Cách phân tích tác phẩm văn học sâu hơn

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Huongthu2401, 9 Tháng mười hai 2021.

  1. Huongthu2401

    Bài viết:
    479
    [​IMG]

    CHÍ PHÈO

    1. Ta gọi Chí Phèo là nhân vật điển hình không phải vì tính cách của Chí Phèo tiêu biểu cho tính cách của một hạng người nào đó. Chí Phèo trở thành điển hình trước hết là vì qua nhân vật này, Nam Cao đã khái quát được một trạng thái nhân sinh đã trở thành phổ biến và mang tính quy luật trong đời sống xã hội: Chừng nào còn áp bức bóc lột, chừng nào môi trường "quần ngư tranh thực" phi nhân tính và cái nhìn định kiến đối với con người vẫn còn tồn tại, thì chừng ấy sẽ còn hiện tượng Chí Phèo. Nam Cao miêu tả nhân vật qua các phạm trù xã hội quy phạm. Mâu thuẫn nội tâm nhân vật trong các sáng tác của ông không phải là xung đột của những đối cực loại trừ nhau, mà là mâu thuẫn của những mặt đối lập có khả năng chuyển hóa lẫn nhau thông qua sự tác động qua lại giữa tâm lí, tính cách với môi trường, hoàn cảnh.

    2. Chí Phèo giết chết Bá Kiến, sau đó hắn tự tay kết liễu cuộc đời tối tăm của mình. Hình ảnh Chí Phèo nằm giãy đành đạch giữa vũng máu ở sân nhà Bá Kiến, hét to lên rằng "Ai cho tao làm người? Ai cho tao lương thiện?" đã khắc sâu vào trong tâm trí cũng như ám ảnh bất cứ người đọc nào. Không ai cho hắn lương thiện. Từng con người không cho, nên cái xã hội ấy chắc chắn không cho. Một tấn bi kịch đối với cuộc đời của Chí Phèo, người nông dân lương thiện nhưng sinh ra trong xã hội đầy rẫy những bất công cùng sự tàn nhẫn.

    Thật vậy, chỉ có ngòi bút sâu sắc của Nam Cao mới có thể xây dựng được một cách thành công đến thế hình tượng nhân vật điển hình của sự áp bức, bất công thời bấy giờ. Đọc Chí Phèo, người đọc sẽ ám ảnh mãi không thôi, cũng như đọng lại sâu sắc niềm thương cảm với thân phận của những con người sinh ra nhầm thời, vì hoàn cảnh mà phải lâm vào bước đường cùng, trượt dài trong hố sâu của tội lỗi.

    HAI ĐỨA TRẺ

    1. Thạch Lam đến với văn chương như mang một sứ mệnh hòa giải: Hòa giải giữa thơ và văn xuôi, giữa hiện thực và lãng mạn. Không phải ông muốn sắm một vai trung gian, một chiếc cầu nối. Mà cái tạng ông nó thế. Nhân tố nào đã giúp ông hòa điệu được các đối cực như vậy? Có thể quy về một điểm thôi: Đó là tâm hồn. Điều này chứa đựng cái logic riêng của nó. Và như một nghịch lí, cái sinh khí truyện lại là không khí của một miền quê đang mất dần sinh khí. Sự sống ở đó đang đuối dần. Ấy là cái không khí lụi tàn, mòn mỏi. Thạch Lam không có cái nhìn phân tâm kiểu Freud hay cái nhìn vào vô thức của Proust, những nét tâm lí của ông không mang cái tỉ mỉ rậm rạp, không muốn hướng tới làm một tài liệu khoa học tâm lí mà có tính cách giản lược và ý vị văn chương.

    2. Nếu như các nhà văn thuộc Tự lực văn đoàn đã xa rời thực tại, thi vị hóa cuộc sống thì Thạch Lam lại gắn chặt ngòi bút với đời sống, dù ông là thành viên chủ chốt của văn đàn ấy. Nếu đồng nghiệp của ông ca ngợi tình yêu khi say đắm, khi đau đớn, lúc xô bồ (Hồn bướm mơ tiên, Trăng sáng, Tình tuyệt vọng.) thì Thạch Lam lại đến với tình người. Văn chương Thạch Lam lay động đến cõi sâu thẳm nhất của tâm hồn con người và thức tỉnh họ bằng những nỗi đau. Với phong cách vừa lãng mạn, vừa hiện thực, ngòi bút Thạch Lam thực sự xuất sắc khi viết về cuộc sống con người nghèo khổ, cùng những nỗi đau âm thầm, nhẹ nhàng nhưng khi gấp sách lại ta không sao quên được. Không phải là những nụ cười đến thắt ruột, cười ra nước mắt của Nguyễn Công Hoan, không phải cái xót xa đến tận xương tủy như Nam Cao nhưng những trang văn nhẹ nhàng, tinh tế và sâu lắng của Thạch Lam đã lột tả hết cuộc sống phố huyện và cũng là cuộc sống của xã hội Việt Nam tù túng, ngột ngạt đương thời, đem đến cho người đọc những tình cảm thương xót đầy tính nhân bản.

    CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ

    Nhìn từ phía này, ngục quan là mệnh quan triều đình, đại diện cho trật tự, luân lí và đạo đức, Huấn Cao là tử tù, giặc của triều đình, là kẻ bất trung, vô đạo. Nhìn từ phía khác, từ lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn, Huấn Cao là bậc kì tài, cũng là trang anh hùng đội trời đạp đất, khí phách ngang tàng, cuộc đời như được bao bọc trong một thiên huyền sử. Nói cách khác, ông là hiện thân của cái tận mĩ, chí thiện. Với Nguyễn Tuân, nghệ thuật là sự thăng hoa của kì thú. Nó là khoái cảm thiêng liêng, là một thứ nghi lễ tôn giáo mà đám con nhang, đệ tử là kẻ chí thành, chí tình. Nó vượt ra ngoài mọi giới hạn thiện ác, và sự trói buộc của các tín điều luân lí khô cứng. Nó nảy nở ở thế giới ngoại biên, bên lề, và chỉ ở đó nó mới có sự thăng hoa. Nó chứa đựng bên trong xung đột giữa siêu thoát tinh thần và giằng xé nhục cảm. Nó là "khoái cảm đau đớn". Nó khiến nghệ thuật lúc thì cất lên thành tiếng "thét" si mê, khi thì thốt ra tiếng "rên" đầy khoái thú âm thầm.

    TRÀNG GIANG

    Là một người trí thức Tây học, nhưng tâm hồn tác giả Lửa thiêng lại thấm đẫm Đường thi, nên không gian Tràng giang cứ lãng đãng thơ Đường. Thơ cổ Trung Hoa thật tinh diệu trong việc diễn tả cái trạng thái tĩnh của thế giới. Có lẽ vì triết học nơi đây đã quan niệm tĩnh là gốc của động, tĩnh là cội nguồn của thế giới? Cùng với nó, tĩnh tại và thanh vắng cũng trở thành một tiêu chuẩn mĩ học phổ biến của cái đẹp trong thiên nhiên và nghệ thuật về thiên nhiên. Tái tạo cái tĩnh vắng mênh mông trong nghệ thuật được xem là tái tạo hư không – một hư không chứa đầy âm nhạc, chứ không phải là hư không trống rỗng. Huy Cận cũng tái tạo như thế, nhưng thi sĩ muốn đi xa hơn. Cái thanh vắng của thơ xưa được cảm nhận bằng sự an nhiên tự tại. Còn sự trống vắng của Tràng giang được cảm nhận bằng nỗi cô đơn bơ v. Có lẽ vì thế mà Tràng giang còn là một thế giới quạnh hiu, cơ hồ tuyệt đối hoang vắng.

    ĐÂY THÔN VĨ DẠ.

    1. Sống trong dự cảm khôn nguôi về cái lúc chia lìa, thi sĩ thường đẩy mình tới điểm chót cùng của tuyệt vọng để nuối đời, níu đời. Qua lăng kính lạ lùng của tình yêu tuyệt vọng, cảnh sắc cuộc đời này thường ảnh lên trong thơ Hàn Mặc Tử rạng rỡ, lộng lẫy, thanh khiết hơn bao giờ hết. Mà càng đẹp thì càng tuyệt vọng, càng tuyệt vọng lại càng đẹp! Cái "điên" của Hàn Mặc Tử hiện ra trong các bài thơ thành dòng tâm tư bất định, liên tục chuyển điệu, cùng một văn bản, hình tượng liên tục chuyển "kênh". Có lẽ trường hợp của Hàn Mặc Tử là một minh chứng đáng sợ cho định nghĩa về cái đẹp của P. Valery: "Cái đẹp là cái làm ta tuyệt vọng".

    2. Nhưng cái khác biệt ở đây là, thi sĩ không đứng đó mà ngắm trăng hay ngắm sông, người đang chìm dần trong cảm giác ảo hóa. Trăng xuất hiện trở lại, nhưng không phải "trăng vàng trăng ngọc", "trăng nằm sóng soãi", mà là trăng huyền hồ tan trên mặt nước. Trong cảm giác mông lung của thi nhân, sông trở thành sông trăng, thuyền trở thành thuyền trăng, bóng người cũng trở thành hình ai thấp thoáng, mờ nhòa trong trăng.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...