Tâm sự Cách con người ta vận hành

Thảo luận trong 'Góc Chia Sẻ' bắt đầu bởi Hy Minh Tuệ, 20 Tháng mười hai 2020.

  1. Hy Minh Tuệ

    Bài viết:
    16
    [​IMG]

    Chả là tôi rất thích, cái dáng vẻ tập trung của người khác. Và rất thích, ngồi ngẩn ra suy nghĩ những thứ ngu xuẩn, chẳng hạn như việc tôi đã từng ngồi đơ ra khi đang dùng bữa tối cùng chúng bạn chỉ vì bận suy nghĩ, nếu như mình bị truy đuổi trong một phòng hình tròn thì có bị dồn vào góc phòng không. Kiểu thế.

    Đôi khi nhìn người khác hành động, tôi lại thấy có chút "móc xích" giữa người này với người kia, người kia kia với người nọ, cảm giác như Trái Đất thực sự rất nhỏ bé vậy, đi đâu cũng gặp phải nhau. Và cái vấn đề tôi muốn nhắc tới, chính là cái cách, mà Vũ Trụ sắp xếp những sự kiện, Trái Đất sắp xếp sự gặp gỡ và con người sắp xếp lẫn nhau. Trong cuộc sống như một thanh socola trải dài từ địa ngục vươn thẳng tới thiên đường và băng qua trần gian như thế.

    Con người ta tự cho mình cái quyền vận hành nhiều thứ. Như thể quả Địa cầu là của riêng chúng ta vậy: Các quả núi được chinh phục, con người cho rằng đó là kì tích; Các vùng đất được khai hoang, con người ra sức "kí sinh"; Những vùng biển sâu thăm thẳm, con người "tô" thêm những nhựa màu xanh đỏ sặc sỡ, có lẽ là để cho bắt mắt chăng? Thấy đó, thật nhiều dấu vân tay của con người trên khắp mọi miền thế giới, báo chí và truyền thông đã và sẽ nói thêm rất rất nhiều về vấn đề này, không đến lượt tôi, còn giờ, hãy thử ví von như này đi:

    Hẳn là các bạn đã nghe câu "Năng lượng không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển hóa từ dạng này qua dạng khác", hoặc là "Tiền không tự nhiên mất đi, mà chỉ truyền từ tay người này vào tay người khác" kiểu vậy. Thì, cái vật chất, cái cảm xúc nó cũng thế, không tự nhiên mà bạn vui, không tự nhiên mà bạn lại giàu có; Khi mà bạn vui, hẳn sẽ có người làm bạn vui và hẳn sẽ có người mất đi cái niềm vui đó, tôi đã từng nghe câu "Chia sẻ làm niềm vui nhân đôi còn nổi buồn được san nửa", tôi không đồng ý, bởi cái san nửa đó, cho ai? Không thể nào nó tự bốc hơi qua đôi mắt được, đúng thế, nó được san cho người nghe, vậy người nghe đã nhận nỗi buồn, và người nói đã mất bớt đi, suy cùng thì nỗi buồn vẫn hoàn một. Một điều thực tiễn khác, khi bạn giàu lên, sẽ có người nghèo đi, cái tiền của người nghèo đi đó, nó đã từ trong túi quần của họ bay ra, và chui vừa khít vào két sắt của người khác, có nghĩa là như vậy, bạn có một trăm chẵn, bạn chi lung tung hết năm chục, vậy là bạn đã nghèo đi, còn với cái năm chục đó, nó sẽ vào tay của nhiều người, qua tay của nhiều người, và tới người cuối cùng họ có được nó, họ đã giàu lên vì năm chục của bạn đã vào túi của họ. Dù chỉ với năm chục.

    Phạm Nhật Vượng, giàu nhất Việt Nam, lọt top tỷ phú thế giới. Tiền ông ấy kiếm được, không phải là tự ông vẽ hay in ra, mà là của người khác đổi lấy sản phẩm kinh doanh của ông. Ông mất đi chất xám và có được tiền, khách hàng có được sản phẩm chất xám của ông và mất đi tiền. Vậy là ông Vượng đã giàu thêm còn khách thì nghèo đi, người khách muốn giàu lên thì lại tiếp tục bán chất xám cho nơi mình làm việc, và nhận lại tiền, công ty nơi người khách đó làm việc, mất tiền để đổi lấy chất xám của người khách đó, rồi công ty đó lại bán chất xám để thu lại tiền của một người khách khác nữa, vân vân và mây mây một vòng luẩn quẩn. Vậy tại sao chênh lệch giàu nghèo lại quá lớn? Đó chính là cách con người ta vận hành.

    Trong một cuộc thi giữa hai tổ trong một lớp học, nếu là học sinh cấp I thì sẽ ồn như ong vỡ tổ nhưng sẽ quên hết vào ngày hôm sau, nếu là học sinh cấp II, III thì sẽ có những tiếng xì xầm, ghen ghét, đổ thừa gian lận và háu thắng, nhưng chắc gì đã quên hết vào ngày hôm sau. Khi tổ bạn thắng, tổ bạn vui, tổ còn lại thua, bực bội và cáu gắt, giả dụ như trạng thái ban đầu là một cái cân, bằng nhau chẳng hạn, sau một cuộc thi, một bên nặng hơn, thì chắc hẳn bên còn lại sẽ bị nâng cao lên, và cái cuộc thi đó cũng thế, một phần niềm vui để cân bằng sự bực bội của bên thua cuộc đã thế chỗ một phần bực bội của đội thắng, vậy cái phần bực bội của đội thắng đi đâu? Sang tổ thua cuộc, hẳn rồi. Không bao giờ, không bao giờ trong cái xã hội này công bằng giữa tình và lý, giữa lòng người với nhau cả, bạn làm hài lòng một người, sẽ có một người mà bạn làm mất lòng. Đó chính là cái cách con người ta vận hành.

    Theo tôi thì, con người ta vận hành ít ỏi lắm, chỉ là vận hành chút ốc vít trên đời, và cái cách vận hành làm nó rối rắm lên. Như đã nhắc đến, con người ta tự cho mình cái quyền vận hành nhiều thứ, (tôi nhiều lúc bật cười cũng chỉ vì "lỡ" tưởng tượng Trái Đất như một khu rừng nhỏ, còn con người là một quần thể sống ở đó) vậy khi tự cho mình cái quyền như thế, con người tự nhiên có, chắc hẳn, sẽ có cái tự nhiên mất đi, hoặc, con người sẽ mất đi cái gì đó để mà bù lại cái thứ tự-nhiên-mất-đi đó. À, nếu nói vậy thì con người mất nhiều thứ: Như là sự đoàn kết của một số nước, sự yên bình của nhiều nơi, tình giữa người và người, tình giữa thiên nhiên và cây cỏ.. Nếu nói vậy thì cũng không đúng, giữa các mối quan hệ giữa các nước, có một bên vì muốn có lợi ích hơn, thì (các) bên còn lại sẽ bị mất đi lợi ích hoặc thiên nhiên sẽ mất đi lợi ích, từ đó mà xảy ra sự bất hòa, nếu để ý, sự bất hòa đó là sản phẩm "dư thừa" của việc "một cọc bạc" từ (các) bên thiệt sang (các) bên hưởng lợi và "một cọc nghèo đi" từ bên lợi sang bên thiệt. Và cái sản phầm "dư thừa" đó chính là sự bực bội, bất công của bên thiệt, mà cách duy nhất để vận hành sản phẩm "dư thừa" đó, chính là sự bất hòa giữa hai bên với nhau, từ đó dẫn đến việc mất đi sự đoàn kết.

    Vậy yếu tố nào mới thực sự vận hành mọi thứ? Trái Đất vận hành con người, Vũ Trụ vận hành Trái Đất, còn điều gì vận hành Vũ Trụ thì không ai biết được, nhưng chắc chắn sẽ có thứ vận hành, vì quy luật là như thế. Ngoài lề, thật ra, tôi rất thích cái cách mà Trái Đất và Vũ Trụ cùng vận hành con người. Nếu ví von, thì, quả Đất sẽ là một quả cầu to cực to với bề mặt nhấp nhô, mỗi người có một đoạn chỉ mỏng thiệt mỏng của riêng mình, có thể, đoạn chỉ đó có màu sắc, mỏng hay dày hơn, ngắn hay dài hơn, là mẫu chỉ sang chảnh hay chỉ quần sao đó, tôi không đếm nổi bao nhiêu loại "chỉ" mà tôi đã gặp trong đời. Thì đây, bạn chính là một sợi chỉ, quấn quanh quả cầu Đất, dưới sự vận hành của Vũ Trụ, mà bạn chắc chắn sẽ "đè" lên "sợi chỉ" khác, đó chính là khoảnh khắc bạn gặp người ta, sẽ có lúc, bạn vô tình "thắt nút" với "sợi chỉ" nào đó, có lúc, bạn sẽ "đè lún" mất một đoạn của người ta, có lúc thì ngược lại.. Và nhẫn tâm nhất vẫn chính là đi ngang qua "sợi chỉ" bị đứt đoạn hay dừng ngay chân "sợi chỉ" của mình. Con người ta bỏ lỡ nhau như cái cách "sợi chỉ" bỏ lỡ nhau vậy. Tầng tầng, lớp lớp, rồi, các "sợi nền" sẽ bị lãng quên. Bạn cũng thế. Đó chính là cái cách mà Vũ Trụ cùng Trái Đất vận hành con người.

    Bài viết này, nghe như cách "khuyến khích" con người ta thiếu nghị lực và thêm u uất vào những con người đang u buồn trong cái xã hội u tối này vậy. Đáng bị lên án dù sao đi nữa. Có một chút ngoài lề là, tôi vẫn còn rất trẻ nhưng vô tình nhận thức những điều như thế, làm tôi rất hối hận, nếu sau này, tôi vẫn còn sống tốt và nhận nuôi một đứa bé nào đó, tôi sẽ dạy nó sống một cuộc sống của một đứa trẻ thực-sự cho đến khi đến cái tuổi mà nó nên biết mặt tối của nhiều thứ trên đời.

    Nghe qua thì thật giống cái kiểu cách mà một cô gái đã từng nói, bị trầm cảm thì chỉ cần vui lên, đừng trầm cảm nữa, thì sẽ hết trầm cảm vậy. Còn tôi, là một người không mấy tích cực khi nhìn vào cuộc đời này, và bài viết này cũng thế. Chủ nào, bài viết đó.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...