CÁCH LÀM CÁC KIỂU BÀI DẠNG VIẾT - NGỮ VĂN 10 Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội (Nghị luận về một hiện tượng đời sống) - Nghị luận về một hiện tượng đời sống là phát biểu, trao đổi về một hiện tượng có thực trong đời sống (con người, sự việc) hoặc một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học. - Vấn đề xã hội đưa ra bàn luận có thể là hiện tượng tích cực, có thể là hiện tượng tiêu cực hoặc cả hai. - Khi nghị luận về một hiện tượng đời sống, người viết cần thể hiện được quan điểm của mình; từ đó, phân tích, biểu dương cái tốt, cái đẹp, và lên án, phê phán cái sai, vạch trần cái xấu, cái ác; nêu lên hướng khắc phục, giúp người đọc hiểu và làm theo cái đúng, có nhận thức, hành động tích cực. Các bước làm bài (9 bước) : 1. Mở bài: B1 - giới thiệu vấn đề xã hội cần bàn 2. Thân bài: B2 - Giải thích vấn đề B3 - Nêu biểu hiện/hiện trạng của vấn đề B4 - Lí giải nguyên nhân của vấn đề B5 - Phân tích vai trò, ý nghĩa (hiện tượng tích cực) / hậu quả, tác hại (hiện tượng tiêu cực). B6 - Dẫn dẫn chứng chứng minh (gương thực tế, hoặc các số liệu thống kê) B7 - Phản đề: Lật ngược lại vấn đề đang trình bày - nêu ý kiến đánh giá về hiện tượng ngược lại. B8 - Trình bầy giải pháp cho vấn đề (cách để nhân rộng/ hoặc cách khắc phục) 3. Kết bài: B9 - khái quát lại vấn đề, nêu bài học nhận thức, hành động cho bản thân. Ví dụ minh họa các bước làm bài: Đề bài: Suy nghĩ về những tấm gương vượt qua số phận của chính mình Mở bài: B1 - "Đó là cái số" là câu cửa miệng của những trái tim yếu đuối! "Đó là cái số" là lời xin lỗi u ám cho mọi sai lầm! Kẻ mạnh mẽ không chấp nhận số phận. Kẻ mạnh mẽ luôn nắm lấy vận mệnh của chính mình, thiết kế một cuộc đời vững chắc, sống với giấc mơ và làm nên kì tích. Những người dũng cảm vượt lên số phận của chính mình đã trở thành những tấm gương về nghị lực sống phi thường. Thân bài: B2 - Vượt lên số phận là dũng cảm đối mặt với éo le, nghịch cảnh, dám suy nghĩ, ước mơ, hành động để vượt qua nỗi đau riêng tạo nên bước chuyển cho cuộc đời, tô điểm sắc màu tươi sáng cho cuộc đời kém may mắn của mình. B3 - Những người biết vượt lên số phận là những người luôn sống lạc quan, không chịu đầu hàng trước nghịch cảnh, họ biết làm cho cuộc sống của mình trở nên hữu ích bằng những hành động, việc làm cụ thể. B4 - Động lực nào khiến họ có được dũng cảm vượt lên số phận của chính mình? Phải chăng vì họ nhận thức được giá trị của sự sống, khao khát sống có ích. Họ hiểu rằng vui cũng phải sống, buồn cũng phải sống, sao không chọn sống vui, sống đẹp cho đời? Và phải chăng vì họ không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội? B5 - Ý chí, nghị lực đã trở thành động lực tinh mạnh mẽ để họ làm nên kì tích, thành môi trường để họ rèn luyện chất thép của tinh thần. Ý chí nghị lực đã giúp họ hóa giải nỗi đau riêng để hòa mình vào cuộc đời chung và biết bao người đã có những cống hiến lớn lao cho xã hội. Họ còn lan tỏa đến những người xung quanh năng lượng sống tích cực; trở thành tấm gương sáng mang đến niềm tin, nghị lực sống cho biết bao người cùng cảnh ngộ. Những tấm gương vượt nghịch cảnh ấy khiến chúng ta nhận thức được sức mạnh lớn lao, kì diệu của chí, nghị lực; giúp ta hiểu rằng đó là phẩm chất tinh thần của con người (và của cộng đồng, dân tộc) thể hiện quyết tâm rất cao, không lùi bước trước khó khăn, gian khổ nhằm đạt bằng được mục đích đã đề ra. Họ thật đáng khâm phục! B6 - O. Hen-ry trước khi trở thành nhà văn được cả thế giới biết đến đã từng trải qua quãng đời đen tối nhất trong cảnh tù tội. Nhưng chính thời gian trong tù, với ý chí vượt nghịch cảnh, với tham vọng kiếm tiền nhuận bút nuôi con gái, ông đã bắt tay vào việc viết lách và cho ra đời những tác phẩm được cả thế giới ngưỡng mộ. Như vậy nhờ có ý chí, ông đã không để bản thân lún sâu trong bóng tối của đau khổ, tuyệt vọng mà mạnh mẽ bẻ lái con thuyền cuộc đời mình sang hướng khác. Nhà văn J. K. Rowling phải chứng kiến cái chết của người mẹ khi vừa hai mươi mấy tuổi, rồi hôn nhân tan vỡ, nghèo hết mức có thể nghèo, và trở thành một bà mẹ đơn thân. Vậy mà từng ấy đau khổ cũng không thể đánh gục ý chí vươn lên của bà. Bà đã biến tất cả những nỗi đau cuộc đời thành những chi tiết đắt giá trong bộ truyện Harry Poter và trao cho nó một danh tiếng bất hủ, trao cho chính mình hào quang chiến thắng. Như vậy, ý chí, nghị lực là động lực mạnh mẽ thôi thúc hành động, giúp con người có được những bước đột phá xoay chuyển cuộc đời. Và còn biết bao nhiêu tấm gương như thế nữa xung quanh chúng ta: Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, chàng trai khuyết tật Nguyễn Sơn Lâm, cô gái xương thủy tinh Nguyễn Phương Anh.. B7 - Danh ngôn có câu: "Chúng ta nắm giữ vận mệnh của chính mình chứ không phải các vì sao." Đúng vậy, không phải ai khác mà chúng ta mới là người phải kiến tạo nên cuộc đời của chính mình. Những ai còn buông xuôi, bất lực trước số phận, hãy nhìn xem những con người kia, họ đã mạnh mẽ đến thế nào. Con người ai chả có số mệnh nhưng sợ hãi một tương lai chưa xảy ra mà quên mất đi hiện tại cần phải sống chẳng phải là một sự hèn nhát hay sao? B8 - Vậy, mỗi người cần phải có thái độ như thế nào, cần có những hành động gì khi không may rơi vào nghịch cảnh? Nếu một ngày nào đó, cuộc đời rơi vào hố đen tăm tối, chúng ta trước hết hãy giữ vững tinh thần, suy nghĩ lạc quan, giữ trí óc tỉnh táo để đối diện với nghịch cảnh và tìm cách vượt qua nó. Chỉ có cách đi xuyên qua thử thách, thử thách mới ở lại phía sau. Ý chí, nghị lực chính là yếu tố tiên quyết để ta chiến thắng mọi rào cản trong cuộc đời. Kết bài: B9 - "Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường" - sức mạnh của ý chí sẽ làm nên những điều kì diệu cho cuộc sống này. Bạn sẽ trở thành cái bóng của số phận hay là mặt trời của số phận, tùy thuộc vào việc bạn chọn dũng cảm vượt qua hay quay đầu khuất phục. Bạn sẽ chọn hướng nào? Xem tiếp bên dưới: Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí
Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội (Nghị luận về một tư tưởng đạo lí) Nghị luận về một tư tưởng đạo lí là bàn luận về tư tưởng, đạo đức, quan niệm.. có tính xã hội. Loại nghị luận này thường thông qua các câu danh ngôn, tục ngữ, ca dao hoặc lời phát biểu nổi tiếng của nhân vật lịch sử.. để yêu cầu người viết bàn luận, làm rõ. Các bước làm bài: Với các tư tưởng đạo lí xuất hiện dưới dạng đơn thuần: VD: Lòng yêu nước, đức khiêm tốn, sự trung thực, lí tưởng sống, lòng tự hào dân tộc.. Các bước làm cơ bản vẫn qua 9 bước như bài nghị luận về một hiện tượng đời sống: 1. Mở bài: B1 - giới thiệu tư tưởng đạo lí cần bàn luận 2. Thân bài: B2 - Giải thích tư tưởng đạo lí B3 - Nêu biểu hiện của tư tưởng đạo lí: Đạo lí đó thể hiện trong cuộc sống như thế nào? B4 - Lí giải nguồn gốc của tư tưởng đạo lí: Xuất phát từ đâu (truyền thống của quê hương, đất nước hay môi trường giáo dục.. - có thể linh hoạt lược qua bước này ở các bài cụ thể) / Hoặc lí giải vì sao cần phải sống theo đạo lí đó. B5 - Phân tích vai trò, ý nghĩa của tư tưởng đạo lí B6 - Dẫn dẫn chứng chứng minh (gương thực tế, hoặc các số liệu thống kê) B7 - Phản đề: Lật ngược lại vấn đề đang trình bày - nêu ý kiến đánh giá về những biểu hiện đi ngược lại với tư tưởng đạo lí đang bàn luận B8 - Giải pháp: Làm thế nào để nuôi dưỡng, nhân rộng, lan tỏa tư tưởng đạo lí tốt đẹp đó? 3. Kết bài: B9 - khái quát lại vấn đề, nêu bài học nhận thức, hành động cho bản thân. Ví dụ minh họa các bước làm bài: Đề bài: Suy nghĩ về lẽ sống biết tôn trọng người khác. Mở bài: B1 - Miguel Angel Ruiz từng nói: "Sự tôn trọng là một trong những biểu hiện đẹp đẽ nhất của tình yêu." Đúng vậy, sự tôn trọng chính là món quà đầy yêu thương mà chúng ta nên dành cho nhau, để tạo nên những điều đẹp đẽ, kì diệu cho sự sống này. Thân bài: B2 - Tôn trọng là sự coi trọng danh dự, nhân phẩm, lợi ích, quyết định hay những nét riêng biệt của người khác. Từ sự coi trọng ấy mà có thái độ, cách ứng xử hay đánh giá đúng mực đối với họ. B3 - Tôn trọng là không đem danh dự, nhân phẩm của người khác ra để giễu cợt, xúc phạm; là có thái độ đúng mực đối với lựa chọn, quyết định của đối phương về một việc gì đó; là lắng nghe và góp ý chân thành, thiện chí; là coi trọng những điểm riêng biệt về ngoại hình, tính cách, năng lực.. B4 - Vậy vì sao chúng ta cần phải có thái độ tôn trọng người khác? Vì một lẽ rất đơn giản: Có cho, có nhận. Bạn tôn trọng người khác, bạn mới được nhận về sự tôn trọng từ họ. Bạn cần tôn trọng người khác vì nhân vô thập toàn, không ai hoàn toàn tốt, cũng không ai hoàn toàn xấu xa, sự chê bai, đả kích mặt xấu của người khác chỉ gây nên hiềm khích và những xúc cảm tiêu cực. Một người có thể không cân đối về ngoại hình, nhưng lại vô cùng hài hước; một người có thể không có học vấn cao, nhưng lại rất biết cách làm cho người khác vui vẻ; một người có thể chỉ làm công việc phục vụ, dọn rác, nhưng lại có tấm lòng nhân hậu.. Ai cũng có giá trị riêng của bản thân. Chúng ta cần tôn trọng những giá trị riêng ấy. Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Không ai tồn tại độc lập. Trong công việc tập thể, ý kiến, quyết định của người này có thể ảnh hưởng đến người khác. Nhưng không phải vì vậy mà ta bác bỏ những ý kiến, quyết định trái chiều với mình bằng thái độ phản ứng gay gắt. Ai cũng có quyền tự do ngôn luận, ta cần tôn trọng, góp ý chứ không phải đả kích công khai bằng những lời chỉ trích đầy mùi thuốc súng.. B5 - Tôn trọng người khác mang lại những điều vô cùng đẹp đẽ cho cuộc sống này. Tôn trọng người khác giúp chính chúng ta trở nên hạnh phúc, vui vẻ, vì nhìn nhận được giá trị của người khác, vì mang đến niềm vui cho người khác và được mọi người yêu mến. Khi ta tôn trọng người khác, thì người khác cũng tôn trọng mình. Vì thế, sự tôn trọng mang lại sự kết nối bền vững với những người xung quanh, là cây cầu nối trái tim với trái tim. Bởi "Những tương quan tốt đẹp nhất được xây dựng trên tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau." – Mona Sutphen. Có một điều thật dễ hiểu, không ai muốn kết bạn với người chỉ quen chỉ trích, giễu cợt, coi thường người khác cả. Sự tôn trọng cũng là một trong những viên gạch nền móng giúp ta hoàn thiện nhân cách và có được niềm vui, sự thành công trong cuộc sống. Cách ứng xử của mỗi người với nhau còn có tác động đến tập thể, cộng đồng. Xã hội mà ai nấy đều đối xử với nhau bằng thái độ tôn trọng, đó chẳng phải là một xã hội nhân văn sao? Xã hội mà người này đối với người kia đều chỉ là hiềm khích, coi thường, đó chẳng phải là điều tệ lắm sao? Câu chuyện giả tưởng về cái chết của sáu người trong tình huống bị kẹt nơi một hang lạnh, mỗi người không ai chịu bỏ que củi của mình vào đống lửa sắp tàn chỉ vì không tôn trọng địa vị, màu da.. của nhau chính là minh chứng sinh động cho hậu quả của thái độ ứng xử thiếu tôn trọng và sự nhân văn. B6 - Hình ảnh Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam Khánh Vân quỳ xuống khi chụp ảnh cùng một vị khách mời đặc biệt (khuyết tật chân) trong buổi họp báo.. là một hình ảnh thật đẹp, thể hiện sự tôn trọng một cách tinh tế của cô đối với người chung khung hình. B7 - Điều gì sẽ xảy ra nếu con người không đối xử với nhau bằng sự tôn trọng? Cuộc sống khi ấy có lẽ sẽ vô cùng khủng khiếp. Không có sự kết nối bởi lòng tôn trọng, con sẽ trở trên ích kỉ, tàn nhẫn, xã hội sẽ hỗn loạn biết bao! Rất may, chúng ta không sống trong xã hội như thế, dù đây đó vẫn còn số ít người sống thiếu sự tôn trọng nhưng đó chỉ là "con sâu bỏ rầu nồi canh". B8 - Thể hiện sự tôn trọng với người khác không khó chút nào. Tử tế, nhã nhặn, phải phép trong giao tiếp; không phân biệt đối xử, không lấy khuyết điểm của người khác làm niềm vui; tôn trọng thói quen, điểm riêng biệt của mỗi người; luôn luôn lắng nghe người khác.. chính là cách chúng ta thể hiện sự tôn trọng và là điều cần làm để ta nhận được sự tôn trọng từ người khác. Kết bài: B9 - Danh ngôn có câu: "Tôn trọng: Hãy học nó trước khi bạn muốn có được nó." (Anthony Avila). Hãy đối xử với người khác như ta muốn họ đối xử với ta là nguyên tắc sống đã trở thành "chân lí". Mình tôn trọng mọi người, mọi người sẽ tôn trọng mình. Tạo nên vòng tròn quan hệ dựa trên tinh thần nhân ái, bao dung, tôn trọng nhau, điều kì diệu nhất định sẽ đến. Xem tiếp bên dưới..
Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội (Nghị luận về một tư tưởng đạo lí - tt) Với các tư tưởng đạo lí xuất hiện dưới dạng một câu nói, một quan điểm Các bước làm bài: 1. Mở bài: B1 - giới thiệu quan điểm, câu nói, hoặc câu danh ngôn cần bàn luận 2. Thân bài: B2 - Giải thích về quan điểm, câu nói đó. B3 - Phân tích, bàn luận về tính đúng đắn của quan điểm, câu nói đó. B4 - Dẫn dẫn chứng minh cho lí lẽ ở bước 3. B5 - Phản đề: Lật ngược lại vấn đề đang trình bày - nêu ý kiến đánh giá về những biểu hiện đi ngược lại với tư tưởng đạo lí bàn luận trong câu nói, ý kiến.. ; hoặc phân tích, đánh giá khía cạnh chưa đúng, cần bổ sung của câu nói, quan điểm trên. 3. Kết bài: B6 - khái quát lại vấn đề, nêu bài học nhận thức, hành động cho bản thân. Ví dụ minh họa các bước làm bài: Suy nghĩ về câu nói: "Thử thách lớn nhất của con người là lúc thành công rực rỡ". 1. Mở bài: B1 - giới thiệu câu nói: "Thử thách lớn nhất của con người là lúc thành công rực rỡ" : Để có được thành công, con người phải trải qua bao khó khăn, thử thách. Vậy mà G. Welles lại cho rằng: "Thử thách lớn nhất của con người là lúc thành công rực rỡ." Lí do gì khiến ông đưa ra quan điểm mà với nhiều người có phần khá lạ lẫm ấy? 2. Thân bài: B2 - Giải thích câu nói: Thử thách là những rào cản, khó khăn mà chúng ta thường xuyên phải đối diện trên hành trình sống. Thành công rực rỡ là khi con người đã đạt được mục tiêu, dự định một cách trọn vẹn, viên mãn, và thường đó là thành công lớn lao, tạo nên bước ngoặt cho cuộc đời. Câu nói khẳng định rằng, thành công đôi khi cũng trở thành trở ngại cản bước con người phát triển. B3 - Phân tích, bàn luận về tính đúng đắn của quan điểm, câu nói: Bạn có thể thấy rất nhiều những tấm gương trải qua thất bại rồi từng bước chinh phục thành công. Nhưng bạn có biết rằng, không ít người lại đi theo chiều ngược lại: Thành công rực rỡ để rồi thất bại ê chề. Bởi khi đạt được thành công, nhiều người có xu hướng ngủ quên trong chiến thắng, tự thỏa mãn với chính mình. Thành công càng lớn, con người càng dễ nghĩ rằng bản thân đã chinh phục được đỉnh cao, không cần phấn đấu thêm nữa. Đó là một suy nghĩ khiến con người tự đánh mất đi khả năng phấn đấu, học hỏi. Tâm lí tự thỏa mãn dễ khiến cho vận mệnh của con người ngày càng bị giới hạn, tương lai ngày càng trở nên chật hẹp. Những người ấy sẽ không bao giờ biết được khả năng cực đại của mình đến đâu, không biết mình có thể làm được những thứ lớn lao hơn hiện tại. Khi không có nhu cầu đạt đến thành công khác, thì những gì con người có được sẽ ngày càng ít đi. Bởi thế giới vận động theo quy luật của sự biến đổi không ngừng, vậy tại sao khi đã chạm đích, bạn lại dừng lại? Còn rất nhiều những cái đích khác, còn rất nhiều những đối thủ đang cạnh tranh với bạn. Bạn hay, còn nhiều người hay hơn bạn, bạn giỏi, còn nhiều người giỏi hơn bạn. Dừng lại, thỏa mãn, tất sẽ lạc hậu và bị đào thải, đánh mất những gì mà bản thân cố gắng gây dựng. Vậy chẳng phải thử thách lớn nhất của con người là lúc thành công rực rỡ đó sao? B4 - Trong rất nhiều năm, Nokia được coi là biểu tượng của ngành công nghiệp di động, với thành quả chi phối đến 40% thị phần ở thời kì đỉnh cao. Nhưng những mầm mống của sự sụp đổ đã hình thành ở chính thời kì đỉnh cao của thành công ấy. Nokia đã không vạch ra kế hoạch đổi mới giữa những biến động không ngừng của lĩnh vực CNTT; lại thêm nhiều định hướng sai lầm trong chiến lược, không chặt chẽ trong quản lí nội bộ.. đã khiến hãng điện thoại thành công sớm nhất trong lĩnh vực này tự làm yếu mình và đi đến sụp đổ. B5 - Phản đề: Nếu như nhiều người không vượt qua được tâm lí thỏa mãn khi chạm đỉnh thành công, thì vẫn có rất nhiều người coi thành công là bước đệm để chinh phục những thành công tiếp theo. Đó là lí do vì sao mà các nhà nghiên cứu khoa học mang đến cho nhân loại hàng trăm, hàng nghìn phát minh mà vẫn miệt mài sáng tạo, khám phá. Bạn có ngạc nhiên không khi biết Thomas Edison có đến 1.500 bằng sáng chế trên khắp thế giới? Kết luận: B6 - nêu suy ngẫm, bài học cho bản thân: Làm thế nào để bản thân không ảo tưởng sức mạnh, không buộc chân mình trong những thành công của vùng an toàn là một thử thách của con người khi đạt được thành công. Thử thách này không hề dễ dàng. Chỉ những người có bản lĩnh, có khát khao chiến thắng bản thân, vượt lên chính mình mới có thể làm được. Núi cao còn có núi cao hơn, người giỏi ắt có người giỏi hơn, mỗi chúng ta cần biến thành công thành động lực để chinh phục những đỉnh cao tiếp theo chứ không biến nó thành chiếc giường êm ái mà ngủ quên trên đó.
Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm là sử dụng lí lẽ và dẫn chứng để chỉ ra tác hại, hậu quả của thói quen, quan niệm sai lầm, thuyết phục họ thay đổi theo chiều hướng đúng đắn, tích cực. Các bước làm bài (9 bước) : 1. Mở bài: B1 - giới thiệu thói quen hoặc quan niệm cần từ bỏ 2. Thân bài: B2 - Giải thích sơ lược về thói quen, quan niệm B3 - Nêu biểu hiện/hiện trạng của vấn đề: Thói quen, quan niệm đó phổ biến như thế nào trong xã hội? B4 - Lí giải nguyên nhân của vấn đề B5 - Thói quen, quan niệm đó để lại những hậu quả, tác hại gì? B6 - Dẫn dẫn chứng chứng minh (gương thực tế, hoặc các số liệu thống kê) B7 - Phản đề: Lật ngược lại vấn đề đang trình bày - nêu ý kiến đánh giá về thói quen, quan niệm tốt (ngược lại với thói quen, quan niệm đang bàn luận) B8 - Trình bày giải pháp cho vấn đề: Làm thế nào để thay đổi thói quen? 3. Kết bài: B9 - Khẳng định lại việc từ bỏ thói quen xấu, quan niệm tiêu cực là cần thiết vì chất lượng cuộc sống của bản thân và xã hội; thể hiện mong muốn thiết tha, niềm tin của người viết về sự thay đổi của người được thuyết phục. Ví dụ minh họa các bước làm bài: Đề bài: Thuyết phục người khác từ bỏ thói quen không làm bài tập về nhà. Mở bài: B1 - Danh ngôn có câu: "Thói quen xấu như một chiếc giường thoải mái, dễ trèo vào nhưng khó trèo ra." Nhưng mặc dù "khó trèo ra" đến thế nào, chúng ta cũng không được thỏa hiệp với thói quen xấu, không nằm mãi trên chiếc giường êm ái đến mê mị người kia. Một trong những thói quen cần nhận diện và loại bỏ của học sinh ngày nay là không làm bài tập ở nhà. Thân bài: B2 - B3 - Thói quen không làm bài tập ở nhà là người học thường xuyên lặp đi lặp lại việc bỏ qua, không hề thực hiện các nhiệm vụ học tập thầy cô giao cho ngoài giờ lên lớp. Biểu hiện của thói quen này là học sinh thường không thuộc bài khi đến lớp, không hoàn thành bài tập được giao, nếu có hoàn thành là do chống đối: Lên lớp chép bài của bạn. B4 - Thói quen không làm bài tập ở nhà cũng như các thói quen xấu khác thường được tạo nên bởi sự dễ dàng thỏa hiệp với chính bản thân, chiều theo ý muốn của bản thân; không nhận thức được hậu quả mà nói quen xấu gây ra. Thói quen không làm bài tập ở nhà còn dần được hình thành do có những tác nhân gây xao nhãng khác (game, mạng xã hội) chiếm hết thời gian, tâm trí khiến người học không còn thời gian, hứng thú cho việc học. B5 (kết hợp B7 - phản đề) - Thói quen không làm bài tập ở nhà nếu không quyết tâm từ bỏ sẽ chỉ khiến người học ngày càng trở nên sa sút, kết quả học tập xuống dốc. Bởi bài tập ở nhà là phần thực hành cho các kiến thức lý thuyết lĩnh hội trên lớp. Việc làm bài tập ở nhà sẽ khiến kiến thức được khắc sâu hơn, giúp người đọc hiểu được bản chất vấn đề, rèn luyện tư duy nhạy bén, hình thành kĩ năng làm bài nhanh nhạy. Nếu không làm bài tập ở nhà, người học sẽ không hiểu bản chất vấn đề, không khắc sâu được kiến thức, tư duy chậm chạp, kĩ năng làm bài không có, hoặc không thuần thục.. Vì thế càng ngày học càng kém đi. Người thường xuyên làm bài tập ở nhà sẽ nhanh chóng nhận diện được cách làm, phương pháp làm những bài tập đã được qua rèn luyện và dễ dàng giải quyết chúng. Người không thường xuyên làm bài tập ở nhà sẽ thấy bài nào cũng lạ cũng mới.. làm sao có thể làm được. Văn phải ôn, võ phải luyện, làm bài tập về nhà là cách luyện kĩ năng tốt nhất. Bỏ lỡ bước này, khó có thể học tốt được, nếu không muốn nói là càng ngày càng ngu dốt đi mà thôi. Và một vòng luẩn quẩn sẽ lặp lại: Không học - không hiểu - chán học - không học. "Sự học như đi thuyền ngược nước, không tiến ắt sẽ lùi". Không cố gắng thực hiện các nhiệm vụ học tập thì làm sao có thể vượt qua dòng nước ngược được đây? Việc học sa sút sẽ kéo theo nhiều thói xấu khác: Gian lận trong học tập, ỷ lại vào bạn bè, vào các nội dung giải sẵn trong sách, trên mạng.. Việc học sa sút còn kéo theo hệ lụy khôn lường: Bỏ học, sa ngã, tương lai mù mịt, trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội. Như vậy có thể thấy, việc làm bài tập ở nhà là vô cùng quan trọng đối với quá trình học tập của người học sinh. Việc học cũng giống như trồng cây, mỗi ngày đều phải chăm sóc tưới bón từng chút một. Quá trình ôn luyện, làm bài tập ở nhà chính là sự chăm sóc, tưới bón cho cái cây tri thức của mình ngày càng xanh tốt. Nếu bỏ bê, không chịu vượt khó, vượt lười thì không thể thu về hoa thơm, trái ngọt từ cái cây cỗi cằn. Hãy thử hỏi những học sinh, sinh viên có kết quả học tập xuất sắc xem họ có làm bài tập ở nhà không. Tôi chắc bạn sẽ bất ngờ đấy. Vì họ không chỉ làm các bài tập thầy cô giao cho ở nhà, mà còn làm thêm bài tập trong các sách ôn luyện, sưu tầm thêm đề hay trên các trang mạng xã hội để làm thêm. Kiến thức của nhân loại là đại dương, những điều chúng ta biết chỉ là giọt nước. Càng chăm chỉ ôn luyện, kiến thức mới càng mở rộng, phong phú thêm. Nếu chỉ có việc làm bài tập ở nhà mà cũng không thực hiện nghiêm túc, đầy đủ thì lạc hậu, trì trệ, ngu dốt là điều hiển nhiên. B6 - Lý Hoa là cô gái đã thi đỗ trường đại học Thanh Hoa (trường đại học danh tiếng bậc nhất Trung Quốc) với số điểm rất cao. Một lần, mẹ của Lý Hoa giúp con gái dọn dẹp phòng học. Bà đã mất vài phút "đứng hình" nhìn đống bút bi (124 chiếc) được sắp xếp gọn gàng trong ngăn kéo bàn học. Lý Hoa học hành chăm chỉ đến mức cứ hai ngày lại phải đi mua bút một lần. Phải có được tinh thần ôn luyện như thế mới có được thành công trên con đường học tập. B7 (phản đề ở 1 khía cạnh khác) - Tuy nhiên, cần phân biệt giữa việc làm bài tập ở nhà vì mục đích rèn luyện lĩ năng, lĩnh hội tri thức với việc chống đối, sao chép làm cho xong để thầy cô kiểm tra. Dù đều là làm bài tập nhưng kết quả thu về sẽ khác nhau. Người học bài bằng sự say mê, cầu thị sẽ ngày càng tiến bộ. Còn người học bằng cách dùng thủ thuật không chịu động não suy nghĩ cùng chẳng khá hơn người không học, không làm bài. Vì vậy, người học không nên làm bài tập theo kiểu chống đối đó mà hãy học bằng thái độ nghiêm túc; coi việc học là niềm vui; coi mỗi bài tập khó mình vượt qua là một thành tựu.. nhất định sẽ gặt hái được thành công. B8 - Để thay đổi thói quen, bạn hãy lập một quyết định lí trí, rồi thực hiện hành vi mới. Ngồi vào bàn học mỗi ngày, hoàn thành nhiệm vụ được giao, tự học thêm để nâng cao tri thức.. là những việc nên làm để thay thế thói quen xấu bằng những thói quen tốt. Kết bài: B9 - Không làm bài tập ở nhà là một thói quen xấu để lại biết bao hệ lụy. Bởi vậy, mỗi người cần nhận thức được tác hại của thói quen này và từng bước, từng bước thay đổi bản thân.
Viết bài luận về bản thân Viết bài luận về bản thân là dùng lí lẽ, dẫn chứng để thuyết phục các tổ chức, cá nhân tin vào phẩm chất, năng lực của bản thân để được tổ chức hoặc tham gia một hoạt động nào đó hay nhận được những nguồn tài trợ, sự giúp đỡ. Ví dụ: Thuyết phục trường cao đẳng, đại học tin vào năng lực của mình để xét tuyển hoặc cấp học bổng; thuyết phục địa phương cho phép tổ chức một hoạt động vì cộng đồng; thuyết phục nhà tài trợ ủng hộ cho chương trình/dự án học tập.. Các bước làm bài: Mở bài: B1 - Kính thưa, kính gửi; Giới thiệu sơ lược về bản thân (họ tên, đơn vị, hoặc quê quán) ; Nêu nguyện vọng của bản thân. Thân bài: B2 - Lần lượt trình bày các luận điểm: Mục đích, tình cảm, thái độ, sở thích, khả năng, điều kiện; lời cam kết thực hiện đúng nội quy, làm tròn trách nhiệm.. Kết bài: B3 - Khẳng định nguyện vọng của bản thân: Mong nhận được sự đồng ý; lời cảm ơn ban tổ chức. Ví dụ minh họa các bước làm bài: Đề bài: Viết bài luận thuyết phục ban quản lí khu di tích đồng ý cho em làm thuyết trình viên: Mở bài: B1 - Giới thiệu khái quát về bản thân: Tên, tuổi, quê quán, đơn vị học tập.. Nêu mong muốn của bản thân: Có nguyện vọng trở thành thuyết trình viên giới thiệu với khách tham quan về di tích lịch sử (tên di tích cụ thể) Thân bài: B2 - Lần lượt trình bày các luận điểm: - Trình bày về mục đích trở thành tình nguyện viên: Giới thiệu, quảng bá với du khách về di tích lịch sử quê hương: Giúp mọi người hiểu rõ nguồn gốc, lịch sử, các giai đoạn phát triển, kiến trúc, sự tích liên quan, ý nghĩa.. của di tích. - Trình bày về tình cảm, thái độ với công việc: Có niềm yêu thích đặc biệt với công việc làm thuyết trình viên, bản thân từng được trải nghiệm nên được đón nhận niềm vui và nhận thức được ý nghĩa của công việc.. - Trình bày về khả năng, (yếu tố chủ quan) của bản thân: + Là người có trách nhiệm với công việc, luôn cố gắng hoàn thành mục tiêu đề ra; + Là người có những tri thức, sự am hiểu kì càng về di tích lịch sử; thông thạo nội dung cần thuyết trình; + Là người có năng lực thuyết trình: Có thế mạnh về giọng nói; biết làm chủ và điều khiển được khả năng nói của bản thân, có cách diễn đạt lôi cuốn người nghe; + Là người tự tin trước đám đông, biết ứng xử nhanh trước cách tình huống xảy ra; + Minh chứng: Đã từng dẫn chương trình, tham gia thuyết trình trước tập thể và được đánh giá tốt (nêu các chương trình cụ thể đã từng tham gia nếu có). - Trình bày về điều kiện (yếu tố khách quan) của bản thân: + Được sự ủng hộ, giúp đỡ của thầy cô, gia đình; + Thuận lợi về mặt thời gian.. - Trình bày cam kết thực hiện tốt các yêu cầu của ban quản lí: Tôn trọng nội quy: Giờ giấc, trang phục; thực hiện tốt nhất công việc được giao, mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho du khách. Kết bài: B3 - Khẳng định nguyện vọng của bản thân: Mong nhận được sự đồng ý; lời cảm ơn ban tổ chức.
Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện - Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện là kiểu bài nghị luận văn học nhằm phân tích, diễn giải đặc sắc về nội dung, nghệ thuật của tác phẩm truyện. - Phân tích là chia tách, đi sâu tìm hiểu và làm rõ giá trị của từng phương diện cụ thể về nội dung, nghệ thuật. - Đánh giá là nêu lên suy nghĩ, nhận xét, bình luận của người viết. Với dạng bài: Phân tích, đánh giá đặc sắc nội dung, nghệ thuật của truyện/ của đoạn trích.. Các bước làm bài: Mở bài: B1 - Giới thiệu tác giả, tác phẩm/hoặc đoạn trích (nhấn mạnh đây là tác phẩm/đoạn trích thể hiện những nét đặc sắc về ND, NT) Thân bài: B2 - Tóm tắt (thật ngắn gọn nội dung truyện/đoạn truyện, nêu được các thông tin: Không gian, thời gian, hệ thống nhân vật, sự việc chính) B3 - Phân tích, đánh giá đặc sắc về nội dung: + Đề tài (là gì? Mới hay không mới? Có sự sáng tạo hay không) + Chủ đề/ nội dung của truyện hoặc của đoạn trích: *Chủ đề 1: Chỉ ra, phân tích, đánh giá qua các dẫn chứng tiêu biểu *Chủ đề 2: Tương tự cđ1.. + Cảm hứng nghệ thuật là gì? (tình cảm, thái độ của tác giả) + So sánh, liên hệ với các tác phẩm khác (ý này linh hoạt về vị trí). + Tư tưởng/Thông điệp của truyện/đoạn trích là gì? (điều tác giả gửi gắm) B4 - Phân tích, đánh giá đặc sắc về nghệ thuật: - Cốt truyện (đơn giản hay nhiều kịch tính? Tác dụng) - Ngôi kể, điểm nhìn (ngôi 1 hay ngôi 3; có mượn điểm nhìn của ai không? Tác dụng) - Cách dựng tình huống (nếu có, nêu tác dụng) - Cách khắc họa nhân vật (theo dòng nội tâm hay qua hành động, lời nói, qua đối thoại, qua các chi tiết tiêu biểu như miêu tả thiên nhiên, đồ vật, sự vật.. ; nêu tác dụng) - Nhận xét ngôn ngữ truyện (đơn giản, tinh tế, hoặc hài hước, dí dỏm, hoặc lạnh lùng, hoặc giàu cảm xúc, giàu hình ảnh, hoặc trau chuốt, bóng bảy, đậm tính nghệ thuật.. ; nêu tác dụng) - Nhận xét giọng điệu trong truyện (trầm buồn, xót xa hoặc nhẹ nhàng, hoặc thâm trầm, hoặc vui tươi, tác dụng) - Sự kết hợp giữa A và B (nếu có: VD: Chất tự sự - triết lý, chất hiện thực - trữ tình, chất cổ đi - Phong vị vùng miền: Miền núi, miền Nam, phong vị Tây Nguyên.. - Biện pháp nghệ thuật tiêu biểu.. B5 - Đánh giá khái quát về đặc sắc nội dung, nghệ thuật của truyện/đoạn truyện. Kết bài: B6 - Suy nghĩ, nhận xét về những thành công và hạn chế (nếu có) của tác giả, về giá trị, sự tác động của tác phẩm/đoạn trích đối với người đọc cũng như bản thân em. Ví dụ minh họa các bước làm bài: Phân tích, đánh giá đặc sắc nội dung, nghệ thuật của truyện ngắn Giữ lửa Leonit Leonop từng nói: "Mỗi tác phẩm là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung". Những đặc sắc về nội dung, nghệ thuật của một tác phẩm văn học là điểm nhấn để tác phẩm ấy sống mãi trong lòng người đọc. Với nội dung đơn giản mà sâu sắc, hình thức ngắn gọn, "xinh xắn" - câu chuyện "Giữ lửa" (trích trong tập Sự bình yên trong tâm hồn, Cẩm Tiên biên soạn) đã đọng lại trong lòng người đọc nhiều suy ngẫm. Đúng như nhan đề, truyện kể về tình huống giữ lửa của người mẹ khi cả nhà chỉ còn một hòn than nhỏ sau cơn giông bão. Người mẹ ấy đã cẩn thận gom rác khô, kẹp cục than vào giữa, thổi nhẹ để ngọn lửa cháy lên. Người mẹ ấy còn dạy cho con cách giữ lửa than cho lâu tàn, cách nhen lửa mỏng để không tắt. Từ những điều mẹ chỉ dẫn, người con đã chiêm nghiệm ra nhiều điều trong cuộc sống và lựa chọn cho mình cách sống đúng đắn, tích cực. Qua câu chuyện, ta biết về một người mẹ tỉ mỉ, kiên trì trong hành động giữ lửa cho sinh hoạt gia đình; một người mẹ đầy yêu thương và trách nhiệm trong việc dạy con cái những kĩ năng sống; ta cũng biết đến một người con biết lắng nghe, biết suy nghĩ và lựa chọn thái độ sống. Song, mục đích chính của câu chuyện không phải là ngợi ca vẻ đẹp của nhân vật mà là mang đến cho người đọc những bài học cuộc sống. Vậy bài học ấy là gì? "Giữ lửa" - một câu chuyện tự sự nhưng không hề có tình huống gay cấn, những diễn biến phức tạp, những pha bẻ lái bất ngờ. Nó đơn giản như đôi dòng chia sẻ của nhân vật tôi đến mọi người về câu chuyện gia đình, về quan niệm sống, vậy mà lại hàm chứa ý nghĩa nhân sinh sâu sắc và triết lí sống cao cả. Triết lí nhân sinh ấy thể hiện trọn vẹn trong lời chiêm nghiệm của nhân vật tôi: Tôi sẽ giữ một hòn than nhỏ, ngọn lửa mỏng cho tình yêu thương, hi vọng và tất cả những gì tốt đẹp.. trước khi nó nguội lạnh, tắt đi, biến mất. Để có dịp, tôi lại nhen nhóm thắp lên ánh lửa.. Từ việc học cách giữ lửa trong bếp, nhân vật tôi đã rút ra bài học giữ lửa trong tâm hồn: Giữ gìn, nuôi dưỡng niềm tin, hi vọng và tất cả những gì tốt đẹp nhất, để chúng tỏa sáng nhân cách con người, tạo nên giá trị cuộc sống. Đó là quan niệm sống đúng đắn, lạc quan, tích cực. Bài học từ câu chuyện có khả năng khơi dậy trong lòng mỗi chúng ta những điều tốt đẹp, giúp chúng ta biết nuôi dưỡng hi vọng, sống yêu thương và hướng đến sự hoàn thiện nhân cách. Như vậy, câu chuyện đã thực hiện được sứ mệnh của văn chương: "Văn học là nhân học" (M. Gorki). Điều đặc biệt là chất triết lí, chất "giáo huấn" của tác phẩm không hề được diễn giải một cách khô khan như một bài thuyết trình đạo đức. Tác giả gửi bài học đạo lí ấy trong một câu chuyện hết sức ngắn gọn, giản đơn: Phần thứ nhất kể về hành động giữ lửa của người mẹ, phần thứ hai kể về chiêm nghiệm của người con. Tất cả chưa đến hai mươi dòng, nhân vật là ba thành viên trong gia đình, không gian chính là chiếc thuyền, thời gian là một chuyến lưu hành.. Có thể nói, tác phẩm đã đạt đến độ hàm súc cao. Hình ảnh trong câu chuyện cũng không nhiều, nhưng giàu ý nghĩa biểu tượng. Cơn giông gió là biểu tượng cho nghịch cảnh cuộc đời. Ngọn lửa là biểu tượng của niềm tin, hi vọng. Nhen lửa, giữ lửa là biểu tượng của việc thắp sáng và nuôi dưỡng niềm tin, hi vọng ấy. Tác giả đã thật khéo léo khi mượn hình ảnh ngọn lửa nhỏ để gửi gắm tư tưởng lớn của tác phẩm. "Giữ lửa" là câu chuyện ngắn (rất ngắn) nhưng lại ẩn chứa bài học cuộc sống sâu sắc. Bài học ấy có ý nghĩa lâu bền và đúng đắn với mọi thời đại. Bởi ở đâu, khi nào, con người cũng cần đến niềm tin, hi vọng, cần hướng đến những điều đẹp đẽ, nhân văn. Có thể nói, câu chuyện xinh xắn này chính là món "trà sữa" cho tâm hồn, nó thắp lên trong mỗi chúng ta ngọn lửa sống nhiệt huyết, lạc quan và đầy yêu thương.
Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện (tt) Với dạng bài: Phân tích, đánh giá nhân vật trong truyện/đoạn truyện Các bước làm bài: Mở bài: B1 - Giới thiệu tác giả, tác phẩm/hoặc đoạn trích, giới thiệu nhân vật. Thân bài: B2 - Khái quát: Nêu bối cảnh lịch sử xã hội; nêu hoàn cảnh nhân vật xuất hiện (nếu có) B3 - Phân tích, đánh giá nhân vật: + Nêu đặc điểm 1, dẫn dẫn chứng, phân tích, đánh giá + Nêu đặc điểm 2, dẫn dẫn chứng, phân tích, đánh giá (Chú ý 3 phương diện: Số phận, tính cách, vẻ đẹp – phân tích qua các phương diện tên tuổi, ngoại hình, lời nói, hành động, cách ứng xử, quyết định, dòng tâm lí.. để làm nổi bật số phận, tính cách, vẻ đẹp) - Nêu cảm nhận suy nghĩ chung về nhân vật. - Liên hệ, so sánh với các nhân vật khác trong các tác phẩm khác. B4 - Đánh giá nghệ thuật khắc họa nhân vật: + Cách kể chuyện; + Ngôi kể, điểm nhìn; + Dựng tình huống; + Xây dựng nhân vật; + Ngôn ngữ, giọng điệu.. B5 - Khái quát thành công của tác giả của tác giả qua việc xây dựng nhân vật. Kết bài: B6 - Liên hệ, nêu cảm nghĩ về thông điệp mà tác giả gửi gắm qua xây dựng hình tượng nhân vật. Ví dụ minh họa các bước làm bài: Phân tích, đánh giá nhân vật dì Mây trong truyện Người ở bến sông Châu - Sương Nguyệt Minh "Văn học và đời sống là hai đường tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người." (Nguyễn Minh Châu). Con người là đối tượng phản ánh của văn học khi tiếp cận cuộc sống, nên qua mỗi trang văn, ta bắt gặp một tâm trạng, một tính cách, cuộc đời.. Qua "Người ở bến sông Châu", nhà văn cũng đưa ta đến với bến sông Châu để biết, để cảm thông và ngưỡng mộ một con người: Dì Mây - nhân vật chính của tác phẩm. Tuy một cuộc đời nhiều nước mắt, nhưng dì mây lại có những phẩm chất đáng trân quý. Dì Mây vốn là cô gái trẻ trung, xinh đẹp có mối tình sâu nặng với chú San. Chiến tranh nổ ra, dì xung phong ra chiến trường, tình nguyện làm cô y sĩ Trường Sơn. Bị thương, dì trở về với đôi chân không còn lành lặn, và những sóng gió cuộc đời vẫn chưa dừng lại dù chiến tranh đã kết thúc. "Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi". Chiến tranh xưa nay vốn khốc liệt. Cũng như bao người dân Việt Nam khác, dì Mây là nạn nhân của chiến tranh. Một phần tuổi trẻ và thân thể của dì đã để lại nơi Trường Sơn. Ngày trở về, thật trớ trêu, lại đúng là ngày chú San - người yêu cũ của dì đi lấy vợ, chỉ vì ngỡ rằng dì đã hi sinh. Nỗi đau chồng chất nỗi đau. Đôi chân tật nguyền không phải là nỗi đau lớn nhất. Dì phải đối diện với những nỗi đau tinh thần: Tình yêu tan vỡ, ám ảnh chiến tranh và sự hi sinh của đồng đội.. Nỗi đau của dì khiến ta nhớ đến thân phận của nhân vật Sô - cô - lốp trong truyện ngắn "Số phận con người" (Sô - lô - khốp). Sô - cô - lốp cũng trở về với thân thể tật nguyền và nỗi đau tinh thần ám ảnh: Vợ và ba con đều chết trong chiến tranh. Với góc nhìn hiện thực, Sương Nguyệt Minh đã thể hiện cảm động, xót xa những tổn thương cả về thể xác và tinh thần mà dì Mây phải gánh chịu. "Nhà văn phải là người nhân đạo từ trong cốt tủy", nên với tấm lòng nhân đạo sâu sắc, nhà văn không dừng lại ở việc phản ánh hiện thực khốc liệt của chiến tranh, ông còn dành những trang hay nhất viết về dì Mây với những phẩm chất đáng quý. Trong chiến trường, dì Mây là nữ quân y dũng cảm, kiên cường. Truyện không có một chi tiết nào gợi tả khung cảnh chiến trường và những công việc khó khăn, nguy hiểm của dì Mây quãng thời gian đó. Nhưng qua lời kể của những người công nhân làm cầu, người đọc có thể hình dung cảnh một cô gái mảnh mai đã lấy thân mình đỡ đạn cho người thương binh và bị bom phạt mất một chân vì hành động dũng cảm ấy. Người thương binh ấy là chú Quang, xuất hiện ở cuối truyện, người đã đi dọc sông Châu để tìm dì Mây. Lòng biết ơn, sự kiên trì tìm kiếm của chú với đối với dì đã cho ta hiểu thêm về vẻ đẹp của dì Mây khi còn ở chiến trường. Trở về với cuộc sống, dì Mây càng khiến ta thêm khâm phục ở vẻ đẹp của tấm lòng nhân hậu, vị tha, luôn hi sinh vì người khác, dù phải chịu thiệt thòi về mình. Chú San lấy vợ, dì đã trải qua biết bao cảm xúc: Đau khổ, tiếc nuối, tức tưởi, uất ức, có lúc tình yêu bùng lên mãnh liệt khiến dì mê mị đi. Nhưng với lí trí tỉnh táo, dì đã gạt tình riêng, từ chối lời đề nghị quay lại của chú San. Đâu phải vì dì hết yêu, đâu phải vì chú San hết tình cạn nghĩa. Cả hai đều rất nặng lòng. Nhưng dì không thể hạnh phúc trên sự đau khổ của người khác, nên dì đã nhường hạnh phúc ấy cho cô Thanh - người vợ mới cưới của chú San. Dì với cô ấy đâu quen biết gì nhau, vậy mà dì vẫn nghĩ cho tình cảnh lỡ dở của cô Thanh mà mạnh mẽ dứt tình. Đau khổ lắm chứ, tiếc nuối lắm chứ, chỉ có điều, lòng thương người, sự thấu hiểu không cho phép dì làm khác. Mấy ai có được quyết định khó khăn và đau lòng ấy khi trong lòng còn nặng sâu tình nghĩa với người yêu, và khi biết người yêu cũng vẫn yêu nhớ mình? Chi tiết cả hai người hồi tưởng về quá khứ của ngày chia tay, hồi tưởng về nỗi nhớ mãnh liệt khi dì ở chiến trường và chú San đi học nước ngoài là chi tiết đắt giá. Chi tiết ấy vừa cho ta hiểu tình cảm đậm sâu của chú, dì, vừa như "đòn bẩy" làm bật lên nỗi đau cũng như bản lĩnh, sự mạnh mẽ của dì Mây khi buộc phải đi đến quyết định cho tình huống trớ trêu này. "Chi tiết như hạt bụi vàng của tác phẩm". Từng chi tiết kể về cuộc đời của dì Mây từ khi trở về như cộng hưởng với nhau tôn lên vẻ đẹp của nhân vật. Chi tiết cô Thanh vượt cạn là một chi tiết đắt giá. Tình huống ngặt nghèo: Cô sinh non, tràng hoa quấn cổ, không thể sang đò lên huyện vì mưa gió.. đã đặt dì Mây vào cảnh khó xử: Cứu mẹ con cô Thanh hay lo cho sự an toàn của bản thân. Cô Thanh một hai phần sống, tám chín phần chết, lỡ mẹ con cô Thanh không qua khỏi, chẳng phải dì Mây sẽ bị liên lụy sao? Dù thím Ba khuyên can, nhưng dì Mây vẫn quyết định cứu người, làm tròn trách nhiệm của một y sĩ. Quyết định của dì không chỉ thể hiện dì Mây là người có trách nhiệm với công việc, mà còn cho thấy vẻ đẹp của tấm lòng nhân hậu, vị tha. Tấm lòng ấy tỏa sáng giữa hoàn cảnh ngặt nghèo, mang đến sự sống cho mẹ con cô Thanh. Vậy là, dì trước sau vẫn chẳng nghĩ đến sự an toàn của bản thân, vẫn hết lòng vì người khác. Chi tiết dì nhận nuôi thằng Cún vì mẹ nó - thím Ba chết bởi bom bi cũng là chi tiết khẳng định vẻ đẹp tỏa sáng nơi dì. Tật nguyền, sinh hoạt bản thân đã khó khăn, lại còn nuôi trẻ, khó khăn vất vả bội phần. Dì đâu có nghĩ nhiều đến điều đó, dì nuôi cháu vì tình thương con trẻ, vì tâm hồn bé bỏng cần chỗ tựa nương. Chi tiết nào cũng khiến người đọc thêm yêu, thêm quý dì. Một người tật nguyền lại chở đò không công cho bọn trẻ đi học, sẵn sàng đi bộ đến trạm xá để dành tiền sửa đường mua thuốc cho dân, một người đắn đo trăn trở trước tình yêu của người đàn ông yêu mình vì sợ làm gánh nặng cho người ấy.. chẳng phải là người luôn sống vì người khác - rất đáng ngưỡng mộ hay sao? Con người ấy, dù thân thể tật nguyền mà trái tim thì đầy ắp yêu thương, nhân ái. Sự khuyết tật của bàn chân, nỗi đau của cuộc sống không thể đánh gục, không làm mai một đi những phẩm chất cao đẹp. Bản lĩnh và mạnh mẽ trong những quyết định khó khăn, nhưng thẳm sâu trong trái tim dì Mây lại là khát khao bình dị rất con người, rất nữ tính: Khao khát được yêu thương, được làm vợ, làm mẹ. Vì sao dì giật mình thon thót của khi nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc bên trạm xá? Vì sao đỡ đẻ xong cho cô Thanh, dì gục xuống bàn khóc nức nở? Đó chẳng phải là cảm xúc vọng lên từ tâm hồn khát khao làm mẹ đó sao? Sự phân vân của dì trước tình cảm của chú Quang "liệu có nên không?" chẳng phải là sự đắn đo của người phụ nữ mang mặc cảm tật nguyền mà vẫn khát khao yêu thương đó sao? Không khao khát, dì đã chẳng phân vân như thế! Như vậy, ở dì Mây, ta bắt gặp một con người vừa mạnh mẽ, kiên cường, vừa nhân hậu, vị tha lại vừa rất đời thường với những khát khao đầy nữ tính. Không thiên về bút pháp lí tưởng hóa, nhân vật của Sương Nguyệt Minh vẫn hiện lên với tất cả những vẻ đẹp lí tưởng qua hàng loạt những chi tiết chân thật nhất. Điểm độc đáo trong ngòi bút kể chuyện của nhà văn là chọn điểm nhìn trần thuật linh hoạt, khi thì mượn điểm nhìn của nhân vật Mai, khi thì như tách hẳn ra để có những góc nhìn toàn cảnh hơn. Cách kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn, giàu kịch tính và tràn đầy cảm xúc. Những đoạn văn tả cảnh vô cùng đặc sắc, không một hình ảnh thiên nhiên nào được đưa vào ngẫu nhiên, mà đều có chủ ý, từ cảnh bến sông Châu quặn đỏ ngày dì trở về, đến cảnh thơ mộng ngày dì đưa chú San đi học, hay cảnh đất trời giao hòa lúc kết thúc truyện.. tất cả đều gợi một điều gì đó, hoặc số phận dì Mây, hoặc tình yêu thơ mộng của chú dì.. Tả tâm lí cũng đặc sắc không kém, hãy xem sau khi dứt tình với chú San, nhà văn miêu tả như thế nào? Tiếng dát giường cọt kẹt, tiếng thở dài, lại thở dài và trạng thái ngồi bó gối ngồi như tượng của dì, nói lên điều gì? Chẳng phải nói lên niềm đau xót, tiếc nuối trong tâm trí dì đằng đẵng suốt đêm đó sao? Hay khi dì đỡ đẻ xong cho cô Thanh, câu văn miêu tả tiếng khóc của dì, ngắn gọn mà nói lên biết bao nỗi niềm. Một tác phẩm thực sự luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí người đọc ngay từ lần đọc đầu tiên. Người ở bến sông Châu là tác phẩm như thế, với cốt truyện hấp dẫn, cảm động, cách kể chuyện lôi cuốn, truyện để lại trong mỗi người đọc nhiều suy ngẫm về nỗi đau chiến tranh, về vẻ đẹp của người phụ nữ. Truyện vừa giàu giá trị hiện thực, vừa thấm đẫm tinh thần nhân văn sâu sắc, xứng đáng là một kiệt tác văn học.
Viết bài văn phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ - Viết bài văn phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ là nêu lên và làm rõ ý kiến của người viết về giá trị nội dung, nghệ thuật (cái hay, cái đẹp) của một tác phẩm thơ nào đó. - Đối tượng: Nghị luận về một tác phẩm thơ có thể yêu cầu phân tích, đánh giá toàn bộ tác phẩm, đoạn trích hoặc tập trung vào một số nội dung, hình thức của tác phẩm thơ. - Những lưu ý khi phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ: + Nội dung của tác phẩm thơ thể hiện qua các yếu tố như đề tài, chủ đề, tư tưởng, tình cảm và thái độ.. của chủ thể trữ tình. + Nghệ thuật của tác phẩm thơ thể hiện ở các yếu tố hình thức thể loại như: Thể thơ, từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu, vần nhịp, các biện pháp tu từ.. + Nội dung và nghệ thuật liên quan chặt chẽ với nhau. Vì thế, khi phân tích cần làm rõ vai trò và tác dụng của các yếu tố hình thức nghệ thuật trong việc làm nổi bật nội dung. - Yêu cầu khi viết bài văn phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ: - Đọc kĩ tác phẩm, xác định nội dung và các yếu tố nghệ thuật nổi bật. - Xác định các luận điểm bài viết, chọn dẫn chứng từ bài thơ cho mỗi luận điểm. - Triển khai bài viết đảm bảo sáng rõ ý kiến và hệ thống luận điểm; cấu trúc chặt chẽ, sử dụng các bằng chứng thuyết phục – chính xác, tin cậy, thích hợp, đầy đủ. - Liên hệ, so sánh với các tác giả, tác phẩm có cùng đề tài, chủ đề để nhận xét điểm gặp gỡ và sáng tạo riêng của tác giả được thể hiện trong tác phẩm thơ. - Suy nghĩ, nhận xét về những thành công và hạn chế (nếu có) của tác giả, về giá trị, sự tác động của tác phẩm thơ đối với người đọc cũng như bản thân em. Các bước làm bài: Mở bài: B1 – Giới thiệu ngắn gọn về những nét chính về tác giả, tác phẩm. – Giới thiệu những vấn đề nghị luận và trích dẫn. Thân bài: B2 - Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác, vị trí đoạn thơ, bài thơ.. B3 - Phân tích cụ thể nội dung khổ thơ, đoạn thơ + Phân tích theo bố cục của bài hoặc từng câu (bổ ngang) + Phân tích theo hình tượng hoặc nội dung xuyên suốt bài thơ (bổ dọc). + So sánh, liên hệ với các ngữ liệu ngoài bài thơ + Nêu thông điệp của bài thơ/ đoạn thơ nếu có. B4 - Nêu đặc sắc nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ: Những hình ảnh giàu ý nghĩa, biểu tượng, cấu tứ, nhịp điệu. Kết bài: B5 - Đánh giá khái quát và khẳng định giá trị riêng, đặc sắc của bài thơ, đoạn thơ nghị luận. Ví dụ minh họa các bước làm bài: Bản chất của văn chương là sự sáng tạo. Nhà văn thực sự là người "biết đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có". Vậy nên, dù viết về đề tài đã cũ, nhà văn sáng tạo sẽ vẫn có lối đi riêng để thổi vào tác phẩm của mình những luồng gió mới mẻ gợi rung cảm sâu xa trong lòng người đọc. "Lính đảo hát tình ca trên đảo" của Trần Đăng Khoa là một bài thơ mang "luồng gió mới" ấy. Bài thơ viết về đề tài không mới: Người lính nhưng vẫn để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, lâu bền. Ấn tượng ấy người đọc có thể cảm nhận phần nào qua hai khổ thơ đầu: Đá san hô kê lên thành sân khấu Vài tấm tôn chôn mấy cánh gà Em đừng trách bọn chúng anh tạm bợ Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa Gió rát mặt, đảo luôn thay hình dạng Sỏi cát bay như lũ chim hoang Cứ mặc nó! Nào hỡi các chiến hữu Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn.. Trần Đăng Khoa được biết đến là nhà thơ viết nhiều về thiếu nhi và những sáng tác dành cho thiếu nhi đã tạo nên thế giới nghệ thuật riêng của thơ ông. Nhưng điều đó không có nghĩa là những sáng tác của ông ngoài vùng sở trường lại mờ nhạt, nghèo nàn. "Lính đảo hát tình ca trên đảo" là minh chứng chứng tỏ sự đa dạng trong các góc nhìn tiếp cận cuộc sống cũng như tài năng thơ ca của Trần Đăng Khoa. Cùng hát chung khúc hát về người lính, "Lính đảo hát tình ca trên đảo" mang một giọng điệu riêng, âm sắc riêng – thật mới mẻ và đặc sắc giữa cõi văn chương. Vẫn là những anh lính đảo sống giữa muôn trùng sóng nước thiếu thốn đủ bề mà luôn lạc quan, yêu đời từng đi vào bao lời ca, khúc hát, nhưng qua sự thể hiện của Trần Đăng Khoa, hình ảnh ấy vừa quen mà vừa lạ, vừa như đã diện kiến đâu đây trong "Gần lắm Trường Sa ơi", "Biển một bên và em một bên".. ; vừa như mới lần đầu gặp gỡ. Lần đầu mà đã yêu, đã mến biết bao. Đoạn thơ kể với người đọc về những buổi liên hoan văn nghệ của người lính đảo. Người lính đâu phải chỉ có khô cằn, cứng nhắc trong điều lệ, nội quy, họ cũng có lúc bay bổng, thăng hoa trong lời ca tiếng hát. Với tâm hồn lồng lộng gió biển khơi, yêu đời, yêu cuộc sống, người lính đã tự làm sinh động cho nhịp sống thường nhật buồn tẻ chốn hoang sơ của mình bằng những giai điệu du dương, ngang tàng đậm chất lính. Điều đặc biệt là sân khấu biểu diễn của họ chẳng hề được chuẩn bị cầu kì như lẽ thường phải thế. Sân khấu được kê bằng đá san hô, còn cánh gà chôn bằng vài tấm tôn "tạm bợ" : Đá san hô kê lên thành sân khấu Vài tấm tôn chôn mấy cánh gà Họ trang trí nơi biểu diễn nghệ thuật bằng những thứ chẳng có tính nghệ thuật – những thứ vốn sẵn có trong cuộc sống hàng ngày. Điều đó nói lên rất nhiều những thiếu thốn, gian khổ của người lính chốn biển đảo xa xôi. Đất nước mình những năm 80 còn nghèo lắm, người lính ngoài đảo xa còn khó khăn, vất vả gấp bội phần. Những thiếu thốn ấy đã được những chàng lính yêu đời, lạc quan "biện luận" bằng một lí do rất chân thực. Theo lời phân trần của người lính, thì sự "tạm bợ" của họ không hẳn là vì họ không có phông màn trang trí cho sân khấu mà vì: Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa Thật dễ cảm thông biết bao với cái lí do "bất khả kháng" ấy. Đọc câu thơ này của Trần Đăng Khoa, ta chợt nhớ đến bài thơ "Tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật: "Xe không kính không phải vì xe không có kính..". Những con người lạc quan luôn nhìn thấy trong khó khăn những điều thú vị như vậy đó. Qua sự phân trần của người lính về lí do cho sự tạm bợ, người đọc lại hiểu hơn về một Trường Sa khắc nghiệt bội phần: Gió rát mặt, đảo luôn thay hình dạng Sỏi cát bay như lũ chim hoang Lời thơ làm hiện lên trong trí tưởng tượng mỗi người đọc hình ảnh về một Trường Sa nhiều nắng gió. Gió Trường Sa như cộng hưởng sức mạnh của thiên nhiên mang đến những cảm nhận không phải là "Gió đưa cành trúc la đà", cũng không phải là "Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu".. mà là "gió rát mặt". Gió mang cảm giác bỏng rát trên mặt trần, gió tung sỏi cát như lũ chim hoang, gió làm biến đổi hình dạng của đảo mỗi ngày.. Hai câu thơ giàu sức gợi mang đến những cảm nhận có phần khá lạ lẫm trong lòng người đọc về thiên nhiên Trường Sa, bởi không phải ai cũng từng được trải nghiệm sức mạnh khủng khiếp của nắng gió nơi đây. Lời thơ như có sự cộng hưởng của những vần thơ Trần Đăng Khoa từng viết trong "Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài" : Lều bạt chung chiêng giữa nước, giữa trời Đến một cái gai cũng không sống được Sớm mở mắt, nắng lùa ngun ngút Đêm trong lều như trôi trong mây.. Cuộc sống mỗi ngày phải đối diện với khó khăn, vất vả là thế, nhưng thật thú vị, người lính nói về điều đó một cách bình thản, bình thản như đó là một phần của cuộc sống, không có gì đáng bận tâm. Họ không lấy điều đó làm phiền, ngược lại, họ vẫn sống lạc quan, yêu đời: Cứ mặc nó! Nào hỡi các chiến hữu Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn.. "Cứ nặc nó" – người lính bỏ lại tất cả những khó khăn phía sau để vui sống mỗi ngày. Niềm vui ấy là cùng các chiến hữu cất cao lời ca tiếng hát, niềm vui không phải chuẩn bị cầu kì, niềm vui đậm chất lính. Sự đối lập giữa hình ảnh thiên nhiên khắc nghiệt trong những câu trên và tâm hồn phơi phới của những chàng lính trong hai câu này là "dụng ý" nghệ thuật của nhà thơ. Trần Đăng Khoa đã mượn cái gian nan, khắc nghiệt của cuộc sống để làm "đòn bẩy" nâng cao vẻ đẹp tinh thần lạc quan, yêu đời của người lính. Người lính trong câu thơ này có nét gì đó tương đồng với người lính trong thơ Phạm Tiến Duật: Không có kính không phải vì xe không có kính Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi Ung dung buồng lái ta ngồi, Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng. Họ giống nhau ở sự tinh thần bất khuất, dù trong hoàn cảnh nào cũng không khuất phục trước khó khăn, ngược lại còn luôn nhìn thấy và cảm nhận niềm vui trong những vất vả, nhọc nhằn. Cách nói "mây nước đã mở màn" của Trần Đăng Khoa thật lạ, thật thú vị. Màn ở đây là màn sân khấu. Sân khấu dựng giữa trời nước mênh mông nên "mây nước mở màn" là một liên tưởng độc đáo. Sân khấu ấy thiếu phông màn vải vóc sặc sỡ, được thay bằng mây nước của biển khơi. Cũng "hoành tráng" và lộng lẫy lắm chứ? Nếu chàng lính trong "Tây Tiến" hiện lên với cái nhìn tinh nghịch "súng ngửi trời" khi nói về độ cao của dốc núi, thì người lính trong bài thơ này cũng tếu táo không kém khi nói về sân khấu đặc biệt của mình bằng hình ảnh "mây nước đã mở màn". Mỗi nhà thơ có cách biểu đạt khác nhau nhưng đều phát huy tối đa sức mạnh của ngôn từ để mang đến cho người đọc những cảm nhận độc đáo, mới lạ. Với ngôn ngữ thơ mộc mạc, tự nhiên pha chút đùa vui hóm hỉnh, những hình ảnh so sánh, đối lập khá lạ, hai khổ đầu bài thơ "Lính đảo hát tình ca trên đảo" là những nét vẽ đầu tiên về người lính đảo Trường Sa. Qua mấy nét phác thảo đơn sơ ấy người đọc có thể cảm nhận được những khó khăn, vất vả của người lính nơi biển đảo xa xôi cũng như vẻ đẹp của tinh thần bất khuất, lạc quan, yêu đời của họ. Tình cảm đầy ưu ái và ngưỡng mộ của nhà thơ Trần Đăng Khoa dành cho họ cũng theo lời thơ mà bộc lộ một cách tự nhiên, chân thành.