NỖI MẶC CẢM VỀ XUẤT PHÁT ĐIỂM CỦA MÌNH Bạn biết chứ, mỗi chúng ta ngay từ khi sinh ra đã là thiên sứ mang trong mình những câu chuyện riêng. Ai cũng từng trách cuộc đời rằng "tại sao tôi không được hoàn hảo như người khác", nhưng hỡi ôi, làm gì có "sự hoàn hảo" trên đời này? Tôi và bạn, chúng ta luôn có những ưu điểm, nhược điểm riêng, và ta phải hiểu điều đó như một sự chấp nhận tất yếu hơn là những sự oán trách, than vãn. Thực tế, luôn tồn tại những con người mặc cảm về số phận của mình, nhìn xuất phát điểm đã bất lực, buông xuôi, người ta gọi đó là hội chứng "Good Wild Hunting" (cảm thấy đời mình khó khăn). Đã đến lúc ta cần xem những gì không như mong muốn "là một món quà tạm thời của tạo hóa, hay chăng, đó còn là một phép thử để ta dấn thân, trải nghiệm? Xuất phát điểm không còn quan trọng nữa, vì con người sống vì đích đến, vì hành trình mình trải nghiệm, và những thành tựu đằng sau đó mới là chân giá trị thực sự! SỰ IM LẶNG LÀ MỘT NGHỆ THUẬT SỐNG Im lặng không phải câm. Im lặng không hẳn vô cảm. Im lặng đôi khi lại là một thứ nghệ thuật sống mà con người cần thiết phải theo đuổi - nhất là trong một thời đại với vô vàn những nhiễu âm, ồn ào. Ngày mới của người Nhật luôn bắt đầu bằng trạng thái gọi là sushi-zume - một thuật ngữ để chỉ những người đi làm hàng ngày phải chèn ép nhau trên những chiếc tàu điện ngầm đông đúc. Và vì thế, người Nhật Bản có một tục quán gọi là KODO, nghĩa là hương đạo. Vào những buổi tối, họ thường thưởng thức trầm hương, và trong khoảnh khắc của sự im lặng, tĩnh tại ấu, họ truy cầu cái đẹp, họ lắng nghe lòng mình. Hóa ra, im lặng là sự tĩnh tại nơi tâm, mà Phật giáo diễn tả hồn cốt của nó trong một chữ: Tịnh. Chỉ trong tỉnh, ta thấu tâm. Và chỉ thấu tâm, khi ta tịnh. Vậy đó chẳng phải là một thứ nghệ thuật giúp người ta" bước chậm lại giữa thế gian vội vã "hay sao? THAY ĐỔI LÀ QUY LUẬT CỦA CUỘC ĐỜI Tôi sẽ bắt đầu ý nghĩ của mình bằng một quan niệm nổi tiếng của nhà triết học Heraclitus:" Không ai tắm hai lần trên một dòng sông ". Đời người cũng tựa như dòng sông nước chảy, thời gian trôi, vạn vật biến thiên, chẳng ai có thể rửa tau hai lần tại một thứ nước bất biến. Thay đổi là quy luật của tồn tại. Hiểu điều đó, có lẽ chúng ta nên học cách thích ứng" như D. Diderot đã từng: "Có những điều tôi không thể ép buộc. Tôi phải thích ứng, thích ứng bằng cách thay đổi". Hóa ra khi cuộc sống thay đổi không ngừng, người ta phải thích ứng: Thích ứng bằng cách tự thay đổi. Đó là sự cộng hưởng của cá thể trong thế giới. Cũng giống như loài chim phượng hoàng, để trở thành một loài chim mang sắc thái hòa hợp: Đầu là trời, mắt là mặt trời, lưng là mặt trăng, cánh là gió, chân là đất và đuôi là các hành tinh; chúng đã phải nung mình trong sức nóng của lửa. Nó chấp nhận sự thay đổi, nói đúng hơn, nó đủ dũng khí để chủ động thay đổi.. SỰ BIẾT ƠN - TÌNH YÊU THƯƠNG - LÒNG DŨNG CẢM Giữa trường quay của chương trình That's Life, người anh hùng của thế kỉ XX nín lặng khi biết khán giả là 669 đứa trẻ Do Thái mà ông đã từng cứu sống. Người đàn ông đó là Nicholas Winton, một mình dũng cảm cứu sống hàng trăm đứa trẻ, di chuyển chúng một cách bí mật đến Anh để tránh khỏi chế độ hà khắc của thế chiến lúc bấy giờ. Trong thời khắc mà lương tâm như thôi thúc ông làm điều bản lĩnh, tôi tin rằng, trái tim ông đã chiến thắng sự do dự. Và để đến hôm nay, sau bao nhiêu năm, những đứa trẻ ấy đã trở thành những quý ông, quý bà lớn tuổi, họ đã về tại đây để cúi đầu trước ân nhân của mình. "Hãy đứng dậy nếu bạn nợ Nicholas Winton cả cuộc đời!" - câu nói vang lên từ chiếc micro khiến cả hội trường nín lặng. Một nỗi nghẹn ngào! Nicholas đã khóc ngay khoảnh khắc ấu khoảnh khắc ông nhận ra những đứa trẻ ngày ấy chưa từng, chưa từng bao giờ quên đi mình. BẢN LĨNH "Bản lĩnh" – hai từ thật đơn giản nhưng bạn biết không, hàm chứa trong đó là cả một quá trình quyết tâm kiên cường không ngại gian khổ. Giống như một chiếc áo giáp được tôi luyện từ những nguyên liệu bền vững nhất, bản lĩnh giúp ta không còn phải lo sợ trước những cơn gió to hay những ngọn sóng dữ. Vậy bản lĩnh là gì? Bản lĩnh là khả năng giải quyết mọi chuyện một cách bình tĩnh, thông minh và tỉnh táo. Người bản lĩnh là người dám đương đầu với khó khăn gian khổ. Thất bại, tự họ sẽ đứng lên. Cay đắng họ sẽ làm cho mọi thứ ngọt ngào. Họ dám làm những điều lớn lao, kỳ vĩ, xoay trời chuyển đất. Ở những người có bản lĩnh, họ luôn có trái tim đầy lý trí; có lòng quyết tâm cao độ với một lòng can đảm cùng với một nghị lực, ý chí mạnh mẽ. Họ sẵn sàng đương đầu với thử thách. Ở họ, ta luôn tìm thấy cái kiên định nơi đáy mắt và một nụ cười biểu trưng cho sự tự tin. Các cầu thủ U23 Việt Nam làm nên kỳ tích trước các đối thủ lớn về thể hình, mạnh về tốc độ như Uzơ-bê–kit- tan, I-rắc, Quata cũng là nhờ vào bản lĩnh. Người bản lĩnh, họ sẽ được mọi người yêu quý, tin cậy; bản thân họ cũng sẽ hiểu được sứ mệnh của mình là chỗ dựa tinh thần cho người khác. Vì vậy, người bản lĩnh là người dám nghĩ, dám làm và dám thành công. Tuy nhiên cũng có những người vừa mới thấy nhấp nhô gợn sóng đã vội vã buông tay chèo, dễ dàng chấp nhận thất bại. Chắc chắn một điều rằng, những kẻ ấy vĩnh viễn không thể tự khẳng định vị trí của mình trong xã hội, mãi mãi chỉ có thể sống dưới cái bóng của kẻ khác. Và bạn ơi, bản lĩnh khởi đầu như thế đấy! Khoan nói đến những thành quả mà bản lĩnh đem lại, chỉ nói riêng đến quá trình rèn luyện thôi cũng đã được xem là một thành tựu rồi. Đến đây, tôi chợt nhớ đến bông bồ công anh mạnh mẽ nương mình theo gió để vươn đến những chân trời cao xa. Ngay cả loài hoa mong manh nhỏ bé còn có thể tự luyện cho mình bản lĩnh, vậy còn bạn? Bạn có chấp nhận kiếp sống còn thua kém cả một loài hoa? TRUNG THỰC Đức tính trung thực là một trong những đức tính cần thiết để xây dựng và hoàn thiện nhân cách của con người. Về khái niệm, có thể hiểu tính trung thực là đức tính ngay thẳng, tôn trọng sự thật. Biểu hiện của tính trung thực là hành động, suy nghĩ thật thà, ngay thẳng, luôn nói đúng sự thật, không gian dối, không bao che bất cứ điều gì. Trong học tập, tính trung thực được thể hiện khi chúng ta nghiêm túc học tập, nghiêm túc làm bài, không quay cóp, gian lận trong thi cử, dám nhận khuyết điểm và sửa sai. Bên cạnh đó, trong kinh doanh, việc tôn trọng nguyên tắc kinh doanh, không gian lận, không dối trá khi bán hàng hay khai báo thuế, luôn đảm bảo chất lượng hàng hóa như cam kết cũng là biểu hiện của đức tính trung thực. Đức tính trung thực có ý nghĩa vô cùng quan tọng trong đời sống. Người có đức tính trung thực sẽ nhận được sự tin tưởng, yêu quý từ mọi người xung quanh. Ngược lại, người gian dối, không trung thực sẽ bị mọi người nghi ngờ, ngại tiếp xúc, khinh thường. Vậy làm sao để rèn luyện đức tính trung thực? Trung thực đến từ chính cái tâm của mỗi người, ngày từ nhỏ, ta hãy tập trung thực từ những điều nhỏ nhất, luôn luôn tôn trọng và đứng về sự thật dù trong bất kì hoàn cảnh nào.