Các điểm cần lưu ý trong tác phẩm những đứa con trong gia đình

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi nntc6761, 30 Tháng sáu 2021.

  1. nntc6761 ~~~Cập nhật link bài mới ở trên tường ạ~~

    Bài viết:
    2,167
    Nội dung chính

    Tác phẩm kể chuyện một gia đình cách mạng: Ba má Việt, chú Năm, chị Chiến và Việt. Truyền thống gia đình – truyền thống yêu nước, đánh giặc – là sợi chỉ đỏ xuyên suốt câu chuyện. Chú Năm đặc biệt tự hào gìn giữ cuốn sổ ghi tội ác của giặc và chiến công của các thành viên trong gia đình. Mẹ Việt là một người phụ nữ gan góc, rất mực yêu chồng, thương con, đảm đang tháo vát. Sinh ra từ nguồn mạch yêu nước của gia đình, hai chị em Việt rất quả cảm ngay từ khi còn nhỏ.

    Nhân vật

    - Nhân vật Việt:

    Việt hiện lên thật cụ thể, sinh động qua ngòi bút của Nguyễn Thi. Đó là chàng trai mới lớn, rất hồn nhiên, hiếu động. Lúc còn nhỏ, Việt hay làm nũng, tranh giành với chị. Lớn lên, Việt chiến đấu rất dũng cảm, lập được nhiều chiến công, không sợ chết nhưng lại rất sợ ma ; vẫn mang súng cao su trong người.. Ở Việt có một tình yêu thương gia đình sâu đậm, một tính cách anh hùng, tinh thần chiến đầu gan dạ, dũng cảm, kiên cường. Dòng máu nóng trong anh là dòng máu của những con người gan góc, không run sợ trước bạo tàn. Từ ngày còn bé, Việt đã theo má đi đòi đầu cha ; chưa đầy mười tám tuổi đã đòi lên đường tòng quân. Khi bị thương ở chiến trường, bị lạc đơn vị, dù cận kề cái chết, anh vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Hai đêm gần như kiệt sức, bốn lần ngất đi tỉnh lại, người lính ấy vẫn nung nấu ý chí chiến đấu đến cùng để trả thù nhà, nợ nước.

    - Nhân vật Chiến:

    Chiến hiện lên qua hồi ức của người em trai – Việt – sau mỗi lần tỉnh lại khi bị thương nặng trong trận chiến ác liệt tại một khu rừng cao su. Là cô gái mới lớn, tính khí vẫn còn nét trẻ con nhưng Chiến cũng là một người chị biết nhường em, biết lo toan, tháo vát. Ở chị vừa có những điểm giống mẹ, vừa có những nét riêng.

    Sinh ra trong hoàn cảnh chiến tranh, mẹ mất, Chiến là người gánh vác mọi việc trong gia đình. Chiến giống mẹ từ dáng đi, giọng nói đến cách tính toán việc nhà rất rạch ròi. Chiến cũng rất có trách nhiệm với quê hương, đất nước, chị vừa sống rất có tình với mọi người vừa chiến đấu dũng cảm vì quê hương, gia đình. Tuyên ngôn của người con gái ấy thật rõ ràng, sôi nổi và rất quyết liệt: "Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à!". Đây là hào khí của người phụ nữ thời đại mới lúc bấy giờ – thời đại cả nước đánh đế quốc Mỹ.

    - Chiến và Việt là hai "khúc sông" trong dòng sông truyền thống của gia đình. Chiến và Việt là sự tiếp nối thế hệ của ba má và chú Năm, song lại mang dấu ấn riêng của thế hệ trẻ miền Nam thời kì chống Mỹ cứu nước. Dòng sông truyền thống của gia đình đến đây nối dài, mở rộng trong tư thế chủ động và ý chí tiến công mạnh mẽ. Có thể nói, Chiến và Việt là biểu tượng cao đẹp cho lớp thanh niên Nam Bộ trưởng thành trong khói lửa chiến tranh giải phóng dân tộc.

    - Ngoài hai nhân vật chính, nhà văn cũng dành nhiều trang viết để nói về nhân vật má Việt và chú Năm.

    + Má Việt có nét giống chị Út Tịch trong Người mẹ cầm súng: Gan góc và cứng cỏi khi còn là con gái ; rất mực thương chồng, thương con khi đã có gia đình. Cuộc đời gặp nhiều vất vả và gian truân, bất hạnh nhưng má Việt đã nén chặt nỗi đau để nuôi con, đánh giặc.

    + Chú Năm là người lao động chất phác nhưng giàu tình cảm. Chú rất tự hào với truyền thống của gia đình. Chú ủng hộ việc các cháu mình xung phong vào bộ đội để đánh giặc, cứu nước, viết thêm chiến công vào cuốn sổ gia đình.

    Nghệ thuật viết

    - Đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm được thể hiện tập trung ở nghệ thuật xây dựng tình huống truyện và nghệ thuật kể chuyện. Truyện kể theo dòng tâm tư đứt nổi của Việt, khi liền mạch (lúc tỉnh), khi gián đoạn (lúc ngất) nên có tính chân thực cao. Mặt khác, lối kể này có thể linh hoạt thay đổi đối tượng, không gian, thời gian, đan xen tự sự và trữ tình để thể hiện rõ những suy nghĩ, cảm nhận và những thay đổi trong tâm hồn nhân vật trong tình huống đặc biệt nơi chiến trường.

    - Trong văn Nguyễn Thi, chi tiết được chọn lọc vừa cụ thế vừa giàu ý nghĩa, gây ấn tượng mạnh, làm nổi rõ góc cạnh của cuộc sống. Văn của ông chân thật, cảm động, có trường đoạn gây xúc động sâu sắc cho người đọc. Ngôn ngữ bình dị, phong phú, giàu giá trị tạo hình và đậm sắc thái Nam Bộ, tạo được ấn tượng riêng.

    Ý nghĩa truyện

    Qua câu chuyện về những con người trong một gia đình nông dân Nam Bộ có truyền thống yêu nước, căm thù giặc, thủy chung với quê hương, với cách mạng, nhà văn khẳng định: Sự hòa quyện giữa tình cảm gia đình và tình yêu nước, giữa truyền thống gia đình và truyền thống dần tộc đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
     
  2. Đăng ký Binance
  3. nntc6761 ~~~Cập nhật link bài mới ở trên tường ạ~~

    Bài viết:
    2,167
    Tóm tắt tác phẩm Những đứa con trong gia đình

    Việt là một anh lính trẻ sẵn sàng chiến đấu vì quê hương và đất nước, bị thương và lạc đồng đội nên phải nằm lại chiến trường. Trong lúc nằm giữa ranh giới sinh tử, anh đã nhớ lại những kí ức đẹp đẽ về gia đình và đồng đội của mình.

    Việt và Chiến là hai chị em được sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Nam Bộ có truyền thống yêu nước cùng lòng căm thù giặc Mỹ sâu sắc. Ba má mất vì chiến tranh; khi lớn lên, hai chị em cùng muốn đi tòng quân, phải nhờ chú Năm phân xử và cuối cùng thì cả hai đều ra chiến trường sau khi sắp xếp việc nhà chu đáo. Chị Chiến đã trở thành một người phụ nữ chín chắn có dáng vẻ giống hệt với má. Khi nghĩ đến, Việt càng cảm thấy nhớ má và thấy thương cho chị của mình nhiều hơn. Những hồi ức miên man hiện rõ trong tâm trí của Việt đến khi có người đồng đội tìm thấy anh giữa chiến trường.

    Tuy bị thương và không còn sức để bò đi nhưng ngón tay của Việt vẫn cố gắng cử động để đặt ở cò súng cùng đạn đã lên nòng. Sau đó anh được đồng đội đưa về bệnh viện dã chiến để chữa trị.
     
  4. nntc6761 ~~~Cập nhật link bài mới ở trên tường ạ~~

    Bài viết:
    2,167
    Nhận định về Những đứa con trong gia đình

    Nguyễn Thi hay viết về người anh hùng, nhưng đó là kiểu người anh hùng - con đẻ của đất cày và sông nước; ở đó, cái anh hùng hòa lẫn với cái bình dị, sự cao cả hiện ra dưới vẻ thân thuộc, gần gũi, chất phác tự nhiên; và lắm khi, chất anh hùng lại lộ ra qua những biểu hiện ngây thơ, ngộ nghĩnh.

    Trong Những đứa con trong gia đình, Việt và Chiến là những nhân vật tiêu biểu cho vẻ đẹp của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Mĩ, là những hình tượng nghệ thuật độc đáo, có cá tính riêng, không lặp lại. "Phong cách Nguyễn Thi với cách dùng đối thoại rất mộc mạc nhưng đầy tinh tế cùng những chi tiết đắt giá được kết tinh từ kinh nghiệm sống và chiến đấu." (Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm)

    Những đứa con trong gia đình được in trong tuyển tập Truyện và kí với lời giới thiệu của Nhà xuất bản Giải phóng: "Có khả năng quan sát độc đáo, nhạy bén và tinh tế, có một biệt tài dùng phép tương phản để mô tả cái vĩ đại trong cái tầm thường, hòa nhuyễn cái vĩ đại của cuộc chiến tranh thần kì trong hơi thở bình thường của cuộc sống hàng ngày, của con người bình thường. Nguyễn Thi cũng nắm chắc vốn kiến thức của quần chúng, đặc biệt là của nông dân Nam Bộ. Tất cả những cái đó cộng lại tạo cho Nguyễn Thi một phong cách riêng, bình thản mà không lạnh lùng, sâu lắng nhưng vẫn có cái sôi nổi thầm kín, đặc biệt là đậm đà màu sắc Nam Bộ trong cách dùng chữ, lời nói, điệu hồn chân chất, thân mật, phóng khoáng, dễ thương, dễ mến biết bao."
     
    LieuDuong, chiqudollƯu Đàm Thanh Ti thích bài này.
  5. nntc6761 ~~~Cập nhật link bài mới ở trên tường ạ~~

    Bài viết:
    2,167
    Ý nghĩa nhan đề Những đứa con trong gia đình

    Nhan đề Những đứa con trong gia đình mang tới hình dung về hình ảnh những người con của một gia đình có truyền thống cách mạng, những người kế tục và phát huy con đường lý tưởng cách mạng của ông cha mình. Nhan đề này cũng tiêu biểu cho phong cách Nguyễn Thi, thường sử dụng những không gian nhỏ để tạo bối cảnh cho tác phẩm của mình, độc đáo ở chỗ ông chọn cách nhìn qua lăng kính của một gia đình để soi rõ cả cuộc chiến, cả hành trình của dân tộc.

    Những đứa con trong gia đình là sự nối tiếp truyền thống giữa hiện tại và quá khứ, sự hòa quyện giữa tình cảm gia đình và tình cảm cách mạng đã tạo nên một sức mạnh tinh thần.

    Những đứa con trong gia đình không phải chỉ là một gia đình, mà cả một đất nước đã đồng lòng kề vai cùng anh dũng chiến đấu vì lý tưởng chung.
     
    Ưu Đàm Thanh Ti, LieuDuongchiqudoll thích bài này.
  6. nntc6761 ~~~Cập nhật link bài mới ở trên tường ạ~~

    Bài viết:
    2,167
    Liên hệ mở rộng Những đứa con trong gia đình

    Việt và Chiến trong "Những đứa con trong gia đình" có truyền thống yêu nước, căm thù giặc, thủy chung son sắt với quê hương cách mạng. Mở rộng hơn còn có thể hiểu đó là thế hệ trẻ miền Nam, những người con của "đại gia đình" miền Nam, của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt.

    Trong cùng bối cảnh lịch sử, "Những đứa con trong gia đình" và "Rừng Xà nu" không chỉ là câu chuyện viết về một gia đình, một bản làng mà là câu chuyện chung của Tổ quốc. Đây là hai tác phẩm văn xuôi thời kỳ chống Mỹ mang màu sắc sử thi để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho người đọc.

    Khuynh hướng sử thi trong sáng tác nghệ thuật thiên về việc phản ánh những sự kiện có ý nghĩa lịch sử và mang tính toàn dân. Nhân vật trung tâm trong những tác phẩm viết theo khuynh hướng sử thi thường là những con người đại diện cho giai cấp, cho dân tộc với những phẩm chất cao cả, kết tinh những gì cao đẹp nhất của cộng đồng. Và khi khẳng định, ngợi ca những anh hùng, những kì tích sáng chói, người cầm bút không nhân danh cá nhân mà nhân danh dân tộc, nhân danh cộng đồng.
     
    Ưu Đàm Thanh TiLieuDuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...