Buttermilk là gì? Những công dụng tuyệt vời từ Buttermilk Buttermilk là nguyên liệu được sử dụng nhiều trong các công thức nấu ăn và làm bánh nên khá quen thuộc với chị em nội trợ. Thế nhưng vẫn còn khá nhiều người chưa biết gì về Buttermilk. Vì thế chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem Buttermilk là gì? Những công dụng tuyệt vời từ Buttermilk cũng như cách làm Buttermilk tại nhà để có thể áp dụng khi cần nhé. Buttermilk là gì? Buttermilk là nguyên liệu có dạng lỏng được làm từ sữa lên men, được sử dụng khá phổ biến trong nấu ăn cũng như làm bánh. Buttermilk thường có vị chua do sự lên men của các vi khuẩn nhưng lại khác rất nhiều so với sữa chua. Buttermilk là sản phẩm thu được trong quá trình sản xuất bơ. Cụ thể, theo công thức truyền thống, buttermilk được sản xuất bằng cách tách bơ ra khỏi kem tươi và thu lại phần sữa được tách ra, phần sữa được tách ra này chính là buttermilk. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng buttermilk ngày càng cao nên các nhà sản xuất đã nghiên cứu ra phương pháp sản xuất buttermilk đơn giản hơn. Đó là thêm men vi khuẩn acid latic vào sữa tươi, hoạt động của vi khuẩn sẽ giúp sữa tươi biến đổi thành buttermilk. Buttermilk chứa nhiều thành phần có giá trị dinh dưỡng cao như: Các loại vitamin A, D, B12; canxi, protein, photpho, selen, kali và các chế phẩm sinh học rất tốt cho sức khỏe. Vì thế, buttermilk không chỉ giúp làm tăng hương vị cho món ăn mà còn bổ sung nhiều dưỡng chất cho cơ thể. Công dụng của Buttermilk trong chế biến món ăn Thay thế sữa trong công thức bánh: Buttermilk là sản phẩm được làm từ sữa nên có thể được sử dụng để thay thế sữa trong một số món bánh như: Bánh scones, bánh biscuits, pancake, muffin, waffles. Không những vậy, việc thay thế này còn mang lại hương vị khá độc đáo và mới lạ cho các món bánh trên. Thay thế wholemilk/ cream trong kem: Khi làm kem, buttermilk có thể thay thế hoàn toàn cho wholemilk hoặc cream mà không đánh mất đi hương vị thơm ngon của kem. Vì thế, nếu cần làm kem nhưng không thể mua được wholemilk hoặc cream thì có thể sử dụng buttermilk. Sử dụng thay một phần yogurt trong smoothie: Yogurt thường được sử dụng khi chế biến smoothie, nhằm giúp hương vị của các loại smoothie thơm ngon và độc đáo hơn. Tuy nhiên bạn sử dụng buttermilk thay thế cho một nửa lượng yogurt sẽ có được món smoothie với hương vị mới mẻ hơn. Thay thế wholemilk/ cream trong món súp: Buttermilk còn có thể thay thế wholemilk/ cream để tạo độ sánh đặc cho món súp. Với món ăn này, cần để buttermilk ở nhiệt độ phòng, sau đó cho vào món súp khi đã nấu xong và được nhấc ra khỏi bếp (nhiệt độ khoảng 80 độ C) là bạn đã có được món súp sánh đặc, thơm ngon. Làm mềm thịt: Buttermilk không chỉ là một phần trong công thức nấu ăn, làm bánh mà còn có khả năng làm mềm thịt. Do đó, buttermilk được sử dụng nhiều trong quá trình ướp các loại thịt như: Thịt heo, thịt bò, thịt gà. Là một phần nguyên liệu của bánh mì: Bánh mì được làm với buttermilk có hương vị đặc biệt hơn khi được làm với sữa tươi thông thường. Lợi ích của Buttermilk đối với sức khỏe Buttermilk chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi, nên không chỉ có công dụng trong việc chế biến món ăn mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Dưới đây là một vài tác dụng đối với sức khỏe của buttermilk: Hỗ trợ giảm cân: Buttermilk có thể làm giảm cảm giác đầy bụng sau khi ăn nhiều chất béo. Khi cảm thấy đầy bụng do ăn nhiều chất béo, bạn chỉ cần uống một cốc buttermilk sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhiều. Bởi vì trong buttermilk có chứa men vi sinh probiotic hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn, từ đó giúp việc giảm cân trở nên dễ dàng hơn. Bổ sung canxi cho xương chắc khỏe: Buttermilk chứa hàm lượng canxi cao cùng với vitamin D – là một chất xúc tác cực kỳ quan trọng giúp cơ thể hấp thụ canxi nhanh chóng và hiệu quả. Việc bổ sung và hấp thụ tốt canxi sẽ giúp hệ xương khớp và răng thêm chắc khỏe. Giảm tình trạng trào ngược dạ dày thực quản: Buttermilk là một dạng sữa lên men nên rất giàu lợi khuẩn probiotic - lợi khuẩn này giúp hỗ trợ khả năng tiêu hóa và ngăn chặn sự sinh trưởng của hại khuẩn gây nhiễm trùng đường tiêu hóa. Hơn thế nữa, probiotic có trong buttermilk còn giúp chống lại tình trạng trào ngược acid dạ dày thực quản. Ngăn ngừa cao huyết áp và ung thư: Do thành phần giàu protein, kali và vitamin B nên buttermilk có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện giấc ngủ. Đồng thời protein có trong buttermilk là protein có hoạt tính sinh học rất cao, có thể làm giảm cholesterol, ngăn ngừa cao huyết áp, kháng khuẩn và giúp giảm thiểu nguy cơ ung thư. Hướng dẫn cách làm Buttermilk đơn giản tại nhà Buttermilk là nguyên liệu khá khó mua ở Việt Nam, vì thế để có thể sử dụng ngay khi cần thiết chúng ta có thể tự làm buttermilk tại nhà. Dưới đây là hướng dẫn cách làm buttermilk đơn giản mà bạn có thể dễ dàng thực hiện tại nhà: Chuẩn bị nguyên liệu: 2 chén kem Whipping Cream, 2 thìa canh sữa chua không đường, nửa thìa cà phê muối. Các bước thực hiện buttermilk - Bước 1: Cho Whipping Cream, sữa chua không đường và muối vào bát, trộn đều. Phủ kín hỗn hợp trong bát bằng khăn sạch và ủ trong khoảng 12 – 24 giờ trong nhiệt độ phòng. Sau khi ủ xong thì cho hỗn hợp vào trong ngăn đá tủ lạnh làm lạnh trong khoảng 30 phút. - Bước 2: Sau khi đủ lạnh thì dùng máy đánh trứng đánh đều hỗn hợp ở tốc độ cao nhất. Chúng ta đánh hỗn hợp đến khi bơ và buttermilk tách ra. - Bước 3: Dùng vải lọc để vắt lấy phần bơ và tách được buttermilk, sau đó cho buttermilk vào bình. Lóc tiếp phần bơ vừa tách được qua vải một lần nữa để lấy phần buttermilk còn sót lại. Như vậy là chúng ta đã có được buttermilk và bơ từ kem tươi để làm bánh hoặc chế biến món ăn. Khuyến cáo khi sử dụng buttermilk Buttermilk mặc dù có lợi cho sức khỏe nhưng vẫn tồn tại một số rủi ro đối với người sử dụng, điển hình như: Có thể chứa nhiều natri Thực phẩm ít natri chỉ chứa khoảng 140mg natri trở xuống. Nhưng một cốc buttermilk (240ml) có thể chứa khoảng 300 – 500mg dưỡng chất này. Các sản phẩm sữa thường có hàm lượng natri tốt, nhưng việc tiêu thụ quá nhiều natri có thể liên quan đến nguy cơ cao huyết áp, đặc biệt là những ai đặc biệt nhạy cảm với muối. Nếu bạn nhạy cảm với muối ăn thì ăn nhiều natri có thể gây ảnh hưởng đến tim mạch, thận, não và mạch máu. Có thể gây dị ứng hay vấn đề về tiêu hóa Buttermilk có chứa đường sữa – lactose, và có một số người không thể dung nạp loại đường này. Mặc dù bơ sữa dường như dễ tiêu hóa hơn, nhưng với những người mắc chứng bất dung nạp lactose có thể phát sinh một số triệu chứng như: Dạ dày khó chịu, tiêu chảy, đầy hơi. Còn với những người dị ứng với sữa thì có thể gặp phải một số triệu chứng như: Nôn mửa, khò khè, nổi mề đay, đau dạ dày hay thậm chí là sốc phản vệ ở một số người. Trên đây là những thông tin bổ ích về buttermilk là gì, những công dụng và cách làm buttermilk tại nhà. Hy vọng các bạn có thể làm được những món ăn ngon miệng với buttermilk. Tuy nhiên những ai bị dị ứng với sữa hoặc mắc chứng bất dung nạp lactose nên cân nhắc khi sử dụng loại thực phẩm này nhé.