Cách làm bài văn thuyết minh

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Hạ Như Phong, 30 Tháng tám 2021.

  1. Hạ Như Phong Hạ Như Phong

    Bài viết:
    71
    I. Lý thuyết văn thuyết minh

    1. Khái niệm văn thuyết minh

    Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản thông dụng trong đời sống nhằm cung cấp tri thức về: Đặc điểm, tính chất, nguyên nhân.. của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội bằng phương thức trình bày, giới thiệu, giải thích.

    2. Yêu cầu văn thuyết minh

    Tri thức trong văn bản thuyết minh phải khách quan, xác thực, hữu ích cho mọi người.

    Văn thuyết minh cần trình bày chính xác, rõ ràng, chặt chẽ, hấp dẫn.

    * Trong văn bản thuyết minh có thể kết hợp sử dụng yếu tố miêu tả, biện pháp nghệ thuật làm cho đối tượng thuyết minh được nổi bật, hấp dẫn.

    3. Phương pháp thuyết minh:

    3.1. Phương pháp nêu định nghĩa:

    VD: Giun đất là động vật có đốt, gồm khoảng 2500 loài, chuyên sống ở vùng đất ẩm.

    3.2. Phương pháp liệt kê:

    VD: Cây dừa cống hiến tất cả của cải của mình cho con người: Thân cây làm máng, lá làm tranh, cọng lá chẻ nhỏ làm vách, gốc dừa già làm chõ đồ xôi, nước dừa để uống, để kho cá, kho thịt, nấu canh, làm nước mắm..

    3.3. Phương pháp nêu ví dụ:

    VD: Người ta cấm hút thuốc ở tất cả những nơi công cộng, phạt nặng những người vi phạm (ở Bỉ, từ năm 1987, vi phạm lần thứ nhất phạt 40 đô la, tái phạm phạt 500 đô la)

    3.4. Phương pháp dùng số liệu:

    VD: Một tượng phật ở Nhạc Sơn, Tứ Xuyên, Trung Quốc, cao 71m, vai rộng 24m, trên mu bàn chân tượng có thể đỗ 20 chiếc xe con.

    3.5. Phương pháp so sánh:

    VD: Biển Thái Bình Dương chiếm một diện tích lớn bằng ba đại dương khác cộng lại và lớn gấp 14 lần diện tích biển Bắc Băng Dương là đại dương bé nhất.

    3.6. Phương pháp phân loại, phân tích:

    VD: Muốn thuyết minh về một thành phố, có thể đi từng mặt: Vị trí địa lý, khí hậu, dân số, lịch sử, con người, sản vật..

    4. Các bước làm bài văn thuyết minh:

    Bước 1:

    Xác định đối tượng thuyết minh.

    Sưu tầm, ghi chép và lựa chọn các tư liệu cho bài viết

    Lựa chọn phương pháp thuyết minh phù hợp

    Sử dụng ngôn từ chính xác, dễ hiểu để thuyết minh làm nổi bật các đặc điểm cơ bản của đối tượng.

    Bước 2: Lập dàn ý

    Bước 3: Viết bài văn thuyết minh

    II. Cách làm một số dạng đề văn thuyết minh

    1. Khi đối tượng thuyết minh là một đồ vật thì nội dung thuyết minh thường là

    Cấu tạo của đối tượng

    Các đặc điểm của đối tượng

    Lợi ích của đối tượng

    Tính năng hoạt động

    Cách sử dụng, cách bảo quản

    2. Khi thuyết minh về một loài vật, nội dung thuyết minh thường là

    Nguồn gốc

    Đặc điểm

    Hình dáng

    Lợi ích

    3. Khi thuyết minh về một thể loại văn học, nội dung thuyết minh thường là

    Nêu một định nghĩa chung về thể thơ

    Nêu các đặc điểm của thể thơ:

    Số câu, chữ.

    Quy luật bằng trắc.

    Cách gieo vần.

    Cách ngắt nhịp.

    Cảm nhận về vẻ đẹp, nhạc điệu của thể thơ.

    4. Khi đối tượng thuyết minh là một danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, thì nội dung thuyết minh thường là

    Vị trí địa lí.

    Những cảnh quan làm nên vẻ đẹp đặc sắc của đối tượng.

    Những truyền thống lịch sử, văn hóa gắn liền với đối tượng.

    Cách thưởng ngoạn đối tượng.

    5. Khi đối tượng thuyết minh là một danh nhân văn hóa thì các nội dung thuyết minh thường là

    Hoàn cảnh xã hội.

    Thân thế và sự nghiệp.

    Đánh giá xã hội về danh nhân

    Lưu ý: Trong các phần trên, phần thân thế, sự nghiệp chiếm vai trò chủ yếu, có dung lượng lớn nhất trong bài viết.

    * Khi giới thiệu một đặc sản thì nội dung thuyết minh thường là:

    Nguồn gốc, ý nghĩa tên gọi món ăn, đặc sản.

    Đặc điểm riêng của món ăn, đặc sản: Dáng vẻ, màu sắc, hương vị.

    Cách thức chế biến, thưởng thứ

    III. Các dạng đề văn thuyết minh

    1. Dạng đề 2 hoặc 3 điểm

    Đề bài: Viết một đoạn văn ngắn giới thiệu món Cơm lam quê em.

    Gợi ý:

    – Cơm lam là một món ăn dân dã, quen thuộc của người miền núi phía Bắc

    – Cách làm: Cho gạo đã vo vào ống nứa (tre) non, cuộn lá chuối hay lá dong nút chặt, chất củi đốt. Phải đốt đều đến khi vỏ nứa cháy thành lớp than mỏng là cơm chín.

    Cách thưởng thức: Nếu ăn ngay chỉ việc chẻ ống nứa ra. Nếu muốn để dành thì dùng dao róc hết lớp nứa bị cháy chỉ để lại lớp vỏ trắng..

    – Hiện nay Cơm lam còn trở thành đặc sản trong nhà hàng, khách sạn.

    2. Dạng đề 5 hoặc 7 điểm

    Đề bài: Thuyết minh về một loài hoa trong ngày tết cổ truyền của dân tộc.

    *Gợi ý: Xây dựng dàn ý chi tiết

    1. Mở bài:

    Giới thiệu chung về một loài hoa trong ngày tết cổ truyền của dân tộc (hoa đào)

    – Xuất hiện vào mùa xuân, trong sự vui tươi, náo nức của ngày tết.

    – Hoa đào là loài hoa đẹp, có sức sống mạnh mẽ, có ý nghĩa trong ngày tết cổ truyền của dân tộc - món ăn tinh thần không thể thiếu được của người Việt.

    2. Thân bài:

    – Đặc điểm chung của loài hoa: Hoa đào là loài hoa đặc trưng cho Hà Nội, biểu tượng cho mùa xuân và sức sống của miền Bắc

    – Phân loại các loài hoa: Đào bích, đào phai, đào bạch..

    – Đặc điểm của hoa:

    + loài cây thân gỗ.

    + Nở vào mùa xuân.

    + Các loại hoa đào:

    Đào bích: Có hoa màu đỏ thẫm. Màu đỏ tượng trưng cho may mắn.

    Đào phai: Có màu hồng nhạt, sai quả, sai hoa, thường được trồng để lấy quả. Màu sắc trang nhã, kín đáo.

    Đào bạch: Ít hoa, có màu trắng và tương đối khó trồng.

    – Ý nghĩa tinh thần của loài hoa: Mọi người chuộng chơi đào ngày tết vì hoa đào đem lại sự may mắn, phúc lộc đầu năm.

    – Tình cảm gắn bó với hoa đào..

    3. Kết bài:

    – Nhấn mạnh vẻ đẹp của hoa đào trong cuộc sống tinh thần của người Việt nói chung và bản thân nói riêng.

    – Hoa đào là biểu hiện những đức tính, tâm hồn cao đẹp của con người Việt Nam; góp phần tô điểm sắc xuân thêm vui tươi và đầm ấm.

    IV. Dàn ý chung của bài văn thuyết minh

    1. Mở bài

    Giới thiệu, dẫn dắt vào đối tượng cần thuyết minh bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp.

    2. Thân bài

    A. Khái quát chung

    Nêu xuất xứ, lịch sử hình thành, nguồn gốc của đối tượng cần thuyết minh.

    Khái quát tầm quan trọng của đối tượng đó đối với cuộc sống ngày nay.

    B. Thuyết minh chi tiết

    Ở phần này, học sinh tập trung thuyết minh chi tiết cấu tạo, các bộ phận cụ thể của đối tượng trong bài làm của mình.

    Lưu ý: Cần cung cấp tri thức đầy đủ, chính xác và hạn chế sử dụng các biện pháp nghệ thuật trong dạng văn này.

    C. Cách chăm sóc/bảo quản

    Đối với đối tượng là đồ vật: Thuyết minh cách bảo quản, sử dụng.

    Đối với đối tượng là con vật: Thuyết minh cách chăm sóc.

    D. Công dụng, lợi ích của đối tượng

    Ở phần này học sinh nêu lên những lợi ích, ưu điểm cụ thể (vốn có hoặc do quá trình sinh sống hình thành) của đối tượng.

    3. Kết bài

    Khái quát lại giá trị, vai trò của đối tượng thuyết minh đồng thời rút ra bài học, liên hệ thực tế.

    V. Những lưu ý khi làm bài văn thuyết minh

    Cần xác định rõ đối tượng thuyết minh. Tìm hiểu những tài liệu liên quan đến đối tượng để có những hiểu biết nhất định và cần thiết để hình thành bài làm văn.

    Sắp xếp các tri thức mà mình tìm hiểu được theo một trình tự hợp lí nhất định, tránh lặp ý và sót ý.

    Nên lập dàn ý trước khi viết bài văn để đảm bảo bài văn đầy đủ ý.

    Sau khi hình thành bài văn cần đọc và soát lại những lỗi trong bài và đảm bảo cho bài văn được mạnh lạc, trôi chảy.

    VI. Một số Dàn ý mẫu

    Dàn ý Thuyết minh về trò chơi dân gian

    1. Mở bài

    Giới thiệu trò chơi dân gian kéo co bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp.

    Ví dụ: Một trong những giá trị tinh thần quan trọng trong cuộc sống con người chính là trò chơi văn hóa dân gian mà nổi bật là trò chơi kéo co.

    2. Thân bài

    a. Khái quát chung

    Trò chơi này đã xuất hiện từ lâu đời và trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt Nam ta.

    Trên khắp dải đất hình chữ S này, đâu đâu con người cũng biết đến trò chơi thân quen đó.

    Nó xuất hiện trong các lễ hội, trong nhà trường, trong các buổi sinh hoạt văn hóa thậm chí là trò các em nhỏ thường xuyên chơi với nhau.

    Dù tồn tại ở thể nào hay dịp nào thì nó vẫn mang một màu sắc, một đặc điểm riêng biệt không lẫn lộn với bất cứ một trò chơi nào khác.

    b. Thuyết minh chi tiết

    Cần chuẩn bị một sợi dây thừng đủ vững chắc, chia thành hai phần bằng nhau và đánh dấu điểm chính giữa bằng một chiếc khăn hoặc mảnh vải khác màu.

    Hai đội chơi đứng cách đoạn chính giữa đó một khoảng bằng nhau được kẻ vạch sẵn từ trước.

    Trò chơi này không giới hạn số lượng người tham gia nhưng với điều kiện thành viên của hai đội phải bằng nhau.

    Thành viên hai đội sau khi được sắp xếp vào vị trí thì nắm lấy sợi dây, đứng sau vạch kẻ ở tư thế sẵn sàng kéo.

    Người trọng tài sau khi thấy hai đội đã ổn định thì thổi một tiếng còi thật to. Tiếng còi của trọng tài vừa dứt cũng là lúc hai đội dùng hết sức của mình để kéo sợ dây về phía mình.

    Đội nào kéo khỏe hơn để điểm đánh dấu chính giữa chạm qua vạch kẻ bên mình hoặc thành viên đứng đầu của đội còn lại vượt qua vạch kẻ của họ thì đội đó giành chiến thắng và tiếng còi của trọng tài vang lên báo hiệu hiệp đấu kết thúc.

    Trò chơi thường có ba hiệp, đội nào giành số hiệp thắng nhiều hơn thì thắng chung cuộc.

    Đối với trò chơi kéo co có nhiều đội tham gia thì đội nào giành chiến thắng sẽ được vào vòng tiếp theo và đấu với những đội mạnh hơn để tìm ra đội chiến thắng cuối cùng.

    c. Yêu cầu của trò chơi

    Các thành viên phải có sức khỏe và sự dẻo dai nhất định. Những người tham gia trò chơi này thường có sức khỏe và sức chịu đựng tốt cũng như tinh thần, ý chí kiên cường, vững vàng.

    d. Tác dụng của trò chơi

    Trò chơi dân gian này giúp chúng ta rèn luyện sức khỏe, tinh thần đồng đội đoàn kết.

    Giúp chúng ta có những giây phút vui vẻ bởi những pha ngã nhào hài hước của các đội thi.

    Ngoài ra, nó còn giúp cho con người gần gũi với nhau hơn, từ cuộc thi chúng ta có thể giao lưu và có thêm những người bạn mới.

    3. Kết bài

    Khái quát lại giá trị của trò chơi dân gian này.

    Dàn ý thuyết minh về bánh chưng ngày tết

    1. Mở bài

    Giới thiệu đối tượng cần thuyết minh: Bánh chưng ngày tết.

    2. Thân bài

    a. Khái quát chung

    Bánh chưng theo dân gian ta có xuất phát từ câu truyện cổ tích "Bánh chưng bánh giầy", người phát minh là Lang Liêu, con vị vua Hùng thứ 6. Nhờ 2 món bánh này mà chàng đã trở thành vua, từ đó bánh chưng trở thành một món ăn không thể thiếu vào dịp lễ tết.

    b. Thuyết minh chi tiết

    Bánh chưng có hình vuông, được gói từ lá dong xanh và buộc bằng lá giang hoặc dây lạt.

    Nguyên liệu làm bánh chưng: Gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn (thịt ba chỉ), lá dong, lạt buộc và một số gia vị (muối, tiêu).

    Chuẩn bị: Lá dong rửa sạch, cắt bỏ cuống cho vuông vắn bằng nhau, gạo nếp sau khi ngâm thì rửa sạch, đậu xanh bỏ vỏ, đồ nhuyễn, thịt lợn cắt miếng khoảng hai đột ngón tay, lạt giang chẻ nhỏ.

    Quy trình gói bánh: Lấy chiếc khuôn hình vuông sau đó xếp lá theo 4 góc vuông của khuôn, đổ lần lượt gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, đậu xanh, gạo nếp vào trong khuôn đã xếp lá cho thật vuông vắn sau đó gấp phần lá còn lại cho chê hết được nguyên liệu bên trong rồi dùng lạt buộc chặt bánh lại.

    Để nấu bánh chưng, người ta chuẩn bị một chiếc nồi bên dưới phủ lá dong còn thừa rồi xếp bánh ngay ngắn, đổ nước ngập bánh rồi bắc lên bếp đun trong khoảng 8-12 tiếng tùy kích cỡ to nhỏ của bánh. Trong quá trình đun, cần phải thường xuyên xem nước trong nồi đã cạn chưa và đổ thêm nước để tránh tình trạng bánh bị cháy.

    Sau khi bánh chín, vớt ra để ráo rồi lấy khăn lau sạch bề mặt bánh, chỉnh lại dây lạt cho bánh đẹp nhất có thể, để cho bánh nguội là có thể sắp lên bàn thờ, mang đi biếu hoặc ăn luôn.

    c. Ý nghĩa của bánh chưng ngày tết

    Bánh chưng là nét đẹp văn hóa, là một trong những biểu tượng của ngày tết cổ truyền Việt Nam. Nó không chỉ là món ăn mà còn là tinh thần được lưu truyền bao năm tháng.

    3. Kết bài

    Khái quát lại những giá trị, ý nghĩa của bánh chưng ngày tết và nêu lên trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn nét đẹp này.

    Dàn ý thuyết minh về một món ăn đặc sản

    1. Mở bài

    Giới thiệu vấn đề cần thuyết minh: Một món ăn đặc sản.

    Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách viết mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân mình.

    2. Thân bài

    A. Khái quát chung

    Giới thiệ về lịch sử ra đời của món ăn đặc sản: Món ăn được bắt nguồn từ đâu, vào khoảng thời gian nào.

    Nguyên liệu để làm nên món ăn đó gồm những gì? Món ăn được chế biến trong khoảng bao nhiêu lâu?

    Những giá trị kinh tế và giá trị văn hóa mà món ăn đó mang lại cho địa phương nói riêng cũng như cho nền ẩm thực Việt Nam nói chung là gì?

    Đánh giá về thực trạng của món ăn đặc sản đó trên thị trường: Hiện nay, món ăn có được ưa chuộng hay phổ biến hay không?

    B. Thuyết minh chi tiết

    Để làm nên món ăn cần chuẩn bị những gì?

    Thuyết minh chi tiết về quá trình tạo ra món ăn: Gồm những bước nào? Đâu là công đoạn quan trọng nhất?

    Thưởng thức món ăn như thế nào là ngon nhất?

    Hương vị của món ăn có gì đặc sắc, nổi bật?

    C. Ý nghĩa, ưu điểm mà món ăn mang lại

    Món ăn đặc sản đó có ý nghĩa như thế nào với người dân địa phương và nền ẩm thực?

    Chúng ta cần phải làm gì để lưu giữ món ăn đó và làm cho mọi người ngày càng biết đến nó nhiều hơn?

    3. Kết bài

    Khái quát lại món ăn đặc sản vừa thuyết minh, đồng thời liên hệ đến bản thân và rút ra bài học chung cho mọi người.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...