Cách nhận biết bạn có ích kỷ không?

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Roxance77, 7 Tháng tư 2024.

  1. Roxance77

    Bài viết:
    39
    Cách nhận biết bạn có ích kỷ không?

    Trong bếp tại bữa tiệc của một người bạn, bạn đang mắc kẹt giữa câu hỏi đạo đức cực kỳ hóc búa. Các triết gia nổi tiếng thủ thỉ khuyên răn bạn: Người theo thuyết vị lợi, John Stuart Mill bảo bạn rằng người ta nên luôn cố gắng mang lại hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất. Aristole nhắc nhở bạn về tầm quan trọng của đức tính rộng lượng và công bằng. Nhưng Thomas Hobbes chỉ ra rằng "trong tất cả các hành động tự nguyện, mục đích của mỗi người là lợi ích của chính họ".

    Nói cách khác, dù sao thì con người bẩm sinh đã ích kỷ. Vậy tại sao bạn lại không lấy chiếc bánh cupcake cuối cùng cho mình? Đây thực sự là một trong những câu hỏi lâu đời nhất của triết học. Chẳng phải tình thế lưỡng nan về bánh cupcake mà là câu hỏi liệu con người vốn có ích kỷ không. Ý niệm rằng con người chỉ hành động vì lợi ích cá nhân được gọi là chủ nghĩa tâm lý vị kỷ, và không có nhiều triết gia tán thành lập trường cực đoan này. Đơn giản là có vô số bằng chứng về việc con người hy sinh lợi ích cá nhân và đôi khi chính mạng sống của họ, vì lợi ích của người khác. Và các nghiên cứu của các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng ngay cả khi trẻ nhỏ cũng thể hiện các hành vi giúp sức mặc dù bản thân chúng chẳng được lợi gì.

    [​IMG]

    Tuy nhiên ý kiến rằng tất cả con người đều có bản chất ích kỷ sâu thẳm là điều mà nhiều triết gia sẽ đồng ý hơn. Triết gia người Đức Immanuel Kant lưu ý mặc dù chúng ta dường như thường hành động vì lợi ích của người khác nhưng không thể chắc chắn rằng chúng ta không thực sự được thúc đẩy bởi "sự thôi thúc tiềm ẩn của tình yêu bản thân". Ví dụ, có thể khi mọi người quyên góp số tiền lớn cho tổ chức từ thiện, họ thực sự quan tâm đến việc được xem là tử tế hoặc hưởng lợi vì được giảm thuế hơn là giúp đỡ người khác.

    Phải nhấn mạnh rằng không phải mọi triết gia đều nghĩ rằng yêu bản thân luôn luôn là một điều xấu. Triết gia Pháp Jean-Jacques Rousseau đã xác định hai loại tình yêu bản thân. Ông tin rằng "Amour de soi", nhu cầu của chúng ta là tự bảo vệ là tự nhiên và thiết yếu . Nhưng ông xác định "Amour propre", mong muốn độc hại của chúng ta về sự công nhận và địa vị xã hội là nguyên nhân của nhiều sự chênh lệch bất công .

    Tương tự, Aristole lập luận rằng con người là những sinh vật xã hội mà chỉ có thể phát triển khi tìm kiếm những điều tốt đẹp của người khác cũng như của chính mình. Theo logic này, tình yêu bản thân thực sự đòi hỏi ta chống lại khuynh hướng ích kỷ. Đối với nhiều triết gia, vấn đề thực sự nằm ở điểm làm thế nào để chúng ta vượt qua sự ích kỷ của mình?

    Một số người như Kant đã lập luận rằng ý thức về nghĩa vụ đạo đức của chúng ta là thứ giúp chúng ta vượt lên trên lợi ích cá nhân hạn hẹp của mình. Những người khác như Rousseau và Adam Smith, cho rằng những cảm xúc như lòng thương hại và cảm thông là những gì chúng ta quan tâm đến nhu cầu của người khác. Nhưng Iris Murdoch, triết gia-tiểu thuyết gia thế kỷ 20 tin rằng giải pháp thực sự duy nhất cho sự ích kỷ của con người là tình yêu. Đối với Murdoch ích kỷ không phải là những điều không đáng kể như lấy chiếc cupcake cuối cùng. Đó là cách nhìn thế giới theo hướng tự coi mình là một ngôi sao và mọi người khác là nhân vật phụ.

    [​IMG]

    Để giải thích điều này, Murdoch kể chuyện về người mẹ chồng bất mãn. Dù người mẹ luôn nhã nhặn, bà thầm cảm nhận con trai mình đã sai lầm khi kết hôn với người vợ "thô tục" và "ngây thơ đến phát bực". Đối với Murdoch người mẹ này là hiện thân của sự ích kỷ vì chỉ chăm chăm vào sự ghen tị và bất an của chính mình, bà đang biến hiện thực đầy sắc thái của con dâu thành bức tranh biếm họa. Nhưng bằng nỗ lực có ý thức, Murdoch tin rằng người mẹ có thể học cách nhìn nhận con người thật của con dâu mình không thô tục hay thiếu chín chắn, mà là thẳng thắn đầy hào sảng và trẻ trung một cách thú vị. Nói rõ ra thì điều này không có nghĩa là người mẹ chỉ nên lãng mạn hóa hiện thực. Như Murdoch định nghĩa, "tình yêu là sự chật vật vô cùng để ngộ ra rằng thứ gì đó không phải chính ta là có thật". Dù điều này có thể gian nan, Murdoch tin rằng chúng ta đều có thể đạt được nhận thức này bằng cách trau dồi những gì mà bà ấy gọi là sự chú ý. Lấy cảm hứng một phần từ thiền định Phật giáo, phương pháp thực hành này có thể bao gồm nghiên cứu nghệ thuật, học ngoại ngữ, hoặc đơn giản là dành thời gian để quan sát môi trường tự nhiên.

    Điều quan trọng đối với Murdoch là hành vi giúp hướng sự chú ý của bạn vượt ra khỏi bản thân. Bởi vì chỉ bằng cách rèn luyện khả năng quan tâm đến thế giới xung quanh thì ta mới có thể học cách nhìn nhận nó đúng với bản chất.

    (Nguồn tham khảo)
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...