Lòng hiếu thảo được xem là đạo lý làm người, là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ khi còn nhỏ chúng ta luôn được ông bà, cha mẹ và thầy cô giảng dạy về lòng hiếu thảo. Từ xưa đã có câu "Trăm nết thiện chữ Hiếu đứng đầu", đạo làm con luôn phải nuôi dưỡng lòng hiếu thảo, thực hiện những nghĩa vụ và trách nhiệm của phận làm con, làm cháu; phải báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục cho người đã sinh ra, nuôi nấng và chăm sóc bản thân; phải biết ơn ông bà, cha mẹ và những người đã từng lo lắng cho bữa ăn, giấc ngủ, lo lắng cho sức khỏe của bạn mỗi khi ốm đau, bệnh tật. Biểu hiện của lòng hiếu thảo: Lòng hiếu thảo đôi khi chỉ đơn giản là sự biết ơn, tôn trọng, kính phục ông bà, cha mẹ và những người đã nuôi dưỡng bản thân lớn lên. Luôn yêu quý, biết chia sẻ công việc cho cha mẹ, biết để dành miếng ngon, miếng thơm cho người lớn. Đến khi ta lớn lên thì vẫn phải luôn tôn trọng và yêu thương cha mẹ, có thể tranh luận nhưng không nên hỗn hào, xấc xược với người lớn. Khi cha mẹ đã già thì biết lo nóng lo lạnh, ở bên săn sóc, quan tâm hỏi han cho Người, giống như khi xưa cha mẹ đã nuôi lớn ta. Một người con có hiếu, có thảo là người biết kính trọng bề trên, ăn nói lễ độ, có phép có tắc, biết cảm thông, san sẻ và yêu thương. Trong bài viết hôm nay mình sẽ gửi đến các bạn những câu ca dao, tục ngữ, danh ngôn và những tấm gương về lòng hiếu thảo. Ca Dao Tục Ngữ Về Lòng Hiếu Thảo: 1. Ba mẹ là biển là trời Phận con đâu dám cưỡng lời mẹ cha. 2. Công cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. 3. Đói lòng ăn bát cháo môn Để cơm nuôi mẹ cho tròn hiếu trung. 4. Lấy chi trả thảo cho cha. Trả ơn cho mẹ, con ra lấy chồng. 5. Công cha, nghĩa mẹ nặng triều, Ra công báo đáp ít nhiều phận con. 6. Ở nuôi cha mẹ trọn niềm, Bao giờ trăng khuyết lưỡi liềm hẵn hay. 7. Mẹ già ở chốn lều tranh, Đói no chẳng biết rách lành chẳng hay. Mẹ già đầu bạc như tơ, Lưng đau con đỡ, mắt mờ con nuôi. 8. Chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Hòa, Hỏi trong ba chữ, thờ cha chữ nào? Chữ Trung thì để thờ cha, Chữ Hiếu thờ mẹ, chữ Hòa thờ anh. 9. Cha mẹ là biển là trời, Nói sao hay vậy, đâu dám cãi lời mẹ cha. 10. Chí tâm niệm Phật đêm ngày Cầu cho cha mẹ sống tày non cao. 11. Con không chê cha mẹ khó Chó không chê chủ nhà nghèo 12. Công cha, nghĩa mẹ nặng triều, Ra công báo đáp ít nhiều phận con. 13. Đêm khuya trăng rụng xuống cầu, Cảm thương cha mẹ dãi dầu ruột đau. 14. Tu đâu cho bằng tu nhà, Thờ cha kính mẹ mới chân tu. 15. Sáng cơm, trưa cháo, chiều trà Chăm cha, chăm mẹ, tuổi già xa xăm. 16. Nuôi con cho đến vuông tròn, Mẹ thầy vất vả, xương mòn gối long. Con ơi gắng trọn hiếu trung, Thảo ngay một dạ kẻo luống công mẹ thầy. 17. Làm trai nết đủ trăm đường Trước tiên điều hiếu, đạo thường xưa nay Công cha đức mẹ cho dày Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ Nuôi con khó nhọc đến giờ Trưởng thành con phải biết thờ hai thân Thức khuya dậy sớm cho cần Quạt nồng ấp lạnh giữ phần đạo con. 18. Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi Lúa nhe giã trắng dành nuôi mẹ già. 19. Ba đồng một khứa cá buôi Cũng mua cho được mà nuôi mẹ già. 20. Mẹ già ở túp lều tranh Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con. 21. Đói lòng ăn đọt chà là Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng. 22. Em thì đi cấy ruộng bông Anh đi cắt lúa để chung một nhà Đem về phụng dưỡng mẹ cha Muôn đời tiếng Hiếu người ta còn truyền. 23. Quyết lòng lập miếu chạm rồng Đền ơn phụ mẫu ẵm bồng ngày xưa. 24. Ai về tôi gửi buồng cau Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy Ai về tôi gửi đôi giày Phòng khi mưa gió để thầy mẹ đi. 25. Con đi xa cách muôn nơi Công cha nghĩa mẹ đời đời không quên. 26. Liệu mà thờ kính mẹ già, Đừng tiếng nặng nhẹ, người ta chê cười. Dù no dù đói cho tươi, Khoan ăn bớt ngủ, liệu bài lo toan. 27. Trời cho cày cấy đầy đồng, Xứ nào xứ ấy trong lòng vui ghê. Một mai gặt lúa mang về, Thờ cha kính mẹ nhiều bề hiếu trung. Ca Dao Tục Ngữ Về Lòng Hiếu Thảo Với Ông Bà, Tổ Tiên 1. Khôn ngoan nhờ đức cha ông Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ Đạo làm con chớ hững hờ Phải đem hiếu kính mà thờ tổ tiên. 2. Thắp đèn lên cho rạng nhà thờ Kẻo ông bà bên ngoại nói không ăn nhờ chi rể con. 3. Con chim se sẻ nó đẻ cột đình Bà ngoại đẻ má, má đẻ mình chớ ai! 4. Trời xanh bông trắng nhụy huỳnh Đội ơn bà ngoại đẻ má, má đẻ mình dễ thương. 5. Dù đui mà giữ đạo nhà Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ. 6. Cây có gốc mới nở nhành xanh ngọn Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu Người ta nguồn gốc từ đâu Có tổ tiên trước rồi sau có mình. 7. Ngó lên tàng cây thấy cặp cu trốn nắng Ngó ra ngoài ruộng thấy đôi cò trắng bay xa Đi về lập miếu thờ cha Cất chùa thờ mẹ, lập trang thờ bà. 8. Chữ rằng: Vấn tổ tầm tông, Cháu con nỡ bỏ cha ông sao đành. 9. Thờ thì dễ, giữ lễ thì khó. 10. Con ở đâu, cha mẹ đấy, 11. Cháu con ở đâu, tổ tiên ở đấy. 12. Ông ơi chớ vội đi xa Để cho con cháu họp về chung vui. 13. Hỡi ai rắc muối lên này Làm cho mái tóc của bà bạc phơ. 14. Ông bà là ngọc là vàng Ai mà biết quý phúc rơi đầy nhà. Ca Dao Tục Ngữ Về Công Lao Cha Mẹ: 1. Công cha như núi ngất trời Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông Núi cao biển rộng mênh mông Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi! 2. Ơn cha nặng lắm ai ơi, Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang 3. Công cha nặng lắm ai ơi Nghĩa mẹ bằng trời mang nặng đẻ đau! 4. Miệng ru mắt nhỏ hai hàng, Nuôi con khôn lớn mẹ càng thêm lo. 5. Chim trời ai dễ đếm lông, Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày. 6. Mẹ cha trượng quá ngọc vàng Đền bồi sao xiết muôn vàn công ơn 7. Công cha đức mẹ cao dày Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ Nuôi con khó nhọc đến giờ Trưởng thành con phải biết thờ song thân. 8. Dạt dào gió kép mưa đơn Tấc lòng ghi nhớ công ơn mẫu từ. 9. Công dưỡng dục suốt một đời lận đận Nghĩa sinh thành vương vấn cả trăm năm Bên đời con cha một bóng âm thầm Luôn che chở bằng bóng râm mát dịu 10. Cha đậm ơn sâu tựa đất trời Nuôi con lao nhọc chẳng này vơi Mở vòng tay lớn ôm con trẻ Dẫn dắt con đi suốt cuộc đời. 11. Đi khắp thế gian không ai khổ bằng mẹ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha. 12. Ơn cha bóng núi âm thầm, Nghĩa mẹ lặng lẽ nước sông đầu nguồn. Một đời dãi nắng dầm sương, Nuôi con khôn lớn tình thương dạt dào. 13. Công cha nghĩa mẹ cao vời, Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta. Nên người con phải xót xa, Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao. Đội ơn chín chữ cù lao, Sanh thành kể mấy non cao cho vừa 14. Cây khô chưa dễ mọc chồi Bác mẹ chưa dễ ở đời với ta Non xanh bao tuổi mà già, Bởi vì sương tuyết hóa ra bạc đầu. 15. Lòng mẹ như bát nước đầy, Mai này khôn lớn, ơn này tính sao. 16. Ai rằng công mẹ như non, Thật ra công mẹ lại còn lớn hơn. 17. Nhớ ơn chín chữ cù lao, Ba năm bú mớm biết bao thân tình. 18. Nuôi con chẳng quản chi thân, Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn. 19. Gió mùa thu mẹ ru con ngủ, Năm canh dài, mẹ thức đủ năm canh. 20. Biển Đông có lúc vơi đầy, Chứ lòng cha mẹ biển trời nào dâng. 21. Công cha nghĩa mẹ ơn thầy Ngày sau khôn lớn ơn dày biển sâu. 22. Mẹ cha trượng quá ngọc vàng Đền bồi sao xiết muôn vàn công ơn. Ca Dao Tục Ngữ Về Tình Yêu Thương Ông Bà, Cha Mẹ 1. Chiều chiều ra đứng ngõ sau, Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều. 2. Ngó lên nuộc lạt mái nhà Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu. 3. Con nay tóc bạc da mồi Nhớ thương cha mẹ trọn đời không nguôi 4. Chiều chiều ngó ngược ngó xuôi, Ngó không thấy mẹ, bùi ngùi nhớ thương. 5. Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời, Cầu cho cha mẹ sống đời với con. 6. Cha là tất cả cha ơi Ngàn năm con vẫn trọn đời yêu thương 7. Đêm thu dưới ánh trăng vàng Ngóng về quê mẹ lệ tràn bờ mi. 8. Chiều chiều chim vịt kêu chiều Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau. 9. Trông lên thấy đạo cha già Lòng con tưởng nhớ xót xa rầu rầu Xa cha lòng những quặn đau Biết ngày nào mới cùng nhau quây quần 10. Ngàn năm tóc mẹ còn bay Ngàn năm tình mẹ sống đầy trong con. 11. Nhớ con tựa cửa chờ mong Mắt mờ khô lệ mẹ trông con về. 12. Lặng nhìn sợi tóc như sương Vướng trên đầu lược mà thương mẹ già. 13. Ngó đâu ngó đó thì vui Ngó về phụ mẫu bùi ngùi nhớ thương. 14. Ngó lên dàng dạng da trời, Thương cha nhớ mẹ biết đời nào nguôi. 15. Lặng nhìn sợi tóc như sương Vướng trên đầu lược mà thương mẹ già. Một Số Danh Ngôn, Ngạn Nữ Nước Ngoài Về Lòng Hiếu Thảo: - Làm sao bạn có thể cười khi mẹ mình đói? Làm sao bạn có thể cười khi lí do để cười là sai trái? (Jethro Tull) - Đạo thờ phụng cha mẹ, đó là gốc của đức. (Khuyết danh) - Cha mẹ thương con tựa biển trời Làm sao đền trả được người ơi Nếu không có hiếu đừng bất hiếu Bất hiếu làm ta khổ muôn đời. (Khuyết danh) - Cha mẹ còn sống, con cái không nên đi xa, nếu đi phải cho cha mẹ biết nơi đến. (Khổng Tử) - Thờ cha mẹ, nên nhỏ nhẹ khuyên can, nếu thấy cha mẹ không theo ý mình thì vẫn cung kính mà không xúc phạm cha mẹ; tuy khó nhọc, lo buồn, nhưng không được oán hận. (Khổng Tử) - Không thừa thuận để vui lòng cha mẹ, không đáng gọi là người; không cảm động để làm hay cho cha mẹ, không đáng gọi là con. (Mạnh Tử) - Con hiếu thảo, cha mẹ vui, nhà hòa thuận, muôn việc thành. (Thái Công) - Chỉ khi bạn lớn lên và bước khỏi ông – hay rời ông để đến với gia đình của riêng mình – chỉ tới lúc đó bạn mới hiểu được sự vĩ đại của ông và thực tâm biết ơn điều đó. (Margaret Truman) Những Tấm Gương Về Lòng Hiếu Thảo: Trong lịch sử nước ta có rất nhiều câu chuyện về những nhân vật có tấm lòng hiếu thảo, mình sẽ liệt kê một vài nhân vật: - Chử Đồng Tử: Người không đành lòng nhìn cha mình ở trần mà hạ táng. - Nguyễn Trãi: Khi cha của Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh bị bắt đi lưu đày, dù rằng vẫn muốn theo phụng dưỡng cha nhưng khi được cha khuyên bảo Nguyễn Trãi đã nghe lời cha, để em trai theo cha còn mình thì ở lại tìm cách "rửa nhục cho nước, trả thù cho cha" và ông đã trở thành công thần của nhà Hậu Lê. - Vua Trần Anh Tông: Trần Anh Tông là vị vua thứ tư của triều Trần, khi mới kế thừa ngôi vị ông vẫn còn ham thích rượu chè nhưng sau khi bị Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông trách phạt ông đã tự mình thỉnh tội và từ đó trở đi cũng không đụng vào rượu nữa. Dù là Vua một nước nhưng Trần Anh Tông vẫn luôn coi trọng đạo hiếu, kính cẩn nghe theo lời dạy bảo của Vua cha. - Vua Tự Đức: Là một người con luôn giữ đạo hiếu hàng đầu, câu chuyện thỉnh tội với Hoàng Thái Hậu Từ Dụ của Vua Tự Đức đã được biên soạn thành vở cải lương "Tự Đức dâng roi". Những Bài Thơ Về Lòng Hiếu Thảo: TRỘM VÍA THỜI GIAN! Tác giả: Phan Thúc Định Con thầm trộm vía thời gian Mẹ Cha thất thập song toàn với con! Nhân ngày lễ trọng Vu Lan Mượn câu thơ vụng gửi ngàn yêu thương! Thu về mưa gió dập dồn Lá vàng gắng gượng, tủi hờn lá xanh! Cội già hư ảo mong manh Nguyện chia sắc lá để dành cho con! Nắng chiều lấm lét hoàng hôn Núi thâm quầng mắt đỏ dồn xót xa! Con còn có mẹ có cha Sá gì mưa gió phong ba cuộc đời! Cầu mong thọ tỉ mười mươi! Mẹ Cha là của để đời của con! Dù cho sông cạn đá mòn Thâm tình, hiếu nghĩa chẳng sờn lòng con! MỘT ĐỜI Tác giả: Phan Huy Hùng Một đời tiếng dế kêu sương Một đời kẽo kẹt tre vườn gió lay Một đời lật ngửa luống cày Một đời gieo hạt đợi ngày bội thu.. Một đời mẹ vẫn còn lo Mai kia con có làm Vua - Cũng vì: Luống cày mẹ dắt con đi Cho con mãi nhớ đường về quê hương! MẸ Tác giả: Phạm Hồng Giang Con đã viết ngàn bài thơ có lẻ Mà chưa từng viết tặng Mẹ một câu Đã qua rồi bẩy mươi mấy mùa ngâu Sương gió nhuộm mái đầu phơ tóc bạc. Còng lưng gánh cho đời con chững chạc Mắt thâm quầng xao xác suốt canh thâu Vai áo sờn miếng vá chẳng kịp khâu Dòng sông chảy đục ngầu phù sa đỏ. Chín tháng cưu mang dầm mưa dãi gió Mấy chục năm trời cửa ngỏ chờ trông Rút ruột vì con hết dạ vì chồng Mặc nắng rát bão giông không nản chí. Cuối cuộc đời Mẹ nào đâu ngơi nghỉ Cháu quấy bà con bì tị ghét thương Như đóa hoa đời vẫn mãi tỏa hương Nâng đỡ chúng con chặng đường phía trước. Nếu có thể cho con xin điều ước Để Mẹ hiền.. Mãi mãi được.. Bình an! CHA TÔI Tác giả: Chu Long Cánh đồng dưới nắng tháng năm Rau xanh rủ ngọn cỏ nằm rũ cây Trời cao xanh chẳng sợi mây Nắng chan chát nắng đổ đầy ruộng sâu. Cha tôi đội nắng trên đầu Chiếc cày bạn với con trâu cấy trồng Một đời công việc nhà nông Đôi chân mòn bởi đất đồng - Cha tôi Nước mắt quyên với mồ hôi Vắt kiệt nhựa sống cuộc đời cho con Cha tôi tuổi xế hoàng hôn Thân cò vẫn lội sớm hôm tảo tần. Để con có những mùa xuân Thân cha có khổ muôn phần cũng cam. Nghị Luận Về Lòng Hiếu Thảo: Từ xưa đến nay, dân ta luôn lấy chữ "Hiếu" làm đầu. Dù người có tài giỏi đến mức nào mà không làm tròn đạo hiếu của phận làm con thì cũng không được trọng dụng. Theo sách phong tục Việt Nam của ông Phan Kế Bính có viết, làm một người quân tử vốn dĩ cần "Trung, Hiếu, Nhân, Nghĩa". Trung với nước, hiếu với cha mẹ là bậc sinh thành và người có công nuôi dưỡng, nhân là sống hòa thuận với anh em, nghĩa là cách ứng xử với bạn bè và những mối quan hệ trong xã hội. Ta có thể thấy xếp ngay sau tình yêu tổ quốc chính là tình yêu thương và kính trọng bậc sinh thành và người nuôi dưỡng ta. Từ khi ta bắt đầu tò mò về thế giới xung quanh và bập bẹ nói chuyện cũng là lúc chúng ta được nghe thấy những lời dạy dỗ về lòng hiếu thảo qua những câu ca dao, tục ngữ của ông bà, cha mẹ: "Công cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con." Vậy đạo hiếu hay lòng hiếu thảo là gì? Khi còn nhỏ hiếu thảo chỉ đơn giản là ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ, học tập chăm chỉ, giúp đỡ công việc nhà.. Chắc hẳn các bạn cũng từng nghe câu khen ngợi của cô hàng xóm: "Con bé hiếu thảo lắm, ở nhà phụ nấu cơm, rửa chén cho mẹ nó." Chỉ đơn giản thế thôi đã là sự hiếu thảo rồi. Theo thời gian, chúng ta lớn lên và cha mẹ cũng dần dần già đi, những người con có khả năng kiếm ra tiền thì có thể báo hiếu cho cha mẹ bằng cách biếu tiền, biếu quà cho cha mẹ. Nhưng "Của cho thì không bằng cách cho", không chỉ với người ngoài mà với cha mẹ cũng vậy, báo hiếu là khi bạn mang tiền, mang quà về biếu cha mẹ trong sự vui vẻ, biết ơn chứ không phải là tỏ thái độ đang làm ơn cho cha mẹ, điều đó sẽ khiến cho cha mẹ càng buồn lòng hơn. Bởi vì vốn dĩ khi cha mẹ nuôi chúng ta khôn lớn nào có tính toán thiệt hơn, trong đó chỉ toàn là tình thương mà thôi. "Ơn cha bóng núi âm thầm, Nghĩa mẹ lặng lẽ nước sông đầu nguồn. Một đời dãi nắng dầm sương, Nuôi con khôn lớn tình thương dạt dào." Nhưng mà không phải cứ biếu tiền hay quà tặng cho cha mẹ mới thể hiện lòng hiếu thảo. Có những thứ vốn rất giản dị, khi bạn có món gì ngon ngon, món gì mới lạ mà bạn biết rằng cha mẹ mình chưa thử hoặc những món cha mẹ thích, dù đó chỉ là một tô canh đạm bạc thì cha mẹ cũng sẽ vui vẻ khi con cái mang qua cho mình. Hay khi nghe tin cha mẹ ốm đau, bệnh tật, bạn vội vàng chạy đến thăm hỏi, chăm sóc, vậy là được rồi. Đó chính là lòng hiếu thảo. "Tu đâu cho bằng tu nhà, Thờ cha kính mẹ mới chân tu." Cũng đã gần đến Lễ Vu Lan, đây là một dịp để nhắc nhở các thế hệ con cháu luôn nhớ tới công ơn sinh thành và dưỡng dục của ông bà, cha mẹ cũng như tổ tiên và các bậc anh hùng dân tộc đã có công với đất nước. Lễ Vu Lan báo hiếu càng trở nên ý nghĩa và xúc động khi mỗi người được cài lên ngực một bông hoa có lá, màu sắc của bông hoa và của chiếc lá là sự tượng trưng cho niềm vui hay nỗi buồn, cho tình thương hay sự tưởng niệm, cho lòng biết ơn hay sự hối tiếc. Trong cuộc sống nhộn nhịp ngày nay có rất nhiều giá trị văn hóa tuy vẫn được duy trì nhưng lại phần nào bị lây nhiễm và biến chất, lòng hiếu thảo và đạo làm con vẫn luôn tồn tại nhưng có lẽ cũng bị nhịp sống bận rộn làm ảnh hưởng. Mong rằng không chỉ Lễ Vu Lan mà tất cả những ngày trong năm, mỗi người vẫn luôn cố gắng báo hiếu cho ông bà, cha mẹ, cho người có ơn sinh thành, nuôi dưỡng ta nên người.