P1: Tổng Quan Có rất nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp ra trường, đi làm cả chục năm, loay hoay chuyển từ công ty này tới công ty khac, kinh nghiệm cũng có tích lũy và tiền lương cũng tăng dần, tuy nhiên rất chậm chạp và nếu nhìn về tổng thể sự nghiệp thì mãi vẫn chỉ là nhân viên. Từ đó dẫn tới chán nản và làm việc ngày càng trì trệ, dẫn tới kết quả công việc cũng không còn tăng cao, lại dẫn tới không được thăng tiến. Vòng tròn cứ thế luẩn quẩn mãi. Đôi khi họ tự hỏi vì sao lại có người cùng lứa thành công nhanh đến vậy, họ có gì hơn mình chứ? Họ không học giỏi hơn, không thông minh hơn, không chịu khó hơn, nhưng tại sao họ lại thăng tiến hơn? Đây là một câu hỏi rất khó, nhưng về mặt chung để thăng tiến trong công việc đi làm thuê thì có một số phương thức chung (có thể với một số không đúng, vì họ là thiên tài nên tôi không tính các trường hợp này). Tôi sẽ chia sẻ với mọi người thật cụ thể từng bước một từ khi bạn chuẩn bị tốt nghiệp đại học và vào làm một công ty thì bạn sẽ phải làm gì? Từng bước một cho đến khi bạn trở thành một quản lý cấp trung hoặc là một chuyên gia nếu bạn đi sâu vào chuyên môn. Còn cao hơn nữa bạn có thể làm CEO nhưng nói thật, CEO có một số đặc thù tính cách mà không phải ai cũng có, họ thuộc về số ít chứ không phải là đa số, vì vậy tôi xin bỏ qua phần này. Bạn đang là sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp? Hoặc mới đi làm và đang hoang mang không biết phải làm sao để có thể phát triển sự nghiệp, công việc của bạn. Trong một chuỗi các chủ đề này tôi sẽ giúp bạn tìm ra điều đó. Để bạn vững tin trên con đường đi tới mục tiêu của mình. Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân. Chúng ta chuẩn bị bước đầu tiên nào. P2: Làm Thuê Hay Khởi Nghiệp? Bắt đầu một cuộc hành trình dài, tôi xin được phép bắt đầu từ thời điểm chúng ta chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Đây là thời điểm chúng ta chuẩn bị cho tương lai cuộc sống tự thân sắp tới. Hồi hộp và lo lắng. Dù bạn học ngành nào đi chăng nữa thì thời điểm làm đồ án tốt nghiệp chuẩn bị ra trường cũng là thời điểm chúng ta tự hỏi và băn khoăn về tương lai sắp tới. Thời của tôi thì chủ yếu là không biết mình ra trường làm được cái gì? Một thằng học trường đại học kỹ thuật số 1 Việt Nam như mình còn chưa biết ra trường làm được cái gì? Ai thèm thuê mình đây? Và tại sao họ lại có thể trả tiền cho mình chứ? Vô vàn câu hỏi và lo lắng xuất hiện trong đầu. Nhưng tôi vẫn tự an ủi là bao năm nay vẫn thế, người khác ổn chắc tôi cũng ổn thôi. Thời nay có vẻ đã khác, đặc biệt là ngành IT thì các bạn được săn đón từ khi còn chưa ra trường, tha hồ chọn lựa. Các bạn trẻ thì năng động hơn, kinh tế phát triển kéo theo nhiều cơ hộ làm thêm cho các bạn từ sớm, nên khi chuẩn bị ra trường tôi nghĩ hầu hết các bạn đã có chút vốn liếng, kiến thức vì đã làm việc, thực tập ở một chỗ nào đó. Ngày nay tôi thấy lớp trẻ trước khi chuẩn bị ra trường thì hay có 2 xu hướng chính: Một là xem có nên đi làm thuê không? Hay là tự kinh doanh riêng. Đặc biệt là các bạn đã đọc cuốn sách: Cha giàu cha nghèo của Robert T. Kiyosaki thì chắc có nhiều bạn muốn tự kinh doanh, chưa nói tới gần đây chính phủ, nhà nước, truyền thông đều đang tung hô giới trẻ khởi nghiệp. Nếu bạn định khởi nghiệp hay khởi nghiệp kinh doanh thì tôi sẽ chia sẻ với bạn ở một bài viết khác. Trong series các bài viết này tôi xin chia sẻ với các bạn lựa chọn việc đi làm thuê. Mà dù các bạn định kinh doanh hay khởi nghiệp thì thực lòng tôi khuyên các bạn nên đi làm thuê ở công ty lớn tầm 2-3 năm theo những gì tôi chia sẻ sắp tới đây để có chút kinh nghiệm cho khởi nghiệp. Nhưng tuyệt đối đừng quá 5 năm vì khi đó bạn rất dễ bị có thành kiến về phong cách làm việc hay một số lối tư duy chỉ phù hợp với doanh nghiệp lớn, ngược lại các thành kiến, kinh nghiệm đó có thể lại trở thành bước cản khi bạn khởi nghiệp, một nơi cần hoàn toàn sáng tạo và linh hoạt. Vậy bạn đã chọn trước mắt ra trường ít nhất là 3-5 năm sẽ đi làm thuê. Chúc mừng bạn đến với một môi trường cũng rất thú vị và sáng tạo. Nhưng chúng ta nên làm thuê ở đâu? Công ty nào? Lớn hay nhỏ? Có nên làm đúng với chuyên môn mình đã học ở đại học không? Câu hỏi này không phải là vô lý bởi vì tôi biết ở xã hội Việt Nam chúng ta hầu như rất ít người có định hướng công việc từ nhỏ, ngay cả khi thi vào đại học thì chúng ta cũng hầu như theo trào lưu, theo sở thích như trường đó là số một, hay là do bố mẹ định hướng. Đến khi vào học một thời gian thì chả thấy thích thú gì ngành này. Vì thế khi sắp ra trường đi làm, việc tự hỏi mình có nên làm theo ngành mình đã học không cũng là một phản ứng tự nhiên. Nếu bạn có câu hỏi này, tôi khuyên bạn nên cân nhắc kỹ một chút. Nếu bạn vẫn tiếp tục làm, nếu vẫn thấy không phù hợp trong năm đầu tiên thì bạn nên chuyển sang làm một công việc nào đó mà bạn thích. Theo kinh nghiệm của tôi thì chính trong một năm đó là thời gian bạn có thể đi học các khóa cơ bản về ngành mình thích, hoặc thậm chí là chỉ cần đọc sách để hiểu biết căn bản. Đã qua rồi thời kỳ nhà nước của khôn người khó. Chỉ cần bạn thích và chịu khó học một số kiến thức căn bản, rất nhiều công ty sẵn sàng tuyển dụng bạn. Dĩ nhiên lương khởi điểm không được cao. Nhưng có sao đâu, nếu bạn thực sự thích và chuyên tâm, tôi đảm bảo sau 1 năm lương của bạn sẽ vượt các bạn khác đúng chuyên ngành cùng lứa với bạn sau đó. Chỉ cần bạn làm đúng những gì tôi chia sẻ tiếp theo. Vậy tôi coi như là bạn đã xác định được ngành mà mình sẽ làm. Bước tiếp theo chúng ta sẽ xem làm thế nào để chọn được công ty phù hợp với mình ở phần tiếp theo. Tìm kiếm Công ty phù hợp. Vậy là bạn xác định sẽ đi làm thuê sau khi ra trường. Tiếp theo chúng ta sẽ đi đến một bước vô cùng quan trọng đó là tìm kiếm xem công ty nào sẽ phù hợp với bạn. Về cách tìm kiếm công việc hiệu quả nhất bạn có thể tham khảo cuốn cẩm nang: Dù của bạn màu gì. Đây là một cuốn cẩm nang với vô vàn cách thức để bạn có thể kiếm được công việc một cách tốt nhất. Tuy nhiên nếu bạn không có nhiều thời gian tôi có thể đưa ra một số phương pháp để bạn áp dụng. Đầu tiên bạn cần xác định khi bạn bắt đầu đi làm, tìm kiếm công ty thì với bạn điều gì là quan trọng? Lương: với bạn lương có phải là điều quan trọng nhất? Hãy suy nghĩ cho kỹ càng, chúng ta mới ra trường, dù bạn có học xuất sắc bao nhiêu ở trường học, hay trường của bạn có nằm trong top số 1 của Việt Nam đi chăng nữa thì bạn hãy nhớ rằng môi trường làm việc của công ty khác hoàn toàn với môi trường học tập. Điều khác biệt nhiều nhất là ở trường học đề cao nhiều hơn vào phương pháp tư duy, lập luận logic. Trong khi ngoài doanh nghiệp thì kết quả vẫn là điều được ưu tiên hàng đầu. Vì thế với kiến thức học được ở trường, bạn không nên quá kỳ vọng với một mức lương quá cao. Tôi nghĩ bạn chỉ nên đặt một mức lương đủ trang trải cuộc sống sau khi mới ra trường là đủ. Điều này sẽ giúp bạn mở rộng được số lượng các công ty mà bạn có thể xin vào làm. Bạn có thể lên vietnamwork để tìm kiếm vị trí tuyển dụng mà bạn nhắm tới để tham khảo mức lương họ đăng tuyển. Chú ý đến mức lương tối thiểu của họ. Ví dụ họ đăng tuyển $300 – $500 thì tôi nghĩ bạn nên đặt mức $350 là phù hợp. Bạn nên nhớ lương của bạn sẽ không mãi như thế, nó sẽ tăng lên theo giá trị của bạn trong quá trình làm việc và tôi đang viết những dòng này cũng là muốn giúp bạn sẽ tăng nhanh giá trị của mình, vì thế đừng quá coi trọng lương khởi điểm ở thời điểm mới ra trường xin việc. Môi trường: ở đây tôi muốn nói tới môi trường làm việc chung của công ty, nhất là mối quan hệ với các đồng nghiệp. Mỗi chúng ta đều có nhu cầu giao lưu, nhu cầu được quan tâm và yêu mến. Vì thế tôi nghĩ đây là một điều bạn nên dành cho nó một mức độ ưu tiên nhất định. Hãy hình dung ngoài 8h ngủ thì có tới hơn một nửa thời gian (thường là 10h) bạn dành thời gian của mình ở công ty, vì thế chất lượng cuộc sống của bạn phụ thuốc khá nhiều vào môi trường, văn hóa của công ty bạn làm việc. Chất lượng cuộc sống không chỉ phụ thuộc vào số lượng tài sản bạn có, mà là bạn sống từng phút một cách "chất lượng". Còn gì vui hơn với một môi trường vui vẻ, các đồng nghiệp nhiệt tình và giúp đỡ lẫn nhau. Hiện nay hầu hết các công ty đều có fanpage trên facebook, hãy vào đó để xem công ty ty đó có các hoạt động thế nào? Nhân viên công ty đó số đông ở độ tuổi bao nhiêu? Từ đó bạn có thể có một cái nhìn về toàn cảnh môi trường công ty. Ngoài ra bạn có thể dùng facebook để làm quen kết bạn với một số anh chị đang làm ở đó. Hãy dành chút thời gian trò truyện với họ để tìm hiểu kỹ hơn về công ty đó. Phát triển bản thân: bạn mới ra trường, việc tích lũy kiến thức và kinh nghiệm để phát triển bản thân tôi nghĩ là điều quan trọng nhất đối với bạn. Vì thế hãy tìm một công ty mà bạn có điều kiện để học hỏi và phát triển. Đã học thì phải học ở môi trường tốt nhất, chuyên nghiệp nhất và nhiều cơ hội nhất. Điều này không khác gì khi bạn đi học đại học, có ai không muốn học ở một trường đại học nổi tiếng và nhiều bạn bè giỏi dang chứ. Vậy bạn nên chú ý đến các công ty nào? Theo tôi bạn nên chú ý và ưu tiên các công ty có tuổi đời tối thiểu từ 3 năm trở lên và đặc biệt là đang tăng trưởng rất nhanh. Vì sao lại tối thiểu từ 3 năm trở lên? Các công ty nhỏ mới khởi nghiệp thì điều họ tập trung nhất là phát triển sản phẩm để phù hợp với thị trường, họ không có nhiều nguồn lực nên việc đào tạo nhân viên, xây dựng quy trình, các công cụ hỗ trợ, phòng ban chưa phải là ưu tiên của họ. Tất nhiên họ có ưu điểm là sự linh hoạt, công việc theo chiều ngang, tức là bạn có thể làm rất nhiều công việc khác nhau để trải nghiệm. Tuy nhiên chính các công ty này còn đang phải học hỏi để phát triển nên bạn vào đó thì hầu hết bạn sẽ phải tự học cùng họ là chính. Tất nhiên nếu công ty thành công thì bạn có nhiều cơ hội để thăng tiến, nhưng với kinh nghiệm của tôi thì bạn chỉ cần bỏ ra 2/3 sức lực như vậy ở các công ty lớn, bạn đã có thể gặt hái được nhiều thứ quý giá hơn. Hãy nhớ bạn mới ra trường, cái bạn cần nhất là học hỏi. Mà học hỏi thì phải có thầy, có nhiều người tài năng để noi theo. Tiếp theo tại sao lại phải là các công ty đang tăng trưởng nhanh? Các công ty đang tăng trưởng nhanh nói lên một điều công ty đang đi đúng hướng, có nhiều nhân viên tài năng. Và quan trọng hơn đó là họ đang phải thay đổi và chuyển mình để thích ứng với sự tăng trưởng đó. Việc này sẽ tạo ra một môi trường để bạn có thể học hỏi và phát huy, cũng như nhiều cơ hội để thăng tiến sau này. Nhất là nếu sau này bạn định khởi nghiệp thì việc học hỏi kiến thức xử lý trong một công ty đang tăng trưởng sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Hãy nhớ, tăng trưởng luôn luôn đi kèm các cơ hội, và thường các công ty chỉ có thể tăng trưởng nhanh trong vòng 3-5 năm ở một giai đoạn liên tục. Sau đó nó cần phải tích lũy để có thể bước vào chu kỳ tăng trưởng tiếp theo. Cống hiến: Điều này thoạt nghe có vẻ hơi xa lạ với các bạn mới ra trường, và thường không được các bạn quan tâm. Tuy nhiên bản chất con người luôn muốn làm những công việc gì có ý nghĩa. Không có gì thiếu động lực bằng việc không hiểu các công việc mình phải làm có ý nghĩa gì. Có thể bạn đang nghĩ là tôi chỉ quan tâm tới 3 điều bên trên, còn lại tôi chỉ cần làm đúng công việc của cấp trên giao xuống. Tuy nhiên có một điều bạn không rõ, đó là khi chúng ta không thấy hoặc không hiểu công việc mình đang làm có ý nghĩa gì thì dần dần chúng ta sẽ không còn động lực để làm việc. Công việc làm chỉ vì cấp trên giao xuống sẽ tạo ra sự căng thẳng cho bạn, dần dần sẽ tích tụ lại dẫn đến sự chán nản. Và kết quả là bạn muốn nghỉ việc để sang một công ty mới. Nhưng nếu chính bạn không thay đổi, thì môi trường nào cũng như nhau cả. Để hiểu được công ty đó mang lại ý nghĩa gì cho cuộc sống, hãy dành thời gian vào trang web của họ, hãy xem tầm nhìn (vision) sứ mệnh (mission) và giá trị cốt lõi (core value) của công ty là gì. Nếu các công ty không có các điều này, có lẽ bạn nên cân nhắc và tìm hiểu kỹ hơn trước khi lựa chọn gửi hồ sơ phỏng vấn. Như tôi vừa chia sẻ 4 yếu tố chính để bạn lựa chọn một công ty cho phù hợp, vì sao tôi lại đưa ra 4 yếu tố này? Vì cơ bản một con người có 4 nhu cầu chính trong cuộc sống, đó là: Vật chât, tình yêu (xã hội), học tập phát triền và tinh thần phục vụ (cống hiến). Một con người để có một cuộc sống chất lượng thì phải đạt được cả 4 yếu tố trên. Vì vậy, một công ty lý tưởng nên là công ty giúp bạn phát triển toàn bộ các mặt này. Nói thế nào thì công ty cũng là nơi bạn dùng quá một nửa thời gian thức của bạn trong một ngày. Chúc bạn tìm được một công ty phù hợp với nhu cầu của mình. Trong phần trước chúng ta đã biết cách và tìm ra công ty mà chúng ta mong muốn làm việc tại đó. Bước tiếp theo chúng ta cần chuẩn bị một số thông tin để liên lạc với công ty. Chuẩn bị CV cá nhân Ngày nay với việc phát triển của internet, không khó khăn gì để có thể có một bản mẫu CV đẹp mắt. Các bạn có thể lên google và tìm kiếm với keywork CV cá nhân. Sẽ có hàng ngàn các mẫu để bạn lựa chọn. Việc bạn chọn mẫu CV nào tôi nghĩ không quá quan trọng, cái chính là khi bạn điền thông tin thì chú ý một số điều sau Các thông tin các nhân đầy đủ, đặc biệt là email, số điện thoại để liên lạc cá nhân. Đặc biệt là email, có thể trước đó chúng ta là sinh viên có thể đặt các tên tùy chúng ta muốn, tuy nhiên khi đi làm thì tên email cần tránh các từ nhạy cảm như hận đời, thất tình.. Tốt nhất là email liên quan tới họ tên, ngày tháng năm sinh để dễ nhớ và phân biệt. Vì là sinh viên nên có thể phần kinh nghiệm làm việc chưa nhiều, vì thế thay vì viết về kinh nghiệm công việc các bạn đã làm, hãy viết về các kỹ năng các bạn có. Ví dụ như teamwork, giao tiếp, thuyết trình, quản lý nhóm, lãnh đạo nhóm. Các kỹ năng này các bạn hoàn toàn có trong quá trình học tập. Ví dụ như nếu có nhóm bài tập lớn các bạn đã làm ở trường học thì hoàn toàn có thể có các kỹ năng như trên. Kiến thức, kinh nghiệm về chuyên môn không nên viết quá dài và chi tiết, chỉ cần viết về những dự án, công việc mà bạn đã tham gia (có thể là cá nhân hoặc nhóm). Theo kinh nghiệm của tôi phần này chủ yếu là để cho nhà tuyển dụng thấy bạn năng động như thế nào trong quá trình còn là sinh viên. Bản thân các nhà tuyển dụng đều có sẵn tâm lý đào tạo các bạn sau khi vào công ty nên không quá chú trọng đến chi tiết, tất nhiên nếu bạn là thiên tài và làm được các điều gì đó nổi bật, hãy ghi thật chi tiết. Trong CV nên ghĩ rõ mức lương mong muốn, những điều mình muốn đạt được khi đi làm. Chú ý là những điều mình thực sự muốn khi phân tích ở phần trước. Cần tránh các mẫu viết chung chung đầy rẫy ở trên mạng. Sau khi chuẩn bị xong CV, bước tiếp theo là cách làm sao để liên hệ với công ty. Tôi sẽ giới thiệu với bạn các bước theo thứ tự ưu tiên Nhờ người giới thiệu: Cách uy tín nhất để được một công ty nhanh chóng nhận vào làm đó là có một ai đó giới thiệu. Nếu bạn có quen ai đó có liên quan tới công ty bạn muốn ứng tuyển. Hãy nhờ họ giới thiệu với bộ phận nhân sự. Nếu bạn không quen ai cả, cũng không sao, hãy lên facebook, tìm kiếm một người nào đó hay tương tác trên trang của công ty và làm quen với họ, họ sẽ sẵn sàng chia sẻ với bạn các kinh nghiệm và giới thiệu bạn vào công ty. Lên các trang web tuyển dụng và tìm kiếm các bài đăng tuyển của công ty ở trang web đó rồi gửi CV theo mục đăng tuyển. Hầu hết các công ty đều đang sử dụng rất nhiều kênh để đăng tuyển, nhất là các công ty đang tăng trưởng thì bạn có thể thấy họ ở khắp nơi Vào trang web của công ty và gửi CV. Về cách làm này thì bạn cần phải chuẩn bị nội dung liên lạc ấn tượng một chút. Bạn có thể lên google search key word các bài viết mẫu. Tuy nhiên tôi khuyên bạn là chỉ nên tham khảo, hãy bỏ công sức ra viêt bằng tay theo đúng tinh thần của cá nhân mình. Các nhà tuyển dụng một năm học đọc vài ngàn lượt email, không khó gì để họ nhận ra được đâu là một nội dung đi copy ở trên mạng. Ngoài 3 cách trên thì còn rất nhiều cách khác, tuy nhiên với sự phát triển của internet hiện nay tôi nghĩ 3 cách trên là phổ biến nhất hiện tại. Nếu 3 cách trên bạn thử áp dụng nhưng không được thì bạn có thể tham khảo cuốn sách: Dù của bạn màu gì. Cuốn sách sẽ cho bạn vô vàn cách tiếp cận hiệu quả. Cuối cùng, sau khi đã liên lạc với công ty, bạn sẽ nhận được liên lạc hẹn ngày đến phỏng vấn. Vậy thì chúng ta phải chuẩn bị gì? Và làm sao để phỏng vấn tốt. Tôi sẽ chia sẻ với bạn ở bài sau.