem dưỡng ẩm.. Theo y học cổ truyền, nguyên nhân sinh bệnh mẩn ngứa da vào mùa đông là do phong hàn bên ngoài xâm nhập, huyết hư phong táo. Đông y nhìn nhận, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới chứng bệnh này là do phong hàn bên ngoài xâm nhập, huyết hư phong táo gây nên. Các phương pháp trị liệu đa phần lựa chọn những dược thảo có thể khu phong dưỡng huyết, tư âm nhuận táo như Đương quy, Địa hoàng, Bạch thược, Hà thủ ô, Mạch môn, Kinh giới, Phòng phong.. để điều chỉnh bên trong từ đó làm triệu chứng dần dần khỏi. 3. Chứng béo phì Tốc độ đồng hóa chất béo của cơ thể trong mùa đông nhanh hơn 2 đến 4 lần so với bình thường, và tốc độ dị hóa chất béo thấp hơn 10% so với bình thường. Hàm lượng lipid và cholesterol trong máu thường cao hơn vào mùa đông, thấp hơn vào mùa xuân và mùa hè. Vì vậy, đây là thời điểm quan trọng để người béo phì giảm cân. Muốn giảm cân trước hết cần kiểm soát và cân bằng chế độ ăn uống. Đây là chìa khóa để phòng tăng cân trong mùa đông. Theo kết quả của các nghiên cứu khoa học, nồng độ bài tiết insulin trong cơ thể thấp nhất vào buổi sáng, và tăng lên đến đỉnh điểm tiết ra vào gần tối. Insulin có thể thúc đẩy sự lắng đọng chất béo, vì vậy muốn giảm cân cần kiểm soát lượng chất béo và carbohydrate hấp thu vào cơ thể. Hạn chế các loại thực phẩm giàu calo, nhiều dầu mỡ. Buổi sáng có thể ăn nhiều thức ăn hơn một chút và kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn vào buổi tối. Nên ăn những món ăn nhẹ, thanh đạm, và chỉ ăn no tới tám phần, không nên ăn nhiều cá thịt vào buổi tối. Thứ hai, cần làm việc và sinh hoạt điều độ, đúng giờ. Mặc dù mùa này cần ngủ sớm, nhưng đêm mùa đông dài và ngày ngắn, nếu đi ngủ khi trời bắt đầu tối thì thời gian ngủ sẽ kéo dài từ 10 đến 11 giờ. Ngủ nhiều và nằm trên giường, sẽ không thể tiêu hao năng lượng và dẫn đến béo phì. Bởi vậy cần sinh hoạt điều độ, ngủ sớm và dậy sớm, giữ cho tinh thần được yên tĩnh. Dương khí tiềm ẩn trong cơ thể không bị xáo trộn, mới có thể phòng ngừa béo phì. Ngoài ra, thời tiết lạnh sẽ gây ra sự bất tiện khi tập các môn thể thao ngoài trời. Mọi người nên chọn phương pháp và địa điểm phù hợp để duy trì tần suất và thói quen tập thể dục. Trong mùa này, nên đặc biệt chú ý đến các bài tập khởi động giúp tuần hoàn máu và làm ấm cơ thể. 4. Đau khớp Thời tiết lạnh và ẩm là yếu tố nguy cơ khiến bệnh khớp tái phát và đau tăng. Ðặc biệt vào những ngày mưa phùn, độ ẩm không khí cao thì những người có bệnh về xương khớp cần cảnh giác đề phòng. (Ảnh: Epochtimes.com) Đau khớp là căn bệnh khá nhạy cảm với thời tiết lạnh, nó bao gồm viêm khớp mãn tính, viêm khớp dạng thấp, xương khớp phì đại. Theo các chuyên gia xương khớp, khi thời tiết trở lạnh, không khí lạnh sẽ thâm nhập qua lỗ chân lông rồi thấm qua da thịt khiến các mạch máu bị co lại. Lúc này thì sự lưu thông máu đến các khớp rất kém, các khớp bị thiếu máu nên rất dễ tái phát các bệnh trong đó có viêm khớp, thoái hóa khớp, làm người bệnh cảm thấy đau nhức hơn bình thường. Theo y học cổ truyền, thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi để các yếu tố gây bệnh như phong (gió), thấp (ẩm) xâm nhập cơ thể, lưu đọng lại ở các khớp xương khiến kinh lạc bị trì trệ, khí huyết kém lưu thông và phát sinh chứng đau nhức ở các khớp. Để phòng bệnh, có thể dùng một số thảo dược có tác dụng loại trừ hàn thấp, hoạt huyết thông lạc như: Quế chi, Ô đầu, Tang chi, Ngưu tất, Bạch truật, Thương truật.. đun nước ngâm chân, tay mỗi tối từ 20 đến 30 phút, bã thuốc đắp vào khớp kết hợp massage các huyệt Dũng Tuyền, Thừa Sơn, Dương Lăng Tuyền.. để việc chăm sóc bảo vệ khớp đạt hiệu quả. 5. Đột quỵ - nhồi máu cơ tim Mùa đông có thể nói là thời điểm các loại bệnh về tim mạch, huyết áp cao trở nên trầm trọng, cũng là thời điểm bệnh mạch máu não, nhồi máu cơ tim dễ bùng phát. Nguyên nhân bởi khi cơ thể ở khu vực nhiệt độ thấp, sức cản mạch máu ngoại biên và huyết áp tăng sẽ làm tăng tải trọng của tim, tăng khả năng xuất huyết não và nhồi máu cơ tim. Khi bị lạnh và rét, cơ thể cần tiêu hao năng lượng để sản sinh nhiệt lượng, tim phải làm nhiều chức năng hơn, dẫn tới tăng nguy cơ phát bệnh. Mùa đông là một trong những thủ phạm gây ra các bệnh lý về tim mạch. Nguyên nhân là do nhiệt độ giảm, động mạch bị thu hẹp gây khó khăn cho việc vận chuyển máu. Tim phải làm việc vất vả hơn để giữ ấm cho cơ thể. Mùa đông thực sự là kẻ thù của những người mắc bệnh lý về tim mạch. Theo thống kê, thời điểm bệnh nhồi máu cơ tim xảy ra nhiều nhất, là buổi sáng sớm khi thức dậy, do đó bệnh nhân tim mạch cần chú ý các điểm sau: Giữ ấm, đặc biệt không bỏ qua những đôi tất dày để giữ ấm và duy trì lưu thông máu đầy đủ ở bàn chân Uống đủ nước, không ăn các món quá mặn, nhiều dầu mỡ và các thực phẩm giàu cholesterol như lòng đỏ trứng và nội tạng động vật Vận động thích hợp vừa đủ Loại trừ hoặc điều trị các yếu tố khác như hút thuốc, béo phì, tiểu đường Điều quan trọng nhất chính là chủ động kiểm soát huyết áp, ít nhất nên kiểm tra hai lần một ngày 6. Bệnh viêm loét dạ dày Theo các chuyên gia, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ làm gia tăng lượng histamin trong máu – một loại chất khiến dạ dày bài tiết nhiều dịch vị và co bóp mạnh hơn. Đặc biệt, đối với những người có tiền sử bệnh thì nguy cơ tái phát sẽ rất cao. Mùa lạnh là thời điểm hệ miễn dịch suy giảm khiến cơ thể trở nên yếu hơn. Bên cạnh đó, cơ thể chúng ta cần bổ sung nhiều năng lượng để giữ ấm cơ thể, chống lại cái rét, đó là lý do khiến mọi người thường có cảm giác nhanh đói và ăn quá no, khiến dạ dày chưa kịp thích nghi khi phải làm việc "cật lực" để chuyển hóa thức ăn thành năng lượng làm tăng gánh nặng cho dạ dày. Trời lạnh dẫn đến việc ăn quá no, nhất là vào bữa tối, hậu quả là khó ngủ, ngủ không ngon, gây mệt mỏi, đau đầu, lâu dài dẫn đến suy nhược thần kinh và cũng là nguyên nhân. Thêm nữa, mùa đông là mùa của rượu và các đồ ăn cay, nóng, đồ nướng, lẩu.. Những đồ ăn này cũng là những tác nhân gây nguồn gây kích ứng mạnh tới dạ dày, làm vết loét phát tác thậm chí gây xuất huyết đường tiêu hóa. Phương pháp phòng ngừa chủ yếu là cần chú ý giữ ấm cơ thể nhất là vùng bụng. Hạn chế ăn đồ quá nóng hoặc quá lạnh, đồ ăn sống hoặc tái, các chất kích thích.