Mẫu 1: Nếu chỉ dừng lại ở tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký", nhà văn Tô Hoài đã rất nổi tiếng, đã làm được cái việc mà như nhà văn Nam Cao nói là "để đời" đối với sự nghiệp của bất cứ người cầm bút nào. Thế nhưng, nhà văn Tô Hoài không dừng lại chú "dế mèn" mà còn đi xa hơn. Ra đi ở tuổi 95, ông đã để lại cho đời hơn 100 đầu sách. Nếu chỉ tính về mặt số lượng thì mấy ai làm được như ông? Còn nói về khía cạnh nghệ thuật, bảo rằng Tô Hoài đi được xa hơn cũng chính bởi khi nghĩ đến ông, người ta cũng nhớ ngay "Vợ chồng A Phủ" - truyện ngắn đã được dựng thành phim và cũng là một tác phẩm tiêu biểu cho văn học hiện thực dân tộc miền núi mà Tô Hoài đã cống hiến. Mẫu 2: "Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những con người bị cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường. Những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đọa đày đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời. Nhà văn tồn tại ở trên đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực." (Nguyễn Minh Châu) Với hình tượng nhân vật Mị trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ", nhà văn Tô Hoài đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh ấy khi mang đến cho người đọc một hình tượng nghệ thuật với biết bao vẻ đẹp – nhất là sức sống tiềm tàng mãnh liệt mà không thế lực nào có thể dập tắt được. Mẫu 3: Với trên 200 đầu sách, Tô Hoài hiện là một trong những nhà văn có sức sáng tạo dồi dào nhất trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông có vốn hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán của nhiều vùng văn hoá khác nhau trên đất nước ta. Thành công nhất của Tô Hoài là những tác phẩm viết về hiện thực cuộc sống, con người vùng Tây Bắc, tiêu biểu là truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ". Tác phẩm vừa là một bức tranh chân thực về số phận bi thảm của người dân nghèo miền núi dưới ách áp bức phong kiến và thực dân, vừa là một bài ca về sức sống và khát vọng tự do, hạnh phúc của con người. Điều đó được thể hiện rõ nét nhất qua nhân vật.. (Mị/ A Phủ) Mẫu 4: Tô Hoài – nhà văn của người dân miền núi. Những năm tháng lặn lội, thâm nhập vào cuộc sống của con người vùng cao đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn nhà văn. Những bản làng chìm trong sương với những người dân chân chất, thật thà. Những con người sống trong cảnh đời cơ cực đầy những bất công dưới xã hội cũ nhưng lòng vẫn cháy không nguôi khát vọng sống mạnh mẽ tựa như sức sống vững vàng của núi, của rừng. Phẩm chất tốt đẹp đó của con người vùng cao được Tô Hoài phản ánh qua khát vọng sống mãnh liệt của nhân vật Mị – nhân vật chính trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" vào đêm tình mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc. Mẫu 5: Tây Bắc là mảnh hồn thiêng của núi sông, là miền đất hứa có khả năng sản sinh ra năng lượng dồi dào cũng như truyền cảm hứng cho biết bao nhà văn, nhà thơ để họ viết nên những trang thơ, trang văn lấp lánh. "Người mẹ của hồn thơ" ấy đã phả hồn vào bao vần thơ đẹp của Chế Lan Viên, đã lấp lánh "chất vàng mười" trong hình tượng người lái đò của cụ Nguyễn Tuân và phả vào trang viết của Tô Hoài sức sống tiềm tàng mãnh liệt của con người lao động. Đó là sức sống bền bỉ, tiềm tàng của nhân vật Mị trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" mà mỗi lần gấp trang sách lại ta không thể nào quên. Mẫu 6: Nếu ai từng một lần đến với Tây Bắc, đến với những bản làng hiền hòa chìm trong sương, đến với những phong cảnh núi rừng hùng vĩ trữ tình, đến với cuộc sống tươi vui của những đứa con nơi núi rừng hẳn không nghĩ rằng, những con người nơi đây từng khổ cực trăm bề. Cảnh đói nghèo cơ cực cùng sức nặng cường quyền và thần quyền đè nặng lên đôi vai những số phận bé nhỏ. Nhưng đằng sau tất cả vẫn là sức sống mãnh liệt, mạnh mẽ. Và Tô Hoài đã phản ánh những điều ấy qua hình tượng nhân vật A Phủ trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ".
Nhận định về Tô Hoài (Vận dụng vào mở bài) 1. "Tô Hoài là một trong những tác gia lớn nhất của thế kỉ 20. Ông thuộc thế hệ 20, từ năm 1920 ngược về trước. Đó là thế hệ vàng của văn chương hiện đại, làm nên mùa gặt ngoạn mục nhất của văn họ thế kỉ 20 – làm nên mùa màng 1930-1945, cùng với Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Xuân Diệu, Huy Cận. Ông cũng là người hiếm hoi nhất còn lại của thế hệ ấy, cùng với nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh." – Giáo sư Phong Lê 2. "Hơi thở cuộc sống luôn đầy ắp và hiện rõ trên từng trang viết của nhà văn Tô Hoài, đưa ông cùng nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi khác làm nên mùa gặt ngoạn mục nhất của văn học Việt Nam thế kỉ 20 . Ông đã ra đi, nhưng trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ, chú dế mèn sẽ trẻ mãi với thời gian." – Trích bài viết "Nhà văn Tô Hoài nặng lòng với những trang văn về Tây Bắc", Báo Mới 3. "Hơn cả một nhà văn, Tô Hoài đã, đang và sẽ luôn là người bạn đường thân thiết của độc giả thuộc mọi lứa tuổi, trên con đường đưa họ đến với thế giới động tưởng tượng thuở nhỏ, hay đến với những miền đất mới, đến với con người đời dài rộng khi đã trưởng thành." – Phan Anh Dũng 4. "Tô Hoài là một nhà văn lớn của Văn học Việt Nam hiện đại, người có 95 năm tuổi đời nhưng đã dành hơn 70 năm đóng góp cho văn học. Ông là nhà văn chuyên nghiệp, bền bỉ sáng tác và có khối lượng tác phẩm đồ sộ." – Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội 5. "Có những nhà văn, nhà thơ làm vinh dự cho chữ Hán, làm vinh dự chữ Nôm. Anh Tô Hoài, cùng Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố.. làm vinh dự cho chữ quốc ngữ. Tôi được gần các thế hệ đi trước, càng hiểu giá trị của những giây phút sống bên cạnh họ, kể cả khi các anh im lặng." – Nhà thơ Hữu Thỉnh
Mở bài Vợ chồng A Phủ bằng lí luận văn học Mỗi tác phẩm nghệ thuật phải thực sự là "tiếng sáo thổi lòng thời đại, thành giao liên dẫn dắt đưa đường". Dường như ý thức rõ về điều này, nhà văn Tô Hoài trong những ngày tháng sống ở Tây Bắc đã viết nên "Vợ chồng A Phủ". Áng văn là "tiếng sáo", là "giao liên" dẫn ta tới hiện thực cuộc sống lặng im Tây Bắc và cho chúng ta thấy những khát khao đẹp đẽ về tự do và hạnh phúc của con người. Còn gì đẹp hơn khi nhà văn viết về cuộc sống để ca ngợi con người! Văn chương thật lớn lao và đầy ý nghĩa khi đi sâu và khám phá từng cảm giác, suy nghĩ, chiều sâu nội tâm để từ đó ta yêu quý, trân trọng những con người bình dị nhất. Đó là lúc nhà văn lý giải cuộc sống theo cách của riêng mình. Vậy nên, trong sáng tác văn chương, "nhà văn có thể viết về bóng tối nhưng từ bóng tối phải hướng đến ánh sáng". Phải chăng, cũng vì lẽ đó mà Tô Hoài đã viết nên tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" để gửi gắm vào cuộc sống những giá trị nhân văn cao cả.
Mở bài Vợ chồng A Phủ học sinh giỏi 1. Cùng sinh năm 1920 và đều là những cây bút văn xuôi nổi tiếng, nhưng nếu Kim Lân là nhà văn "quý hồ tinh, bất quý hồ đa" thì Tô Hoài lại có bút lực dồi dào không ngừng nghỉ. Đến năm 90 tuổi, ông vẫn không ngừng viết văn và để lại nhiều tác phẩm ấn tượng. Nổi bật trong số đó là "Vợ chồng A Phủ". Tác phẩm xoay quanh không khí và văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc Việt Nam. Cả tác phẩm là một cuộc trỗi dậy mạnh mẽ về tinh thần của người dân lao động khốn khổ chống lại áp bức bất công của giai cấp thống trị miền núi trước Cách mạng tháng Tám. 2. "Tinh thần và sức mạnh bất khuất của cả nước được nuôi dưỡng và phát triển trong những cánh rừng đại ngàn Tây Bắc. Sống với những ngọn thác dữ dội, những núi đá hùng vĩ, những vạt rừng âm u là các dân tộc thiểu số anh em. Đời sống sinh hoạt của họ khác nhau nhưng tinh thần kháng Pháp thì là một." Đó là lời chia sẻ của Tô Hoài về chuyến đi thực tế lên Tây Bắc - nơi để lại cho ông nhiều điều để thương để nhớ. Những cảm xúc ấy kết tinh lại thành tập "Truyện Tây Bắc" mà linh hồn là truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ". Tác phẩm là bức tranh sinh động về hiện thực của những năm tháng tối tăm trong cuộc sống của đồng bào dân tộc vùng cao. Bằng lăng kính đầy tình yêu thương, lòng nhân ái, tác giả đã thể hiện được một chủ nghĩa nhân đạo mới mẻ, tích cực - điều chưa từng có trên diễn đàn văn chương Việt Nam. 3. "Văn học nghệ thuật luôn đứng ngoài những quy luật về sự băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết." (Sê-đê-rin) Có thể coi Vợ chồng A Phủ là một tác phẩm như thế. Đã hơn nửa thế kỉ trôi qua, chất vàng mười trong nó vẫn còn vẹn nguyên. Tác phẩm đã nói lên một cách đau xót nỗi thống khổ bao đời của đồng bào dân tộc vùng cao dưới ách thống trị của thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Từ nỗi thống khổ ấy, Tô Hoài đã bằng một trái tim nhân đạo bao la, một giác quan cách mạng nhạy bén mà tìm thấy một sức sống tiềm tàng, mãnh liệt bên dưới cái vỏ câm lặng, cam chịu của người dân vùng cao.
Mở bài Mị trong đêm tình mùa xuân Tô Hoài là nhà văn có sức sáng tạo dồi dào nhất trong làng văn chương Việt Nam. Trước Cách mạng, nhà văn nổi tiếng với những câu chuyện về loài vật như "Ổ chuột", "Dế mèn phiêu lưu ký". Sau cách mạng, nhà văn đã để lại rất nhiều dấu ấn với những tác phẩm viết về đề tài miền núi như "Truyện Tây Bắc", "Miền Tây".. Trong tập "Truyện Tây Bắc", nổi tiếng nhất là truyện "Vợ chồng A Phủ". Tác phẩm để lại dư âm trong lòng người đọc bởi sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của nhân vật Mị và cả những cảnh sắc thiên nhiên núi rừng Tây Bắc với đêm tình mùa xuân của tuổi trẻ dập dìu tiếng sáo bản Mèo. Tô Hoài – nhà văn của người dân miền núi. Những năm tháng lặn lội, thâm nhập vào cuộc sống của con người vùng cao đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn nhà văn. Những bản làng chìm trong sương với những người dân chân chất, thật thà. Những con người sống trong cảnh đời cơ cực đầy những bất công dưới xã hội cũ nhưng lòng vẫn cháy không nguôi khát vọng sống mạnh mẽ tựa như sức sống vững vàng của núi, của rừng. Phẩm chất tốt đẹp đó của con người vùng cao được Tô Hoài phản ánh qua khát vọng sống mãnh liệt của nhân vật Mị – nhân vật chính trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ vào đêm tình mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc. Không chỉ thành công khi viết những câu chuyện về loài vật, Tô Hoài còn được biết đến là một cây bút xuất sắc khi viết về cuộc sống nghèo khổ của người dân, đặc biệt là người dân vùng núi Tây Bắc. Qua tác phẩm Vợ chồng A Phủ, đặc biệt là nhân vật Mị, Tô Hoài đã cho người đọc cảm nhận được nỗi thống khổ, sự rẻ rúng của con người trong cái xã hội đầy áp bức bất công. Tuy nhiên khát vọng sống, khao khát tình yêu vẫn luôn hiện hữu ở sâu thẳm trong tâm hồn của Mị và điều đó đã được thể hiện rõ nhất trong đêm tình mùa xuân.