Các bước viết nghị luận văn học chuẩn thang điểm giúp bạn đạt điểm cao hơn

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Vi Va Vi Vu, 1 Tháng mười một 2021.

  1. Vi Va Vi Vu Cùng tui băng qua bao đại dương nèeee

    Bài viết:
    2
    Nghị luận văn học thường là phần trọng tâm nhất trong các đề thi Ngữ Văn khi các bạn thi chuyển cấp, thi học kỳ và thi tốt nghiệp, thường chiếm từ 50-70% số điểm tổng bài thi, vì vậy, chúng ta cần có sự chuẩn bị và đầu tư nhất định để có thể hoàn thành tốt bài làm của mình.

    Có nhiều bạn viết văn rất hay, câu từ trau chuốt, hoa mỹ nhưng lại không được điểm cao, nhưng lại có bạn viết câu văn ngắn gọn, xúc tích nhưng điểm luôn ổn định. Tại sao lại như thế? Bạn nên biết rằng, Ngữ Văn cũng là môn học có thang điểm chấm từng phần từng ý như các môn khoa học khác, chúng ta cần bám sát vào thang điểm để làm, chỉ cần đúng và đầy đủ ý, câu từ rõ ràng, mạch lạc, logic thì dù câu văn bạn không "bay bổng" cũng đủ để bạn có một con điểm an toàn.

    Sau nhiều lần thi và tìm hiểu thì đây là kinh nghiệm bản thân mình rút ra được. Nó có thể không phù hợp hoặc trái với suy nghĩ của một số bạn nên mình không nói chắc đây là cách làm áp dụng cho tất cả mọi người và tất cả trường hợp.

    *Các bước viết bài văn nghị luận văn học chuẩn thang điểm: *

    (Áp dụng cho học sinh thi chuyển cấp và học sinh cấp ba)

    Bước 1: Đọc kỹ đề và xác định hai yếu tố:

    + Tác phẩm cần phân tích (tuy đơn giản nhưng vẫn có nhiều bạn nhầm lẫn đấy nên mọi người hãy cẩn thận nhé).

    + Bổ đề hay phần mở rộng của đề (thường thì sẽ là các yếu tố như phân tích về mặt tình cảm, tâm tư nhân vật, các tư tưởng nhân đạo, yêu nước).

    Bước 2: Viết mở bài

    Phần mở bài giữ vị trí khá quan trọng, vì nó là phần bắt đầu của một bài văn, việc bạn có thể tạo ra sự hứng thú lôi kéo người đọc hay không là dựa vào nó không ít đâu.

    Phần mở bài nên tập trung vào giới thiệu tác phẩm và phần mở rộng đề, lưu ý nhất định phải có tên tác phẩmphần mở rộng của đề (nếu có) ở phần mở bài nhé. Bạn có thể sử dụng cách mở bài gián tiếp hoặc trực tiếp (khuyến khích sử sụng gián tiếp), không nên quá dài dòng và dẫn dắt lan man, không nên phí thời gian vào nó quá nhiều. Có vài bạn rơi vào tình trạng làm bài 90 phút thì hết 60 phút mở bài, đó là điều không nên làm đâu nhé.

    Mở bài đủ ý, giới thiệu được vấn đề nghị luận là bạn đã nắm trong tay 0, 5 điểm rồi nè.

    Bước 3: Viết thân bài

    Thân bài là phần trọng tâm nhất và là phần các bạn nên đầu tư thời gian và suy nghĩ nhiều nhất.

    + Trước hết, bạn cần viết một đoạn giới thiệu tác giả, tác phẩm, và giới thiệu sơ nội dung phần trước nếu là phân tích các đoạn thơ ở giữa hoặc ở cuối . Nhiều bạn thường để phần tác giả, tác phẩm lên trên phần mở bài nhưng nó là điều không nên, vì đoạn giới thiệu chiếm đến 0, 5 điểm, tuy không nhiều nhưng để mất thì tiếc lắm đúng không. Chúng ta nên đi sâu một ít về tác giả tác phẩm và phải được viết thành một đoạn mở đầu cho phần thân bài.

    + Tiếp đến là triển khai ý phân tích. Bạn cần xác định đúng luận điểm và đúng câu thơ cần làm cho phù hợp với yêu cầu đề, tránh trường hợp như đề bắt phân tích tư tưởng yêu nước nhưng lại viết câu thơ mang tư tưởng nhân đạo. Một điều quan trọng là phải có câu chủ đề, đây là thứ mà rất nhiều bạn không để ý đến khiến cho đoạn văn của chúng ta bị lan man và không logic. Vậy xác định câu chủ đề như thế nào? Các bạn cần nhìn vào phần bổ đề để xác định đúng yêu cầu bài làm. Ví dụ, đề bắt phân tích tư tưởng yêu nước trong tác phẩm X nào đó, thì câu chủ đề nên là "Tư tưởng yêu nước trong tác phẩm X được thể hiện đầu tiên ở.. (luận điểm số 1)", hoặc đề bắt phân tích tâm trạng nhân vật thì câu chủ đề nên là "Nhân vật Y là một người như thế nào đó, điều này được thể hiện qua.. (luận điểm)". Xác định và viết được câu chủ đề giúp đoạn phân tích của bạn trở nên mạch lạc và logic hơn, và giúp bạn tránh tình trạng viết lan man, lạc đề.

    Phần phân tích bài gồm nhiều đoạn, mỗi đoạn là một luận điểm (bạn nên phân ra mỗi đoạn một luận điểm để bài văn được mạch lạc, không nên làm nhiều luận điểm trong một đoạn tránh tình trạng câu từ lủng củng, không liên quan)

    Viết được đầy đủ các đoạn phân tích (nghĩa là xác định và triển khai đủ luận ý), bạn sẽ nắm được từ 1 đến 3 điểm. (Tuỳ biểu điểm)

    +Tiếp theo là phần điểm sáng tạo, giành cho những bạn thi chuyên hoặc có ý định lấy điểm cao. Phần sáng tạo chiếm từ 0, 5 đến 1 điểm . Ở phần này thì phụ thuộc vào tài năng của mỗi bạn. Thường thì khi viết đoạn nâng cao mình sẽ dùng 2 cách sau:

    Thứ nhất là liên hệ nhân vật trong tác phẩm đang phân tích với một nhân vật trong tác phẩm khác. (thường áp dụng cho bài phân tích tâm tư tình cảm nhân vật hoặc chủ nghĩa nhân đạo), so sánh xem giữa họ có nét giống và khác nhau như thế nào, từ đó làm bật lên phong cách nghệ thuật của tác giả và tình cảm của họ giành cho nhân vật trữ tình.

    Thứ hai là mượn bình luận, đánh giá, tán dương của những nhà văn, nhà thơ, nhà bình luận khác giành cho tác giả, tác phẩm . Qua đó, ta cần làm rõ 3 điều: Một là vị trí, vai trò của tác phẩm, hai là vị trí, vai trò của tác giả, ba là tầm ảnh hưởng của tác phẩm đối với người đọc hoặc nền văn học. Từ đó bật lên phong cách nghệ thuật của tác giả và tình cảm của họ giành cho nhân vật trữ tình.

    + Một đoạn viết phụ riêng về bổ đề (nếu có) để tổng quát lại giá trị mà nhà văn, nhà thơ gửi gắm đến người đọc.

    Ví dụ, đề bắt phân tích nhân vật Vũ Nương và qua đó nêu cảm nhận của em về giá trị nhân đạo trong tác phẩm, thì bổ đề ở đây chính là nêu cảm nhận của em về giá trị nhân đạo trong tác phẩm. Chúng ta cần viết một phần riêng để đánh giá tổng quát về giá trị nhân đạo (ví dụ như biểu hiện của giá trị nhân đạo tròn tác phẩm, ý nghĩa và tầm vóc của nó).

    Bước 4: Viết kết bài

    Tổng quát lại nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, các triết lý, bài học rút ra được, hoặc phản ánh được điều gì. Đánh giá chung của bạn về tác phẩm.

    Viết được như vậy bạn sẽ bỏ túi thêm 0, 5 điểm nữa.

    Tóm lại, nếu một bài văn chiếm 6 điểm thì sẽ có cách tính điểm như sau (có thể xô dịch) :

    Bố cục phân rõ mở bài, thân bài, kết bài thì mỗi phần được 0, 5 điểm.

    Đoạn giới thiệu tác giả, tác phẩm 0, 5 điểm.

    Thân bài đủ luận ý, logic, mạch lạc tối đa 3 điểm.

    Đoạn sáng tạo 1 điểm (nếu có bổ đề và viết đoạn phân tích bổ đề riêng thì sáng tạo còn 0, 5 điểm, phân tích bổ đề 0, 5 điểm).

    Rà soát chính tả, không nên để sai quá nhiều lỗi chính tả cũng sẽ bị trừ điểm.

    Hy vọng qua bài chia sẻ của mình sẽ giúp việc học văn của các bạn dễ dàng hơn, xin cảm ơn.
     
    linhwwiAdmin thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...