Các quan niệm chính trị cơ bản của Mặc Tử - Một nhà tư tưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Gill, 11 Tháng sáu 2022.

  1. Gill

    Bài viết:
    6,256
    Học phần: Lịch sử học thuyết chính trị pháp lý

    Giảng viên: PGS – TS Nguyễn Thị Hồi

    Câu hỏi: Trình bày các quan niệm chính trị cơ bản của Mặc Tử. Tại sao có thể coi ông là một trong các nhà tư tưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng thời kỳ cổ đại.

    Trả lời:
    Các quan điểm của Mặc Tử chủ yếu thể hiện trong tác phẩm mang tên ông, có lẽ do ông cùng với các môn đệ của ông viết ra. Ông được coi là nhà tư tưởng đại diện cho giai cấp nông dân bở lẽ các quan điểm của ông đa số thể hiện nguyện vọng của tầng lớp bị áp bức trong xã hội và mong muốn bảo vệ quyền lợi cho họ đồng thời chống lại sự phục hưng chế độ phong kiến, chống lại việc bảo vệ quyền lợi của tầng lớp quý tộc.

    Mặc Tử mong muốn dùng học thuyết của mình giúp cho Thiên tử cầm quyền cai trị theo hướng làm cho xã hội thái bình thịnh trị, nhân dân được an cư lạc nghiệp.

    Ông nói rằng ông muốn làm cho người đói được ăn no, người rét được mặc ấm, dân dư đông đúc, xã hội được thái bình, ổn định không loạn lạc bằng cách "học đạo tiên vương.. mà tìm lấy thuyết, thông nhời nói của thánh nhân mà xét lấy lời, trên thì bảo các đấng vương công đại nhân, rồi đến những kẻ xất phu đi đất, các đấng vương công đại nhân dùng lời nói của ta, nước nhà ắt thịnh trị; những kẻ xất phu đi đất dùng lời nói của ta, nết na tu tỉnh. Nên Địch cho rằng dẫu không cày ruộng cho kẻ đói ăn, không dệt vải cho kẻ rét mặc mà cái công còn hơn cày cho họ ăn, dệt cho họ mặc". Mặc Tử nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tác động đến tư tưởng con người nên muốn dùng học thuyết của mình tác động đến tư tưởng của mọi tầng lớp trong xã hội nhằm cải biến và xây dựng xã hội theo chiều hướng mà ông mong muốn.

    Đề cập đến đường lối, chính sách cai trị của các vương công đại nhân. Mặc Tử cho rằng đường lối chính trị không cố định mà phải thay đổi tùy theo hoàn cảnh. Ông nói: "Phàm vào các nước phải chọn từng việc mà làm: Nhà nước hỗn loạn thì bảo họ những thuyết" thượng hiền "," thượng đồng "; nhà nước nghèo thì bảo họ" tiết dụng "," tiết táng ", nhà nước mê thích âm nhạc, chè rượu thì bảo họ những thuyết" phi nhạc "," phi mệnh "; nhà nước dâm bậy, vô lễ thì bảo họ những thuyết" tôn thiên "," sợ quỷ "; nhà nước chăm việc xâm lăng thì bảo họ những thuyết" kiêm ái "..."

    Do vậy, muốn hiểu được Mặc Tử, ta phải hiểu được nội dung những thuyết trên của ông.


    - Thứ nhất, "Kiêm ái" :

    Luận thuyết trọng tâm trong tư tưởng của Mặc Tử là thuyết "kiêm ái", nó là cơ sở cho tất cả các quan điểm khác của ông. Ông nêu lên thuyết "kiêm ái" nhằm kêu gọi mọi người yêu thương lẫn nhau, làm lợi cho nhau theo nguyên tắc "mình vì người trước để người vì mình", để từ đó trừ hại cho mọi người và mang lại lợi ích chung cho đất nước, cho xã hội. Mặc Tử xây dựng nên thuyết "kiêm ái" với mong muốn chữa trị tận gốc rễ căn bệnh hỗn loạn của xã hội đương thời vì ông cho rằng sở dĩ trong xã hội xảy ra mọi điều tai hại lớn như chiến tranh, loạn lạc, trộm cướp, tranh giành, chém giết lẫn nhau là vì người ta không thương yêu nhau nên chỉ làm hại lẫn nhau.

    - Thứ hai, "Phi nhạc" :

    Trong tư tưởng của Mặc Tử, công dụng xã hội, lợi ích thực tế cho xã hội, cho đời sống của người lao động của mọi hoạt động, mọi chính sách bao giờ cũng là điều trước tiên và chủ yếu mà ông quan tâm. Vì thế, ông cho rằng mọi chính sách, mọi việc làm của nhà cầm quyền sẽ được coi là hợp lý nếu nó làm lợi cho người lao động hay vì lợi ích của muốn dân. Những chính sách hoạt động trái với lợi ích của người lao động sẽ phải bị bãi bỏ. Từ quan điểm này, ông nêu lên thuyết phi nhạc nhằm phê phán sự xa hoa, lãng phí, vô ích của bọn quý tộc. Chữ "nhạc" mà Mặc Tử dùng ở dây không phải chỉ để chỉ âm nhạc mà còn chỉ đồ chơi, đồ ăn, đồ mặc và nhà ở, tức là gồm các thứ tạo ra khoái lạc cho loài người. Mặc Tử chỉ rõ cái lợi, cái hại của việc dùng nhạc rồi nêu lên chủ trương phi nhạc của mình.

    - Thứ ba, "Tiết dụng, tiết táng" :

    Mặc Tử lên án sự xa hoa và chủ trương tiết kiệm trong mọi sinh hoạt của xã hội, từ chi dùng đến ma chay. Ông khẳng định cái lợi của chính sách tiết kiệm là: "Thánh nhân làm việc chính trị của một nước, một nước có thể lợi được gấp hai, lớn ra, làm việc chính trị cho cả thiên hạ, thiên hạ có thể lợi được gấp hai. Cách làm lợi gấp hai đó, không phải là đi lấy đất ở ngoài. Nhân trong nước nhà, bỏ cái vô dụng, đủ làm lợi gấp hai". Theo ông, tất cả các sự ăn, ở mặc đều nên tiết kiệm và sự tiết kiệm ấy cần phải thực hành suốt từ người dưới đến người trên, không riêng một ai.

    Sau đó, ông lý giải rõ hơn nội dung của chính sách này. Ông đòi hỏi tất cả mọi người đều phải tiết kiệm không phải chỉ để làm cho dân giàu mà chủ yếu cốt để cho dân khỏi đói, khỏi rét, để có thể sinh sản cho đông thêm.

    Từ quan điểm này, Mặc Tử công kích phương pháp cai trị của các nhà cầm quyền khi đó, đồng thời lên án gay gắt việc gây chiến tranh để xâm chiếm, thôn tính lẫn nhau giữa các vương công, chư hầu khi đó, ông coi đó là tội tày đình, coi những ông vua hiếu chiến là những người bất nhân, bất nghĩa, không biết phân biệt giữa điều nghĩa với điều bất nghĩa. Ông coi hành vi gây chiến là tội ác lớn nhất và ông quan niệm tội nặng hay nhẹ là tùy thuộc vào mức độ thiệt hại mà nó gây ra cho xã hội.

    Mặc Tử chủ trương tiết táng. Theo ông, việc tang mà chỉ nên đơn giản, tránh rườm rà mà phiền phức, lãng phí vô ích. Ông phê phán chủ trương ma chay linh đình và chịu tang 3 năm của các nhà Nho, cho rằng nó không những tiêu phí vô ích của cải của xã hội mà còn tiêu hao vô ích sức lao động của xã hội.


    - Thứ tư, "Thượng hiền" :

    Ngoài những phương pháp trên, để cai trị có hiệu quả, theo Mặc Tử, nhà vua còn phải "thượng hiền".

    "Thượng hiền" theo Mặc Tử có nghĩa là lựa chọn những người hiền lương tài giỏi mà giao cho chức vụ và cho hưởng bổng lộc, không tính đến nguồn gốc xuất thân và địa vị xã hội của họ. Cho dù là người làm ruộng hay thợ thủ công mà có tài, có đức thì đều có thể được bổ dụng làm quan, được hưởng bổng lộc tùy theo chức vụ và mức độ đóng góp của mình.

    Cách lựa chọn và dùng người của Thánh vương theo Mặc Tử phải căn cứ vào công ích và tài, đức của mỗi người. Đối với Mặc Tử, người hiền là người mà có sức thì đem giúp người, có của thì đem chia cho người, có điều hay thì đem dạy người.

    Từ quan điểm này, Mặc Tử lên án cách chọn và dùng người theo quý tộc và gia tộc tức là theo họ hàng thân thích và của cải của các vua quan lúc đó.

    Ông chỉ rõ tác hại của cách chọn người và dùng người theo thân tộc và quý tộc là chọn người giao chức vụ không phù hợp với năng lực của họ: ".. kẻ không trị nổi trăm người thì khiến ở chức cai quản nghìn người, kẻ không trị nổi nghìn người thì khiến ở chức cai quản muốn người.. Ôi, không trị nổi nghìn người mà khiến ở chức cai quản muôn người thì chức quan đó phải nặng gấp mười..". Bên cạnh đó, cách chọn và dùng người này còn có cái hại nữa là muốn được giàu sang và tránh nghèo hèn thì chỉ cần làm kẻ cốt nhục của các vương công đại nhân mà không cần phải học hành, tu thân. Kết quả là thưởng phạt đều không nghiêm.


    - Thứ năm, "Thượng đồng" :

    Muốn cho chủ trương "kiêm ái" thực hiện được trong thực tế hoặc ít ra cũng phải làm cho thiên hạ không còn những kẻ tham lam tàn bạo, gây ra các việc ghen ghét, tranh giành, bất nhân bất nghĩa.. Mặc Tử chủ trương "thượng đồng".

    "Thượng đồng" theo Mặc Tử có nghĩa là người dưới học tập noi theo người trên nhằm tạo ra sự thống nhất trong tư tưởng để dẫn đến sự thống nhất trong hành động của mọi người, để có thể thực hiện được chủ trương "kiêm ái".

    Mục đích cuối cùng của "thượng đồng" cũng là làm cho thiên hạ bình trị. Song thông qua cách trình bày về vấn đề này, có thể thấy quan điểm về nguồn gốc nhà nước của ông.

    Qua thuyết "thượng đồng" của Mặc Tử, có thể thấy dưới con mắt của ông nhà vua và các chức quan hay bộ máy nhà nước là do con người lập nên để chấm dứt tình trạng hỗn loạn của một xã hội không có tổ chức, thiết lập an ninh, trật tự cho xã hội. Đây chính là mầm mống của tư tưởng về nguồn gốc hợp đồng xã hội của nhà nước. Đồng thời, ông đòi hỏi muốn cho xã hội bình trị thì kẻ trên người dưới phải đồng lòng nhất trí và người dưới phải phục tùng người trên. Nhưng muốn đảm bảo được sự "thượng đồng" thì lại phải "thượng hiền".

    Ngoài những tư tưởng trên, Mặc Tử còn nêu lên nguyên tắc con người phải lao động mới sống được và mỗi người trong xã hội đều phải lao động theo khả năng của mình.

    Mặc Tử còn nêu lên thuyết "phi mệnh" để lên án thuyết số mệnh của Nho gia. Ông khẳng định không có mệnh trời vì từ xưa tới giờ chưa hề có ai nhìn thấy và nghe thấy mệnh trời. Cùng một nước, một nhân dân ấy mà đời Vua Thang, Vua Võ Vương thì nước trị, đến đời Vua Trụ, Vua Kiệt nước lại loạn là do chính sự hay hay dở chứ không phải do mệnh trời. Ông phê phán những kẻ tin và dựa vào mệnh trời rồi lười biếng, ỷ lại sẽ dẫn đến những tác hại vô cùng lớn cho bản thân và cho xã hội Sự phủ nhận thuyết số mệnh của Mặc Tử là điều tiến bộ vượt bậc so với tư tưởng của thời đại. Song điểm hạn chế trong tư tưởng của Mặc Tử là ông vẫn tin vào Trời, quỷ hoặc mượn danh Trời quỷ để bênh vực cho luận điểm của mình, ông cho rằng những điều ông muốn là những điều Trời, quỷ muốn, ông chỉ nói những điều Trời, quỷ muốn mà thôi.

    Ngay cả việc thiết lập quốc gia, dựng lên vua quan, theo Mặc Tử là do nhân dân, nhưng mặt khác cũng do ý Trời với quỷ thần nữa. Mặc Tử cho rằng Trời luôn luôn theo dõi, chứng kiến xét đoán mọi việc làm của con người để thưởng cho người làm thuận ý Trời và phạt những người làm trái ý Trời, kể cả Thiên tử.

    Thông qua các thuyết trên có thể coi Mặc Tử là một trong các nhà tư tưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng thời kỳ cổ đại. Trong các quan điểm chính trị của ông thể hiện qua các thuyết, tồn tại nhiều tư tưởng tiến bộ như thuyết "thượng hiền" trong việc dùng người tài và thậm chí còn có giá trị và có thể áp dụng ở thời điểm hiện nay. Nhưng bên cạnh đó còn nhiều hạn chế và không tưởng như thuyết "kiêm ái", đến tận xã hội ngày nay cũng không thể nào thực hiện được.


    Tuy còn một số điểm hạn chế và không tưởng, song quan điểm của Mặc Tử có một số điểm tiến bộ có giá trị cho đến nay. Mặc Tử không chỉ là một nhà tư tưởng mà còn là một người hành động, suốt đời quên thân làm việc nghĩa để thực hiện lý tưởng của mình là giúp cho đất nước thoát khỏi cảnh tai ương, loạn lạc, nhân dân được ấm no và yên hưởng cảnh thái bình, thịnh trị. Chính vì vậy, khi nước Sở định đánh nước Tống, ông đã đến thuyết phục để Sở bãi binh.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...