Buông rèm nhiếp chính là cụm từ thường được nhắc đến trong ghi chép lịch sử hay phim ảnh cổ trang. Vậy cụm từ này có ý nghĩa như thế nào? "Buông rèm" là chỉ sự ẩn thân, giấu mặt. Những người nhiếp chính khi tham gia vào triều chính thường không tiện ra mặt vì lý do riêng, họ thường ngồi sau rèm che để nghe luận bàn. "Nhiếp" là thay thế, "chính" là chính sự hay việc nước. Ý nghĩa cả câu: Buông rèm nhiếp chính là cụm từ để chỉ một hình thức điều hành mà người đó không tiện ra mặt thay người đứng đầu. Nói cho dễ hiểu, trong triều đình phong kiến thời xưa, có những vị vua lên ngôi khi còn rất nhỏ (khoảng từ 3 đến 8 tuổi). Vì vua còn nhỏ chưa am hiểu việc nước và không thể xử lý quốc sự nên lúc này sẽ có những người quyền thế được giao nhiệm vụ nhiếp chính. Vì người đứng đầu vẫn còn và lý do về thân phận, họ không thể công khai mà sẽ giấu mặt sau rèm nghe luận bàn việc nước và thay vua quyết định triều chính. Những người nhiếp chính thường là Hoàng thái hậu (mẹ vua) hay Nhiếp chính vương và các Đại thần phụ chính. Đó là trường hợp vua còn quá nhỏ cần người đứng ra phía sau giúp đỡ chính sự. Tuy nhiên cũng có trường hợp vua trở thành con rối và không nắm thực quyền. Lúc này quyền lực thuộc về người nhiếp chính và ở sau màn thay vua điều khiển đất nước. Trên danh nghĩa vua vẫn là quân chủ và nắm giữ triều đình. Vậy nên khi vừa đã lớn và thông thạo chính sự thì người nhiếp chính phải hạ rèm và lui về, trả lại quyền lực cho vua. Cũng vì lý do mẹ vua có thể buông rèm nhiếp chính và các quan thần lợi dụng vua còn nhỏ mà tiếm quyền nên hoàng thất rất đề phòng ngoại tộc và bề tôi. Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, hiện tượng buông rèm nhiếp chính vẫn xuất hiện. Ví như thời Lý của nước Đại Việt, khi vua Lý Thánh Tông qua đời, Thái tử Càn Đức mới 6 tuổi lên ngôi. Vua còn nhỏ chưa thể bàn chính sự, Hoàng đích mẫu của vua là bà Thượng Dương Thái hậu làm phụ chính. Sau bà Thượng Dương là bà Linh Nhân Thái hậu (Nguyên phi Ỷ Lan) buông rèm nhiếp chính. Ngày nay, hiện tượng buông rèm nhiếp chính vẫn còn xuất hiện trong các hoàng gia thuộc chế độ quân chủ nhưng với hình thức kín đáo hơn. Ảnh minh họa Thái hậu Thượng Dương thời Lý.