Các truyền thuyết thời Hùng Vương

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi luionlee, 29 Tháng tư 2020.

  1. luionlee

    Bài viết:
    31
    Luionlee chào các bạn, tiếp tục series về truyền thuyết Việt Nam, hôm này mình sẽ review về thời Hùng Vương. Theo sách vở ghi chép lại thì nước ta có 18 đời vua Hùng trị gần 3000 năm ^^. Như vậy thì chắc chắn không thể là 18 đời! Theo một số nghiên cứu và lập luận mới đây thì 18 đây là 18 chi, nhánh vua, hoặc là con số 18 là con số ước lệ (18 là 9+9 là trùng cửu, có ý nghĩa vĩnh cữu trong văn hóa phương Đông). Tuy nhiên bài hôm nay mình chỉ review về những câu chuyện thời Hùng Vương nổi bật. Vì tên của các Hùng Vương cũng chẳng đúng đâu, nên tạm gọi chung là thời Hùng Vương.

    [​IMG]

    1. Tục xăm mình

    Vào đời Hùng Vương thứ nhất, dân làm nghề đánh cá, hay bị thuồng luồng làm hại, vua bắt dân lấy chàm vẽ mình để thú dữ tưởng là đồng loại, không làm hại được nữa.

    Sử cũ cũng chép thuyền của ta ở đằng mũi hay vẽ hai con mắt, để thủy quái ở sông, biển trông thấy mà sợ.

    Thời ấy, người dân lấy vỏ cây làm quần áo, bện cỏ làm chiếu, lấy nước nhựa cây làm rượu, lấy bột cây quang lang làm cơm, lấy cầm thú ngư trùng làm mắm, lấy rễ gừng làm muối. Cày bằng đao, cắt bằng lửa, làm cơm nếp bằng ống tre, gác cây làm nhà sàn, cắt tóc ngắn để đi vào rừng cho tiện, khi có người chết thì lấy cối chày không ra mà giã để báo tin cho hàng xóm, trai gái cưới nhau chưa dùng trầu cau mà lấy phong muối làm đầu, v. V.

    2. Sự tích bánh chưng, bánh giày

    Sau khi đánh bại giặc Ân (do công lớn của Thánh Gióng, mình đã có 1 bài review trước), vua Hùng có ý định truyền ngôi cho các con. Nhân dịp đầu Xuân, vua họp các hoàng tử lại, bảo rằng: Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho . Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng mình lấy được ngai vàng. Trong khi đó, người con trai thứ 18 tên là Tiết Liêu có tính tình hiền hậu, lối sống đạo hạnh, hiếu thảo với cha mẹ, nhưng vì mẹ mất sớm, thiếu người chỉ vẽ. Tiết Liêu nằm mộng được một vị Thần mách cho nên lấy gạo nếp làm hai thứ bánh: Bánh giầy và bánh chưng. Tiết Liêu làm theo lời Thần dặn. Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem thức ăn đến bày trên mâm cỗ. Hoàng tử Tiết Liêu trên mâm chỉ có hai tấm bánh chưng và bánh giầy. Hùng Vương thứ sáu lấy làm lạ hỏi lý do. Tiết Liêu đem chuyện Thần báo mộng dạy cách làm, giải thích ý nghĩa của hai thứ bánh. Hùng Vương nếm thử, thấy bánh ngon, khen có ý nghĩa, bèn truyền ngôi Vua lại cho Tiết Liêu.

    Lang Liêu còn có 1 người vợ nổi tiếng nay được thờ ở khu di tích đền chùa Tây Thiên nổi tiếng. Truyện kể rằng, núi rừng Tam Đảo xưa đã sinh ra một người con gái tên là Ngọc Tiêu, tóc nàng dài mượt như dòng suối e ấp, môi nàng hồng đỏ như hồ xanh, da nàng trắng như mây trời của Tam Đảo. Giặc Ân tràn đến cướp phá nước ta. Vua Hùng cho sứ giả truyền loa kêu gọi mọi người chống giặc. Nàng tiên ở Tam Đảo cũng gia nhập dưới cờ của chàng Lang Liêu. Sau khi đánh phá tan giặc được Ân, nàng lại trở về với núi Tam Đảo.

    Vua Hùng đã già, muốn tìm người tài trong số các con mình để truyền ngôi. Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh giầy tượng trưng của trời đất, và được nối ngôi vua. Đến ngày lập hoàng hậu chàng bỗng thấy nhớ da diết người con gái xinh đẹp đã cùng mình đánh giặc Ân thuở nào. Nhà vua trẻ tìm lên vùng núi Tam Đảo mong gặp lại. Nhà vua đón nàng về cung làm lễ cưới. Nàng được tôn là bà chúa Thượng Ngàn của núi rừng Tam Đảo và được lập đền thờ.

    Theo thần tích ở đền Tam Ðảo, bà họ Lăng tên là Tiêu, còn gọi là Cẩm Giang, người thôn Ðông Lộ vốn do khí núi linh thiêng mà sinh ra, không phải người thường, thoắt ẩn, thoắt hiện thiêng liêng khắp mọi nơi. Thời phong kiến sắc phong là Tam Ðảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Tối Linh Ðại Vương. Nay các bạn đến xã Đại Đình nhân dân ai cũng biết sự tích về bà.

    3. Nghề dệt vải

    Theo truyền thuyết, Hùng Vương thứ VI có con gái là Mỵ nương Thiều Hoa. Mỵ nương là người hiền lành, xinh đẹp, không chịu lấy chồng, có biệt tài nói chuyện với chim và bướm mỗi khi vào rừng chơi. Mỵ nương khi trò chuyện với loài bướm đã biết được loài bướm nâu đẻ trứng thành sâu, ăn một loài cây (cây dâu) nhả ra tơ vàng. Mỵ nương bèn xin giống trứng rồi về tìm cách đan tơ thành tấm. Mỵ nương Thiều Hoa đặt tên cho những tấm sợi ấy là lụa, gọi bướm là ngài và giống sâu cho sợi ấy là tằm. Cách gọi ấy còn truyền đến ngày nay.

    4. Sơn Tinh, Thủy Tinh

    Cuối thời Hùng vương, vua có con gái gọi là Mỵ Nương, nhan sắc xinh đẹp. Thục vương nghe tiếng, đến cầu hôn (Có thể đây là tổ tiên của An Dương Vương). Vua muốn gả, nhưng Hùng hầu can rằng: "Họ muốn chiếm nước ta, chỉ lấy việc hôn nhân làm cớ mà thôi" . Thục vương vì chuyện ấy để bụng oán giận.

    Vua muốn tìm người xứng đáng để gả, bảo các bề tôi rằng: "Đứa con gái này là giống tiên, người nào có đủ tài đức mới cho làm rể" . Bấy giờ có hai người từ ngoài đến, lạy dưới sân để cầu hôn. Vua lấy làm lạ, hỏi thì họ thưa rằng một người là Sơn Tinh, một người là Thủy Tinh, đều ở trong cõi cả, nghe nhà vua có thánh nữ, đánh bạo đến xin lĩnh mệnh.

    Vua nói: "Ta có một người con gái, lẽ nào lại được cả hai rể hiền?" . Bèn hẹn đến ngày hôm sau, ai đem đủ sính lễ đến trước thì gả cho người ấy. Hai người vâng lời, lạy tạ ra về.

    Hôm sau, Sơn Tinh đem các đồ châu báu vàng bạc, chim núi thú rừng đến dâng. Vua y hẹn gả con cho. Sơn Tinh đón vợ về ở ngọn núi cao trên núi Tản Viên. Thủy Tinh cũng đem sính lễ đến sau, giận tiếc là không kịp, bèn kéo mây làm mưa, dâng nước tràn ngập, đem các loài thủy tộc đuổi theo. Vua cùng Sơn Tinh lấy lưới sắt chăng ngang thượng lưu sông Từ Liêm để chặn lại. Thủy Tinh theo sông khác, từ Ly Nhân vào chân núi Quảng Oai rồi theo dọc bờ lên cửa sông Hát, ra sông lớn mà rẽ vào sông Đà để đánh Tản Viên, nơi nơi đào sâu thành vực thành chằm, chứa nước để mưu đánh úp. Sơn Tinh có phép thần biến hóa, gọi người Man đan tre làm rào chắn nước, lấy nỏ bắn xuống, các loài có vẩy và có vỏ trúng tên đều chạy trốn cả. Rốt cuộc Thủy Tinh không thể xâm phạm được núi Tản Viên. Tục truyền Sơn Tinh và Thủy Tinh từ đấy về sau đời đời thù oán, mỗi năm mùa nước to thường vẫn đánh nhau.

    Núi Tản Viên là dãy núi cao của nước Việt ta, sự linh thiêng rất ứng nghiệm. Mỵ Nương đã lấy Sơn Tinh, Thục vương tức giận, dặn lại con cháu phải diệt Văn Lang mà chiếm lấy nước. Đến đời cháu là Thục Phán (An Dương Vương) có dũng lược, bèn đánh lấy nước.

    Trên đây là một số câu chuyện thời Hùng Vương? Các bạn thấy review thiếu gì nào thì bổ sung nhé?
     
    lovingboyck5 thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...