Các Truyền Thuyết Về Chim Phượng Hoàng - Sưu Tầm

Thảo luận trong 'Thiếu Nhi' bắt đầu bởi Emo Kid, 27 Tháng bảy 2018.

  1. Emo Kid

    Bài viết:
    7
    Các Truyền Thuyết Về Chim Phượng Hoàng

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Vì sao chim phượng hoàng được coi là biểu tượng của sự tái sinh

    Nhắc đến sự bất tử và tái sinh, người ta không thể không nhắc đến 1 loài chim chỉ có trong truyền thuyết: Phượng Hoàng. Phượng Hoàng còn có một tên khác là chim bất tử, vòng đời của nó sẽ không bao giờ kết thúc. Bất kể gặp khó khăn hay thống khổ cho dù chỉ còn một nắm tro tàn, Phượng hoàng sẽ hồi sinh và mỗi một lần hồi sinh Phượng hoàng sẽ ngày càng mạnh hơn, hoàn mỹ hơn và rực rỡ hơn.

    Phượng Hoàng được coi là sứ giả hạnh phúc của thế gian, mỗi cách 5 thế kỉ Phượng Hoàng sẽ mang theo tất cả bất hạnh không vui cùng với cừu hận ân oán của nhân gian dấn thân vào trong liệt hỏa để tự thiêu lấy sinh mệnh và kết thúc mỹ lệ để đổi lấy sự tường hòa và hạnh phúc của thế nhân. Sau khi thân thể trải qua sự thống khổ cùng cực lớn lao với luân hồi Phượng Hoàng có năng lực niết bàn sống lại càng trở nên hoàn mỹ hơn, rực rỡ hơn, truyền kì hơn.

    Đây chính là lí do vì sao mà phượng hoàng được coi là biểu tượng của sự tái sinh hay dục hỏa trùng sinh

    Phượng Hoàng là sự kết hợp các đặc điểm xinh đẹp nhất của nhiều giống chim: Đầu gà, chiếc cổ cao của chim hạc, và bộ đuôi thướt tha rực rỡ của loài công. Tiếc rằng chúng chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của con người.

    Truyền thuyết phương Đông và phương Tây đều mô tả Phượng Hoàng là một loài chim kì diệu. Ngoài việc có thể mang những vật có khối lượng lớn hơn trọng lượng của mình nhiều lần, nước mắt còn có tác dụng chữa lành các vết thương. Phượng Hoàng sở hữu một tiếng ca du dương, có tác dụng thần diệu về tinh thần, giúp người nghe bình tâm và lấy lại can đảm. Máu và thịt phượng hoàng có thể giúp con người trường sinh bất tử. Lông phượng hoàng được sử dụng như 1 loại bùa hộ mệnh hoặc vũ khí lợi hại để chống lại cái ác.

    Phượng Hoàng là sinh vật bất tử. Vòng đời của chúng không bao giờ kết thúc. Khi bị thương nặng hoặc cảm thấy mình quá già yếu, phượng hoàng sẽ tự xây một cái tổ bằng lông của mình, rồi tự thiêu bằng chính nguồn nhiệt của bản thân. Và, từ trong đám tro tàn, nó sẽ tái sinh dưới hình dạng một chú chim non. Vì khả năng tái sinh này mà phượng hoàng là biểu tượng của cả sự sống và cái chết.

    Vì thiêng liêng cao quý nên loài chim này thường sống trên những ngọn núi cao, xa xôi mà con người không thể vươn tới. Nếu có ai đó muốn tìm được chúng để mưu cấu sức mạnh hoặc sự bất tử sẽ phải vượt qua những thử thách chết người. Tuy là một sinh vật thuần khiết, chỉ ăn trái cây, nhưng vì dễ dàng đọc được ý nghĩ của người ta, nên khi phượng hoàng phát hiện kẻ đến tìm có mưu đồ xấu, nó sẽ vươn dài những móng vuốt cực kỳ sắc bén để chống trả đến cùng. Ngược lại, với những người tốt cần hỗ trợ, chỉ cần chứng tỏ được long quyết tâm bằng cách vượt qua chặng đường cam khổ, tìm được tổ phượng hoàng, nó sẽ ân cần và hết long giúp đỡ.

    Chỉ có 1 khác biệt nhỏ về ngoại hình và tính cách của phượng hoàng Tây và Đông phương.

    Phượng hoàng Trung Hoa có bộ lông ngũ sắc thướt tha, và tính cách cao quý thanh lịch (có phần yểu điệu). Loậi chim này chia làm 2 loại, con trống gọi là "phượng", con mái gọi là "loan", chính vì vậy, phượng hoàng (tức là vua của loài) là con chim trống đầu đàn.

    Còn phượng hoàng của phương Tây (Phoenix) lại có bộ lông màu lửa, vàng rực và tính cách bộc trực, thẳng thắng, có phần nóng nảy. Chim lửa trong các truyện cổ tích Nga cũng là dạng phượng hoàng này.

    Chính vì thường tượng trưng cho điềm lành và sự cao quý, nên từ thời xa xưa, người ta thường gắn hình ảnh phượng hoàng lên các kiến trúc cung đình lăng mộ và những đồ trang sức quý giá chỉ giành cho các bậc đế vương.

    Các truyền thuyết về Phượng Hoàng


    1. Truyền thuyết chim Phượng Hoàng

    [​IMG]

    Ngày xưa, có lần Thần Mặt Trời nhìn xuống trái đất thì thấy có con chim lớn đang tung cánh bay giữa không trung, loài chim này có bộ lông óng mượt màu đỏ tỏa ra những tia óng ánh màu vàng vô cùng đẹp mắt. Khiến Thần Mặt Trời mê mẩn mà thốt lên, "hỡi chim Phượng Hoàng, ngươi là của ta và ta sẽ ban phép cho người được sống bất tử".

    Phượng Hoàng nghe thấy vậy vô cùng hạnh phúc, nó lượn một vòng rồi đập cánh bay vút lên cao, hướng thẳng về phía Thần Mặt Trời mà nói rằng "Ta sẽ dành tặng tiếng hót trong trẻo này cho thần, để tạ ơn món quà mà Thần đã ban tặng".

    Thời gian trôi qua, cuộc sống bất tử của Phượng Hoàng cũng trở nên nhàm chán. Chim bị loài người truy đuổi, hòng lấy được bộ lông đẹp tuyệt trần kia. Mệt mỏi vì phải trốn chạy loài người, nó bay theo hướng mặt trời mọc, tìm về phương Đông xa xôi.

    Một ngày, Phượng Hoàng bay qua nơi sa mạc nắng cháy (vùng Tây Á ngày nay), nơi đây không có loài người sinh sống, nó lại một lần nữa được tự do mà không phải trốn chạy, nó cất tiếng hót trong trẻo làm vui cho Thần Mặt Trời.

    Phượng Hoàng sống ở đây, trải qua 500 năm, Phượng Hoàng vẫn bất tử nhưng nó đã già đi, tiếng hót không còn trong trẻo và nó không thể bay cao như trước nữa. Nó yếu ớt cầu xin Thần Mặt Trời, "hỡi Thần Mặt Trời, ngài có nghe ta, hãy cho ta sức khỏe và làm ta trẻ lại như xưa".

    Nhưng cứ gọi mãi, Phượng Hoàng không thấy Thần Mặt Trời lên tiếng, nó buồn chán nên bay về nơi cũ, nơi chứa đầy kỷ niệm của tuổi trẻ.

    Trên đường quay về, Phượng Hoàng thường đáp xuống những nơi có vỏ cây quế và nhặt nhạnh những mảnh lá khô vương vãi.

    Đến chặng cuối cùng, Phượng Hoàng đậu trên một cây cọ cao lớn. Trên ngọn cây ấy, nó dùng những mảnh quế khô và lá cây xếp thành hình cái tổ. Sau đó nó đi tìm những dòng nhựa thơm trên thân cây quanh vùng, kết chúng lại thành hình quả trứng rồi đem về đặt lên tổ.

    Phượng Hoàng nằm trên tổ, cất tiếng hót gọi Thần Mặt Trời, "Thần Mặt Trời, ngài có nghe ta, hãy cho ta sức khỏe và làm ta trẻ lại như xưa".

    Lần này Thần Mặt Trời nghe tiếng Phượng Hoàng gọi, ngài nhìn xuống mặt đất, ngài thấy tất thảy chúng sinh, muôn loài đang nấp mình dưới thân cây, bụi cỏ, trong hang đá, trốn tránh ánh sáng chói lòa và gay gắt của ngài. Nhưng chỉ duy nhất ở phía xa, trên đỉnh núi cao nhất, mọc lên một cây cọ, chú Phượng Hoàng mà ngài từng yêu mến đang nằm đó, khoe bộ lông óng mượt đón lấy những ánh nắng mà ngài ban cho.

    Đúng lúc đó, một phép màu xảy ra, sau một tia sáng chói lòa, toàn thân Phượng Hoàng bỗng hóa thành vòng tròn lửa, lửa mỗi lúc một mạnh, đỏ rực cả vùng trời, ngọn lửa sau tắt dần và Phượng Hoàng cũng theo đó biến mất vào không trung.

    Sau khi ngọn lửa vụt tắt, lạ thay ngọn lửa không thiêu rụi mọi thứ xung quanh, chỉ có Phượng Hoàng là biến mất, để lại một đống tro tàn rơi xuống chiếc tổ, đống tro này cuộn vào nhau rồi dần dần tạo thành hình một chú chim nhỏ, chú chim ngày một lớn dần lên cho đến khi thành hình con Phượng Hoàng ngày nào, Phượng Hoàng một lần nữa tái sinh bằng cách đó.

    Phượng Hoàng bèn mổ vỡ quả trứng mà nó từng làm từ những giọt nhựa thơm, rồi vun số tro tàn còn sót lại trên tổ vào quả trứng và hàn nó lại. Nó cất cánh bay lên không trung và cất tiếng hót vang trời.

    Khi tiếng hót của Phượng Hoàng cất lên, bầu trời bỗng trong xanh, cây cối đâm trồi nảy mộc, gió lên thổi mát vạn vật, thời tiết bỗng chốc trở nên dễ chịu vô cùng. Muôn loài chạy ra khỏi nơi trú ẩn như muốn hòa mình vào ánh sáng mặt trời và hát theo tiếng hát của Phượng Hoàng. Chúng hát bài ca "hỡi Phượng Hoàng, ngài là loài chim vĩ đại, là chúa tể của các loài chim, ngài mang đến gió mát và nắng ấm cho muôn loài".

    Vua của những loại chim đập cánh bay vút lên, nhằm về phương Đông, tới vùng xa mạc. Ngày nay, người ta tin rằng Phượng Hoàng là loài chim sống ở phương Đông. Cứ mỗi 500 năm, nó sẽ trở nên già yếu và bay về phương Tây, nơi có cây cọ và ngọn núi cao nhất, làm tổ từ những mảnh quế và đắp một quả trứng từ những giọt nhựa thơm, cứ như vậy, Thần Mặt Trời sẽ giúp nó tái sinh.

    Truyền thuyết này đã tồn tại hàng nghìn năm, bắt nguồn từ tín ngưỡng của người Roman cổ đại. Người Hy Lạp cũng tin rằng Phượng Hoàng là biểu tượng của thần mặt trời Apollo. Trong ngôn ngữ Hy Lạp cổ, Phượng Hoàng có nghĩa là "màu đỏ".


    2. Truyền thuyết về chim Phượng Hoàng trong Phật giáo

    Tôn giả A Nan thuật rằng: Một hôm trên núi Kỳ Xà Quật thuộc thành Vương Xá, có một lần nọ, tôi đã từng nghe đức Phật nói về tiền kiếp của Ngài như vầy:

    Thuở quá khứ xa xưa, có một kiếp nọ Như Lai làm chim Phượng hoàng chúa với năm trăm người vợ đẹp theo hầu hạ, cuộc sống vinh hoa phú quý quyền uy hạnh phúc như thế, tưởng đã êm đềm với ngày tháng trôi qua.

    Nhưng bỗng một ngày kia Phượng hoàng chúa bay dạo trên khu rừng già để thưởng ngoạn những hoa thơm trái lạ, chợt thấy một nàng Phượng hoàng trẻ đẹp sắc xanh da trời với bộ lông tuyệt mỹ, dáng bay dịu dàng, tiếng hót thanh tao, khiến cho Phượng hoàng chúa khởi tâm đắm sắc, mê mẩn dục tình, bỏ năm trăm vợ hiền trẻ đẹp để theo nàng Phượng hoàng yêu kiều diễm lệ kia.

    Nàng Phượng hoàng trẻ đẹp mới nầy khó tánh, kén ăn kén ở lại thích chiều chuộng, làm cho Phượng hoàng chúa phải chiều lòng để cho đẹp dạ nàng. Vì thế, ngày ngày Phượng hoàng chúa phải bay đi khắp đó đây để tìm những trái cây ngon ngọt thơm tốt đem về để làm đẹp lòng nàng Phượng hoàng tình nhân.

    Lúc bấy giờ Hoàng hậu thành Vương Xá đau nặng, nhà vua đã mấy phen cho mời các ngự y, danh y trong nước đến xem bệnh hột thuốc, nhưng bệnh tình Hoàng hậu vẫn không thuyên giảm chút nào. Một hôm, Hoàng hậu bị cơn bệnh hoành hành mê sảng thiếp đi, trong cơn mê sảng chiêm bao thấy có người đến mách rằng, bệnh của lệnh bà chỉ có ăn thịt Phượng hoàng chúa mới hết, bằng không thì chẳng bao lâu nữa sẽ phải chết.

    Khi thức giấc, Hoàng hậu lo sợ khóc lóc đem điềm chiêm bao tâu cho vua nghe. Vua lấy làm lo âu liền triệu tập quần thần để đoán mộng. Các thầy đoán mộng tâu vua rằng: "Nếu căn cứ vào điềm chiêm bao của Hoàng hậu, thì chỉ còn có cách là ăn thịt chim Phượng hoàng chúa, hoàng hậu mới hết bệnh".

    Thế rồi, nhà vua truyền lệnh rằng: "Ai bắt được chim Phượng hoàng chúa về dâng lên vua thì sẽ được trọng thưởng ngàn lượng vàng và gả công chúa làm vợ".

    Khi lệnh nhà vua vừa truyền ra, các người thợ săn vội vã thi đua nhau đi khắp núi rừng để tìm bắt chim Phượng hoàng chúa với hy vọng được trọng thưởng và làm chồng công chúa. Những thợ săn không quản ngại ngày đêm đi lùng tìm, họ dùng đủ trăm phương ngàn kế bủa vây khắp nơi để tìm cách bắt cho được Phượng hoàng chúa. Chẳng bao lâu, một trong số những thợ săn đã theo dõi biết được tông tích nơi ẩn trú của Phượng hoàng chúa và nàng Phượng hoàng tình nhân.

    Gã thợ săn này biết rằng con Phượng hoàng chúa không dễ gì bắt được nó. Trong lúc suy tư tìm phương cách, thì anh ta nghĩ ra một diệu kế, lấy mật và bánh bột nhồi trộn lẫn nhau rồi tự trét lên thân mình anh ta. Ðồng thời chọn mua trái cây thơm ngọt gắn dính lên khắp mình anh nhìn như một đống trái cây. Xong rồi, gã thợ săn giả trang ngồi yên bất động trên một cành cây cổ thụ, kiên nhẫn đợi chờ mấy ngày liền.

    Bỗng vào một buổi mai khi ánh bình minh vừa rạng chiếu chân trời, chim chóc khắp nơi trên cành cây kẽ lá reo hò thi đua nhau bay đi tìm mồi, thì Phượng hoàng chúa cũng như mọi ngày bay đi tìm trái cây ngon ngọt cho tình nhân.

    Khi Phượng hoàng chúa bay qua đám rừng già, thoạt ngửi thấy mùi thơm ngọt thoảng trong gió, liền tìm bay đến chỗ phát ra mùi thơm, lượn mấy vòng trên không quan sát kiếm tìm. Phượng hoàng nhìn kỹ thì thấy trên cây cổ thụ một đống trái cây thơm tốt, nên lòng rất mừng rỡ tự nhủ rằng: "Ðỡ quá! Sao mà nhiều trái cây ngon ngọt thế nầy! Từ đây ta sẽ không còn phải mất thì giờ khổ công ngày ngày tìm kiếm trái cây cho người yêu quý của ta nữa!"

    Chẳng ngần ngại, Phượng hoàng đáp nhanh xuống cây cổ thụ quán sát một hồi thấy rõ một khối trái cây tươi tốt thơm ngọt. Tin chắc không còn ngại ngùng e sợ, Phượng hoàng liền bay đến đậu trên đống trái cây, đúng ngay vị trí bả vai của gã thợ săn ngụy trang kia, miệng vừa cắn trái cây, chân dính mật. Nhanh như chớp, gã thợ săn chụp lấy. Phượng hoàng kinh hãi thét lên mấy tiếng vùng vẫy.

    Nhưng đã quá chậm rồi. Phượng hoàng run rẩy van xin: "Ông ơi! Chắc ông đã phải khổ cực lắm mới bắt được tôi. Vì tôi mà ông đã phải ngồi bất động cực nhọc như thế nầy. Chắc là để đổi lấy điều gì lợi ích lớn lao lắm đây, nên ông mới tốn hao khổ công thế nầy? Nếu ông chịu thả tôi ra, tôi sẽ dẫn chỉ cho ông một núi vàng. Nơi đó, ông sẽ trở thành giàu sang triệu phú. Còn mạng tôi đây có đáng gì đâu! Xin ông thương xót tha cho".

    Gã thợ săn đáp: "Sao lại không đáng? Nhà vua đã hứa rằng, hễ ai bắt được ngươi đem nộp, thì sẽ được thưởng ngàn lượng vàng và được gả công chúa làm vợ. Còn núi vàng kia làm sao bằng công chúa? Bộ ngươi muốn đùa với ta sao chớ?"

    Nói xong, kẻ thợ săn trói chặt Phượng hoàng đem về dâng nạp lên vua. Ðược chim Phượng hoàng chúa, nhà vua rất đỗi vui mừng, liền truyền lệnh làm thịt nấu cho Hoàng hậu ăn để hết bệnh.

    Phượng hoàng chúa thưa: "Muôn tâu Thánh thượng! Thánh thượng là bậc chí tôn trong thiên hạ, ân đức trùm khắp cả bốn phương. Nay vì cứu mạng sống của Hoàng hậu mà tôi phải hy sinh, thì tôi cũng không lấy gì làm tiếc cái thân mạng hèn hạ nầy.

    Nhưng tâu Thánh thượng, tôi vốn biết bùa phép linh thiêng kỳ diệu, có thể cứu Hoàng hậu ra khỏi ngặt nghèo mà không cần phải ăn thịt tôi. Nếu Thánh thượng tin thương, thì xin cho một thau nước, tôi sẽ vẽ thần chú linh phù trong nước rồi đem dâng cho Hoàng hậu uống và tắm thì bệnh hết ngay.

    Nhược bằng không hiệu nghiệm, tôi xin chịu tội mất mạng cũng chẳng muộn. Còn nếu Hoàng hậu lành bệnh, xin Ngài thả tôi về lại với núi rừng". Nhà vua lấy làm ngạc nhiên, nhưng vẫn nhận lời và ra lệnh cận thần bưng thau nước đến.

    Quả đúng như vậy. Sau khi Hoàng hậu uống và tắm nước linh phù xong, thì cảm thấy mạnh khỏe và sắc diện Hoàng hậu trở nên trẻ đẹp hơn trước. Nỗi sầu lo ưu buồn của nhà vua và của cả hoàng triều cũng liền theo đó không còn nữa. Ðược tin Hoàng hậu bình phục như thường, từ trong thành nội cho đến ngoài nhân gian, khắp mọi cõi lòng tràn ngập nguồn vui.

    Sau khi Hoàng hậu trở nên mạnh khỏe trẻ đẹp hơn xưa, nhà vua vô cùng mừng rỡ và thầm khen tài nghệ thần bí của Phượng hoàng. Nhà vua muốn giữ Phượng hoàng ở lại hoàng cung. Nhưng trước đó nhà vua đã hứa thả Phượng hoàng về với núi rừng, khi Hoàng hậu lành bệnh.

    Trong lúc đó, Phượng hoàng để thử ý nhà vua, xem có con thiết tha cần mình nữa không, nên xin nhà vua giữ lời hứa. Riêng về nhà vua lúc nầy thì mải bận vui với Hoàng hậu, nên chẳng còn để ý tới Phượng hoàng nữa.

    Trước khi rời khỏi cung vua để bay về núi rừng sống lại cuộc đời mây nước trời cao rừng thẳm bao la, Phượng hoàng còn tâu với vua lần chót rằng: "Muôn tâu Bệ hạ! Ðể trả ơn Bệ hạ tha sống, xin Bệ hạ cho phép tôi được đáp xuống hồ sen bán nguyệt đọc thần chú linh phù, để nhân dân trong nước của Ngài nếu ai có bệnh tật mà uống nước hồ nầy thì cũng sẽ được tiêu trừ". Nhà vua cả mừng bằng lòng ngay. Từ đấy, nhân dân trong nước, hễ ai có bệnh tật gì đến xin lấy nước hồ sen uống thì đều được lành bệnh ngay.

    Phượng hoàng bay đậu trên nóc cung điện bái chào nhà vua và hoàng triều lần cuối trước khi từ biệt. Từ trên nóc cung điện, Phượng hoàng nói lớn lên rằng: "Trên đời nầy có ba kẻ điên: Kẻ thứ nhất là tôi. Kẻ thứ nhì là gã thợ săn, và kẻ thứ ba là Bệ hạ".

    Nói xong thấy nhà vua và cả hoàng triều nhìn chim Phượng hoàng với dáng điệu ngơ ngác ngạc nhiên, Phượng hoàng liền nói tiếp: "Chư Phật đã từng nói, nữ sắc cắt giết mạng người. Tôi vì mê sắc đẹp của tình nhân mà bội bạc bỏ năm trăm người vợ hiền chung tình ngày đêm săn sóc cho tôi.

    Tôi vốn là vua của loài Phượng hoàng, trời cao mây nước vốn là giang sơn của tôi. Thế mà vì nữ sắc, tôi phải ngày ngày đem thân làm tôi mọi đi kiếm tìm thức ăn ngon ngọt để về cung phụng cho một con Phượng hoàng mái, để đến nỗi phải rơi vào tay gã thợ săn xuýt nữa toi mạng. Ấy là tôi điên.

    Còn gã thợ săn kia, tôi đã thật tình khẩn khoản chỉ núi vàng cho gã để đổi lấy mạng sống của tôi, để gã trở nên người giàu sang triệu phú. Nhưng gã vì quá ước mơ được lấy công chúa. Lời hứa của đàn bà chẳng khác sương sáng cành hoa, mây chiều lãng đãng, có chắc gì đâu? Nghe thì hay ho êm dịu, thấy thì đẹp như hoa nở bướm lượn, nhưng tất cả đều là ảo tưởng huyễn mộng, không có gì thật cả. Sự nghiệp danh giá của kẻ nam nhi sẽ lại tan tành trong nháy mắt vì nữ sắc. Như gã thợ săn kia, vì nghe lời hứa của nhà vua, say sưa sẽ được công chúa, mà mất cả núi vàng, mất cả giàu sang và mất cả công chúa. Ấy là kẻ điên thứ hai.

    Còn Bệ hạ được một danh y cứu sống Hoàng hậu, cứu bệnh tật muôn dân, đem lại sự an lành cho thiên hạ. Ấy thế mà Bệ hạ để cho danh y ấy ra đi không một lời khẩn khoản nài nỉ, không một chút tiếc nuối. Bệ hạ chỉ biết vui với Hoàng hậu, sẵn sàng chém đầu bất cứ ai, miễn là được Hoàng hậu vui vẻ bên vua.

    Nếu tôi không có thần chú linh phù thì chắc cái đầu tôi cũng bay đi rồi, và giờ nầy thân tôi đã vào bụng Hoàng hậu. Thế có phải Bệ hạ là kẻ điên thứ ba không?" Nói xong, Phượng hoàng cất cánh bay cao vào khoảng trời mây bao la cao rộng xanh biếc.

    Thuật câu chuyện xong, đức Phật nói với đại chúng rằng: "Người thợ săn trong mẩu chuyện mà ta mới vừa kể chính là tiền thân của Ðề Bà Ðạt Ða. Còn Hoàng hậu đòi ăn thịt chim Phượng hoàng kia chính là tiền thân vợ của Ðề Bà Ðạt Ða ngày nay. Nhà vua thuở đó chính là tiền thân của Xá Lợi Phất. Chim Phượng hoàng chính là tiền thân của Như Lai đây vậy".

    Ðức Phật còn nói tiếp, thuở ấy, tuy đọa làm thân súc sanh, nhưng ta đã phát tâm tu Bồ Tát hạnh, hành Bồ Tát đạo với tâm từ bi hỷ xả cứu độ thế nhân. Chẳng qua vì một niệm si mê đắm sắc dục tình mà ta đã phải lụy thân làm kiếp con Phượng hoàng.


    3. Truyền thuyết của Hy Lạp và Ai Cập cổ về chim Phượng Hoàng

    [​IMG]

    Người Hy Lạp tin rằng Phượng Hoàng sống ở phương Đông (vùng Ả Rập – Tây Á). Mỗi buổi sáng, khi mặt trời mọc, nó cất lên tiếng hót ngọt ngào, ngọt ngào đến nỗi Thần Mặt Trời là Phoebus phải dừng bánh xe ngựa để lắng nghe.

    Đây là chúa tể của những loài chim, cứ 500 năm một lần, Phượng Hoàng sẽ bay về phía Tây làm tổ và được Thần Mặt Trời ban phép cho được tái sinh.

    Người Hy Lạp coi Phượng Hoàng là biểu tượng của niềm tin bất tử, sự tái sinh và ánh sáng của trí tuệ.

    Đối với người Ai Cập, Phượng Hoàng cũng được tôn thờ và có tên gọi là Benu. Tuy nhiên, hình dáng của Phượng Hoàng trong truyền thuyết Ai Cập có phần giống với hình ảnh một con Diệc, với chỏm lông dài trên đầu. Ngoài ra, tạo hình chim Phượng Hoàng của Ai Cập thường có chiếc vương miện hình tròn trên đầu.


    4. Truyền thuyết của Hindu và Do Thái về chim Phượng Hoàng

    [​IMG]

    Phượng Hoàng là loài chim chúa xuất hiện trong cuốn kinh Vệ Đà (Rig Veda) của người Hindu. Người Hindu tin rằng Phượng Hoàng sống ở vùng Indonesia.

    Còn đối với người Do Thái, câu truyện kể rằng khi Adam và Eva ăn trái cấm, nàng Eva trở nên ganh tị với những người khác trong khu vườn địa đàng, nàng bèn lôi kéo mọi người và các sinh vật trong khu vườn cùng ăn trái táo, chỉ duy nhất một con vật từ chối trái táo, con vật đó là chim Phượng Hoàng.

    Chúa cảm kích sự trong sáng của Phượng Hoàng nên đã ban phép cho loài chim này được sống bất tử, mỗi chu kỳ 1000 năm, Phượng Hoàng sẽ được tái sinh từ một ngọn lửa.


    5. Phượng Hoàng trong văn hóa Phương Đông

    [​IMG]

    Phượng Hoàng là linh vật linh thiêng trong rất nhiều nền tôn giáo. Loài chim này thường được tạo hình màu đỏ, tượng trưng cho hành Hỏa. Nếu đặt hình tượng chim Phượng Hoàng ở cung Tài và cung Danh vọng sẽ mang lại may mắn và thịnh vượng cho chủ nhân. Ở phương Tây, các diễn viên điện ảnh rất thích biểu tượng này vì họ tin rằng Phượng Hoàng mang lại may mắn trong sự nghiệp diễn xuất.

    Hình tượng Phượng Hoàng phong thủy được tìm thấy đầu tiên ở Trường Sa (thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc), có niên đại khoảng 2500 năm. Hình ảnh Phượng Hoàng này có hình dáng đầu lôi, mỏ vẹt, thân vịt, đôi cánh khổng lồ, lông công và chân hạc.

    Các hoàng đế Trung Hoa đặt hình tượng Phượng Hoàng trong cung điện hoặc thêu lên hoàng bào, tượng trưng cho chiến thắng.

    Trong truyền thuyết của người Ấn Độ kể rằng, hoàng đế Ấn Độ khi đó là Asoka đã cầu thần linh và xin sức mạnh của Phượng Hoàng để chiến thắng quân nhà Tấn (năm 265 TCN), từ đó Phượng Hoàng cũng là biểu tượng linh thiêng của triều đình Ấn Độ.
     
    Vân Mây thích bài này.
    Last edited by a moderator: 1 Tháng ba 2019
Trả lời qua Facebook
Đang tải...