Tôi từng có một người bạn, một người bạn thân. Cô ấy rơi vào trầm cảm, luôn lảng tránh mọi người, và cô ấy nghĩ mình đã chết. Cô ấy nghĩ không ai ở bên cô ấy và những lời hỏi thăm là dối trá, cô ấy luôn mặc cảm và tự ti đối với bản thân mình. Tôi không thể nào kết nối hay trò chuyện với cô ấy nữa, chúng tôi như đang chờ đợi trong vô vọng một sự giải cứu không bao giờ xuất hiện. Cô ấy nói tôi chỉ là kẻ dối trá và không muốn nói chuyện với tôi, người tỉnh tỉnh mê mê trong những cơn trầm cảm. Chúng tôi cần phải làm gì để vực cô ấy lên, cô ấy thậm chí không muốn gặp chúng tôi. Chúng tôi chẳng nhẽ phải ngồi chờ cô ấy chết, liệu có cách nào đó hay không. Nếu bạn bảo đi khám tâm lý thì chúng tôi đã thử nhưng không thành công, thậm chí nó đẩy cô ấy vào cơn trầm cảm nặng nề hơn trước. Gia đình cô ấy có vẻ không còn quan tâm đến cô ấy, chỉ còn chúng tôi nhưng mỗi người có cuộc sống riêng và không thể luôn luôn bên cạnh cô ấy. Mọi chuyện rồi sẽ ra sao khi cô ấy quyết định tự tử. Chúng tôi cần một lời khuyên..
Đến bạn là bạn của cô ấy còn không giúp được thì ở đây, những người xa lạ như tớ làm sao có thể đưa ra lời khuyên được. Có lẽ hãy tìm ra nguyên nhân khiến cô ấy bị trầm cảm rồi chung tay giúp họ viết lại cuộc sống.
Thật ra để mở cửa trái tim của những người trầm cảm thì chúng ta không nhất thiết là phải sử dụng lời nói. Trong giai đoạn khó khăn này thì điều cô ấy cần nhất là một người ở bên, dù cô ấy chưa bao giờ biểu đạt hay bộc lộ tâm tư nguyện vọng gì. Bạn chỉ cần sánh bước cùng cô ấy, nếu bạn thật sự muốn giúp cô ấy thoát khỏi cái vòng tròn đen tối đó. Hãy hành động thay vì cứ liên tục diễn thuyết với người bị trầm cảm. Sau một thời gian, khi sự có mặt của bạn trong những ranh giới của cô ấy dần trở nên quen thuộc thì chắc chắn những câu chuyện đã được cất kĩ sẽ ngày càng rõ ràng hơn. Đừng bắt ép hay hỏi thẳng bất cứ vấn đề nào liên quan đến nguyên nhân trầm cảm của cô ấy mà để sự tin tưởng của cô ấy vào bạn từ từ hé mở chúng ra. Quan trọng nhất là bạn phải đủ kiên nhẫn để sợi dây kết nối của cả hai có thể chầm chậm đan xen vào nhau, và đặt biệt không được phá bỏ giới hạn mà cô ấy tự mình đặt ra. Mọi việc đều cần sự bình tĩnh và chân thành của bạn!
Muốn gỡ dây phải tìm nút buộc dây. Bạn phải tìm hiểu lí do tại sao cô ấy trở nên như vậy thì mới dễ dàng trong việc giúp cô ấy hơn. Thời điểm này tâm lý người trầm cảm rất nhạy cảm, hay cáu gắt, nếu được, bạn hãy ở bên chăm sóc cho bạn ấy, để bạn ấy cảm nhận được là vẫn có người quan tâm đến bạn ấy. Hãy thông cảm và đừng buông lời trách móc, luôn đem đến cho nạn ấy cảm giác lạc quan, vui tươi khi nói chuyện, như vậy sẽ khiến bạn ấy dễ chịu hơn. Và, chú ý đừng đề cập đến bệnh tình hay một số từ mẫn cảm có liên quan. Mình không rõ bệnh tình thế nào nên chỉ đề xuất được như thế, chúc bạn ấy mau khoẻ.
Muốn giúp đỡ người bạn ấy của bạn đầu tiên bạn phải biết 1. Cái gì đã xảy đến với cô ấy 2. Lí do tại sao cô ấy nghĩ là cô ấy đã chết 3. Tại sao lại nghĩ các bạn không ai quan tâm cô ấy 4. Và nặng hơn, tất cả các bạn là kẻ nói dối. Với vấn đề đầu tiên bạn có thể điều tra lại face của cô ấy, nếu không mở được face hãy nhờ đến người hack, bạn hãy đọc lại những tin nhắn cô ấy nhắn với ai, những gì, nhìn lại những bài cô ấy chia sẻ, vì mình nghĩ sẽ có bài cô ấy để khóa, hãy tìm thật kĩ những tin nhắn chờ và spam, thường những tin nhắn trong đó đều mang 1 mảnh kí ức. Dù nó vi phạm quyền riêng tư nhưng bạn nếu thật sự muốn tìm hiểu, thì hãy làm như thế. Và hãy tìm hiểu những mối quan hệ đời thực trước lúc cô ấy tự bế. Thứ 2: Tại sao cô ấy nghĩ cô ấy chết? Một câu hỏi phức tạp, đó có thể là do cô ấy tuyệt vọng về điều gì đó, có thể là công việc, mối quan hệ xung quanh. Hoặc có thể hơn là 1 thử thách chết người, những thử thách mà con người không nên tạo ra để thử độ cứng rắn của tâm lý. Hoặc cái cuối cùng mà mình nghĩ có lẽ hơi khó, đó là tâm lý ám chỉ, khi bạn được nhiều người hay nghe nhiều người nói 1 điều về bạn trong 1 thời gian dài, thì nó sẽ thành sự thật. Bạn hãy lưu ý những lời phiếm chỉ trong tin nhắn nhé. Thứ 3: Tại sao lại nghĩ các bạn không quan tâm? Con gái thường dễ khóc và mẫn cảm, nếu trong 1 thời gian dài suy sụp và bị ám chỉ, cô ấy sẽ dần mất đi cảm giác nhạy cảm với người xung quanh, điều đó có thể hình thành cảm giác, không ai quan tâm cô ấy cả. Thứ 4: Tại sao lại là kẻ nói dối? Chắc hẳn là đã có chuyện gì xảy ra, nó có thể là phản ứng dây truyền dẫn đến kết luận nói dối. Cô ấy sẽ từ Không ai quan tâm tôi - một nhận định chắc chắn nhưu thế trong 1 thời gian dài và đi tới => Quan tâm giả dối. Có thể bạn sẽ tìm ra câu giải đáp khi tìm được câu 3 hoặc ngược lại. Và cuối cùng, bất kỳ bạn tìm được cái gì, hãy liên hệ đến bác sĩ tâm lý, đừng vội tiếp xúc với cô ấy nhé, không mọi chuyện sẽ đi xa hơn đó Đây chỉ là những nhận định phiến diện của mình, mong sẽ giúp bạn được gì đó.
Theo mình thì đừng đối xử với bạn ấy như một người bệnh hoạn. Những phút giây này bạn ấy sẽ dễ suy nghĩ lung tung hay tự ti, mặc cảm vì một lí do nào đó mà có thể bạn sẽ thấy buồn cười. Hãy bình tâm lắng nghe bạn ấy nói hay bạn không cần làm gì cả hãy ở bên cạnh bạn ấy. Nếu có thể hãy cùng nhau đi ăn một ít đồ ngọt ở những quán ven đường hay một tiệm bánh ngọt dễ thương. Hay cùng nhau xem một bộ phim vui vẻ hay một bản nhạc hay nhé.
Bạn nên kiên định, đừng từ bỏ và đừng nói mấy câu kiểu: "Mọi chuyện sẽ tốt lên thôi," "bạn chỉ cần ra khỏi nhà thôi," hoặc "bạn sẽ ổn thôi" Vì nó là vô nghĩa đối với người bị trầm cảm Nói với ai đó những điều này thật dễ dàng bởi vì bạn nghĩ rằng bạn đang đưa ra cho họ một giải pháp hoặc đang chỉ cho họ một cách đơn giản để làm họ cảm thấy khá hơn và giảm bớt nỗi đau cho họ, nhưng những câu nói kiểu này thực ra là rỗng tuyếch, mang tính xúc phạm, và về cơ bản là vô nghĩa. Nói những câu như thế này với người trầm cảm chỉ càng làm cho họ cảm thấy căng thẳng hơn, khiến họ cảm thấy như thể là họ thiếu năng lực, và như thể là bạn không hiểu những gì mà họ đang phải trải qua nên cứ cố gắng băng một vết thương nghiêm trọng bằng một mẩu băng cầm máu cho một người bị đứt tay. Họ hiểu rằng bạn đang cố gắng giúp họ nhưng nói ra những điều này chỉ càng làm họ cảm thấy tệ hơn. Một cái ôm lặng lẽ sẽ có ích hơn rất nhiều so với việc nói ra những điều tầm thường này Hãy nhớ rằng khi một ai đó đang trải qua một giai đoạn khó khăn, chúng ta thường muốn chia sẻ với họ những câu chuyện của chính bản thân mình để họ biết rằng bạn cũng đã trải qua những điều tương tự và có thể hiểu được sự chống chọi hiện tại của họ. Khi bạn nói kiểu như, "à phải, tôi cũng một lần bị trầm cảm.." nó sẽ chỉ làm họ cảm thấy bạn đang thu nhỏ nỗi đau của họ qua lăng kính của mình. Hãy bày tỏ sự cảm thông nhưng đừng làm họ cảm thấy không muốn bộc lộ cảm xúc của mình nữa. Điều tốt nhất mà bạn có thể dành cho người bạn của mình là khả năng lắng nghe của bạn. Đó là tất cả những gì họ thực sự cần - Goodluck-
Một người đang bị trầm cảm thường rơi vào một trong hai thái cực trạng thái cảm xúc. 1. Tê liệt cảm xúc hoàn toàn tức là họ sẽ không có bất kỳ phản ứng nào với tác động từ người khác, bất kể tác động đó là tích cực hay tiêu cực. Ở trường hợp này lý do thường là bởi người đó đã giống như con ốc sên thu mình hoàn toàn vào thế giới riêng, tự xây một tường ngăn thế giới tâm lý của bản thân với môi trường xung quanh. 2. Rối loạn hành vi tức người đó hoàn toàn sẽ mất khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân và bộc lộ nó ra ngoài. Trong trường hợp này người xung quanh sẽ có cảm giác như dù mình nói gì hay làm gì, bệnh nhân cũng phản ứng lại một cách vô cùng gay gắt. Giống như một con nhím xù lông với tất cả mọi người. Để có thể nói chuyện hoặc khiến người trầm cảm mở rộng lòng mình người nhà cần tuân thủ ba quy tắc. 1. Người bệnh cần phải cảm thấy an toàn. Giống như động vật vậy, con vật chỉ ngừng tấn công khi nó cảm thấy môi trường xung quanh không có nguy hiểm, cá thể xung quanh không có địch ý. Chính vì thế khi tiếp cận người bạn kia, bạn nên chọn một không gian mà chắc chắn bạn ấy cảm thấy an tĩnh. Đặc biệt người bị bệnh trầm cảm rất sợ cảm giác bị người khác soi mói đánh giá, nên tránh xa đám đông hoặc địa điểm công cộng. Ví dụ thay vì quán cà phê, hãy rủ họ tới ban công nhà bạn và đưa cho họ một cốc cà phê. Thay vì tới công viên, hãy đi vào chùa.. 2. Hãy đặt các câu hỏi khách quan, không có tính chủ quan, không mang cảm xúc riêng. Người bị trầm cảm đặc biệt nhạy cảm với ngôn ngữ, bất kỳ cách dùng từ nào sai cũng có thể khiến họ cảm thấy đang bị tấn công. Cách đơn giản nhất là hãy hỏi về cảm nhận của họ. Ví dụ: "Dạo này bạn cảm thấy thế nào?" "Mình trông bạn có vẻ mệt mỏi, bạn có gặp khó khăn gì không?" "Đã lâu rồi mình không tâm sự với nhau, bạn có muốn nói với mình điều gì không?" "Mình có thể giúp gì cho bạn?" 3. Hãy cho người bệnh biết họ được quan tâm và thấu hiểu thay vì đang bị soi mói đánh giá. Hãy cố gắng lắng nghe bằng đôi tai khách quan, cố gắng hiểu cảm xúc của họ mà không áp đặt cách nhìn riêng của bản thân. Tùy vào cách trưởng thành và trải nghiệm riêng, mỗi người lớn lên sẽ có khả năng chịu áp lực tâm lý khác nhau, chịu ảnh hưởng khác nhau từ các tác động khách quan từ môi trường. Hãy lắng nghe và đồng cảm thay vì đánh giá. Ví dụ Khi người đó nói về việc họ bị áp lực vì thành tích học tập, thay vì nói "Ồ chuyện này thì có gì đâu, ai mà chẳng bị điểm kém vài lần, bạn phản ứng hơi quá rồi." hãy nói "Mình hiểu, bạn hẳn đang buồn lắm phải không? Mình sẽ ở đây cùng với bạn." Trong nhiều tình huống, người đó có thể miêu tả những cảm xúc hoàn toàn vô lý mà một người bình thường không hiểu nổi. Ví dụ họ có thể nói rằng họ cảm thấy vô cùng sợ hãi vì lúc nào cũng có ai đó đang quan sát và theo dõi họ. Trong tình huống này, hãy nhớ bạn cần người bệnh tin tưởng vào mình chứ không phải nghĩ mình chính là kẻ bám đuôi kia. Thay vì nói "Bạn bị điên rồi, làm gì có ai rảnh rỗi mà theo dõi bạn." thì hãy nói"Cảm giác ấy thật kinh khủng, bạn hẳn là rất sợ hãi phải không? Mình có thể làm gì giúp bạn càm thấy an toàn hơn. Cuối cùng hãy luôn nhớ bệnh tâm lý cũng có nhiều mức độ như bệnh về cơ thể. Có mức độ não bộ có thể tự lành giống như khi cơ thể bị sốt do thay đổi thời tiết, không cần uống thuố cũng có thể tự khỏi. Có loại bệnh nghiêm trọng mà não bộ không thể tự phục hồi như chứng bệnh tự hành hạ bản thân, ý muốn tự sát, rối loạn lưỡng cực, rối loạn hành vi, ám ảnh cưỡng chế, các loại bệnh này giống như ung thu trong não bộ, người bệnh cần được đưa tới chuyên gia tâm lý để được chữa trị. Bạn hãy tùy xem phản ứng và tình trạng người bạn cùa mình để xem xét các phương án hợp lý, thậm chí hãy nói chuyện với người thân cùa bạn ấy để họ có thể phối hợp giúp đỡ bạn ấy.
Cảm ơn lời khuyên của mọi người. Sau thời gian dài mình và bạn mình đã có thể nói là bình thường hóa được mọi thứ, tất nhiên nó vẫn ở chiều hướng xấu nhưng không đến mức quá xấu. Mình và ban ấy đã nói chuyện bình thường với nhau, bạn ấy cũng không suốt ngày ở trong nhà nữa, ngoài những lúc tâm trạng xuống xấu còn lại thì cũng cải thiện được tình hình sức khỏe. Mình phải nói rằng bác sĩ tâm lý chỗ mình rất tệ hoặc không đủ kiến thức chuyên môn, họ chỉ cho thuốc và không có pháp đồ điều trị như mình đã nghĩ. Có thể chuyện bệnh tâm lý vẫn chưa phải cái gì đáng để quan tâm. Mình viết bài này vì nghĩ có thể ai đó sẽ giúp, hoặc có lời khuyên vì thà rằng cố gắng làm một cái gì đó còn hơn ngồi chờ nó qua đi mà mình chẳng thể làm được gì.
Riêng mình thì cảm thấy rất là khâm phục tình bạn của bạn dành cho bạn của mình bạn đã cố gắng cứu một sinh mạng giúp bạn của mình bước ra khỏi thế giới của cô ấy và hòa nhập với mọi người bạn tuyệt vời đấy hiếm khi có người nào làm được như bạn. Và vấn đề nữa mình đồng ý với bạn là bệnh tâm lí hiện nay ở việt nam chưa được phổ biến không ai quan tâm quá nhiều đến tâm lí cả nên không thể trông mong gì ở bác sĩ tâm lí việt nam rồi vì thế chỉ có thể dựa vào sức mình mà thôi