Các thao tác lập luận trong văn nghị luận

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngọc Hạc Phong, 1 Tháng tư 2022.

  1. Ngọc Hạc Phong

    Bài viết:
    250

    A. Khái niệm và tác dụng của thao tác lập luận phân tích:

    - Phân tích là chia tách sự vật hiện tượng thành nhiều yếu tố nhỏ để đi sâu vào xem xét 1 cách kỹ lưỡng nội dung và mối quan hệ bên trong của hiện tượng

    Tác dụng của phân tích: Làm rõ các đặc điểm về nội dung, hình thức, cấu trúc, các mối quan hệ bên trong và các mối qhệ bên ngoài của một sự vật, hiện tượng, từ đó mà thấy được giá trị của chúng, nhờ phân tích mới đánh giá đúng sự vật, hiện tượng. Có rất nhiều mối quan hệ được xác định nhờ phân tích như: Nguyên nhân & kết quả; Chính & phụ; Xa & gần; Chung & riêng; Khái quát & cụ thể ; Lời nói & việc làm; Bên trong & bên ngoài; Hình thức & nội dung. V. v..

    B. Yêu cầu và một số cách phân tích:

    - Xem xét đối tượng trên nhiều bình diện khác nhau (nội dung/nghệ thuật; bên trong/bên ngoài; xa/gần, tốt/xấu, lợi/hại; chủ quan/khách quan; biểu hiện bên ngoài/bản chất bên trong..

    - Cách viết đoạn theo thao tác lập luận Phân tích

    - Giới thiệu đối tượng cần phân tích

    - Chia nhỏ đối tượng thành các yếu tố, xem xét đặc điểm, nội dung & mối quan hệ giữa các yếu tố

    - Vận dụng một hay nhiều cách thức để phân tích như: Cắt nghĩa và bình giá; chỉ ra nguyên nhân - kết quả; phân loại đối tượng, liên hệ, đối chiếu..

    Lưu ý: phân tích thường gắn với tổng hợp, khái quát. Phân tích kỹ càng, toàn diện từ nhiều phía là cơ sở để đánh giá, kết luận.

    C. Ví dụ :

    Cảnh của phố huyện thật là tiêu điều xơ xác. Cuộc sống của những con người ở đó thì mòn mỏi, nặng nề. Mọi hoạt động như để chống chọi lại với sự nghèo nàn khốn khó nhưng tất cả chỉ lâm vào bế tắc. Hoàn cảnh đó thường sản sinh ra những con người quái đản, đó là bà cụ Thi "hơi điên", với tiếng cười khanh khách đi vào bóng đêm. Cụ Thi điên là chứng tích của sự sa sút về cuộc sống, một biểu hiện tiêu biểu cho quá trình tìm tòi lối thoát trong tuyệt vọng. Sự xuất hiện của nhân vật cụ Thi "hơi điên" càng làm cho nhân vật truyện ngắn Hai đứa trẻ thêm cụ thể, sinh động, tạo cho bức tranh cuộc sống trở nên ngột ngạt.
     
  2. Ngọc Hạc Phong

    Bài viết:
    250
    THAO TÁC LẬP LUẬN SO SÁNH

    A . Khái niệm và tác dụng

    1. Khái niệm so sánh:

    - So sánh là một thao tác lập luận nhằm đối chiếu hai hay nhiều sự vật hoặc là các mặt trong cùng một sự vật.

    - So sánh để chỉ ra những nét giống nhau (so sánh tương đồng) hoặc chỉ ra sự khác biệt, đối chọi nhau (so sánh tương phản).

    - > Từ đó mà thấy rõ đặc điểm và giá trị của mỗi sự vật, hiện tượng.

    2. Tác dụng:

    - Nhờ so sánh ta có thể đưa ra những nhận xét, đánh giá chính xác.

    - So sánh sẽ làm nổi bật lên vẻ đẹp riêng độc đáo của mỗi tác phẩm văn học.

    Từ đó đánh giá những đóng góp & phong cách riêng của tác giả.

    B. Yêu cầu của thao tác lập luận so sánh:

    1. So sánh phải dựa trên cùng 1 tiêu chí, chung 1 bình diện tránh so sánh khập khiễng.

    Các cấp độ so sánh:

    + Cấp độ 1 (nhỏ nhất) : So sánh giữa các chi tiết, từ ngữ, hình ảnh

    VD: HT so sánh "cánh" cò trong thơ Xuân Diệu với thơ Vương Bột..

    + Cấp độ 2: So sánh nhân vật, tác phẩm, tác giả & phong cách.

    VD: So sánh "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi và "Đất Nước" của Nguyễn Khoa Điềm

    - > 2 Phong cách nghệ thuật khác nhau

    + Cấp độ 3: Để thấy được sự phát triển của cuộc sống thì cần dựa trên cùng 1 tiêu chí, chẳng hạn về kinh tế, văn hóa.)

    So sánh giai đoạn văn học này với giai đoạn văn học kia. So sánh dân tộc này với dân tộc kia

    So sánh thời đại này với thời đại kia.

    So sánh phải đi đôi với nhận xét, đánh giá thì sự so sánh mới sâu sắc .

    Đánh giá phải dựa trên so sánh thì mới có cơ sở, có sức thuyết phục

    2. Cách viết đoạn so sánh:

    - Giới thiệu đối tượng cần so sánh

    - Chỉ ra nét giống nhau trên các bình diện có liên quan

    - Chỉ ra nét khác biệt trên các bình diện có liên quan.

    - Đưa ra lới nhận xét, đánh giá, kết luận sau khi so sánh.

    3. Ví dụ:

    Bài ca của Nguyễn Đình Chiểu làm chúng ta nhớ bài Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi. Hai bài văn: Hai cảnh ngộ, hai thời buổi, nhưng một dân tộc. Bài cáo của Nguyễn Trãi là khúc ca khải hoàn, ca ngợi những chiến công oanh liệt chưa từng thấy, biểu dương chiến thắng làm rạng rỡ nước nhà. Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca những người anh hùng thất thế, nhưng vẫn hiên ngang: Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc.. muôn kiếp nguyện được trả thù kia.. Có lẽ dưới suối vàng, linh hồn của Nguyễn Đình Chiểu và những nghĩa quân lúc bấy giờ, ngày nay phần nào đã được hả dạ!
     
  3. Ngọc Hạc Phong

    Bài viết:
    250
    THAO TÁC LẬP LUẬN BÁC BỎ

    A. Mục đích của thao tác lập luận bác bỏ:

    Bác bỏ, phê phán ý kiến sai. Khẳng định ý kiến đúng, tìm ra chân lí, đấu tranh cho chân lí.

    B. Yêu cầu của thao tác lập luận bác bỏ:

    1. Hai bước trong thao tác lập luận bác bỏ:

    - Trước hết, trích dẫn ý kiến đó 1 cách đầy đủ, khách quan, trung thực

    - Kế đến, làm sáng tỏ 2 phương diện:

    Ý kiến ấy sai ở chỗ nào? (luận điểm, luận cứ hay lập luận)

    Vì sao sai? (dùng lí lẽ, dẫn chứng để phân tích, lí giải nguyên nhân)

    2. Yêu cầu chung:

    - Có ý kiến: Mặt này đúng, mặt kia sai; trường hợp này đúng, trường hợp kia sai, tránh bác bỏ tất cả.

    - Bác bỏ là cách lập luận yêu cầu phải trung thực, có mức độ và đúng quy cách. Tránh nói quá, tránh nói chưa tới, chưa đủ.

    3. Cách sử dụng thao tác lập luận bác bỏ:

    1. Giả sử điều định bác bỏ là đúng.

    - Dùng thực tế để bác bỏ (đưa ra các số liệu thống kê, các sự việc có thật tạo ra dư luận rộng rãi)

    - Dùng phép suy luận để làm cho cái sai của luận điểm được bộc lộ đầy đủ

    2. Bác bỏ luận cứ: Vạch ra tính chất sai lầm, giả tạo trong lí lẽ và dẫn chứng.

    3. Bác bỏ cách lập luận: Là vạch ra sự mâu thuẫn, không nhất quán, phi logic trong lập luận của đối phương.

    4. Đưa ra ý kết kết luận sau khi bác bỏ cái sai

    C. Ví dụ: "Tuyên ngôn Độc lập" của Hồ Chí Minh "

    - Phần 1: Hồ Chí Minh khẳng định những tư tưởng mà Pháp và Mỹ nêu ra là những lý lẽ" không ai có thể chối cãi".

    - Phần 2: Hồ Chí Minh đưa ra thực tế chứng minh rằng Pháp có những việc làm đi ngược lại với những lời tuyên bố về tự do, dân chủ, bình đẳng bác ái đó trên các phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, dân quyền, nhân quyền.. ở Việt Nam

    -Phần 3: Hồ Chí Minh khẳng định Pháp là kẻ cướp nước, phản bội đồng minh. Cho nên Pháp không có quyền lợi chính trị, kinh tế.. gì ở Việt Nam. Chính dân dân Việt Nam mới là chủ nhân thực sự của đất nước Việt Nam.

    -Kết luận: Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam là quốc gia độc lập, toàn thể nhân dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng đó.
     
  4. Ngọc Hạc Phong

    Bài viết:
    250
    THAO TÁC LẬP LUẬN GIẢI THÍCH

    1. Khái niệm: Chủ yếu dùng lí lẽ để giảng giải, cắt nghĩa giúp người đọc hiểu rõ một hiện tượng, một vấn đề nào đó.

    2. Tác dụng:

    - Dùng giải thích các khái niệm, định nghĩa, cách hiểu..

    - Dùng giải thích các biểu hiện cụ thể của một vấn đề

    3. Cách viết đoạn giải thích

    - Giới thiệu đối tượng cần giải thích

    - Giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng, (nghĩa tường minh, nghĩa hàm ẩn) của từ ngữ, hình ảnh có liên quan rồi khái quát cách hiểu về vấn đề

    - Giải thích các biểu hiện cụ thể của đối tượng trong những trường hợp khác nhau.

    4. Ví dụ:

    Cuộc sống sẽ chỉ cho bạn có những người đạt được thành công theo một cách giản dị đến bất ngờ. Thành công là khi bố và con trai có dũng khí bước vào bếp, nấu những món ăn mẹ thích nhân ngày tám tháng ba. Món canh có thể hơi mặn, món cá sốt đáng lẽ phải có màu đỏ sậm thì lại ngả sang màu.. đen cháy. Nhưng nhìn mâm cơm, mẹ vẫn cười. Bởi vì hai bố con không thể thành công trên "chiến trường" bếp núc, nhưng lại thành công khi tặng mẹ "đóa hồng" của tình yêu. Một món quà ý nghĩa hơn cả những món quà quý giá, hạnh phúc ấy long lanh in trong mắt mẹ. Thành công còn là hình ảnh một cậu bé bị dị tật ở chân, không bao giờ đi lại bình thường được. Từ nhỏ cậu đã nuôi ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Sau bao nỗ lực khổ luyện, cậu bé trở thành cầu thủ dự bị trong một đội bóng nhỏ, và chưa bao giờ được chính thức ra sân. Nhưng đó không phải là thất bại. Trái lại, thành công đã nở hoa khi cậu bé năm xưa, với bao nghị lực và quyết tâm, đã chiến thắng hoàn cảnh để theo đuổi ước mơ từ ngày thơ bé. Thành công ấy, liệu có mấy người đạt được?
     
  5. Ngọc Hạc Phong

    Bài viết:
    250
    THAO TÁC LẬP LUẬN CHỨNG MINH

    1. Khái niệm: Dùng lí lẽ và bằng chứng chân thực đã được thừa nhận để thuyết phục và làm sáng tỏ vấn đề, Làm cho người khác tin vào ý kiến của mình; Làm cho văn bản có tính thuyết phục

    2. Cách viết đoạn chứng minh

    - Giới thiệu ý kiến cần chứng minh.

    - Đưa ra các dẫn chứng xác thực từ cuộc sống, những chân lý đã được thừa nhận (danh ngôn, tuyên ngôn, luật pháp, số liệu điều tra cụ thể.)

    - Phân tích các dẫn chứng vừa nên để khẳng định ý kiến vừa nêu.

    3. Ví dụ

    Cuộc gặp gỡ với Thị Nở đã rọi vào chốn tối tăm của tâm hồn Chí Phèo để thức tỉnh, gợi dậy bản tính người nơi Chí Phèo, thắp sáng một trái tim đã ngủ mê qua bao ngày tháng bị dập vùi, hắt hủi. Lần đầu tiên trong cuộc đời Chí tỉnh dậy. Chợt nhận ra nơi căn lều ẩm thấp là ánh nắng ngoài kia rực rỡ biết bao, nghe được "tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá trên sông, tiếng lao xao của người đi chợ bán vải về.. Những âm thanh ấy ngày nào chả có. Nhưng hôm nay Chí mới nghe thấy. Chao ôi là buồn !" Chính cuộc sống đã lay động trong tiềm thức xa xôi của Chí. Nó như cơn gió thổi tung đám tro tàn nguội lạnh, như từng giọt nước nhỏ vào tâm hồn sỏi đá, cằn khô làm tan đi giá băng tâm hồn. Hơn hết, nó làm sống dậy ước mơ một thời trai trẻ : "có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc muốn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm". Rồi cũng trong cái phút giây tỉnh táo ấy, Chí Phèo đã cô đơn hơn bao giờ hết. Bởi vì:

    "Nhìn phía trước người thân chẳng có

    Ngó sau lưng quá khứ rợn ghê người"

    Hắn như đã thấy "tuổi già của hắn, đói rét, ốm đau và cô độc - cái này còn sợ hơn đói rét và ốm đau" . Phải chăng Chí đang hối hận và ăn năn những việc mà mình đã làm? Chẳng biết có phải hay không mà Chí thấy lòng buồn man mác. Và nếu như Thị Nở không qua, chắc là hắn đã khóc được mất.
     
  6. Ngọc Hạc Phong

    Bài viết:
    250
    THAO TÁC LẬP LUẬN BÌNH LUẬN

    A. Bình luận và tác dụng của bình luận:

    1. Bình luận là bàn bạc, bày tỏ ý kiến và đánh giá về sự đúng hay sai, thật hay giả, hay hoặc dở, lợi họăc hại của các hiện tượng đời sống, các ý kiến, nhận định, các tác phẩm văn học. V. v..

    2. Tác dụng: Khẳng định cái đúng, cái hay, cái thật, cái lợi; phê bình cái sai, cái dở, lên án cái xấu, cái ác nhằm làm cho xã hội ngày càng tiến bộ.

    B. Cách sử dụng thao tác lập luận bình luận: Thực hiện các bước sau

    1. Giới thiệu ý kiến, nhận định về vấn đề đang bàn bạc: Gọi tên đối tượng được bình luận, trình bày hiện tượng, trích dẫn ý kiến, giới thiệu nhân vật hoặc tác phẩm mà mình đang bình luận.

    2. Phân tích đối tượng một cách cụ thể: Chỉ ra cái đúng, cái tốt, cái lợi hoặc cái sai, cái xấu, cái hại

    3. Nhìn nhận đối tượng một cách toàn vẹn, trong các mối quan hệ khác nhau rồi khái quát ý nghĩa của vấn đề.

    Chú ý:

    - Trong quá trình bình luận, cần vận dụng các thao tác lập luận như phân tích, giải thích, chứng minh, so sánh.. để thuyết phục được người đọc.

    C. Ví dụ:

    Đặc điểm của chủ nghĩa nhân đạo trong văn học sau Cách mạng là hướng hẳn về nhân dân lao động, diễn tả nỗi khổ của họ dưới ách áp bức giai cấp trong xã hội cũ và phát hiện ở họ những đức tính tốt đẹp, đặc biệt là khả năng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Một đặc điểm khác của nền văn học mới là ca ngợi vẻ đẹp của con người trong lao động. Nhiều tác phẩm (của Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng, Chu Văn, Nguyễn Khải, Nguyễn Kiên, Xuân Cang, Đỗ Chu, Xuân Diệu, Huy Cận, Hoàng Trung Thông, v. V) đã dựng lên được những bức tranh lao động như là biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng trên mặt trận sản xuất và xây dựng đất nước.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...