Ca dao tục ngữ về những ngày lễ hội dân gian Trong một năm, ở nước ta diễn ra rất nhiều lễ hội trên khắp mọi miền tổ quốc. Lễ hội được xem như là một sự kiện văn hoá mang tính chất cộng đồng, bao gồm hai phần là phần "Lễ" và phần "Hội". Đây chính là một dịp để dân chúng bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng và bày tỏ sự thành kính của mình trước các vị thần linh đã khai sáng, bảo bọc, phù hộ dân chúng trong vùng, hoặc để tưởng nhớ và tri ân các Vị đã có công xây dựng, bảo vệ, gìn giữ đất nước. Bài viết này sẽ tổng hợp một số câu ca cao, tục ngữ về những ngày lễ hội diễn ra trong một năm trên khắp các tỉnh thành của đất nước Việt Nam. Làng Đăm có hội bơi thuyền Có lò đánh vật, có miền trồng rau Làng Đăm: Làng cổ nay thuộc xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Làng có truyền thống tổ chức lễ hội từ mùng 9 đến 11 tháng ba âm lịch hằng năm với nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian, trong đó đặc sắc nhất là môn đua thuyền. Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy Vui thì vui vậy, chẳng tày Giã La Ấy ngày mồng sáu tháng ba Ăn cơm với cà đi hội chùa Tây Chùa Tây Phương là một ngôi chùa ở trên ngọn núi Tây Phương ở thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Yên Sở: Tên cũ là Cổ Sở, một làng nay thuộc xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, có tên nôm là làng Giá Lụa, hay làng Giá. Làng có ngôi đình tên là đình Yên Sở (tên địa phương là Quán Giá), thờ tướng quân Lý Phục Man. Để tưởng nhớ công ơn của ngài, cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, nhân dân tổ chức lễ hội Giá, trong đó có nghi thức rước kiệu. Chùa Thầy: Toạ lạc tại chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng ba Âm lịch hàng năm. Giã La: Một lễ hội ở làng La Cả (Ỷ La và La Nội), nay thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, được tổ chức từ ngày 7 đến hết ngày 14 tháng giêng hằng năm, có tục tắt đèn đánh hổ rất hấp dẫn. Chết thì bỏ con bỏ cháu Sống thì không bỏ mồng sáu tháng giêng Lễ hội Cổ Loa: Hay còn gọi lễ hội An Dương Vương, được tổ chức từ mồng sáu tháng giêng hàng năm ở đền thờ An Dương Vương (đền Thượng) thuộc xã Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội). Nhớ ngày mồng bảy tháng ba Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy Chùa Láng: Tên chữ là Chiêu Thiền tự, một ngôi chùa ở làng Láng, quận Đống Đa, Hà Nội. Kẻ Dầu có quán Đình Thành Kẻ Hạc ta có ba đình, ba voi Mười tám cất thuyền xuống bơi Mười chín giã bánh, hai mươi rước thần Kẻ Dầu: Vùng đất đã sinh ra truyền thuyết về bánh chưng, bánh dày, nay là phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Bạch Hạc: Nay là một phường thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, ngay ngã ba nơi giao nhau giữa sông Đà, sông Lô và sông Hồng. Xưa kia đây chính là Phong Châu, kinh đô của nhà nước Văn Lang thời Hùng Vương. Hằng năm vào tháng giêng và tháng ba, tại Bạch Hạc tổ chức lễ hội giỗ Tổ, nổi tiếng với cuộc đua thuyền trên sông Lô và tục cướp cầu. Nhất hội Hương Tích Nhì hội Phủ Giầy Vui thì vui vậy chẳng tày đánh cá làng Me Chùa Hương: Khu di tích lịch sử - văn hóa, đồng thời là danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Hội chùa Hương bắt đầu từ mùng 6 tháng 1 cho đến tháng 3 âm lịch, hàng năm đón một lượng lớn du khách từ khắp nơi. Phủ Giầy (Phủ Dầy hay Phủ Giày) : Một cụm đền chùa tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Hằng năm tại đây tổ chức hội Phủ Giầy vào tháng 3 âm lịch. Cung Thuận có tên Nôm là làng Me, nay thuộc xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Hàng năm làng mở hội Xuân từ ngày mồng 2 đến ngày mồng 10 tháng 2 âm lịch, với nhiều trò vui dân gian, nhưng đặc sắc hơn cả là trò thi đánh cá vào sáng 4/2. Mồng bảy hội Khám, mồng tám hội Dâu Mồng chín đâu đâu trở về hội Gióng Và: Râm râm hội Khám U ám hội Dâu Vỡ đầu hội Gióng Hội Khám: Lễ hội được tổ chức vào mồng 7 tháng 4 âm lịch hằng năm tại làng Ngọc Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Hội chùa Dâu: Được tổ chức hằng năm vào ngày mồng tám tháng tư âm lịch tại chùa Dâu, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay, cầu cho mưa thuận gió hòa. Hội Gióng: Một lễ hội truyền thống được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của Thánh Gióng. Có hai hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Mỗi năm vào dịp xuân sang Em về Triều Khúc xem làng hội xuân Múa cờ, múa trống, múa lân Nhớ ai trong hội có lần gọi em Từ ngày mùng 9 tháng Giêng đến ngày 12 tháng Giêng, lễ hội làng Triều Khúc được tổ chức, là dịp để giáo dục truyền thống "uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ công lao to lớn của đức thánh Phùng Hưng. Nhất vui là hội Trần Thương Đủ đình đủ đám, thập phương tiếng đồn. Đền Trần Thương thuộc thôn Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Là nơi thờ đức thánh Trần. Đền Trần Thương tổ chức lễ hội tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc này vào ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm Dù cho cha đánh mẹ treo, Em cũng chẳng bỏ Chùa Keo hôm rằm. Dù cho cha đánh mẹ vằm, Em cũng chẳng bỏ hôm rằm Chùa Keo. Chùa Keo: Thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Một năm chùa mở hội 2 lần, đó là hội Xuân vào ngày mồng 4 tết Nguyên Đán và hội chính mùa thu, từ ngày 13 đến ngày 15/9 âm lịch. Dù ai buôn đâu bán đâu, Mùng chín tháng tám chọi Trâu thì về. Dù ai buôn bán trăm nghề, Mùng chín tháng tám nhớ về chọi Trâu. Chọi Trâu: Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một tập tục cổ có từ xa xưa, một lễ hội truyền thống của người dân vạn chài tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng; diễn ra vào ngày 9 tháng 8 Âm lịch hàng năm. Tình cờ ta lại gặp ta Vui bằng mở hội tháng ba đền Sòng Đền Sòng Sơn: Gọi tắt là đền Sòng, một ngôi đền xưa thuộc trang Cổ Đam, Phú Dương, Phủ Tống, Thanh Hóa, nay thuộc phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh - một trong Tứ bất tử của người Việt. Lễ hội Đền Sòng thường diễn ra từ ngày mùng 10 đến 26 tháng 2 âm lịch hàng năm. Cầu Quan vui lắm ai ơi, Trên thì họp chợ, dưới bơi thuyền rồng. Cầu Quan: Địa danh nay thuộc huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Tại đây vào thời nhà Lê có họp chợ trên bờ sông, và hàng năm đến đầu mùa xuân thì có tục bơi thuyền rồng. Gia Lạc chỉ mở ngày xuân Quanh năm suốt tháng khó lần tìm ra. Hội Xuân Gia Lạc: Được mở từ mùng 1 đến mùng 3 tháng giêng tại Thừa Thiên - Huế Chợ Viềng năm họp một phiên Để cho trai gái tốn tiền trầu cau Và Bỏ con bỏ cháu Không ai bỏ hai mươi sáu chợ Yên Bỏ tổ bỏ tiên Không ai bỏ chợ Viềng mồng tám. Chợ Yên: Một phiên chợ Tết của tỉnh Nam Định ngày trước. Mỗi năm chợ chỉ họp một phiên vào ngày 26 tháng Chạp. Tỉnh Nam Định có 2 lễ hội chợ Viềng cùng diễn ra vào đêm mùng 7, rạng sáng ngày mùng 8 tháng Giêng. Đó là chợ Viềng Phủ, ở huyện Vụ Bản và chợ Viềng Chùa, ở thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực. Vui gì bằng lễ nghinh ông Đèn hoa, pháo nổ ngập song ánh trời Cuộc vui nhiều khách đến chơi Giàu nghèo hỉ hả ăn chơi ba ngày Lễ hội Nghinh Ông: Lễ hội cúng cá Ông của ngư dân các tỉnh ven biển nước ta từ Quảng Bình trở vào, ngư dân cầu cho biển lặng gió hòa, đi biển may mắn, làm ăn phát đạt. Ở mỗi địa phương, lễ hội Nghinh Ông diễn ra vào một thời điểm khác nhau. Mồng bốn có hội đua ghe Rối đến mồng bảy bắt phe dội bòng Tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, hằng năm từ mùng 4 đến mùng 7 có hội đua ghe hàng năm, sau đó là hội dội bòng. Đồn rằng An Thái, chùa Bà Làm chay hát bội đông đà quá đông Đàn bà cho chí đàn ông Xem xong ba ngọ, lại trông "Đổ giàn" An Thái: Tên một làng nay thuộc xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tại đây vào ngày rằm tháng 7 hằng năm có tổ chức lễ hội đổ giàn. Chùa Bà: Tên một ngôi chùa ở làng An Thái, nay thuộc xã An Phúc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Đổ giàn là một lễ hội truyền thống được tổ chức vào rằm tháng 7 hằng năm tại chùa Bà, làng An Thái, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tiếng đồn An Thái, Bình Khê Nhiều tay võ sĩ có nghề tranh heo Bình Khê có tên cũ của huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Tri Tôn có hội đua bò Vàm Nao có hội đua đò sang sông Tri Tôn: Địa danh nay là một huyện miền núi thuộc tỉnh An Giang. Vàm Nao là tên một con sông tại tỉnh An Giang, nối sông Tiền với sông Hậu. Ai về Châu Đốc đừng quên Nhớ vào Bảy Núi mà xem đua bò Thất Sơn còn có tên là Bảy Núi, chỉ hệ thống 37 ngọn núi mọc giữa đồng bằng Tây Nam Bộ, nằm trong địa phận hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang. Lễ hội đua bò được tổ chức vào dịp tháng 10 âm lịch hằng năm. Sân đua bò là một thửa ruộng ngập nước, khán giả ngồi quanh xem giống như sân bóng đá thu nhỏ. Mỗi nài điều khiển một cặp bò, mỗi lần đua gồm hai cặp, cặp bò thắng sẽ tiếp tục được vào vòng sau. Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba Khắp miền truyền mãi câu ca Nước non vẫn nước non nhà nghìn năm Tháng ba có một ngày mười Là ngày giỗ Tổ chẳng đời nào quên Ai về Phú Thọ cùng ta Vui ngày giỗ Tổ tháng ba mùng mười Tháng ba nô nức hội đền Nhớ ngày giỗ Tổ bốn nghìn năm nay Dù xa vạn nẻo bến bờ muôn phương Nhớ ngày giỗ Tổ Hùng Vương Về thăm dâng kính nén hương cội nguồn Tháng ba giỗ Tổ Hùng Vương Về nguồn dâng nén trầm hương đầu mùa Lễ Giỗ tổ Hùng Vương vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch diễn ra tại Phú Thọ, đây là một trong những lễ hội quan trọng của đất nước để tưởng nhớ công ơn của các vị vua Hùng đã có công dựng nước. 20.02.2024 Nguồn: Sưu tầm.