Ca Huế Trên Sông Hương (Hà Ánh Minh) Và Một Số Cảm Nhận

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 28 Tháng bảy 2021.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Sau đây là bài báo viết về ca Huế trên sông Hương của Hà Ánh Minh. Phía dưới là vài ba đoạn cảm nhận của mình. (Văn lớp 7)

    Xứ Huế vốn nổi tiếng với các điệu hò, hò khi đánh cá trên sông ngòi, biển cả, hò lúc cấy cày, gặt hái, trồng cây, chăn tằm. Mỗi câu hò Huế dù ngắn hay dài đều được gửi gắm ít ra một ý tình trọn vẹn. Từ ngữ địa phương được dùng nhuần nhuyễn và phổ biến, nhất là trong các câu hò đối đáp tri thức, ngôn ngữ được thể hiện thật tài ba, phong phú. Chèo cạn, bài thai, hò đưa linh buồn bã, hò giã gạo, ru em, giã vôi, giã điệp, bài chòi, bài tiệm, nàng vung[1] náo nức nồng hậu tình người. Hò lơ, hò ô, xay lúa, hò nện[2] gần gũi với dân ca Nghệ Tĩnh. Hò Huế thể hiện lòng khao khát, nỗi mong chờ hoài vọng[3] thiết tha của tâm hồn Huế. Ngoài ra còn có các điệu lí như: Lí con sáo, lí hoài xuân, lí hoài nam[4] .

    Đêm. Thành phố lên đèn như sao sa. Màn sương dày dần lên, cảnh vật mờ đi trong một màu trắng đục. Tôi như một lữ khách[5] thích giang hồ[6] với hồn thơ lai láng, tình người nồng hậu bước xuống một con thuyền rồng, có lẽ con thuyền này xưa kia chỉ dành cho vua chúa. Trước mũi thuyền là một không gian rộng thoáng để vua hóng mát ngắm trăng, giữa là một sàn gỗ bào nhẵn có mui vòm được trang trí lộng lẫy, xung quanh thuyền có hình rồng và trước mũi là một đầu rồng như muốn bay lên. Trong khoang thuyền, dàn nhạc gồm đàn tranh, đàn nguyệt, tì bà, nhị, đàn tam[7] . Ngoài ra còn có đàn bầu, sáo và cặp sanh[8] để gõ nhịp.

    Các ca công còn rất trẻ, nam mặc áo dài the, quần thụng, đầu đội khăn xếp[9], nữ mặc áo dài, khăn đống duyên dáng. Huế chính là quê hương chiếc áo dài Việt Nam. Những chiếc áo dài đầu tiên hiện còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mĩ thuật cung đình Huế[10] .

    [​IMG]

    Trăng lên. Gió mơn man dìu dịu. Dòng sông trăng gợn sóng. Con thuyền bồng bềnh. Đêm nằm trên dòng Hương thơ mộng để nghe ca Huế, với tâm trạng chờ đợi rộn lòng.

    Không gian yên tĩnh bỗng bừng lên những âm thanh của dàn hòa tấu, bởi bốn nhạc khúc lưu thuỷ, kim tiền, xuân phong, long hổ[11] du dương, trầm bổng, réo rắt mở đầu đêm ca Huế. Nhạc công dùng các ngón đàn trau chuốt như ngón nhấn, mổ, vỗ, vả, ngón bấm, day, chớp, búng, ngón phi, ngón rãi[12] . Tiếng đàn lúc khoan lúc nhặt làm nên tiết tấu xao động tận đáy hồn người.

    Ca Huế hình thành từ dòng ca nhạc dân gian và ca nhạc cung đình, nhã nhạc[13] trang trọng uy nghi nên có thần thái của ca nhạc thính phòng[14], thể hiện theo hai dòng lớn điệu Bắc và điệu Nam, với trên sáu mươi tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc[15] . Thú nghe ca Huế tao nhã, đầy sức quyến rũ.

    Đêm đã về khuya. Xa xa bờ bên kia Thiên Mụ[16] hiện ra mờ ảo, ngọn tháp Phước Duyên[17] dát ánh trăng vàng. Sóng vỗ ru mạn thuyền rồi gợn vô hồi xa mãi cùng những tiếng đàn réo rắt du dương. Đấy là lúc các ca nhi cất lên những khúc điệu Nam nghe buồn man mác, thương cảm, bi ai, vương vấn như nam ai, nam bình, quả phụ, nam xuân, tương tư khúc, hành vân[18] . Cũng có bản nhạc mang âm hưởng điệu Bắc pha phách điệu Nam không vui, không buồn như tứ đại cảnh[19] . Thể điệu ca Huế có sôi nổi, tươi vui, có buồn cảm, bâng khuâng, có tiếc thương ai oán.. Lời ca thong thả, trang trọng, trong sáng gợi lên tình người, tình đất nước, trai hiền, gái lịch.

    Nghe tiếng gà gáy bên làng Thọ Cương[20], cùng tiếng chuông chùa Thiên Mụ gọi năm canh, mà trong khoang thuyền vẫn đầy ắp lời ca tiếng nhạc.

    Không gian như lắng đọng. Thời gian như ngừng lại. Con gái Huế nội tâm thật phong phú và âm thầm, kín đáo, sâu thẳm.

    (Theo Hà Ánh Minh, Báo Người Hà Nội)

    [​IMG]

    [1, 2, 4] Chèo cạn, bài thai, hò đưa linh, hò giã gạo, ru em, giã vôi, giã điệp, bài chòi, bài tiệm, nàng vung, hò lơ, hò ô, xay lúa, hò nện, lí con sáo, lí hoài xuân, lí hoài nam: Tên những làn điệu dân ca.

    [3] Hoài vọng: Tâm trạng mong chờ tha thiết một điều gì đó cao xa, khó đạt được.

    [5] Lữ khách: Người đi đường xa.

    [​IMG]

    [6] Giang hồ: Chỉ người đi nhiều nơi, sống nay đây mai đó (giang: Sông).

    [7] Đàn tranh (còn gọi là đàn thập lục, loại đàn có mười sáu dây) ; đàn nguyệt (đàn có hai dây) ; tì bà (đàn có bốn dây, hình quả bầu) ; nhị (nhạc cụ có hai dây tơ, kéo bằng vĩ, làm từ lông đuôi ngựa) ; đàn tam (đàn ba dây) : Các nhạc cụ dân tộc có từ xưa.

    [8] Cặp sanh (sênh tiền) : Nhạc khí cổ làm bằng hai thỏi gỗ cứng có đính cọc tiền đồng dùng để điểm nhịp.

    [9] Áo dài the, quần thụng, đầu đội khăn xếp: Cách ăn mặc (trang phục) của người xưa trong các lễ hội hoặc khi biểu diễn ca hát.

    [10] Bảo tàng Mĩ thuật cung đình Huế: Nơi lưu giữ và trưng bày các hiện vật trang trí mĩ thuật cung đình thời phong kiến (triều Nguyễn) tại Huế.

    [11] Lưu thuỷ, kim tiền, xuân phong, long hổ: Tên bốn khúc nhạc mở đầu đêm ca Huế.

    [12] Ngón nhấn, mổ, vỗ, vả, ngón bấm, day, chớp, búng, ngón phi, ngón rãi: Những động tác của nhạc công khi đánh các loại đàn cổ (còn gọi là ngón đàn).

    [13] Nhạc cung đình, nhã nhạc: Nhạc dùng trong các buổi lễ trang nghiêm, nơi tôn miếu, triều đình thời phong kiến.

    [14] Nhạc thính phòng: Nhạc thường do một người hay một nhóm ít người biểu diễn trong phòng khách hoặc phòng hòa nhạc nhỏ.

    [15] Thanh nhạc: Âm nhạc biểu diễn bằng giọng hát; khí nhạc: Âm nhạc do nhạc khí phát ra (biểu diễn bằng nhạc cụ).

    [16] Thiên Mụ: Còn gọi là chùa Linh Mụ, ngôi chùa nổi tiếng nằm bên bờ sông Hương, phía Tây thành phố Huế.

    [17] Tháp Phước Duyên: Ngọn tháp ở chùa Thiên Mụ.

    [​IMG]

    [18] Nam ai, nam bình, quả phụ, nam xuân, tương tư khúc, hành vân: Những làn điệu dân ca Huế.

    [19] Tứ đại cảnh: Một làn điệu dân ca Huế.

    [20] Thọ Cương: Một địa danh của Huế, nằm bên bờ sông Hương (dị bản ca dao: Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương).

    Ca Huế: Dân ca Huế nói riêng và vùng Thừa Thiên nói chung. Ca Huế ở đây chỉ một sinh hoạt văn hóa độc đáo của cố đô Huế: Người nghe và người hát cùng ngồi thuyền đi trên sông Hương; Ca Huế vẫn thường diễn ra vào ban đêm và chủ yếu hát các làn điệu dân ca Huế. Ca Huế đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015. Hiện Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế đang triển khai nhiều hoạt động phục vụ việc xây dựng hồ sơ "Nghệ thuật Ca Huế" trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]
     
    Jenny QwQ, Aishaphuonghaibican thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng bảy 2021
  2. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201

    Cảm nhận về đoạn "Đêm. Thành phố lên đèn như sao xa.. đàn sáo, cặp sanh để gõ nhịp." trong Ca Huế trên sông Hương.


    Sau khi suy ngẫm, tìm hiểu về kho tàng các điệu lí, điệu hò, bài hát dân gian xứ Huế, tác giả bắt đầu dẫn dắt bạn đọc xuống thuyền rồng, tham dự một đêm trăng nghe ca nhạc Huế. Đoạn văn mở đầu bằng một chữ "Đêm". Ấn tượng nơi thị giác làm người đọc thêm háo hức, hồi hộp, câu văn thêm tối tăm, huyền bí, gợi mở. Để rồi bất ngờ, đoạn văn bỗng vui tươi, vụt sáng bởi ánh đèn như sao xa của thành phố. Không gian thêm mơ mộng, lung linh, lấp lánh. Tiếp theo, tác giả phủ lên một màn sương dày mờ ảo, màu trắng đục, làm không khí câu văn thêm tĩnh lặng, bình yên, nhịp nhàng. Giữa một không gian mơ mộng, trữ tình như vậy, Hà Ánh Minh đang ấp ủ điều gì đây? Ra là sân khấu trình diễn ca Huế. Nhưng bất ngờ thay, không có rạp hát, không phải nhà hộp mà là một con thuyền rồng thả trôi trên sông Hương. Ấy là chiếc thuyền cao quý "xưa kia chỉ dành cho vua chúa". Câu văn làm người đọc cũng thả hồn theo, cũng giống như tác giả, "như một lữ khách thích giang hồ với hồn thơ lai láng, tình người nồng hậu bước xuống thuyền rồng", lịch sự, tiện nghi, trang nhã như một bậc quân vương. Hóa ra ca Huế lại độc đáo, uy nghiêm, cao sang đến vậy. Ca Huế làm câu văn thêm ý nhị, lễ nghi, quyền quý của một thú thưởng nhạc cung đình, cũng làm lòng người thanh thản, tao nhã, gột bỏ mọi xô bồ, lo âu, buồn phiền của nhịp sống hàng ngày. Câu văn tiếp theo thuyết minh sống động, cặn kẽ về hình dáng con thuyền. Nghe ca còn có thưởng nguyệt, chiếc thuyên theo lời tác giả còn có "không gian rộng thoáng để vua hóng mát ngắm trăng", rồi sàn gỗ bào nhẵn có mui vòng được trang trí lộng lẫy, hình rồng và đầu rồng như muốn bay lên ", tất cả như chuẩn bị cho một buổi biểu diễn ca Huế đầy công phu và thăng hoa. Phép liệt kê ở hai câu cuối của đoạn văn tái hiện đầy đủ các loại nhạc cụ, cho thấy tác giả rất am hiểu và quý trọng, yêu mến ca Huế. Người đọc lại càng thêm háo hức, không biết màn biểu diễn có sự kết hợp của nhiều loại nhạc cụ như vậy sẽ thú vị nhường nào. Có thể thấy, con thuyền đang trôi giữa những sao trời trắng, những ánh đèn vàng, những lăng tẩm, đền đài, chùa tháp của vương triều nhà Nguyễn, dấu ấn lịch sử của một thời hoàng kim. Và bạn đọc cũng trôi theo nhịp văn, lời văn của tác giả, với một sự chờ đợi, thích thú," một hồn thơ lai láng "," một tình người nồng hậu"y như Hà Ánh Minh vậy!

    [​IMG]
     
    Jenny QwQ thích bài này.
  3. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201

    Cảm nhận về đoạn "Đêm đã về khuya.. trai hiền gái lịch." trong Ca Huế trên sông Hương.


    Ca Huế là cộng hưởng của nghe, nhìn ngắm và cảm xúc thăng hoa. Hà Ánh Minh đã rất tinh tế khi xây dựng một buổi trình diễn ca Huế cho bạn đọc qua ngôn từ nhưng ngập tràn giai điệu, lời ca, ánh sáng và âm thanh. Người đọc bồi hồi, thích thú trước một khung cảnh thơ mộng, ý vị, bình yên, có màn đêm huyền bí, có "tháp Phước Duyên dát ánh trăng vàng", có "chùa Thiên Mụ hiện ra xa xa mờ ảo". Lòng người dường như lắng xuống, tĩnh lặng, trầm ngâm, quên đi lo toan để đắm chìm trong tiếng nhạc, tiếng sóng vỗ mạn thuyền; trút bỏ gánh nặng để hòa mình với tiếng đàn du dương. Hà Ánh Minh bắt đầu đưa bạn đọc chìm sâu vào thế giới âm nhạc đa dạng, phong phú, đặc sắc. Đọc câu văn, chúng ta tưởng như được ngồi trên thuyền rồng mà lắng nghe ca Huế, lắng nghe mọi sắc màu của cảm xúc. Tác giả vừa đắm say khi miêu tả phong cảnh, vừa ghi âm bản nhạc, nghiền ngẫm những điệu hát ca nhi cất lên. Biện pháp liệt kê các làn điệu Nam – Bắc, những cảm nhận sâu sắc khác nhau đã nổi bật lên không chỉ một kho tàng âm nhạc, mà còn là một con người say mê, yêu thích, am hiểu ca Huế - Hà Ánh Minh. Ý và tình ấy, đã phần nào tương xứng với những nét đẹp văn hóa của xứ Huế. Câu văn cũng trùng xuống, nhường chỗ cho những cảm xúc "buồn man mác, thương cảm, bi ai, vương vấn". Tác giả đã sắp xếp rất hợp lí, lựa chọn chỉn chu từng tiết mục, tự nhiên mà phù hợp với tâm lí bạn đọc: Những nam ai, nam bình, quả phụ, nam xuân, tương tư khúc, hành vân khúc, tứ đại cảnh.. Tuy khúc buồn nhưng tinh thần, giọng văn lại nhẹ nhàng, lai láng, thướt tha, như diễn lại những hoạt động hàng ngày của người dân xưa. Câu văn mang sắc màu dân tộc nồng hậu, thiết tha đậm chất Việt, những nét đẹp hình thức và tâm hồn: Có sôi nổi, tươi vui, bâng khuâng, ai oán.. gợi tình người, tình đất nước, quê hương, trai hiền, gái lịch. Câu văn dài ngắn, khoan nhặt, co duỗi, bổng trầm.. tái hiện một bức tranh sinh động của đêm nghe ca Huế. Những lời ca "thong thả, trang trọng, trong sáng" cũng ngân vang mãi cả đoạn văn, cả tâm hồn người viết và người đọc. Lối hành văn trau chuốt, giản dị, hài hòa đã giúp Hà Ánh Minh truyền tải gần hơn hết vẻ đẹp của xứ Huế, tinh thần Huế, tinh thần đất cố đô; giúp bạn đọc thêm yêu, thêm mong muốn khám phá, lắng nghe ca Huế - ấy cũng là đích đến của văn bản, lan tỏa giá trị đích thực, nhân văn, đáng yêu, đáng quý.

    [​IMG]
     
  4. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201

    Vì sao có thể nói nghe ca Huế là một thú vui tao nhã?


    Ca Huế luôn có những nét độc đáo, đặc sắc, những giá trị văn hóa tinh thần riêng. Thưởng thức ca Huế là một thú vui tao nhã – Hà Ánh Minh đã từng nhận định như vậy. Ca Huế chảy trong mình hai dòng mạch chính là ca nhạc dân gian và ca nhạc cung đình. Sự hòa quyện, giao lưu ấy giúp chất Huế thấm nhuần trong lời ca – chất mộc mạc nồng hậu của người dân Huế và trang nhã, uy nghi của dấu ấn lịch sử đất cố đô. Ca Huế có khả năng truyền tải sống động những nội dung phong phú, đa dạng, khổng lồ, những cảm xúc sâu lắng, xao động. Con người đến với ca Huế như một cách rũ bỏ mọi lo toan, phiền muộn, hỗn tạp, xô bồ để hòa mình vào thế giới âm nhạc chất phác, bình yên mà cao sang, trong trẻo. Những du khách bước chân xuống thuyền rồng, say đắm trong những ánh đèn lung linh, ánh sao lấp lánh, trong trăng sáng vằng vặc soi sáng hai bên đầu sóng mạn thuyền, thơ mộng, trữ tình, thướt tha. Ca Huế đón lấy vẻ đẹp của trăng, của cảm xúc thăng hoa, thích thú bồi hồi, để hòa với "hồn thơ lai láng", "tình người nồng hậu" của người nghe đến độ hoàn thiện, hoàn mĩ, thanh tẩy và duyên dáng. Trong đêm trình diễn ca Huế ấy, không gian ngập tràn những điệu lý con sáo, lý hoài xuân, lý tình tang, những điệu hò mái nhì, mái đẩy.. trong sáng, khoan thai, ngọt ngào, những bản nhạc cung đình đầy tính trang trọng như giao nhạc, ngũ tự nhạc, thưởng triều nhạc, yến nhạc.. Không chỉ vậy, những âm thanh sinh hoạt thường ngày của cuộc sống như tiếng gà, tiếng chuông chùa Thiên Mụ, tiếng sóng ru cũng tấu lên tiếng ca của riêng chúng, hòa vào tiếng đàn du dương trong thuyền. Người thưởng thức không chỉ cảm nhận được cái hay của nhạc mà còn cả chiều sâu của văn hóa, lịch sử và tâm hồn cố đô. Mọi làn điệu đều mang âm sắc, tiết tấu khác nhau nhưng cùng tấu lên nỗi khát khao, hoài vọng về quê hương, đất nước, tình người nhân hậu thủy chung, về cuộc sống ấm no hạnh phúc. "Đi Huế mà không nghe ca Huế thì thật uổng phí, không có ý nghĩa gì". Có lẽ bởi ca Huế là tâm hồn của Huế, của con người xứ Huế đằm thắm, đẹp đẽ, "nội tâm thật phong phú và âm thầm, kín đáo, sâu thẳm". Quả thật, lắng nghe ca Huế trong thuyền rồng sang trọng, trong không gian thiên nhiên trăng trời nước thơ mộng trữ tình bao quanh, cận kề những nghệ sĩ nam thanh nữ tú cầm ca, thật là một thú vui tao nhã. Đó là một hình thức sinh hoạt văn hóa thanh cao, lịch sự, nhã nhặn, không khoa trương, tưng bừng, náo nhiệt, rất dễ trở thành sợi dây kết nối thần kì giữa tình cảm của người với người, cùng ấn tượng và giao hòa của người với thiên nhiên. Ý nồng tình duyên như vậy, nghe ca Huế xứng đáng là một thú vui tao nhã, thanh tẩy, bổi dưỡng tâm hồn đang say đắm xứ Huế mộng và thơ.

    [​IMG]
     
    Jenny QwQ thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...