Các mở bài tham khảo tác phẩm Tây Tiến - Quang Dũng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Legolas Maldives, 1 Tháng chín 2022.

  1. Legolas Maldives

    Bài viết:
    13
    Việc lựa chọn, nhớ trước phần mở bài khi làm văn nghị luận là việc vô cùng cần thiết bởi nó giúp chúng ta không bị lúng túng khi suy nghĩ cách dẫn dắt sao cho phù hợp, tối ưu hóa thời gian dành cho các phần quan trọng khác như thân bài, Kết bài, đoạn nghệ thuật.. Vì vậy chúng ta nên chuẩn bị trước cho bản thân một cái mở bài mình thích, tâm đắc nhất. Dưới đây là những mở bài cho bài văn phân tích bài thơ Tây Tiến mình đã soạn trong quá trình thi đại học của mình, các bạn hãy tham khảo nha!

    [​IMG]

    Mở bài 1:

    Trong "Tống biệt hành", nhà thơ Thâm Tâm viết:

    "Chí nhớn chưa về bàn tay không

    Thì không bao giờ nói trở lại

    Ba năm mẹ già cũng đừng mong"

    Nhắc đến vẻ đẹp của những tráng sĩ một đi không trở lại, đề cập về hình ảnh anh bộ đội trong thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp làm sao ta có thể quên được "Tây Tiến" của nhà thơ Quang Dũng. Một nghệ sĩ đa tài với hồn thơ phóng khoáng luôn nhìn nhận sự vật thông qua lăng kính lãng mạn. Khác với những tác phẩm cùng thời viết về người lính ra đi từ mọi miền tổ quốc, "Tây Tiến" của Quang Dũng là những trí thức Hà Thành tạm gác lại việc học tập mà lên đường vì nghĩa lớn, bỏ nhà đi lính không hẹn ngày trở về. Bài thơ được viết khi ông rời xa đơn vị, nhớ đồng đội, ông viết tác phẩm này trong một chiều mưa ở Phù Lưu Chanh và được in trong tập "Mây Đầu Ô". Từng vần thơ của Quang Dũng đã khắc họa lên bức tượng đài về những người lính bộ đội cụ Hồ kiên trung bất khuất, hào hoa, và trở thành hành trang tinh thần k
    hông thể thiếu đối với mọi thế hệ độc giả ở đề tài người lính.

    Mở bài 2:

    Mọi cuộc chiến tranh rồi sẽ qua đi, bụi thời gian có thể phủ dày lên hình ảnh của những anh hùng vô danh, nhưng văn học với sứ mệnh thiêng liêng của nó đã khắc họa vĩnh viễn vào tâm hồn người đọc hình ảnh những người con anh hùng của đất nước đã ngã xuống vì nền độc lập của Tổ quốc trong suốt trường kỳ lịch sử. "Tây Tiến" là một tác phẩm văn học như thế. Qua "Tây Tiến", nhà thơ tài hoa xứ Đoài (Sơn Tây) Quang Dũng đã dựng nên một bức tượng đài bất tử như vậy về người lính cách mạng trong cuộc khánh chiến trường kì chống thực dân Pháp xâm lược. Đó là bức tranh tượng đài làm cho những người chiến sĩ yêu nước từng ngã xuống trong những năm tháng gian khổ ấy bất tử cùng thời gian.

    * * *

    Mở bài 3:

    Cho đến nay "Tây Tiến" vẫn là một đài thơ đầy kì bí. Cái ma lực, cái âm hưởng của bài thơ chưa ai lí giải hết được. Phải chăng cái hay là bởi lời thơ, hình tượng thơ giàu nhạc điệu được chứa đựng trong một hồn thơ thật mới lạ và rất sâu sắc? Con người nồng hậu, nét bút tài hoa trong cách sử dụng ngôn ngữ thơ cà hình ảnh thơ đã làm nên kiệt tác thơ "Tây Tiến". Với "Tây Tiến", Quang Dũng đã xây dựng tượng đài về anh bộ đội cụ Hồ thời kháng chiến 9 năm đầy gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng.

    * * *

    Mở bài 4:

    Nhà thơ chế Lan Viên từng để tâm hồn thăng hoa trong những lời thơ sâu sắc:

    "Khi ta ở là nơi đất ở


    Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn"

    Trong cuộc đời mỗi người từng gắn bó với nhiều mảnh đất. Mỗi mảnh đất ta qua đều trở thành dấu ấn, trở thành những kỉ niệm khó quên. Nhà thơ Quang Dũng cũng đã từng trải qua cảm xúc ấy. Nỗi nhớ Tây Bắc đã được ghi lại chân thực trong bài thơ "Tây Tiến".

    * * *

    Mở bài 5:

    Cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đã đi vào văn chương như những giai thoại của một thời kì khói lửa, những dòng sông, cánh đồng, mảnh đất, ngôi làng đã đồng hành sống và chiến đấu với con người đã bước vào văn chương để trở thành vẻ đẹp của quê hương đất nước. Đó là một sông Đuống cuộn trôi mang bao dáng hình xứ sở của Hoàng Cầm, là hình ảnh con sông Lô với Bến bình ca ghi dấu những chiến công và đẹp như một bài thơ của Văn Cao. Nhưng đến với sông Mã thì đó lại là hình ảnh về một con sông gầm khan trầm uất cùng với những dấu chân huyền thoại của Đoàn binh Tây Tiến để làm nên tên tuổi của nhà thơ Quang Dũng. Từng là một cựu chiến sĩ trong đoàn binh Tây Tiến thì những ngày tháng từng sống và chiến đấu cùng đồng đội của mình là những ngày tháng không thể quên với ông, và gắn liền với những ngày không thể quên ấy là những bài thơ không thể quên, và "Tây Tiến" là một bài thơ như thế.

    Mở bài 6:

    Thơ ca gắn bó với đời sống buồn vui, lúc hạnh phúc cũng như khí gian lao, vất vả của con người Việt Nam, ngay cả khi đất nước bị chiến tranh tàn phá một cách ác liệt nhất vào những năm tháng kháng chiến chống Pháp thì có lẽ thơ ca cũng chính là thứ vũ khí để chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược. Nhà phê bình Hoài Thanh đã từng nói: "Hầu hết những người mang ba lô lặng lẽ đi trên các nẻo đường kháng chiến trong một quyển sổ tay nào đó thế nào cũng có ít bài thơ.. Trong cuộc chiến tranh nhân dân của chúng ta, tiếng súng, tiếng nhạc, tiếng thơ cùng hòa điệu" (Nói chuyện thơ kháng chiến). Và một trong số những bài thơ ngày ấy được các chiến sĩ đặc biệt yêu thích nhất có lẽ ta phải kể đến bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng. Bài thơ đã dựng nên bức tượng đài về chàng lính hào hoa, phong nhã trong đoàn binh Tây Tiến ngày ấy tuy rất đỗi giản dị nhưng lại phi thường, chói sáng. Hòa chung vào những vần thơ dạt dào đầy cảm hứng lãng mạn ấy, tác giả đã khơi dậy một thời khói lửa bom đạn đầy tự hào của nhân dân Việt Nam, đó là khúc tráng ca mang dư âm về tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc.

    * * *

    Mở bài 7:

    Trong cuốn "Bình giảng văn học Việt Nam" đã từng ngợi ca "Thiên nhiên Tây Bắc qua ngòi bút Quang Dũng được cảm nhận với vẻ đẹp vừa đa dạng, vừa độc đáo, vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, hoang sơ mà ấm áp". Để rồi người ta nói về Quang Dũng với biệt danh "Nghệ sĩ đa tài" bởi ngoài viết văn, làm thơ ông còn tinh tường vẽ tranh soạn nhạc. Ở ông là một hồn thơ tràng đầy phóng khoáng và tâm huyết với những tiếng thơ thật sự tinh tế và lãng mạn. Nhà thơ Quang Dũng xuất thân từ một trí thức Hà Thành, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc liền gác bút nghiên lên đường ra trận, gia nhập đoàn quân "Tây Tiến" - phân hiệu bộ đội thành lập năm 1947 có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào đánh tiêu hao sinh lực địch ở Thượng Lào. Một năm sau đó ông rời đơn vị cũ, chuyển công tác sang đơn vị mới chưa được bao lâu tại Phù Lưu Chanh bên dòng sông Đáy thơ mộng Quang Dũng sáng tác nên bài "Tây Tiến". Lúc đầu bài thơ có tên là "Nhớ Tây Tiến" sau đó được lược bớt đi chữ "nhớ" và được in trong tập "Mây đầu ô" (1948).

    Mở bài 8:

    Nhà văn Shelly đã từng nói rằng: "Thơ ca làm cho những gì tốt đẹp nhất trên đời trở nên bất tử". Thật vậy, có những bài ca không bao giờ quên trong lòng người đọc. Có những năm tháng chiến tranh đã in hằn lên những tác phẩm văn học chân chính, mà bụi thời gian có dầy bao nhiêu vẫn không thể làm phai mờ. Có lẽ vậy mà hình ảnh người lính trong chiến tranh đã ngã xống vì đất nước vẫn vĩnh hằng torng trái tim của mỗi con người. Vì thế, hình ảnh ấy đi vào thơ Quang Dũng một cách nhẹ nhàng, sâu lắng. Ông là một nhà thơ đa tài với hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu mà lãng mạn. Tiêu biểu trong đó là bài thơ Tây Tiến. (Sau đó trích dẫn đoạn thơ cần phân tích hoặc dẫn dắt đến vấn đề mà đề bài yêu cầu.

    Mở bài 9:

    "Ơi kháng chiến mười năm qua như ngọn lửa

    Ngàn năm sau còn đủ sức soi đường"

    (Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)

    Chiến tranh qua đi đã để lại những hoài niệm về năm tháng không thể nào quên, những năm tháng mà bụi thời gian có dày đến đâu cũng không thể làm phai mờ. Đó là khi con người ta nhận ra rằng chẳng có gì hơn Tổ quốc, họ gác lại tất cả để đi theo tiếng gọi của đất nước thân yêu. Những con người ấy đã đi qua thơ ca, nghệ thuật như những huyền thoại của thế kỉ XX. Và đặc biệt, hình tượng ấy đã được nhà thơ Quang Dũng thể hiện thật xuất sắc thông qua lăng kính lãng mạn nhưng vẫn đậm chất hiện thực qua bài thơ Tây Tiến. Vẻ đẹp của hình ảnh người lính đã được thi nhân khắc họa một cách độc đáo, mới lạ, oai hùng qua đoạn thơ sau: "Tây Tiến Đoàn Binh không mọc tóc.. Sông Mã gầm lên khúc độc hành".

    Mở bài 10:

    Dân tộc ta gắn với lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước. Một dân tộc đôi khi cầm giáo, cầm gươm bảo vệ còn nhiều hơn cầm cuốc cày lao động chúng ta mới thấm thía về giá trị của sự bình yên và cũng hiểu hơn về giá trị của những con người "ra đi vì nghĩa lớn". Hình ảnh họ: Từ những chinh phu tráng sĩ thời xưa đến những người lính nông dân, anh cán bộ chiến khu.. đã trở thành cảm hứng cho những áng thơ, trang văn và thiên truyện ra đời. Đặc biệt, ở mỗi thời kì, mỗi trang viết ta được cảm nhận những vẻ đẹp khác nhau. Những "thuở trời đất nổi cơn gió bụi", đứng nhìn mảnh đất quê hương chịu đau thương, nhưng người nông dân đã đứng lên để chiến đấu vì hạnh phúc của chính mình và dân tộc. Và nhà thơ Quang Dũng đã làm sáng ngời vẻ đẹp của những anh hùng ấy qua bài thơ "Tây Tiến" - một kiệt tác viết về người lính.

    Mở bài 11:

    Cõi đời là cõi hữu hạn, nhưng nghệ thuật thì lại bất tử với thời gian. Nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven cũng đã từng để lại cho đời bản Sonat Ánh trăng – bản giao hưởng định mệnh. Hay nhà văn Hàn Mạc Tử trước khi từ giã cõi đời đã để lại kiệt tác "Đây thôn Vĩ Dạ". Dòng sông của năm tháng vẫn cứ mãi trôi cuốn đi tất cả làm phai mờ đi những vẻ đẹp của tạo hóa. Thế nhưng giữa dòng sông nghiệt ngã ấy vẫn động lại trong lòng người đọc một bài thơ chẳng thể nào quên, một khúc hùng ca về người lính trong thời kì kháng chiến của ngòi bút tài hoa Quang Dũng. Tây Tiến xuất hiện như một bông hoa đầu mùa tỏa ngát cả một thời kì văn chương.
     
    Last edited by a moderator: 27 Tháng chín 2022
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Mở bài cho đoạn thơ thứ 3:

    Bốn câu thơ của nhà thơ Giang Nam:


    "Tây Tiến biên cương mờ khói lửa

    Quân đi lớp lớp động cây rừng

    Và bài thơ ấy con người ấy

    Vẫn sống muôn đời với núi sông"

    khẳng Định sức sống bất diệt của bài thơ "Tây Tiến", của những "con người" một thời chiến đấu oanh liệt cho Tổ quốc, cho nghĩa vụ quốc tế cao cả. Quang Dũng đã xây dựng lên bức tượng đài bi tráng về người chiến binh Tây Tiến trong thi phẩm của mình và rồi, cả thơ và người đều để lại những dư âm sâu lắng trong lòng bao thế hệ độc giả, bao trái tim người Việt. Nhà thơ dường như đặt cả trái tim, tình yêu, thậm chí cả niềm đau của mình nơi đầu ngọn bút để khai sinh ra những vần thơ tuyệt tác. Bên cạnh những câu thơ tựa hồ từng nét cọ khéo léo vẽ lên bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, mĩ lệ là những câu thơ đậm chất bi hùng khi nhà thơ viết về binh đoàn Tây Tiến:

    "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

    ..

    Sông Mã gầm lên khúc độc hành"


    Hoặc:

    "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!". Không gian xa, thời gian xa, một thời Tây Tiến đã xa, rất xa.. Xa nhưng chẳng thể quên. Xa mà vẫn bồi hồi thao thức trong trái tim chàng lính trẻ Quang Dũng. Nhịp rung động bồi hồi ấy đã khơi nguồn để gọi về những vần thơ tuyệt tác làm nên thi phẩm bất hủ "Tây Tiến". Mạch cảm xúc chủ đạo của cả bài thơ là nỗi nhớ: Nhớ thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, mĩ lệ; nhớ đồng bào Tây Bắc đằm thắm ân tình; nhớ binh đoàn Tây Tiến với những bước đường hành quân chiến đấu nhiều gian khổ hi sinh mà vô cùng anh dũng. Linh hồn của bài thơ chính là bức tượng đài bi tráng về người lính Tây Tiến được Quang Dũng tập trung khắc họa trong khổ thơ thứ ba:


    "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

    ..

    Sông Mã gầm lên khúc độc hành"
     
    Chỉnh sửa cuối: 10 Tháng chín 2022
  3. ViVianloveBPforever

    Bài viết:
    1
    Trong vườn hoa của thơ ca kháng chiến chống Pháp, bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng - nở ra từ một tâm hồn phóng khoáng, hồn hậu, hào hoa, một ngòi bút tinh tế và lãng mạn - được coi là bông hoa đầu mùa vừa đẹp vừa lạ. Bài thơ không chỉ khắc họa thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, hiểm trở hay những gian khó trập trùng nơi núi cao vực sâu mà bên cạnh đó, ta cũng có cơ hội được cảm nhận bức tranh thiên nhiên gợi cảm, nên thơ cùng những giờ phút liên hoan tưng bừng, lãng mạn giữa những tháng năm khói lửa hào hùng. Và 8 câu thơ ở khổ thơ thứ hai là những vần thơ đã khắc họa rõ nhất vẻ đẹp lãng mạn ấy.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...