Trung thu là một nét văn hóa độc đáo riêng của các nước Châu Á. Ở nhiều nước châu Á, Tết Trung thu là một lễ hội có ý nghĩa đặc biệt trong dòng chảy văn hóa truyền thống. Do lịch sử phát triển và phong tục tập quán riêng nên ở mỗi quốc gia Trung thu có các tên gọi và cách đón mừng đêm trăng rằm khác nhau. Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc.. đều là những nước có đón Trung thu. Vậy văn hóa Tết Trung thu ở các nước châu Á có gì khác nhau? Hãy cùng tìm hiểu nhé! 1. Nhật Bản Vào ngày Rằm tháng 8 Âm lịch, Ngọc Hoàng ở trên trời vi hành xuống trần gian, giả làm ăn mày, vô tình gặp một chú thỏ. Ngọc Hoàng muốn thử lòng hỏi xin thức ăn, tuy nhiên thỏ không có gì để cho, bèn sẵn sàng nhảy vào đống lửa để trở thành món ăn cho Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng cảm động đưa thỏ lên cung trăng. Từ đó trở đi, cứ Rằm tháng Tám, thỏ sẽ đem phát bánh Dango trên cung trăng cho người Nhật. 2. Hàn Quốc Tết Trung Thu ở Hàn Quốc có tên gọi là Lễ tạ ơn (tết Chuseok) - ngày những người tha hương đều quay trở về đoàn tụ với gia đình. Thường thường, mọi người trong gia đình sẽ cùng vào bếp và thưởng thức những món truyền thống trong dịp tết này như bánh songpyeon (bánh gạo có hình trăng lưỡi liềm) và rượu sindoju. Tương truyền, cô gái nào làm bánh ngon và đẹp sẽ được chúc phúc, gặp được chồng như ý và gia đình hòa thuận ấm êm. 3. Thái Lan Theo quan niệm của người dân nơi đây, Trung thu là ngày "Tết cầu trăng". Họ thường tụ họp trong bộ trang phục truyền thống và cùng nhau thả những chiếc đèn trời lên cao với những khát vọng và ước mong tốt đẹp. 4. Trung Quốc Không nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc chính là "cha mẹ đẻ" của Tết Trung Thu và hàng loạt các tín ngưỡng, truyền thuyết như thả đèn lồng, đèn hoa đăng, Hằng Nga truyện, Thỏ Ngọc và Ngọc Hoàng.. Ngoài truyền thuyết về Hằng Nga và Thỏ Ngọc ra, còn một truyền thuyết khác. Tương truyền thời cổ đại, nước Tề có một cô gái xấu xí nhưng từ nh đã rất thành kính ngày ngày cầu khấn thần mặt trăng. Trưởng thành, nhờ tài đức xuất chúng cô được tuyển vào cung, nhưng chưa bao giờ cô nhận được sự ân sủng của nhà vua bởi ngoại hình của mình. Nhưng vào đêm rằm tháng 8, nhà vua đi dạo dưới trăng tình cờ gặp cô, ông cảm nhận được vẻ đẹp có của cô bèn lập cô làm Hoàng hậu, cũng từ đây phong tục cúng thần mặt trăng ra đời. Các thiếu nữ cúng trăng chủ yếu mong muốn mình có vẻ đẹp thanh thuần tao nhã như Hằng Nga, trong sáng tuyệt đẹp tựa Quảng Hàn. Cũng như chúng ta, mâm cỗ của người Trung không thể thiếu bánh nướng và bánh dẻo. Tùy từng vùng miền mà chúng có mùi vị đặc trưng riêng biệt. 5. Malaysia Trung Thu của người Mã Lai không khác người Việt là mấy. Họ ăn bánh Trung Thu để cầu may, thắp đèn lồng và múa lân. 6. Singapore Bởi Singapor là nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa khác nhau, trong đó số lượng người Trung cũng chiếm một phần đông ở nước này. Bởi vậy, Tết Trung Thu không còn giới hạn trong khu phố Tàu mà còn lan rộng ra cả nước. Vào ngày Tết Trung thu, người dân Singapore gửi những lời chúc, món quà may mắn tới người thân, bạn bè và đối tác kinh doanh. Một trong những món quà được sử dụng nhiều nhất là bánh Trung thu.