Truyện Ngắn Cả Một Đời Thương Nhớ - Gừng

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi gung1279, 23 Tháng tư 2023.

  1. gung1279

    Bài viết:
    7
    Cả một đời thương nhớ

    Tác giả: Gừng

    Thể loại: Truyện ngắn

    "Nhân dịp 30/04 sắp đến, mình xin được dùng câu chuyện này để tri ân những thế hệ đi trước - những người đã dùng cả thân mình, tuổi trẻ, ước mơ để hy sinh bảo vệ Tổ quốc."

    [​IMG]

    Cô Tư mệt mỏi dắt chiếc xe đạp Thống Nhất đầy vết han gỉ dựa vào bức tường bên hông nhà rồi đi thẳng về căn chòi lợp bằng lá cọ ở góc vườn. Mặc cho chân tay lấm lem toàn bùn đất đỏ, cô ngồi thụp xuống tấm phản hai tay ôm lấy đôi chân, cằm tựa xuống đầu gối lặng thinh nhìn mưa rơi rả rích. Cơn mưa bất chợt kéo đến như xua tan đi cái nóng oi bức của mùa hè nhưng lại không thể làm dịu đi sự khắc khoải trong lòng của người phụ nữ ấy. Trong không gian bao la của núi đồi, từng cơn gió hất tung mái tóc suôn dài đã gần như bạc trắng, từng giọt mưa còn đọng lại trên tóc thi nhau lăn dài trên khóe mắt nhàu nhĩ của người phụ nữ đã ngoại thất tuần tạo nên một bức tranh rất đỗi thê lương.

    Chú Hán ngồi trong nhà nhìn cô Tư bất động trong căn chòi cả tiếng đồng hồ trong lòng lại dâng lên nỗi xót xa vô hạn. Mỗi lần như vậy chú chẳng biết làm gì ngoài im lặng để cô được sống trong thế giới của mình. Khẽ thở dài, chú cầm chiếc khăn cùng một ly trà gừng ấm tiến về phía căn chòi. Tháo chiếc khăn mùi soa cũ khỏi mái tóc của cô Tư, chú Hán nhẹ nhàng dùng tay gỡ những lọn tóc rối rồi lấy khăn lau đi từng giọt nước mưa còn đọng lại. Chú khẽ cất lời:

    - Tư uống trà đi kẻo cảm lạnh đấy.

    - Ừ Tư biết rồi, mà Tư tưởng là hôm nay Hán về dưới nhà cũ?

    - Hán định về mà nghe nói có Liên ở đó nên lại thôi không về nữa.

    - Liên về thăm quê hả? Chuyện lâu rồi mà! Ừ thôi gặp cũng khó xử, không gặp thì hơn.

    - Ừ, không gặp lại thì tốt hơn.

    Cả cô Tư và chú Hán như chìm vào thinh lặng khi nhắc về chuyện cũ. Chợt chú Hán nhổ một cọng tóc của cô Tư rồi pha trò để phá tan đi cái bầu không khí ấy.

    - Hay là giờ Hán nhổ tóc bạc cho Tư nhá, chỗ tóc bạc này mà đem đi đổi thì được khối cà lem ăn luôn đấy nhở!

    Cô Tư chợt nở nụ cười quay lại dùng tay đập chú Hán một cái bốp vào lưng.

    - Ông làm như tóc tôi là lông vịt mà đem đi đổi cà lem, mà nhớ đến cà lem là tôi lại nhớ đến vụ ông ăn trộm dép của tôi mang đi đổi cà lem đấy nhá.

    Nói rồi hai cô chú nhìn nhau cười thật tươi, ánh mắt u sầu lại trở nên trong trẻo như những ngày còn nhỏ. Những ngày tươi đẹp của tuổi thơ, hạnh phúc của thanh xuân, những ngày bình yên chưa đi qua những tang thương, mất mát của chiến tranh.

    - Ông bê đê với bà ế chồng kìa. Hôm trước tao thấy bà Tư đạp xe ra cổng làng là biết phải hôm nay mới mang trái cây đi chợ bán rồi. Người bị giời hành nên khổ thật đấy!

    Chị Tám lại xì xầm với mấy bà bán buôn ở chợ. Đây là danh xưng quen thuộc mà người trong làng dùng để gọi cô Tư và chú Hán mỗi khi cô chú mang trái cây xuống chợ bán. Cả cái làng này ai cũng gọi như vậy sau lưng họ nhưng cũng đã từ lâu không còn ai nhắc đến câu chuyện mà họ đã từng trải qua. Cũng bởi đó là câu chuyện mà người ngoài như họ cũng cảm thấy thật xót xa.

    - Mấy nay sao không thấy cô chú xuống chợ thế? Cả làng này ai cũng chờ trái cây vườn nhà cô chú, công nhận trồng trên đất đồi nên thơm ngon hơn hẳn. Ba bốn hôm rồi không được ăn lại thấy thèm như bà bầu thèm khế chua đấy cô Tư ạ!

    Chị Tám đon đả cười nói khi chú Hán và cô Tư đi vào trong chợ. Cô Tư cởi chiếc nón lá, dùng ống tay áo lau đi những vết mồ hôi trên mặt rồi cười hiền.

    - Mấy nay trời mưa, đường đi xuống làng hơi khó khăn nên hôm nay mới xuống được. Mấy đứa thích ăn là cô vui rồi. Hôm nay hơi nhiều, cô để rẻ cho.

    - Vầng! Bọn cháu cám ơn cô mà cô Tư bán rẻ thôi chứ nhiều tiền quá cô Tư cũng có biết làm gì đâu. Đâu phải nuôi chồng con như bọn cháu, với lại cô Tư đẹp thế này mà có con thì chắc là đẹp trai, xinh gái lắm nhỉ..

    Chị Tám vừa dứt câu thấy không khí trở nên im lặng thì biết mình đã lỡ lời. Chú Hán đứng đối diện bặm môi, trừng mắt nhìn chị Tám nhưng cũng phải bất lực với người phụ nữ ruột để ngoài da, ăn nói không suy nghĩ này. Liếc nhìn thấy ánh mắt đượm buồn đầy bối rối của cô Tư, chị Tám liền nhanh nhảu ôm quả mít to nhất rồi nhét tiền vào túi của cô Tư mà chạy thẳng. Lúc này bà con trong chợ cũng xúm lại xe trái cây của cô chú, chưa đầy ba mươi phút sau đã bán hết hàng. Lúc đám đông tan rã, cô và chú nhanh chóng quay xe về nhà cũng là cái nơi mà người trong làng này đều sợ mỗi khi nhắc tới.

    Nhà của cô Tư và chú Hán nằm trên một quả đồi cách làng Thủy Lệ không xa, đường lên cũng không khó khăn lắm nhưng nơi đây là nơi mà ngày xưa quân cách mạng xử bắn tầng lớp phong kiến phản động sau ngày giải phóng. Người ta thêu dệt những tin đồn ma quái vô cùng đáng sợ nên không ai dám lui tới. Duy chỉ có cô Tư là người đầu tiên lên đây sinh sống, một thời gian sau chú Hán cũng lên đây sau khi đổ vỡ hôn nhân.

    Từ lúc ở chợ cho đến khi lên đến con đê cuối làng, chú Hán và cô Tư đều im lặng không ai nói với nhau một câu nào chỉ cùng nhau tận hưởng cơn gió thơm mùi lúa mới của buổi sớm mai. Chú Hán vừa đẩy xe thi thoảng lại liếc nhìn xem thái độ của cô Tư thì cô Tư khẽ cất lời:

    - Hán nhìn Tư nãy giờ muốn mòn luôn mấy nếp nhăn trên mặt rồi đó.

    - Mai mốt để mình Hán đi bán là được rồi, Tư không phải đi cùng đâu – chú Hán đáp.

    - Trời ơi có sao đâu mà, con Tám nó không cố ý đâu. Mà Tư quen rồi, có gì đâu mà phải suy nghĩ nữa. Một mình Hán đi mà đẩy xe không nổi khóc giữa đường tôi không chịu trách nhiệm đâu.

    Nói rồi cô Tư nhìn chú Hán cười một cách đầy châm chọc. Nhìn ánh mắt lém lỉnh cùng nụ cười tươi rói, chú Hán lại mơ hồ nhớ lại những ngày xưa cũ.

    Ngày ấy nhà cô Tư ở ngay bên cạnh nhà chú Hán. Cô và chú cùng lớn lên, cùng trải qua những năm tháng tuổi thơ đầy ắp tiếng cười. Thời ấy, cô Tư là một cô bé vô cùng ngoan ngoãn. Cô không chỉ xinh xắn mà còn học rất giỏi. Ngược lại, chú Hán lại là một cậu bé vô cùng nghịch ngợm và không có năng khiếu học hành. Vì những trò phá làng phá xóm mà chú thường xuyên bị bố đánh đòn và bắt nhịn cơm, nhốt trong buồng. Những lúc ấy cô Tư thường tiếp tế đồ ăn cho chú qua cửa sổ. Mỗi khi bị bố phạt đi kéo xe lúa một mình, nặng quá không kéo được khóc nhè tại chỗ đều bị cô Tư nhìn thấy hết. Mọi ngóc ngách tuổi thơ của chú đều có hình bóng cô Tư bên cạnh. Và sau này có thêm chú Xuân chuyển từ nơi xa về đã trở thành bộ ba vô cùng thân thiết.

    Từng tia nắng xuyên qua tán cây in bóng hai người đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy trên con đường đất như muốn khắc sâu câu chuyện cuộc đời lên cuốn sổ thời gian. Từng mảng ký ức như những thước phim đầy màu sắc chợt hiện về trong tâm trí của những kẻ đã cố tình chôn vùi đi vì sự đợi chờ dài đằng đẵng. Hai con người ấy chợt sống lại trong hình hài của những đứa trẻ với những câu chuyện đã từ lâu họ không còn nhắc tới. Nhưng cả hai đều biết được giới hạn, giới hạn để sống lại chỉ trong một khoảng thời gian, ở nơi mà chưa từng có đau thương.

    Lại một năm nữa trôi qua trên ngọn đồi ma ở phía đông làng Thủy Lệ, cô Tư lại mặc chiếc áo mút xơ lin hoa đã sờn bạc ngồi ngắm mình trong gương. Cô đưa tay vuốt gọn mái tóc óng ả đã ngả màu thời gian rồi cột gọn lại bằng chiếc khăn mùi soa cũ. Đã bao năm rồi trông cô vẫn vậy, vẫn trong hình dáng của một cô gái tuổi mười sáu chỉ khác là trên gương mặt, cơ thể đã in hằn đầy những nếp nhăn. Nhưng cô không hề quan tâm đến điều đó, cô nhanh chóng lấy chiếc nón lá rồi dắt chiếc xe đạp cũ kỹ chuẩn bị đi đến cổng làng. Lúc này chú Hán đang tưới rau ngoài vườn nhìn thấy thì chỉ biết lắc đầu, nhìn theo bóng cô mà khóe mắt chú lại cay cay. Chú biết rằng cho dù sau bao nhiêu năm đi nữa thì cô cũng không bao giờ quên lời hẹn ước.

    Ngày hôm ấy cô về muộn hơn so với những lần trước đó. Chú Hán dù đã chuẩn bị tinh thần như mọi lần nhưng chú lại cảm giác có chuyện gì đó không lành khi nhìn thấy cô khóc. Đã rất lâu rồi chú không thấy cô khóc và khóc nhiều đến như vậy. Từ lúc về nhà cho đến tận sáng hôm sau cô chỉ nằm im một chỗ, chỉ khóc và không ăn, không uống. Cho dù cho chú có van xin hay thậm chí là nổi điên lên thì cô cũng không nói một lời. Đây là lần thứ hai chú không kiểm soát được mình khi nhìn thấy cô Tư như vậy. Chú biết cô luôn sống trong chấp niệm với lời hẹn ước năm xưa, chú biết cô đang tự lừa dối chính mình để quên đi hiện thực nhưng vì tình cảm chú dành cho cô bao nhiêu năm qua nên đành chấp nhận ở bên cạnh như một người tri kỉ. Vậy mà giờ đây cô lại muốn đày đọa bản thân mình.

    Chú Hán rất lo cho cô Tư, muốn biết chuyện gì đã xảy ra nhưng bất lực vì cô không nói một lời với chú. Chú tức tốc đạp xe xuống làng để tìm hiểu nguyên nhân. Chú đạp xe gần đến chợ thì thấy chị Tám chạy ra vẫy chú ra một góc ở cổng chợ. Chị Tám vẻ mặt lo lắng hỏi chú:

    - Chú ơi cô Tư sao rồi? Qua giờ cô Tư có bị làm sao không?

    - Mày hỏi thế là sao? Mày biết gì hả? Hôm qua không biết Tư gặp chuyện gì mà qua giờ chỉ nằm một chỗ không ăn uống gì cả.

    Nghe chú Hán nói xong chị Tám mếu máo:

    - Chú ơi lỗi của con, tại con nhiều chuyện nên..

    - Chuyện gì? Mày nói tao nghe xem? Sao lại tại mày? Mày lại nhắc chuyện ấy hả?

    - Dạ không, con cho chú coi cái này.

    Nói rồi chị Tám lấy điện thoại ra vào trang mạng xã hội rồi cho chú Hán xem một bức hình. Khi nhìn thật kỹ tấm hình chú Hán từ ngỡ ngàng rồi chuyển qua tức giận.

    - Mẹ nó! Còn sống à? Còn có con nữa cơ à! Sao không chết quách luôn đi!

    Chú Hán nghiến răng, mặt chú trở nên đỏ gắt, tay chú nắm chặt nhìn tấm hình với đôi mắt ngùn ngụt tức giận. Lúc này đôi chân chú bỗng quỳ sụp xuống, toàn thân chú run lên rồi lả đi vì bị kích động. Chị Tám phải hô hào người trong chợ đưa chú vào trạm xá. Lúc chú tỉnh lại thấy cô y tá đang truyền nước cho chú. Cô y tá nhìn chú lắc đầu:

    - Hôm qua có cô Tư phải vào đây rồi hôm nay lại đến lượt chú nữa. Cô ấy cũng ngất xỉu vì kích động phải vào đây. Người lớn tuổi như cô chú là phải hạn chế bị kích động không thì dễ nhồi máu cơ tim lắm. Mà cũng tội cái cô ấy lắm chú ạ! Hôm qua có đoàn bác sĩ chuyên gia tới hướng dẫn sử dụng thiết bị mới được Nhà nước tài trợ nên kiểm tra cho cô ấy luôn, ai ngờ còn phát hiện cô ấy bị suy thận giai đoạn cuối nữa. Cháu mới về đây cũng nghe nói hoàn cảnh cô ấy đáng thương lắm!

    - Cô nói cái gì? Ai bị suy thận? Cô Tư nào? Cô có nhầm gì không?

    - Thì cái cô Tư sống trên ngọn đồi ma với cái chú gì bê đê ấy, cháu nghe chị Tám nói vậy nên biết vậy á chú.

    Chú Hán nghe lời cô y tá như không tin nổi vào tai mình. Chú bỗng nhớ ra dạo gần đây cô Tư ăn ít đi và người thì gầy sọp hẳn. Nước mắt chú bỗng chảy thành dòng một cách vô thức. Ngay lúc này chú chỉ muốn đi thật nhanh về nhà để gặp cô Tư nhưng vì quá mệt nên chú lại rơi vào cơn mê man. Trong cơn mê ấy chú thấy giọng cô Tư lanh lảnh bên tai.

    - Hán ơi dậy đi học! Dậy mau lên không là ăn cây vô đít bây giờ!

    Cậu bé Hán lớp 7 khi đang chìm trong giấc ngủ nghe giọng của cô bạn hàng xóm liền bật dậy rửa mặt thay quần áo rồi lao ra ngoài thật nhanh. Mẹ của Hán trong nhà gọi với ra:

    - Con với chả cái kêu cả buổi không dậy mà bạn gái kêu cái là dậy liền. Hôm nay không lục cơm nguội à mà đi học nhanh thế! Biết thế tao nhờ con Tư kêu dậy từ đầu cho đỡ mệt.

    - Tại u không nói từ ăn cây vô đít giống Tư con không sợ nên con không dậy á. Trưa nay học xong con đi mót khoai với Tư nên chiều con mới về nhá!

    - Kệ mày, mày đi với con Tư là tao yên tâm rồi, mà nhớ mang khoai về không có là nói dối đi chơi ăn đòn nha con!

    - Vầng..

    Nói rồi Hán cầm tay Tư kéo đi vừa huýt gió vừa nhảy chân sáo một cách vô cùng vui vẻ. Nhìn cô bé xinh xắn với đôi mắt to tròn đen láy bên cạnh thì Hán chợt nghĩ đến chuyện lấy vợ sau này. Nhất định người đó phải là Tư chứ không phải ai khác. Những tưởng chỉ là suy nghĩ nhất thời của một đứa trẻ con nhưng dường như ý định đó vẫn chưa bao giờ thay đổi cho đến khi Xuân xuất hiện.

    Hôm ấy khi đến trường lớp của Hán và Tư có thầy giáo mới cùng với một bạn học mới chuyển đến. Bạn học mới tên Xuân nghe nói là đến từ Thủ đô. Xuân là một cậu bé cao ráo, trắng trẻo nhưng lại trông hơi yếu đuối đối nghịch hẳn với vẻ ngoài đen nhẻm hơi cục mịch của Hán. Khi Xuân chào cả lớp xong thì Hán nhìn Xuân rồi cất giọng châm chọc:

    - Tên con gái mà người cũng như con gái, chắc là chỉ thích chơi mấy trò con gái nhỉ?

    Dứt lời cả lớp nhìn Xuân cười ngặt nghẽo. Còn Xuân với chất giọng trầm ấm của mình cất lời:

    - Các bạn chơi được cái gì thì mình chơi được cái đó.

    Cả lớp lại được dịp ồ lên vì sao mà cậu bé da trắng như trứng gà bóc, nhìn ẻo lả thế kia mà lại có chất giọng cứng rắn, trầm ấm đến thế. Xong màn giới thiệu thì Xuân được thầy giáo phân về ngồi cạnh chỗ của Tư. Nhìn cậu bé trước mặt Tư bỗng có chút ngại ngùng. Cả buổi cô bé khi thì phát biểu thật hăng say, lúc lại ngại ngùng e thẹn khác hẳn vẻ lý lắc thường ngày. Nhìn thấy cảnh này thì Hán tức lắm, cậu bắt đầu cảm thấy vị trí chồng tương lai của Tư bị lung lay một cách nghiêm trọng nên quyết tâm gây chuyện với Xuân. Khi hết giờ học, Hán lại gần Xuân lớn tiếng:

    - Ê ông bạn, đi chơi chung không?

    - Đi đâu? Xuân đáp.

    - Đi mót khoai dưới đồng Ngâu. Ở đây người mót được nhiều khoai mới là người có bản lĩnh. Mà chắc là trai phố chả biết làm gì đâu nhở!

    - Đi luôn sợ gì chứ!

    Nói rồi ba đứa trẻ háo hức cầm túi cói đã chuẩn bị sẵn đi bộ xuống khu ruộng trồng khoai đã thu hoạch.

    Đồng Ngâu là khu ruộng cạn mà người dân ở đây tròng khoai quanh năm. Từng luống khoai đã được đào xới để lấy củ mang về hợp tác xã chỉ còn lại những những đoạn rễ và thân rải rác trên mặt đất. Lúc này không có chỉ có nhóm Hán, Tư và Xuân mà cũng có rất nhiều những đứa trẻ khác tới mong tìm kiếm được chút khoai còn sót lại. Tư cầm một que củi đưa cho Xuân rồi hướng dẫn cách xới đất tìm khoai. Xuân không chỉ thông minh mà còn rất nhanh nhẹn, chẳng mấy chốc đã kiếm được những củ khoai nhỏ và những lát khoai bị bể cho vào túi của Tư. Có lúc cậu còn tìm được những củ khoai to còn sót lại dưới lớp đất sâu làm cho Tư vô cùng thích thú. Tư vỗ tay reo lên:

    - Xuân giỏi quá, học cũng giỏi mà mót khoai cũng giỏi.

    Xuân nhìn Tư nở một nụ cười thật tươi rồi đáp:

    - Cái gì không biết thì học là được mà Tư, nhờ Tư chỉ cho Xuân đấy!

    Lúc này Hán đứng bên cạnh thấy cảnh này thì tức lắm, Hán tưởng Xuân không biết làm gì mà ai ngờ lại giỏi đến vậy nên không lo mót khoai mà tìm cách phá Xuân. Hán đứng sau lưng Xuân giả vờ bới đất nhưng lại tìm cách tung bùn nhão làm bẩn hết cái áo trắng của Xuân rồi quay lại giả bộ cười xòa xin lỗi. Lúc thì vô tình đạp trúng chân, lúc lại vô tình hất đất vào mặt. Tuy biết Hán cố tình nhưng Xuân không giận, chỉ thấy cậu bạn này thật thú vị.

    Trời cũng xế chiều mà trong túi của Hán chỉ có vài củ khoai bé tí, nhìn sang túi của Tư thì đã thấy gần đầy rồi. Lúc này Hán mới cuống lên vì lời thách thức Xuân lúc ban trưa. Hán đảo mắt xung quanh thì thấy có một củ khoai lớn nằm ở cách cậu không xa. Hán vội lao tới thì lúc này thằng Tấn đen xóm trên cũng lao tới. Cả hai giành giật nhau củ khoai như một cuộc chiến không khoan nhượng làm cho cả đám vây quanh cổ vũ như đang xem đấu vật. Thằng Tấn đen với vóc dáng cao to một tay ghì chặt củ khoai, một tay gì chặt vai đẩy Hán ra nhưng không được vì Hán cũng lì lợm không kém. Khi thằng Tấn định vung tay cho Hán một quả đấm vào bụng thì Xuân nhào tới bẻ cổ tay thằng Tấn ra sau. Thằng Tấn gào lên định dùng tay kia đánh Xuân thì đã bị Xuân áp xuống mặt đất. Cả đám vỗ tay đen đét chúc mừng cho chiến thắng của Xuân.

    Cuộc chiến kết thúc, củ khoai thuộc về Xuân. Cả ba xách túi mang chiến lợi phẩm về nhà. Trên đường về Hán lấm lét nhìn Xuân thầm nghĩ "người ở đâu vừa đẹp trai, vừa học giỏi lại còn biết võ nữa. Chưa đánh mà đã thua đau rồi". Lúc này Xuân nhìn Hán nói:

    - Hôm nay số khoai mình mót được chia cho Hán một nửa, Tư một nửa nhá.

    - Ơ thế Xuân không lấy à? Tư hỏi.

    - Không Xuân không lấy đâu, bố Xuân mà biết Xuân đi mót khoai là ăn đòn liền. Bố Xuân là thầy giáo mới của lớp mình đó.

    - Trời trời, thầy Bình là bố Xuân hả, lúc nào thầy có chấm điểm thì bảo thầy nương tay cho Hán với. Mấy điểm cũng được miễn là đừng cho điểm không, không nữa là tôi ăn lươn vô đít.

    Nghe thấy lời Hán Xuân bật cười thành tiếng.

    - Mình cũng sợ bố lắm không dám nói đâu mà nếu như Hán không muốn bị ăn lươn thì để Xuân chỉ cho mà học.

    - Xin sư phụ chỉ dạy!

    Hán chắp tay lại như phim kiếm hiệp làm cho cả bọn cười nắc nẻ. Từ đó bộ ba Hán, Tư, Xuân cứ như hình với bóng dù vui chơi hay học tập cũng đều có nhau. Hán từ vị trí đội sổ nay cũng đứng được vào tốp mười của lớp. Hán từ việc lo nghĩ không học qua nổi cấp 2 thì nay đã đủ sức học trường cấp ba trên huyện.

    Thời gian cứ thấm thoát trôi qua, đã đến lúc ba đứa trẻ đã trở thành những cô cậu thanh niên chuẩn bị vào trường huyện để học. Xuân thì vẫn là cậu trai mang nét hiền lành, thư sinh nhưng lại có thêm sự rắn rỏi nhờ những trò chơi, trò nghịch dại của Hán. Hán thì càng ngày càng cao lớn và bớt đi vẻ cục mịch nhờ học hỏi hình tượng của Xuân. Còn Tư từ cô bé hồn nhiên với đôi mắt trong veo đã trở thành một cô thiếu nữ xinh đẹp. Cả ba vẫn gắn bó với nhau, cùng nhau đi một chiếc xe đạp mỗi ngày hơn mười cây số để đến trường. Cả xóm không ai còn lạ gì cái hình ảnh Xuân chở Hán ngồi trên ghi đông, Tư ngồi ở gác ba ga trên chiếc xe đạp Mercier của bố Xuân. Tình bạn ấy tưởng chừng như sẽ tồn tại mãi mãi cho đến khi những cô bé, cậu bé ấy đã mang trong mình thứ rung cảm mà người ta thường gọi là "yêu".

    Cả Hán và Xuân đều rung động với Tư dành cho cô một tình cảm rất lớn. Tuổi thơ của họ đi cùng với nhau, trải qua những vui buồn trong cuộc sống. Ngày mà Hán chuẩn bị tỏ tình với Tư thì cũng chính là lúc Tư và Xuân công khai với bạn bè, cha mẹ rằng họ đã yêu nhau và sẽ làm đám cưới. Ai cũng chúc mừng cho đôi trai tài gái sắc duy chỉ có Hán là lặng lẽ lùi lại phía sau. Hán không bất ngờ khi biết Tư và Xuân yêu nhau nhưng lại thấy cay đắng cho chính mình vì là người tới trước vậy mà vẫn để vuột mất người thương. Tình yêu trong Hán quá lớn nhưng cũng chính tình bạn này đã kéo Hán lại để không làm chuyện ngu ngốc chia rẽ hai người. Đang học dở lớp 10, Hán xin bố cho nghỉ học lên mạn trên làm đá hoa cương. Hán nói mình không thích học nữa và dạo gần đây làm đá hoa cương có tiền nên muốn tranh thủ làm giàu. Cha mẹ của Hán đồng ý ngay vì với những người nông dân như họ thì học cũng chỉ để kiếm tiền nên kiếm được nhiều tiền thì cũng không cần phải học. Hán đi ngay trong đêm chỉ để lại một bức thư nói lời từ biệt với hai người bạn thân thiết. Hán phải đi để quên đi thực tại và để trốn tránh sự thất bại đầu đời này.

    Năm ấy khi đã tròn 16 tuổi, Tư háo hức chờ đợi ngày về chung một nhà với người bạn lâu năm. Nhìn bộ quần lanh, áo hoa mút xơ lin và chiếc khăn mùi soa có thêu hình đôi chim bồ câu mà trong lòng Tư ngập tràn hạnh phúc. Cô ngồi trước gương ngắm nghía bản thân mình trong bộ quần áo mới, cài voan đội đầu lên tóc rồi tưởng tượng đến giây phút hai người thành vợ chồng trước mặt họ hàng, người thân. Cô đang mơ màng suy nghĩ về những tháng ngày sắp tới thì bỗng một tiếng nổ vang trời khiến cho cô bừng tỉnh. Cả xóm nhao nhác chạy ra sân nhưng không một ai hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Rồi bỗng tiếng trực thăng dồn dập, tiếng súng dội lên liên tục thì mọi người mới ý thức được rằng chiến tranh đã quay trở lại. Toàn bộ người dân trong làng được đưa đến các hầm trú ẩn. Tư nhìn dáo dác xung quanh mà không thấy cha con Xuân thì cảm thấy vô cùng lo sợ. Lúc này cô chỉ ước rằng gia đình chú Xuân đang ở một căn hầm khác chứ không có chuyện gì xảy ra.

    Năm ấy, đế quốc Mỹ để nối gót thực dân Pháp xâm lược Việt Nam đã dựng lên "sự kiện Vịnh Bắc Bộ" lấy cớ tấn công miền Bắc để ngăn chặn nguồn chi viện cho miền Nam. Mỹ huy động không quân ném bom hàng loạt các mục tiêu trọng điểm và gây chiến trên vùng biển của phía Bắc. Lúc này, theo tiếng gọi của Tổ quốc, toàn bộ thanh thiếu niên cùng những người dân yêu nước đều chuẩn bị sẵn sàng đánh giặc. Thầy Bình vốn là một nhà hoạt động cách mạng từ thời chống thực dân Pháp nên đã nhanh chóng quay về tổng bộ để tham gia chiến đấu. Cuộc chiến chống lại chiến tranh phá hoại miền Bắc đã hoàn toàn thắng lợi nhưng thầy và một số đồng đội lại bị đế quốc Mỹ và tay sai bắt vừa đưa vào nhà tù ở khu vực phía Nam. Lúc này chú Xuân cũng xin gia nhập đoàn quân Nam tiến, tham gia vào giai đoạn chiến đấu thống nhất hai miền Nam Bắc. Trước khi đi chú hẹn cô Tư "cách mạng thành công chú sẽ trở về".

    Mùa xuân năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh hoàn toàn thắng lợi. Khi lá cờ giải phóng được cắm trên nóc dinh Độc Lập cũng là lúc báo hiệu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Đế quốc Mỹ đã hoàn toàn thất bại. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 trên mọi nẻo đường của đất nước Việt Nam đều có cờ hoa bay rực rỡ. Hàng loạt loa phóng thanh và đài cát sét đều đưa tin thắng trận. Bài hát "Tiến quân ca" vang lên báo hiệu cho ngày độc lập mà hàng triệu người dân Việt Nam đã mong chờ suốt bao nhiêu năm. Cô Tư lúc này trong lòng ngập tràn vui sướng. Sau khi hết giờ dạy trên lớp cô lao nhanh lên ủy ban xã để hỏi thông tin của các chiến sỹ Nam tiến. Cô vui mừng khi biết được rằng ba hôm nữa sẽ có những đoàn xe tải quân dụng đưa các anh trở lại quê hương.

    Ba hôm sau cô Tư ngồi ngắm mình trong gương khi mặc bộ quần áo của ngày đám cưới. Cô vừa tết tóc vừa ngân nga khúc ca "thương anh chín đợi mười chờ" một cách đầy phấn khởi. Cũng hơn mười năm rồi cô chưa gặp lại chú Xuân nên có chút hồi hộp, lo lắng. Nâng niu chiếc khăn mùi soa đã hơi ngả vàng trong tay, ngày hôm nay cô nhất định sẽ tặng cho chú món quà mà cô đã cất công thêu tặng cho chú trong ngày trọng đại. Cô bước đi trên đường làng mà lòng rộn ràng khó tả. Nghe tiếng xe tải từ phía xa, đôi chân cô vô thức chạy thật nhanh về phía cổng làng.

    Người dân trong xã đang xếp một hàng dài dọc đường để đợi chờ phút giây sum họp. Từng đóa hoa thược dược được vẫy lên trong giây phút các anh khải hoàn. Các chiến sỹ trở về có người lành lặn, có người đã mất đi đôi chân, mất đi cánh tay, cũng có người mang khuôn mặt biến dạng.. nhưng họ đều hạnh phúc trong sự chào đón của gia đình. Từng giọt nước mắt lăn dài, từng lời nói nghẹn ngào vì những cơ thể rắn rỏi, khỏe mạnh nay mang đầy khiếm khuyết. Chiến tranh đã đi qua, họ ôm nhau mừng mừng tủi tủi vì vì biết rằng còn thể gặp lại nhau.

    Cô Tư đứng chờ mãi nhưng không thấy bóng dáng chú Xuân đâu thì lao vào đám đông tìm kiếm. Cô sợ rằng có thể chú không còn đôi chân nên không thể đi tìm được cô. Cô lần qua hết lớp người này đến lớp người kia nhưng tuyệt nhiên không thấy chú. Trưa nắng lên dòng người bắt đầu thưa dần rồi chỉ còn mình cô Tư trơ trọi giữa cổng làng. Thấy chiếc xe tải quân dụng cuối cùng chuẩn bị rời đi cô vội chạy theo hỏi chiến sỹ lái xe:

    - Đồng chí ơi! Còn chuyến xe nào đưa các anh chiến sỹ về nữa không?

    - Còn đấy chị! Ngày mai, ngày kia với ngày kia nữa còn ba chuyến nữa đấy. Có một vài đồng chí còn phải giải quyết công vụ nên muộn nhất là ngày kia nữa là về hết. Chồng chị chưa về à?

    - Dạ vâng, chồng tôi chưa về, tôi cám ơn đồng chí nhé!

    Ngày thứ hai, ngày thứ ba cô Tư vẫn mặc chiếc áo hoa mút xơ lin đi đón chú Xuân nhưng lại trở về một cách lặng lẽ. Thấy vậy, ông An bố cô Tư gằn giọng hỏi:

    - Nó vẫn chưa về à? Đã bảo là mày đừng chờ nữa, năm nay cũng gần ba mươi tuổi rồi đợi với chả chờ, biết nó về không mà chờ.

    - Thầy đừng nói vậy, dù sao năm ấy bọn con cũng sắp lấy nhau. Với lại anh ấy đi bảo vệ Tổ quốc chứ đâu phải là bỏ con đâu mà thầy nói vậy.

    - Ừ tao nói vậy đó, tao thương mày nên tao nói vậy, mày là đứa con duy nhất của tao, mày không thấy u mày mất rồi mà không có cháu để bồng bế hả. Tao đúng là vô phúc mà!

    - Còn ngày mai nữa, ngày mai chắc chắn anh ấy sẽ về, thầy yên tâm đi.

    Nói rồi cô Tư đi thẳng vào buồng để ông An không thấy được những giọt nước mắt đang lăn dài trên khóe mắt của cô. Dù trong lòng vẫn tràn đầy hy vọng nhưng lại có chút gì đó bồn chồn lo lắng. Hít một hơi thật sâu, cô lại mang chiếc áo đi giặt để ngày mai đi đón chú Xuân. Tối hôm ấy cô không thể nào ngủ được, hàng loạt câu hỏi trong đầu cứ hiện lên làm cô thao thức mãi. Mới tờ mờ sáng cô đã vội vàng đi ra cổng làng vì không thể chờ thêm giây phút nào được nữa. Nhưng số phận dường như muốn trêu ngươi người phụ nữ ấy, chiếc xe cuối cùng cũng rời đi mà không thấy người đàn ông mà cô chờ đợi suốt bao nhiêu năm. Cô thẩn thờ ngồi dựa vào gốc đa đầu làng mà nhìn vào khoảng không vô định. Tại sao chú lại không về? Tại sao cô không nghe được bất kỳ tin tức nào về chú? Chú còn sống hay đã mất? Nếu đã mất phải có giấy báo tử, nếu còn sống thì tại sao lại không về? Khi cô đang còn loay hoay với vô vàn câu hỏi thì bỗng cô giật mình khi nghe tiếng gọi:

    - Tư ơi!

    Nghe giọng của người đàn ông cô Tư vô thức nở nụ cười quay lại phía sau nhưng rồi nụ cười ấy chợt tắt khi thấy người đàn ông xa lạ. Cô nheo mắt nhìn người đàn ông vừa có nét lạ mà lại cũng rất quen.

    - Hán đây! Tư không nhận ra Hán sao?

    Nhìn người đàn ông cao lớn, rắn rỏi trong bộ quân phục cô Tư cô Tư không thể ngờ được đây lại là người bạn thân thiết thuở ấu thơ. Tiến đến gần chú Hán, cô Tư vung tay đập mạnh vào vai chú rồi trách móc:

    - Vẫn còn nhớ tôi à, tôi tưởng ông bỏ đi luôn rồi chứ! Mà sao Hán lại mặc quân phục? Hán cũng mới từ miền Nam về à?

    - Ừ, Hán nhập ngũ vào Nam chiến đấu đợt tổng động viên năm 68.

    - Vậy Hán có gặp Xuân không?

    - Không, mà Xuân chưa về hả? Hôm nay là đợt cuối rồi.

    - Ừ, chưa..

    Những ngày sau khi đoàn xe quân dụng cuối cùng đưa chiến sỹ về lại quê hương, người dân làng Thủy Lệ đã quen với hình bóng của cô giáo Tư chờ người yêu hai lần mỗi ngày ở cổng làng những ngày sau đó. Sáng sớm khi chưa bắt đầu tiết dạy và buổi chiều sau giờ tan lớp. Không biết bao lâu nhưng hết vụ đông xuân rồi mà người ta vẫn thấy cô mặc chiếc áo mút xơ lin hoa ngồi dưới gốc đa đợi chờ khắc khoải. Người lắc đầu, kẻ châm chọc, người ta nói vui với nhau rằng cô Tư lúc này chẳng khác gì hòn đá vọng phu. Mặc cho những lời bàn tán, cô vẫn ngồi đấy cho đến khi ông An giả vờ mắc bệnh nặng.

    Mấy tháng trời chăm sóc cho bố, cô Tư không còn đi ra cổng làng chờ đợi nữa nhưng cô vẫn chưa bao giờ nguôi đi niềm hy vọng. Cô lên huyện tìm kiếm thông tin về chú Xuân nhưng vì chú là chỉ huy cấp cao, lại là người có hộ khẩu ở tỉnh khác nên họ không thể cung cấp được. Cô chỉ biết được rằng chú còn sống nhưng hiện tại chú ở đâu thì không ai biết. Cô tự dặn lòng mình rằng chắc chắn chú có lý do, chú còn bận công việc nên chưa thể quay trở lại. Bằng niềm tin mãnh liệt của mình, cô cũng đã đợi chú được hơn ba năm.

    Lúc này ông An nhìn cảnh đứa con gái quá lứa lỡ thì không chịu lập gia đình mà ông muốn phát điên. Ông tìm người mai mối cho cô biết bao nhiêu anh chàng có gia cảnh tốt nhưng cô luôn từ chối. Ở cái thời ấy, bằng tuổi cô mà không lấy chồng thì luôn phải chịu những lời dèm pha, chế nhạo. Những người không biết chuyện thì đồn cô Tư mắc bệnh khó nói, người biết chuyện thì bảo cô ngu dại, cố chấp. Quá bất lực với con gái, ông tái hôn với một người phụ nữ khác để tìm con trai nối dõi.

    Từ ngày về làng chú Hán cũng không lập gia đình. Chú muốn đến bên cạnh cô Tư nhưng chú biết rằng dù chú có mở lời thì cô Tư cũng không đồng ý. Chú biết cô vẫn đợi chờ ngày chú Xuân trở về vì cô không bao giờ quên đi lời hẹn ước. Thứ mà chú có thể làm được cho cô lúc này là cùng cô chờ đợi, ở bên cạnh động viên, giúp đỡ cho cô những công việc hàng ngày. Thấy chú Hán cũng ngoài ba mươi rồi mà không chịu lấy vợ, ông Tính bố của chú cũng bắt đầu sốt ruột. Ông biết chú thích cô Tư nhưng mà cô Tư bây giờ đã lớn tuổi, không tốt cho việc sinh nở vậy nên ông cũng ra sức mai mối cho đứa con trai của mình những cô gái trẻ đẹp. Cũng như cô Tư, chú Hán luôn khước từ mọi cô gái nhưng tới khi ông Tính dọa thắt cổ tự tử thì chú phải nhắm mắt đồng ý lấy cô Liên xóm dưới theo ý của ông.

    Chú Hán đã cưới vợ được ba năm nhưng cô Tư vẫn chìm trong chờ đợi. Ngày 30 tháng 4 năm nào cô cũng đứng chết trân như tượng ở cổng làng. Chiếc áo mút xơ lin hoa cũng dần bạc màu, chiếc khăn mùi soa cũng lốm đốm nâu. Đôi mắt trong veo ngày nào cũng bắt đầu xuất hiện vết chân chim. Khuôn mặt xinh đẹp cũng dần mất đi nét vui tươi, chỉ cần nhìn thoáng qua người ta cũng thấy được sự âu sầu, khổ não.

    Lúc này vợ ông An cũng đã sinh cho ông một đứa con trai nối dõi. Ở cái tuổi ngũ tuần khi một lần nữa được làm cha mà lại là cha của một đứa con trai làm cho ông vui sướng đến mụ mị. Trong một lần nghe lời dỗ dành, khích bác từ vợ mà ông đã đuổi cô Tư ra khỏi nhà. Đối với ông giờ này cô Tư không khác nào trò cười của thiên hạ, ông không chấp nhận việc cô trở thành nỗi nhục của gia đình.

    Sau cái ngày bị đuổi khỏi nhà, cô Tư lên xã để hỏi mua đất ở. Nhưng số tiền dành dụm của cô lại không đủ để mua được một mảnh đất xây nhà. Lúc này anh cán bộ xã gợi ý cho cô việc lên đồi khai khẩn đất hoang, nếu cô lên đó thì không phải mất một đồng tiền nào cả. Lúc ban dầu cô cũng hơi e ngại nhưng sau khi tự mình lên đây, hít thở không khí trong lành thì cô lại cảm thấy nơi đây không đáng sợ đến thế. Nhờ chú Hán dựng tạm một căn chòi nhỏ giữa đồi, cô đặt nhát cuốc đầu tiên để bắt đầu cuộc sống cô độc giữa chốn không người.

    Từ ngày chuyển lên đồi, cô Tư nghỉ dạy học và hầu như chỉ xuống làng mỗi khi cần mua những thứ cần thiết. Ở nơi đây cô như trút bớt đi gánh nặng bao nhiêu năm sống trong sự chế giễu, cảm thương của người khác. Không phải là cô không để ý đến những lời của họ, không phải là cô mạnh mẽ mà là cô đã cố gắng gượng suốt bao nhiêu năm qua. Giờ đây khi chỉ có cô với núi đồi, cây cỏ cô sẽ không phải kìm nén bản thân mình nữa. Cô vùi mình vào công việc để tạm quên đi mình đang chờ đợi điều gì. Cứ vài tuần chú Hán lại lên thăm cô một lần. Khi thì mang đồ ăn, cây giống, khi thì giúp cô phát cây bụi. Mỗi lần ghé lên cô không cho chú ở lâu vì dù sao chú cũng đã là người có gia đình. Rồi bỗng một ngày cô thấy chú kéo một xe toàn đồ đạc cá nhân của mình lên thì sững sờ vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

    "Chú Hán bị vợ bỏ. Vợ chú bỏ chú vì chú bị bê đê". Đó là những lời mà người dân làng Thủy Lệ truyền tai nhau khi gia đình chú Hán ly tán. Người ta bảo hôm nọ ông Tính và chú Hán đi kéo lưới cá trên sông về sớm hơn mọi ngày nên bắt gặp cô Liên đưa trai về nhà ngủ. Cô Liên phân trần là do chú Hán cưới cô về mấy năm mà không đụng tới cô vì chú không thích phụ nữ. Lúc này ông Tính trói cô Liên và gã nhân tình lại để cho dân làng phân xử thì bất ngờ chú Hán tự nhận hết mọi lỗi lầm về mình. Vì xấu hổ với cả làng nên ông Tính thả cô Liên đi và đuổi chú Hán ra khỏi nhà. Từ đấy chú Hán được dân làng gọi với cái tên là ông bê đê cũng giống như cái cách họ gọi cô Tư là bà ế chồng.

    Chú Hán lên ở cùng cô Tư được năm năm thì cũng là lúc quả đồi ma biến thành một khu vườn với đủ loại cây ăn quả. Căn chòi lụp xụp cũng đã được chú Hán xây dựng thành căn nhà gỗ hai gian. Hai người bạn đồng niên cùng là chỗ dựa tinh thần cho nhau, lấy cỏ cây làm niềm vui trải qua những ngày tháng thật yên bình. Hơn mười năm đã trôi qua kể từ ngày giải phóng, những tưởng cô Tư đã chấp nhận việc chú Xuân sẽ không quay trở lại nhưng cứ đến ngày 30 tháng 4 hàng năm là cô Tư lại mặc chiếc áo mút xơ lin hoa bạc màu đi về phía cổng làng Thủy Lệ. Đã bao lần chứng kiến cảnh cô thất thần, hụt hẫng mỗi lúc quay về thì lần này chú Hán không chịu đựng được nữa. Chú tiến đến bên cạnh cô bằng vẻ mặt dữ tợn hét lớn:

    - Tư đừng đi nữa, nó không về đâu! Nó muốn về thì đã về lâu rồi mà có về cũng phải đi tìm Tư chứ không để Tư phải tìm nó như vậy đâu. Mười một năm chiến tranh, mười một năm hòa bình, Tư còn muốn đợi đến bao giờ nữa!

    Nói rồi chú Hán rút chiếc khăn mùi soa trên tóc cô Tư ra xé toạc vứt xuống đất rồi ngồi thụp xuống mà nắm tay lại đấm xuống nền xi măng cho đến khi tóe máu. Cô Tư nhìn thấy thái độ của chú thì trong thì có chút sợ hãi vì chưa bao giờ chú Hán lại trở nên hung dữ đến thế. Cô biết chú thương cô mới làm như vậy nên vội ngồi xuống nắm lấy bàn tay chú khẽ vỗ về:

    - Được rồi, hôm nay Tư không đi nữa!

    Chú Hán khẽ ngước nhìn cô Tư bằng ánh mắt ngây dại như một đứa trẻ. Chú nằm xuống sàn gối đầu lên đùi cô Tư rồi khóc mếu.

    - Tư có biết tại sao Hán lại chấp nhận bị người ta gọi là ông bê đê không? Là có thể lên đây ở bên cạnh Tư đấy. Hán cũng thương Tư mà có bao giờ Tư hiểu cho Hán đâu. Vì thương Tư mà Hán chưa từng gần gũi vợ hay bất kỳ một cô gái nào khác. Hán cũng thấy có lỗi với Liên nên nhận hết mọi lỗi lầm để cô ấy yên ổn rời đi. Hán không cần Tư đáp lại, chỉ cần Tư vui vẻ, chỉ cần Tư không còn phải đau khổ nữa thôi.

    Cô Tư dùng bàn tay nhẹ nhàng đặt tay lên đầu chú Hán vỗ về như dỗ dành cậu bé khóc nhè năm nào.

    - Ừ Tư biết rồi! Hán đừng khóc nữa! Tư xin lỗi! Hán là người bạn tốt nhất của Tư. Để Tư hát cho Hán nghe như ngày tụi mình còn đi học nhé!

    Đã lâu lắm rồi chú Hán mới nghe cô Tư hát lại. Từng câu, từng chữ ngọt ngào da diết đưa chú Hán vào giấc ngủ say.

    Chú Hán tỉnh dậy không thấy cô Tư đâu thì vô cùng lo lắng. Chú chạy khắp nơi tìm cô thì thở phào nhẹ nhõm khi nhìn thấy cô đang ngồi ở phiến đá sau vườn. Khi định cất tiếng gọi cô thì chú bỗng khựng lại vì thấy cô đang khóc. Cô ôm chiếc khăn mùi soa chú đã xé rách mà khóc nấc lên từng tiếng. Nhìn thấy cô đau lòng đến như vậy chú lại thấy hối hận với hành động của mình. Chú tự hứa với mình rằng sẽ không bao giờ chú ngăn cản cô bất cứ điều gì nữa. Năm tháng cứ trôi đi, chú vẫn ở bên cạnh cô và cô vẫn đợi chờ mối tình đầu quay trở lại. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, người ta vẫn già đi nhưng những con người ấy lại mắc kẹt lại bởi hai chữ đợi chờ. Chờ không có nghĩa là người ta sẽ thay đổi, chờ không có nghĩa là người ta sẽ quay lại nhưng chờ đợi đôi khi lại là lý do để tiếp tục sống.

    Có lẽ cuộc sống vẫn tiếp diễn trong sự đợi chờ cho đến cái ngày định mệnh ấy. Cô Tư đã nhìn thấy bức hình của người đàn ông mình chờ đợi suốt 57 năm. Một người đàn ông khỏe mạnh mang quân hàm đại tá đang mỉm cười hạnh phúc bên đứa con trai cùng ngành. Giây phút cô Tư nhìn thấy bức hình cũng là lúc mọi thứ trong cô sụp đổ. Cô đã làm gì với cuộc đời của mình thế này? Cô đã dùng cả một đời để đợi chờ một kẻ không xứng đáng. Trong khi cô phải sống trong sự chê bai, đàm tiếu của người đời vì hai chữ thủy chung thì chú lại ở một nơi khác hạnh phúc với gia đình mới của mình. Sự uất nghẹn đến cùng cực khiến cô cảm thấy thương hại chính bản thân mình. Và rồi giờ đây cô lại còn là một người bệnh sắp chết, cô còn thiết tha gì với cuộc sống này nữa chứ.

    Tỉnh lại sau cơn mê man, chú Hán mới nhận ra rằng mình đã ở trạm xá một ngày đêm. Mở mắt ra thì thấy chị Tám đang trước mặt mếu máo khóc, thấy chú tỉnh lại chị vỡ òa:

    - Chú ơi cô Tư mất rồi!

    Chú Hán như không tin vào tai mình, vội vàng tháo kim tiêm vùng dậy chạy ra ngoài thật nhanh. Cho dù tay chân còn yếu vì cơn kích động hôm qua nhưng chú vẫn lấy hết sức bình sinh chạy thẳng về nhà. Chú chạy nhanh đến mức chị Tám đạp xe theo sau cũng không thể đuổi kịp được chú. Về đến căn nhà gỗ trên đồi, chú bàng hoàng khi nhìn thấy một vài người dân làng Thủy Lệ đang khẩn trương lo hậu sự cho cô Tư. Nhìn linh cữu của cô được đặt ở giữa nhà mà tim chú đau thắt lại, môi chú mấp máy gọi cô nhưng không thể phát ra thành lời. Chú tiến đến gần linh cữu của cô, nhờ sự trợ giúp của bà con để chú được nhìn thấy cô lần cuối. Nhìn gương mặt của người bạn thân lúc ra đi còn chất chứa bao sầu não mà lòng chú lại dâng lên nỗi uất nghẹn, chua xót. Chú hận bản thân mình không thể ở bên cô trong những giây phút cuối cùng. Chú hận người bạn, người chồng chưa cưới của cô vì công danh mà khiến cô phải đợi chờ cả một cuộc đời đằng đẵng. Chú hận cuộc sống này tại sao lại quá bất công với người phụ nữ mà chú yêu thương. Chú ngồi thụp xuống dựa đầu vào khối hộp lạnh lẽo đang bao trùm lên thân thể của cô mặc cho nước mắt cứ lăn dài.

    Lúc này trong đám đông người đến viếng, một người đàn ông ngoài 70 tuổi với thân hình cao ráo mặc bộ quân phục xuất hiện khiến cho mọi người chú ý. Nhận ra người bạn lâu năm, chú Hán ngồi bật dậy rồi lao ra cho người đàn ông một cú đấm vào mặt đau điếng.

    - Thằng khốn nạn! Mày còn dám vác mặt về đây à! Mày bắt người ta đợi chờ cả đời rồi ở chỗ khác làm ông này ông nọ, cưới vợ sinh con. Mày sống làm gì sao không chết quách luôn đi! Thà mày chết rồi thì Tư không phải khổ sở đến mức này.

    Nghe những lời của chú Hán thì chú Xuân tròn mắt bất ngờ vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chưa kịp để chú Xuân trả lời thì chú Hán định nhào tới đánh tiếp nhưng đã được bà con can ngăn. Lúc này mặc cho những lời chửi bới của chú Hán thì chú Xuân chỉnh trang lại quần áo thắp nén nhang cho người đã khuất. Chú Xuân nhìn chú Hán ôn tồn nói:

    - Chắc là có hiểu lầm gì rồi. Mình không biết chuyện gì đã xảy ra nhưng chúng ta cùng lo hậu sự cho Tư xong rồi tính tiếp.

    Mặc dù rất tức giận nhưng chú Hán cũng cố gắng kìm chế để lo cho cô Tư một cách trọn vẹn nhất. Trong ba ngày tang sự, ngọn đồi ma mà trước đây chưa có ai từng dám lui tới nay đã ghi dấu thêm nhiều bước chân trên con đường mòn bởi những người dân làng Thủy Lệ đến viếng cô Tư. Ở cái nơi mà con người ta thích mua vui bằng những câu chuyện đời tư của người khác nhưng lúc khó khăn hay hoạn nạn cũng đầy nghĩa tình. Họ đến đưa tiễn người phụ nữ ấy cũng phần nào làm nguôi ngoai đi nỗi buồn của những người ở lại.

    Tang sự của cô kết thúc, chú Hán hẹn chú Xuân ra phía sau đồi nói chuyện. Trong khi chú Xuân chưa kịp mở lời thì chú hán đã nhào tới định cho chú Xuân một đấm vào bụng thì chú Xuân đã né được. Hai người đàn ông lao vào đánh nhau mà không một ai nói với nhau một lời nào. Tuy không còn sức trẻ nhưng vì cả hai từng là lính tinh nhuệ trong cuộc kháng chiến nên đều ra đòn khiến đối phương phải xây xẩm. Lúc chú Hán nhào tới tung cú đá thì trượt chân nên loạng choạng sắp ngã. Lúc này chú Hán túm lấy áo của chú Xuân để giữ thăng bằng thì bỗng chiếc áo rách toạc để lộ ra những vùng da đang hoại tử trông vô cùng kinh sợ. Mặt chú Hán bấy giờ bỗng dịu lại, chú nhìn chú Xuân rồi lắp bắp:

    - Sao, sao.. bị sao thế Xuân?

    Chú Xuân đỡ chú Hán ngôi dậy rồi cả hai cùng trò chuyện một cách nghiêm túc. Mọi chuyện được làm sáng tỏ khiến cả hai ngỡ ngàng đến mức chỉ biết ôm nhau bật khóc.

    Ngày ấy chú Xuân không thể trở về vì phải từ Gia Định ra Côn Đảo để đón bố của chú bị nhốt trong nhà tù chính trị. Vì sự tra tấn dã man của giặc Mỹ mà thầy Bình đã bị thương tật rất nặng. Chú phải đưa bố mình về Gia Định để tiến hành chữa trị. Sau khi thống nhất, vì là chỉ huy cấp cao nên chú phải ở lại dọn dẹp những tàn dư của chế độ cũ. Khi đến thời gian quay về lại bị bắn trọng thương khi tiến hành truy quét tay sai của đế quốc Mỹ. Chú nằm hôn mê ba năm trong bệnh viện vì trúng đạn vào đầu và phải mất năm năm để tập vật lý trị liệu cho những phát đạn bắn vào vùng xương cốt. Tệ hơn nữa chú được thông báo rằng mình đã nhiễm chất độc dioxin. Lúc đó không còn cách nào khác là chú phải tiếp nhận điều trị thêm ba năm nữa để ức chế tác hại của chất dộc.

    Ngày chú quay trở về thấy cô Tư và chú Hán đang vô cùng hạnh phúc nên chú đã quyết định biến mất khỏi cuộc đời cô Tư. Chú rất mừng vì cuối cùng cô cũng đã bên cạnh người mà chú tin tưởng nhất. Thật ra chú quay lại cũng để chào tạm biệt cô Tư vì chú biết cô ở bên cạnh một bệnh nhân nhiễm chất độc màu da cam như chú sẽ không có tương lai. Còn đứa con trong bức ảnh sau này là đứa con mà chú nhận nuôi.

    Lúc này chú Hán bỗng giật mình vì nhớ lại cái ngày mà chú cản cô Tư không cho cô đi xuống cổng làng tìm chú Xuân nữa. Hóa ra hôm đó chú Xuân đã quay về làng tìm kiếm cô Tư. Khoảnh khắc cô Tư vỗ về chú trong cơn nóng giận đã gây nên một hiểu lầm vô cùng tai hại. Chú bật khóc nức nở vì sự ích kỷ của bản thân mình đã dẫn đến bi kịch ngày hôm nay. Giá như chú tôn trọng hành động của cô Tư, giá như chú để cô cứ sống trong chấp niệm của mình thì cô đã không phải ra đi đau lòng đến như thế. Chú ôm đầu không ngừng xin lỗi cô Tư và người bạn thân trước mặt.

    Hai người đàn ông khi đối diện với nhau dường như đã biết được hết những sai lầm của mình. Những điều họ nghĩ rằng tốt cho đối phương thực chất lại xuất phát từ mong cầu của bản thân mà không hề biết được cảm nhận của người đối diện. Họ không thể giữ được lời ước hẹn nên đã âm thầm rời đi để mọi thứ chìm vào quên lãng. Họ không đủ sức để giữ mình không vượt qua ranh giới đã phân định rạch ròi nên muốn đập phá đi nguyên tắc của người khác. Họ không muốn kiểm chứng sự thật vì sự việc trước mắt đã khiến cho họ hài lòng. Rồi cuối cùng người đau khổ nhất lại chính là người luôn giữ trọn lời hẹn ước.

    Vài hôm sau trên ngọn đồi ma phía đông làng Thủy Lệ, lại một lần nữa dân làng lại mang những bó hoa lay ơn đến tiễn biệt vị đại tá quân đội ra đi vì di chứng của chất độc màu da cam. Cuộc đoàn tụ đau lòng của những người yêu nhau từ thời chiến tranh khiến cho cho bao nhiêu người rơi nước mắt. Họ không ra đi vì bom đạn nhưng lại mất cả một đời day dứt không thể bên nhau bởi tàn tích của chiến tranh. Không còn ai sợ sệt về ngọn đồi ma vì nơi đây đã trở thành những đồi cây ăn trái bạt ngàn xóa nghèo cho vùng quê đất đỏ. Cũng không còn ai nhắc đến chú Hán, cô Tư với cái danh xưng ông bê đê, bà ế chồng mà chỉ còn lại những câu chuyện về tình bạn, tình yêu đẹp của những con người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân vì độc lập tự do của Tổ quốc.

    Hết
     
    Lagan, LieuDuongchiqudoll thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng tư 2023
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...